Tìm hiểu về tác giả Tô Hoài (Mới cập nhật)

Tô Hoài được mệnh danh là “Nhà văn của mọi lứa tuổi”. Với các tác phẩm của mình, nhà văn Tô Hoài đã để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng người đọc với phong cách sáng tác đa dạng từ truyện ngắn, tiểu thuyết, hồi kí, truyện thiếu nhi... Trong bài viết này Hoatieu xin chia sẻ một số khái quát chung về tác giả Tô Hoài để bạn đọc nắm được tiểu sử tác giả Tô Hoài cũng như các tác phẩm của tô Hoài và phong cách sáng tác của ông.

1. Tiểu sử tác giả Tô Hoài

- Tô Hoài (1920-2014) tên khai sinh là Nguyễn Sen.

- Tô Hoài sinh ra tại quê nội ở thôn Cát Động, Thị trấn Kim Bài, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Đông cũ trong một gia đình thợ thủ công.

- Tuy nhiên, ông lớn lên ở quê ngoại là làng Nghĩa Đô, huyện Từ Liêm, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông (nay thuộc phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội, Việt Nam.

- Bút danh Tô Hoài gắn với hai địa danh: sông Tô Lịch và phủ Hoài Đức.

- Bước vào tuổi thanh niên, ông đã phải làm nhiều công việc để kiếm sống như dạy trẻ, bán hàng, kế toán hiệu buôn,... nhưng có những lúc thất nghiệp

- Năm 1943, Tô Hoài gia nhập Hội Văn hóa cứu quốc.

- Trong chiến tranh Đông Dương, ông chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực báo chí, nhưng vẫn có một số thành tựu quan trọng như Truyện Tây Bắc.

- Ông mất ngày 6 tháng 7 năm 2014 tại Hà Nội, hưởng thọ 94 tuổi.

2. Sự nghiệp văn chương của Tô Hoài

Tác giả Tô Hoài
Tác giả Tô Hoài

Thời niên thiếu của ông rất khó khăn cực khổ, nhưng với tính cần cù, chịu khó ông đã thử sức mình với rất nhiều nghề nghiệp khác nhau để sinh sống qua ngày từ dạy trẻ, bán hàng, thợ thủ công dệt lụa cho đến kế toán,... có cả những thời điểm ông thất nghiệp, không có việc làm.

Năm 1943, Tô Hoài gia nhập Hội Văn hóa cứu quốc, bắt đầu tham gia vào các phong trào kháng chiến chống thực dân Pháp . Từ đây, ông hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực báo chí, văn hoá văn nghệ và đạt rất nhiều thành tựu xuất sắc.

Sau năm 1945, Tô Hoài làm Chủ nhiệm báo “Cứu quốc” và là một trong số những nhà văn đầu tiên Nam tiến và tham dự một số chiến dịch ở mặt trận phía Nam. Năm 1946, ông được kết nạp vào Đảng.

Đến năm 1950, ông về công tác tại Hội Văn nghệ Việt Nam. Từ năm 1957 đến năm 1980, Tô Hoài được nắm giữ rất nhiều chức vụ khác nhau trong Hội Nhà văn như : ủy viên Đảng Đoàn, Phó Tổng thư kí, Chủ tịch Hội Văn nghệ Hà Nội, Giám đốc Nhà xuất bản Thiếu nhi.

Từ năm 1954 trở đi, ông bắt đầu tập trung vào sự nghiệp sáng tác của mình, nhanh chóng gặt hái thành công và được nhiều người yêu mến.

Tô Hoài là một nghệ sĩ rất đa tài, trong suốt sự nghiệp văn chương của mình ông đã miệt mài sáng tác hàng trăm tác phẩm thuộc đủ thể loại như: tiểu thuyết, truyện vừa, bút ký, ký sự, truyện ngắn, hồi ký, tự truyện, tiểu luận phê bình, truyện viết cho thiếu nhi, cho đến cả các bài báo ngắn.

3. Các tác phẩm của Tô Hoài

3.1. Tác phẩm của Tô Hoài trước Cách mạng tháng Tám

Trước cách mạng tháng 8, văn học của ông chủ yếu viết về các loài vật và những câu chuyện về người dân nông thôn sống trong cảnh nghèo khổ.

Dế mèn phiêu lưu kí (1941), Quê người (1941), O chuột (1942), Giăng thề (1943), Nhà nghèo (1944), Xóm Giếng ngày xưa (1944), Cỏ dại (1944).

Tác phẩm nổi bật nhất trong số đó là truyện Dế Mèn phiêu lưu kí – một tác phẩm văn xuôi viết về loài vật miêu tả bức tranh thiên nhiên vô cùng sinh động và thú vị cùng rất nhiều bài học nhân sinh ý nghĩa được tác giả gửi gắm. Đây là một tác phẩm dành cho lứa tuổi thiếu nhi và đã được tái bản nhiều lần, được dịch và xuất bản ở một số nước trên thế giới.

3.2. Tác phẩm chính của Tô Hoài sau Cách mạng tháng Tám

Sau cách mạng tháng 8, ông có những chuyển biến mạnh mẽ về phong cách và tư tưởng sáng tác với những tác phẩm phản ánh cuộc sống cơ cực của nhân dân dưới ách thống trị tàn bạo của của giặc xâm lược và con đường đến với cách mạng giải phóng của họ.

- Truyện ngắn: Núi cứu quốc (1948), Xuống làng (1950), Truyện Tây Bắc (1953, Giải nhất tiểu thuyết năm 1956 của Hội Văn nghệ Việt Nam), Khác trước (1957), Vỡ tỉnh (1962), Người ven thành(1972).

- Tiểu thuyết : Mười năm (1957), Miền Tây (1967, Giải thưởng Bông sen vàng năm 1970 của Hội Nhà văn Á Phi), Tuổi trẻ Hoàng Văn Thụ (1971), Tự truyện (1978), Những ngõ phố, người đường phố(1980), Quê nhà (1981, Giải A năm 1980 của giải thưởng Hội Văn nghệ Hà Nội), Nhớ Mai Châu (1988).

- Kí: Đại đội Thắng Bình (1950), Thành phố Lênin (1961), Tôi thăm Cămphuchia (1964), Nhật kí vùng cao (1969), Trái đất tên người (1978), Hoa hồng vàng song cửa (1981). Cát bụi chân ai (1992).

- Truyện thiếu nhi : Tuyển tập Văn học thiếu nhi, tập I & II (1999)

- Tiểu luận và kinh nghiệm sáng tác : Một số kinh nghiệm viết văn của tôi (1959), Người bạn đọc ấy (1963), Sổ tay viết văn (1977), Nghệ thuật và phương pháp viết văn (1997).

Tô Hoài có nhiều tác phẩm được dịch ra tiếng nước ngoài, đặc biệt Dế mèn phiêu lưu kí được dịch ra nhiều thứ tiếng nhất.

4. Phong cách nghệ thuật của Tô Hoài

4.1. Không gian nghệ thuật và đối tượng khám phá, thể hiện rất tập trung

Tác phẩm của Tô Hoài viết chủ yếu về hai địa bàn: vùng ngoại thành Hà Nội và miền núi Tây Bắc. Đối tượng được Tô Hoài khai thác nhiều nhất, thành công nhất trong tác phẩm của ông là cuộc sống của người lao động đói nghèo ở ngoại thành Hà Nội và miền núi Tây Bắc.

Bên cạnh đó, Tô Hoài là một trong số ít nhà văn Việt Nam có sở trường viết truyện về loài vật. Thế giới loài vật phong phú, đa dạng được nhân hóa xuất hiện trong tác phẩm của ông luôn có sức hấp dẫn đối với người đọc, giúp họ nhận ra sự sinh tồn tự nhiên của xã hội loài vật đó.

Có thể nói, những tác phẩm tiêu biểu nhất trên con đường văn chương của Tô Hoài cũng không nằm ngoài không gian nghệ thuật và đối tượng khám phá, thể hiện nói trên.

4.2. Lối viết đậm đà màu sắc dân tộc

Đặc điểm phong cách nghệ thuật này của Tô Hoài được biểu hiện cụ thể ở các điểm sau:

- Cách đặt tên cho tác phẩm của Tô Hoài có khi được xuất phát từ thành ngữ dân gian: “ Đất khách, quê người”; “ Hoa đồng cỏ dại”; “ Giăng thề còn đó trơ trơ”.

- Cách kể chuyện, dẫn truyện của Tô Hoài có sức lôi cuốn, hấp dẫn người đọc, biểu hiện rõ ở tác phẩm Tuổi trẻ Hoàng Văn Thụ, Dế Mèn phiêu lưu kí .

- Tô Hoài thường đi vào khám phá và thể hiện truyền thống nhân nghĩa của con người Việt Nam như : trọng nghĩa khinh tài, khí tiết, thủy chung,…

- Tô Hoài khai thác đề tài lịch sử để ngợi ca phẩm chất cao đẹp của con người Việt Nam, tiêu biểu là tác phẩm Đảo hoang, Chuyện ông Gióng.

4.3. Cách quan sát thông minh hóm hỉnh và rất tinh tế

Cách quan sát thông minh hóm hỉnh và rất tinh tế là khả năng nổi trội của Tô Hoài trong quá trình sáng tạo nghệ thuật. Khả năng này của ông được biểu hiện rõ ngay từ trước cách mạng qua những truyện viết về loài vật. Càng về sau càng được phát huy ở nhiều tác phẩm khác. Những trang văn của Tô Hoài khi miêu tả cảnh sắc thiên nhiên, phong tục tập quán, lễ hội ở vùng ngoại thành Hà Nội và vùng núi Tây Bắc đều để lại cho người đọc ấn tượng sâu bền, cũng như luôn mang đến cho họ nguồn tư liệu rất phong phú về lịch sử, địa lí và đời sống văn hóa tinh thần của dân tộc. Đặc biệt, khi miêu tả ngoại hình và diễn biến tâm lí của nhân vật, Tô Hoài đã chọn lựa những chi tiết độc đáo có sức gợi cảm nhằm tác động mãnh liệt đến tình cảm nhận thức của người đọc về thân phận của nhân vật. Nhà văn còn sử dụng yếu tố ngoại cảnh để góp phần làm nổi bật hơn nội tâm của nhân vật trong từng hoàn cảnh, tình huống cụ thể. Chính vì thế, các nhân vật trong tác phẩm của Tô Hoài thường mang nét riêng và gợi cho người đọc biết bao điều suy ngẫm.

4.4. Đặc sắc trong cách sử dụng ngôn ngữ

Ngôn ngữ trong tác phẩm của Tô Hoài là ngôn ngữ xuất phát từ đời sống quần chúng. Tô Hoài quan niệm đó là kho của cải vô giá và ông đã biết cách chọn lựa, nâng cao và nghệ thuật hóa trong các sáng tác của mình để tăng thêm giá trị của nó. Ông khẳng định: “Mỗi chữ phải là một hạt ngọc buông xuống những trang bản thảo, hạt ngọc mới nhất của mình tìm được, do phong cách văn chương của mình mà có”…“Câu nói là bộ mặt của ý. Ý không bao giờ lặp lại, cũng như cuộc sống không bao giờ trở lại giống nhau như đúc thì lời văn cũng phải thế”(Sổ tay viết văn).

Với sự nhận thức trên, Tô Hoài đã luôn trau dồi học hỏi ngôn ngữ trong cuộc sống đời thường của nhân dân ở làng quê ngoại thành Hà Nội và cả ở miền núi Tây Bắc. Ở từng vùng đất, từng đối tượng, từng loại nhân vật, ông đều có cách sử dụng ngôn ngữ thích ứng với đặc điểm của nó. Mặt khác, ông còn sử dụng thành công những từ ngữ giàu sức tạo hình, từ chỉ màu sắc, từ địa phương,... Điều đó tạo cho tác phẩm của ông vừa có vẻ đẹp giản dị, vừa không kém phần kì thú.

5. Giải thưởng văn học của Tô Hoài

Trong cuộc đời hoạt động nghệ thuật của mình Tô Hoài đã nhận được rất nhiều giải thưởng danh giá:

  • Giải nhất Tiểu thuyết của Hội Văn nghệ Việt Nam 1956 (Truyện Tây Bắc);
  • Giải A Giải thưởng Hội Văn nghệ Hà Nội 1970 (tiểu thuyết Quê nhà);
  • Giải thưởng của Hội Nhà văn Á - Phi năm 1970 (tiểu thuyết Miền Tây);
  • Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học - Nghệ thuật (đợt 1 - 1996).
  • Giải Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội 2010.

Trên đây là những thông tin chi tiết nhất về tác giả Tô Hoài. Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên chuyên mục Tài liệu của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
74 36.166
0 Bình luận
Sắp xếp theo