Bài dự thi Bộ đội Hậu cần làm theo lời bác Hồ dạy

Mẫu bài dự thi Bộ đội Hậu cần làm theo lời bác Hồ là tổng hợp các bài dự thi hay nhất về các tấm gương sáng của các anh bộ đội hậu cần. Cuộc thi tổ chức nhằm nhằm kịp thời phát hiện, tôn vinh, nhân rộng các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến, người tốt-việc tốt trong thực hiện công tác hậu cần.

Thể lệ cuộc thi Bộ đội Hậu cần làm theo lời bác Hồ rất đơn giản, khuyến khích nhiều đối tượng tham gia gửi bài. Về phương thức dự thi của các bài dự thi dưới đây theo hình thức bút ký báo chí.

1. Bài dự thi Bộ đội Hậu cần làm theo lời bác Hồ dạy số 1

Thiếu tá Quân nhân chuyên nghiệp Nguyễn Thị Kim Trọng.

Học xong bậc trung học phổ thông, tháng 3 năm 1992, chị Nguyễn Thị Kim Trọng tình nguyện nhập ngũ và thi đỗ vào Học viện Hậu cần - cái nôi đào tạo cán bộ hậu cần toàn quân. Sau khi hoàn thành khóa học Trung cấp nấu ăn tại Học viện Hậu cần, chị về nhận công tác tại Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và gắn bó cho đến tận bây giờ. Gần hai mươi năm công tác trong quân ngũ, Bếp trưởng, Thiếu tá Quân nhân chuyên nghiệp Nguyễn Thị Kim Trọng đã gắn bó với Nhà ăn Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh.

Chị luôn tìm tòi sáng tạo cải tiến chế biến món ăn bảo đảm ngon hơn và đảm bảo đầy đủ tiêu chuẩn dinh dưỡng để bộ đội được đổi món và ăn hết khẩu phần định lượng tiêu chuẩn theo quy định. Nhiều đồng chí trong cơ quan tâm sự, mỗi khi xuống bếp ăn họ thường cảm thấy như đang ăn ở nhà mình. Trong mọi nhiệm vụ, chị luôn hạn chế mua thực phẩm ở ngoài đến mức tối đa, thay vào đó chị cùng tập thể bộ phận bếp tận dụng thời gian, giờ nghỉ, ngày nghỉ, tổ chức tăng gia sản xuất để lấy sản phẩm nhập cho bếp, vừa tăng thêm thu nhập cho bản thân lại vừa bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm cho bộ đội. Không chỉ lo 3 bữa ăn tại đơn vị, vào các thời điểm cơ quan hành quân diễn tập, chị và tổ nuôi quân lại nấu nướng bằng bếp Hoàng Cầm. Dù nấu bếp dã chiến nhưng nguyên tắc an toàn vệ sinh thực phẩm chị vẫn nhắc nhở anh em phải đặt lên hàng đầu. Tất cả các lần hành quân, chị đều trực tiếp vừa tham gia huấn luyện vừa tham gia nấu ăn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của đơn vị. Trong những năm qua, Bếp trưởng, Thiếu tá Quân nhân chuyên nghiệp Nguyễn Thị Kim Trọng đã cùng bộ phận của mình làm tốt công tác bảo đảm ăn uống cho hàng trăm đoàn khách đến thăm và làm việc, không xảy ra ngộ độc thực phẩm, được các đoàn đánh giá cao về chất lượng và tinh thần phục vụ.

Ngày làm việc của chị thường bắt đầu làm từ 5 giờ sáng, lo xong bữa sáng, bữa trưa rồi lại đến bữa chiều. Đó là chưa kể đến việc phục vụ ăn thêm, ăn tăng cường vào các đợt huấn luyện, diễn tập, tổ chức phục vụ các Hội nghị của Bộ chỉ huy, của các phòng, ban, cơ quan, đơn vị và tổ chức ăn vào dịp lễ, tết... Chị tâm sự, để có thể đáp ứng thời gian làm việc như vậy, chị phải cố gắng khắc phục mọi khó khăn, sắp xếp công việc gia đình và của đơn vị một cách hợp lý.

Thượng tá Nguyễn Trung Út, Chánh Văn Phòng Bộ CHQS tỉnh nhận xét: Đồng chí Nguyễn Thị Kim Trọng là người có tinh thần trách nhiệm, có tay nghề chuyên môn giỏi, tâm huyết với nghề nghiệp. Mặc dù hoàn cảnh, điều kiện gia đình còn nhiều khó khăn, một mình nuôi con nhưng đồng chí vẫn nhiệt tình với công việc, sẵn sàng nhận và hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao, xứng đáng với truyền thống phụ nữ Việt Nam“Giỏi việc nước đảm việc nhà”. Đồng chí và tổ phục vụ đã góp phần trực tiếp trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng bộ đội. Hằng năm tỷ lệ quân số khỏe của đơn vị luôn đạt trên 99%, góp phần hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ của đơn vị.

Tâm huyết, nhiệt tình, trách nhiệm, tận tụy, gương mẫu, những năm qua trên cương vị là Bếp trưởng bếp cơ quan Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, chị luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Liên tục 5 năm gần đây, từ năm 2014 đến nay, chị luôn là đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ, được Thủ trưởng Bộ CHQS tỉnh tặng 03 danh hiệu Chiến sỹ tiên tiến, lao động tiên tiến, cùng nhiều Bằng khen, Giấy khen và phần thưởng khác của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh vì có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Ngành Hậu cần quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy”.

Bài dự thi bộ đội hậu cần làm theo lời Bác

2. Bài dự thi Bộ đội Hậu cần làm theo lời bác Hồ dạy hay nhất số 2

Đại úy chuyên nghiệp Nguyễn Đình Mật - Tấm gương sáng trong ngành hậu cần

Đại úy chuyên nghiệp Nguyễn Đình Mật luôn được cán bộ, chiến sĩ (CBCS) tin yêu, quý mến không chỉ vì đức tính hiền lành, chân thật mà anh còn là một cán bộ hậu cần mẫu mực, liêm khiết.

Trải qua thời gian công tác ở nhiều đơn vị, anh Nguyễn Đình Mật về nhận nhiệm vụ ở Cơ quan quân sự quận Ngũ Hành Sơn với chức trách nhân viên tài chính kế toán, anh luôn nỗ lực, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn, không để xảy ra sai sót hay chậm trễ trong công việc; chủ động, sáng tạo, thực hiện tốt các chế độ, tiêu chuẩn tài chính.

Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, là đảng viên, anh Mật luôn tâm niệm: học tập tấm gương của Bác là học theo những việc làm giản dị, bình thường nhất trong cuộc sống, trong công việc hằng ngày. Sinh thời, Bác luôn dành nhiều tình cảm cho CBCS, quan tâm chăm lo cho lực lượng vũ trang (LLVT) từng miếng cơm, tấm áo. Bác dặn dò những người làm công tác hậu cần trong quân đội: “Hướng về chiến sĩ, hướng ra phía trước, phụng sự đại đa số bộ đội…”.

Thấm nhuần lời Bác dạy, Đại úy Nguyễn Đình Mật luôn đặt lợi ích của tập thể, của CBCS đơn vị lên trên hết. Hằng tháng, anh lên kế hoạch cụ thể bảo đảm lương, phụ cấp, tiền ăn và các khoản khác cho bộ đội đúng thời gian và chế độ, không để CBCS phàn nàn. Xác định nghiệp vụ kế toán tài chính luôn đòi hỏi sự chính xác, cẩn trọng và tỉ mỉ, anh luôn tự học, tự nghiên cứu các tài liệu, sách báo; học hỏi ở đồng chí, đồng đội để không ngừng nâng cao nghiệp vụ chuyên môn. Để bảo đảm chất lượng công việc, anh thường xuyên thực hiện tốt các chế độ kế toán, dự toán, báo cáo tài chính, thanh quyết toán theo quy định, ghi chép, tính toán, theo dõi sổ sách thu chi rõ ràng, chính xác. Bên cạnh đó, anh luôn chủ động phát huy vai trò tham mưu cho chỉ huy quản lý chặt chẽ các nguồn ngân sách và chấp hành nghiêm chế độ quản lý tài chính, nắm chắc các nhu cầu thực tế của đơn vị để cân đối, bảo đảm hài hòa trong thu chi, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Không thụ động trong công việc, Nguyễn Đình Mật luôn suy nghĩ, tìm tòi, xây dựng quy chế hoạt động quản lý công tác tài chính của đơn vị, công tác xây dựng ngành hậu cần, nhất là việc tham mưu tổ chức, phát động phong trào thi đua “Ngành hậu cần quân đội làm theo lời Bác” và “Đơn vị quản lý tài chính tốt” trong toàn thể CBCS Cơ quan quân sự quận, góp phần xây dựng khối hậu cần LLVT quận vững mạnh. Bên cạnh nhiệm vụ chính, anh thường xuyên suy nghĩ, tham mưu cho Đảng ủy, chỉ huy đơn vị tích cực tạo nguồn thu từ các hoạt động để góp phần cải thiện đời sống bộ đội, hỗ trợ kinh phí sửa chữa, nâng cấp doanh trại, xây dựng cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp.

Với vai trò của một cán bộ hậu cần, thấu hiểu sâu sắc lời Bác dạy “Chiến sĩ hy sinh xương máu để giữ đất nước, bụng có no, thân có ấm mới đánh được giặc", Nguyễn Đình Mật luôn phát huy tính tiên phong gương mẫu, giữ vững phẩm chất đảng viên; không tham ô, lãng phí hay bớt xén dù chỉ một đồng của tập thể, của anh em trong đơn vị; luôn quan tâm chăm lo nâng cao đời sống và các chế độ, tiêu chuẩn của anh em. Anh thường xuyên rèn luyện lối sống trong sạch, lành mạnh, giữ nghiêm tính tổ chức, tính kỷ luật, tác phong gần gũi với mọi người, luôn lắng nghe ý kiến đóng góp của tập thể để khắc phục, sửa chữa. Thượng tá Phan Văn Niêm, Chính trị viên Cơ quan Quân sự quận đánh giá: “Đại úy Nguyễn Đình Mật là cán bộ hậu cần ham học hỏi, thạo nghề, giỏi việc, hoàn thành tốt nhiệm vụ trong mọi tình huống. Anh có phẩm chất đạo đức trong sáng, cần mẫn, tận tụy, tinh thần trách nhiệm cao, là tấm gương về học tập và làm theo đạo đức Hồ Chí Minh cho anh em trong cơ quan noi theo, luôn được anh em quý mến, tin tưởng”.

3. Mẫu bài dự thi bộ đội Hậu cần làm theo lời bác Hồ dạy số 3

Đại tá - Tiến sỹ Nguyễn Tiến Dũng, Phó Giám đốc Bệnh viện 354

Đại tá - Tiến sỹ Nguyễn Tiến Dũng, Phó Giám đốc Bệnh viện 354- Tổng cục Hậu cần, được các đồng nghiệp, bạn bè gọi vui là “Dũng Hậu cần”...

Tại hội nghị hậu cần nội bộ Tổng cục Hậu cần cách đây không lâu, ở phần tham luận, khi các báo cáo, ý kiến đã khá nhiều, không khí có vẻ đã “lắng” xuống thì anh “xuất hiện”. Đôi mắt thông minh, có “lửa”, chất giọng hơi khàn, lối diễn đạt thẳng thắn, quyết đoán của anh khiến cả hội trường chú ý. Đề tài anh tham luận liên quan đến việc nâng cao chất lượng cán bộ hậu cần, nhất là về kiến thức quản lý kinh tế, tài chính - một đề tài khá “nóng” và “lạ” khiến mọi người càng chăm chú hơn. Sau hội nghị lần ấy, tôi tìm gặp anh tại phòng làm việc của Ban hậu cần Bệnh viện 354. Bước vào phòng, tôi hơi “run” khi thấy anh đang thoăn thoắt thao tác trên chiếc máy tính cá nhân. Nhưng khi anh cười, đưa tay ra bắt đầy thân thiện, tôi thấy mình dần tự tin hơn. Câu chuyện của anh và tôi thỉnh thoảng lại bị ngắt quãng bởi những tiếng gõ cửa và chuông điện thoại. Ngắt quãng mãi, rồi tôi cũng tìm hiểu được một chút về “lý lịch” của người chủ nhiệm hậu cần bận rộn này.

Sinh ra tại Thanh Trì- Hà Nội, trong một gia đình có bố làm nhà giáo quân đội, ngay từ nhỏ, cậu bé Dũng đã tự rèn cho mình tính tự lập, tự giác trong học tập, sinh hoạt. Suốt thời gian học phổ thông, Dũng luôn là học sinh giỏi nổi bật của trường. Tốt nghiệp THPT, do yêu thích môi trường quân đội, với niềm tự hào về hình ảnh người cha mẫu mực, cậu học trò Nguyễn Tiến Dũng quyết định thi vào trường Sỹ quan Hậu cần (nay là Học viện Hậu cần) và đậu thủ khoa. Ở môi trường mới, tính tự giác, ham học hỏi của Dũng càng được phát huy. Anh luôn là học viên giỏi toàn diện, thường được nêu gương trước toàn trường. Năm 1989, anh tốt nghiệp loại giỏi, là một trong số ít học viên được phong quân hàm trung uý và được tự chọn đơn vị công tác. Nhận thấy ở người cán bộ hậu cần trẻ có năng lực tổ chức nên sau khi ra trường, anh Dũng được điều chuyển qua nhiều cương vị công tác khác nhau, với nhiều loại hình đơn vị và môi trường làm việc khác biệt, từ nhà trường, cơ quan chiến lược đến khối Bệnh viện. Mỗi môi trường làm việc là một cuộc “thử lửa” giúp người cán bộ hậu cần trẻ tuổi trưởng thành hơn và tích lũy được nhiều kinh nghiệm quý. Năm 2008, khi đang làm Trưởng ban Hành chính - Hậu cần Viện U bướu - Phóng xạ Quân đội, Nguyễn Tiến Dũng được cấp trên điều động về làm Chủ nhiệm Hậu cần Bệnh viện 354, gác lại những dự định còn đang dang dở ở đơn vị cũ... Tháng 06/2013 giữ quân hàm đại tá và được bổ nhiệm Phó Giám đốc Bệnh viện 354 phụ trách quân sự - hậu cần.

Thành công nhờ sự năng động, quyết đoán

Khi về nhận nhiệm vụ tại một Bệnh viện Anh hùng, có truyền thống lâu đời, Nguyễn Tiến Dũng cũng cảm thấy vinh dự, tự hào. Đặc biệt, khi chứng kiến những tình cảm chân tình mà mọi người trong Bệnh viện dành cho mình, anh càng thêm phấn khởi, tự tin. Tuy nhiên, khi nhận bàn giao công việc, nắm bắt khái quát thực trạng công tác hậu cần, anh không khỏi băn khoăn, suy nghĩ, bởi nhận thấy, công tác hậu cần nơi đây hoạt động chưa thực sự hiệu quả, “xứng tầm” với tầm vóc của Bệnh viện. Nhiều hạng mục doanh trại bị xuống cấp; các bếp ăn của bệnh nhân và nhân viên vắng bóng người ăn; tồn đọng kinh phí xây dựng cơ bản từ nhiều năm trước chưa được quyết toán…

Để đưa hoạt động hậu cần Bệnh viện đi vào nền nếp, Nguyễn Tiến Dũng quyết định “đột phá” vào khâu cán bộ nhằm nâng cao năng lực, chất lượng, hiệu quả công tác của cán bộ, nhân viên hậu cần. Một số cán bộ, nhân viên lơ là công việc, hay vi phạm nội quy được anh nghiêm khắc phê bình, kiểm điểm. Những cán bộ có năng lực, tác phong công tác tốt, dù trẻ tuổi, vẫn được anh tin tưởng, giao đảm trách những công việc quan trọng. Ngoài ra, anh cho lắp đặt hệ thống “đường dây nóng” để nghe báo cáo, phản ánh về hoạt động hậu cần toàn Bệnh viện, bố trí bàn đăng ký sửa chữa doanh trại ngay đầu hành lang lối vào khu làm việc của Ban Hậu cần để mọi người tiện liên hệ, đăng ký. Các phiếu đề nghị sửa chữa luôn được chỉ đạo giải quyết nhanh, kịp thời, tránh gây phiền hà, ảnh hưởng đến công việc chuyên môn của các khoa, ban. Nhờ cuộc “cách mạng” ấy, sau một thời gian ngắn, guồng máy của Ban Hậu cần Bệnh viện đã hoạt động “trơn tru”, hiệu quả hơn hẳn.

Chấn chỉnh xong lề lối làm việc của cơ quan hậu cần, anh tranh thủ dành thời gian giải quyết các công việc tồn đọng từ trước để lại, quyết toán xong toàn bộ số hoá đơn, chứng từ tồn đọng suốt từ 10 năm trước. Sau đó, anh bắt đầu xây dựng kế hoạch nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hậu cần tại Bệnh viện. Bắt đầu là tham mưu cho Đảng uỷ, Ban giám đốc Bệnh viện đổi mới hình thức hoạt động của hệ thống căng tin, nhà ăn; xây dựng, cải tạo lại toàn bộ khu khám bệnh, nhà để xe, nhà tắm…rồi đổi mới cách thức quản lý bếp ăn theo hướng công khai, minh bạch, nâng cao chất lượng bữa ăn, bảo đảm ngon, sạch, rẻ hơn so với bên ngoài. Để thu hút lượng người ăn, anh bàn bạc với cán bộ, nhân viên tăng cường đổi mới khâu chế biến thực phẩm, thực hiện bữa ăn tự chọn; đồng thời xin trên đầu tư mới toàn bộ dụng cụ cấp dưỡng, bàn, ghế ăn. Kết quả, từ chỗ thưa vắng khách, đến nay các bếp ăn trong Bệnh viện luôn chật kín người ăn. Nhờ triển khai hệ thống điện ưu tiên, tổ chức lắp đồng hồ đo điện đến từng khoa, ban, hơn 1 năm qua, toàn Bệnh viện đã tiết kiệm được gần một tỉ đồng tiền điện, nước.

“Táo bạo” mà…khiêm tốn

Những kết quả bước đầu kể trên với người chủ nhiệm mới quả không hề nhỏ. Nhưng theo như tâm sự của anh thì việc anh tham mưu cho Đảng ủy, lãnh đạo Bệnh viện làm dự án xin xây mới toàn bộ khu nhà làm việc của Bệnh viện mới thực sự “đáng kể” nhất. Năm 2008, bắt nguồn từ việc Đảng ủy, Ban giám đốc Bệnh viện có kế hoạch xin cấp trên đầu tư cải tạo khu vực phòng khám cho Bệnh viện, anh đã mạnh dạn tham mưu, đề xuất với cấp trên lập dự án xin đầu tư xây dựng mới toàn bộ Bệnh viện. Đây là một ý tưởng “táo bạo”, khiến không ít người lo ngại tính khả thi. Tuy nhiên, nhận thấy tâm huyết và năng lực của anh, Đảng ủy, Ban giám đốc đã tin tưởng giao Ban Hậu cần làm cơ quan chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng khẩn trương xây dựng hồ sơ dự án đệ trình lên cấp trên phê duyệt. Sau nhiều lần chỉnh sửa, bổ sung, Dự án xây mới Bệnh viện 354 với quy mô 350 giường bệnh, theo tiêu chuẩn “Bệnh viện công viên”, dần hướng tới tiêu chuẩn “ Bệnh viện khách sạn” đã chính thức được phê duyệt và đang triển khai giai đoạn 1 với số vốn trên 270 tỉ đồng. Dự án được triển khai, Nguyễn Tiến Dũng được cấp trên tin tưởng giao trách nhiệm Phó ban quản lý dự án. Công việc của anh vốn đã bận rộn nay càng nhiều thêm. Hàng ngày, ngoài công việc chuyên môn, anh còn phải tham gia giám sát tiến độ, chất lượng thi công, giải quyết các vướng mắc, phát sinh theo thẩm quyền.

Tranh thủ lúc anh đang ký hóa đơn, sổ sách, tôi liếc nhìn lên trần nhà, bắt gặp hàng dài những bằng khen, giấy khen và các danh hiệu khác. Nói về bảng thành tích khá “dày” ấy, giọng anh khiêm tốn: “ Đó là công lao của cả tập thể anh ạ! Một mình chủ nhiệm chẳng làm được gì nếu không có sự tin tưởng của cấp trên và sự đồng lòng, ủng hộ của tất cả cán bộ, nhân viên”. Nghe anh nói, tôi biết anh không muốn đề cao vai trò của mình. Nhưng những đóng góp của anh không ai có thể phủ nhận. Từ chỗ là cơ quan “thường thường bậc trung”, không có hoạt động, thành tích nổi bật, đến nay, Ban Hậu cần do Chủ nhiệm Nguyễn Tiến Dũng phụ trách đã trở thành một “điểm sáng” của Bệnh viện. Liên tục từ năm 2008 đến nay, Ban Hậu cần đều được cấp trên khen thưởng. Trong đó, năm 2010, 2011, Ban được tặng danh hiệu Đơn vị Quyết thắng. Cá nhân Chủ nhiệm Dũng được tặng 01 Bằng khen (2008); 03 danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở (2009; 2010; 2011). Đây có thể coi là thời kỳ “bội thu” danh hiệu của Ban Hậu cần từ trước tới nay.

Bận rộn là thế nhưng Nguyễn Tiến Dũng vẫn chưa chịu “dừng lại”. Tranh thủ những ngày nghỉ, thời gian rảnh rỗi, anh vẫn miệt mài học tập để thu nạp thêm kiến thức, tích lũy vốn ngoại ngữ. Đến nay, ngoài 2 tấm bằng tốt nghiệp vòng 1, vòng 2 tại Học viện Hậu cần, anh đã kịp “sưu tập” cho mình 3 tấm bằng cử nhân và cao học của các trường: Viện Đại học Mở, Đại học Kinh tế Quốc dân, Học viện Ngân hàng. Ngồi trò chuyện suốt buổi, vậy mà khi chuẩn bị ra về, tôi mới được anh tiết lộ thêm: ngoài thời gian làm việc ở cơ quan, khi về nhà, anh còn quản lý một tổ hợp nhà hàng, khách sạn với hàng trăm lao động, doanh thu mỗi tháng hàng tỉ đồng. Nhìn vóc người tầm thước của anh, tôi đùa: “ Với sức làm việc như vậy, chắc anh phải có bí quyết gì để giữ sức khỏe chứ?”. Anh nhìn tôi cười: “ Dù bận đến đâu, mỗi ngày mình cũng cố dành vài giờ đồng hồ để đi bộ, chơi thể thao…, vừa thư giãn đầu óc, lại tăng cường thể lực. Đấy chính là bí quyết đó thôi..”.

Vừa rồi, tôi vô tình gặp lại anh bên lề một hội nghị. Vẫn cái bắt tay chắc nịch đầy chân tình, vẫn giọng nói hơi khàn ấy, nhưng đôi mắt anh trĩu nặng hơn. Chưa kịp hỏi sao cho “khéo”, như đoán trước được ý định của tôi, anh đã chủ động: “ Vừa rồi nhiều việc bận quá! Mình nhớ còn nợ cậu một đề tài đăng ký viết từ lâu mà chưa trả được. Đợi sau đợt này, khi công việc hòm hòm, mình sẽ “xóa nợ” với cậu”. Dứt lời, anh cười thật tươi, đôi mắt thiếu ngủ bừng lên lấp lánh. Còn tôi, khi nghe anh nói vậy, trong lòng bỗng thấy vui hơn. Hóa ra, dù bộn bề trước bao công việc nhưng anh vẫn luôn nhớ đến những gì đã hứa. Mặc dù nếu anh có quên, thì tôi cũng chẳng nỡ trách anh!..

4. Bài dự thi bộ đội Hậu cần làm theo lời bác Hồ dạy số 4

Tiểu đoàn 699 tăng gia sản xuất giỏi

Những vườn hoa rực rỡ, những con đường nội bộ rợp bóng cây xanh, hàng chục hòn non bộ, chậu cây cảnh trải quanh khuôn viên đơn vị cùng vườn cây ăn quả, rừng bạch đàn là thành quả tự tay thiết kế, chăm bón hằng ngày của CBCS sau mỗi ngày làm việc. Toàn bộ đường đi trong doanh trại đã được bê-tông hóa. Hội trường, nhà làm việc, nhà ở, nhà bếp, khu vệ sinh đều khang trang, sạch sẽ; hệ thống nhà để xe tăng - thiết giáp, kho tàng, khu bảo dưỡng, khu huấn luyện đều được xây dựng chính quy, kiểu mẫu. Nhiều năm liền đơn vị được các đoàn của Bộ và Quân khu đến tham quan, học tập và biểu dương.

Thiếu tá Ngô Minh Hồng, Tiểu đoàn trưởng nói với chúng tôi: “Tiểu đoàn 699 quân số ít, kinh phí lại hạn hẹp, nhưng chúng tôi luôn động viên nhau phát huy nội lực, trí tuệ, đầu tư sức lao động. Với những cố gắng lớn, nhiều năm qua, đơn vị đã tích cực tăng gia sản xuất, thu thêm nguồn vốn để đầu tư xây dựng được một vườn cây ăn quả thanh niên trị giá 40 triệu đồng, khu khuôn viên trước sân tiểu đoàn và đại đội trị giá 30 triệu đồng, một sân bóng chuyền trị giá 30 triệu đồng, hệ thống cây xanh quanh đơn vị và nhiều hạng mục phục vụ nhu cầu văn hóa tinh thần của bộ đội với tổng trị giá hơn 300 triệu đồng, qua đó bảo đảm nhu cầu vật chất và tinh thần cho CBCS”.

Có thể nói, công sức, trí tuệ của CBCS đơn vị suốt 15 năm qua đã làm nên một khu tăng gia sản xuất rất bài bản. Các vườn rau xanh, vườn gia vị, vườn chuối, vườn thuốc nam, khu tập trung chăn nuôi được quy hoạch thành từng khu riêng rẽ và tổ chức sản xuất khoa học, đạt hiệu quả kinh tế cao. Với ưu thế diện tích đất rộng, lại là vùng đồi núi phù hợp với chăn nuôi, đơn vị đã đầu tư phát triển giống heo rừng, xây dựng và củng cố 550m2 chuồng trại với 100 con, nuôi từ 2 - 2,5 tháng có thể xuất chuồng, tạo nguồn thu ổn định lâu dài. Bên cạnh đó còn phát triển mô hình nuôi thỏ với 180 con, gia cầm gà vịt 220 con, hai ao cá số lượng hơn 1.000 con các loại chép, rô, trắm cỏ, cá lóc…

Đơn vị còn tận dụng lợi thế đất đồi gò trồng 600 cây chuối, mít, đu đủ và hơn 100 cây ăn quả các loại. Vườn rau xanh theo mùa được chăm bón kỹ càng, chu đáo với hàng chục loại rau, củ, quả quanh năm tươi tốt. Năm nào đơn vị cũng vượt chỉ tiêu kế hoạch tăng gia sản xuất 10-12%, đưa vào bữa ăn hằng ngày cho bộ đội 100% rau củ quả tươi, sạch và 50% thịt cá, tạo thu nhập bình quân 4,9 triệu đồng/người/năm đối với cán bộ, sĩ quan và 1,3 triệu đồng/người/năm đối với hạ sĩ quan, chiến sĩ.

Chỉ tính riêng trong năm ngoái và 6 tháng đầu năm nay, đơn vị đã đầu tư 250 triệu đồng từ nhiều nguồn để xây dựng khu căng tin phục vụ bộ đội, cải tạo nhà ăn và nhà bếp, lắp đặt bếp lò hơi tiện dụng, xây mới đường pít duyệt đội ngũ, nhà kho, nhà xe máy, sân cầu lông, làm cho cảnh quan môi trường đơn vị ngày càng chính quy, khang trang.

Để có được những thành quả đó, không ai có thể quên những ngày đầu vô cùng gian nan, vất vả khi đặt chân đến nơi đây. Cùng với ổn định nơi ăn ở, làm việc, phong trào tăng gia sản xuất được phát động từng ngày. Thiếu nước sinh hoạt và tăng gia, đơn vị đã đầu tư hàng trăm mét ống lên núi kéo nước về. Đất đồi khô cằn, các anh lại đi tìm kiếm hàng trăm m3 đất mùn về đổ lên để gieo trồng; rồi học hỏi, nghiên cứu các giống cây trồng, con vật nuôi phù hợp để phát triển; nhân giống, tìm tòi nhiều kinh nghiệm quý để chăn nuôi thành công các giống heo rừng, nhất là nuôi thỏ cho hiệu quả kinh tế lâu dài.

Giờ đây, cơ ngơi của đơn vị đã thực sự bề thế, khang trang. Thành quả từ tăng gia sản xuất không chỉ góp phần cải thiện đời sống vật chất mà còn góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho bộ đội. Thông qua lao động sản xuất đã từng ngày làm CBCS thật sự gắn bó với đơn vị, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Xem thêm

Đánh giá bài viết
1 3.358
0 Bình luận
Sắp xếp theo