Lái xe khi đã bị tước bằng lái bị xử phạt ra sao 2024?

Lái xe khi đã bị tước bằng lái bị xử phạt ra sao 2024? Đây là câu hỏi thắc mắc chung của rất nhiều tài xế lái xe, nhất là đối với lái xe đường dài bởi bằng lái xe là giấy tờ quan trọng nhất của những người làm nghề lái xe. Những thắc mắc trên sẽ được giải đáp trong bài viết dưới đây chuẩn theo quy định mới nhất: Nghị định 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP.

Lái xe khi bị tước bằng lái 2022 xử phạt ra sao?

1. Quy định về tước bằng lái xe

Tước bằng lái xe (tước quyền sử dụng giấy phép lái xe) là một hình phạt được quy định trong Nghị định 100/2019/NĐ-CP mà người vi phạm có thể phải chịu khi không tuân theo quy định của Luật Giao thông đường bộ

Khoản 1 Điều 25 VBHN 09/VBHN-VPQH về Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định về hình phạt tước bằng lái xe như sau:

Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn là hình thức xử phạt được áp dụng đối với cá nhân, tổ chức vi phạm nghiêm trọng các hoạt động được ghi trong giấy phép, chứng chỉ hành nghề. Trong thời gian bị tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề, cá nhân, tổ chức không được tiến hành các hoạt động ghi trong giấy phép, chứng chỉ hành nghề.

Không phải trong trường hợp nào các bạn cũng bị áp dụng hình phạt tước quyền sử dụng giấy phép lái xe, mà chỉ trong một số lỗi nhất định tại Nghị định 100 thì các bạn mới bị áp dụng hình phạt này

Để biết rõ hơn các trường hợp bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe (tước bằng lái), các bạn tham khảo thêm tại bài Tổng hợp các lỗi bị tước giấy phép lái xe năm

2. Lái xe khi bị tước bằng lái bị xử phạt ra sao?

Khoản 2 Điều 58 VBHN 15/VBHN-VPQH về Luật Giao thông đường bộ quy định: Khi tham gia giao thông, người lái xe phải mang theo giấy phép lái xe

Điều 25 VBHN 09/VBHN-VPQH quy định: Trong thời gian bị tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề, cá nhân, tổ chức không được tiến hành các hoạt động ghi trong giấy phép, chứng chỉ hành nghề.

Vì vậy, khi điều khiển phương tiện mà không mang giấy phép lái xe vì đã bị tước bằng thì phải chịu các mức phạt sau theo Điều 21 Nghị định 100/2019/NĐ-CP (cụ thể là lỗi không có giấy phép lái xe):

Loại xeMức phạt
Mô tô hai bánh có dung tích xi lanh dưới 175 cm3 và các loại xe tương tự xe mô tôTừ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng
Mô tô hai bánh có dung tích xi lanh từ 175 cm3 trở lên, xe mô tô ba bánhTừ 4.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng
Ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tôTừ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng

Các bạn có thể tham khảo chi tiết mức phạt, các loại hình phạt khi không có giấy phép lái xe tại bài Lỗi không có giấy phép lái xe năm 2022 phạt bao nhiêu?

3. Bị tước bằng xe máy phải làm sao?

Hình phạt tước quyền sử dụng giấy phép lái xe luôn có thời hạn nhất định (1-3 tháng hay 2-4 tháng...). Trong thời gian bị tước bằng lái này, bạn không được lái xe đã ghi trong bằng lái, nếu không bạn thì phải chịu các mức phạt tại mục 2 bài này. Hết thời hạn tước giấy phép thì các bạn có thể sử dụng bằng lái và tham gia giao thông bình thường

4. Tra cứu giấy phép lái xe bị tạm giữ

Tạm giữ giấy phép lái xe là một trường hợp khác với tước quyền sử dụng giấy phép lái xe.

Để tra cứu các vấn đề liên quan việc tạm giữ giấy phép lái xe (thời hạn, lỗi...), các bạn có thể tra cứu online tại trang web https://gplx.gov.vn/default.aspx (trang Thông tin giấy phép lái xe) và nhập các thông tin. Để biết thêm chi tiết, mời các bạn đọc bài Tra cứu giấy phép lái xe

5. Lấy lại bằng lái xe khi bị cảnh sát giao thông giữ

Khi các bạn bị tạm giữ giấy phép lái xe, để nhận lại giấy phép lái xe bị tạm giữ, bạn cần thực hiện xong các hình phạt của mình (nộp tiền phạt...). Nộp phạt xong các bạn cầm biên lai đến cơ quan đã tạm giữ giấy phép lấy xe của bạn để lấy lại giấy phép lái xe. Trong trường hợp này, bên cạnh biên lai nộp phạt bạn cần phải mang theo CCCD/CMND để lấy lại Giấy phép lái xe và bắt buộc bạn phải là người đến nhận lại giấy phép lái xe.

6. Nộp tiền phạt ở đâu?

Các bạn có thể nộp tiền tại Kho bạc nhà nước hoặc ra Ngân hàng nơi Kho bạc mở tài khoản. Cụ thể tại Điều 20 Luật xử lý vi phạm hành chính sửa đổi năm 2020 cá nhân, tổ chức vi phạm thực hiện việc nộp tiền phạt theo một trong các hình thức sau đây:

- Nộp tiền mặt trực tiếp tại Kho bạc Nhà nước hoặc tại ngân hàng thương mại nơi Kho bạc nhà nước mở tài khoản được ghi trong quyết định xử phạt;

- Chuyển khoản vào tài khoản của Kho bạc nhà nước được ghi trong quyết định xử phạt thông qua Cổng Dịch vụ công Quốc gia hoặc dịch vụ thanh toán điện tử của ngân hàng hoặc tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán;

- Nộp phạt trực tiếp cho người có thẩm quyền xử phạt theo quy định tại khoản 1 Điều 56, khoản 2 Điều 78 Luật Xử lý vi phạm hành chính hoặc nộp trực tiếp cho cảng vụ hoặc đại diện cảng vụ hàng không đối với trường hợp người bị xử phạt là hành khách quá cảnh qua lãnh thổ Việt Nam để thực hiện chuyến bay quốc tế xuất phát từ lãnh thổ Việt Nam; thành viên tổ bay làm nhiệm vụ trên chuyến bay quá cảnh qua lãnh thổ Việt Nam; thành viên tổ bay của hãng hàng không nước ngoài thực hiện chuyến bay quốc tế xuất phát từ lãnh thổ Việt Nam;

- Nộp tiền phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ vào Kho bạc nhà nước hoặc thông qua dịch vụ bưu chính công ích.

7. Bị tước giấy phép lái xe có được thi lại không?

Khi một người bị tước giấy phép lái xe đồng nghĩa với việc sẽ không được sử dụng phương tiện giao thông đó đến khi hết thời hạn tước giấy phép thì mới được điều khiển phương tiện đó nếu bằng lái xe vẫn còn hạn.

Nhiều trường hợp sau khi tước bằng lái xe thì có ý định đăng ký thi lại bằng mới, hành vi này có được xem là không vi phạm pháp luật không?

Căn cứ vào Điểm g Khoản 3 Điều 37 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt đối với cá nhân khai báo không đúng sự thật hoặc sử dụng các giấy tờ, tài liệu giả để được học, kiểm tra, sát hạch cấp mới, cấp lại Giấy phép lái xe, chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ thì bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.

Như vậy, người nào bị tước giấy phép lái xe sẽ không được thi lại bằng lái cùng hạng với bằng đã bị tịch thu, bạn đọc lưu ý để không gian dối đăng ký học và thi bằng lái xe mới ở các Trung tâm sát hạch lái xe nếu không muốn bị phạt lên đến 5.000.000 đồng.

8. Bị tước giấy phép lái xe máy có được phép lái xe ô tô không?

Để điều khiển được các phương tiện giao thông khác nhau như xe máy, xe 2 bánh, xe ô tô, xe taxi, xe khách 16 chỗ,... người lái xe cần phải thi bằng lái tương ứng với các loại xe theo quy định.

Một người được phép cấp nhiều loại giấy phép lái xe khác nhau nhưng chỉ được sử dụng đúng quy định về Giấy phép lái xe từng hạng.

Ví dụ:

- Bằng hạng A1 chỉ được phép điều khiển mô tô 2 bánh có dung tích xi-lanh từ phân khúc 50cc cho đến dưới 175cc.

- Bằng hạng B1 chỉ lái xe gia đình số tự động

- Bằng hạng C: Ô tô tải, ô tô tải chuyên dùng, ô tô chuyên dùng có tải trọng > 3.500 kg trở lên., Máy kéo kéo có thiết kế một rơ moóc trọng tải > 3.500 kg trở lên.

Nếu bạn có cả bằng lái xe hạng C và B1, khi bị tước bằng lái xe hạng C tức là bạn sẽ không được điều khiển xe ô tô tải trên 3.500kg, bạn vẫn có thể sử dụng bằng lái xe B1 lái xe ô tô 4 chỗ.

Tương tự, xe máy và ô tô là 2 loại phương tiện khác nhau hoàn toàn, nên khi bị tước bằng lái xe máy bạn không được điều khiển tất cả các loại xe máy. Bạn vẫn được tham gia giao thông bình thường bằng xe ô tô nếu bạn có bằng lái xe ô tô.

Trên đây, Hoatieu.vn đã cung cấp cho bạn đọc các thông tin liên quan đến vấn đề Lái xe khi đã bị tước bằng lái bị xử phạt ra sao 2024? Mời các bạn tham khảo thêm các bài viết liên quan tại mục Hành chính, mảng Hỏi đáp pháp luật

Các bài viết liên quan

Đánh giá bài viết
18 2.084
0 Bình luận
Sắp xếp theo