Nghị định 94/2022/NĐ-CP quy định nội dung và quy trình biên soạn chỉ tiêu thống kê

Nghị định số 94/2022/NĐ-CP

Phó thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái vừa kí ban hành Nghị định 94/2022/NĐ-CP ngày 07/11/2022 về việc quy định nội dung chỉ tiêu thống kê thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia và quy trình biên soạn chỉ tiêu thống kê trong nước, chỉ tiêu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Theo đó quy trình biên soạn chỉ tiêu tổng sản phẩm trong nước, chỉ tiêu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương bao gồm 6 bước:

1. Thu thập thông tin đầu vào phục vụ biên soạn GDP, GRDP.

2. Tính các chỉ tiêu phục vụ biên soạn GDP, GRDP.

3. Biên soạn số liệu GDP, GRDP.

4. Rà soát, đánh giá lại GDP, GRDP.

5. Công bố, phổ biến số liệu GDP, GRDP.

6. Lưu trữ số liệu GDP, GRDP....

Nghị định 94/2022/NĐ-CP

CHÍNH PHỦ

______

Số: 94/2022/NĐ-CP

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

_________________________

Hà Nội, ngày 07 tháng 11 năm 2022

NGHỊ ĐỊNH
Quy định nội dung chỉ tiêu thống kê thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia và quy trình biên soạn chỉ tiêu tổng sản phẩm trong nước, chỉ tiêu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương

_____________

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Thống kê ngày 23 tháng 11 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều và Phụ lục Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê ngày 12 tháng 11 năm 2021;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư;

Chính phủ ban hành Nghị định quy định nội dung chỉ tiêu thống kê thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia và quy trình biên soạn chỉ tiêu tổng sản phẩm trong nước, chỉ tiêu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Nghị định này quy định nội dung chỉ tiêu thống kê thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia và quy trình biên soạn chỉ tiêu tổng sản phẩm trong nước (GDP), chỉ tiêu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (GRDP).

2. Nghị định này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin, thực hiện hoạt động thống kê và sử dụng thông tin thống kê nhà nước.

Điều 2. Nội dung chỉ tiêu thống kê thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia

1. Nội dung của mỗi chỉ tiêu thống kê gồm: Khái niệm, phương pháp tính, phân tổ chủ yếu, kỳ công bố, nguồn số liệu của chỉ tiêu thống kê và cơ quan chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp.

2. Nội dung chỉ tiêu thống kê thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia quy định tại Phụ lục I kèm theo Nghị định này.

Điều 3. Quy trình biên soạn chỉ tiêu tổng sản phẩm trong nước, chỉ tiêu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương

Quy trình biên soạn chỉ tiêu GDP, GRDP gồm 6 bước như sau:

1. Thu thập thông tin đầu vào phục vụ biên soạn GDP, GRDP.

2. Tính các chỉ tiêu phục vụ biên soạn GDP, GRDP.

3. Biên soạn số liệu GDP, GRDP.

4. Rà soát, đánh giá lại GDP, GRDP.

5. Công bố, phổ biến số liệu GDP, GRDP.

6. Lưu trữ số liệu GDP, GRDP.

Điều 4. Nguyên tắc biên soạn chỉ tiêu tổng sản phẩm trong nước, chỉ tiêu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương

1. Bảo đảm thực hiện tập trung, thống nhất tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê).

2. Bảo đảm tính thống nhất và minh bạch trong biên soạn, công bố số liệu GDP, GRDP; đáp ứng việc tiếp cận, khai thác, sử dụng số liệu GDP, GRDP dễ dàng, thuận tiện và bình đẳng.

3. Bảo đảm tính đồng bộ, hệ thống và kết nối ở tất cả các bước của quy trình biên soạn.

4. Bảo đảm tính logic, tương thích, phù hợp giữa số liệu GDP, GRDP và các chỉ tiêu vĩ mô khác.

Điều 5. Phạm vi số liệu chỉ tiêu tổng sản phẩm trong nước, chỉ tiêu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương

1. Số liệu GDP được biên soạn trên phạm vi toàn quốc.

2. Số liệu GRDP được biên soạn trên phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

3. Số liệu biên soạn gồm số liệu ước tính, số liệu sơ bộ và số liệu chính thức.

Điều 6. Phương pháp, kỳ biên soạn chỉ tiêu tổng sản phẩm trong nước, chỉ tiêu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương

1. Số liệu GDP được biên soạn theo phương pháp sản xuất, phương pháp sử dụng đối với kỳ quý, 6 tháng, 9 tháng, năm; phương pháp thu nhập đối với kỳ 5 năm.

2. Số liệu GRDP biên soạn theo phương pháp sản xuất đối với kỳ quý, 6 tháng, 9 tháng, năm.

3. Các chỉ tiêu biên soạn chủ yếu gồm: Quy mô, cơ cấu và tốc độ tăng GDP, GRDP

Điều 7. Nguồn thông tin biên soạn chỉ tiêu tảng sản phẩm trong nước, chỉ tiêu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương

1. Thông tin do Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) trực tiếp thu thập, xử lý và tổng hợp.

2. Thông tin do bộ, ngành và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thu thập, xử lý và tổng hợp.

3. Thông tin do các tập đoàn, tổng công ty nhà nước xử lý và tổng hợp.

Điều 8. Thu thập thông tin đầu vào phục vụ biên soạn chỉ tiêu tổng sản phẩm trong nước, chỉ tiêu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương

1. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) trực tiếp thu thập thông tin; tổng hợp thông tin từ bộ, ngành, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và tập đoàn, tổng công ty nhà nước để biên soạn GDP, GRDP.

2. Bộ, ngành cung cấp thông tin phục vụ biên soạn GDP, GRDP theo quy định của chế độ báo cáo thống kê cấp quốc gia.

3. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cung cấp thông tin phục vụ biên soạn GDP, GRDP theo Biểu số 01/TKQG, Biểu số 02/TKQG, Biểu số 03/NLTS, Biểu số 04/NLTS, Biểu số 05/CNXD và Biểu số 06/TMDV quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này.

4. Tập đoàn, tổng công ty nhà nước cung cấp thông tin phục vụ biên soạn GDP, GRDP theo Biểu số 01/TCT, Biểu số 02/TCT, Biểu số 03/TCT, Biểu số 04/TCT, Biểu số 05/TCT, Biểu số 06/TCT, Biểu số 07/TCT, Biểu số 08/TCT, Biểu số 09/TCT và Biểu số 10/TCT quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này.

Điều 9. Tính các chỉ tiêu phục vụ biên soạn tổng sản phẩm trong nước, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương

Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) thực hiện:

1. Tổng hợp, xử lý thông tin đầu vào đã được thu thập ở Điều 8 Nghị định này.

2. Tính các chỉ tiêu theo phạm vi cả nước gồm:

a) Tích lũy tài sản;

b) Tiêu dùng cuối cùng;

c) Trị giá hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu;

d) Trị giá dịch vụ xuất khẩu, nhập khẩu;

đ) Giá trị sản xuất;

e) Chi phí trung gian;

g) Hệ thống chỉ số giá;

h) Thuế sản phẩm, trợ cấp sản phẩm và các chỉ tiêu thống kê khác.

2. Tính các chỉ tiêu theo phạm vi vùng, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương gồm:

a) Giá trị sản xuất;

b) Chi phí trung gian;

c) Hệ thống chỉ số giá;

d) Thuế sản phẩm, trợ cấp sản phẩm và các chỉ tiêu thống kê khác.

3. Hoàn thiện, giải trình kết quả tính các chỉ tiêu phục vụ biên soạn GRDP sau khi thống nhất số liệu giữa trung ương và địa phương.

Điều 10. Biên soạn số liệu tổng sản phẩm trong nước, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương

Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) thực hiện biên soạn:

1. Số liệu GDP giá hiện hành và giá so sánh theo phương pháp sản xuất và phương pháp sử dụng; kiểm tra tính logic, tương thích giữa số liệu GDP với số liệu các chỉ tiêu vĩ mô khác có liên quan.

2. Số liệu GRDP giá hiện hành và giá so sánh theo phương pháp sản xuất; kiểm tra tính logic, tương thích giữa số liệu GRDP với số liệu GDP và các chỉ tiêu vĩ mô khác có liên quan; hoàn thiện, giải trình kết quả tính toán sau khi thống nhất số liệu GRDP giữa trung ương và địa phương.

Điều 11. Rà soát, đánh giá lại tổng sản phẩm trong nước, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương

1. Định kỳ hằng năm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) thực hiện rà soát GDP, GRDP.

2. Định kỳ 5 năm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) chủ trì, phối hợp với bộ, ngành và địa phương rà soát quy mô GDP, GRDP; báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội xem xét, quyết định về việc đánh giá lại quy mô GDP, GRDP.

3. Rà soát, đánh giá lại quy mô GDP, GRDP gồm 5 bước như sau:

a) Rà soát, cập nhật số liệu giá trị sản xuất;

b) Rà soát, hoàn thiện hệ thống chỉ số giá;

c) Rà soát, cập nhật hệ số chi phí trung gian;

d) Đánh giá lại quy mô GDP, GRDP theo giá trị sản xuất, hệ thống chỉ số giá và hệ số chi phí trung gian đã được rà soát;

đ) Hoàn thiện kết quả đánh giá lại số liệu GDP, GRDP.

Điều 12. Công bố, phổ biến số liệu chỉ tiêu tổng sản phẩm trong nước, chi tiêu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương

1. Số liệu GDP được công bố như sau:

a) Số liệu ước tính quý I: Ngày 29 tháng 3 hàng năm;

b) Số liệu ước tính quý II và 6 tháng; sơ bộ quý I: Ngày 29 tháng 6 hằng năm;

c) Số liệu ước tính quý III và 9 tháng; sơ bộ quý II và 6 tháng: Ngày 29 tháng 9 hằng năm;

d) Số liệu ước tính quý IV và cả năm; sơ bộ quý III và 9 tháng: Ngày 29 tháng 12 hằng năm;

đ) Số liệu sơ bộ quý IV và cả năm: Ngày 29 tháng 3 năm kế tiếp;

e) Số liệu chính thức cả năm và theo quý của năm báo cáo: Ngày 29 tháng 9 của năm thứ hai kế tiếp sau năm báo cáo.

2. Số liệu GRDP được công bố như sau:

a) Số liệu ước tính quý I: Ngày 25 tháng 3 hằng năm;

b) Số liệu ước tính quý II và 6 tháng; sơ bộ quý I: Ngày 29 tháng 5 hàng năm;

c) Số liệu ước tính quý III và 9 tháng; sơ bộ quý II và 6 tháng: Ngày 25 tháng 9 hằng năm;

d) Số liệu ước tính quý IV và cả năm; sơ bộ quý III và 9 tháng: Ngày 25 tháng 11 hằng năm;

đ) Số liệu sơ bộ quý IV và cả năm: Ngày 25 tháng 3 năm kế tiếp;

e) Số liệu chính thức cả năm và theo quý của năm báo cáo: Ngày 29 tháng 9 của năm thứ hai kế tiếp sau năm báo cáo.

3. Số liệu GDP, GRDP đã được công bố phải được phổ biến kịp thời, đầy đủ, rộng rãi, công khai và minh bạch.

Điều 13. Lưu trữ số liệu tổng sản phẩm trong nước, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương

Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) số hóa, lưu trữ tập trung số liệu GDP, GRDP và số liệu các chỉ tiêu phục vụ biên soạn GDP, GRDP.

Điều 14. Tổ chức thực hiện

1. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) chủ trì, phối hợp với bộ, ngành và địa phương:

a) Xây dựng, hoàn thiện các hình thức thu thập thông tin của các chỉ tiêu thống kê thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia;

b) Thu thập, tổng hợp, công bố thông tin thống kê thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia bảo đảm cung cấp số liệu thống kê đầy đủ, chính xác, kịp thời và đáp ứng yêu cầu so sánh quốc tế;

c) ứng dụng công nghệ thông tin trong thu thập, khai thác, tổng hợp và biên soạn các chỉ tiêu thống kê quốc gia; quy trình biên soạn GDP, GRDP;

d) Hướng dẫn, kiểm tra và báo cáo kết quả thực hiện hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia; hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ thực hiện quy trình biên soạn GDP, GRDP và rà soát, đánh giá lại quy mô GDP, GRDP.

2. Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các cơ quan có liên quan:

a) Xây dựng, hoàn thiện các hình thức thu thập thông tin chỉ tiêu thống kê thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia được phân công;

b) Thu thập, tổng hợp, biên soạn các chỉ tiêu thống kê quốc gia được phân công;

c) Chia sẻ dữ liệu hành chính với cơ quan thống kê trung ương; chú trọng xây dựng, ký kết, thực hiện có hiệu quả quy chế trao đổi, chia sẻ thông tin giữa cơ quan thống kê trung ương với thống kê bộ, ngành;

d) ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng hệ thống báo cáo thống kê điện tử; gửi báo cáo số liệu thống kê cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) theo quy định của pháp luật về thống kê.

3. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương:

a) Chỉ đạo sở, ban, ngành thu thập, tổng hợp và cung cấp thông tin cho cơ quan thống kê cấp tỉnh;

b) Sử dụng thống nhất số liệu, thông tin thống kê do cơ quan thống kê công bố trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương;

c) ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng hệ thống báo cáo thống kê điện tử từ sở, ban, ngành cho cơ quan thống kê cấp tỉnh để thu thập, tổng hợp các chỉ tiêu thống kê quốc gia.

4. Tập đoàn, tổng công ty nhà nước có trách nhiệm thu thập, tổng hợp và cung cấp thông tin theo quy định của Nghị định này.

Điều 15. Hiệu lực thi hành

1. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2023.

2. Nghị định số 97/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ quy định nội dung chỉ tiêu thống kê thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia hết hiệu lực kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành.

Nơi nhận:

- Ban Bí thư Trung ương Đảng;

- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;

- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ ;

- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;

- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;

- Văn phòng Tổng Bí thư;

- Văn phòng Chủ tịch nước;

- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;

- Văn phòng Quốc hội;

- Tòa án nhân dân tối cao;

- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;

- Kiểm toán nhà nước;

- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;

- Ngân hàng Chính sách xã hội;

- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;

- Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;

- Cơ quan trung ương của các đoàn thể;

- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ cổng TTĐT,

các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;

- Lưu: VT, KTTH (2b)

TM. CHÍNH PHỦ

KT. THỦ TƯỚNG

PHÓ THỦ TƯỚNG

Lê Minh Khái

Phụ lục I

NỘI DUNG CHỈ TIÊU THỐNG KÊ THUỘC HỆ THỐNG CHỈ TIÊU THỐNG KÊ QUỐC GIA

(Kèm theo Nghị định số 94/2022/NĐ-CP ngày 07 tháng 11 năm 2022 của Chính phủ)

__________

01. Đất đai, dân số

0101. Diện tích và cơ cấu đất

1. Khái niệm, phương pháp tính

1.1. Diện tích đất

Tổng diện tích đất của đơn vị hành chính được xác định gồm toàn bộ diện tích các loại đất trong phạm vi đường địa giới của từng đơn vị hành chính đã được xác định theo quy định của pháp luật.

Diện tích đất của đơn vị hành chính được lấy theo số liệu do cơ quan tài nguyên môi trường có thẩm quyền công bố. Đối với các đơn vị hành chính có biển, diện tích tự nhiên của đơn vị hành chính đó gồm diện tích các loại đất của phần đất liền và các đảo, quần đảo trên biển tính đến đường mép nước biển thấp nhất trung bình trong nhiều năm. Tổng diện tích đất tự nhiên gồm nhiều loại đất khác nhau tùy theo tiêu thức phân loại. Thông thường diện tích đất được phân theo mục đích sử dụng, đối tượng quản lý và sử dụng đất.

(1) Diện tích đất theo mục đích sử dụng là diện tích phần đất có cùng mục đích sử dụng trong phạm vi của đơn vị hành chính gồm nhóm đất nông nghiệp, nhóm đất phi nông nghiệp và nhóm đất chưa sử dụng.

a) Nhóm đất nông nghiệp là đất sử dụng vào mục đích sản xuất, nghiên cứu, thí nghiệm về nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối và bảo vệ, phát triển rừng. Gồm các loại đất:

- Đất trồng cây hàng năm gồm đất trồng lúa và đất trồng cây hàng năm khác;

- Đất trồng cây lâu năm;

- Đất rừng sản xuất;

- Đất rừng phòng hộ;

- Đất rừng đặc dụng;

- Đất nuôi trồng thủy sản là đất được sử dụng chuyên vào mục đích nuôi, trồng thủy sản nước lợ, nước mặn và nước ngọt;

- Đất làm muối là ruộng muối để sử dụng vào mục đích sản xuất muối;

- Đất nông nghiệp khác gồm đất sử dụng để xây dựng nhà kính và các loại nhà khác phục vụ mục đích trồng trọt, kể cả các hình thức trồng trọt không trực tiếp trên đất; xây dựng chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại động vật khác được pháp luật cho phép; đất trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản cho mục đích học tập, nghiên cứu thí nghiệm; đất ươm tạo cây giống, con giống và đất trồng hoa, cây cảnh.

b) Nhóm đất phi nông nghiệp gồm các loại đất sử dụng vào mục đích không thuộc nhóm đất nông nghiệp, bao gồm: Đất ở; đất xây dựng trụ sở cơ quan; đất sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh; đất xây dựng công trình sự nghiệp; đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp; đất sử dụng vào mục đích công cộng; đất cơ sở tôn giáo; đất tín ngưỡng; đất làm nghĩa trang, nghĩa địa, nhà tang lễ, nhà hỏa táng; đất sông, ngòi, kênh, rạch, suối; đất có mặt nước chuyên dùng; đất phi nông nghiệp khác; cụ thể:

- Đất ở gồm đất ở tại nông thôn và đất ở tại đô thị:

+ Đất ở tại nông thôn là đất ở thuộc phạm vi địa giới hành chính các xã, trừ đất ở tại khu đô thị mới đã thực hiện theo quy hoạch phát triển các quận, thành phố, thị xã, thị trấn nhưng hiện tại vẫn thuộc xã quản lý.

+ Đất ở tại đô thị là đất ở thuộc phạm vi địa giới hành chính các phường, thị trấn, kể cả đất ở tại các khu đô thị mới đã được thực hiện thuộc phạm vi quy hoạch phát triển của các quận, thành phố, thị xã đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt nhưng đến thời điểm thống kê, kiểm kê vẫn do xã quản lý.

- Đất xây dựng trụ sở cơ quan gồm đất trụ sở cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội.

- Đất sử dụng mục đích quốc phòng, an ninh gồm đất sử dụng vào các mục đích quy định tại Điều 61 của Luật Đất đai.

- Đất xây dựng công trình sự nghiệp gồm đất xây dựng trụ sở của tổ chức sự nghiệp; đất xây dựng cơ sở văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục và đào tạo, thể dục thể thao, khoa học và công nghệ, ngoại giao và công trình sự nghiệp khác.

- Đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp gồm đất khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, đất thương mại, dịch vụ; đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp; đất sử dụng cho hoạt động khoáng sản; đất sản xuất vật liệu xây dựng, làm đồ gốm.

- Đất sử dụng vào mục đích công cộng gồm đất giao thông (đất cảng hàng không, sân bay, cảng đường thủy nội địa, cảng hàng hải, hệ thống đường sắt, hệ thống đường bộ và công trình giao thông khác); thủy lợi; đất có di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh; đất sinh hoạt cộng đồng, khu vui chơi giải trí công cộng; đất công trình năng lượng; đất công trình bưu chính, viễn thông; đất chợ; đất bãi thải, xử lý chất thải và đất công trình công cộng khác.

- Đất cơ sở tôn giáo gồm đất thuộc chùa, nhà thờ, nhà nguyện, thánh thất, thánh đường, niệm phật đường, tu viện, trường đào tạo riêng của tôn giáo; trụ sở của tổ chức tôn giáo và các cơ sở khác của tôn giáo được Nhà nước cho phép hoạt động.

- Đất tín ngưỡng bao gồm đất có các công trình đình, đền, miếu, am, từ đường, nhà thờ họ.

- Đất làm nghĩa trang, nghĩa địa, nhà tang lễ, nhà hỏa táng là đất để làm nơi mai táng tập trung, đất có công trình làm nhà tang lễ và công trình để hỏa táng.

- Đất sông, ngòi, kênh, rạch, suối là đất có mặt nước của các đối tượng thủy văn dạng tuyến không có ranh giới khép kín để tạo thành thửa đất được hình thành tự nhiên hoặc nhân tạo phục vụ cho mục đích thoát nước, dẫn nước.

- Đất có mặt nước chuyên dùng là đất có mặt nước của các đối tượng thủy văn dạng ao, hồ, đầm có ranh giới khép kín để hình thành thửa đất, thuộc phạm vi các đô thị và các khu dân cư nông thôn hoặc ngoài khu đô thị, khu dân cư nông thôn nhưng không sử dụng chuyển vào mục đích chuyên nuôi trồng thủy sản, thủy điện, thủy lợi.

- Đất phi nông nghiệp khác gồm đất làm nhà nghỉ, lán, trại cho người lao động trong cơ sở sản xuất; đất xây dựng kho và nhà để chứa nông sản, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, máy móc, công cụ phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và đất xây dựng công trình khác của người sử dụng đất không nhằm mục đích kinh doanh mà công trình đó không gắn liền với đất ở.

c) Nhóm đất chưa sử dụng gồm các loại đất chưa xác định mục đích sử dụng, cụ thể:

- Đất bằng chưa sử dụng là đất chưa sử dụng tại vùng bằng phẳng ở đồng bằng, thung lũng, cao nguyên.

- Đất đồi núi chưa sử dụng là đất chưa sử dụng trên đất dốc thuộc vùng đồi, núi.

- Núi đá không có rừng cây là đất chưa sử dụng ở dạng núi đá mà trên đó không có rừng cây.

(2) Diện tích đất theo tiêu thức đối tượng quản lý và sử dụng đất

- Đối tượng sử dụng đất là người được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất hoặc đang sử dụng đất chưa được nhà nước công nhận quyền sử dụng đất, gồm: Hộ gia đình, cá nhân trong nước; tổ chức trong nước; tổ chức nước ngoài; người Việt Nam định cư ở nước ngoài; cộng đồng dân cư và cơ sở tôn giáo; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

- Đối tượng được giao quản lý đất là tổ chức trong nước, cộng đồng dân cư, doanh nghiệp liên doanh, doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài được Nhà nước giao đất để quản lý trong các trường hợp quy định tại Điều 8 Luật Đất đai.

1.2. Cơ cấu đất

a) Cơ cấu diện tích đất theo mục đích sử dụng

Là tỷ trọng diện tích của phần đất có cùng mục đích sử dụng trong phạm vi diện tích tự nhiên của đơn vị hành chính, gồm: Tỷ trọng đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp và đất chưa sử dụng chiếm trong tổng diện tích tự nhiên.

b) Cơ cấu diện tích đất theo tiêu thức đối tượng quản lý và sử dụng đất

Là tỷ trọng diện tích của phần đất có cùng đối tượng sử dụng hoặc đối tượng được giao để quản lý trong phạm vi diện tích tư nhân của đơn vị hành chính, gồm: Tỷ trọng đất của cơ quan tổ chức, các đơn vị, cá nhân,... quản lý hoặc sử dụng chiếm trong tổng diện tích tự nhiên.

.......................

Thuộc tính Nghị định 94/2022/NĐ-CP

Cơ quan ban hành:Chính phủSố công báo:
Đã biết
Số hiệu:94/2022/NĐ-CPNgày đăng công báo:
Đã biết
Loại văn bản:Nghị địnhNgười ký:Lê Minh Khái
Ngày ban hành:07/11/2022Ngày hết hiệu lực:Đang cập nhật
Áp dụng:
Đã biết
Tình trạng hiệu lực:
Đã biết
Lĩnh vực:Tài chính-Ngân hàng

Văn bản pháp luật này thuộc lĩnh vực Tài chính - Ngân hàng được HoaTieu.vn cập nhật và đăng tải, mời các bạn sử dụng file tải về để lưu làm tài liệu sử dụng.

Bạn có thể tải về tập tin thích hợp cho bạn tại các liên kết dưới đây.
Thuộc tính văn bản
Cơ quan ban hành:Chính phủNgười ký:Lê Minh Khái
Số hiệu:94/2022/NĐ-CPLĩnh vực:Tài chính
Ngày ban hành:07/11/2022Ngày hiệu lực:01/01/2023
Loại văn bản:Nghị địnhNgày hết hiệu lực:Đang cập nhật
Tình trạng hiệu lực:Còn hiệu lực
Đánh giá bài viết
1 11
0 Bình luận
Sắp xếp theo