Chương trình giáo dục phổ thông môn Công nghệ

Chương trình môn Công nghệ giáo dục phổ thông mới

Chương trình giáo dục phổ thông mới gồm 20 môn học, tất cả có sự đổi mới về mặt nội dung, cấu trúc… so với bản hiện hành. Dưới đây là nội dung chi tiết dự thảo chương trình giáo dục phổ thông môn Công nghệ. Mời các bạn cùng tham khảo.

CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC PHỔ THÔNG MÔN CÔNG NGHỆ
(Dự thảo ngày 19 tháng 01 năm 2018)

I. ĐẶC ĐIỂM MÔN HỌC

Công nghệ là tri thức có hệ thống về quy trình và kĩ thuật dùng để chế biến vật liệu và thông tin, bao gồm kiến thức, thiết bị, phương pháp và các hệ thống dùng trong việc tạo ra hàng hoá và cung cấp dịch vụ. Trong mối quan hệ giữa khoa học và công nghệ thì khoa học hướng tới khám phá, tìm hiểu, giải thích thế giới; còn công nghệ, dựa trên những thành tựu của khoa học, tạo ra các sản phẩm, dịch vụ công nghệ để giải quyết các vấn đề đặt ra trong thực tiễn, cải tạo thế giới, định hình môi trường sống của con người.

Trong Chương trình giáo dục phổ thông, giáo dục công nghệ cho học sinh được thực hiện từ lớp 3 đến lớp 12 thông qua môn Tin học và Công nghệ ở tiểu học và môn Công nghệ ở trung học.

Công nghệ là môn học bắt buộc trong giai đoạn giáo dục cơ bản; là môn học lựa chọn, thuộc nhóm môn Công nghệ và Nghệ thuật (Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật) trong giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp.

Nội dung giáo dục công nghệ rộng, đa dạng, thuộc nhiều lĩnh vực kĩ thuật, công nghệ khác nhau. Trong dạy học công nghệ, có những nội dung cơ bản, cốt lõi, phổ thông tất cả học sinh đều phải học. Bên cạnh đó, có những nội dung có tính đặc thù, chuyên biệt nhằm đáp ứng nguyện vọng, sở thích của học sinh, phù hợp với yêu cầu của từng địa phương, vùng miền.

Sự đa dạng về lĩnh vực kĩ thuật, công nghệ trong nội dung môn Công nghệ cũng mang lại ưu thế của môn học trong việc lồng ghép, tích hợp nội dung giáo dục hướng nghiệp trong môn học thông qua các chủ đề về lựa chọn nghề nghiệp; các nội dung giới thiệu về ngành nghề chủ yếu thuộc các lĩnh vực sản xuất môn Công nghệ đề cập; các hoạt động trải nghiệm nghề nghiệp qua các mô-đun kĩ thuật, công nghệ tự chọn.

Cũng như các lĩnh vực giáo dục khác, giáo dục công nghệ có trách nhiệm hình thành và phát triển các năng lực chung cốt lõi, các phẩm chất chủ yếu đã được đề cập trong Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể. Với việc coi trọng phát triển tư duy thiết kế, giáo dục công nghệ có ưu thế trong hình thành và phát triển năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo.

Môn Công nghệ ở trường phổ thông có mối quan hệ với nhiều lĩnh vực giáo dục khác, đặc biệt là với Toán học và Khoa học. Cùng với Toán học, Khoa học tự nhiên, Tin học, môn Công nghệ góp phần thúc đẩy giáo dục STEM ở phổ thông – một trong những xu hướng giáo dục đang được coi trọng ở nhiều quốc gia trên thế giới.

II. QUAN ĐIỂM XÂY DỰNG CHƯƠNG TRÌNH

Chương trình giáo dục công nghệ tuân thủ quan điểm xây dựng chương trình đã nêu trong Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, trong đó, quan điểm định hướng phát triển năng lực và phẩm chất cho học sinh là tư tưởng chủ đạo. Với quan điểm này, chương trình môn Công nghệ xác định khung năng lực công nghệ, thể hiện rõ cơ hội hình thành và phát triển năng lực đặc thù môn học, năng lực chung cốt lõi trong mỗi mạch nội dung, chủ đề của môn học. Việc hình thành và phát triển các năng lực chung và năng lực đặc thù là định hướng quan trọng, xuyên suốt trong xác định nội dung, lựa chọn phương pháp, hình thức tổ chức dạy học và đánh giá kết quả giáo dục của môn học.

Bên cạnh đó, xây dựng Chương trình môn Công nghệ nhấn mạnh các quan điểm sau:

– Khoa học, thực tiễn: Chương trình môn Công nghệ dựa trên các thành tựu về lí luận dạy học kĩ thuật; tham chiếu các mô hình giáo dục kĩ thuật, công nghệ đang được sử dụng phổ biến trên thế giới như mô hình định hướng lao động thủ công, mô hình giáo dục kĩ thuật tổng hợp, mô hình công nghệ đại cương, mô hình thiết kế kĩ thuật và mô hình định hướng kĩ thuật tương lai. Cùng với đó, chương trình môn Công nghệ được xây dựng bám sát, phù hợp với thực tiễn Việt Nam.

– Kế thừa, phát triển: Chương trình môn Công nghệ mới kế thừa những thành tựu, những ưu điểm của chương trình hiện hành đã được kiểm chứng trong thực tiễn trên các phương diện về quan điểm xây dựng chương trình, mục tiêu, nội dung, chuẩn cần đạt, phương pháp và hình thức tổ chức dạy học. Đồng thời, Chương trình giáo dục công nghệ mới được xây dựng trên cơ sở những tiếp cận mới về giá trị môn học, mục tiêu, nội dung, phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá.

– Hội nhập, khả thi: Chương trình môn Công nghệ phản ánh xu hướng quốc tế mà nổi bật là coi thiết kế kĩ thuật là một trong những tư tưởng chủ đạo của giáo dục công nghệ, đặc biệt là ở cấp trung học phổ thông. Bên cạnh đó, chương trình tính tới những yếu tố đặc thù Việt Nam, thực trạng đội ngũ và cơ sở vật chất để đảm bảo tính khả thi của chương trình giáo dục mới.

– Hướng nghiệp: Giáo dục công nghệ có lợi thế và là một trong những con đường giáo dục hướng nghiệp chủ yếu cho học sinh. Chương trình giáo dục công nghệ thực hiện chức năng giáo dục hướng nghiệp trên cả hai phương diện định hướng và trải nghiệm nghề nghiệp. Nội dung hướng nghiệp trong giáo dục công nghệ đồng bộ, nhất quán với các hoạt động giáo dục hướng nghiệp khác trong tổng thể Chương trình giáo dục phổ thông.

– Mở, linh hoạt: Thế giới công nghệ rất đa dạng, phong phú và thường xuyên thay đổi. Chương trình môn Công nghệ một mặt phản ánh được những tri thức phổ thông, hành dụng, thiết thực, cốt lõi, và ổn định mà tất cả học sinh đều phải có; mặt khác, đảm bảo được tính mở nhằm đáp ứng sự đa dạng, phong phú của công nghệ, nhu cầu, sở thích của học sinh, phù hợp với đặc điểm của từng địa phương. Chương trình môn Công nghệ hướng tới thúc đẩy giáo dục STEM và phản ánh được tinh thần cơ bản của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Mời các bạn tải đầy đủ về tham khảo.

Đánh giá bài viết
2 3.879
0 Bình luận
Sắp xếp theo