Nghị định 39/2017/NĐ-CP về quản lý thức ăn chăn nuôi, thủy sản

Tải về

Nghị định 39/2017/NĐ-CP về quản lý thức ăn chăn nuôi, thủy sản

Ngày 04/4/2017, Chính phủ ban hành Nghị định 39/2017/NĐ-CP về quản lý thức ăn chăn nuôi, thủy sản. Theo đó, thức ăn chăn nuôi, thủy sản được phép lưu hành tại Việt Nam phải đáp ứng các yêu cầu sau: Phải công bố tiêu chuẩn áp dụng theo quy định và có chất lượng phù hợp với tiêu chuẩn áp dụng; công bố hợp quy theo quy định tại quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng (nếu có); mỗi sản phẩm có một tiêu chuẩn chất lượng được công bố chỉ được đặt 01 tên thương mại tương ứng;...

CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 39/2017/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 04 tháng 4 năm 2017

NGHỊ ĐỊNH
VỀ QUẢN LÝ THỨC ĂN CHĂN NUÔI, THỦY SẢN

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật thủy sản ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật ngày 29 tháng 6 năm 2006;

Căn cứ Luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa ngày 21 tháng 11 năm 2007;

Căn cứ Luật đầu tư ngày 26 tháng 11 năm 2014;

Căn cứ Luật doanh nghiệp ngày 26 tháng 11 năm 2014;

Căn cứ Luật thú y ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Pháp lệnh giống vật nuôi ngày 24 tháng 3 năm 2004;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Chính phủ ban hành Nghị định về quản lý thức ăn chăn nuôi, thủy sản.

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định về điều kiện kinh doanh, sử dụng, khảo nghiệm, chứng nhận, kiểm tra và quản lý nhà nước về thức ăn chăn nuôi, thủy sản thương mại.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Nghị định này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài có hoạt động liên quan đến thức ăn chăn nuôi, thủy sản trên lãnh thổ Việt Nam.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Thức ăn chăn nuôi, thủy sản là những sản phẩm mà vật nuôi ăn, uống (hoặc bổ sung vào môi trường nuôi đối với thức ăn thủy sản) ở dạng tươi, sống hoặc đã qua chế biến, bảo quản, bao gồm thức ăn dinh dưỡng và thức ăn chức năng ở các dạng: Nguyên liệu, thức ăn đơn; thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh; thức ăn đậm đặc, thức ăn bổ sung, phụ gia thức ăn và các sản phẩm bổ sung vào môi trường nuôi (đối với thức ăn thủy sản) nhằm tạo thức ăn tự nhiên, ổn định môi trường nuôi, tăng hiệu quả sử dụng thức ăn.

a) Thức ăn chăn nuôi, thủy sản thương mại là các sản phẩm thức ăn chăn nuôi, thủy sản được sản xuất nhằm mục đích trao đổi, mua bán trên thị trường.

b) Thức ăn chăn nuôi, thủy sản sản xuất để tiêu thụ nội bộ là các sản phẩm thức ăn chăn nuôi, thủy sản do các cơ sở hoặc cá nhân tự phối trộn dùng cho nhu cầu chăn nuôi của nội bộ cơ sở, không trao đổi và mua bán trên thị trường.

c) Thức ăn chăn nuôi, thủy sản theo tập quán là các sản phẩm nông nghiệp, thủy sản, công nghiệp chế biến đã được người chăn nuôi sử dụng từ trước đến nay như: Thóc, gạo, cám, ngô, khoai, sắn, bã rượu, bã bia, bã sắn, bã dứa, rỉ mật đường, rơm, cỏ, tôm, cua, cá và các loại khác.

d) Thức ăn chăn nuôi, thủy sản mới là thức ăn lần đầu tiên được nhập khẩu, sản xuất tại Việt Nam có chứa hoạt chất mới chưa qua khảo nghiệm ở Việt Nam.

đ) Thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh là hỗn hợp của nhiều nguyên liệu thức ăn được phối chế theo công thức nhằm đảm bảo có đủ các chất dinh dưỡng để duy trì sự sống và khả năng sản xuất của vật nuôi theo từng giai đoạn sinh trưởng hoặc chu kỳ sản xuất.

e) Thức ăn đậm đặc là hỗn hợp các nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, thủy sản có hàm lượng các chất dinh dưỡng cao hơn nhu cầu vật nuôi và dùng để pha trộn với các nguyên liệu khác tạo thành thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh.

g) Thức ăn bổ sung là thức ăn đơn hoặc hỗn hợp của nhiều nguyên liệu cho thêm vào khẩu phần ăn hoặc bổ sung vào môi trường nuôi (đối với thức ăn thủy sản) để cân đối các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể vật nuôi.

h) Nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, thủy sản hoặc thức ăn đơn là thức ăn dùng để cung cấp một hoặc nhiều chất dinh dưỡng trong khẩu phần ăn cho vật nuôi.

i) Phụ gia thức ăn chăn nuôi, thủy sản là chất có hoặc không có giá trị dinh dưỡng được bổ sung vào thức ăn chăn nuôi, thủy sản trong quá trình chế biến, xử lý hoặc bổ sung vào môi trường trong quá trình nuôi (đối với thức ăn thủy sản) nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng hoặc duy trì, cải thiện đặc tính nào đó của thức ăn chăn nuôi, thủy sản.

k) Chất mang là chất vật nuôi ăn được dùng để trộn với hoạt chất trong premix nhưng không ảnh hưởng đến sức khỏe vật nuôi.

l) Premix kháng sinh là hỗn hợp gồm không quá 02 loại kháng sinh được phép sử dụng trong thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm nhằm mục đích kích thích sinh trưởng với tổng hàm lượng kháng sinh không lớn hơn 20%.

2. Chất chính trong thức ăn chăn nuôi, thủy sản là chất quyết định công dụng và bản chất của sản phẩm do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định phù hợp với từng loại sản phẩm.

3. Chỉ tiêu an toàn trong thức ăn chăn nuôi, thủy sản là chỉ tiêu có ảnh hưởng đến an toàn thực phẩm trong thức ăn chăn nuôi, thủy sản được quy định trong các quy chuẩn kỹ thuật tương ứng hoặc các văn bản tương đương của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

4. Vật nuôi là các loại gia súc, gia cầm, ong, tằm, động vật thủy sản được con người nuôi giữ.

5. Gia súc, gia cầm non bao gồm các đối tượng sau đây:

a) Lợn: Từ 01 đến 60 ngày tuổi hoặc từ sơ sinh đến 25 kg.

b) Gà, vịt, ngan, chim cút, thỏ: Từ 01 đến 21 ngày tuổi.

c) Bê, nghé, dê, cừu: Dưới 06 tháng tuổi.

6. An toàn thực phẩm đối với thức ăn chăn nuôi, thủy sản là các điều kiện và biện pháp cần thiết để bảo đảm thức ăn chăn nuôi, thủy sản không gây hại cho sức khỏe của vật nuôi, con người sử dụng sản phẩm chăn nuôi và môi trường.

7. Kinh doanh thức ăn chăn nuôi, thủy sản bao gồm các hoạt động sản xuất, gia công, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu thức ăn chăn nuôi, thủy sản.

a) Sản xuất thức ăn chăn nuôi, thủy sản là việc thực hiện một phần hoặc toàn bộ các hoạt động sản xuất, chế biến, san chia, bao gói, bảo quản, vận chuyển thức ăn chăn nuôi, thủy sản.

b) Gia công thức ăn chăn nuôi, thủy sản là quá trình thực hiện một phần hoặc toàn bộ các công đoạn sản xuất thức ăn chăn nuôi, thủy sản để tạo ra sản phẩm theo yêu cầu của bên đặt hàng.

8. Tên thương mại của sản phẩm thức ăn chăn nuôi, thủy sản là tên thương phẩm của sản phẩm để phân biệt các sản phẩm thức ăn chăn nuôi, thủy sản trên thị trường.

Điều 4. Nội dung quản lý Nhà nước về thức ăn chăn nuôi, thủy sản

1. Định hướng phát triển sản xuất và sử dụng thức ăn chăn nuôi, thủy sản.

2. Ban hành và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, quy trình sản xuất, tiêu chuẩn, quy chuẩn, cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển thức ăn chăn nuôi, thủy sản.

3. Quản lý khảo nghiệm và công nhận thức ăn chăn nuôi, thủy sản mới.

4. Thu thập và quản lý các thông tin, tư liệu về thức ăn chăn nuôi, thủy sản.

5. Tổ chức nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào các hoạt động trong lĩnh vực thức ăn chăn nuôi, thủy sản.

6. Đầu tư, phát triển hệ thống khảo nghiệm, kiểm nghiệm đáp ứng yêu cầu sản xuất, kinh doanh và quản lý nhà nước về chất lượng thức ăn chăn nuôi, thủy sản.

7. Đào tạo, bồi dưỡng và cấp chứng chỉ tạo nguồn nhân lực phục vụ hoạt động quản lý nhà nước về thức ăn chăn nuôi, thủy sản.

8. Tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kinh nghiệm về sản xuất, quản lý và sử dụng thức ăn chăn nuôi, thủy sản.

9. Kiểm tra, thanh tra việc chấp hành quy định của Nhà nước về thức ăn chăn nuôi, thủy sản.

10. Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực thức ăn chăn nuôi, thủy sản.

Điều 5. Chính sách của Nhà nước về thức ăn chăn nuôi, thủy sản

1. Nhà nước khuyến khích mọi thành phần kinh tế, xã hội đầu tư nghiên cứu, đào tạo, khuyến công, khuyến nông và chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật về dinh dưỡng, chế biến thức ăn chăn nuôi, thủy sản.

2. Ưu tiên đầu tư và khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển, sản xuất, khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, thủy sản trong nước và các chính sách khác, trong đó có việc dành thêm quỹ đất và tín dụng ưu đãi cho việc trồng, thu hoạch, bảo quản, sản xuất, gia công, chế biến nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, thủy sản trong nước.

3. Đầu tư và xã hội hóa đầu tư nâng cao năng lực hoạt động thử nghiệm, chứng nhận sự phù hợp phục vụ công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát chất lượng thức ăn chăn nuôi, thủy sản. Khuyến khích phát triển mạnh hình thức xã hội hóa các dịch vụ công trong lĩnh vực thức ăn chăn nuôi, thủy sản.

Đánh giá bài viết
1 825
Nghị định 39/2017/NĐ-CP về quản lý thức ăn chăn nuôi, thủy sản
Chọn file tải về :
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm