Luật tố tụng hành chính số 64/2010/QH12

Tải về

Luật tố tụng hành chính số 64/2010/QH12

Luật tố tụng hành chính số 64/2010/QH12 quy định những nguyên tắc cơ bản trong tố tụng hành chính; nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng; quyền và nghĩa vụ của người tham gia tố tụng, cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan; trình tự, thủ tục khởi kiện, giải quyết vụ án hành chính, thi hành án hành chính và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hành chính. Chi tiết mời các bạn tham khảo theo file tải đi kèm.

Luật tố tụng hành chính số 93/2015/QH13

Nghị quyết số 104/2015/QH13 về việc thi hành Luật tố tụng hành chính

Quyết định 459/QĐ-BTP Kế hoạch triển khai thi hành Luật tố tụng hành chính 2016

Luật tố tụng hành chính số 64/2010/QH12 có hiệu lực ngày 01/07/2011.

QUỐC HỘI
_________


Luật số: 64/2010/QH12

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
___________________

Hà Nội, ngày 24 tháng 11 năm 2010

LUẬT
TỐ TỤNG HÀNH CHÍNH

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 51/2001/QH10;

Quốc hội ban hành Luật tố tụng hành chính.

CHƯƠNG I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Luật này quy định những nguyên tắc cơ bản trong tố tụng hành chính; nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng; quyền và nghĩa vụ của người tham gia tố tụng, cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan; trình tự, thủ tục khởi kiện, giải quyết vụ án hành chính, thi hành án hành chính và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hành chính.

Điều 2. Hiệu lực của Luật tố tụng hành chính

1. Luật tố tụng hành chính được áp dụng đối với mọi hoạt động tố tụng hành chính trên toàn lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

2. Luật tố tụng hành chính được áp dụng đối với hoạt động tố tụng hành chính do cơ quan đại diện ngoại giao của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam tiến hành ở nước ngoài.

3. Luật tố tụng hành chính được áp dụng đối với việc giải quyết vụ án hành chính có yếu tố nước ngoài; trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó.

4. Cá nhân, cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế thuộc đối tượng được hưởng các quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao hoặc các quyền ưu đãi, miễn trừ lãnh sự theo pháp luật Việt Nam hoặc điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên thì nội dung vụ án hành chính có liên quan đến cá nhân, cơ quan, tổ chức đó được giải quyết bằng con đường ngoại giao.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Quyết định hành chính là văn bản do cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan, tổ chức khác hoặc người có thẩm quyền trong các cơ quan, tổ chức đó ban hành, quyết định về một vấn đề cụ thể trong hoạt động quản lý hành chính được áp dụng một lần đối với một hoặc một số đối tượng cụ thể.

2. Hành vi hành chính là hành vi của cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan, tổ chức khác hoặc của người có thẩm quyền trong cơ quan, tổ chức đó thực hiện hoặc không thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định của pháp luật.

3. Quyết định kỷ luật buộc thôi việc là văn bản thể hiện dưới hình thức quyết định của người đứng đầu cơ quan, tổ chức để áp dụng hình thức kỷ luật buộc thôi việc đối với công chức thuộc quyền quản lý của mình.

4. Quyết định hành chính, hành vi hành chính mang tính nội bộ của cơ quan, tổ chức là những quyết định, hành vi quản lý, chỉ đạo, điều hành hoạt động thực hiện chức năng, nhiệm vụ trong phạm vi cơ quan, tổ chức đó.

5. Đương sự bao gồm người khởi kiện, người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

6. Người khởi kiện là cá nhân, cơ quan, tổ chức khởi kiện vụ án hành chính đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc, quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, việc lập danh sách cử tri.

7. Người bị kiện là cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc, quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, lập danh sách cử tri bị khởi kiện.

8. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là cá nhân, cơ quan, tổ chức tuy không khởi kiện, không bị kiện, nhưng việc giải quyết vụ án hành chính có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ nên họ tự mình hoặc đương sự khác đề nghị và được Toà án chấp nhận hoặc được Toà án đưa vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

9. Bao gồm cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân.

Điều 4. Bảo đảm pháp chế xã hội chủ nghĩa trong tố tụng hành chính

Mọi hoạt động tố tụng hành chính của người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng, của cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan phải tuân theo các quy định của Luật này.

Điều 5. Quyền yêu cầu Toà án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp

Cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền khởi kiện vụ án hành chính để yêu cầu Toà án bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình theo quy định của Luật này.

Điều 6. Giải quyết vấn đề bồi thường thiệt hại trong vụ án hành chính

Người khởi kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án hành chính có thể đồng thời yêu cầu bồi thường thiệt hại. Trong trường hợp này các quy định của pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và pháp luật về tố tụng dân sự được áp dụng để giải quyết yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Trường hợp trong vụ án hành chính có yêu cầu bồi thường thiệt hại mà chưa có điều kiện để chứng minh thì Toà án có thể tách yêu cầu bồi thường thiệt hại để giải quyết sau bằng một vụ án dân sự khác theo quy định của pháp luật.

Điều 7. Quyền quyết định và tự định đoạt của người khởi kiện

Cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền quyết định việc khởi kiện vụ án hành chính. Toà án chỉ thụ lý giải quyết vụ án hành chính khi có đơn khởi kiện của người khởi kiện. Trong quá trình giải quyết vụ án hành chính, người khởi kiện có quyền rút, thay đổi, bổ sung yêu cầu khởi kiện của mình theo quy định của Luật này.

Điều 8. Cung cấp chứng cứ, chứng minh trong tố tụng hành chính

1. Đương sự có quyền và nghĩa vụ cung cấp chứng cứ cho Toà án và chứng minh yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp.

2. Toà án tiến hành xác minh, thu thập chứng cứ trong những trường hợp do Luật này quy định.

Điều 9. Trách nhiệm cung cấp tài liệu, chứng cứ của cá nhân, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền

Cá nhân, cơ quan, tổ chức trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm cung cấp đầy đủ và đúng thời hạn cho đương sự, Toà án, Viện kiểm sát tài liệu, chứng cứ mà mình đang lưu giữ, quản lý khi có yêu cầu của đương sự, Toà án, Viện kiểm sát; trường hợp không cung cấp được thì phải thông báo bằng văn bản cho đương sự, Toà án, Viện kiểm sát biết và nêu rõ lý do của việc không cung cấp được tài liệu, chứng cứ.

Điều 10. Bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong tố tụng hành chính

1. Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, trước Toà án không phân biệt dân tộc, nam nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ văn hoá, nghề nghiệp.

2. Mọi cơ quan, tổ chức đều bình đẳng không phụ thuộc vào hình thức tổ chức, hình thức sở hữu và những vấn đề khác.

3. Các đương sự bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong quá trình giải quyết vụ án hành chính. Toà án có trách nhiệm tạo điều kiện để họ thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình.

Điều 11. Bảo đảm quyền bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự

1. Đương sự tự mình hoặc có thể nhờ luật sư hay người khác bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

2. Toà án có trách nhiệm bảo đảm cho đương sự thực hiện quyền bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ.

Điều 12. Đối thoại trong tố tụng hành chính

Trong quá trình giải quyết vụ án hành chính, Toà án tạo điều kiện để các đương sự đối thoại về việc giải quyết vụ án.

Điều 13. Hội thẩm nhân dân tham gia xét xử vụ án hành chính

Việc xét xử vụ án hành chính có Hội thẩm nhân dân tham gia theo quy định của Luật này. Khi xét xử, Hội thẩm nhân dân ngang quyền với Thẩm phán.

Điều 14. Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật

Khi xét xử vụ án hành chính, Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân độc lập và chỉ tuân theo pháp luật.

Nghiêm cấm mọi hành vi can thiệp, cản trở Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân thực hiện nhiệm vụ.

Điều 15. Trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng hành chính

1. Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng hành chính phải tôn trọng nhân dân và chịu sự giám sát của nhân dân.

2. Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng hành chính chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình. Trường hợp người tiến hành tố tụng có hành vi vi phạm pháp luật thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

3. Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng hành chính phải giữ bí mật nhà nước, bí mật công tác theo quy định của pháp luật; giữ gìn thuần phong mỹ tục của dân tộc; giữ bí mật nghề nghiệp, bí mật kinh doanh, bí mật đời tư của đương sự theo yêu cầu chính đáng của họ.

4. Người tiến hành tố tụng hành chính có hành vi trái pháp luật gây thiệt hại cho cá nhân, cơ quan, tổ chức thì cơ quan có người tiến hành tố tụng đó phải bồi thường cho người bị thiệt hại theo quy định của pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

Đánh giá bài viết
4 11.469
Bạn có thể tải về tập tin thích hợp cho bạn tại các liên kết dưới đây.
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm