Giá trị hiện thực và nhân đạo của Vợ nhặt
Tìm hiểu giá trị hiện thực và nhân đạo của Vợ nhặt
Nêu giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo của Vợ nhặt - Vợ nhặt là một truyện ngắn tiêu biểu của nhà văn Kim Lân. Thông qua tác phẩm người đọc đã cảm nhận được bức tranh ảm đạm về cuộc sống khổ cực của người dân nghèo trong nạn đói năm 1945. Trong bài viết này Hoatieu xin chia sẻ giá trị hiện thực và nhân đạo của Vợ nhặt để bạn đọc hiểu rõ hơn về thông điệp nhân văn tác giả muốn gửi gắm qua tác phẩm.
Có thể nói Kim Lân là một cây bút của những người nông dân. Các tác phẩm của ông khi viết về đời sống của những người nông dân nghèo trước cách mạng tháng Tám sao mà nó chân thực đến thế. Từng câu, từng chữ tác giả đã cho người đọc cảm nhận rõ nét nhất về hoàn cảnh sống cũng như diễn biến tâm lý của nhân vật. Vợ nhặt chính là một bức tranh tả thực về cái khổ cùng cực của những người dân nghèo. Họ khổ đến mức phải bán thân với một cái giá rẻ mạt, chỉ bằng vài bát bánh đúc. Tuy nhiên trong bức tranh ảm đạm ấy tác giả vẫn lồng ghép những tia hy vọng về một cuộc sống mới. Đây chính là chi tiết thể hiện rõ tính nhân đạo và hiện thực của tác phẩm.
1. Giá trị hiện thực của tác phẩm Vợ nhặt
Truyện ngắn “ Vợ nhặt” đã phản ánh chân thực và cảm động tình cảnh khốn cùng của nhân dân ta trong nạn đói năm 1945.
Tố cáo tội ác của bọn thực dân phong kiến đã đẩy nhân dân ta vào bước đường cùng.
Con đường đi đến với cách mạng là con đường tất yếu của người dân lao động nghèo.
2. Giá trị nhân đạo của Vợ nhặt
Niềm cảm thương sâu sắc của nhà văn trước số phận của những người nghèo khổ.
Là tiếng nói khẳng định, đề cao những tình cảm cao đẹp của người lao động nghèo khổ : đó là tình yêu thương đùm bọc, tình mẫu tử, khát vọng sống, khát vọng hạnh phúc.
Thể hiện niềm tin, niềm hi vọng vào cuộc sống vào tương lai dù ở trong tình cảnh khốn khó nhất.
3. Dàn ý giá trị nhân đạo và giá trị hiện thực của Vợ nhặt
I. Mở bài
- Kim Lân là cây bút viết truyện ngắn chuyên nghiệp, ông tập trung viết về cảnh nông thôn, hình tượng người nông dân lao động.
- Vợ Nhặt rút từ tập Con chó xấu xí, là truyện ngắn đặc sắc viết về người nông dân, miêu tả tình trạng thê thảm của họ trong nạn đói năm 1945, nhưng cũng ngợi ca bản chất tốt đẹp và sức sống kì diệu của họ. Bởi vậy đây là truyện ngắn giàu giá trị hiện thực và nhân đạo.
II. Thân bài
1. Giá trị hiện thực
- Phản ánh chân thực cuộc sống của nhân dân ta trước cách mạng tháng Tám: nạn đói khủng khiếp khiến bao người phải chịu cảnh sổ sở:
+ Con người chịu cảnh tang thương, cuộc sống ngày càng thê thảm: “Người chết như ngả rạ”, “ba, bốn cái thây nằm còng queo bên đường”, người sống mặt hốc hác u tối đi lại dật dờ như những bóng ma, xanh xám như những bóng ma, ...
+ Không gian chỉ tòa những tiếng khóc hờ, tiếng quạ kêu từng hồi thê thiết.
+ Mùi gây của xác người, mùi ẩm mốc của rác rưởi, mùi khét của những đống rấm.
- Đặc biệt, bữa cháo cám ngày đói nhà anh cu Tràng đã phản ánh cuộc sống thảm hại của con người.
- Con người trong cái đói, cái khổ phải giành giật lấy sự sống cho chính mình: Tràng ngày ngày kéo xe cực khổ để sống qua ngày, bà cụ Tứ già cả vẫn phải đi làm, ...
- Nhận xét: ranh giới giữa người và ma, giữa sự sống và cái chết rất mong manh. Không gian xóm ngụ cư không khác biệt nhiều với nghĩa địa
2. Bộc lộ niềm xót xa thương cảm đối với cuộc sống bi thảm của những người dân nghèo trong nạn đói năm 1945
- Cái đói khổ đã khiến cho con người bị rẻ rúng, mất đi giá trị:
+ Điển hình là nhân vật người vợ nhặt, vì quá túng quẫn thị không quan tâm đến danh dự cứ vin vào lời nói đùa của Tràng mà “cong cớn đòi ăn”, còn chấp nhận theo không Tràng về làm vợ.
+ Chính Tràng cũng vậy, vì quá nghèo khổ mà khó có thể lấy vợ, đến khi lấy được vợ cũng là nhờ hoàn cảnh éo le.
3. Gián tiếp tố cáo tội ác tày trời của bọn thực dân phát xít đối với nhân dân ta
- “đằng thì chúng bắt nhổ lúa trồng đay, đằng thì chúng bắt đóng thuế”, chúng không cho nhân dân ta con đường sống, đẩy nhân dân đến bước đường cùng.
- Trong đoạn cuối truyện, khi nghe tiếng trống thúc sưu thuế, bà cụ Tứ cũng tuyệt vọng kêu lên rằng: “Giời đất này không chắc đã sống qua được đâu các con ạ”
4. Trân trọng những khát vọng nhân văn của con người
- Tác phẩm ngợi ca khát vọng sống mãnh liệt của con người: Một mặt ta thấy người vợ nhặt như mất nhân cách trong cảnh đói khổ, nhưng mặt khác đó lại là khát vọng sống mãnh liệt của thị, thị không từ bỏ bất cứ cơ hội nhỏ nhoi nào để được sống tiếp, ngay cả việc theo không người ta về làm vợ.
- Ta thấy ở Tràng là một khát vọng hạnh phúc chân thành, không phải vì ngờ nghệch mà anh dẫn người vợ nhặt về, sâu thẳm bên trong là khát khao có một gia đình như bao người bình thường khác.
- Truyện ngắn còn thấm đẫm vẻ đẹp của lòng thương người: vì tình thương người chân thành mà Tràng sẵn sàng mời thị ăn dù không dư dả, vì thương người mà bà cụ Tứ chấp nhận người con dâu được nhặt về dù trong cảnh đói khổ.
- Dù bị đẩy đến bước đường cùng, con người vẫn luôn có niềm tin vào cuộc sống:
+ Người vợ nhặt nhắc đến cảnh đoàn người phá kho thóc để tạo niềm tin cho bà cụ Tứ và Tràng, bà cụ Tứ cũng dự tính những chuyện tương lai, khuyên bảo các con
5. Chỉ ra lối thoát để con người hướng đến cuộc sống tốt đẹp hơn
- Từ câu chuyện phá kho thóc mà người vợ nhặt kể và hình ảnh đám người đói, lá cờ đỏ trong suy nghĩ của Tràng là những dấu hiệu của cuộc cách mạng, khiến người đọc có thể tin tưởng vợ chồng Tràng sẽ có mặt trong đoàn người vùng lên tổng khởi nghĩa.
III. Kết bài
- Khái quát giá trị nghệ thuật: xây dựng tình huống truyện đặc sắc, miêu tả tâm lí nhân vật, ngôn ngữ giản dị gần gũi.
- Tác phẩm thẫm đẫm giá trị nhân văn: thể hiện sự cảm thương sâu sắc với số phận con người trong đói khổ, lên án tố cáo tội ác thực dân phát xít, từ đó sự trân trọng của tác giả đối với phẩm chất tốt đẹp của con người.
4. Phân tích giá trị nhân đạo và hiện thực của Vợ nhặt
Vợ nhặt được rút ra từ tập Con chó xấu xí, xuất bản năm 1945. Đây là tác phẩm xuất sắc nhất trong sự nghiệp sáng tác của ông, đồng thời cũng là một những tác phẩm tiêu biểu viết về đề tài người nông dân và thể hiện đầy đủ quan điểm sáng tác của tác giả. Tác phẩm thấm đẫm giá trị hiện thực và nhân đạo.
Trước hết giá trị hiện thực của tác phẩm được thể hiện trong việc Kim Lân đã tái hiện thành công nạn đói khủng khiếp năm 1945. Nạn đói năm 1945 phần lớn người dân đã bị đẩy tới cái chết. Kim Lân đã tập trung tất cả bút lực của mình để tạo dựng bối cảnh, không khí nạn đói ấy. Trong văn ông cái đói, cái chết đã hiện hình, nổi cộm sắc nét tạo nên những ám ảnh ghê rợn. Ấn tượng về cái đói cái chết đã được Kim Lân tạo dựng từ nhiều yếu tố, nhưng ấn tượng nhất là thị giác, khứu giác và thính giác. Ở thị giác, ông đã hai lần sử dụng hình ảnh đầy sức ám ảnh: bên cạnh những người chết như ngả rạ, là những người còn sống vật vờ như những bóng ma. Ở đây cái đói đã trở thành nỗi ám ảnh thường trực, giữa sự sống và cái chết là ranh giới vô cùng mong manh. Nạn đói đã vắt kiệt toàn bộ sự sống của con người để hiện hình thành những bóng ma dật dờ. Ở khứu giác, cái đói cái chết trong văn Kim Lân không chỉ nhìn thấy mà còn có thể ngửi thấy đó là mù gây của xác người và mùi khét lẹt của các nhà đốt đống dấm. Còn thính giác cũng là những ấn tượng ghê rợn. Âm thanh của những đàn quạ liên thanh cất lên, là tiếng hờn khóc tỉ tê của những gia đình có người chết.
Không chỉ dừng lại ở đó, giá trị hiện thực còn được thể hiện trong thân phận rẻ rúng của những người nông dân nghèo. Người đàn bà chết đói, người gầy sọp đi, hai mắt trũng sâu vào, vì cái đói, vì miếng ăn đã đồng ý lấy Tràng một cách nhanh chóng. Chính cái đói đã khiến người đàn bà ấy mất đi danh dự, sự e thẹn vốn có của một người con gái, mà trở thành một kẻ chỏng lỏn, vì miếng ăn sẵn sàng đánh mất lòng tự trọng của mình. Chỉ với vài bát bánh đúc và một lời nói vu vơ, thị đã chạy đến híp mắt cười tình, đánh mất đi sự e lệ, kín đáo và chấp nhận về làm vợ của Tràng khi không hề biết đến tính cách, con người của Tràng ra sao. Trong hoàn cảnh bị cái đói, cái chết dồn đuổi, thị sẵn sàng bám víu vào bất cứ thứ gì đảm bảo sự sống cho thị. Những chi tiết mà Kim Lân miêu tả đã cho thấy, người vợ nhặt là một người nông dân khốn khổ, bị đẩy đến bước đường cùng nên nhân cách và lòng tự trọng đã bị tha hóa.
Đám cưới với mỗi người là một nghi thức quan trọng nhất trong cuộc đời, nhưng đám cưới của Tràng và người vợ nhặt lại diễn ra hết sức sơ sài, sơ sài đến mức đáng thương. Bữa cơm đầu tiên của nàng dâu mới là nồi cháo cám đắng ngắt mà mọi người ngồi ăn không ai nói với nhau một câu.
Nhưng bên cạnh những mảng màu xám ngắt của hiện thực, ta còn thấy tác phẩm ánh lên giá trị nhân đạo sâu sắc. Trong tăm tối, khi cái đói đeo đuổi tất cả mọi người, tưởng chừng như người ta chỉ quan tâm đến sự sống chết của mình, thì người nông dân Việt Nam vẫn sẵn sàng dang tay cứu vớt những con người có số phận bất hạnh hơn mình. Nó thể hiện rất rõ truyền thống yêu thương đùm bọc “lá lành đùm lá rách” của nhân dân ta.
Tấm lòng nhân đạo của nhà văn trước hết thể hiện trong sự bao dung, tình yêu thương mẹ con Tràng dành cho người vợ nhặt. Tràng mặc dù có ngoại hình xấu xí nhưng lại có tấm lòng nhân hậu, yêu thương con người. Dù chỉ làm công việc tạm thời, không có ruộng đất nhưng Tràng sẵn sàng mua đồ ăn cho người đàn bà không quen biết. Tràng thương cảm cho người đàn bà khi nhìn thấy hình dáng tiều tụy hẳn đi của thị. Và nhất là Tràng còn đồng ý đem người đàn bà ấy về nhà làm vợ của mình, dù trong Tràng lúc ấy cũng thoáng chút lo âu. Việc lấy vợ của Tràng không phải là một chuyện ngẫu nhiên mà đó là cả một mạch vận động hợp lí. Lần đầu gặp gỡ, Tràng lần đầu tiên nhận được sự quan tâm, đó là cái híp mắt cười tình của một người con gái. Đến lần thứ hai, Tràng xót xa khi người đàn bà phốp pháp lần trước đã biến mất, thay vào dó là một kẻ quần áo rách như tổ đả, gầy hẳn đi. Sự thay đổi bất ngờ nhanh chóng ấy đã dấy lên trong Tràng lòng thương cảm, với bản chất lương thiện và sự đồng cảm của những người đồng cảnh ngộ, Tràng đã nhanh chóng quyết định đưa người phụ nữ đó về nhà để làm vợ của mình. Quyết định nhanh chóng, bất ngờ đó vừa thể hiện khát khao hạnh phúc của Tràng, vừa là sự cứu mang, nghĩa cử cao đẹp mà Tràng dành cho người phụ nữ khốn khổ, bất hạnh hơn mình.
Lấy vợ là bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời Tràng, bằng những cử chỉ hết sức đơn giản, nhưng cũng đủ cho thấy sự trân trọng của Tràng với người vợ nhặt. Anh cho chị ăn một bữa thật no, mua một cái thúng con và mua ít dầu về đốt cho sáng. Hành động mua hai hào dầu đó còn như thắp lên một tương lai, hi vọng mới cho hai vợ chồng. Đặc biệt, sáng hôm sau khi lấy vợ, Tràng đã có những sự thay đổi hoàn toàn. Tràng thấy trong người lửng lơ, một niềm vui khó tả, khi lần đầu tiên được sống và cảm nhận niềm hạnh phúc gia đình. Và niềm hạnh phúc đó đã dẫn đến những biến chuyển trong nhận thức của Tràng, Tràng dấy lên tinh thần trách nhiệm với gia đình. Ý thức được vai trò trụ cột của mình, cùng tham gia với vợ và mẹ để xây dựng cuộc sống mới.
Còn với bà mẹ của Tràng, có con dâu trong hoàn cảnh éo le này làm bà vô cùng ngỡ ngàng, nhưng sau giây phút bất ngờ, bà đã hiểu ra mọi chuyện. Bằng tình yêu thương với người con trai, sự cảm thông với người vợ nhặt bất hạnh, bà hiểu rằng người ta chỉ dựng vợ gả chồng khi ăn nên làm ra, chứ không ai lấy vợ trong cái đói. Nhưng cùng với tình yêu thương con bà còn tự trách mình, thân phận làm mẹ nhưng lại không lo nổi hạnh phúc cho con. Thương con, lo lắng cho con bao nhiêu bà lại càng ngậm ngùi, xót xa cho thân phận người đàn bà kia bấy nhiêu. Bà không nhìn người con dâu mới bằng ánh mắt cay nghiệt, phán xét mà là cái nhìn đầy cảm thông, bao dung: “Người ta có gặp bước khó khăn, đói khổ, người ta mới lấy đến con mình. Mà con mình mới có được vợ”. Như vậy, bà cụ không chỉ là hiện thân của tình mẫu tử cao cả thiêng liêng mà còn là hiện thân của tình người ấm áp, bao dung, bà đã đưa bàn tay yêu thương để nâng đỡ bao bọc cho những thân phận khốn khổ dù cuộc sống của mình còn muôn vàn khó khăn.
Không dừng lại ở đó, giá trị nhân đạo của tác phẩm còn được nhìn nhận từ góc của người vợ nhặt. Người phụ nữ này bị cái đói dồn đuổi đến bước đường cùng, nhưng với lòng ham sống, cô đã cố bám víu đến cùng, cho dù phải biến thành thân phận vợ nhặt. Khát khao được sống đó cho thấy một trái tim khỏe mạnh, một nghị lực sống kiên cườing và bền bỉ ở người phụ nữ này. Như vậy, qua ba nhân vật Tràng, bà mẹ và cô vợ nhặt Kim Lân đã một lần nữa khẳng định lối sống nhân ái, giàu tình cảm và lòng vị tha của nhân dân ta. Không chỉ vậy, trong họ còn tồn tại sức sống mãnh liệt, sẵn sàng vượt qua mọi đói khổ, khó khăn.
Cuối cùng giá trị nhân đạo của tác phẩm thể hiện ở cuối bài với hình ảnh lá cờ đỏ phấp phới trong sự tiếc rẻ của nhân vật Tràng. Chắc chắn với tinh thần lành mạnh, lòng yêu cuộc sống Tràng và vợ sẽ tham gia hoạt động cách mạng. Hình ảnh lá cờ đó như một gợi mở về tươi lai tương sáng đang đón đợi họ ở phía trước.
Bằng nghệ thuật miêu tả bậc thầy, Kim Lân đã vẽ ra bức tranh hiện thực tàn khốc về nạn đói năm 1945, khi mạng người bị rẻ rúng đến cùng cực. Nhưng đằng sau bức tranh hiện thực đen tối ấy là ánh sáng của lòng nhân đạo, tình yêu thương, sự bao bọc, chở che lẫn nhau giữa những con người khốn khổ. Sự hòa quyện giữa hai giá trị hiện thực và nhân đạo đã tạo nên sự thành công cho tác phẩm.
5. Phân tích giá trị hiện thực của Vợ nhặt
Vợ nhặt là một trong những truyện ngắn hay nhất của Kim Lân và văn học Việt Nam sau năm 1945, truyện được in trong tập Con chó xấu xí năm 1962. Vốn xuất thân từ làng quê Việt Nam nên Kim Lân đã viết nên Vợ nhặt bằng tất cả tâm hồn, tình cảm của một con người là con đẻ của đồng ruộng. Truyện được xây dựng với nhiều tình huống gây ấn tượng mạnh đối với người đọc. Song nổi bật trong tác phẩm là giá trị hiện thực và nhân đạo.
Truyện đã phản ánh được những mặt cơ bản của hiện thực xã hội Việt Nam những ngày trước Cách mạng tháng Tám 1945. Chỉ thông qua tình huống nhặt được vợ của Tràng, truyện đã tái hiện được bức tranh về nạn đói thê thảm của người dân Việt Nam từ Quảng Trị đến Bắc kỳ hơn triệu người bị đói. Ở đây mở đầu truyện là cảnh cái đói đã tràn đến xóm này tự lúc nào. Những gia đình từ vùng Nam Định, Thái Bình đội nón lũ lượt bồng bế, dắt díu nhau lên xanh xám như những bóng ma, và nằm ngổn ngang khắp lều chợ. Người chết như ngả rạ. Không buổi sáng nào người trong làng đi chợ, đi làm đồng không gặp ba bốn cái thây nằm chỏng queo bên đường. Không khí vẩn lên một mùi ẩm thối của rác rưởi và mùi gây của xác người… Dưới gốc đa… những người đói dật dờ lặng lẽ đi như những bóng ma. Tiếng quạ., cứ gào lên từng hồi thê thiết, Qua đây, người đọc cũng có thể hình dung được bộ mặt thật của bọn phát xít, thực dân và tay sai của chúng. Điều này được gói gọn trong một câu nói đầy phẫn uất của bà mẹ già: Tiếng thúc thuế đấy. Đằng thì nó bắt giồng đay, đằng thì nó bắt đóng thuế. Giời đất này không chắc gì đã sống qua được đâu các con ạ!….
Tác phẩm còn phản ánh được một hiện thực cơ bản khác. Đó là tấm lòng người dân hướng về cách mạng và sự vận động của cuộc sống hướng về tương lai. Giữa những tiếng trống thúc thuế dồn sưu dồn dập là hình ảnh những người nghèo đói ầm ầm kéo nhau đi trên đê Sộp. Đằng trước có lá cờ đỏ to lắm vụt hiện lên trong ý nghĩ của Tràng. Nó báo hiệu một bình minh mới của cách mạng sẽ đến.
Bên cạnh nội dung hiện thực rộng lớn là giá trị nhân đạo sâu sắc. Qua tình huống truyện độc đáo, qua tâm lý và số phận nhân vật, tác phẩm không cần đao to búa lớn vẫn tố cáo được một cách sâu sắc tội ác tày trời của thực dân Pháp và phát xít Nhật đã gây nên nạn đói thảm khốc khiến hai triệu người phải chết đói. Bóng đen tử thần bao trùm lên tất cả, đè nặng lên số phận mỗi người dân và mọi xóm làng. Trong bối cảnh bi thảm ấy, giá trị con người quá rẻ mạt. Nếu như trong truyện thơ Tiễn dặn người yêu, cô gái Thái bị ép duyên, đã đau khổ thở than: "Ngẫm thân em chỉ bằng thân con bọ ngựa" thì ở đây người đàn bà mà Tràng nhặt được chỉ bằng mấy bát bánh đúc, một bữa cơm no và hai hào dầu. Nạn đói đã đẩy con người đến chỗ xem miếng ăn là tất cả. Ngay cả đến cái chuyện tỏ tình thường vẫn mang màu sắc tình tứ, e lệ, duyên dáng, thì giờ đây cũng chỉ còn trơ trọi là một câu chuyện lăn xả vào miếng ăn. Vì đói khát cùng đường mà không còn giữ được sự e thẹn thông thường của người phụ nữ Việt Nam. Chỉ mấy bát bánh đúc và vài lời nói tầm phào của gã đàn ông xa lạ, mà người đàn bà kia đã ton ton chạy theo để trở thành vợ nhặt của Tràng. Ý nghĩa nhân đạo không chỉ được toát ra từ sự cảm thông cho thân phận khổ đau của người dân nước Việt mà còn được toát ra từ sự tố cáo ấy.
Truyện Vợ nhặt còn cho ta thấy rằng người dân lao động vốn có bản chất lành mạnh, luôn luôn hướng về ánh sáng với một niềm tin bất diệt. Dù hoàn cảnh có hiểm nghèo bi thảm tuyệt vọng đến đâu, dù có kề bên cái chết, vẫn khát khao hạnh phúc, tổ ấm gia đình, vẫn hướng về sự sống và hy vọng ở tương lai tươi sáng. Đúng như tác giả đã có lần phát biểu: Trong sự túng đói quay quắt, trong bất cứ hoàn cảnh khốn khổ nào, người nông dân ngụ cư vẫn khao khát vươn lên trên cái chết, cái ảm đạm mà vui mà hy vọng. Những người đói họ không nghĩ đến cái chết, mà nghĩ đến cái sống (Kim Lân). Vợ chồng Tràng vẫn lấy nhau giữa cảnh ngổn ngang xác người chết đói là vì vậy. Chút hạnh phúc nhỏ nhoi, mong manh của hai người tuy bị bủa vây, bởi cái đói, cái chết nhưng sự sống chẳng bao giờ chán nản, vẫn là bất diệt, vẫn sinh sôi nảy nở từ bãi tha ma sặc mùi tử khí. Hạnh phúc tình yêu vẫn như làn gió xuân thổi về làm xôn xao sự sống. Trong một lúc Tràng dường như quên hết những cảnh ê chề tăm tối trước mắt, những tháng ngày đầy đe doạ phía trước. Lúc này trong lòng hắn chỉ còn tình nghĩa vói người đàn bà. Một cái gì lạ lắm… nó ôm ấp, mơn man khắp da thịt Tràng. Sáng dậy thấy nhà cửa đổi khác, hắn cảm thấy lâng lâng và thấy từ đây phải có trách nhiệm hơn với người thân và chính cuộc đời mình. Ở bà cụ Tứ càng có những biểu hiện cảm động hơn. Niềm vui vì có con dâu, vì hạnh phúc của con và niềm tin ở cuộc sống đã làm cho người mẹ nhanh nhảu hơn. Cái khuôn mặt u ám, bủng beo của bà bỗng rạng rỡ hẳn lên.
Qua truyện Vợ nhặt, Kim Lân còn cho ta thấy trong hoạn nạn, con người lao động, càng yêu thương nhau hơn và dù trong cảnh khó khăn, khốn cùng, họ vẫn giữ được phẩm chất đẹp đẽ: đói cho sạch, rách cho thơm. Cuộc sống khắc nghiệt đọa đầy con người, bắt họ phải sống cuộc sống của loài vật, nhưng nó không thể dập tắt được phần người, rất người trong lòng bà mẹ khốn khổ kia. Ba mẹ con Tràng đã tìm thấy niềm vui trong sự nương tựa, cưu mang nhau mà sống. Tình vợ chồng, mẹ con sẽ là động lực giúp họ có sức mạnh vượt qua cơn hoạn nạn khủng khiếp này.
Như vậy những con người đã vượt qua mặc cảm đói nghèo, tủi hờn để khẳng định sự sống, chắc chắn sẽ đi theo tiếng gọi của Việt Minh để giành sự sống cho mình trong cách mạng. Vì Đảng ta… hồn người. Chọn tình huống Vợ nhặt do nạn đói rùng rợn gây nên, Kim Lân không nhằm miêu tả sự mất giá, tha hoá con người, ngược lại đã khẳng định khát vọng sống còn và phẩm giá của họ. Tình yêu cuộc sống của những con người nằm bên bờ cái chết đã trở thành nguồn sáng, nguồn ấm áp sưởi ấm lòng người, thôi thúc họ đi tới cứu lấy đời mình. Và cách mạng, Đảng đã dang đôi tay nhân hậu cứu vớt họ thật đúng lúc:
Kiếp người cơm vãi cơm rơi
Lần đêm bước đến khi hừng sáng
Mặt trời kia cờ Đảng giương cao
6. Phân tích giá trị nhân đạo và giá trị hiện thực của Vợ nhặt
Lấy chồng lấy vợ được coi là chuyện trọng đại của một đời người. Khi dựng vợ gả chồng cho con cái hôn lễ luôn được hai bên gia đình tổ chức rất linh đình, cô dâu chú rể được mọi người chúc phúc. Tuy nhiên cũng có những câu chuyện thật mà lại tưởng chừng lại như đùa, nhặt được vợ. Tác phẩm Vợ nhặt của Kim Lân chính là một câu chuyện như thế, trong cái đói nghèo khổ đến cùng cực thì bất cứ chuyện gì cũng có thể xảy ra, kể cả chuyện nhặt được vợ. Mặc dù đã ra đời từ rất lâu nhưng tác phẩm Vợ nhặt vẫn mang những giá trị nhân đạo và giá trị hiện thực vô cùng sâu sắc.
Trong tác phẩm “Vợ nhặt” cũng vậy, Kim Lân cũng viết về cuộc sống cùng cực của vùng quê nghèo trong nạn đói khủng khiếp năm 1945. Khi đó, người sống và người chết xuất hiện lẫn lộn nhau. Người chết như ngả rạ, còn người sống dật dờ lang thang như những hồn ma. Kim Lân miêu tả rất chi tiết: những cái thây nằm còng queo bên đường, không khí vẩn mùi ẩm thối của rác rưởi và mùi gây của xác người, xóm chợ về chiều xơ xác hắt hiu, hai bên dãy phố úp sụp tối om không nhà nào có ánh đèn ánh lửa. tiếng quạ trên mấy cây gạo ngoài bãi chợ cứ gào lên từng hồi thê thiết… Cảnh đói được nhà văn miêu tả lại quá thê lương và xót xa. Chỉ qua một vài hình ảnh, người đọc cũng có thể hình dung ra ngay trước mắt mình cảnh những người chết đói nằm rải rác ngoài đường ngoài chợ, người ta không cả nghĩ đến chuyện chôn cất, ma chay.
Cái đói còn làm cho người ta không dám nghĩ đến chuyện dựng vợ, gả chồng. Khiến cho Tràng – một người cùng khổ trong nạn đói ấy phải “nhặt” vợ. Trong bữa cơm ngày đầu của gia đình mới lẽ ra là một mâm cơm dù không thịnh soạn thì chí ít cũng có đầy đủ chút cơm rau dưa muối. Nhưng không, không cơm, không rau, cũng chẳng dưa cà dưa muối. Bữa cơm ngày đói chỉ có độc một lùm rau chuối thái rối, và một đĩa muối ăn với cháo. Mỗi người chỉ ăn được hai lưng bát là hết sạch. Mẹ Tràng phải mang cháo cám ra cho cả nhà ăn. Nồi cháo cám đắng xít nhưng lại trở thành một thứ đồ ăn hiếm có.
Chính bọn thực dân phong kiến đã nhẫn tâm bắt người dân phải nhổ lúa trồng đay. Đay nào có thể ăn được. Rồi các loại sưu cao thuế nặng càng làm cho người dân khổ cực. Ăn còn không có miếng mà ăn thì lấy đâu ra tiền ra thóc mà đóng thuế. Bọn chúng đúng là muốn dồn người ta vào bước đường cùng, vào chỗ chết.
Tất cả những điều trên đã làm nên giá trị hiện thực sâu sắc cho tác phẩm. Thế nhưng, giữa cảnh đời thê lương ấy, tình người và niềm ước mong hạnh phúc vẫn luôn rực sáng trong lòng mỗi người. Đây chính là giá trị nhân đạo rất lớn mà tác phẩm đã mang lại cho người đọc. Giữa những cái xác ven đường, giữa những người đói dật dờ như những bóng ma, Tràng và thị lại dắt díu nhau về. Có lẽ sự kiện này có điều gì đó rất nghịch lý. Ngay chính bản thân Tràng cũng chợn nghĩ ở cái thời buổi này đến bản thân mình còn không biết có lo nổi không mà còn đèo bòng. Nhưng rồi, Tràng vẫn bước qua mọi lo lắng, thậm chí là sự sợ hãi, Tràng chậc kệ một cái và cùng thị bước tiếp trong sự ngỡ ngàng của mọi người.
Cuộc “nhặt” vợ chóng vánh đầy hài hước và rất ngẫu nhiên của Tràng tưởng như một chuyện đùa nhưng lại chính là điểm mấu chốt thể hiện niềm tin yêu vào cuộc sống, tin rằng ngày mai cuộc đời sẽ tươi sáng hơn, bớt khổ hơn. Hơn thế nữa, sự kiện này còn thể hiện tình thương yêu, niềm đồng cảm lớn lao giữa những con người cùng khổ. Đúng như câu tục ngữ lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều. Chỉ có điều trong cái xã hội này, có lẽ ai cũng rách như ai. Hai con người cùng chung một số phận nghèo nàn đói khổ, dắt nhau về dù chưa hề có dự tính gì cho tương lai. Trước mắt họ vẫn chỉ là những xác chết ngổn ngang, những bóng người đói dật dờ. Họ thật can đảm, hay nói một cách khác là quá liều lĩnh. Bởi trong lúc đói khổ như thế này, có được miếng ăn đã là một việc lớn lao lắm rồi. Vậy mà họ còn lấy vợ, lấy chồng – một việc quá lớn lao, quá sức tưởng tượng của mọi người. Nhưng dù sao, điều này cũng khiến cho những khuôn mặt hốc hác u tối của họ bỗng dưng rạng rỡ hẳn lên. Có cái gì đó lạ lùng và tươi mát thổi vào cuộc sống đói khát, tăm tối ấy của họ.
Cảnh “nhặt” vợ tuy đầy bi hài nhưng lại chính là niềm khát khao hạnh phúc của những con người đang trong tình trạng ngàn cân treo sợi tóc. Sự sống của họ có thể bị cơn đói nhấn chìm bất cứ lúc nào. Nhưng có lẽ, càng cận kề cái chết bao nhiêu thì niềm ham sống lại càng cao bấy nhiêu. Tràng và thị đã cùng nhau đi qua cơn đói, cùng bước qua những xác chết ngổn ngang. Vì niềm hạnh phúc, niềm hy vọng đang tràn ngập trong họ. Đến ngay cả bà cụ Tứ – mẹ Tràng là người đã trải qua bao nhiêu thăng trầm trong cuộc sống, bà hiểu hơn ai hết những khó khăn phía trước của đôi vợ chồng trẻ, nhưng bà vẫn mừng lòng. Hơn nữa, chính bà là người khơi dậy thêm nhiều niềm tin cho con mình ngay trong những ngày đầu tiên có vợ. Nhất là bữa cơm đầu tiên với nàng dâu. Dù chẳng có gì cao sang ngoài rau chuối và cháo nhưng họ đã cùng nhau ăn với tất cả niềm đồng cảm và lòng yêu thương của mình dành cho nhau. Bà nói đến những chuyện vui: khi nào có tiền ta mua lấy đôi gà. Tao tính rằng cái chỗ đầu bếp kia làm chuồng gà thì tiện quá. Này ngoảnh đi ngoảnh lại chả mấy mà có ngay đàn gà cho mà xem. Một niềm ước muốn thật giản dị, thật đơn sơ nhưng đã có sức thúc đẩy niềm hy vọng trong Tràng và vợ Tràng rất lớn. Chưa bao giờ trong nhà này mẹ con lại đầm ấm, hòa hợp như thế. Cháo hết, bà lão nghĩ ngay đến nồi cháo cám. Bà thừa hiểu cháo cám đắng xít, rất khó ăn. Nhưng giữa lúc vui như thế này, bà đã hào hứng dỗ dành con ăn cháo cám như một người mẹ dỗ dành cho con nít ăn một thứ gì đó ngon lắm. Bà hồ hởi: Tao có cái này hay lắm cơ. Bà bưng nồi cháo cám lên, rồi vẫn với giọng vui tươi ấy: Chè đây. Chè khoán đây, ngon đáo để cơ. Những phút giây vui vẻ dẫu chẳng bao nhiêu nhưng vẫn là niềm hi vọng lớn lao của cả gia đình. Mỗi người đều tự nghĩ rằng mình phải có trách nhiệm với căn nhà này.
Nếu như ở ngoài đường, ngoài chợ, người ta đang nằm la liệt, kiệt sức vì sắp chết đói thì ở đây, trong căn nhà nhỏ bé xơ xác này dẫu cũng đói, cũng thiếu thốn nhưng có một niềm tin đang được nhóm lên. Họ tin rằng, ngày mai sẽ tươi sáng hơn, nạn đói sẽ sớm được đẩy lùi. Nhất là khi hình ảnh lá cờ đỏ bay phấp phới, công cuộc phá kho thóc của Nhật nổ ra. Người nông dân sau bao cam chịu ắt sẽ đứng lên giành lấy độc lập tự do cho chính mình. Họ sẽ không còn phải đói phải khổ như bây giờ nữa.
Người dân càng khổ cực bao nhiêu thì lòng căm phẫn của họ dành cho bọn đế quốc càng sâu sắc bấy nhiêu. Trước sau gì bọn chúng cũng sẽ phải trả giá. Đó là một quy luật tất yếu: có áp bức ắt có đấu tranh. Và đấu tranh vì chính nghĩa vẫn luôn luôn giành thắng lợi.
Như vậy, với giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo sâu sắc, tác phẩm đã gieo vào lòng những đọc sự xót xa, đồng cảm cho những kiếp nghèo cùng cực. Đồng thời cổ vũ họ hãy đoàn kết lại rồi tự đứng lên giải phóng cho cuộc đời mình. Kim Lân đã rất thành công khi xây dựng nên câu truyện hấp dẫn này. Cho đến nay, tác phẩm vẫn còn nguyên giá trị.
Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên chuyên mục Tài liệu của HoaTieu.vn.
- Chia sẻ:Phạm Huyền Trang
- Ngày:
Tham khảo thêm
(29 mẫu) Mở bài Vợ nhặt hay nhất
Top 14 bài phân tích nhân vật Tràng trong Vợ nhặt siêu hay
Top 36 mẫu kết bài Vợ nhặt siêu hay
Top 7 bài cảm nhận về nhân vật bà cụ Tứ trong tác phẩm Vợ nhặt
4 bài phân tích vẻ đẹp khuất lấp của người vợ nhặt
Cảm nhận về khát vọng sống của người Vợ nhặt (3 mẫu)
Top 7 mẫu ý nghĩa nhan đề Vợ nhặt siêu hay
Gợi ý cho bạn
-
Top 13 bài cảm nhận vẻ đẹp thơ mộng, trữ tình của con sông Đà siêu hay
-
Top 6 mẫu phân tích nhân vật viên quản ngục hay nhất
-
Top 9 bài phân tích Chuyện chức phán sự đền Tản Viên hay chọn lọc
-
Top 8 bài nghị luận về trang phục và văn hóa hay chọn lọc
-
Top 5 bài phân tích cuộc đối thoại giữa hồn Trương Ba và xác hàng thịt
Có thể bạn cần
Top 8 mẫu phân tích khổ cuối bài Tràng giang hay chọn lọc
Hướng dẫn khai Phiếu đảng viên (mẫu 2-HSĐV)
Mẫu Bài thu hoạch nghị quyết trung ương 4 khóa 12 cho Đảng viên
Biên bản họp chi bộ đề nghị kết nạp Đảng viên
Top 4 mẫu Cảm nhận bài thơ Sóng hay chọn lọc
Thực hành theo hướng dẫn để tạo ra 02 sản phẩm hỗ trợ việc giảng dạy môn Toán cấp tiểu học
Bài thu hoạch bồi dưỡng thường xuyên module GVMN 3 năm 2024 mới cập nhật
Bộ tranh thiếu nhi về chào mừng Đại hội Đoàn 2024
Công văn xin hủy tờ khai Thuế GTGT do kê khai sai 2024
Suy nghĩ về số phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến
Tờ khai thuế thu nhập cá nhân Mẫu 05/KK-TNCN, 05-DK-TCT 2024
Mẫu nhận xét các môn học theo Thông tư 22, Thông tư 27
Bài viết hay Văn xuôi
Dẫn chứng về tình mẫu tử
Top 9 bài phân tích nhân vật bé Thu hay nhất
Top 8 bài chứng minh câu tục ngữ Uống nước nhớ nguồn hay và ngắn gọn
Top 11 bài suy nghĩ của em về lòng hiếu thảo siêu hay
Top 11 bài nghị luận khuyên bạn học tập chăm chỉ hơn
Viết đoạn văn nêu cảm nhận của em về tên quan phụ mẫu trong văn bản Sống chết mặc bay