Tội phạm được phân thành mấy loại?

Tội phạm là gì? Tội phạm được phân thành mấy loại? chắc hẳn là thắc mắc của nhiều người.

Trong bài viết "Tội phạm được phân thành mấy loại?", Hoatieu.vn sẽ giải đáp các thắc mắc trên theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015.

Tội phạm được phân thành mấy loại?

1. Tội phạm là gì?

Nhiều người nhầm tưởng tội phạm là danh từ để chỉ người thực hiện hành vi phạm tội thế nhưng trên thực tế thì lại không phải vậy.

Điều 8 Bộ luật Hình sự 2015 (BLHS 2015) định nghĩa "tội phạm" như sau:

1. Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hóa, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm quyền con người, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa mà theo quy định của Bộ luật này phải bị xử lý hình sự.

2. Những hành vi tuy có dấu hiệu của tội phạm nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể thì không phải là tội phạm và được xử lý bằng các biện pháp khác.

2. Tội phạm được phân thành mấy loại?

Pháp luật quy định thế nào về phân loại tội phạm?

Phân loại tội phạm được quy định tại điều 9 BLHS 2015, cụ thể:

Căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội được quy định trong Bộ luật này, tội phạm được phân thành bốn loại sau đây:

1. Tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội không lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 03 năm;

2. Tội phạm nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 03 năm đến 07 năm tù;

3. Tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội rất lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 07 năm đến 15 năm tù;

4. Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội đặc biệt lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 15 năm đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.

Lưu ý: Số năm trong cách phân loại này dựa vào khung hình phạt của tội đó trong BLHS chứ không dựa vào số năm trong bản án của tòa án.

3. Căn cứ xác định tội phạm

Vậy căn cứ vào đâu để xác định hành vi phạm tội?

Để xác định một hành vi có phải tội phạm hay không thì phải xét xem hành vi đó xâm phạm đến khách thể gì? Có phải là mối quan hệ được luật hình sự bảo vệ hay không (tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, an ninh quốc gia...)

Nếu hành vi đó phù hợp với cấu thành tội phạm của các tội được quy định trong BLHS thì hành vi đó là tội phạm.

Ví dụ: Điều 174 BLHS 2015 quy định tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản như sau: "Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau..." Vậy để xác định 1 hành vi có phải thuộc tội này không thì xem hành vi đó có giống mô tả của điều luật không (hành vi gian dối, chiếm đoạt tài sản...)

Cần lưu ý: Những hành vi tuy có dấu hiệu của tội phạm nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể thì không phải là tội phạm và được xử lý bằng các biện pháp khác

Ví dụ: có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản nhưng tài sản nhỏ không đủ mức định lượng quy định tại khoản 1 điều 174 thì không phải là tội phạm

4. Ví dụ về tội phạm nghiêm trọng

Ví dụ: A quảng cáo có bình gốm cổ, mời chào B mua với giá 100.000.000 đồng với cam kết sau khi B chuyển 60.000.000 đồng tiền cọc thì A sẽ giao bình gốm. Nhưng khi B chuyển 60.000.000 đồng theo cam kết thì A bỏ trốn, chặn liên lạc với B.

Hành vi của B thuộc khoản 2 điều 174 BLHS 2015, có mức cao nhất của khung hình phạt là 7 năm tù.

Nên tội của B là tội phạm nghiêm trọng.

Trên đây, Hoatieu.vn đã cung cấp cho các bạn quy định pháp luật về Phân loại tội phạm. Mời các bạn tham khảo thêm các bài viết liên quan tại mục Hình sự, mảng Hỏi đáp pháp luật

Các bài viết liên quan:

Đánh giá bài viết
1 953
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi