Thông tư liên tịch 02/2017/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BQP

Tải về

Thông tư liên tịch 02/2017/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BQP - Hướng dẫn Bộ luật Tố tụng hình sự 2015

Ngày 22/12/2017, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng ban hành Thông tư liên tịch 02/2017/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BQP quy định việc phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng trong thực hiện một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO - TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO - BỘ CÔNG AN - BỘ QUỐC PHÒNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 02/2017/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BQP

Hà Nội, ngày 22 tháng 12 năm 2017

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH
QUY ĐỊNH VIỆC PHỐI HỢP GIỮA CÁC CƠ QUAN TIẾN HÀNH TỐ TỤNG TRONG THỰC HIỆN MỘT SỐ QUY ĐỊNH CỦA BỘ LUẬT TỐ TỤNG HÌNH SỰ VỀ TRẢ HỒ SƠ ĐỂ ĐIỀU TRA BỔ SUNG

Căn cứ Bộ luật Tố tụng hình sự ngày 27 tháng 11 năm 2015;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;

Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thống nhất ban hành Thông tư liên tịch quy định việc phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng trong thực hiện một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về trả hồ sơ để điều tra bổ sung như sau:

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Thông tư liên tịch này quy định việc phối hợp thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Viện kiểm sát, Tòa án, Cơ quan điều tra trong thực hiện một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

2. Thông tư liên tịch này được áp dụng đối với các cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư liên tịch này, những từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Xâm hại nghiêm trọng quyền và lợi ích hợp pháp của người tham gia tố tụng là làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích chính đáng của người tham gia tố tụng, có thể gây ra cho họ thiệt hại về vật chất, tinh thần;

2. Thay đổi cơ bản kết luận điều tra trước đó là thay đổi về diễn biến hành vi phạm tội, chứng cứ chứng minh tội phạm, thay đổi điểm, khoản, điều luật mà Cơ quan điều tra đã đề xuất áp dụng;

3. Thay đổi nội dung cáo trạng là thay đổi những vấn đề phải chứng minh trong vụ án hình sự như: thời gian, địa điểm phạm tội; thủ đoạn, mục đích, động cơ phạm tội, hậu quả của tội phạm và những tình tiết quan trọng khác; chứng cứ xác định hành vi phạm tội của bị can; tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự; nhân thân của bị can; thay đổi điểm, khoản, điều luật mà Viện kiểm sát đã áp dụng để truy tố.

Điều 3. Phối hợp thực hiện trả hồ sơ để điều tra bổ sung trong các trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều 245 và điểm a khoản 1 Điều 280 của Bộ luật Tố tụng hình sự

1. Chứng cứ để chứng minh những vấn đề phải chứng minh trong vụ án hình sự quy định tại điểm a khoản 1 Điều 245, điểm a khoản 1 Điều 280 của Bộ luật Tố tụng hình sự là chứng cứ quy định tại Điều 86, Điều 87 của Bộ luật Tố tụng hình sự dùng để chứng minh một hoặc nhiều vấn đề quy định tại Điều 85, Điều 441 của Bộ luật Tố tụng hình sự mà nếu thiếu chứng cứ này thì không giải quyết vụ án được khách quan, toàn diện, đúng pháp luật.

2. Khi thiếu chứng cứ thuộc một trong các trường hợp sau đây thì Viện kiểm sát, Tòa án trả hồ sơ để điều tra bổ sung:

a) Chứng cứ để chứng minh “có hành vi phạm tội xảy ra hay không” là chứng cứ để xác định hành vi đã xảy ra có đủ yếu tố cấu thành tội phạm cụ thể được quy định trong Bộ luật Hình sự hay thuộc các trường hợp không phải là hành vi phạm tội (quan hệ dân sự, kinh tế, vi phạm hành chính và các trường hợp khác theo quy định của luật);

b) Chứng cứ để chứng minh “thời gian, địa điểm và những tình tiết khác của hành vi phạm tội” là chứng cứ xác định nếu có hành vi phạm tội xảy ra thì xảy ra vào thời gian nào, ở đâu; phương pháp, thủ đoạn, công cụ, phương tiện thực hiện tội phạm như thế nào;

c) Chứng cứ để chứng minh “ai là người thực hiện hành vi phạm tội” là chứng cứ xác định một chủ thể cụ thể đã thực hiện hành vi phạm tội đó;

d) Chứng cứ để chứng minh “có lỗi hay không có lỗi” là chứng cứ xác định chủ thể có lỗi hoặc không có lỗi khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội; nếu có lỗi thì là lỗi cố ý trực tiếp hay lỗi cố ý gián tiếp hoặc lỗi vô ý do quá tự tin hay lỗi vô ý do cẩu thả theo quy định tại Điều 10 và Điều 11 của Bộ luật Hình sự;

đ) Chứng cứ để chứng minh “có năng lực trách nhiệm hình sự không” là chứng cứ xác định khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự chưa; có mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình hay không; nếu có thì mắc bệnh đó vào thời gian nào, trong giai đoạn tố tụng nào;

e) Chứng cứ để chứng minh “mục đích, động cơ phạm tội” là chứng cứ xác định chủ thể thực hiện hành vi phạm tội với mục đích, động cơ gì; mục đích, động cơ phạm tội là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự hay là tình tiết định tội, tình tiết định khung hình phạt;

g) Chứng cứ để chứng minh “tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo” là chứng cứ xác định bị can, bị cáo được áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự nào quy định tại Điều 51, Điều 84 của Bộ luật Hình sự hoặc áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự nào quy định tại Điều 52, Điều 85 của Bộ luật Hình sự;

h) Chứng cứ để chứng minh “đặc điểm về nhân thân của bị can, bị cáo” là chứng cứ xác định lý lịch của bị can, bị cáo; nếu bị can, bị cáo là pháp nhân thương mại thì phải chứng minh tên, địa chỉ và những vấn đề khác có liên quan đến địa vị pháp lý và hoạt động của pháp nhân thương mại;

i) Chứng cứ để chứng minh “tính chất và mức độ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra” là chứng cứ để đánh giá tính chất, mức độ thiệt hại, hậu quả về vật chất, phi vật chất do hành vi phạm tội gây ra;

k) Chứng cứ để chứng minh “nguyên nhân và điều kiện phạm tội” là chứng cứ xác định nguyên nhân chủ quan, khách quan, điều kiện cụ thể dẫn đến việc chủ thể thực hiện hành vi phạm tội;

l) Chứng cứ để chứng minh “những tình tiết khác liên quan đến việc loại trừ trách nhiệm hình sự, miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt” là chứng cứ chứng minh những vấn đề được quy định tại các ®iều 20, 21, 22, 23, 24, 25, 26, 27, 28, 29, 59, 88 và các điều luật khác của Bộ luật Hình sự;

m) Chứng cứ khác để chứng minh một hoặc nhiều vấn đề quy định tại Điều 85 của Bộ luật Tố tụng hình sự mà thiếu chứng cứ đó thì không có đủ căn cứ để giải quyết vụ án, như: chứng cứ để xác định tuổi của người bị buộc tội, người bị hại là người dưới 18 tuổi; chứng cứ để chứng minh vị trí, vai trò của từng bị can, bị cáo trong trường hợp đồng phạm hoặc phạm tội có tổ chức; chứng cứ để xác định trách nhiệm dân sự của bị can, bị cáo và những vấn đề khác có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án theo quy định của pháp luật;

n) Trường hợp pháp nhân thương mại phạm tội thì ngoài việc xác định chứng cứ trong các trường hợp được quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, e, g, h, i, k, l và m khoản này còn phải xác định chứng cứ để chứng minh điều kiện chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại theo quy định tại Điều 75 của Bộ luật Hình sự.

3. Viện kiểm sát ra quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung khi thiếu chứng cứ để chứng minh thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này mà Viện kiểm sát không thể tự mình bổ sung được.

4. Thẩm phán được phân công chủ tọa phiên tòa (trong giai đoạn chuẩn bị xét xử), Hội đồng xét xử (tại phiên tòa) ra quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung khi thiếu chứng cứ để chứng minh thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này nếu xét thấy không thể bổ sung được trong giai đoạn chuẩn bị xét xử hoặc tại phiên tòa.

5. Không trả hồ sơ để điều tra bổ sung khi thiếu chứng cứ để chứng minh thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này nhưng vẫn truy tố, xét xử được hoặc không thể thu thập được chứng cứ đó.

Ví dụ 1: Có 03 người làm chứng nhưng chỉ xác định được 02 người.

Ví dụ 2: Hiện trường đã bị thay đổi không thể xem xét lại được hay vật chứng đã mất không thể tìm được.

Điều 4. Phối hợp thực hiện trả hồ sơ để điều tra bổ sung trong các trường hợp quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều 245 của Bộ luật Tố tụng hình sự

1. Khi có căn cứ để khởi tố bị can về một hay nhiều tội phạm khác; có người đồng phạm hoặc người phạm tội khác liên quan đến vụ án nhưng chưa được khởi tố bị can thuộc một trong các trường hợp sau đây thì Viện kiểm sát trả hồ sơ để điều tra bổ sung:

a) Khởi tố và điều tra về một hay nhiều tội nhưng chứng cứ trong hồ sơ vụ án cho thấy hành vi của bị can đã thực hiện cấu thành một hay nhiều tội khác;

b) Ngoài tội phạm đã khởi tố và điều tra, chứng cứ trong hồ sơ vụ án cho thấy còn có căn cứ để khởi tố bị can về một hoặc nhiều tội khác;

c) Ngoài bị can đã bị khởi tố và điều tra, chứng cứ trong hồ sơ vụ án cho thấy còn có người đồng phạm khác hoặc có người phạm tội khác có liên quan đến vụ án nhưng chưa được khởi tố bị can.

2. Viện kiểm sát không trả hồ sơ để điều tra bổ sung trong các trường hợp sau đây:

a) Nếu có căn cứ để tách vụ án theo quy định tại khoản 2 Điều 242 của Bộ luật Tố tụng hình sự;

b) Nếu quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung của Tòa án có căn cứ mà xét thấy không cần phải trả hồ sơ cho Cơ quan điều tra thì Viện kiểm sát trực tiếp tiến hành một số hoạt động điều tra để bổ sung tài liệu, chứng cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 246 của Bộ luật Tố tụng hình sự.

Điều 5. Phối hợp thực hiện trả hồ sơ để điều tra bổ sung trong các trường hợp quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều 280 của Bộ luật Tố tụng hình sự

1. Khi có căn cứ để cho rằng bị can hoặc bị cáo còn thực hiện hành vi khác mà Bộ luật Hình sự quy định là tội phạm, còn có đồng phạm khác hoặc có người khác thực hiện hành vi mà Bộ luật Hình sự quy định là tội phạm liên quan đến vụ án nhưng chưa được khởi tố vụ án, khởi tố bị can thuộc một trong các trường hợp sau đây thì Thẩm phán (trong giai đoạn chuẩn bị xét xử), Hội đồng xét xử (tại phiên tòa) trả hồ sơ để điều tra bổ sung:

a) Viện kiểm sát truy tố về một hay nhiều tội, nhưng chứng cứ trong hồ sơ vụ án cho thấy hành vi của bị can hoặc bị cáo đã thực hiện cấu thành một hay nhiều tội khác;

b) Ngoài hành vi phạm tội mà Viện kiểm sát đã truy tố, chứng cứ trong hồ sơ vụ án cho thấy còn có căn cứ để khởi tố bị can hoặc bị cáo về một hay nhiều tội khác;

c) Ngoài bị can hoặc bị cáo đã bị truy tố, chứng cứ trong hồ sơ vụ án cho thấy còn có người đồng phạm khác hoặc có người phạm tội khác liên quan đến vụ án, nhưng chưa được khởi tố vụ án, khởi tố bị can.

2. Tòa án không trả hồ sơ để điều tra bổ sung khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Trường hợp thuộc điểm a khoản 1 Điều này nhưng chứng cứ trong hồ sơ vụ án cho thấy có thể xét xử bị can hoặc bị cáo về một hay nhiều tội tương ứng bằng hay nhẹ hơn hoặc có thể xét xử bị can hoặc bị cáo ít tội hơn số tội mà Viện kiểm sát truy tố;

b) Đã có quyết định tách vụ án hoặc chưa có quyết định tách vụ án của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nhưng có căn cứ để tách vụ án theo quy định tại khoản 2 Điều 170, khoản 2 Điều 242 của Bộ luật Tố tụng hình sự;

c) Đã yêu cầu Viện kiểm sát bổ sung tài liệu, chứng cứ theo quy định tại Điều 284 của Bộ luật Tố tụng hình sự.

Thuộc tính văn bản: Thông tư liên tịch02/2017/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BQP

Số hiệu02/2017/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BQP
Loại văn bảnThông tư
Lĩnh vực, ngànhTrách nhiệm hình sự, Thủ tục Tố tụng
Nơi ban hànhBộ Công An, Bộ Quốc phòng, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao
Người kýTrần Công Phàn, Lê Quý Vương, Lê Chiêm, Nguyễn Trí Tuệ
Ngày ban hành22/12/2017
Ngày hiệu lực
06/02/2018
Đánh giá bài viết
1 896
Bạn có thể tải về tập tin thích hợp cho bạn tại các liên kết dưới đây.
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm