Quyết định 435/QĐ-VKSTC năm 2019

Tải về

Quyết định số 435/QĐ-VKSTC năm 2019

Quyết định 435/QĐ-VKSTC năm 2019 về quy chế công tác kiểm sát việc giải quyết phá sản do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành.

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN
TỐI CAO
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 435/QĐ-VKSTC

Hà Nội, ngày 26 tháng 9 năm 2019

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ CÔNG TÁC KIỂM SÁT VIỆC GIẢI QUYẾT PHÁ SẢN

VIỆN TRƯỞNG VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

Căn cứ Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014;

Căn cứ Luật Phá sản năm 2014;

Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc kinh doanh, thương mại, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật; Vụ trưởng Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế công tác kiểm sát việc giải quyết phá sản.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Thủ trưởng các đơn vị thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện chịu trách nhiệm tổ chức thi hành Quyết định này./.

Nơi nhận:
- Lãnh đạo VKSNDTC;
- Như Điều 3;
- Lưu: VT, Vụ 10.

VIỆN TRƯỞNG




Lê Minh Trí

QUY CHẾ

CÔNG TÁC KIỂM SÁT VIỆC GIẢI QUYẾT PHÁ SẢN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 435/QĐ-VKSTC ngày 26 tháng 9 năm 2019 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Vị trí của công tác

Công tác kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong quá trình giải quyết phá sản (sau đây gọi chung là công tác kiểm sát việc giải quyết phá sản) là một lĩnh vực công tác thực hiện chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp của Viện kiểm sát nhân dân nhằm bảo đảm việc giải quyết vụ việc phá sản của Tòa án kịp thời, đúng pháp luật.

Điều 2. Đối tượng của công tác

Đối tượng của công tác kiểm sát việc giải quyết phá sản là việc tuân theo pháp luật của người tiến hành thủ tục phá sản (trừ Viện trưởng Viện kiểm sát và Kiểm sát viên), người tham gia thủ tục phá sản trong quá trình Tòa án giải quyết vụ việc phá sản theo quy định của pháp luật.

Điều 3. Phạm vi của công tác

Công tác kiểm sát việc giải quyết phá sản bắt đầu từ khi Viện kiểm sát nhận được quyết định trả lại đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đến khi có quyết định có hiệu lực pháp luật giải quyết đề nghị xem xét lại, kiến nghị về việc trả lại đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản (nếu có) hoặc từ khi nhận được thông báo thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đến khi có quyết định giải quyết phá sản của Tòa án có hiệu lực pháp luật mà không có kiến nghị, kháng nghị, đề nghị xem xét lại theo quy định của Luật Phá sản.

Điều 4. Nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát

Khi kiểm sát việc giải quyết phá sản, Viện kiểm sát nhân dân có các nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:

1. Kiểm sát việc trả lại đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản;

2. Kiểm sát việc giải quyết đề nghị xem xét lại, kiến nghị việc trả lại đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản;

3. Kiểm sát việc thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản;

4. Kiểm sát việc xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ;

5. Kiểm sát việc mở hoặc không mở thủ tục phá sản;

6. Kiểm sát việc giải quyết đề nghị xem xét lại, kháng nghị quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản;

7. Kiểm sát việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời;

8. Kiểm sát Nghị quyết Hội nghị chủ nợ;

9. Kiểm sát việc giải quyết đề nghị, kiến nghị xem xét lại Nghị quyết của Hội nghị chủ nợ;

10. Kiểm sát việc đình chỉ tiến hành thủ tục phá sản;

11. Kiểm sát việc công nhận Nghị quyết của Hội nghị chủ nợ thông qua phương án phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã;

12. Kiểm sát việc đình chỉ thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh;

13. Kiểm sát việc xử lý tranh chấp tài sản trước khi có quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản;

14. Kiểm sát việc tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản;

15. Kiểm sát việc giải quyết đơn đề nghị, kháng nghị đối với quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản;

16. Kiểm sát một số quyết định khác của Tòa án trong quá trình giải quyết phá sản;

17. Nghiên cứu hồ sơ vụ việc;

18. Thực hiện các quyền yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị theo quy định của Luật Phá sản;

19. Tham gia phiên họp giải quyết đề nghị xem xét lại, kháng nghị quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản và quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản; kiểm sát việc tuân theo pháp luật của Thẩm phán hoặc Tổ thẩm phán, Thư ký phiên họp và người đề nghị, người có liên quan tham gia phiên họp; phát biểu ý kiến của Viện kiểm sát tại phiên họp;

20. Kiến nghị Chánh án Tòa án nhân dân tối cao theo thủ tục đặc biệt;

21. Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác trong công tác kiểm sát việc giải quyết phá sản theo quy định của pháp luật.

Điều 5. Phân công, thay đổi Kiểm sát viên kiểm sát việc giải quyết phá sản, tham gia phiên họp

1. Viện trưởng Viện kiểm sát quyết định phân công, thay đổi Kiểm sát viên thực hiện nhiệm vụ kiểm sát việc giải quyết phá sản.

2. Viện trưởng Viện kiểm sát quyết định phân công, thay đổi Kiểm sát viên tham gia các phiên họp quy định tại khoản 6 Điều 44 và khoản 4 Điều 112 Luật Phá sản. Trường hợp Viện trưởng Viện kiểm sát tham gia phiên họp thì Viện kiểm sát thông báo cho Tòa án bằng văn bản.

3. Trường hợp vì lý do bất khả kháng Kiểm sát viên không thể tham gia phiên họp thì báo cáo Viện trưởng thay đổi Kiểm sát viên nếu có Kiểm sát viên dự khuyết. Trường hợp không có Kiểm sát viên dự khuyết thì thông báo cho Tòa án để hoãn phiên họp theo quy định tại khoản 2 Điều 16 và khoản 2 Điều 20 Thông tư số 01/2015/TT-CA ngày 08/10/2015 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quy định về quy chế làm việc của các Tổ Thẩm phán trong quá trình giải quyết vụ việc phá sản (sau đây viết tắt là Thông tư số 01/2015).

4. Quyết định phân công, thay đổi Kiểm sát viên, thông báo Viện trưởng Viện kiểm sát tham gia phiên họp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này được gửi cho Tòa án cùng cấp ngay sau khi ban hành.

Điều 6. Kiến nghị khắc phục, phòng ngừa vi phạm

Khi kiểm sát việc giải quyết phá sản, nếu phát hiện sai sót, vi phạm của Tòa án và cơ quan, tổ chức hữu quan khác thì Viện kiểm sát thực hiện quyền kiến nghị khắc phục vi phạm và phòng ngừa vi phạm theo quy định tại Điều 5 Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân và Điều 21 Luật Phá sản.

Viện kiểm sát đã kiến nghị phải theo dõi việc trả lời kiến nghị. Trường hợp cơ quan, tổ chức bị kiến nghị không trả lời kiến nghị thì Viện kiểm sát báo cáo Viện kiểm sát cấp trên để xem xét, chỉ đạo việc kiến nghị.

Điều 7. Xử lý việc khiếu nại, tố cáo

Trong quá trình kiểm sát việc giải quyết phá sản mà nhận được khiếu nại, tố cáo đối với quyết định, hành vi của người tiến hành thủ tục phá sản thuộc trách nhiệm giải quyết của Viện kiểm sát thì đơn vị tiếp nhận chuyển khiếu nại, tố cáo cho đơn vị có nhiệm vụ, quyền hạn kiểm sát. Việc giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo được thực hiện theo quy định của Ngành về giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp.

Chương II

KIỂM SÁT VIỆC GIẢI QUYẾT PHÁ SẢN

Mục 1. Kiểm sát việc trả lại đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản

Điều 8. Kiểm sát quyết định trả lại đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản

Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, công chức khác được phân công (sau đây gọi chung là công chức) kiểm sát thời hạn gửi, thẩm quyền ban hành quyết định, lý do trả lại đơn theo quy định tại Điều 35 Luật Phá sản. Trường hợp cần thiết, công chức yêu cầu Tòa án cho sao chụp một số hoặc toàn bộ tài liệu, chứng cứ và bản sao đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản.

Trường hợp xét thấy việc Tòa án trả lại đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản có vi phạm thì công chức báo cáo Lãnh đạo Viện kiểm sát cấp mình thực hiện quyền kiến nghị đối với Chánh án Tòa án nhân dân đã trả lại đơn theo quy định tại khoản 1 Điều 36 Luật Phá sản.

Điều 9. Kiểm sát việc giải quyết đơn đề nghị xem xét lại, kiến nghị về việc trả lại đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản

Công chức kiểm sát thời hạn, căn cứ, thẩm quyền ban hành quyết định giải quyết đơn đề nghị xem xét lại, kiến nghị về việc trả lại đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản theo quy định tại Điều 36 Luật Phá sản.

Trường hợp không đồng ý với quyết định giải quyết đơn đề nghị, kiến nghị của Chánh án Tòa án nhân dân cùng cấp, công chức báo cáo Lãnh đạo Viện kiểm sát cấp mình tiếp tục thực hiện quyền kiến nghị với Chánh án Tòa án nhân dân cấp trên trực tiếp của Tòa án đã trả lại đơn xem xét, giải quyết theo quy định tại khoản 3 Điều 36 Luật Phá sản.

Mục 2. Kiểm sát việc giải quyết phá sản trước khi có quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản

Điều 10. Kiểm sát việc thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản

Khi nhận được Thông báo thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản của Tòa án cùng cấp, công chức phải vào sổ thụ lý, lập phiếu kiểm sát thông báo việc thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản. Trường hợp cần thiết thì công chức báo cáo Lãnh đạo Viện kiểm sát thực hiện quyền yêu cầu theo quy định tại Điều 7 Luật Phá sản.

Công chức kiểm sát thời hạn gửi, đối tượng được gửi thông báo thụ lý đơn của Tòa án theo quy định tại khoản 1 Điều 40 Luật Phá sản; tư cách pháp lý của người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản theo quy định tại Điều 5 Luật Phá sản; thẩm quyền, thủ tục thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản theo quy định tại các điều 8, 26, 27, 28 và 29 Luật Phá sản.

Nếu phát hiện Thông báo việc thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản của Tòa án có vi phạm thì tập hợp báo cáo Lãnh đạo Viện kiểm sát thực hiện quyền kiến nghị.

Điều 11. Lập hồ sơ kiểm sát

1. Công chức có nhiệm vụ lập hồ sơ kiểm sát, sao chụp đầy đủ tài liệu, chứng cứ và thể hiện rõ nguồn của tài liệu, chứng cứ được thu thập. Ngoài các tài liệu sao chụp trên, hồ sơ kiểm sát còn bao gồm các văn bản tố tụng do Viện kiểm sát ban hành và tài liệu khác thể hiện hoạt động nghiệp vụ của Viện kiểm sát gồm: Phiếu kiểm sát, bản trích cứu tài liệu, ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Viện kiểm sát cùng cấp, ý kiến chỉ đạo của Viện kiểm sát cấp trên (nếu có).

Trường hợp có đơn đề nghị xem xét lại, kháng nghị đối với quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản thì bổ sung đơn đề nghị, kháng nghị và các tài liệu liên quan (nếu có).

2. Hồ sơ kiểm sát phải được sắp xếp theo thứ tự thời gian của tài liệu, đánh số bút lục và lập bảng kê danh mục tài liệu theo quy định của ngành Kiểm sát nhân dân.

Điều 12. Kiểm sát việc xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ

Khi kiểm sát việc xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ của người tiến hành thủ tục phá sản (trừ Viện trưởng Viện kiểm sát và Kiểm sát viên), người tham gia thủ tục phá sản, công chức xem xét về trình tự, thủ tục, về nguồn chứng cứ, bảo đảm tài liệu, chứng cứ được thu thập hợp pháp, khách quan, đầy đủ làm cơ sở cho việc giải quyết phá sản đúng pháp luật.

Điều 13. Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, chứng cứ

Trường hợp xét thấy tài liệu, chứng cứ chưa bảo đảm cho việc giải quyết phá sản thì công chức báo cáo Lãnh đạo Viện kiểm sát cấp mình thực hiện quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, chứng cứ bổ sung theo quy định tại Điều 7 Luật Phá sản.

Điều 14. Kiểm sát việc áp dụng, thay đổi, hủy bỏ hoặc không áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời

1. Khi nhận được quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời hoặc quyết định không áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời, công chức kiểm sát thời hạn gửi quyết định theo quy định tại khoản 2 Điều 139 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015; thẩm quyền, thời hạn, thủ tục ban hành, nội dung quyết định theo quy định tại Điều 70 Luật Phá sản, Điều 5 Nghị quyết số 03/2016/NQ-HĐTP ngày 26/8/2016 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định của Luật Phá sản (sau đây viết tắt là Nghị quyết số 03/2016), các điều 133, 137, 138 và 139 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.

Trường hợp phát hiện vi phạm thì báo cáo Lãnh đạo Viện kiểm sát cấp mình thực hiện quyền kiến nghị theo quy định tại Điều 140 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, khoản 3 Điều 5 Nghị quyết số 03/2016.

2. Khi kiểm sát việc giải quyết đề nghị xem xét lại, kiến nghị về việc áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời hoặc không áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời, công chức kiểm sát thời hạn, thẩm quyền giải quyết theo quy định tại khoản 1 Điều 141 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.

Điều 15. Kiểm sát quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản

1. Sau khi nhận được quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản của Tòa án cùng cấp, công chức tiến hành kiểm sát các nội dung sau:

a) Kiểm sát thời hạn, thẩm quyền, căn cứ, thủ tục ra quyết định theo quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 42 Luật Phá sản;

b) Kiểm sát việc gửi quyết định (thời hạn gửi và người được gửi) theo quy định tại Điều 43 Luật Phá sản;

c) Kiểm sát nội dung của quyết định theo quy định tại khoản 4 Điều 42 Luật Phá sản;

d) Kiểm sát việc Tòa án giải quyết hậu quả của việc không mở thủ tục phá sản theo quy định tại khoản 5 Điều 42 Luật Phá sản.

2. Khi kiểm sát quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản, nếu phát hiện vi phạm của Tòa án làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân thì công chức báo cáo Lãnh đạo Viện kiểm sát cấp mình yêu cầu Tòa án chuyển hồ sơ vụ việc phá sản để nghiên cứu, quyết định việc kháng nghị đối với quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản theo quy định tại Điều 44 Luật Phá sản. Trường hợp vi phạm chưa tới mức kháng nghị thì báo cáo Lãnh đạo Viện kiểm sát thực hiện quyền kiến nghị.

Điều 16. Nghiên cứu hồ sơ và báo cáo kết quả nghiên cứu hồ sơ để xem xét kháng nghị

1. Khi nghiên cứu hồ sơ vụ việc phá sản, công chức kiểm sát chặt chẽ việc tuân theo pháp luật trong quá trình giải quyết phá sản của người tiến hành thủ tục phá sản và người tham gia thủ tục phá sản; xem xét đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, điều kiện nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, thẩm quyền giải quyết của Tòa án; kiểm tra, đánh giá khách quan, toàn diện tài liệu, chứng cứ, việc xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ.

2. Trường hợp phát hiện Tòa án chưa thu thập đầy đủ tài liệu, chứng cứ bảo đảm cho việc giải quyết vụ việc phá sản đúng pháp luật thì công chức báo cáo, đề xuất Lãnh đạo Viện kiểm sát cấp mình yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân đang quản lý, lưu giữ tài liệu, chứng cứ cung cấp theo quy định tại Điều 7 Luật Phá sản để thực hiện quyền kiến nghị hoặc kháng nghị.

3. Sau khi nghiên cứu hồ sơ vụ việc, công chức xây dựng báo cáo kết quả nghiên cứu hồ sơ vụ việc trình Lãnh đạo Viện kiểm sát. Báo cáo phản ánh đầy đủ, trung thực, khách quan vụ việc. Ngoài phần mở đầu, báo cáo phải có các nội dung sau:

a) Tư cách pháp lý của người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản theo quy định tại Điều 5 Luật Phá sản; tài liệu, chứng cứ do người yêu cầu mở thủ tục phá sản cung cấp; quan điểm của doanh nghiệp, hợp tác xã bị yêu cầu mở thủ tục phá sản, tài liệu, chứng cứ do doanh nghiệp, hợp tác xã bị yêu cầu mở thủ tục phá sản cung cấp; quan điểm và tài liệu, chứng cứ do người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cung cấp (nếu có); tài liệu, chứng cứ do Tòa án hoặc Viện kiểm sát thu thập;

b) Ý kiến của công chức nghiên cứu hồ sơ nhận xét, đánh giá việc tiến hành thủ tục giải quyết vụ việc phá sản; việc thu thập tài liệu, chứng cứ, áp dụng pháp luật của Tòa án; ý kiến đánh giá về chứng cứ, đề xuất của công chức về việc kháng nghị;

c) Ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo đơn vị, Lãnh đạo Viện kiểm sát.

4. Báo cáo được lưu vào hồ sơ kiểm sát. Người nghiên cứu hồ sơ phải ký nháy vào cuối mỗi trang và ký, ghi rõ họ tên vào cuối báo cáo.

Điều 17. Quyết định kháng nghị đối với quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản

1. Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp có quyền kháng nghị đối với quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản.

2. Thời hạn kháng nghị theo quy định tại khoản 1 Điều 44 Luật Phá sản.

3. Quyết định kháng nghị được lập theo mẫu do Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành.

Điều 18. Nghiên cứu hồ sơ, báo cáo kết quả nghiên cứu hồ sơ và dự thảo đề cương hỏi, văn bản phát biểu ý kiến để tham gia phiên họp

1. Công chức thuộc Viện kiểm sát nhân dân cấp trên trực tiếp nghiên cứu hồ sơ vụ việc phá sản để tham gia phiên họp khi có đơn đề nghị, kháng nghị đối với quyết mở hoặc không mở thủ tục phá sản. Thời hạn nghiên cứu hồ sơ theo quy định tại khoản 4 Điều 44 Luật Phá sản.

Việc nghiên cứu hồ sơ được thực hiện theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 16 Quy chế này và xem xét kỹ tính có căn cứ và hợp pháp của đề nghị xem xét lại quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản của người tham gia thủ tục phá sản, kháng nghị của Viện kiểm sát cấp dưới, các tài liệu, chứng cứ bổ sung (nếu có).

2. Việc báo cáo kết quả nghiên cứu hồ sơ vụ việc được thực hiện theo khoản 3 và khoản 4 Điều 16 Quy chế này; báo cáo phải nêu rõ quan điểm của công chức nghiên cứu hồ sơ đối với đơn đề nghị của người tham gia thủ tục phá sản, kháng nghị của Viện kiểm sát cấp dưới.

3. Sau khi báo cáo kết quả nghiên cứu hồ sơ, công chức xây dựng dự thảo đề cương hỏi, dự thảo văn bản phát biểu ý kiến để tham gia phiên họp.

Điều 19. Kiểm sát việc tuân theo pháp luật tại phiên họp

Tại phiên họp, Kiểm sát viên kiểm sát việc tuân theo pháp luật của người tiến hành thủ tục phá sản và người tham gia thủ tục phá sản (nếu có) về các nội dung sau:

1. Thời hạn mở phiên họp theo quy định tại khoản 5 Điều 44 Luật Phá sản;

2. Thành phần, tư cách pháp lý của người tiến hành thủ tục phá sản, người tham gia thủ tục phá sản (nếu có);

3. Việc quyết định thay đổi người tiến hành thủ tục phá sản;

4. Việc thay đổi, bổ sung, rút yêu cầu của người tham gia thủ tục phá sản;

5. Việc giao nộp tài liệu, chứng cứ và xem xét chấp nhận việc giao nộp tài liệu, chứng cứ tại phiên họp;

6. Việc tuân theo pháp luật về trình tự, thủ tục tại phiên họp theo quy định tại các khoản 6 và 7 Điều 44 Luật Phá sản; Điều 14 Thông tư số 01/2015.

Điều 20. Trình bày, phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên họp

1. Trường hợp chỉ có kháng nghị của Viện kiểm sát thì Kiểm sát viên trình bày, phát biểu những vấn đề sau:

a) Nội dung kháng nghị và căn cứ kháng nghị; xuất trình bổ sung tài liệu, chứng cứ (nếu có); phân tích để làm rõ quan điểm kháng nghị của Viện kiểm sát đối với việc mở hoặc không mở thủ tục phá sản;

b) Việc tuân theo pháp luật của người tiến hành thủ tục phá sản và người tham gia thủ tục phá sản (nếu có);

c) Quan điểm của Viện kiểm sát về việc mở hoặc không mở thủ tục phá sản.

2. Trường hợp chỉ có đề nghị xem xét lại của người tham gia thủ tục phá sản thì Kiểm sát viên trình bày, phát biểu những vấn đề sau:

a) Tính có căn cứ và hợp pháp của đề nghị xem xét lại của người tham gia thủ tục phá sản;

b) Các nội dung hướng dẫn tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều này.

3. Trường hợp vừa có đơn đề nghị xem xét lại của người tham gia thủ tục phá sản, vừa có kháng nghị của Viện kiểm sát thì Kiểm sát viên trình bày, phát biểu những vấn đề sau:

a) Về đề nghị xem xét lại theo hướng dẫn tại điểm a khoản 2 Điều này;

b) Về kháng nghị của Viện kiểm sát theo hướng dẫn tại điểm a khoản 1 Điều này;

c) Về các nội dung hướng dẫn tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều này.

4. Văn bản phát biểu ý kiến của Kiểm sát viên phải có chữ ký của Kiểm sát viên tham gia phiên họp và được lưu hồ sơ kiểm sát.

Điều 21. Báo cáo kết quả phiên họp

1. Sau khi kết thúc phiên họp, Kiểm sát viên phải báo cáo ngay kết quả phiên họp với Lãnh đạo Viện kiểm sát cấp mình và Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp.

2. Báo cáo kết quả phiên họp được lập theo mẫu và được gửi theo quy định của Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Điều 22. Kiểm sát quyết định giải quyết đề nghị xem xét lại, kháng nghị đối với quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản

1. Công chức kiểm sát thẩm quyền ban hành, nội dung quyết định, việc gửi quyết định giải quyết đề nghị xem xét lại, kháng nghị đối với quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản theo quy định tại khoản 7 Điều 44 Luật Phá sản, điểm c khoản 1 Điều 15 và điểm b khoản 1 Điều 16 Thông tư số 01/2015.

2. Trường hợp phát hiện vi phạm thì công chức tổng hợp, báo cáo Lãnh đạo Viện kiểm sát cấp mình thực hiện quyền kiến nghị.

Điều 23. Kiểm sát Nghị quyết Hội nghị chủ nợ

1. Sau khi nhận được Nghị quyết Hội nghị chủ nợ do Tòa án gửi, công chức có nhiệm vụ kiểm sát các nội dung sau:

a) Việc Tòa án gửi Nghị quyết Hội nghị chủ nợ theo quy định tại Điều 84 Luật Phá sản;

b) Thành phần tham gia Hội nghị chủ nợ theo quy định tại Điều 77 và Điều 78 Luật Phá sản;

c) Điều kiện hợp lệ của Hội nghị chủ nợ theo quy định tại Điều 79 Luật Phá sản;

d) Việc hoãn Hội nghị chủ nợ theo quy định tại Điều 80 Luật Phá sản;

đ) Nội dung và trình tự tiến hành Hội nghị chủ nợ quy định tại Điều 81 Luật Phá sản;

e) Nội dung Nghị quyết của Hội nghị chủ nợ theo quy định tại Điều 83 Luật Phá sản.

2. Trường hợp phát hiện vi phạm về xác định người có quyền, nghĩa vụ tham gia Hội nghị chủ nợ, điều kiện hợp lệ của cuộc họp, nội dung, trình tự tiến hành Hội nghị chủ nợ thì công chức báo cáo Lãnh đạo Viện kiểm sát cấp mình thực hiện quyền kiến nghị với Chánh án Tòa án nhân dân đang giải quyết phá sản xem xét lại Nghị quyết của Hội nghị chủ nợ, ra quyết định tổ chức lại Hội nghị chủ nợ theo quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 85 Luật Phá sản. Văn bản kiến nghị phải có các nội dung quy định tại khoản 2 Điều 85 Luật Phá sản.

3. Công chức kiểm sát việc gửi quyết định giải quyết đề nghị, kiến nghị của Tòa án theo quy định tại khoản 4 Điều 85 Luật Phá sản; thời hạn, thẩm quyền ban hành, nội dung quyết định theo quy định tại khoản 3 Điều 85 Luật Phá sản. Trường hợp phát hiện vi phạm thì công chức tổng hợp, báo cáo Lãnh đạo Viện kiểm sát cấp mình thực hiện quyền kiến nghị.

Điều 24. Kiểm sát quyết định đình chỉ tiến hành thủ tục phá sản

1. Công chức kiểm sát việc gửi quyết định theo quy định tại khoản 2 Điều 86 Luật Phá sản; thẩm quyền ban hành, nội dung quyết định. Nếu phát hiện quyết định đình chỉ tiến hành thủ tục phá sản có vi phạm thì báo cáo Lãnh đạo Viện kiểm sát cấp mình thực hiện quyền kiến nghị theo quy định tại khoản 2 Điều 86 Luật Phá sản.

2. Trường hợp có đơn đề nghị xem xét lại quyết định đình chỉ tiến hành thủ tục phá sản của người tham gia thủ tục phá sản, kiến nghị của Viện kiểm sát với Chánh án Tòa án đang giải quyết thủ tục phá sản về quyết định đình chỉ tiến hành thủ tục phá sản thì công chức kiểm sát việc gửi quyết định giải quyết đề nghị xem xét lại, kiến nghị theo quy định tại khoản 4 Điều 86 Luật Phá sản; thời hạn, thẩm quyền, nội dung quyết định theo quy định tại khoản 3 Điều 86 Luật Phá sản. Nếu phát hiện vi phạm thì công chức tổng hợp, báo cáo Lãnh đạo Viện kiểm sát cấp mình thực hiện quyền kiến nghị.

Điều 25. Kiểm sát quyết định công nhận nghị quyết Hội nghị chủ nợ thông qua phương án phục hồi hoạt động kinh doanh

1. Khi kiểm sát quyết định công nhận nghị quyết Hội nghị chủ nợ thông qua phương án phục hồi hoạt động kinh doanh, công chức có nhiệm vụ kiểm sát các nội dung sau:

a) Thời hạn Tòa án gửi quyết định theo quy định tại khoản 2 Điều 92 Luật Phá sản;

b) Điều kiện hợp lệ của Hội nghị chủ nợ theo quy định tại Điều 90 Luật Phá sản;

c) Thời hạn triệu tập Hội nghị chủ nợ theo quy định tại khoản 1 Điều 91 Luật Phá sản;

d) Nội dung, trình tự tiến hành Hội nghị chủ nợ thông qua phương án phục hồi hoạt động kinh doanh theo quy định tại Điều 91 Luật Phá sản;

đ) Điều kiện và thời hạn thực hiện phương án phục hồi hoạt động kinh doanh được xác định trong Nghị quyết Hội nghị chủ nợ hoặc trong trường hợp Hội nghị chủ nợ không xác định được thời hạn thực hiện phương án phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã theo quy định tại Điều 89 Luật Phá sản.

2. Trường hợp phát hiện vi phạm thì tổng hợp, báo cáo Lãnh đạo Viện kiểm sát cấp mình thực hiện quyền kiến nghị.

Điều 26. Kiểm sát quyết định đình chỉ thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh

1. Công chức kiểm sát việc gửi quyết định theo quy định tại Điều 43 Luật Phá sản; kiểm sát thẩm quyền, căn cứ ban hành, nội dung của quyết định theo quy định tại khoản 1 Điều 95 Luật Phá sản.

2. Công chức kiểm sát việc Tòa án giải quyết hậu quả pháp lý của việc đình chỉ thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh theo quy định tại Điều 96 Luật Phá sản, cụ thể là:

a) Trường hợp đình chỉ theo điểm a khoản 1 Điều 95 Luật Phá sản, công chức phải kiểm sát việc Thẩm phán ban hành thông báo chấm dứt quyền và nghĩa vụ của Quản tài viên, Doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản.

b) Trường hợp đình chỉ theo quy định tại điểm b hoặc điểm c khoản 1 Điều 95 Luật Phá sản, công chức kiểm sát việc Tòa án ra quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản theo quy định tại Điều 29 Quy chế này.

3. Trường hợp phát hiện quyết định đình chỉ thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã có vi phạm thì công chức tổng hợp báo cáo Lãnh đạo Viện kiểm sát cấp mình thực hiện quyền kiến nghị.

Điều 27. Kiểm sát thông báo việc tách tài sản đang tranh chấp trước khi có quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản

1. Khi kiểm sát thông báo của Tòa án về việc tách tài sản đang tranh chấp để giải quyết bằng vụ án khác, công chức kiểm sát việc gửi thông báo theo quy định tại khoản 1 Điều 43 Luật Phá sản; kiểm sát việc xử lý của Tòa án đối với tài sản đang tranh chấp theo quy định tại khoản 2 Điều 114 Luật Phá sản.

2. Trường hợp phát hiện vi phạm thì tổng hợp báo cáo Lãnh đạo Viện kiểm sát cấp mình thực hiện quyền kiến nghị.

Điều 28. Kiểm sát các quyết định, văn bản khác trong quá trình giải quyết phá sản

1. Trong quá trình kiểm sát việc giải quyết phá sản, công chức phải kiểm sát chặt chẽ các quyết định, văn bản khác gồm: Các quyết định quy định tại các khoản 3, 5 và 6 Điều 9 Luật Phá sản; quyết định chuyển đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản cho Tòa án nhân dân có thẩm quyền và quyết định giải quyết đề nghị xem xét lại việc chuyển đơn quy định tại Điều 33 Luật Phá sản; quyết định ủy thác tư pháp quy định tại Điều 50 Luật Phá sản; danh sách chủ nợ và việc Thẩm phán xem xét lại danh sách chủ nợ quy định tại Điều 67 Luật Phá sản; danh sách người mắc nợ và việc Thẩm phán xem xét lại danh sách người mắc nợ theo quy định tại Điều 68 Luật Phá sản.

2. Trường hợp phát hiện quyết định, văn bản có vi phạm thì tổng hợp, báo cáo Lãnh đạo Viện kiểm sát cấp mình thực hiện quyền kiến nghị.

Mục 3. Kiểm sát việc tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản

Điều 29. Kiểm sát quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản

1. Khi kiểm sát quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản, công chức kiểm sát việc gửi và thông báo quyết định, thẩm quyền ban hành, nội dung quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản theo quy định tại khoản 1 Điều 108 và Điều 109 Luật Phá sản.

a) Đối với quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản theo thủ tục rút gọn, công chức kiểm sát điều kiện giải quyết phá sản theo thủ tục rút gọn quy định tại Điều 105 Luật Phá sản.

b) Đối với quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản khi Hội nghị chủ nợ không thành theo quy định tại Điều 106 Luật Phá sản, công chức kiểm sát căn cứ để Tòa án ra quyết định tuyên bố phá sản, gồm: Trường hợp không tổ chức được Hội nghị chủ nợ do không đáp ứng được điều kiện hợp lệ của Hội nghị chủ nợ (Điều 79 và khoản 3 Điều 80 Luật Phá sản); trường hợp Hội nghị chủ nợ không thông qua được Nghị quyết của Hội nghị chủ nợ (khoản 2 Điều 81, khoản 4 Điều 83 Luật Phá sản); trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã không xây dựng được phương án phục hồi hoạt động kinh doanh trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày Hội nghị chủ nợ thông qua nghị quyết (khoản 1 Điều 87 Luật Phá sản); trường hợp không tổ chức lại được Hội nghị chủ nợ hoặc Hội nghị chủ nợ không thông qua được Nghị quyết về phương án phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã (Điều 90, khoản 5 và khoản 6 Điều 91 Luật Phá sản).

c) Đối với quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản sau khi có Nghị quyết của Hội nghị chủ nợ, công chức căn cứ vào Nghị quyết của Hội nghị chủ nợ để kiểm sát việc Tòa án ban hành quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản theo quy định tại Điều 107 Luật Phá sản.

2. Trường hợp phát hiện quyết định có vi phạm làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân thì công chức báo cáo Lãnh đạo Viện kiểm sát cấp mình yêu cầu Tòa án chuyển hồ sơ, yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, chứng cứ (nếu cần thiết) theo quy định tại Điều 13 Quy chế này để thực hiện quyền kháng nghị đối với quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản theo quy định tại Điều 111 Luật Phá sản.

3. Trường hợp vi phạm chưa tới mức kháng nghị thì báo cáo Lãnh đạo Viện kiểm sát cấp mình thực hiện quyền kiến nghị.

Điều 30. Lập hồ sơ kiểm sát

Việc lập hồ sơ kiểm sát được thực hiện theo quy định tại Điều 11 Quy chế này; bổ sung tài liệu, chứng cứ do người tham gia thủ tục phá sản nộp cho Tòa án hoặc do Viện kiểm sát thu thập được từ khi có quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản.

Điều 31. Nghiên cứu hồ sơ và báo cáo kết quả nghiên cứu hồ sơ để xem xét kháng nghị

1. Việc nghiên cứu hồ sơ, báo cáo kết quả nghiên cứu hồ sơ vụ việc phá sản để xem xét, quyết định việc kháng nghị đối với quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản được thực hiện theo quy định tại Điều 16 Quy chế này.

2. Công chức tập trung xem xét, đánh giá tài liệu, chứng cứ mới làm căn cứ để Tòa án ban hành quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản.

Điều 32. Quyết định kháng nghị đối với quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản

1. Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp kháng nghị đối với quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản.

2. Thời hạn kháng nghị thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 111 Luật Phá sản.

3. Quyết định kháng nghị được lập theo mẫu do Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành.

Điều 33. Nghiên cứu hồ sơ, báo cáo kết quả nghiên cứu hồ sơ và dự thảo đề cương hỏi, văn bản phát biểu ý kiến để tham gia phiên họp

1. Công chức thuộc Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp nghiên cứu hồ sơ để tham gia phiên họp khi có đơn đề nghị, kháng nghị đối với quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản. Thời hạn nghiên cứu hồ sơ theo quy định tại khoản 2 Điều 112 Luật Phá sản.

Việc nghiên cứu hồ sơ được thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 18 Quy chế này và xem xét tính có căn cứ và hợp pháp của đề nghị xem xét lại, kháng nghị quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản.

2. Việc báo cáo kết quả nghiên cứu hồ sơ và dự thảo đề cương hỏi, văn bản phát biểu ý kiến để tham gia phiên họp thực hiện theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 18 Quy chế này.

Điều 34. Kiểm sát việc tuân theo pháp luật tại phiên họp

Tại phiên họp, Kiểm sát viên kiểm sát việc tuân theo pháp luật của người tiến hành thủ tục phá sản và người tham gia thủ tục phá sản (nếu có) về các nội dung quy định tại Điều 19 Quy chế này.

Điều 35. Trình bày, phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên họp

Việc trình bày, phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên họp xem xét giải quyết đơn đề nghị, kháng nghị đối với quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản được thực hiện theo quy định tại Điều 20 Quy chế này.

Điều 36. Báo cáo kết quả phiên họp

Việc báo cáo kết quả phiên họp được thực hiện theo quy định tại Điều 21 Quy chế này.

Điều 37. Kiểm sát quyết định giải quyết đơn đề nghị xem xét lại, kháng nghị đối với quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản

Công chức kiểm sát thẩm quyền, thủ tục ban hành, nội dung quyết định giải quyết đơn đề nghị xem xét lại, kháng nghị quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản theo quy định tại Điều 112 Luật Phá sản, Điều 18 Thông tư số 01/2015; kiểm sát việc gửi quyết định theo điểm e khoản 1 Điều 19 và điểm b khoản 1 Điều 20 Thông tư số 01/2015. Nếu phát hiện vi phạm thì báo cáo Lãnh đạo Viện kiểm sát cấp mình báo cáo Viện kiểm sát nhân dân tối cao thực hiện quyền kiến nghị theo thủ tục đặc biệt quy định tại Điều 113 Luật Phá sản.

Điều 38. Kiến nghị Chánh án Tòa án nhân dân tối cao xem xét lại quyết định giải quyết đơn đề nghị, kháng nghị đối với quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản

1. Trường hợp phát hiện có vi phạm nghiêm trọng pháp luật về phá sản hoặc phát hiện tình tiết mới có thể làm thay đổi cơ bản nội dung quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản mà Tòa án nhân dân, người tham gia thủ tục phá sản không thể biết được khi Tòa án nhân dân ra quyết định thì công chức báo cáo Lãnh đạo Vụ để báo cáo Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao kiến nghị Chánh án Tòa án nhân dân tối cao xem xét lại đối với quyết định giải quyết đề nghị xem xét lại, kháng nghị quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản quy định tại Điều 113 Luật Phá sản.

2. Sau khi Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao quyết định kiến nghị, công chức tại Viện kiểm sát nhân dân tối cao xây dựng văn bản kiến nghị, trình Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao ký theo quy định.

3. Công chức tại Viện kiểm sát nhân dân tối cao theo dõi kết quả giải quyết kiến nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao theo quy định tại khoản 3 Điều 113 Luật Phá sản, thực hiện báo cáo công tác theo quy định của ngành Kiểm sát nhân dân.

Chương III

QUAN HỆ CÔNG TÁC, CHẾ ĐỘ QUẢN LÝ, KIỂM TRA VÀ BÁO CÁO

Điều 39. Quan hệ công tác

1. Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp dưới chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp trên. Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân các cấp chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao trong công tác kiểm sát việc giải quyết phá sản.

2. Khi kiểm sát việc giải quyết phá sản, Viện trưởng hoặc Phó Viện trưởng được Viện trưởng uỷ quyền thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định Điều 21 Luật Phá sản và quy định của Quy chế này.

3. Khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn, Kiểm sát viên tuân theo pháp luật và chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Viện trưởng Viện kiểm sát cấp mình. Trong vụ việc có nhiều Kiểm sát viên tham gia giải quyết thì Kiểm sát viên ở ngạch thấp hơn phải tuân theo sự chỉ đạo của Kiểm sát viên ở ngạch cao hơn; trường hợp các Kiểm sát viên có cùng ngạch thì lãnh đạo Viện kiểm sát phân công một Kiểm sát viên chịu trách nhiệm chỉ đạo.

Viện trưởng Viện kiểm sát có trách nhiệm kiểm tra, xử lý nghiêm đối với vi phạm pháp luật của Kiểm sát viên trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao; có quyền rút, đình chỉ hoặc hủy bỏ các quyết định trái pháp luật của Kiểm sát viên.

4. Việc phân công, tổ chức thực hiện và báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ trong từng đơn vị, Viện kiểm sát được thực hiện theo quy chế tổ chức và hoạt động của đơn vị, Viện kiểm sát đó.

Điều 40. Chế độ hướng dẫn, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ

1. Viện kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho Viện kiểm sát các cấp.

2. Viện kiểm sát nhân dân cấp cao hướng dẫn về nghiệp vụ kiểm sát việc giải quyết phá sản đối với vụ việc cụ thể cho Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện trong phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ.

3. Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh hướng dẫn, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện trong phạm vi quản lý.

Điều 41. Chế độ thông tin, báo cáo

Chế độ thông tin, báo cáo về kiểm sát việc giải quyết phá sản thực hiện theo quy định về chế độ thông tin, báo cáo và quản lý công tác trong ngành Kiểm sát nhân dân, quy định về chế độ báo cáo thống kê thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp và thống kê vi phạm pháp luật trong hoạt động tư pháp do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành.

Điều 42. Chế độ kiểm tra

1. Viện kiểm sát nhân dân tối cao kiểm tra toàn diện công tác kiểm sát việc giải quyết phá sản của Viện kiểm sát nhân dân các cấp.

2. Viện kiểm sát nhân dân cấp cao kiểm tra nghiệp vụ về công tác kiểm sát việc giải quyết phá sản đối với Viện kiểm sát nhân dân cấp dưới trong phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ.

3. Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh kiểm tra toàn diện công tác kiểm sát việc giải quyết phá sản đối với Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện trong phạm vi thuộc thẩm quyền.

4. Viện kiểm sát nhân dân các cấp có trách nhiệm tự tổ chức kiểm tra việc thực hiện công tác kiểm sát việc giải quyết phá sản của Viện kiểm sát cấp mình.

5. Chế độ kiểm tra được thực hiện theo quy định về công tác kiểm tra trong ngành Kiểm sát nhân dân.

Điều 43. Chế độ thỉnh thị, hướng dẫn, giải đáp vướng mắc

Việc thỉnh thị và trả lời thỉnh thị, hướng dẫn, giải đáp vướng mắc trong công tác kiểm sát việc giải quyết phá sản được thực hiện theo quy định của ngành Kiểm sát nhân dân.

Điều 44. Chế độ quản lý, sử dụng, lưu trữ, bảo vệ bí mật hồ sơ

Chế độ quản lý, sử dụng, lưu trữ, bảo vệ bí mật hồ sơ trong kiểm sát việc giải quyết phá sản được thực hiện theo quy định của Nhà nước và của ngành Kiểm sát nhân dân.

Chương IV

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 45. Hiệu lực thi hành

1. Quy chế này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

2. Các văn bản hướng dẫn trước đây của ngành Kiểm sát nhân dân về công tác kiểm sát việc giải quyết phá sản trái với Quy chế này bị bãi bỏ.

Điều 46. Trách nhiệm thi hành

1. Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân các cấp, Thủ trưởng đơn vị nghiệp vụ thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao trong phạm vi trách nhiệm của mình tổ chức thực hiện, hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra việc thực hiện Quy chế này.

2. Trong quá trình thực hiện, nếu phát sinh vướng mắc hoặc những vấn đề mới cần bổ sung thì báo cáo Viện kiểm sát nhân dân tối cao (qua Vụ Kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc kinh doanh, thương mại, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật - Vụ 10) để được chỉ đạo, hướng dẫn, sửa đổi, bổ sung kịp thời.

3. Việc sửa đổi, bổ sung Quy chế do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao xem xét, quyết định./.

Văn bản pháp luật này thuộc lĩnh vực Tố tụng được HoaTieu.vn cập nhật và đăng tải, mời các bạn sử dụng file tải về để lưu làm tài liệu sử dụng.

Đánh giá bài viết
1 36
Quyết định 435/QĐ-VKSTC năm 2019
Chọn file tải về :
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm