Tuyên bố miễn trừ trách nhiệm 2021

Trong suy nghĩ của đại đa số mọi người, vi phạm nghĩa vụ hợp đồng sẽ đương nhiên phải chịu trách nhiệm dân sự. Tuy nhiên trong một số trường hợp, người vi phạm sẽ không phải chịu trách nhiệm dân sự.

Trong bài viết "Tuyên bố miễn trừ trách nhiệm", Hoatieu.vn sẽ giúp bạn đọc tìm hiểu những trường hợp miễn trừ trách nhiệm dân sự (Không phải chịu trách nhiệm dân sự theo cách gọi của bộ luật dân sự hiện hành) theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015.

Tuyên bố miễn trừ trách nhiệm

1. Tuyên bố miễn trừ trách nhiệm là gì?

Tuyên bố miễn trừ trách nhiệm là một dạng thông báo về việc cá nhân, tổ chức sẽ không chịu trách nhiệm dân sự đối với sự việc, sự kiện dân sự.

Ví dụ: Nhóm A chuyên biểu diễn các tiết mục có độ khó và nguy hiểm cao, chỉ phù hợp với những người chuyên nghiệp. A đã có khuyến cáo đến mọi người không tự ý thực hiện ở nhà và tuyên bố không chịu trách nhiệm nếu có người làm theo và xảy ra sự cố gì

Tuyên bố này của A là tuyên bố miễn trừ trách nhiệm.

2. Miễn trừ trách nhiệm là gì?

Miễn trừ trách nhiệm hay không phải chịu trách nhiệm dân sự là việc một người, pháp nhân không phải chịu trách nhiệm đối với hành vi không thực hiện nghĩa vụ, đối với các hậu quả bất lợi xảy ra

Ví dụ: Hành khách mang thai khi lên máy bay Vietjet air sẽ được phát một tờ giấy miễn trừ trách nhiệm để khai và ký tên, theo đó hành khách này sẽ miễn trừ trách nhiệm pháp lý, không khiếu nại, bồi thường thiệt hại... đối với chuyến bay này. Do đó, Vietjet sẽ không phải chịu trách nhiệm nếu phát sinh các rủi ro đối với hành khách này trong chuyến bay.

3. Các trường hợp miễn trách nhiệm trong hợp đồng

Điều 351 Bộ luật Dân sự 2015 đưa ra 2 trường hợp mà người vi phạm không phải chịu trách nhiệm dân sự như sau:

Trường hợp 1: Sự kiện bất khả kháng

Trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện đúng nghĩa vụ do sự kiện bất khả kháng thì không phải chịu trách nhiệm dân sự, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.

Theo điều 156 Bộ luật Dân sự 2015, sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép. (Ví dụ: A ở huyện miền núi bị sạt lở đất không thể đi ra ngoài được nên không thể thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng)

Trường hợp 2: Do lỗi của bên có quyền

Bên có nghĩa vụ không phải chịu trách nhiệm dân sự nếu chứng minh được nghĩa vụ không thực hiện được là hoàn toàn do lỗi của bên có quyền.

Ví dụ: A - B ký hợp đồng mua bán máy tính xách tay, theo cam kết trong hợp đồng, B sẽ phải chuyển tiền qua tài khoản của A ngay sau khi nhận được máy tính, tuy nhiên do A ghi sai số tài khoản ngân hàng nên B không thể chuyển đúng ngày được. Lúc này, B sẽ không phải chịu trách nhiệm dân sự vì việc không chuyển được tiền này hoàn toàn do lỗi của A

Pháp luật dùng từ "hoàn toàn", nên chúng ta có thể hiểu chỉ khi nào 100% lỗi do bên có quyền thì bên vi phạm mới không phải chịu trách nhiệm, nếu bên vi phạm cũng có một phần lỗi thì sẽ phải chịu trách nhiệm tương ứng với phần lỗi của mình.

Lĩnh vực dân sự đề cao sự thỏa thuận đôi bên nên chúng thêm 1 trường hợp mà người vi phạm không phải chịu trách nhiệm dân sự nữa, đó là:

Trường hợp 3: Do thỏa thuận của các bên

Thỏa thuận này phải tuân thủ nguyên tắc tại điều 3 Bộ luật Dân sự 2015: Mọi cam kết, thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội có hiệu lực thực hiện đối với các bên và phải được chủ thể khác tôn trọng.

Do đó, nếu các bên thỏa thuận miễn trừ trách nhiệm dân sự cho bên vi phạm thì bên vi phạm sẽ không phải chịu trách nhiệm dân sự (nếu thỏa thuận đó đáp ứng được các điều kiện đã nêu ở trên)

Ví dụ: A-B ký hợp đồng vận chuyển: A là bên vận chuyển, mặt hàng gốm sứ. Hợp đồng nêu rõ A sẽ không phải bồi thường hay chịu trách nhiệm gì khi xảy ra thiệt hại. Nên nếu có vấn đề bất lợi xảy ra trong quá trình vận chuyển thì A sẽ được miễn trách nhiệm.

4. Miễn trừ trách nhiệm hình sự

Miễn trách nhiệm hình sự được quy định tại điều 29 Bộ luật Hình sự 2015 (BLHS 2015). Theo đó, miễn trách nhiệm hình sự là việc một người không bị truy cứu trách nhiệm hình sự (không phải chịu các hình phạt quy định trong BLHS nhưng vẫn tính là án tích) đối với tội phạm mà mình thực hiện khi đáp ứng được các điều kiện quy định tại điều 29.

Để biết cụ thể các trường hợp đó là gì, áp dụng như thế nào mời các bạn đọc bài Các trường hợp miễn trách nhiệm hình sự

Trên đây, Hoatieu.vn đã cung cấp cho bạn đọc các quy định của pháp luật về vấn đề "Miễn trừ trách nhiệm". Mời các bạn đọc các bài viết liên quan tại mục Dân sự, mảng Hỏi đáp pháp luật

Các bài viết liên quan:

Đánh giá bài viết
2 1.467
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm