Hướng dẫn cách thay đổi nơi đăng ký KCB ban đầu 2024

Đăng ký khám chữa bệnh ban đầu trên thẻ BHYT là khá quan trọng bởi quyết định tới mức bạn được bảo hiểm thanh toán viện phí. Vậy khi chuyển địa điểm sinh sống, làm thế nào để thay đổi nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu, HoaTieu.vn sẽ giải đáp cho bạn thông qua bài viết sau đây.

1. Thời điểm thay đổi nơi khám, chữa bệnh ban đầu

Theo quy định tại Điều 26 Luật Bảo hiểm y tế 2008, người tham gia bảo hiểm y tế có quyền đăng ký khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến xã, tuyến huyện hoặc tương đương; trừ trường hợp được đăng ký tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến tỉnh hoặc tuyến Trung ương theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.

Người tham gia bảo hiểm y tế được thay đổi cơ sở đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu vào đầu mỗi quý.

Như vậy, không phải lúc nào người tham gia bảo hiểm y tế cũng được phép thay đổi nơi khám chữa bệnh ban đầu mà chỉ thực hiện vào tháng 01, 04, 07, 10 hàng năm mà thôi.

Hướng dẫn thay đổi nơi KCB ban đầu

2. Thủ tục, hồ sơ thay đổi nơi khám chữa bệnh ban đầu

Căn cứ khoản 4 Điều 27 Quyết định 595/QĐ-BHXH, hồ sơ thay đổi nơi khám chữa bệnh ban đầu trực tiếp gồm:

- Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT (đối với người tham gia bảo hiểm y tế)

- Bảng kê thông tin (đối với đơn vị).

- Ngoài ra, cấn nộp thẻ bảo hiểm y tế cũ còn giá trị sử dụng;.

Thủ tục thay đổi nơi khám chữa bệnh ban đầu thực hiện như sau:

  • Đối với người tham gia bảo hiểm y tế do bảo hiểm xã hội cấp huyện thu thì nơi nộp hồ sơ là bảo hiểm xã hội cấp huyện.
  • Người tham gia bảo hiểm y tế tại các đơn vị do bảo hiểm xã hội cấp tỉnh trực tiếp thu thì nộp hồ sơ tại bảo hiểm xã hội cấp tỉnh.

3. Thời gian và chi phí thay đổi nơi khám chữa bệnh ban đầu

Theo khoản 3 Điều 30 Quyết định 595/QĐ-BHXH, trường hợp thay đổi thông tin thẻ bảo hiểm y tế được giải quyết không quá 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định.

Hiện nay, người tham gia bảo hiểm y tế tiến hành thủ tục làm lại thẻ bảo hiểm y tế do thay đổi nơi khám chữa bệnh ban đầu không phải thanh toán bất cứ chi phí nào.

4. Khám chữa bệnh trong thời gian chờ cấp lại thẻ bảo hiểm y tế

Khoản 3 Điều 15 Nghị định 146/2018/NĐ-CP quy định như sau

3. Người tham gia bảo hiểm y tế trong thời gian chờ cấp lại thẻ, đổi thẻ bảo hiểm y tế khi đến khám bệnh, chữa bệnh phải xuất trình giấy hẹn cấp lại thẻ, đổi thẻ bảo hiểm y tế do cơ quan bảo hiểm xã hội hoặc tổ chức, cá nhân được cơ quan bảo hiểm xã hội ủy quyền tiếp nhận hồ sơ cấp lại thẻ, đổi thẻ cấp theo Mẫu số 4 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này và một loại giấy tờ chứng minh về nhân thân của người đó.”

Như vậy, trong thời gian chờ cấp đổi thẻ bảo hiểm y tế khi đề nghị thay đổi nơi khám chữa bệnh ban đầu, người tham gia bảo hiểm y tế vẫn được hưởng quyền lợi bảo hiểm y tế nếu xuất trình được giấy hẹn cấp lại thẻ, đổi thẻ bảo hiểm y tế cùng với giấy tờ tùy thân có ảnh.

5. Tại sao lại quy định nơi khám chữa bệnh ban đầu?

Nơi khám, chữa bệnh ban đầu theo Luật Bảo hiểm y tế 2008 quy định "Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu là cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đầu tiên theo đăng ký của người tham gia bảo hiểm y tế và được ghi trong thẻ bảo hiểm y tế."

Việc quy định rõ ràng nơi khám, chữa bệnh ban đầu là nhằm quản lý người bệnh tốt hơn và cơ sở khám, chữa bệnh gần nhất đối với người bệnh tại nơi cư trú hoặc công tác. Bởi việc quản lý người bệnh khi di chuyển chữa bệnh là rất khó khăn nên cần thực hiện việc quản lý trực tiếp tại cơ sở chữa bệnh đầu tiên để rà soát và điều trị cho bệnh nhân tốt nhất. Điều này còn nhằm hạn chế việc quá tải cho các tuyến điều trị cấp trên khi mà người bệnh có xu hướng điều trị ở cấp cao nhất trong khi cấp dưới hoàn toàn có thể chữa trị căn bệnh đó.

Vì thế trong y tế khi tuyến dưới vượt quá khả năng điều trị cho bệnh nhân thì mới làm thủ tục chuyển viện lên tuyến trên để bệnh nhân được điều trị tốt hơn.

6. Khám chữa bệnh trái tuyến là gì?

Khám chữa bệnh trái tuyến là việc người dân sử dụng thẻ Bảo hiểm y tế để đi khám chữa bệnh không đúng với địa điểm đăng ký khám chữa bệnh ban đầu trong thẻ bảo hiểm y tế.

Trường hợp khám chữa bệnh trái tuyến mà có giấy chuyển viện của cấp tuyến đầu thì vẫn được hưởng chế độ trong bảo hiểm y tế nhưng nếu như người bệnh khám chữa bệnh trái tuyến mà không có giấy chuyển viện thì theo quy định người bệnh không được hưởng các chế độ trong bảo hiểm y tế.

Mời các bạn tham khảo thêm các bài viết khác trong mục Bảo hiểm của phần Hỏi đáp pháp luật.

Đánh giá bài viết
1 18.493
Bạn có thể tải về tập tin thích hợp cho bạn tại các liên kết dưới đây.
0 Bình luận
Sắp xếp theo