Quyết định 3639/QĐ-UBND

Quyết định 3639/QĐ-UBND do UBND TP.Hồ Chí Minh ban hành ngày 16 tháng 07 năm 2012 phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn trong lĩnh vực phi nông nghiệp trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020".

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

---------------
Số: 3639/QĐ-UBND

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

----------------

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 16 tháng 7 năm 2012

QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “ĐÀO TẠO NGHỀ CHO LAO ĐỘNG NÔNG THÔN TRONG LĨNH VỰC
PHI NÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ ĐẾN NĂM 2020”

------------------------

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27 tháng 11 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 16 tháng 4 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới;

Căn cứ Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04 tháng 6 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020;

Căn cứ Thông tư liên tịch số 112/2010/TTLT-BTC-BLĐTBXH ngày 30 tháng 7 năm 2010 của Bộ Tài chính và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” ban hành theo Quyết định số1956/QĐ-TTg ngày 27 tháng 11 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ;

Căn cứ Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 12 tháng 7 năm 2011, Hội nghị lần thứ 5 của Thành ủy khóa IX;

Căn cứ Quyết định số 10/2009/QĐ-UBND ngày 22 tháng 01 năm 2009 của Ủy ban nhân dân Thành phố về ban hành Kế hoạch của Ủy ban nhân dân Thành phố thực hiện Chương trình hành động của Thành ủy về nông nghiệp, nông dân, nông thôn theo Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 05 tháng 8 năm 2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X;

Căn cứ Quyết định số 5930/QĐ-UBND ngày 28 tháng 12 năm 2009 của Ủy ban nhân dân Thành phố phê duyệt “quy hoạch sản xuất nông nghiệp phát triển nông thôn Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2025”;

Căn cứ Quyết định số 13/2011/QĐ-UBND ngày 09 tháng 3 năm 2011 của Ủy ban nhân dân Thành phố phê duyệt Chương trình chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị trên địa bàn thành phố giai đoạn 2011 - 2015;

Căn cứ Quyết định số 15/2011/QĐ-UBND ngày 18 tháng 3 năm 2011 của Ủy ban nhân dân Thành phố về việc ban hành Chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2010 - 2020;

Xét đề nghị của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tại Công văn số 5293/LĐTBXH-DN ngày 31 tháng 5 năm 2012 về việc phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn trong lĩnh vực phi nông nghiệp trên địa bàn thành phố đến 2020”,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Nay phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn trong lĩnh vực phi nông nghiệp trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020”.

Điều 2. Giao Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các Sở - ngành liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện, các cơ quan, đơn vị, các cơ sở đào tạo, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố triển khai thực hiện Đề án này; tập trung nghiên cứu đề xuất giải pháp, chính sách dạy các nghề phục vụ sản xuất phi nông nghiệp nhằm nâng cao chất lượng lao động nông nghiệp, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế trong quá trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

- Ủy ban nhân dân các huyện: xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án hàng năm; phối hợp, huy động các cơ sở đào tạo trên địa bàn có đủ điều kiện dạy nghề cho lao động nông thôn theo chính sách của Đề án này; chỉ đạo các cơ quan tuyên truyền của huyện có chuyên mục tuyên truyền về đào tạo nghề cho lao động nông thôn trong lĩnh vực phi nông nghiệp.

- Hàng năm, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban nhân dân các huyện và Sở, ngành liên quan cân đối, đề xuất Ủy ban nhân dân Thành phố phân bổ kế hoạch vốn đầu tư, dự toán chi ngân sách đảm bảo tiến độ đào tạo nghề cho lao động nông thôn trong lĩnh vực phi nông nghiệp tại các xã xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố giai đoạn 2012 - 2015 và 2016 - 2020.

Điều 3. Các chính sách quy định trong Đề án này sẽ được điều chỉnh cho phù hợp với sự biến động của giá cả và biến động kinh tế - xã hội hàng năm và từng thời kỳ, do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với Sở Tài chính và Sở Kế hoạch và Đầu tư đề xuất trình Ủy ban nhân dân Thành phố.

Điều 4. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 5. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân Thành phố, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Sở Công Thương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, Thủ trưởng các Sở, ngành liên quan, cơ quan đoàn thể thành phố, các trường dạy nghề, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH

(đã ký)

Lê Minh Trí

ĐỀ ÁN
ĐÀO TẠO NGHỀ CHO LAO ĐỘNG NÔNG THÔN TRONG LĨNH VỰC PHI NÔNG NGHIỆP
TẠI CÁC XÃ XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ ĐẾN NĂM 2020

(Ban hành kèm theo Quyết định số 3639/QĐ-UBND ngày 16 tháng 7 năm 2012 của Ủy ban nhân dân Thành phố)

I. SỰ CẦN THIẾT VÀ CƠ SỞ PHÁP LÝ CỦA ĐỀ ÁN

1. Sự cần thiết:

Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm về nhiều mặt của cả nước, kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng nhanh tỷ trọng các ngành dịch vụ giá trị gia tăng cao, các ngành công nghiệp hàm lượng công nghệ cao, đặt ra nhu cầu lao động được đào tạo ngày càng chất lượng hơn.

Do chuyển dịch cơ cấu kinh tế, vùng nông thôn cũng đang phát triển đô thị hóa với tốc độ lớn, tỷ lệ đất nông nghiệp thu hẹp dần, một bộ phận đáng kể lao động nông thôn phải chuyển đổi nghề nghiệp sang khu vực phi nông nghiệp; số còn lại phải thay đổi kỹ thuật sản xuất theo hướng nông nghiệp đô thị và các dịch vụ khác. Do đó lao động nông thôn phải được đào tạo, trong đó tập trung đào tạo nghề để thích ứng với yêu cầu mới trong phát triển kinh tế xã hội của thành phố, nhất là khu vực ngoại thành.

2. Cơ sở pháp lý của đề án

- Quyết định số 491/2009/QĐ-TTg ngày 16 tháng 4 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới;

- Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27 tháng 11 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”;

- Thông tư liên tịch số 112/2010/TTLT-BTC-BLĐTBXH ngày 30 tháng 7 năm 2010 của Bộ Tài chính và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” ban hành theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27 tháng 11 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ;

- Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04 tháng 6 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới 2010 - 2020;

- Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 12 tháng 7 năm 2011, Hội nghị lần thứ 5 Thành ủy khóa IX, trong đó nêu chỉ tiêu phấn đấu hoàn thành sớm chương trình xây dựng nông thôn mới tại 58/58 xã giai đoạn 2011 - 2015;

- Quyết định số 15/2011/QĐ-UBND ngày 18 tháng 3 năm 2011 của Ủy ban nhân dân Thành phố về Chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2010 - 2020;

- Kế hoạch số 1352/KH-UBND ngày 28 tháng 3 năm 2011 của Ủy ban nhân dân Thành phố về triển khai thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTg về dạy nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020;

II. THỰC TRẠNG DẠY NGHỀ CHO LAO ĐỘNG NÔNG THÔN

Tình hình kinh tế xã hội khu vực nông thôn tại Thành phố Hồ Chí Minh trong những năm qua được cải thiện đáng kể; nhiều vùng đã đô thị hóa nhanh; lao động nông thôn nhất là thanh niên có nhiều điều kiện và khả năng tiếp cận yêu cầu phát triển của thành phố; người lao động chủ động hơn trong học văn hóa, học nghề; không chỉ học nghề tại địa phương mà còn tìm đến các cơ sở dạy nghề lớn tại trung tâm thành phố để theo học. Hiện có 20 trường và trung tâm tham gia đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn thành phố, trong đó 05 trung tâm dạy nghề và 02 trường trung cấp nghề trên địa bàn là đơn vị chủ lực trong việc thực hiện dạy nghề cho lao động nông thôn. Các đơn vị khác cùng tham gia dạy nghề cho lao động nông thôn: Trường Trung cấp Kỹ thuật Nông nghiệp thành phố, Trung tâm khuyến nông thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn được Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới thành phố chọn là đơn vị dạy nghề chính tại 06 xã nông thôn mới.

1. Về phạm vi dạy nghề:

- Lĩnh vực các nghề cho lao động trực tiếp sản xuất: chăn nuôi; sinh vật cảnh; Cá cảnh - Nuôi trồng thủy sản; Kỹ thuật trồng chăm sóc hoa lan cây cảnh; trồng rau sạch; làm muối; …

- Lĩnh vực các nghề dịch vụ cho sản xuất nông nghiệp: Thú y; Bảo vệ thực vật; Giống và vật tư nông nghiệp; Khuyến nông, lâm, ngư; Chế biến bảo quản nông, lâm, thủy sản; Quản lý vận hành và khai thác công trình thủy lợi; Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; Quản lý sản xuất nông nghiệp; Tín dụng nông thôn.

- Dạy nghề phi nông nghiệp (phục vụ cho các vùng có tốc độ đô thị hóa cao): Cơ điện nông thôn, kế toán, kinh tế kỹ thuật và các nghề phục vụ nhu cầu phát triển sản xuất kinh doanh địa phương như: Sửa chữa ô tô, lái xe, điện công nghiệp - dân dụng, điện lạnh, may công nghiệp, thẩm mỹ...

2. Kết quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo chính sách của Quyết định1956/QĐ-TTg và chương trình xây dựng nông thôn mới:

- Năm 2010 và năm 2011: Tổng số: 11.565 người, tỷ lệ có việc làm sau đào tạo là 52%.

- Giúp lao động nông thôn cơ hội việc làm và chuyển đổi nghề nghiệp (làm việc tại các doanh nghiệp, cùng nhau tạo việc làm hoặc tự tạo việc làm); thay đổi kỹ thuật và thói quen lao động nông nghiệp, giảm thời gian nông nhàn, tăng hiệu quả sử dụng lao động.

- Các nghề được đào tạo phần lớn đáp ứng nhu cầu sử dụng của người lao động, nhu cầu phát triển của địa phương, của xã hội nên đã tạo thuận lợi cho học viên khi tìm việc làm, nâng cao thu nhập; góp phần giúp địa phương giảm dần số thất nghiệp do không còn đất canh tác, chuyển đổi cơ cấu lao động.

- Sau khi được đào tạo, người lao động đã biết tự xử lý (chăm sóc ban đầu, chọn con giống, thuốc trị bệnh thông thường cho vật nuôi - cây trồng) những vấn đề trong chăn nuôi, trồng trọt; nâng cao nhận thức, hiểu biết, áp dụng được nhiều yếu tố kỹ thuật (giữ ẩm, hạn chế sâu rầy, nâng cao năng suất...).

- Ngoài những thuận lợi và kết quả nêu trên, việc tổ chức dạy nghề cho lao động nông thôn cũng còn những khó khăn nhất định:

+ Tâm lý chưa tích cực học nghề; ý thức học nghề của học viên là lao động nông thôn tại một số địa phương còn hạn chế, còn có tư tưởng ỷ lại vào sự hỗ trợ của nhà nước nên còn xảy ra tình trạng bỏ học giữa chừng.

+ Công tác tuyên truyền, vận động lao động nông thôn tham gia học nghề chưa mạnh và hiệu quả.

+ Công tác tư vấn còn lúng túng trong việc xác định nghề đào tạo. Mặt khác, hoàn cảnh gia đình khó khăn của lao động nông thôn (ban ngày phải đi mưu sinh, nơi ở phân tán hoặc vào thời vụ...) nên không thể tổ chức học tập trung mà phải tổ chức dạy nghề lưu động, dạy trực tiếp tại địa bàn, dạy theo nhu cầu thời gian mà người nông dân có thể học, do đó phần nào hạn chế hiệu quả.

- Trong giai đoạn tiếp theo cần tiếp tục huy động các cơ sở đào tạo tại các địa phương thuộc đối tượng của Đề án để tham gia dạy nghề, bao gồm tổng cộng 71 cơ sở dạy nghề - trong đó có 5 trường Cao đẳng nghề; 6 trường Trung cấp nghề; 20 Trung tâm dạy nghề; 10 trường Cao đẳng, Trung cấp chuyên nghiệp có dạy nghề với năng lực đào tạo hàng năm: 4.000 sinh viên cao đẳng nghề, 7.000 học sinh trung cấp nghề, 30.000 học viên sơ cấp nghề và dạy nghề thường xuyên chương trình không chính quy với nhiều ngành nghề.

Đánh giá bài viết
1 226
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi