Bài thu hoạch học tập đạo đức Hồ Chí Minh về xây dựng văn hóa, con người 2024

Bài thu hoạch học tập đạo đức Hồ Chí Minh về xây dựng văn hóa, con người 2024 là bài thu hoạch chuyên đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2023:

  • Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về xây dựng văn hóa, con người đáp ứng yêu cầu đổi mới, hội nhập và phát triển bền vững.

Sau đây là mẫu Bài thu hoạch học tập và làm theo tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh kèm liên hệ bản thân mới nhất do HoaTieu.vn sưu tầm và tổng hợp để gửi đến bạn đọc. Mời các bạn cùng tham khảo.

Bài thu hoạch học tập đạo đức Hồ Chí Minh
Bài thu hoạch học tập đạo đức Hồ Chí Minh

1. Bài thu hoạch Học tập và làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng văn hóa, con người

1.1. Khái niệm văn hóa theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Văn hóa là khái niệm rất rộng lớn, bao hàm nội dung trên nhiều lĩnh vực. Vì vậy có rất nhiều định nghĩa khác nhau về văn hóa. Theo tư tưởng Hồ Chí Minh nêu định nghĩa giản dị mà sâu sắc về văn hóa: “Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hằng ngày về ăn, mặc, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hóa. Văn hóa là sự tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng những nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn”.

Theo nghĩa rộng, Hồ Chí Minh nêu văn hóa là toàn bộ những giá trị vật chất và tinh thần do loài người sáng tạo ra với phương thức sử dụng chúng, nhằm đáp ứng lẽ sinh tồn, đồng thời đó cũng là mục đích của cuộc sống loài người.

Theo nghĩa hẹp, Người viết: “Trong công cuộc kiến thiết nước nhà, có bốn vấn đề cần chú ý đến, cũng phải coi là quan trọng ngang nhau: chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa. Nhưng văn hóa là một kiến trúc thượng tầng”.

Hồ Chí Minh khẳng định: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”.

Theo nghĩa rất hẹp, văn hóa đơn giản là trình độ học vấn của con người, thể hiện ở việc Hồ Chí Minh đề ra chủ trương diệt giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm, khơi dậy phong trào bình dân học vụ, bổ túc văn hóa để dồn sức xóa nạn mù chữ, nâng cao dân trí, khuyến khích người dân đi học,...

Và theo đó văn hóa sẽ góp phần quan trọng vào việc nhân đạo hóa con người, cổ vũ con người vươn tới chân, thiện, mỹ.

1.2. Quan điểm của Hồ Chí Minh về xây dựng nền văn hóa mới

Theo Hồ Chí Minh, nền văn hóa dân tộc phải được xây dựng trên năm điểm lớn sau đây:

1- Xây dựng tâm lý: tinh thần độc lập tự cường.

2- Xây dựng luân lý: biết hy sinh mình, làm lợi cho quần chúng.

3- Xây dựng xã hội: mọi sự nghiệp liên quan đến phúc lợi của nhân dân trong xã hội.

4- Xây dựng chính trị: dân quyền.

5- Xây dựng kinh tế”.

Muốn xây dựng nền văn hóa dân tộc theo tư tưởng Hồ Chí Minh thì phải xây dựng trên tất cả các mặt kinh tế, chính trị, xã hội, đạo đức, tâm lý con người.

Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh
Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh

1.3. Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng con người

3.1- Quan điểm của Hồ Chí Minh về vai trò của con người

Hồ Chí Minh khẳng định, con người là vốn quý nhất, nhân tố quyết định thành công của sự nghiệp cách mạng. Theo Người, “vô luận việc gì, đều do người làm ra, và từ nhỏ đến to, từ gần đến xa, đều thế cả”.

Con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của cách mạng. Con người là mục tiêu của cách mạng, nên mọi chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Chính phủ đều vì lợi ích chính đáng của con người, có thể là lợi ích lâu dài, lợi ích trước mắt; lợi ích cả dân tộc và lợi ích của bộ phận, giai cấp, tầng lớp và cá nhân.

Không phải mọi con người đều trở thành động lực mà phải là những con người được giác ngộ và tổ chức. Họ phải có trí tuệ và bản lĩnh, văn hóa, đạo đức, được nuôi dưỡng trên nền tảng truyền thống lịch sử và văn hóa hàng ngàn năm của dân tộc Việt Nam… Chính trị, văn hóa, tinh thần là động lực cơ bản trong động lực con người. Con người là động lực chỉ có thể thực hiện được khi họ hoạt động có tổ chức, có lãnh đạo. Vì vậy, cần có sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản.

3.2- Quan điểm của Hồ Chí Minh về chiến lược “trồng người”

Hồ Chí Minh khẳng định: “Trồng người” là yêu cầu khách quan, vừa cấp bách, vừa lâu dài của cách mạng. Con người phải được đặt vào vị trí trung tâm của sự phát triển, vừa nằm trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước với nghĩa rộng, vừa nằm trong chiến lược giáo dục - đào tạo theo nghĩa hẹp…

Trên con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội, “trước hết cần có những con người xã hội chủ nghĩa”. Điều này cần được hiểu là ngay từ đầu phải đặt ra nhiệm vụ xây dựng con người có những phẩm chất cơ bản, tiêu biểu cho con người mới xã hội chủ nghĩa, làm gương, lôi cuốn xã hội. Đây là một quá trình lâu dài, phải không ngừng hoàn thiện, nâng cao; là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước, gia đình và của chính bản thân mỗi người.

Quan niệm của Hồ Chí Minh về con người mới xã hội chủ nghĩa gồm hai mặt gắn bó chặt chẽ với nhau. Một là, kế thừa những giá trị tốt đẹp của con người truyền thống (Việt Nam và phương Đông). Hai là, hình thành những phẩm chất mới như: có tư tưởng xã hội chủ nghĩa; có đao đức xã hội chủ nghĩa; có trí tuệ và bản lĩnh để làm chủ (bản thân, gia đình, xã hội, thiên nhiên…); có tác phong xã hội chủ nghĩa; có lòng nhân ái, vị tha, độ lượng. Chiến lược “trồng người” là một trọng tâm, một bộ phận hợp thành của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội.

Để thực hiện chiến lược “trồng người”, cần có nhiều biện pháp, nhưng giáo dục và đào tạo là biện pháp quan trọng bậc nhất. Bởi vì, giáo dục tốt sẽ tạo ra tính thiện, đem lại tương lai tươi sáng cho thanh niên. Ngược lại, giáo dục tồi sẽ ảnh hưởng xấu đến thanh niên. Nội dung và phương pháp giáo dục phải toàn diện, cả đức, trí, thể, mỹ; phải đặt đạo đức, lý tưởng và tình cảm cách mạng, lối sống xã hội chủ nghĩa lên hàng đầu. “Trồng người” là công việc “trăm năm”, không thể nóng vội “một sớm một chiều”, “việc học không bao giờ cùng, còn sống còn phải học”.

2. Liên hệ bản thân trong học tập đạo đức Hồ Chí Minh về xây dựng văn hóa, con người 2024

Hồ Chí Minh khẳng định “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” và muốn như thế, mỗi cán bộ, đảng viên ở các cấp, các ngành phải là tấm gương để mọi người noi theo: “Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”.

- Phải thường xuyên tự soi mình, tự sửa mình để tự giác, tự xây dựng kế hoạch, đề ra mục tiêu, thời gian sửa chữa khuyết điểm

- Tích cực học tập, rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, nhân cách và đó phải là quá trình rèn luyện, phấn đấu thường xuyên, liên tục thì mới thành công.

Để thực hiện tốt việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về xây dựng văn hóa, con người đáp ứng yêu cầu đổi mới, hội nhập và phát triển bền vững thì:

- Xây dựng môi trường văn hóa, nơi con người sống và chịu sự tác động của nó. Môi trường văn hóa lành mạnh là những cái nôi để nuôi dưỡng nhân cách mà ở đó:

  • Lãnh đạo làm gương cho cán bộ, nhân viên
  • Thầy, cô giáo là tấm gương cho học sinh
  • Ông bà, bố, mẹ làm gương cho con, cháu…

- Các cấp, các ngành, gia đình, nhà trường và toàn xã hội cần tiếp tục làm tốt hơn nữa việc giáo dục đạo đức, lối sống, văn hóa, văn minh trong đời sống xã hội bằng nhiều hình thức, biện pháp khác nhau; trong đó, có nhiệm vụ giáo dục đạo đức trong nhà trường vì nhân cách con người chủ yếu hình thành trong giai đoạn đầu đời, sau lớn lên sẽ hoàn thiện dần nhưng về cơ bản đã có nền tảng trước đó.

- Phải gắn với hoạt động thực tiễn với rèn luyện nhân cách:

  • Luôn thống nhất giữa lời nói với việc làm
  • Phải nêu gương về đạo đức
  • Thực hiện tốt vai trò, bổn phận với gia đình, tập thể và xã hội.

- Nâng cao ý thức tự rèn luyện nhân cách để ngày càng có nhiều cán bộ hội tụ cả tài năng và đạo đức, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, xứng đáng với niềm tin và kỳ vọng của Nhân dân, để ngày càng có nhiều công dân có ích cho đất nước, góp phần đẩy lùi cái xấu, cái ác ra khỏi đời sống xã hội.

3. Liên hệ bản thân về xây dựng văn hóa, con người

3.1. Gợi ý Liên hệ thực tiễn tại (địa phương, cơ quan, đơn vị)

- Giới thiệu về (địa phương, cơ quan, đơn vị)

- Liên hệ Nhiệm vụ xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam được triển khai tại địa phương, cơ quan, đơn vị như thế nào?

+ Kết quả đạt được và nguyên nhân;

+ Hạn chế và nguyên nhân.

3.2. Kết quả đạt được

Thấu suốt tư tưởng chỉ đạo và nghiêm túc tiếp thu theo tinh thần Nghị quyết số 33 - NQ/TW ngày 9/6/2014 Hội nghị Trung ương 9 khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; Quyết định số 129 ngày 02/8/2007 về ban hành Quy chế văn hóa công sở tại các cơ quan hành chính nhà nước; Thông tư 08, ngày 24/9/2014 quy định chi tiết tiêu chuẩn, trình tự và thủ tục xét và công nhận cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa, thời gian qua, phong trào xây dựng cơ quan văn hóa Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Quan Sơn đã đạt được những kết quả nhất định. Phần lớn đội ngũ cán bộ, viên chức đều có phẩm chất chính trị vững vàng, đạo đức lối sống trong sáng, được đào tạo cơ bản, luôn đoàn kết, nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao; nhiều cán bộ, viên chức của của Trung tâm luôn bám sát các chủ trương, chính sách, đôn đốc, giúp đỡ đồng nghiệp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc vươn lên hoàn thành tốt công việc của Đảng, Nhà nước giao phó, luân cố gắng trau dồi kiến thức chuyên môn để có những tham mưu tốt hơn cho sự phát triển nền nông nghiệp trên địa bàn huyện. Bên cạnh đó, trong phong trào xây dựng cơ quan, đơn vị văn hóa, hầu hết cán bộ, viên chức đã phấn đấu hoàn thành cơ bản mục tiêu, kế hoạch về xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, tạo được tác phong lao động và làm việc văn minh, hiệu quả thông qua các hoạt động cụ thể như: gìn giữ vệ sinh cơ quan, đơn vị sạch đẹp; cải thiện điều kiện môi trường làm việc, văn minh trong ứng xử, khoa học trong công việc; hàng tháng cơ quan, đơn vị tổ chức tốt các hoạt động hưởng ứng phong trào "Xanh - Sạch - Đẹp", đảm bảo an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ", thường xuyên tổ chức dọn dẹp vệ sinh, trồng cây xanh, tu bổ chăm sóc vườn hoa, cây cảnh, tham gia các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao... Chính vì thế, trong những năm qua phong trào xây dựng cơ quan, đơn vị văn hóa phát triển mạnh cả về chiều rộng và chiều sâu, thực sự đi vào cuộc sống, đem lại nhiều kết quả thiết thực

3.3. Hạn chế

Tuy nhiên so với mục tiêu, yêu cầu xây dựng cơ quan, đơn vị văn hóa hiện nay Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Quan Sơn vẫn còn nhiều nội dung, nhiều việc chưa làm được, hoặc có phát động nhưng thực hiện chưa hiệu quả, nổi lên cụ thể như:

Phong trào xây dựng cơ quan, đơn vị Xanh - Sạch - Đẹp gắn liền với phát triển nông thôn mới nơi địa bàn cơ quan; bài trí cơ quan, công sở có mặt còn hình thức, chưa thật sự hiệu quả; còn thiếu giải pháp hữu hiệu để nâng cao chất lượng công tác tham mưu, nề nếp sinh hoạt cơ quan; sắp xếp hồ sơ, văn bản nơi làm việc có nơi, có lúc chưa gọn gàng, ngăn nắp và khoa học. Giải pháp về nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, viên chức, giáo viên trong tham mưu thực hiện nếp sống văn minh, thực hành tiết kiệm trong tiệc cưới, việc tang, lễ hội và xây dựng cơ quan có mô hình dân vận khéo còn lúng túng. Một số quy định chung về trang phục công sở, giải pháp về nâng cao thái độ phục vụ, giao tiếp, ứng xử; ý thức trách nhiệm trong sắp xếp nơi làm việc khoa học; tham gia giữ gìn vệ sinh, chăm sóc cây trong khuôn viên, bảo vệ tài sản chung của cơ quan, đơn vị thời gian qua chưa thật sự đồng bộ và hiệu quả

3.4. Nguyên nhân

- Thứ nhất: hoạt động tự học, tự nghiên cứu trau dồi chuyên môn nghiệp vụ chưa được thường xuyên và tích cực.

- Thứ hai: do đội ngũ cán bộ Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Quan Sơn đa phần còn trẻ, kinh nghiệm còn chưa nhiều, còn nặng về kinh tế, chăm lo cho gia đình nên ảnh hưởng một phần không nhỏ đến hiệu quả công việc

- Thứ ba: công tác điều hành ở một số lĩnh vực chưa khoa học, công tác kiểm tra đánh giá để làm rõ nguyên nhân còn thiếu quyết liệt, vì vậy chưa phát huy được tính sáng tạo, tính trách nhiệm của đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý của đơn vị.

- Một số cá nhân chưa thực sự nghiêm túc trong việc thực hiện văn hóa công sở.

3.5. Một số giải pháp

 Một số giải pháp để nâng cao hiệu quả thực hiện văn hóa công sở trong Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Quan Sơn. Để khắc phục các hạn chế, tồn tại đó, trong thời gian tới, thiết nghĩ cần tập trung thực hiện tốt các giải pháp cụ thể sau:

Một là, toàn thể cán bộ, viên chức lao động trong các cơ quan, tích cực hưởng ứng phong trào xây dựng cơ quan văn hoá, gia đình văn hoá, tích cực tham gia xây dựng nếp sống văn minh và cơ quan xanh - sạch - đẹp. Hai là, nâng cao chất lượng, nề nếp sinh hoạt cơ quan; sắp xếp hồ sơ, văn bản gọn gàng, ngăn nắp; thực hiện tốt nội quy, quy chế làm việc, quy chế dân chủ trong cơ quan; nội bộ đoàn kết giúp đỡ nhau cùng tiến bộ. Đề ra giải pháp cụ thể, hữu hiệu để thực hiện tốt phong trào xây dựng cơ quan "Xanh-Sạch-Đẹp" theo hướng đảm bảo thiết thực, hiệu quả; bài trí cơ quan, công sở theo thiết kế đã phê duyệt thẩm mỹ.

Ba là, nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, viên chức chấp hành cácquy định về thực hiện nếp sống văn minh, thực hành tiết kiêm trong tiệc cưới, việc tang, lễ hội, không mê tín dị đoan và xây dựng cơ quan có mô hình dân vận khéo. Phát huy ý thức trách nhiệm cán bộ, viên chức trong thực hiện nhiệm vụ được giao; không uống bia, rượu trong giờ làm việc.

Bốn là, thực hiện tốt quy định chung về trang phục công sở, giải pháp về nâng cao thái độ phục vụ, giao tiếp, ứng xử; ý thức trách nhiệm trong sắp xếp nơi làm việc khoa học; tham gia giữ gìn vệ sinh, chăm sóc cây trong khuôn viên, bảo vệ tài sản chung cơ quan, đơn vị. Thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa; vận động cán bộ, công chức, viên chức thường xuyên tham gia luyện tập thể dục thể thao

- Giải pháp (Có thể vận dụng các giải pháp sau đây phù hợp tại địa phương, cơ quan, đơn vị):

+ Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của của Cấp uỷ đảng đối với lĩnh vực văn hóa nói chung và nhiệm vụ xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam tại địa phương, cơ quan, đơn vị nói riêng (Về Thứ nhất, về nhận thức, Thứ hai, về cách thức);

+ Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Chính quyền về văn hóa và nhiệm vụ xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam;

+ Xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa;

+ Tăng cường các nguồn lực cho văn hóa và nhiệm vụ xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam. Trong bốn giải pháp trên, cần đặc biệt lưu ý đến giải pháp đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của nhà nước trên lĩnh vực văn hoá. Nhìn chung, đây là những giải pháp cơ bản, có tầm bao quát, cần phải được thực hiện đồng bộ, triệt để và thường xuyên dưới sự chỉ đạo thống nhất trong hệ thống chính trị để tạo nên sự chuyển
biến toàn diện, sâu sắc trong quá trình xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam hiện nay./.

4. Liên hệ bản thân về xây dựng con người mới

Tình trạng đạo đức xã hội xuống cấp đang là một trong những vấn đề đáng lo ngại hiện nay. Nó tác động tiêu cực đến nhiều mặt của đời sống xã hội và là lực cản không nhỏ đến mục tiêu xây dựng văn hóa con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Cùng với Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI) của Đảng về văn hóa thì điểm chung trong các nghị quyết về xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong các nhiệm kỳ gần đây đều có mục tiêu chung là xây dựng con người Việt Nam có nhân cách, đạo đức tốt đẹp. Chủ trương ấy xuất phát từ các vấn đề do thực tiễn đặt ra trong xây dựng văn hóa con người Việt Nam hiện nay. Đó là đạo đức xã hội có nhiều mặt xuống cấp, như: Tiêu cực và tệ nạn xã hội có chiều hướng gia tăng, bệnh hình thức, bệnh thành tích, gian lận trong học tập, thi cử; một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, tham nhũng, lãng phí, tự diễn biến, tự chuyển hóa…đặc biệt trong bối cảnh toàn xã hội đang phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid - 19 thì vẫn có những cá nhân vô ý thức, không trung thực trong khai báo y tế, trốn cách ly tạo nguy cơ lây nhiễm bệnh trong cộng đồng.

Mọi sự sai phạm tùy vào mức độ, tính chất đều bị xử lý với những hình thức khác nhau nhưng đó chỉ là ngọn, cần thiết là đào được gốc. Nguyên nhân của sự sa sút đạo đức ấy một phần do tác động từ mặt trái của cơ chế thị trường, một phần do những khuyết điểm trong giáo dục đạo đức, lối sống; đặc biệt, quan trọng hơn là ý thức tự rèn luyện nhân cách của mỗi người không thường xuyên, không liên tục, không gương mẫu; thiếu trách nhiệm với cộng đồng và xã hội.

Để góp phần khắc phục tình hình nói trên, các cấp, các ngành, gia đình, nhà trường và toàn xã hội cần tiếp tục làm tốt hơn nữa việc giáo dục đạo đức, lối sống, văn hóa, văn minh trong đời sống xã hội bằng nhiều hình thức, biện pháp khác nhau; trong đó, có nhiệm vụ giáo dục đạo đức trong nhà trường vì nhân cách con người chủ yếu hình thành trong giai đoạn đầu đời, sau lớn lên sẽ hoàn thiện dần nhưng về cơ bản đã có nền tảng trước đó. Đồng thời xây dựng môi trường văn hóa, nơi con người sống và chịu sự tác động của nó. Môi trường văn hóa lành mạnh là những cái nôi để nuôi dưỡng nhân cách mà ở đó lãnh đạo làm gương cho cán bộ, nhân viên; thầy, cô giáo là tấm gương cho học sinh; ông bà, bố, mẹ làm gương cho con, cháu…môi trường văn hóa tốt do con người tạo nên sẽ tác động tích cực trở lại đối với việc xây dựng nhân cách con người. Đặc biệt, việc rèn luyện nhân cách phải xuất phát từ nhu cầu tự thân của mỗi người, phải gắn với hoạt động thực tiễn, luôn thống nhất giữa lời nói với việc làm, phải nêu gương về đạo đức, thực hiện tốt vai trò, bổn phận với gia đình, tập thể và xã hội.

Nâng cao ý thức tự rèn luyện nhân cách để ngày càng có nhiều cán bộ hội tụ cả tài năng và đạo đức, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, xứng đáng với niềm tin và kỳ vọng của Nhân dân, để ngày càng có nhiều công dân có ích cho đất nước, góp phần đẩy lùi cái xấu, cái ác ra khỏi đời sống xã hội.

Muốn tự mình hoàn thiện nhân cách thì mỗi người phải thường xuyên tự soi mình, tự sửa mình để tự giác, tự xây dựng kế hoạch, đề ra mục tiêu, thời gian sửa chữa khuyết điểm; tích cực học tập, rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, nhân cách và đó phải là quá trình rèn luyện, phấn đấu thường xuyên, liên tục thì mới thành công. Bài học đó đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh đúc kết trong bài thơ “Nghe tiếng giã gạo”: “Gạo đem vào giã bao đau đớn/Gạo giã xong rồi trắng tựa bông/Sống ở trên đời người cũng vậy/Gian nan rèn luyện mới thành công”.

Trên đây là Bài thu hoạch học tập đạo đức Hồ Chí Minh có liên hệ bản thân về xây dựng văn hóa, con người năm 2024 được HoaTieu.vn sưu tầm và chọn lọc để gửi tới bạn đọc. Để có được bài thu hoạch đạt chất lượng tốt, phần liên hệ bản thân để nêu ra quan điểm cá nhân là rất quan trọng. Với nội dung liên hệ liên hệ bản thân về xây dựng con người mới được chia sẻ trong bài viết sẽ giúp các bạn tiết kiệm khá nhiều thời gian và công sức trong quá trình làm bài thu hoạch.

Mời bạn đọc cùng tham khảo thêm tại chuyên mục Bài thu hoạch - Tài liệu của HoaTieu.vn nhé.

Đánh giá bài viết
19 29.658
0 Bình luận
Sắp xếp theo