Chỉ thị 32-CT/TW 2003

Tải về

Chỉ thị số 32-CT-TW năm 2003

Chỉ thị 32-CT-TW năm 2003 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân do ban Bí thư ban hành.

BAN BÍ THƯ
-----

ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
-------

Số: 32-CT/TW

Hà Nội, ngày 09 tháng 12 năm 2003

CHỈ THỊ

VỀ TĂNG CƯỜNG SỰ LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG TRONG CÔNG TÁC PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT, NÂNG CAO Ý THỨC CHẤP HÀNH PHÁP LUẬT CỦA CÁN BỘ, NHÂN DÂN

Trong những năm qua, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đã được Đảng, Nhà nước quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, coi đó là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong việc tăng cường quản lý xã hội bằng pháp luật. Với sự nỗ lực và cố gắng của các cấp, các ngành, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đã có những chuyển biến tích cực, góp phần xây dựng ý thức sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật của cán bộ và nhân dân. Tuy nhiên, sự quan tâm lãnh đạo của các cấp uỷ đảng đối với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật chưa được tập trung đúng mức; trách nhiệm của các cấp, các ngành đối với công tác này chưa được xác định cụ thể, rõ ràng nên kết quả đạt được còn thấp so với yêu cầu, sự hiểu biết pháp luật của cán bộ và nhân dân còn nhiều hạn chế

Trước yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hoá đất nước, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cần được tăng cường thường xuyên, liên tục và ở tầm cao hơn, nhằm làm cho cán bộ và nhân dân hiểu biết và chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật, thông qua đó mà kiểm tra, giám sát việc thi hành pháp luật.

Để đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của pháp luật trong thực tế, Ban Bí thư yêu cầu các cấp uỷ, tổ chức đảng các cấp, các ngành thực hiện tốt một số công tác sau đây:

1. Xác định rõ phổ biến, giáo dục pháp luật là một bộ phận của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, là nhiệm vụ của toàn bộ hệ thống chính trị đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng. Trong những năm tới, cần tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện thật tốt công tác này để góp phần tạo chuyển biến căn bản về ý thức tôn trọng pháp luật và nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật của cán bộ và nhân dân.

2. Các cấp uỷ đảng có trách nhiệm lãnh đạo chính quyền các cấp tổ chức thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật với nội dung, hình thức, phương pháp phù hợp với địa bàn và đối tượng khác nhau; xây dựng kế hoạch, chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật thiết thực cho các cấp, các ngành, các cơ quan, doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu của từng thời kỳ. Mỗi cán bộ, đảng viên phải xác định việc tìm hiểu, học tập pháp luật là nhiệm vụ thường xuyên, là một trong những tiêu chuẩn đánh giá cán bộ, đảng viên; thông qua việc gương mẫu chấp hành pháp luật của cán bộ, đảng viên mà thuyết phục, giáo dục quần chúng, thành viên trong gia đình ý thức tôn trọng, chấp hành pháp luật.

3. Đảng đoàn Quốc hội lãnh đạo việc phổ biến kịp thời và đầy đủ các luật mới được thông qua đến cán bộ và nhân dân, nhất là những quy định pháp luật liên quan trực tiếp đến đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Khi tiếp xúc với cử tri sau mỗi kỳ họp Quốc hội, các đại biểu Quốc hội, trước hết là các đại biểu chuyên trách có trách nhiệm giới thiệu các luật mới được thông qua.

4. Ban cán sự đảng Chính phủ lãnh đạo thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên về phổ biến, giáo dục pháp luật, đặc biệt là Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật từ năm 2003 đến năm 2007 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; chuẩn bị kế hoạch, chương trình dài hạn về phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhiều năm sau.

Tiếp tục kiện toàn, đẩy mạnh hoạt động của Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật các cấp và hoạt động của các cơ quan có liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ phổ biến, giáo dục pháp luật. Phân công nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Bộ, ngành nào chủ trì dự thảo văn bản quy phạm pháp luật thì bộ, ngành đó phải chịu trách nhiệm chính về việc phổ biến và thực hiện văn bản pháp luật đó trong cán bộ, công chức của bộ, ngành mình; đồng thời, có trách nhiệm phối hợp với Bộ Tư pháp, các đoàn thể ở Trung ương và chính quyền các cấp triển khai phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ và nhân dân. Cần bố trí một khoản ngân sách cần thiết cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; có chính sách trợ giá các loại sách, tài liệu phục vụ công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hoặc phát miễn phí các loại sách và tài liệu phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân, nhất là nhân dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

5. Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội lãnh đạo đoàn thể, tổ chức của mình chủ động và tích cực phối hợp với các cơ quan nhà nước thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật cho các đoàn viên, hội viên, cộng tác viên; tuyên truyền, giáo dục và có các biện pháp vận động nhằm nâng cao hiểu biết về pháp luật, tạo thói quen nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật; biểu dương, nhân rộng gương người tốt, việc tốt; giám sát việc thi hành pháp luật của các cơ quan nhà nước, của cán bộ, công chức; kịp thời tập hợp ý kiến của nhân dân trong các đợt đóng góp ý kiến cho các dự án luật và trong việc thực hiện pháp luật để phản ánh, kiến nghị với các tổ chức đảng và các cơ quan nhà nước.

6. Các cơ quan thông tin đại chúng ở Trung ương và địa phương phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan xây dựng và thực hiện kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật, xây dựng các chuyên mục, chuyên trang về pháp luật với hình thức phong phú, sinh động; tăng thời lượng nội dung tuyên truyền, phổ biến pháp luật bằng tiếng Việt và tiếng các dân tộc thiểu số. Phát triển và nâng cao trình độ chính trị, nghiệp vụ đội ngũ phóng viên, biên tập viên, cộng tác viên viết về pháp luật, bảo đảm tuyên truyền đúng đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

7. Tăng cường đổi mới các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật (đưa pháp luật vào giảng dạy trong nhà trường, xuất bản các tài liệu phổ thông về pháp luật; sử dụng hệ thống đài truyền thanh ở cơ sở, tủ sách pháp luật xã, phường, thị trấn…), đa dạng cách thức phổ biến, giáo dục pháp luật như tăng cường xuất bản và phát hành sách hỏi đáp pháp luật (kể cả sách song ngữ), tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật; phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua các hoạt động tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, hoà giải, giải quyết khiếu nại, tố cáo… Củng cố, tăng cường đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật và tạo những điều kiện, môi trường thuận lợi để đội ngũ này làm tốt nhiệm vụ.

8. Ban cán sự đảng Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp và các bộ ngành, địa phương tiếp tục hoàn thiện chương trình, giáo trình, sách giáo khoa về pháp luật phục vụ trực tiếp cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường theo phương châm kết hợp nhuần nhuyễn lý luận với thực tiễn, học đi đôi với hành. Việc đưa nội dung pháp luật vào giảng dạy trong nhà trường phải được chọn lọc hợp lý, có hệ thống và bảo đảm hiệu quả thiết thực.

9. Ban Nội chính Trung ương chủ trì, phối hợp với Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương, Ban Khoa giáo Trung ương, Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị này và định kỳ báo cáo Ban Bí thư.

Chỉ thị này phổ biến đến chi bộ.

TM. BAN BÍ THƯ




Phan Diễn

Văn bản pháp luật này thuộc lĩnh vực An ninh trật tự được HoaTieu.vn cập nhật và đăng tải, mời các bạn sử dụng file tải về để lưu làm tài liệu sử dụng.

Đánh giá bài viết
1 268
Bạn có thể tải về tập tin thích hợp cho bạn tại các liên kết dưới đây.
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm