Bài thu hoạch tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác dân vận
Tài liệu làm thu hoạch tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác dân vận
Tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác dân vận luôn là kim chỉ nam cho các thế hệ Đảng viên. Sau đây các tài liệu học tập tư tưởng Hồ Chí Minh về dân vận giúp các bạn có thêm tư liệu để hoàn thành bài thu hoạch tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác dân vận.
1. Tư tưởng về dân chủ và vai trò của nhân dân - tiền đề của công tác dân vận
Tìm hiểu tư tưởng của Hồ Chí Minh về công tác dân vận dễ nhận thấy suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Người luôn ước mơ xây dựng trên Tổ quốc mình một thiết chế dân chủ mới. Trong thiết chế dân chủ đó, nhân dân sẽ là người chủ thật sự trên tất cả các mặt kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh...; cán bộ phải là người đầy tớ trung thành của nhân dân. Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Nước ta là nước dân chủ” vì Nhà nước ta ra đời sau thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945, là Nhà nước do nhân dân ta làm chủ: “Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân... quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân” (2). Đây được coi là điểm xuất phát, là tiền đề của công tác dân vận. Dân chủ là bản chất của chế độ ta. Dân chủ vừa là quyền lợi, vừa là trách nhiệm của nhân dân. Đảng cầm quyền phải coi “dân chủ là của quý báu nhất của nhân dân”. Do đó, công tác dân vận phải coi thực hiện dân chủ là nội dung chủ yếu nhất. Thực tiễn đã minh chứng, chúng ta đã có nhiều bước tiến về thực hành dân chủ xã hội. Dân chủ ở cơ sở đã được tập trung chỉ đạo, có những tiến bộ quan trọng. Dân chủ trong bầu cử được coi trọng hơn. Hoạt động của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp đã tiến bộ hơn trước song hiện nay dân chủ xã hội vẫn còn hạn chế. Để xây dựng dân chủ, công tác dân vận nên tập trung góp phần xây dựng các cơ chế dân chủ trong bầu cử, trong việc thông qua các quyết định, trong việc tổ chức cho nhân dân tham gia quản lý, giám sát cũng như phát huy vai trò giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận và các đoàn thể nhân dân, trong tuyên truyền nâng cao ý thức dân chủ và chấp hành pháp luật cho nhân dân... có như vậy mới thể hiện rõ vai trò của nhân dân trong sự nghiệp cách mạng. Trong thời kỳ đấu tranh giành độc lập dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ nhân dân là lực lượng duy nhất, có đủ sức mạnh lật đổ cường quyền, bạo lực của bọn áp bức bóc lột để giành lấy chính quyền. Người kêu gọi: “Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta” (3). Mọi công việc dựng nước và giữ nước, làm cho dân giàu, nước mạnh đều là trách nhiệm của nhân dân. “Nếu không có nhân dân thì không có lực lượng”, không có thắng lợi, mọi công việc to nhỏ dù “dễ mười lần không dân cũng chịu” nhưng “khó trăm lần dân liệu cũng xong”. Rõ ràng, nhân dân là nền tảng, là gốc của cách mạng và “Gốc có vững cây mới bền/ Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân”. Như vậy, nếu không có nhận thức đúng đắn về vai trò của nhân dân thì khó có thể tiến hành “dân vận khéo” được và muôn việc cũng khó thành công.
2. Thường xuyên quan tâm chăm lo lợi ích cho nhân dân - nội dung cốt lõi của công tác dân vận
Trong tác phẩm “Dân vận”, Hồ Chí Minh đã nêu ra một nguyên lý: “Bao nhiêu lợi ích đều vì dân”. Nhấn mạnh điều này, Người muốn khẳng định nội dung cốt lõi của công tác dân vận là tất cả vì lợi ích của nhân dân. Ngoài lợi ích của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, Đảng ta không có lợi ích nào khác. Đặt lợi ích của nhân dân lên hàng đầu trong toàn bộ vấn đề là quan điểm sâu sắc, hiện đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh với tư tưởng “Nước ta là nước dân chủ”. Người luôn căn dặn, nhắc nhở cán bộ, đảng viên và các tổ chức đảng, đoàn thể các cấp phải thường xuyên chăm lo giải quyết các vấn đề dân sinh, dân chủ, dân trí và giải phóng con người. Người nói: “Chính phủ và Đảng chỉ mưu giải phóng cho nhân dân, vì thế, bất kỳ việc gì cũng vì lợi ích của nhân dân mà làm và chịu trách nhiệm trước nhân dân” (4) và “việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh” (5). Đó cũng chính là mục đích của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Cả đời tôi chỉ có một mục đích, là phấn đấu cho quyền lợi Tổ quốc và hạnh phúc của quốc dân. Do vậy, công tác dân vận cần hết sức coi trọng yếu tố lợi ích trong phát động các phong trào, các cuộc vận động, quan tâm sâu sắc đến những lợi ích cụ thể của quần chúng, bảo vệ lợi ích và quyền làm chủ của nhân dân, nhất là trong điều kiện kinh tế thị trường. Đồng thời, lợi ích, nguyện vọng chính đáng của nhân dân cần phải được thể chế hóa, cụ thể hóa trong chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phải được bảo đảm trên thực tế và cần coi trọng uốn nắn những nhận thức lệch lạc chỉ thấy lợi ích cá nhân, lợi ích cục bộ, không thấy lợi ích toàn cục, lợi ích cộng đồng, tập thể...
3. Đại đoàn kết toàn dân tộc - một tư tưởng nổi bật, trở thành đường lối cơ bản của Đảng ta
Đoàn kết, tập hợp lực lượng không chỉ là nhiệm vụ cơ bản của công tác dân vận, mà còn là nhiệm vụ cơ bản, chiến lược của cách mạng Việt Nam. Trong tác phẩm Dân vận, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Dân vận là vận động tất cả lực lượng của mỗi một người dân không để sót một người nào, góp thành lực lượng toàn dân, để thực hành những công việc nên làm, những công việc Chính phủ và Đoàn thể đã giao cho” (6). Vậy, tất cả lực lượng của mỗi người dân là thế nào? Đó là vấn đề ngày nay chúng ta gọi là nguồn lực con người, nhân tố con người. “Không bỏ sót một người nào” - đó là Người muốn đề cập đến tư tưởng đại đoàn kết toàn dân tộc với tinh thần triệt để nhất. Như vậy, công tác dân vận phải đi vào từng con người, khơi dậy và phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và tự giác của mỗi con người, thể hiện ở tài trí, sức lực, vật chất mà mỗi con người góp vào công việc chung. Dân vận không phải chỉ giáo dục, động viên chung chung, mà phải hiểu rõ năng lực, yêu cầu, nguyện vọng, hoàn cảnh cụ thể của mỗi con người, từ đó mới vận động được tất cả lực lượng của mỗi người dân. Đó là chiều sâu của dân vận. Nhưng dân vận lại phải không được để sót bất cứ một người nào. Do đó, các hình thức tập hợp nhân dân phải hết sức đa dạng để đoàn kết mọi người dân, mọi lứa tuổi vào tổ chức. Khác với thời kỳ chưa có chính quyền, công tác dân vận chỉ có điều kiện đi vào các đối tượng tiên tiến, giác ngộ, nay phải đi đến với mọi người, mọi nhà, mọi đối tượng. Cũng khác với thời kỳ kinh tế tập trung quan liêu bao cấp, công tác dân vận thường tập trung vào đối tượng quần chúng trong kinh tế quốc doanh, kinh tế tập thể, nay trong kinh tế thị trường, các thành phần kinh tế ngày càng đa dạng, cơ cấu giai cấp - xã hội cũng hết sức phong phú, công tác dân vận cũng phải chú ý phát huy tác dụng trong các đối tượng rộng rãi như trong kinh tế tư nhân, kinh tế cổ phần, kinh tế có vốn đầu tư của nước ngoài... Đây là bề rộng, là yêu cầu cao của công tác dân vận. Làm được như vậy mới tạo nên sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân tộc nhằm thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới và sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước hiện nay.
4. Phẩm chất và phong cách người cán bộ dân vận
Bàn về phong cách làm việc của người cán bộ dân vận, Người đúc kết thành 12 từ: “óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”.
Đặt “óc nghĩ” lên hàng đầu, Hồ Chí Minh muốn khẳng định, công tác dân vận không chỉ là những thao tác cụ thể, những công thức có sẵn mà bản thân nó là một khoa học - khoa học về con người, một nghệ thuật - nghệ thuật tiếp cận và vận động con người. Đó là tầm cao trí tuệ của người làm công tác dân vận. Cho nên phải dày công tìm tòi suy nghĩ để phân tích chính xác tình hình nhân dân, vận dụng sáng tạo lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để vận dụng vào thực tiễn vận động nhân dân có hiệu quả. Muốn vậy, hoạt động dân vận phải coi trọng khả năng tuyên truyền, giáo dục, thu phục, thuyết phục quần chúng; khả năng nắm bắt tâm tư nguyện vọng, tình cảm của nhân dân để tham mưu, đề xuất cho Đảng, Nhà nước xây dựng, ban hành các chủ trương, đường lối, chính sách hợp lòng dân, đồng thời kịp thời ngăn chặn mặt tiêu cực phát sinh trong quần chúng nhân dân, góp phần thiết thực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
“Mắt trông, tai nghe, chân đi” là yêu cầu người làm công tác dân vận cần sát cơ sở, sát thực tế, đến với nhân dân để lắng nghe và hiểu tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân; biết loại trừ những thông tin nhiễu, thiếu chân thực, không khách quan, không đúng sự thật mà giúp dân giải quyết các công việc cụ thể, đề xuất hoặc điều chỉnh chính sách cho phù hợp. Đồng thời, tiến hành công tác dân vận tuyệt đối không được quan liêu, hành chính nặng về làm việc theo kiểu giấy tờ, chỉ ngồi nghe điện thoại, nhận báo cáo rồi nhận định, phán xét chủ quan... dẫn tới tô vẽ, thổi phồng thành tích; nghe dân nói, nhưng không theo đuôi quần chúng mà phải biểu thị được thái độ vừa cầu thị vừa định hướng, dẫn dắt, vận động nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và địa phương.
“Miệng nói, tay làm” là phong cách quan trọng nhất hiện nay của người làm công tác dân vận. Vì vậy, “phải thật thà nhúng tay vào việc”, thường xuyên có trách nhiệm tuyên truyền và vận động nhân dân thực hiện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, pháp luật, văn hóa, xã hội và quốc phòng, an ninh... không được nói một đằng, làm một nẻo, miệng thì vận động người khác nhưng mình thì không làm hoặc làm ngược lại.
Đối lập với tác phong “miệng nói, tay làm” là lối “chỉ nói suông, chỉ ngồi viết mệnh lệnh”, tức là nói mà không làm và nếu có làm thì chỉ làm theo lối quan liêu “bàn giấy”. Theo Người: “Cái lối làm việc như vậy rất có hại. Nó làm cho chúng ta không đi sát phong trào, không hiểu rõ được tình hình bên dưới, cho nên phần nhiều chủ trương của chúng ta không thi hành được đến nơi đến chốn” (7). Theo Hồ Chí Minh, người làm dân vận phải thật thà “nhúng” tay vào việc, tức là làm việc một cách thật sự, phải cùng lao động, cùng chiến đấu, lăn vào cuộc sống hằng ngày của nhân dân, coi trọng hiệu quả công việc, lấy hiệu quả của công việc làm thước đo, mục đích của công tác dân vận. Nếu “chỉ nói suông, chỉ ngồi viết mệnh lệnh” thì làm sao hiểu được dân, làm sao “vận” được dân, làm sao để dân có tự do, hạnh phúc thật sự.
5. Mấy vấn đề đặt ra đối với đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận hiện nay
Từ Nghị quyết Ðại hội lần thứ IX đến Ðại hội lần thứ XII của Ðảng đều đã khẳng định: Kế thừa truyền thống quý báu của dân tộc, Ðảng ta luôn luôn giương cao ngọn cờ đại đoàn kết toàn dân tộc. Ðó là đường lối chiến lược, là nguồn sức mạnh và động lực to lớn để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Điều đó đã làm tăng thêm niềm tin tưởng của nhân dân vào Ðảng và công tác dân vận trong giai đoạn mới có nhiều thuận lợi, góp phần quan trọng vào sự thành công của sự nghiệp đổi mới.
Nhắc lại lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”. Tất nhiên, cốt lõi thành công trong công tác dân vận nằm ở người cán bộ làm công tác dân vận. Người từng nói: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “công việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”. Ðó là lời chỉ dạy đối với cán bộ, đảng viên nói chung, cán bộ làm công tác dân vận nói riêng. Vì vậy, để công tác dân vận thành công hơn, theo chúng tôi, cần quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ dân vận hiện nay có những phẩm chất, tiêu chuẩn sau:
Cán bộ dân vận phải có trí tuệ, đặt “óc nghĩ” lên hàng đầu. Chủ tịch Hồ Chí Minh muốn khẳng định công tác dân vận không chỉ là lao động cụ thể, đơn thuần. Dân vận vừa là khoa học trong chính trị - xã hội, vừa là nghệ thuật trong tiếp cận, giao tiếp, vận động, thuyết phục giữa con người với con người. Vì vậy, cán bộ dân vận phải dày công tìm tòi, nghiên cứu, suy nghĩ, tư duy thấu đáo mới phát hiện và giải quyết được những vấn đề đặt ra, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao.
Cán bộ dân vận phải có uy tín, giỏi tuyên truyền, thuyết phục. Uy tín là phẩm chất hàng đầu của người làm công tác dân vận. Để được nhân dân hiểu, tin tưởng và làm theo thì nhất định người cán bộ làm công tác dân vận phải có uy tín. Uy tín của người làm công tác dân vận, nhất là cán bộ ở cơ sở hằng ngày tiếp xúc, giải quyết công việc trực tiếp với nhân dân lại càng quan trọng. Đồng thời, giỏi tuyên truyền, thuyết phục cũng là phẩm chất không thể thiếu của cán bộ làm dân vận. Cần thuyết phục bằng cả lời nói và việc làm, phải thống nhất trong nhận thức và hành động. Phải nâng cao khả năng dùng ngôn ngữ phù hợp với địa phương, vùng miền, dân tộc; phải hiểu được ít nhiều ngôn ngữ địa phương mới có thể vận động, thuyết phục nhân dân có hiệu quả.
Cán bộ dân vận phải có tác phong quần chúng. Phải “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”, “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”. Có trọng dân thì người cán bộ mới thật sự xứng đáng là người lãnh đạo, người đày tớ của nhân dân; mới đến với dân như người thầy, người chủ của mình. “Gần dân” là đòi hỏi khách quan của người cán bộ dân vận. Những người có phong cách gần dân sẽ tránh được căn bệnh quan liêu, hách dịch, mệnh lệnh; mới hiểu được cuộc sống tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của người dân và mới tham mưu đúng, trúng cho cấp ủy đảng, chính quyền những chủ trương, chính sách phù hợp với lòng dân. Muốn “học dân” thì người cán bộ phải thực sự biết lắng nghe, khiêm tốn, cầu thị. Chính nhân dân là những người sáng suốt, nhiều kinh nghiệm trong đối nhân xử thế, sáng tạo ra cuộc sống, làm nên lịch sử. Cán bộ dân vận muốn thực sự đến với nhân dân, muốn trở thành người đày tớ của nhân dân thì phải có trách nhiệm với nhân dân, mọi việc đều vì hạnh phúc của nhân dân; việc gì có lợi cho nhân dân thì phải cương quyết làm, việc gì có hại cho nhân dân thì phải cương quyết tránh như Người đã dạy.
Cán bộ dân vận phải biết nêu gương. Người yêu cầu cán bộ phải gương mẫu, cùng với nhân dân thực hiện công việc, đồng thời phê phán “bệnh nói suông, chỉ ngồi viết mệnh lệnh”, nói không đi đôi với làm, ít đi cơ sở, thiếu sâu sát nhân dân của một số cán bộ, trong đó có cán bộ làm công tác dân vận.
Đối với tổ chức đảng và cơ quan chức năng có liên quan cần quan tâm xây dựng và cụ thể hóa tiêu chuẩn, phong cách cán bộ dân vận. Phải nhận thức rõ, đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận là cán bộ thuộc các ban xây dựng Đảng. Do đó, cần tuân thủ những tiêu chuẩn chung trong chiến lược cán bộ thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước như Nghị quyết Trung ương 3 (khóa VIII) và Nghị quyết Trung ương 7 (khóa XII) của Đảng đã quy định. Ngoài những tiêu chuẩn chung, cần xác định rõ tiêu chuẩn chính của hệ thống đội ngũ cán bộ dân vận từ Trung ương đến cơ sở là công tác tham mưu cho cấp ủy đảng về công tác vận động quần chúng, nên trước hết phải lựa chọn người có nhận thức đúng về vai trò của công tác dân vận, tự nguyện, tâm huyết với công việc được giao, sống thật sự với cuộc sống và sinh hoạt hằng ngày của nhân dân. Mặt khác, phải đưa cán bộ làm công tác dân vận vào rèn luyện, trưởng thành từ phong trào quần chúng, được nhân dân tín nhiệm, tin yêu. Bởi người cán bộ dân vận có từ nhân dân mà ra, có lăn lộn “cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói” với dân, có trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân, nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin, dân yêu... mới có “chiếc chìa khóa” đi vào lòng dân - nhân tố quan trọng góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận. Ðó cũng là một trong những yếu tố để thực hiện tốt việc “dân vận khéo”. Mà “dân vận khéo” thì việc gì cũng thành công, từ đó mà tích lũy cho mình được nhiều kinh nghiệm quý, giúp ích cho công tác dân vận của mình. Đồng thời, phải đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ dân vận toàn diện cả về chuyên môn, nghiệp vụ và lý luận chính trị... đáp ứng đòi hỏi của yêu cầu, nhiệm vụ công tác dân vận trong tình hình mới theo đúng quan điểm của Ðảng, đó là kiên định với đường lối đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Cần tạo mọi điều kiện để cán bộ dân vận được học tập và tiếp thu các tri thức mới; có chính sách, cơ chế để cán bộ đi học nâng cao trình độ; có chế tài bắt buộc cán bộ phải tự học, tự bồi dưỡng thông qua hoạt động hằng ngày để không ngừng nâng cao năng lực, trình độ, kỹ năng công tác vận động nhân dân...
Nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh về dân vận trong bối cảnh đất nước ta đang tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, chúng ta càng thấm nhuần sâu sắc kết luận có tính khái quát của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”.
Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên chuyên mục Tài liệu của HoaTieu.vn.
- Chia sẻ:Trần Thu Trang
- Ngày:
Tham khảo thêm
Gợi ý cho bạn
Có thể bạn cần
Top 8 mẫu phân tích khổ cuối bài Tràng giang hay chọn lọc
Phân tích khổ 4 bài Tràng giangHướng dẫn khai Phiếu đảng viên (mẫu 2-HSĐV)
Cách viết Phiếu đảng viênMẫu Bài thu hoạch nghị quyết trung ương 4 khóa 12 cho Đảng viên
Bài thu hoạch học tập nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 12 của ĐảngBiên bản họp chi bộ đề nghị kết nạp Đảng viên
Mẫu biên bản họp chi bộ đề nghị kết nạp Đảng viênTop 4 mẫu Cảm nhận bài thơ Sóng hay chọn lọc
Cảm nhận về bài thơ Sóng - Xuân QuỳnhThực hành theo hướng dẫn để tạo ra 02 sản phẩm hỗ trợ việc giảng dạy môn Toán cấp tiểu học
Đáp án bài tập cuối khóa module 9 môn ToánBài thu hoạch bồi dưỡng thường xuyên module GVMN 3 năm 2024 mới cập nhật
Module rèn luyện phong cách làm việc khoa học của người GVMNBộ tranh thiếu nhi về chào mừng Đại hội Đoàn 2024
Lịch thi vẽ tranh Thiếu nhi Việt Nam mừng đại hội Đoàn 2024Công văn xin hủy tờ khai Thuế GTGT do kê khai sai 2024
Cách hủy tờ khai thuế giá trị gia tăngMẫu tờ trình xin kinh phí hoạt động 2024 mới nhất
Cách viết tờ trình xin kinh phí hoạt độngSuy nghĩ về số phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến
Suy nghĩ của em về thân phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến qua nhân vật Vũ NươngTờ khai thuế thu nhập cá nhân Mẫu 05/KK-TNCN, 05-DK-TCT 2024
Áp dụng đối với tổ chức, cá nhân trả các khoản thu nhập từ tiền lương, tiền công