Hoàn cảnh sáng tác các tác phẩm văn học 12

Hoàn cảnh sáng tác các tác phẩm văn học 12 được Hoatieu chia sẻ đến bạn đọc trong bài viết này sẽ là những kiến thức quan trọng trong nội dung ôn thi tốt nghiệp THPT 2023 môn Ngữ văn. Việc nắm được hoàn cảnh sáng tác của các tác phẩm lớp 12 sẽ giúp các em học sinh vận dung vào làm bài một cách hiệu quả nhất. Sau đây là nội dung chi tiết, mời các bạn cùng tham khảo.

Hoàn cảnh sáng tác các tác phẩm trọng tâm lớp 12

1. Hoàn cảnh sáng tác Người lái đò sông Đà

- Tùy bút Người lái đò sông Đà: In trong tập "Sông Đà" (năm 1960)

- Tác phẩm tiêu biểu cho phong cách sáng tác của Nguyễn Tuân sau Cách mạng tháng Tám 1945. Nếu như trước Cách mạng, ông đi tìm kiếm những giá trị "vang bóng một thời", những giá trị tốt đẹp của một thời xưa cũ đã qua bằng một cái Tôi "ngông nghênh"; vậy thì sau Cách mạng, cái Tôi Nguyễn Tuân đã mở lòng hơn, hòa nhập cùng với nhân dân đại chúng.

- Hoàn cảnh lịch sử: Giai đoạn 1958 - 1960, đất nước bị chia cắt thành hai miền Nam - Bắc, miền Nam anh hùng chiến đấu chống Mĩ ngụy, miền Bắc đi lên tiến hành xây dựng chủ nghĩa xã hội. Ở miền Bắc, Đảng và Nhà nước tiến hành chủ trương vận động nhân dân miền xuôi lên vùng Tây Bắc để xây dựng vùng kinh tế mới.

- Hoàn cảnh ra đời Người lái đò sông Đà: Theo chủ trương đường lối vận động của Nhà nước, giới văn nghệ sĩ cũng hồ hởi ngược lên Tây Bắc để khám phá cuộc sống mới cũng như tìm kiếm cho mình mạch nguồn cảm hứng sáng tác. Vốn là người phóng túng, ưa sự dịch chuyển, Nguyễn Tuân đã lên đường đến nhiều vùng đất, cùng chung sống ăn ở với bộ đội và bà con dân tộc để khám phá cảnh sắc thiên nhiên cũng như tìm kiếm "thứ vàng mười" trong cảnh và người nơi đây. Tùy bút Người lái đò sông Đà chính là kết quả của chuyến đi thực tế lên Tây Bắc của người nghệ sĩ tài hoa này.

- Đoạn trích nằm ở phần giữa của tác phẩm Người lái đò Sông Đà và là bài tùy bút được in trong tập Sông Đà (1960).

2. Hoàn cảnh sáng tác Việt Bắc

- Tháng 10 - 1954, những người kháng chiến từ căn cứ miền núi về miền xuôi.

- Trung ương Đảng quyết định rời chiến khu Việt Bắc về lại thủ đô.

- Sau chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu, ngày 20 tháng 7 năm 1954 hiệp định Giơnevơ được ký kết, miền Bắc được hoàn toàn giải phóng và tháng 10 năm 1954 các cơ quan trung ương Đảng và chính phủ chuyển về Hà Nội, cán bộ kháng chiến về xuôi. Sự lưu luyến bịn rịn đầy ân tình giữa cảnh và người Việt Bắc đối với người cán bộ về xuôi trong giờ chia tay ấy là cảm xúc lớn, trực tiếp đã giúp cho nhà thơ Tố Hữu sáng tác bài thơ này và in trong tập thơ Việt Bắc.

3. Hoàn cảnh sáng tác Ai đã đặt tên cho dòng sông

- Tác phẩm được viết vào năm 1981 và in trong tập bút kí Ai đã đặt tên cho dòng sông? (năm 1986). Tập kí được Hoàng Phủ Ngọc Tường viết sau ngày hòa bình lập lại, non sông thu về một mối, cảm hứng chủ nghĩa anh hùng bao trùm toàn bộ các sáng tác văn chương nghệ thuật.

- Chủ đề tác phẩm: Tình yêu quê hương, đất nước gắn với tình yêu thiên nhiên và tự hào về giá trị truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc.

- Nội dung chính: Khám phá vẻ đẹp của dòng sông Hương Giang trên các mặt: Địa lí, lịch sử, văn hóa, thơ ca,...; qua đó thể hiện tình yêu quê hương đất nước, niềm tự hào đối với vẻ đẹp của dòng sông quê hương cũng như thấy được sự tài hoa, vốn kiến thức phong phú, đa dạng của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường.

4. Hoàn cảnh sáng tác Vợ chồng A phủ

Tham khảo Tại đây.

5. Hoàn cảnh sáng tác Đất Nước

- Bắt nguồn từ cảm hứng bất tận là tình yêu quê hương đất nước, tự hào về những giá trị tốt đẹp của truyền thống dân tộc.

- Hoàn cảnh sáng tác Đất nước: Đoạn trích nằm ở phần đầu chương V của trường ca Mặt đường khát vọng. Tác phẩm đồ sộ này được ông viết ở chiến khu Trị Thiên năm 1971 trong những năm tháng chiến tranh chống Mĩ đầy ác liệt, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm trực tiếp cầm súng chiến đấu trên chiến trường. “Mặt đường khát vọng” với ý nghĩa thức tỉnh tuổi trẻ, bồi đắp thêm tình yêu quê hương đất nước, nhân dân, ý thức về trách nhiệm của bản thân cần hòa cùng cuộc chiến đấu của dân tộc, tham gia vào cuộc đấu tranh giải phóng nhân dân.

- Nội dung khái quát đoạn trích: Tác phẩm là cách khám phá đất nước trên các bình diện khác nhau của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, đặc biệt làm nổi bật lên tư tưởng đất nước của nhân dân, đất nước của ca dao thần thoại.

6. Hoàn cảnh sáng tác Tây tiến

- Tây Tiến là tên gọi của trung đoàn Tây Tiến, được thành lập năm 1947:

+ Nhiệm vụ phối hợp với bộ đội Lào, bảo vệ biên giới Việt Lào

+ Địa bàn hoạt động rộng: Hòa Bình, Sơn La, Thanh Hóa, Sầm Nứa

+ Lính Tây Tiến chủ yếu là người Hà Nội, trẻ trung, yêu nước

- Năm 1947, Quang Dũng gia nhập đoàn quân Tây Tiến, là đại đội trưởng

- Cuối năm 1948, Quang Dũng chuyển về đơn vị mới, nhớ đơn vị cũ, ông đã viết bài thơ tại Phù Lưu Chanh (Hà Tây)

- Bài thơ ban đầu có tên là “Nhớ Tây Tiến”. Đến năm 1957, in lại bỏ từ “nhớ”, in trong tập “Mây đầu ô”

7. Hoàn cảnh sáng tác Rừng xà nu

- Xuất xứ: Truyện ngắn Rừng xà nu đăng lần đầu tiên ở tạp chí Văn nghệ Quân giải phóng Trung Trung Bộ (Số 2, năm 1965), rồi được tuyển in trong tập truyện và kí Trên quê hương những anh hùng Điện Ngọc.

- Hoàn cảnh sáng tác: Vào năm 1965, Mĩ kéo quân ồ ạt vào miền Nam với chiến dịch càn quét và diệt tận gốc Việt cộng. Tháng 3/1965, chúng đổ quân vào bãi biển Chu Lai bắt đầu cuộc chiến tranh Cục bộ. Trong tình thế căng thẳng, "ngàn cân treo sợi tóc" ấy, nhà văn Nguyên Ngọc đã sáng tác truyện ngắn Rừng xà nu như một hình thức cổ vũ, động viên tinh thần nhân dân đứng lên chống giặc ngoại xâm, bảo vệ vững chắc nền độc lập, tự do cho dân tộc đầy hữu hiệu. Đây cũng là tác phẩm khẳng định tinh thần dũng cảm, bất khuất, kiên cường của đồng bào Tây Nguyên anh hùng nói riêng và toàn thể dân tộc Việt Nam nói chung trong hoàn cảnh lúc bấy giờ.

8. Hoàn cảnh sáng tác Sóng - Xuân Quỳnh

Bài thơ “Sóng” được sáng tác vào năm 1967, trong thời kỳ đất nước đang bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ và tay sai. Khi đó, thanh niên trai gái đang tập trung vào cuộc chiến, và chỉ khi đặt bài thơ trong bối cảnh đó, ta mới thấy rõ khát khao của người con gái trong tình yêu. Bài thơ “Sóng” được viết trong một chuyến đi thực tế đến vùng biển Diêm Điền (Thái Bình). Đứng trước bờ biển rộng mênh mông, với những con sóng lớn và ác liệt xô vào bờ, trong lòng bà có nhiều suy nghĩ, trăn trở và cảm xúc, từ đó truyền cảm hứng cho bà để sáng tác bài thơ này.

Trước khi “Sóng” ra đời, Xuân Quỳnh đã phải nếm trải những đổ vỡ trong tình yêu, do vậy, bài thơ tiêu biểu cho hồn thơ và phong cách thơ Xuân Quỳnh. Tác phẩm ngắn được in trong tập “Hoa dọc chiến hào” năm 1968.

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trong nhóm Lớp 12 thuộc chuyên mục Học tập của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
1 1.510
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi