Đề tự luận thi giáo viên dạy giỏi cấp tiểu học

Bộ đề thi giáo viên dạy giỏi tiểu học được Hoatieu chia sẻ trong bài viết sau đây bao gồm các đề tự luận thi giáo viên dạy giỏi cấp tiểu học có đáp án chi tiết sẽ là tài liệu tham khảo bổ ích cho các thầy cô trước kỳ thi giáo viên dạy giỏi.

Thi giáo viên dạy giỏi là một hoạt động quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả sinh hoạt chuyên môn, tạo cơ hội cho giáo viên rèn luyện, tự học, sáng tạo. Dưới đây là tổng hợp một số đề thi giáo viên dạy giỏi phần tự luận có đáp án chi tiết Hoatieu xin chia sẻ để quý thầy cô cùng tham khảo.

Bộ đề tự luận hội thi giáo viên dạy giỏi cấp tiểu học có đáp án

Đề tự luận thi giáo viên dạy giỏi - Đề số 1:

GVCN lớp có mấy chức năng, là những chức năng nào? Nêu rõ chức năng quản lý giáo dục toàn diện học sinh và việc áp dụng kỹ năng này vào tình hình thực tế của lớp mình phụ trách.

Gợi ý hướng dẫn chấm

1. GVCN lớp có 4 chức năng: (2,0 điểm)

- GVCN lớp là người quản lý giáo dục toàn diện HS một lớp;

- GVCN là tổ chức tập thể HS hoạt động tự quản nhằm phát huy tiềm năng tích cực của mọi HS;

- GVCN là cầu nối giữa tập thể HS với các tổ chức xã hội trong và ngoài nhà trường; là người tổ chức phối hợp các lực lượng giáo dục;

- GVCN là đánh giá khách quan kết quả rèn luyện của mỗi HS và phong trào chung của lớp.

b. GVCN lớp là người quản lý giáo dục toàn diện HS một lớp: (4,0 điểm)

- Quản lý giáo dục không chỉ nắm được những chỉ số quản lý hành chính như: tên, tuổi, số lượng, gia cảnh trình độ HS về học lực, và đạo đức … mà còn phải dự báo xu hướng phát triển nhân cách của HS trong lớp để có phương hướng tổ chức hoạt động giáo dục, dạy học phù hợp với điều kiện, khả năng của mỗi HS. (1,5 điểm)

- Muốn thực hiện chức năng quản lý giáo dục toàn diện, đòi hỏi GVCN phải có: (1,5 điểm)

+ Những tri thức cơ bản về tâm lý học, giáo dục học.

+ Các kĩ năng sư phạm như: Kĩ năng tiếp cận đối tượng HS; Kĩ năng nghiên cứu tâm lý lứa tuổi, xã hội; Kĩ năng đánh giá; Kĩ năng lập kế hoạch chủ nhiệm lớp.

+ Nhạy cảm sư phạm: để dự đoán đúng, chính xác sự phát triển nhân cách của HS; Định hướng giúp các em lường trước những khó khăn, thuận lợi, vạch ra những dự định để tự hoàn thiện về mọi mặt.

- Quản lý học tập và quản lý sự hình thành và phát triển nhân cách có quan hệ hỗ trợ, tác động lẫn nhau: giáo dục đạo đức có tác động mạnh mẽ đến chất lượng học văn hóa nhất là trong điều kiện hiện nay của nền kinh tế thị trường, KHKT… (1,0 điểm)

c. Liên hệ thực tế: (4,0 điểm)

Đưa ra được các hình thức, biện pháp, giải pháp cụ thể ứng với 3 nội dung của chức năng quản lý giáo dục toàn diện. ( mỗi nội dung đạt 1,0 điểm)

Đề tự luận thi giáo viên dạy giỏi - Đề số 2:

Một trong những mục đích quan trọng khi ban hành quy định về chuẩn nghề nghiệp giáo viên Tiểu học là “Giúp giáo viên tiểu học tự đánh giá phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, năng lực nghề nghiệp. Từ đó xây dựng kế hoạch rèn luyện phẩm chất đạo đức và nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ”.

Hãy nêu ý kiến của mình về mục đích trên và trình bày kế hoạch phấn đấu, rèn luyện để có thể đạt được những tiêu chuẩn nghề nghiệp của cấp tiểu học.

Gợi ý hướng dẫn chấm

1. Nêu được khái niệm chuẩn NNGVTH là gì? (1,0 đ)

Chuẩn nghề nghiệp giáo viên tiểu học là hệ thống các yêu cầu cơ bản về phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống, kiến thức, kĩ năng sư phạm mà giáo viên tiểu học cần phải đạt được nhằm đáp ứng mục tiêu của giáo dục tiểu học.

2. Nêu được sự cần thiết của việc ban hành Chuẩn nghề nghiệp: (1,5 đ)

Do GV được đạo tạo không đồng bộ

Việc đổi mới nội dung, chương trình, PP giáo dục đòi hỏi người GVTH phải có những yêu cầu nhất định, đặc trưng thuộc mỗi lĩnh vực của Chuẩn đòi hỏi người giáo viên phải đạt được để đáp ứng mục tiêu của giáo dục tiểu học ở từng giai đoạn. Do vậy việc ban hành “Chuẩn nghề nghiệp GVTH” là rất cần thiết

3. Nêu được ý nghĩa của việc đánh giá Chuẩn NNGVTH ? (1,5 đ)

Nhờ có chuẩn, mỗi giáo viên tự đánh giá mình, từ đó tự đề ra kế hoạch rèn luyện phấn đấu, bồi dưỡng nâng cao phẩm chất năng lực nghề nghiệp.

Với chuẩn nghề nghiệp giúp cho các cấp quản lý đánh giá, phân loại đội ngũ giáo viên tiểu học chính xác để phục vụ công tác quy hoạch, sử dụng và bồi dưỡng đội ngũ giáo viên.

4. Nêu được kế hoạch phấn đấu theo 3 lĩnh vực: phẩm chất, đạo đức, lối sống; kiến thức; kỹ năng: (6,0 đ)

- Nêu được kế hoạch phấn đấu theo mỗi lĩnh vực đạt 2,0 đ

- Yêu cầu: Mỗi lĩnh vực gồm đủ 5 yêu cầu và 4 tiêu chí (cần chú trọng đến biện pháp thực hiện).

Đề tự luận thi giáo viên dạy giỏi - Đề số 3:

Ngành Giáo dục đã và đang quyết tâm không để tình trạng học sinh không đạt chuẩn lên lớp theo tinh thần cuộc vận động Hai không. Thầy (Cô) hãy nêu kế hoạch của bản thân để thực hiện có hiệu quả nội dung trên.

Gợi ý hướng dẫn chấm

Bài tự luận nêu được những nội dung trọng tâm sau:

1. Khái quát tình hình thực hiện: (2,0 đ)

Nêu được các ý khái quát tình hình thực hiện về Cuộc vận động Hai không trong toàn ngành đã và đang thực hiện, có kết quả và được sự ủng hộ tích cực của xã hội.

2. Kế hoạch của bản thân: (7 điểm)

Nêu được những ý chính:

- Thực hiện nghiêm túc chương trình, quy chế chuyên môn; đảm bảo kế hoạch giáo dục của nhà trường, của tổ khối; không tuỳ tiện cắt xén chương trình,… (1,0 đ)

- Tập trung nâng cao chất lượng dạy và học; quyết tâm thực hiện việc dạy thật – học thật, vì đây là cái gốc của chống tiêu cực và thực hiện hiệu quả hoạt động đổi mới giáo dục. (1,0 đ)

- Công tác kiểm tra, đánh giá học sinh luôn hướng đến tính trung thực, “Học gì thi nấy”, cho điểm sát với kết quả của học sinh; tuyệt đối không để xảy ra hiện tượng nâng đỡ về điểm số, cấy điểm tuỳ tiện, làm sai lệch thực tế năng lực và chất lượng học tập; có nhiều biện pháp hữu hiệu, phù hợp trong kiểm tra, đánh giá, chống hành vi gian lận trong kiểm tra, thi cử, quay cóp,… (2,0 đ)

- Trên cơ sở xác định đúng thực chất năng lực học sinh, phát huy vai trò giáo viên chủ nhiệm trong lập kế hoạch phụ đạo học sinh yếu, kém. Thường xuyên quan tâm đối tượng học sinh cá biệt để có biện pháp giáo dục phù hợp. (1,0 đ)

- Có sự phối hợp đồng bộ với đồng nghiệp và các hoạt động giáo dục khác trong hoạt động giáo dục. Đặc biệt chú ý mối liên hệ giữa nhà trường, gia đình và cộng đồng nhằm làm tốt công tác giáo dục toàn diện HS trong và ngoài nhà trường. (1,0 đ)

- Bản thân mỗi giáo viên phải có kế hoạch giáo dục (dạy học) ngay từ đầu năm học, luôn tự tu dưỡng, rèn luyện để nâng cao trình độ nghiệp vụ, kiến thức và phẩm chất đạo đức, xứng đáng là tấm gương cho học sinh. (1,0 đ)

Hướng dẫn cho điểm:

- Nêu được những ý trên, đạt từ 8 – 9 điểm;

- Trình bày được kế hoạch với những ý như trên nhưng còn chung chung, chưa nêu được yêu cầu cần đạt: 6,5 – 7,5 điểm;

- Hiểu yêu cầu nhưng cách trình bày chưa rõ ràng, còn dàn trải, nặng về hình thức: 5 – 6,25 điểm;

- Trình bày kế hoạch bản thân không rõ ràng, chung chung, có sự lúng túng trong nhận thức, không hiểu rõ vai trò, trách nhiệm của bản thân: dưới 5 điểm;

- 1 điểm dành cho chữ viết đẹp. Trường hợp viết sai nhiều lỗi chính tả, trừ 50 % trên tổng số điểm.

Đề tự luận thi giáo viên dạy giỏi - Đề số 4:

“ Chất lượng giáo dục” là đạo đức nghề nghiệp của mỗi nhà giáo. Là người đang trực tiếp giảng dạy, thầy (cô) hãy trình bày hiểu biết, quan điểm của bản thân để nâng cao chất lượng của lớp mình.

YÊU CẦU – HƯỚNG DẪN CHẤM BÀI

I. Hình thức: (2 điểm)

- Bài viết có đủ 3 phần: mở bài, thân bài (phát triển) và kết luận.

- Chữ viết chân phương, rõ ràng.

- Không có nhiều hơn 3 lỗi chính tả hoặc lỗi dùng từ.

II. Nội dung: Trình bày đủ các phần theo đề bài như sau: (8 điểm)

1. Hiểu biết về khái niệm chất lượng giáo dục. (1 điểm)

- Chất lượng là sản phẩm làm ra phù hợp với mục tiêu.

- Chất lượng giáo dục là sự đáp ứng yêu cầu về mục tiêu giáo dục.

- Nhận thức rõ chất lượng chuyên môn của giáo viên quyết định đến chất lượng giáo dục.

2. Trình bày được những biện pháp đã và cần áp dụng để nâng cao chất lượng giáo dục (2,5 điểm)

- Thực hiện chương trình, kế hoạch dạy học theo chuẩn kiến thức, kĩ năng.

- Thực hiện tốt việc điều chỉnh nội dung dạy học.

- Đổi mới phương pháp dạy học. Sử dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy.

- Phụ đạo hs yếu để củng cố kiến thức.

- Quan tâm đến công tác bồi dưỡng học sinh giỏi.

- Xây dựng cho hs tình cảm yêu trường, mến bạn tạo động lực để các em hăng hái thi đua học tập. Giáo dục kĩ năng sống cho hs.

- Kiểm tra đánh giá kết quả giảng dạy của gv và học tập của hs.

- Điều kiện cơ sở vật chất trường, lớp….

3. Dẫn chứng cách thức thực hiện và việc làm cụ thể. (3 điểm)

- Duy trì sĩ số.

- Thực tiễn giảng dạy trong tiết học.

- Khảo sát, thống kê đối tượng học sinh.

- Phân tích chất lượng học sinh.

- Tiến hành phụ đạo, bồi dưỡng.

- Lập sổ theo dõi.

- Sau mỗi đợt kiểm tra định kì có phân tích chất lượng học sinh. Đối chiếu, so sánh qua từng giai đoạn. Nhận xét, đánh giá.

- Tham gia dự giờ, thăm lớp, rút kinh nghiệm nâng cao tay nghề.

- Phát huy lương tâm và trách nhiệm của nhà giáo.

- Liên hệ với PHHS kịp thời về kết quả học tập của các em.

- Phối hợp chặt chẽ giữa ba lực lượng: Nhà trường – gia đình – xã hội.

- Nêu được kết quả của việc thực hiện - Minh chứng.

4. Bài học kinh nghiệm sau khi thực hiện các biện pháp nâng cao chất lượng giáo dục. ( 1,5 điểm )

- Gv có ảnh hưởng lâu dài đến thành tích học tập của hs.

- Người gv phải có các kĩ năng cơ bản, có khối lượng kiến thức chung và việc thực hiện giảng dạy đúng yêu cầu, phải tự học tập, rèn luyện nâng cao tay nghề.

- Đội ngũ gv chuẩn về nghề nghiệp, tốt về đạo đức, giỏi về chuyên môn, tận tâm với nghề và vững vàng về chính trị…..

Đề tự luận thi giáo viên dạy giỏi - Đề số 5:

Anh (chị) hãy cho biết thế nào là dạy học phát huy tính tích cực của học sinh?

Để dạy học phát huy tính tích cực của học sinh, cần tiến hành các hoạt động nào ? Những hoạt động này có đặc trưng gì ? Anh (chị) đã vận dụng việc dạy học phát huy tính tích cực học tập của học sinh ở lớp mình như thế nào?

Đáp án

Ý 1 (3 điểm): Dạy học phát huy tính tích cực của học sinh là thay đổi cách dạy và cách học, chuyển cách dạy thụ động, truyền thụ một chiều “đọc- chép”, giáo viên làm trung tâm sang cách dạy lấy học sinh làm trung tâm. Trong cách dạy này học sinh là chủ thể hoạt động, giáo viên là người thiết kế, tổ chức, hướng dẫn, tạo nên sự tương tác tích cực giữa người dạy và người học. Dạy và học tích cực là điều kiện tốt khuyến khích sự tham gia chủ động, sáng tạo và ngày càng độc lập của học sinh vào quá trình học tập. (2 điểm)

- Hoạt động học tập của học sinh chính là hoạt động nhận thức. Hoạt động này chỉ có hiệu quả khi học sinh học tập một cách tích cực, chủ động, tự giác, với một động cơ nhận thức đúng đắn. Qua đó sẽ thông hiểu, ghi nhớ những gì đã nắm được qua hoạt động chủ động, nỗ lực của chính mình. (1 điểm)

Ý 2 (3 điểm): Để dạy học phát huy tính tích cực học tập của học sinh giáo viên thường sử dụng các hoạt động:

- Đàm thoại khi giảng bài; (0,5 điểm)

- Đặt ra những câu hỏi gợi mở, gợi ý nhằm khuyến khích HS suy nghĩ tích cực học tập; (0,5 điểm)

- Thực hành (theo mẫu trong lớp hay ngoài lớp); (0,5 điểm)

- Thảo luận theo cặp, nhóm, lớp; (0,5 điểm)

- Tổ chức hoạt động để HS tìm tòi, khám phá, tự phản ánh việc học và tự đánh giá kết quả học tập của mình,…(1 điểm).

Ý 3 (2 điểm): Dấu hiệu đặc trưng của dạy và học tích cực:

- Người học được cuốn hút tham gia vào các hoạt động học tập do GV tổ chức và chỉ đạo, thông qua đó tự lực khám phá, tìm tòi kiến thức không thụ động trông chờ vào việc truyền thụ của giáo viên. (1 điểm)

- Người học được hoạt động, được trực tiếp quan sát, thảo luận, làm thí nghiệm, giải quyết vấn đề, vận dụng kiến thức vào thực tế cuộc sống theo khả năng nhận thức, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân.(1 điểm)

Ý 4 (2 điểm): Vận dụng: Giáo viên nêu được dẫn chứng cụ thể trong thực tế giảng dạy về việc vận dụng dạy học phát huy tính tích cực của học sinh./.

Đề tự luận thi giáo viên dạy giỏi - Đề số 6:

Câu 1: (2 điểm)

Chuẩn kiến thức, kỹ năng là gì? (GV chỉ trình bày theo dạng : trả lời trực tiếp - gạch đầu dòng - liệt kê)

Câu 2: (8 điểm)

Ngày 01 tháng 9 năm 2011 Bộ GD-ĐT có công văn 5842/BGDĐT-VP về việc hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học GDPT.

Đây là một trong những chỉ đạo quan trọng của Bộ Giáo dục và Đào tạo nhằm tiếp tục thúc đẩy nỗ lực đổi mới phương pháp dạy học của giáo viên, góp phần thiết thực nâng cao chất lượng dạy học và chất lượng thực hiện chương trình giáo dục tiểu học.

Anh (Chị) hãy trình bày hiểu biết, quan điểm của bản thân về chủ trương này; dẫn chứng cách thức thực hiện và nêu kết quả học tập, rèn luyện của học sinh.

II. Đáp án bài tự luận: GV phải nêu được các nội dung sau:

* Câu 1: (2 điểm) Chuẩn kiến thức kĩ năng.

a- Là các yêu cầu cơ bản, tối thiểu về kiến thức và kĩ năng của môn học, hoạt động GD mà HS cần phải và có thể đạt được sau từng giai đoạn học tập. (0,5đ)

b- Được cụ thể hóa ở các chủ đề của môn học, ở các lĩnh vực học tập, yêu cầu về thái độ được xác định cho từng lớp và cho cả cấp học. (0,5đ)

c- Là cơ sở để biên soạn SGK, quản lý dạy học, đánh giá kết quả giáo dục ở từng môn học, hoạt động giáo dục nhằm bảo đảm tính thống nhất, tính khả thi của chương trình, đảm bảo chất lượng và hiệu quả của quá trình GD ở tiểu học. (1đ)

* Câu 2: (8 đ)

1. Phần mở bài: (1đ)

- Nêu được lí do vì sao Bộ GD-ĐT có công văn trên và thời gian thực hiện từ năm học 2011-2012.

2. Phần thân bài: Nêu được 3 vấn đề (6đ)

a. GV nhận thức được việc thực hiện công văn 5842 của Bộ nhằm: (2,5đ)

- Để dạy và học phù hợp với chuẩn kiến thức kỹ năng, phù hợp với thời lượng dạy học và điều kiện thực tế các nhà trường. (0,5đ)

- Điều chỉnh nội dung dạy học theo hướng cắt giảm các nội dung quá khó, trùng lặp, chưa thực sự cần thiết đối với học sinh, các câu hòi, bài tập đòi hỏi phải khai thác quá sâu kiến thức lý thuyết, để GV, HS dành thời gian cho các nội dung khác, tạo thêm điều kiện cho giáo viên đổi mới phương pháp dạy học theo yêu cầu của chương trình cấp học. (1đ)

- Thời gian dư do giảm bớt bài, giảm bớt nội dung trong từng bài, giáo viên không đưa thêm nội dung khác vào dạy mà dùng để củng cố kiến thức và rèn luyện kĩ năng đã học hoặc tổ chức các hoạt động giáo dục phù hợp cho học sinh. Từng tổ khối thảo luận, thống nhất cách sử dụng thời gian dư cho hợp lý. (0,5đ)

- Không tổ chức kiểm tra đánh giá vào các nội dung, yêu cầu đã giảm bớt. Giáo viên tiểu học phải nắm vững hướng dẫn điều chỉnh các nội dung các môn học cấp tiểu học để thực hiện trong quá trình dạy học. (0,5đ)

b. GV trình bày những việc làm cụ thể để thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học ở lớp mình trực tiếp giảng dạy: (2,5đ)

- GV phải nắm vững yêu cầu về kiến thức, kỹ năng cơ bản được quy định trong chương trình tiểu học đối với từng môn học của khối lớp đang trực tiếp giảng dạy sẽ giúp giáo viên điều chỉnh dạy và học phù hợp với mức độ của HS nhưng vẫn đảm bảo HS phải nắm được chuẩn kiến thức. (1đ)

- Phải tổ chức khảo sát chất lượng học sinh đầu năm học để nắm được khả năng học tập của từng HS trong lớp. Từ đó xác định nội dung cụ thể của bài học trong sách giáo khoa cần hướng dẫn cho từng nhóm đối tượng học sinh. (0,5đ)

- GV xây dựng kế hoạch dạy học cụ thể của mình, báo cáo cho tổ trưởng chuyên môn, ban giám hiệu và ghi vào kế hoạch dạy học tuần (lịch báo giảng). (1đ)

c. GV nêu kết qủa chất lượng học tập, rèn luyện của học sinh sau khi GV thực hiện điều chỉnh việc dạy và học ( kết quả chất lượng HK I hoặc HK II so với chất lượng khảo sát đầu năm) (1,đ)

3. Phần kết luận: (1đ)

- GV nêu quan điểm của mình về công văn 5842 của Bộ GD-ĐT, hoặc kiến nghị với các cấp quản lý giáo dục nhắm giúp GV thực hiện điều chỉnh dạy và học được thuận lợi ./.

Lưu ý : Bài viết nhiều lỗi chính tả, chữ viết cẩu thả khó đọc, trình bày bài chưa khoa học, không rõ bố cục... Giám khảo trừ từ 0,5 đến1,5 điểm cho toàn bài.

Một số câu hỏi tự luận thi giáo viên dạy giỏi

Câu 1: Theo quyết định số 16/2006/QĐ-BGDĐT ngày 05/5/2006 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về Chương trình giáo dục phổ thông, phần những vấn đề chung đã xác định “Chuẩn kiến thức, kĩ năng là các yêu cầu cơ bản, tối thiểu về kiến thức và kĩ năng của môn học, hoạt động giáo dục mà học sinh cần phải và có thể đạt được”

Thầy (cô) hiểu như thế nào về vấn đề trên?

Câu 2: Thầy (cô) hãy trình bày mục tiêu, nguyên tắc tích hợp nội dung giáo dục tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh vào giảng dạy các môn học .

Cho một ví dụ cụ thể.

Câu 3: Thầy (cô) đã thực hiện tự chủ chương trình dạy học như thế nào?

Cho một ví dụ cụ thể.

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên chuyên mục Tài liệu của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
2 12.925
Bạn có thể tải về tập tin thích hợp cho bạn tại các liên kết dưới đây.
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi