Phân tích, đánh giá nét đặc sắc về chủ đề và nhân vật trong Sống mòn

Phân tích văn bản Sống mòn

Sống mòn là một tiểu thuyết văn học hiện thực lột tả đời sống thường ngày của tầng lớp trí thức trong xã hội xưa của nhà văn Nam Cao. Sống mòn không phải là một áng văn chương dịu dàng lãng mạn hay trữ tình đẹp đẽ, nó là tấm gương phản ánh những hiện thực tối tăm của xã hội đương thời. Sau đây là mẫu dàn ý phân tích, đánh giá nét đặc sắc về chủ đề và nhân vật trong Sống mòn của Nam Cao. Mời các bạn cùng tham khảo.

Nghị luận đánh giá văn bản Sống mòn của Nam Cao

1. Mở bài: Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm.

Nam Cao là một trong những nhà văn tiêu biểu nhất của trào lưu hiện thực phê phán thời kỳ 1940 – 1945. Chỉ với 15 năm cầm bút, ông đã để lại cho đời một văn nghiệp đô sộ với 2 tiểu thuyết, 50 truyện ngắn và nhiều tập bút ký có giá trị. Sở trường của Nam Cao là những câu chuyện miêu tả tâm lý con người, ít có biến cố nhưng giàu chất triết lý, có sức ám ảnh, gợi mở. Đề tài chính trong tác phẩm của ông trước cách mạng tháng Tám thường là người nông dân nghèo và tầng lớp trí thức nghèo mà Sống mòn là tác phẩm tiêu biểu.

2. Thân bài:

* Khái quát chủ đề của truyện

Tác phẩm “Sống mòn” được nhà văn Nam Cao viết vào năm 1944, lúc đầu tác phẩm này có tên là “Chết mòn”, sau đó được Nhà xuất bản Văn nghệ ra mắt lần đầu vào năm 1956 và đổi lại là tên “Sống mòn” cho đến tận bây giờ. Chủ đề của tác phẩm nói lên bi kịch của người trí thức tiểu tư sản trong xã hội cũ, cái xã hội tàn nhẫn đã vùi dập mọi ước mơ, hoài bão của mình, tước đi ý nghĩa sự sống chân chính của con người.

* Phân tích từng nhân vật tiêu biểu và mối quan hệ giữa các nhân vật

- Tóm tắt về cuộc đời và lai lịch của nhân vật: Giáo Thứ – nhân vật chính trong truyện xuất thân là một thanh niên được học hành tử tế, có hoài bão, có chí hướng cống hiến cho đời. Sau khi lấy được bằng Thành chung, Thứ vào Sài Gòn bắt đầu con đường mưu sinh. Sau 3 năm vật lộn nơi đất khách quê người, sống vất vả giữa nghèo khó và bệnh tật, Thứ phải bỏ về quê và chịu cảnh thất nghiệp. Thứ được anh họ mời về giảng dạy tại một trường tư. Ban đầu, Thứ dốc hết lòng với nghề giáo nhưng bất mãn vì chỉ được trả đồng lương còm cõi, lại còn bị bớt xén khẩu phần ăn hàng ngày. Khó chịu, chán nản, có những lúc Thứ muốn phản kháng nhưng lại tự vấn bản thân vì xấu hổ và ân hận... Chẳng biết từ khi nào, vì điều gì, những ước mơ thuở thiếu thời của y đã bị thui chột. Thứ bị cái nghèo, cái nhỏ nhen đẩy đến cảnh sống mòn. Đến kỳ nghỉ hè, Thứ những mong tâm hồn được nghỉ ngơi nhưng lại phải đối mặt với những chuyện khó chịu ngay tại thôn quê và trong chính gia đình mình. Trở lại Hà Nội, Thứ gặp chuyện bất ngờ khi trường học phải đóng cửa. Thứ buộc lòng phải trở về quê, anh chua chát nghĩ lại cuộc đời phải chết khi chưa kịp sống. Lúc này, anh chấp nhận với tình cảnh khốn khổ sẽ đến ngay với mình. Tuy nhiên khi nghĩ về tình thế chiến tranh đang xảy ra, đột nhiên trong đầu anh chợt có một niềm tin len lói rằng mọi thứ trong tương lai sẽ tốt đẹp và rộng mở hơn

- Phân tích nội tâm và những suy nghĩ của nhân vật giáo Thứ trong đoạn trích: Nam Cao dành phần chủ yếu và tâm huyết cho việc khắc hoạ thế giới bên trong, thế giới những dằn vặt, những nghĩ suy, ao ước, trăn trở của một lớp trí thức nghèo.

+ Trong đoạn trích, nhân vật giáo Thứ cũng được đặt trong những xung đột, được thể hiện trên nhiều bình diện. Từ đó tính cách và bản chất của các nhân vật được hình thành, phát triển.

+ Nhân vật giáo Thứ không được khắc hoạ nhiều ở phương diện bên ngoài với diện mạo mà chủ yếu được khắc họa bằng thế giới bên trong với nội tâm đầy những mâu thuẫn...

- Thứ đã bỏ lại quê hương và người vợ trẻ để lên Hà Thành dạy học trong chính ngôi trường của người anh họ với mong ước, hoài bão một cuộc sống tươi đẹp hơn. Thế nhưng, thực tế lại vô cùng khắc nghiệt, cuộc sống chẳng dễ dàng gì với người giáo khổ trường tư, Thứ bị đè nén trong gánh nặng cơm áo gạo tiền - một cuộc sống bế tắc, ngột ngạt không hy vọng. Khao khát cuộc sống có ích, cao cả nhưng cuộc đời bắt Thứ sống cái lối sống quá chỉ biết kiếm thức ăn đổ vào dạ.

- Thứ vẫn đang hy vọng vào 1 tương lai tươi sáng hơn, nhưng rồi Thứ mở to đôi mắt, sợ hãi, nhận ra cuộc sống của mình chỉ là tạm bợ. Thì xưa nay y vẫn ngấm ngầm hy vọng vào một cái gì mãi đó ư? Y vẫn cho rằng cuộc đời hiện tại của y chỉ là một cuộc sống tạm bợ mà thôi. Y vẫn đợi chờ một cái gì, một cuộc đổi thay. Thứ nhìn nhận rõ rằng mình không có cơ hội để thay đổi cuộc sống nghèo khó trước mắt. Thứ hoảng hốt nhận ra rằng đời y rất có thể cứ thế này mãi mãi, suốt đời. Thứ không còn cách nào đề thay đổi cuộc đời Y không đánh bạc, không mua vé số, không có vốn để đi buôn, cái đời công chức, có lẽ chẳng hơn cái đời y được bao nhiêu, mà lại có phần bó buộc hơn, chán nản hơn.

- Thứ thấy cái gánh nặng của gia đình đè lên đôi vai của mình, thấy cái trọng trách nặng của một kẻ được cho là học hành cao nhất nhà. Y đã được học nhiều. Cái bổn phận của y cố nhiên là phải to tát lắm. Y có rất nhiều gánh nặng.

- Thứ không còn dám hy vọng, không dám sống cho bản thân Y không còn dám nghĩ gì đến những thú vui, những hy vọng cao xa, không dám chuyển nhà vì cho rằng nếu làm thế là mình ích kỉ, sống sung sướng trên sự đau khổ và cơ cực của vợ con Tại sao y lại muốn sung sướng một mình trong khi cả nhà còn đói khổ?

- Thứ nhớ về kí ức với bữa cơm cùng gia đình. Bữa cơm của người nghèo cả ngày chỉ có một bữa với toàn là rau. Chỉ có Thứ được ăn cơm 2 bữa với cá kho do bố vợ cho. Thứ thấy được sự khổ cực của gia đình, của vợ con, của bố mẹ và những đứa em đang tuổi lớn. Thứ cay đẳng nhận ra sự bất công ấy vẫn đang diễn ra hàng ngày mà chẳng bao giờ có thể thay đổi.

- Thứ cay đắng và chua chát khi nhận ra rằng, dù anh có nhường cơm của mình cho mọi người thì cũng chả ai dám ăn.

- Kết thúc đoạn trích là cảnh Thứ ngồi ăn cơm một mình mà “Y ngồi thần mặt, buông đũa, quên cả đường ăn. Y chợt nhận ra bà y, mẹ y, vợ y, các em y thật là khổ... Miếng cơm nghẹn lại, y phải duỗi cổ ra để nuốt đi. Và thiếu một chút nữa là y đã òa lên khóc...”. Miếng cơm nghẹn lại hay cũng chính là sự bất lực và bế tắc của Thứ trước cuộc sống nghèo khổ của bản thân và gia đình.

* Phân tích vai trò của nhân vật trong việc thể hiện chủ đề của truyện

Bằng ngôn ngữ bình dị gần gũi với cuộc sống, kết hợp ngôi kể thứ nhất giúp người đọc có điều kiện đi sâu tìm hiểu thế giới nội tâm với những suy nghĩ và biến đổi tinh vi của nhân vật, nhà văn Nam Cao đã thành công khi miêu tả sâu sắc tấn bi kịch tinh thần của Thứ, cũng là nhân vật tiêu biểu cho những người trí thức nghèo trong xã hội đương thời trước 1945, những “giáo khổ trường tư” là những người trí thức có ý thức sâu sắc về giá trị sự sống và nhân phẩm, có vài bão, tâm huyết và tài năng, muốn xây dựng một sự nghiệp tinh thần cao quý nhưng lại bị oanh nặng cơm áo và hoàn cảnh xã hội ngột ngạt làm cho “chết mòn”, phải sống như một kẻ vô ích, một người thừa trong xã hội. Nhà văn kịch liệt phê phán sâu sắc xã hội phi nhân đạo bóp nghẹt sự sống, tàn phá tâm hồn con người. Đồng thời nói lên khát vọng, một lẽ sống lớn, có ích, có ý nghĩa, xứng đáng là cuộc sống con người.

* Đánh giá chủ đề và ý nghĩa của nhân vật trong việc thể hiện chủ đề, rút ra ý nghĩa đối với cuộc sống

Đoạn trích trên là tiêu biểu cho nghệ thuật miêu tả tâm lý của nhà văn Nam Cao ở đề tài trí thức tiểu tư sản khi đi sâu vào thế giới nội tâm nhân vật ông giáo Thứ với những mâu thuẫn giằng xé giữa một bên là nhu cầu tối thiểu của bản thân và một bên là gánh nặng và trách nhiệm với gia đình. Nam Cao đã chân thực đến tàn nhẫn, bóc tách từng lớp lang sâu kín ở lòng người. Cũng như cuộc đời, đôi khi ở đó sự ích kỷ tầm thường chiến thắng, nhưng trong phần lớn trường hợp, nhân vật Thứ - với bản chất trung thực và khả năng tự kiểm điểm mình sâu sắc - vẫn hướng tới những điều trong lành, tốt đẹp. Đồng thời, qua nhân vật Thứ, Nam Cao cũng gửi gắm thông điệp với cuộc sống. Sống, phải gắn với ý nghĩa, phải tạo nên ý nghĩa, phải vượt lên trạng thái tồn tại bản năng đơn thuần và vượt lên cả giới hạn của một đời sống cá nhân.

3. Kết bài: Khẳng định ý nghĩa của vấn đề nghị luận

“Viết về người trí thức tiểu tư sản nghèo, Nam Cao đã mạnh dạn phân tích và mổ xẻ tất cả, không né tránh như Thạch Lam; không cực đoan, phiến diện như Vũ Trọng Phụng, cũng không thi vị hóa như Nhất Linh, Khái Hưng, ngòi bút của Nam Cao luôn luôn tỉnh táo đúng mực”. Thật vậy, “Sống mòn” qua cuộc sống với những bi kịch về tinh thần của nhân vật Thứ, Nam Cao muốn tố cáo xã hội trước Cách mạng tháng Tám đã bóp nát mọi ước mơ, mọi khả năng tiềm tàng và mọi cái tốt đẹp trong con người, đã tàn phá tâm hồn, giết mòn sự sống và khát vọng sống có ích của họ. Cũng như các tác phẩm khác về đề tài người trí thức nghèo, Nam Cao đã làm nổi bật vấn đề xã hội có ý nghĩa to lớn triết lý sâu sắc về con người, cuộc sống và nghệ thuật.

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trong nhóm Lớp 11 thuộc chuyên mục Học tập của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
1 3.650
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm