Quy định về các khoản chi phí được thu trong nhà trường

Quy định về các khoản chi phí được thu trong nhà trường. Việc học tập, học phí của con cái luôn là điều mà các vị phụ huynh quan tâm. Trường học được thu những khoản gì và không được thu những khoản gì? Bước vào năm học mới các phụ huynh phải chuẩn bị những khoản phí gì? Cùng Hoatieu.vn tìm hiểu nhé

Quy định về các khoản chi phí được thu trong nhà trường - Đây có lẽ là một trong các vấn đề được quan tâm nhất của các phụ huynh trong thời gian vừa qua, đặc biệt là các dịp đầu năm học. Theo nguyên tắc, các trường học thu đủ, chi đủ, đúng mục đích, phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội, thu nhập trên từng địa bàn.

1. Các khoản thu đầu năm học

STT

Nội dung thu

Cơ sở pháp lý

1

Học phí

Theo khoản 2 điều 3 Nghị định 81/2021/NĐ-CP quy định "Học phí là khoản tiền mà người học phải nộp để chi trả một phần hoặc toàn bộ chi phí của dịch vụ giáo dục, đào tạo. Mức học phí được xác định theo lộ trình bảo đảm chi phí dịch vụ giáo dục, đào tạo quy định tại Nghị định này."

2

Phí tuyển sinh đầu cấp

Được hướng dẫn bởi phòng Giáo dục và Đào tạo từng địa phương.

3

Bảo hiểm y tế học sinh

Nghị định 146/2018/NĐ-CP:

  • Điểm đ Khoản 1 Điều 7 mức đóng là 4,5% mức lương cơ sở. (4,5% x 1.490.000 đồng);

  • Điểm c khoản 1 Điều 8, học sinh được nhà nước hỗ trợ 30% mức đóng.

4

Dạy thêm, học thêm trong nhà trường

Theo Điều 7 Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT, khoản thu này được dựa vào quy định của từng địa phương.

5

Quần áo đồng phục, quần áo thể dục thể thao, phù hiệu

Theo Thông tư 26/2009/TT-BGDĐT, hiệu trưởng quyết định việc mặc đồng phục và quy định kiểu dáng, màu sắc, số ngày mặc đồng phục trong tuần.

Phụ huynh học sinh hoặc Ban đại diện cha mẹ học sinh tổ chức việc may hoặc mua đồng phục theo đúng quy định của Thông tư này và các quy định khác của nhà trường.

Kinh phí cho việc may, mua, thuê, mượn đồng phục và lễ phục lấy từ nguồn kinh phí chi thường xuyên của nhà trường, đóng góp của học sinh, sinh viên hoặc các nguồn thu hợp pháp khác và phải được công khai thu, chi.

6

Trông giữ phương tiện giao thông; các hoạt động an ninh, bảo vệ.

Theo quyết định của UBND ở từng địa phương.

7

Học phẩm cho giáo dục mầm non

Thông tư 02/2010/TT-BGDĐT, sở giáo dục và đào tạo có trách nhiệm chỉ đạo việc mua sắm, tự làm, sưu tầm, sử dụng và bảo quản thiết bị phục vụ dạy học tại các cơ sở giáo dục mầm non.

2. Các khoản thu của nhà trường theo thỏa thuận với phụ huynh học sinh

STT

Nội dung thu

Cơ sở pháp lý

1

Phục vụ bán trú

a) Tiền ăn (Mầm non, Tiểu học, Trung học cơ sở)

Thỏa thuận giữa phụ huynh và nhà trường.

b) Chăm sóc bán trú (Mầm non, Tiểu học, Trung học cơ sở)

c) Trang thiết bị phục vụ bán trú

2

Nước uống

Dựa trên mức thỏa thuận của phụ huynh và nhà trường.

3

Học 2 buổi/ngày

Khoản 4 Mục II Công văn 7291/BGDĐT-GDTrH ngày 01/11/2010: “Các trường trung học có thể huy động sự hỗ trợ của ngân sách, sự đóng góp tự nguyện của cha mẹ học sinh để tăng cường cơ sở vật chất hoặc trả tiền dạy thêm giờ, dạy thỉnh giảng”.

4

Viện trợ, tài trợ, quà biếu tặng

Khoản 1 Điều 2 Thông tư 16/2018/TT-BGDĐT quy định việc tài trợ phải đảm bảo nguyên tắc tự nguyện, công khai, minh bạch, không ép buộc.

3. Các khoản tiền nhà trường không được thu của học sinh

STT

Các khoản nhà trường, ban đại diện cha mẹ học sinh

không được thu của học sinh

1

Các khoản ủng hộ không theo nguyên tắc tự nguyện

2

Bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, bảo đảm an ninh nhà trường

3

Trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh

4

Vệ sinh lớp học, vệ sinh trường

5

Khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường

6

Mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường

7

Hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục

8

Sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường

4. Thủ tục xin miễn giảm học phí

 Các khoản thu của nhà trường theo thỏa thuận với phụ huynh học sinh

Không phải vị phụ huynh nào cũng đủ khả năng để trang trải hết các loại chi phí của con em mình. Đối với những hoàn cảnh nhất định được quy định trong các văn bản pháp luật thì sẽ được miễn, giảm học phí.

Để xin miễn, giảm học phí, các phụ huynh thực hiện theo các bước sau:

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ

Hồ sơ xin miễn, giảm học phí gồm:

1. Đơn đề nghị miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập, hỗ trợ tiền đóng học phí.

2. Bản sao chứng thực hoặc bản sao kèm bản chính để đối chiếu hoặc bản sao từ sổ gốc giấy tờ chứng minh thuộc đối tượng miễn, giảm học phí đối với các đối tượng sau:

- Trường hợp miễn học phí

  • Giấy xác nhận thuộc đối tượng theo quy định tại Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng.
  • Giấy xác nhận khuyết tật do Ủy ban nhân dân (UBND) xã cấp hoặc Quyết định về việc trợ cấp xã hội của Chủ tịch UBND cấp huyện đối với đối tượng học sinh, sinh viên khuyết tật.
  • Quyết định về việc trợ cấp xã hội của Chủ tịch UBND huyện đối với: Trẻ mẫu giáo và học sinh dưới 16 tuổi không có nguồn nuôi dưỡng; người từ 16 tuổi đến 22 tuổi đang học phổ thông, đại học văn bằng thứ nhất thuộc đối tượng hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng; Người học trung cấp, cao đẳng mồ côi cả cha lẫn mẹ, không nơi nương tựa.
  • Giấy xác nhận hộ nghèo do UBND xã cấp cho trẻ em mẫu giáo và học sinh phổ thông, học viên giáo dục thường xuyên có cha hoặc mẹ hoặc cả cha mẹ hoặc ông bà (trong trường hợp ở với ông bà) thuộc diện hộ nghèo.
  • Giấy chứng nhận được hưởng chế độ miễn học phí theo quy định tại Nghị định số 27/2016/NĐ-CP đối với thân nhân của hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ;
  • Giấy khai sinh và giấy xác nhận hộ nghèo hoặc hộ cận nghèo do UBND xã cấp cho học sinh, sinh viên người dân tộc thiểu số có cha hoặc mẹ hoặc cả cha mẹ hoặc ông bà (trong trường hợp ở với ông bà) thuộc hộ nghèo và hộ cận nghèo; học sinh, sinh viên người dân tộc rất ít người.
  • Giấy khai sinh và sổ hộ khẩu thường trú hoặc xác nhận của cơ quan công an về việc đăng ký thường trú (trường hợp sổ hộ khẩu bị thất lạc) đối với: trẻ em mầm non 05 tuổi, học sinh trung học cơ sở ở thôn/bản đặc biệt khó khăn, xã khu vực III vùng dân tộc miền núi, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, hải đảo; học sinh, sinh viên người dân tộc thiểu số rất ít người.
  • Bằng tốt nghiệp trung học cơ sở (THCS) hoặc giấy xác nhận tốt nghiệp tạm thời đối với người tốt nghiệp THCS học tiếp lên trình độ trung cấp.

- Trường hợp giảm học phí, hỗ trợ tiền đóng học phí

  • Giấy khai sinh và sổ hộ khẩu thường trú hoặc xác nhận của cơ quan công an về việc đăng ký thường trú (trường hợp sổ hộ khẩu bị thất lạc) đối với: trẻ mẫu giáo và học sinh, sinh viên là người dân tộc thiểu số ở thôn/bản đặc biệt khó khăn, xã khu vực III dân tộc miền núi, xã vùng bãi ngang ven biển hải đảo; học sinh tiểu học tư thục ở địa bàn không đủ trường công lập được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí.
  • Sổ hưởng trợ cấp hàng tháng của cha hoặc mẹ bị tai nạn lao động hoặc mắc bệnh nghề nghiệp đối với trẻ mẫu giáo và học sinh, sinh viên là con cán bộ, công chức, viên chức, công nhân.
    Giấy xác nhận hộ cận nghèo do UBND cấp xã cấp cho đối tượng trẻ mẫu giáo và học sinh phổ thông, học viên giáo dục thường xuyên có cha hoặc mẹ hoặc cả cha và mẹ hoặc ông bà (trong trường hợp ở với ông bà) thuộc diện hộ cận nghèo.

Bước 2: Nộp cho nhà trường. Hình thức nộp có thể là trực tiếp hoặc qua đường bưu điện.

Để biết mình thuộc trường hợp miễn hay giảm học phí, được giảm bao nhiêu phần trăm học phí, mời các bạn tham khảo bài: Thủ tục xin miễn, giảm học phí

Bước vào năm học mới, các phụ huynh sẽ phải nộp những khoản chi phí để phụ vụ việc dạy học. Điều này là hợp lý. Phụ huynh nên nắm rõ những khoản phải nộp để có sự chuẩn bị từ trước. Bên cạnh đó, nếu thuộc một trong các trường hợp được miễn, giảm học phí thì phụ huynh nên chuẩn bị trước hồ sơ như trên để nộp cho nhà trường. Nhờ đó các thầy cô kịp thời lên danh sách và hoàn tất thủ tục cần thiết để học sinh được miễn, giảm học phí.

5. Một số câu hỏi liên quan đến chi phí trong trường học

5.1 Quy định các khoản thu trường mầm non

Như những phân tích ở trên thì với các con khi học trường mầm non sẽ phải đóng những chi phí sau:

  • Học phí
  • Bảo hiểm y tế học sinh
  • Dạy thêm, học thêm trong nhà trường (thường áp dụng khi học sinh muốn học hè)
  • Học phẩm giáo dục mầm non

Ngoài ra còn có những khoản thu trong trường mầm non tuỳ thuộc vào thoả thuận giữa phụ huynh và nhà trường:

  • Tiền ăn, Chăm sóc bán chú, Trang thiết bị phục vụ bán chú, Nước uống: Những chi phí này tuy là do hai bên thoả thuận nhưng các phụ huynh nên đóng góp để con, em có thể sinh hoạt tại trường thoải mái mà không cần phải đưa đón về nhà vào giờ nghỉ trưa.
  • Viện trợ, tài trợ, quà biếu: Chi phí này thường là những chi phí khi học sinh, phụ huynh hay giáo viên gặp khó khăn hoặc một sự kiện cần tài trợ, giúp đỡ thì sẽ được trích ra để viện trợ, tài trợ, biếu tặng.

Các chi phí trên sẽ căn cứ vào các điều kiện kinh tế của từng địa bàn dân cư, khả năng đóng góp thực tế của người dân và tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng hàng năm để điều chỉnh sao cho phù hợp.

5.2 Hướng dẫn thu, chi học phí trong trường học

Hướng dẫn thu học phí: Học phí được thu định kỳ hàng tháng, nếu người học tự nguyện, nhà trường có thể thu một lần cho cả học kỳ hoặc cả năm học.

  • Đối với cơ sở giáo dục thường xuyên, đào tạo thường xuyên và các khóa đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn, học phí được thu theo số tháng thực học.
  • Đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, học phí được thu tối đa 9 tháng/năm.
  • Đối với cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp học phí được thu tối đa 10 tháng/năm. Trong trường hợp tổ chức giảng dạy, học tập theo học chế tín chỉ, cơ sở giáo dục có thể quy đổi để thu học phí theo tín chỉ, tuy nhiên tổng số học phí thu theo tín chỉ của cả khóa học không được vượt quá mức học phí quy định cho khóa học nếu thu theo năm học.
  • Nếu trong thời gian dạy học mà xảy ra thiên tai, dịch bệnh, sự kiên bất khả kháng thì học phí thu theo thời gian thực học bao gồm cả thời gian dạy học online và học bù tại trường.

Hướng dẫn chi học phí:

  • Cơ sở giáo dục công lập được sử dụng học phí theo quy định của Chính phủ theo cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập và phải tổng hợp báo cáo tài chính hằng năm.
  • Cơ sở giáo dục dân lập thực hiện theo nguyên tắc tự đảm bảo thu, chi và chịu trách nhiệm về quản lý tài chính trong hoạt động của mình. Nhưng cần tổ chức công tác kế toán, kiểm toán, nộp thuế theo quy định của pháp luật

Vậy nên các cơ sở giáo dục công lập hay dân lập đều phải thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của mình theo quy định của pháp luật về các chi phí trong học tập của học sinh.

Hoa Tiêu đã gửi đến bạn học các khoản chi phí trong trường học. Mời các bạn tham khảo thêm các bài viết có liên quan tại mục Hành chính, mảng Hỏi đáp pháp luật

Các bài viết liên quan:

Đánh giá bài viết
6 10.849
1 Bình luận
Sắp xếp theo
  • Nguyen Hanh Nguyen
    Nguyen Hanh Nguyen

    Xin hỏi các khoản thu không nhà trường không được thu của học sinh có áp dụng với các trường tư thục không hay chỉ áp dụng với các trường công?


    Thích Phản hồi 15/09/21
    • Ban Quản Trị HoaTieu.vn
      Ban Quản Trị HoaTieu.vn

      Trong bài là những quy định chung, các trường đều sẽ thực hiện theo quy định này. Về các khoản phải thu thì sẽ tùy từng trường mà có điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế. Gửi thông tin tham khảo đến bạn nhé.

      Thích Phản hồi 18/09/21