Toàn văn Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị

Tải về

Chỉ thị 35-CT/TW năm 2014

Ngày 26/5/2014 Bộ chính trị đã ban hành Chỉ thị số 35 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Chỉ thị này được ban hành nhằm bảo vệ lợi ích chính đáng của nhân dân đồng thời ngăn ngừa, hạn chế phát sinh khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực quản lý Nhà nước. Sau đây là toàn văn Chỉ thị 35-CT/TW năm 2014 Hoatieu xin được chia sẻ đến bạn đọc.

Nội dung chỉ thị số 35 Bộ chính trị 2014

BỘ CHÍNH TRỊ
-------

ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
---------------

Số: 35/CT-TW

Hà Nội, ngày 26 tháng 5 năm 2014

CHỈ THỊ

VỀ TĂNG CƯỜNG SỰ LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG ĐỐI VỚI CÔNG TÁC TIẾP DÂN VÀ GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO

Qua hơn 10 năm thực hiện Chỉ thị 09/-CT-TW, ngày 06/3/2002 của Ban Bí thư và hơn 05 năm thực hiện Thông báo số 130/-TB-TW ngày 10/01/2008 của Bộ Chính trị công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo đã có chuyển biến tích cực. Nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể, cán bộ, đảng viên, công chức và công dân ngày càng được nâng lên; pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo tiếp tục được hoàn thiện. Các cơ quan, tổ chức đã quan tâm tập trung giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền; công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra việc giải quyết khiếu nại, tố cáo được tăng cường; đã giải quyết dứt điểm nhiều vụ việc phức tạp, kéo dài, góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, tình hình khiếu nại, tố cáo nói chung và khiếu nại, tố cáo liên quan đến tham nhũng, hoạt động tư pháp, tôn giáo còn diễn biến phức tạp. Số vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, kéo dài, vượt cấp có xu hướng gia tăng, một số vụ việc manh động, quá khích, có sự kích động, hỗ trợ của các phần tử xấu; cá biệt có trường hợp cực đoan, quyết liệt chống lại người thi hành công vụ. Nhiều vụ việc khiếu nại, tố cáo về đất đai, tranh chấp tài sản chưa được giải quyết dứt điểm, để kéo dài, gây bức xúc, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh “điểm nóng” về an ninh trật tự. Một số vụ việc đã được cơ quan có thẩm quyền giải quyết đúng chính sách, pháp luật, nhưng không được chấp hành nghiêm túc. Tình hình trên đã tác động tiêu cực đến việc phát triển kinh tế - xã hội, tạo cớ để các thế lực thù địch, phần tử xấu lợi dụng chống phá, làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.

Nguyên nhân chủ yếu của hạn chế, thiếu sót là: chính sách pháp luật còn bất cập, chưa phù hợp với thực tế. Công tác tuyên truyền, phổ biến để nâng cao nhận thức và trách nhiệm thực hiện pháp luật cho cán bộ, đảng viên, công chức và công dân còn hạn chế. Công tác lãnh đạo và tổ chức thực hiện của nhiều cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền chưa sâu sát, thiếu quyết liệt; người đứng đầu một số cơ quan, tổ chức chưa quan tâm đúng mức đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Việc xử lý, khắc phục sai phạm chưa nghiêm. Quan hệ phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức chưa chặt chẽ; đội ngũ cán bộ làm công tác tiếp công dân và tham mưu giải quyết khiếu nại, tố cáo chưa được quan tâm, củng cố đúng mức.

Để nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả của công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, Bộ Chính trị yêu cầu các tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau đây:

1. Quán triệt đầy đủ, thực hiện nghiêm túc các chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và nhà nước về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Cần nhận thức sâu sắc vị trí, vai trò của công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Làm tốt công tác này là bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân; tạo điều kiện để công dân tham gia quản lý nhà nước và xã hội; củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước; góp phần nâng cao chất lượng công tác xây dựng, chỉnh đốn đảng và hiệu quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường thuận lợi để phát triển đất nước.

Các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức nhân dân có trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; phải xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên. Đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát; khắc phục kịp thời sơ hở, yếu kém trong xây dựng chính sách, pháp luật, công tác quản lý nhà nước. Tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức, nhất là giữa các cơ quan chức năng trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; thực hiện đồng bộ các giải pháp để giải quyết dứt điểm khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài, vượt cấp.

2. Hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến quyền và lợi ích của người dân, nhất là trong lĩnh vực đất đai, tài nguyên, đầu tư, tài chính..., bảo đảm tính đồng bộ phù hợp thực tiễn. Tiếp tục hoàn thiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo theo hướng nâng cao thẩm quyền, trách nhiệm của cơ quan thanh tra; của Quốc hội, đại biểu Quốc hội, của hội đồng nhân dân, đại biểu hội đồng nhân dân trong việc thực hiện chức năng giám sát; của người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo. Quy định rõ trách nhiệm, chế tài xử lý vi phạm trong lĩnh vực tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Có quy chế đối thoại với công dân, công khai kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo.

3. Phát huy trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan nhà nước; lấy hiệu quả của công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo làm tiêu chí đánh giá năng lực, kết quả công tác.

Người đứng đầu tổ chức đảng, chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và chịu trách nhiệm về tình hình khiếu nại, tố cáo và công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong phạm vi địa bàn, lĩnh vực phụ trách. Thực hiện nghiêm chế độ tiếp công dân theo quy định của Luật Tiếp công dân, gắn việc tiếp công dân với xử lý, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh. Chú trọng tiếp công dân tại cơ sở, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của người dân. Chủ động đối thoại, vận động, thuyết phục công dân để giải quyết, tháo gỡ triệt để khiếu kiện, bức xúc của nhân dân.

Khi phát sinh khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, người đứng đầu tổ chức đảng, chính quyền, cơ quan, tổ chức phải trực tiếp chỉ đạo làm rõ nội dung, nguyên nhân, xem xét toàn diện các khía cạnh pháp lý và thực tiễn; tổ chức đối thoại công khai với người khiếu kiện để giải quyết sát thực tế sự việc, thấu tình, đạt lý. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật của tổ chức, cá nhân trong tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và tổ chức, cá nhân lợi dụng dân chủ, quyền khiếu nại, tố cáo để cố ý vi phạm pháp luật.

Người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền trực tiếp giải quyết khiếu nại, tố cáo có trách nhiệm ban hành quyết định xử lý khiếu nại, tố cáo bảo đảm chính xác, khách quan, kịp thời, đúng pháp luật; đồng thời phải chỉ đạo thi hành nghiêm quyết định xử lý.

4. Các cơ quan kiểm tra, thanh tra, kiểm sát, tòa án, công an nâng cao trách nhiệm trong việc chủ trì, phối hợp xử lý theo thẩm quyền, giải quyết dứt điểm những vụ việc khiếu kiện phức tạp, kéo dài. Khắc phục tình trạng chuyển đơn lòng vòng không rõ trách nhiệm.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan xử lý, giải quyết hoặc chỉ đạo xử lý, giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo liên quan đến tổ chức đảng, đảng viên; làm tốt công tác kiểm tra, giám sát công tác này của các cấp ủy, tổ chức đảng.

Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan để xử lý, giải quyết hoặc chỉ đạo xử lý, giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo liên quan đến quản lý hành chính nhà nước. Thanh tra trách nhiệm người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước trong việc chấp hành pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; giải quyết kịp thời khiếu kiện đông người ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh.

Viện Kiểm sát nhân dân tối cao chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan xử lý, giải quyết hoặc chỉ đạo xử lý, giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo liên quan đến hoạt động tư pháp, nhất là các vụ việc phức tạp, có dấu hiệu oan sai, dư luận xã hội quan tâm.

Tòa án nhân dân tối cao chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan để xử lý, giải quyết hoặc chỉ đạo xử lý, giải quyết khiếu kiện hành chính; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khởi kiện tại tòa án, nâng cao chất lượng xét xử tòa án hành chính.

Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan chỉ đạo xử lý hành động quá khích, chống người thi hành công vụ, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân trong các vụ khiếu kiện, nhất là các vụ khiếu kiện đã trở thành “điểm nóng” về an ninh, trật tự. Công an các địa phương chỉ động nắm bắt tình hình, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền ngăn chặn, làm thất bại âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, các phần tử cơ hội chính trị lợi dụng tình hình khiếu kiện để chống phá ta; tăng cường bảo đảm an ninh, trật tự tại các trụ sở tiếp công dân; có biện pháp khắc phục tình trạng nhiều người liên kết lên Trung ương khiếu kiện.

5. Đổi mới hoạt động giám sát của Quốc hội, đại biểu quốc hội, hội đồng nhân dân, đại biểu hội đồng nhân dân, Mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội đối với công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Phát huy vai trò giám sát tại cộng đồng; tăng cường giám sát việc thực hiện kiến nghị sau giám sát. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân cần làm tốt vai trò đại diện quyền, lợi ích hợp pháp của hội viên, đoàn viên, kiến nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét, giải quyết khi có tranh chấp. Giải thích, thuyết phục công dân chấp hành các quyết định giải quyết khiếu nại và kết luận, quyết định xử lý đã được xác định là đúng chính sách, pháp luật. Đẩy mạnh công tác hòa giải, đối thoại, vận động, thuyết phục công dân chấm dứt khiếu nại, tố cáo không đúng, giảm thiểu các tranh chấp, khiếu nại, tố cáo từ cơ sở.

6. Kiện toàn đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác tiếp dân và tham mưu giải quyết khiếu nại, tố cáo có phẩm chất đạo đức tốt, tinh thông nghiệp vụ, có khả năng hướng dẫn, giải thích, thuyết phục để công dân hiểu và chấp hành đúng pháp luật. Bố trí trụ sở, trang bị phương tiện và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác tiếp công dân, bảo đảm thuận lợi cho công dân và cán bộ, công chức tiếp công dân.

7. Nâng cao trách nhiệm của các cơ quan thông tin đại chúng trong việc cung cấp thông tin, bảo đảm chính xác, kịp thời, trung thực, khách quan; khi có sai sót phải kịp thời cải chính, góp phần định hướng dư luận xã hội và hỗ trợ công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

8. Các cấp ủy, tổ chức đảng có trách nhiệm tổ chức phổ biến, quán triệt và lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chỉ thị này.

Ban Nội chính Trung ương chủ trì, phối hợp với Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Đảng ủy Công an Trung ương, Ban cán sự đảng Thanh tra Chính phủ, Ban cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Ban cán sự đảng Tòa án nhân dân tối cao, giúp Bộ Chính trị theo dõi, kiểm tra, đôn đốc thực hiện Chỉ thị, hằng năm báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Chỉ thị này được phổ biến đến chi bộ.

T/M BỘ CHÍNH TRỊ




Lê Hồng Anh

Văn bản pháp luật này thuộc lĩnh vực Khiếu nại tố cáo được HoaTieu.vn cập nhật và đăng tải, mời các bạn sử dụng file tải về để lưu làm tài liệu sử dụng.

Bạn có thể tải về tập tin thích hợp cho bạn tại các liên kết dưới đây.
Thuộc tính văn bản
Cơ quan ban hành:Bộ chính trịNgười ký:Lê Hồng Anh
Số hiệu:35-CT/TWLĩnh vực:Khiếu nại tố cáo
Ngày ban hành:26/05/2014Ngày hiệu lực:Đang cập nhật
Loại văn bản:Chỉ thịNgày hết hiệu lực:Đang cập nhật
Tình trạng hiệu lực:
Đánh giá bài viết
2 1.053
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm