Thông tư 23/2022/TT-BTC quản lý tài chính Nhà nước với nguồn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài

Ngày 6/4 năm 2022 Bộ Tài chính  đã ban hành Thông tư 23/2022/TT-BTC về việc hướng dẫn quản lý tài chính Nhà nước đối với nguồn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài thuộc nguồn thu ngân sách Nhà nước.

Theo đó, đối với viện trợ bằng tiền hỗ trợ ngân sách, căn cứ hiệp định, thỏa thuận viện trợ, Bộ Tài chính phối hợp với bên tài chính giải ngân vốn viện trợ về ngân sách Nhà nước, chuyển ngoại tệ về Quỹ ngoại tệ tập trung của NSNN.

Văn bản pháp luật này thuộc lĩnh vực Tài chính được HoaTieu.vn cập nhật và đăng tải, mời các bạn sử dụng file tải về để lưu làm tài liệu sử dụng.

Thông tư 23 2022 BTC

BỘ TÀI CHÍNH

__________

Số 23/2022/TT-BTC

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

________________________

Hà Nội, ngày 06 tháng 4 năm 2022

THÔNG TƯ

Hướng dẫn quản lý tài chính nhà nước đối với nguồn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài thuộc nguồn thu ngân sách nhà nước

_____________

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Đầu tư công ngày 13 tháng 6 năm 2019;

Căn cứ Luật Quản lý, sử dụng tài sản công ngày 21 tháng 6 năm 2017;

Căn cứ Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21 tháng 12 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Ngân sách nhà nước;

Căn cứ Nghị định số 40/2020/NĐ-CP ngày 06 tháng 4 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đầu tư công;

Căn cứ Nghị định số 151/2015/NĐ-CP ngày 26 tháng 12 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công;

Căn cứ Nghị định số 114/2021/NĐ-CP ngày 16 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài;

Căn cứ Nghị định số 80/2020/NĐ-CP ngày 08 tháng 7 năm 2020 của Chính phủ về quản lý và sử dụng viện trợ không hoàn lại không thuộc hỗ trợ phát triển chính thức của các cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài dành cho Việt Nam;

Căn cứ Nghị định số 50/2020/NĐ-CP ngày 20 tháng 4 năm 2020 của Chính phủ quy định về tiếp nhận, quản lý và sử dụng viện trợ quốc tế khẩn cấp để cứu trợ và khắc phục hậu quả thiên tai;

Căn cứ Nghị định số 11/2020/NĐ-CP ngày 20 tháng 01 năm 2020 của Chính phủ quy định về thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực Kho bạc Nhà nước;

Căn cứ Nghị định số 87/2017/NĐ-CP ngày 26 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại;

Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn quản lý tài chính nhà nước đối với viện trợ không hoàn lại của nước ngoài thuộc nguồn thu ngân sách nhà nước.

Chương I. Quy định chung

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Thông tư này hướng dẫn quản lý tài chính nhà nước đối với vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài (sau đây gọi chung là viện trợ) thuộc nguồn thu ngân sách nhà nước (NSNN), bao gồm:

a) Viện trợ hỗ trợ ngân sách cho ngân sách trung ương hoặc cho ngân sách tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là ngân sách cấp tỉnh).

b) Viện trợ độc lập hoặc viện trợ kèm theo khoản vay cho chương trình, dự án thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách trung ương (bao gồm cả nhiệm vụ chi bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách cấp tỉnh), hoặc viện trợ trực tiếp cho chương trình, dự án thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách cấp tỉnh.

c) Viện trợ phi dự án để hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ chi của ngân sách trung ương, bao gồm cả chi bổ sung có mục tiêu cho ngân sách cấp tỉnh, hoặc trực tiếp hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ chi của ngân sách cấp tỉnh.

2. Đối với các khoản chi do nhà tài trợ trực tiếp chi không có đủ hồ sơ, chứng từ để hạch toán NSNN và hạch toán tại đơn vị thì không thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư này.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Các cơ quan chủ quản, chủ chương trình, dự án, phi dự án cơ quan tiếp nhận khoản viện trợ thuộc nguồn thu NSNN.

2. Cơ quan tài chính bao gồm: Bộ Tài chính (Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại, Kho bạc Nhà nước, Tổng cục Hải quan), Sở Tài chính các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

3. Ngân hàng thương mại nơi chủ khoản viện trợ, chủ chương trình, dự án mở tài khoản tiếp nhận vốn viện trợ.

4. Các cơ quan, đơn vị, tổ chức khác và cá nhân có liên quan đến việc quản lý, thực hiện các khoản viện trợ.

Điều 3. Nguyên tắc quản lý tài chính đối với khoản viện trợ

1. Mọi khoản viện trợ đều phải được phân loại, quản lý, theo dõi và hạch toán theo từng phương thức tài trợ (chương trình, dự án hoặc phi dự án); tính chất khoản chi ngân sách nhà nước (chi thường xuyên, chi đầu tư, phát triển hoặc chi khác của NSNN), phương thức tổ chức thực hiện (bên tài trợ nước ngoài trực tiếp, hoặc ủy thác một tổ chức khác thực hiện hoặc chủ chương trình, chủ dự án bên Việt Nam thực hiện).

2. Vốn viện trợ không hoàn lại thuộc nguồn thu NSNN được dự toán, hạch toán đầy đủ, kịp thời; quyết toán theo quy định về quyết toán thu, chi ngân sách nhà nước và quyết toán chi của chương trình, dự án, khoản viện trợ.

3. Cơ quan chủ quản chịu trách nhiệm lập dự toán thu, chi NSNN sát khả năng thực hiện trong năm để tiếp nhận, thực hiện, hạch toán, quyết toán thu chi NSNN đối với khoản viện trợ theo quy định tại Thông tư này; kịp thời đề xuất bố trí dự toán bổ sung trong trường hợp phát sinh nhu cầu thu, chi viện trợ đột xuất; chỉ tiếp nhận vốn viện trợ khi có nhu cầu, khả năng sử dụng.

4. Việc xử lý dự toán thu, chi các khoản viện trợ cuối năm được thực hiện theo quy định về pháp luật quản lý NSNN.

5. Mọi khoản viện trợ bằng tiền do chủ chương trình, dự án phía Việt Nam trực tiếp quản lý, thực hiện:

a) Được chuyển vào một tài khoản riêng mở tại Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại ngay khi tiếp nhận; được theo dõi, hạch toán, quyết toán riêng theo từng khoản viện trợ cụ thể.

b) Không chuyển vốn viện trợ cho chương trình, dự án cụ thể vào tài khoản cá nhân, thuê, mượn hoặc tài khoản chung của cơ quan, đơn vị khi tiếp nhận. Không mở tài khoản tại nước ngoài để tiếp nhận vốn viện trợ, trừ trường hợp có yêu cầu theo quy định pháp luật của bên tài trợ và được quy định tại Thỏa thuận viện trợ/Hiệp định viện trợ.

6. Các khoản viện trợ bằng tiền do chủ chương trình, dự án bên Việt Nam thực hiện phải kiểm soát chi theo quy định pháp luật về kiểm soát chi NSNN.

7. Việc hạch toán vào ngân sách nhà nước được thực hiện trên cơ sở đề xuất của chủ chương trình, dự án, phi dự án; dự toán được cấp có thẩm quyền giao và hồ sơ thanh toán theo quy định.

8. Đối với các khoản viện trợ do bên tài trợ cung cấp theo hình thức hàng hóa, hiện vật, công trình bao gồm khoản viện trợ theo hình thức chìa khóa trao tay, cơ quan chủ quản chịu trách nhiệm toàn diện trong việc quản lý, theo dõi, phân bổ, phối hợp với nhà tài trợ để xác định giá trị khoản hiện vật được viện trợ cho bên Việt Nam và thực hiện việc hạch toán thu, chi NSNN, quyết toán theo quy định.

Điều 4. Nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan tài chính, ngân hàng thương mại

1. Bộ Tài chính

a) Hướng dẫn chế độ quản lý tài chính đối với nguồn vốn viện trợ.

b) Kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về quản lý tài chính nhà nước đối với việc quản lý, sử dụng vốn viện trợ của ngân sách trung ương.

c) Thẩm định quyết toán thu, chi nguồn vốn viện trợ hằng năm của ngân sách trung ương.

2. Sở Tài chính

a) Kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về quản lý tài chính nhà nước đối với việc quản lý, sử dụng vốn viện trợ của ngân sách địa phương.

b) Thẩm định quyết toán thu, chi nguồn vốn viện trợ hằng năm của ngân sách cấp tỉnh.

c) Thực hiện trách nhiệm báo cáo theo quy định của pháp luật và quy định của Thông tư này.

3. Kho bạc Nhà nước

a) Mở tài khoản viện trợ cho các cơ quan đơn vị tiếp nhận viện trợ.

b) Thực hiện theo dõi các khoản tiền viện trợ được chuyển vào tài khoản của chủ chương trình, dự án và thực hiện việc kiểm soát chi, giải ngân, hạch toán, ghi thu ghi chi ngân sách nhà nước đối với nguồn viện trợ theo quy định.

c) Thực hiện trách nhiệm báo cáo theo quy định của pháp luật và quy định tại Thông tư này. Đối với viện trợ theo cơ chế tài chính trong nước, việc thực hiện báo cáo áp dụng như quy định tại Thông tư số 15/2021/TT-BTC ngày 18 tháng 02 năm 2021 của Bộ Tài chính quy định về chế độ và biểu mẫu báo cáo tình hình thực hiện, thanh toán kế hoạch vốn đầu tư công.

4. Cơ quan Hải quan

a) Thực hiện kiểm tra, thông quan hàng hóa viện trợ theo quy định.

b) Thực hiện chế độ báo cáo theo quy định của pháp luật.

5. Ngân hàng thương mại

Ngân hàng thương mại nơi chủ chương trình, dự án mở tài khoản tiếp nhận vốn viện trợ thực hiện việc giải ngân nguồn vốn viện trợ và cung cấp thông tin, chế độ báo cáo theo quy định của pháp luật và quy định tại Thông tư này.

Điều 5. Nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chủ quản

1. Chỉ đạo, hướng dẫn và kiểm tra các đơn vị trực thuộc trong việc thực hiện đúng chế độ quản lý tài chính đối với vốn viện trợ theo quy định của pháp luật và quy định tại Thông tư này.

2. Lập và tổng hợp kế hoạch tài chính đối với viện trợ nước ngoài của các đơn vị thuộc và trực thuộc vào dự toán ngân sách nhà nước hàng năm; thực hiện giao dự toán ngân sách nhà nước nguồn viện trợ cho các đơn vị thuộc và trực thuộc theo quy định.

3. Thẩm tra, phê duyệt quyết toán nguồn viện trợ nước ngoài của ngân sách nhà nước hằng năm đối với đơn vị dự toán cấp dưới; tổng hợp báo cáo quyết toán vốn ngân sách nhà nước nguồn viện trợ hằng năm theo quy định.

4. Thẩm tra, phê duyệt hoặc trình cấp có thẩm quyền phê duyệt quyết toán chương trình, dự án, khoản viện trợ hoàn thành theo quy định về quyết toán chương trình, dự án, quyết toán khoản viện trợ; tổ chức quản lý, hạch toán tài sản hình thành từ khoản viện trợ, chương trình, dự án viện trợ theo quy định.

5. Thực hiện chế độ báo cáo tình hình quản lý tài chính của khoản viện trợ, chương trình, dự án viện trợ theo quy định của pháp luật, quy định tại Thông tư này và chịu trách nhiệm về tính chính xác trong các báo cáo này.

6. Thực hiện gửi Bộ Tài chính đối với viện trợ thuộc nguồn thu của ngân sách trung ương hoặc Sở Tài chính đối với viện trợ thuộc nguồn thu của ngân sách cấp tỉnh bản sao quyết định phê duyệt chương trình, dự án, phi dự án viện trợ, Thỏa thuận viện trợ/Hiệp định viện trợ trong vòng 10 ngày làm việc kể từ khi lưu hành các văn bản này.

Điều 6. Trách nhiệm của chủ khoản viện trợ, chủ chương trình, dự án viện trợ

1. Chấp hành các quy định về chế độ quản lý tài chính theo hướng dẫn tại Thông tư này.

2. Chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc tiếp nhận các khoản viện trợ, việc thực hiện các chương trình, dự án, phi dự án viện trợ theo đúng quy định của pháp luật, hiệp định, thoả thuận viện trợ và quyết định phê duyệt khoản viện trợ hoặc quyết định phê duyệt chương trình, dự án, phi dự án viện trợ của cấp có thẩm quyền.

3. Xây dựng dự toán thu, chi vốn viện trợ hằng năm, 03 năm và 05 năm trình cơ quan chủ quản để tổng hợp và thực hiện dự toán thu, chi vốn viện trợ được cấp có thẩm quyền giao theo quy định.

4. Lập báo cáo quyết toán khoản viện trợ, báo cáo quyết toán chương trình, dự án, phi dự án viện trợ hằng năm và khi hoàn thành theo quy định của pháp luật và quy định tại Thông tư này.

5. Báo cáo cơ quan chủ quản đầy đủ, kịp thời về tình hình tiếp nhận, quản lý, sử dụng vốn viện trợ theo quy định.

6. Lập báo cáo, hồ sơ, chứng từ gửi Kho bạc Nhà nước nơi giao dịch để thực hiện hạch toán thu, chi ngân sách nhà nước đối với nguồn vốn viện trợ tiếp nhận và sử dụng. Lập báo cáo quyết toán viện trợ hằng năm và báo cáo quyết toán khoản viện trợ, báo cáo quyết toán chương trình, dự án, phi dự án viện trợ hoàn thành để trình cấp có thẩm quyền xem xét và phê duyệt theo quy định về quyết toán ngân sách nhà nước và quyết toán chương trình, dự án, phi dự án quyết toán khoản viện trợ.

7. Tổ chức quản lý tài sản tiếp nhận và/hoặc hình thành từ chương trình, dự án viện trợ; hạch toán tài sản tại đơn vị tiếp nhận theo quy định.

Chương II. Quy định cụ thể

Mục 1. Kế hoạch thu chi NSNN, Kế hoạch tài chính vốn viện trợ và Dự toán vốn viện trợ.

Điều 7. Kế hoạch thu chi NSNN từ nguồn vốn viện trợ theo từng chương trình, dự án, phi dự án

1. Kế hoạch thu chi NSNN từ nguồn vốn viện trợ theo từng chương trình, dự án là một bộ phận thuộc kế hoạch thu chi ngân sách nhà nước, bao gồm: Kế hoạch tài chính ngân sách giai đoạn 05 năm, 03 năm và dự toán thu chi NSNN hằng năm.

2. Mẫu biểu, trình tự lập, phê duyệt Kế hoạch thu chi NSNN 05 năm, 03 năm từ nguồn vốn viện trợ thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn thực hiện.

Điều 8. Kế hoạch tài chính vốn viện trợ của chương trình, dự án, phi dự án

1. Hằng năm, chủ chương trình, dự án (trừ chủ chương trình, dự án là hoặc doanh nghiệp có vốn nhà nước) lập kế hoạch tài chính vốn viện trợ cho các chương trình, dự án, phi dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt và sẽ triển khai thực hiện trong năm kế hoạch.

2. Căn cứ lập kế hoạch là thỏa thuận viện trợ, quyết định phê duyệt khoản viện trợ hoặc quyết định phê duyệt chương trình, dự án sử dụng vốn viện trợ của cấp có thẩm quyền.

3. Nội dung kế hoạch tài chính bao gồm:

a) Phương thức triển khai khoản viện trợ hoặc triển khai chương trình, dự án, phi dự án viện trợ.

b) Kế hoạch rút vốn, phương thức rút vốn từ bên tài trợ.

c) Kế hoạch sử dụng vốn viện trợ và hạch toán ngân sách nhà nước.

4. Kế hoạch tài chính vốn viện trợ được xây dựng cùng dự toán thu chi ngân sách nhà nước hằng năm và gửi cơ quan chủ quản để phê duyệt để gửi Bộ Tài chính (Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại) đối với viện trợ thuộc nguồn thu ngân sách trung ương, gửi Sở Tài chính đối với viện trợ thuộc nguồn thu ngân sách cấp tỉnh để phối hợp quản lý tài chính các khoản viện trợ, các chương trình, dự án, phi dự án sử dụng vốn viện trợ khi chưa hạch toán, quyết toán vào ngân sách nhà nước.

Điều 9. Dự toán thu, chi NSNN hằng năm từ nguồn vốn viện trợ

1. Nội dung đề xuất bố trí dự toán do cơ quan chủ quản lập:

a) Kế hoạch giải ngân vốn viện trợ của từng chương trình, dự án, khoản viện trợ, bao gồm chương trình, dự án, khoản viện trợ phát sinh trong năm và chương trình, dự án, khoản viện trợ chuyển tiếp từ năm trước sang.

b) Đối với các chương trình, dự án, khoản viện trợ kéo dài nhiều năm, nêu rõ tổng mức vốn viện trợ được phê duyệt, lũy kế số vốn viện trợ dự kiến thực hiện đến đầu kỳ năm dự toán, tiến độ thực hiện của chương trình, dự án, khoản viện trợ trong năm dự toán.

c) Nguồn và cơ cấu dự toán gồm chi thường xuyên, chi đầu tư công, chi đầu tư vốn cho doanh nghiệp, tổ chức kinh tế hoặc chi khác; tách theo nhiệm vụ chi của ngân sách trung ương (bao gồm cả chi bổ sung có mục tiêu cho ngân sách cấp tỉnh), nhiệm vụ chi của ngân sách cấp tỉnh từ nguồn viện trợ.

d) Đánh giá khả năng thực hiện dự toán: thuyết minh chi tiết theo từng khoản viện trợ, từng chương trình, dự án; tổng số vốn viện trợ được cấp có thẩm quyền phê duyệt, số vốn đã giải ngân lũy kế đến đầu kỳ giai đoạn dự toán, số vốn chưa giải ngân, dự kiến các hoạt động và kinh phí cần chi tiêu trong kỳ dự toán; đánh giá kết quả thực hiện dự toán được giao của 02 năm gần nhất đối với các chương trình, dự án có thời gian thực hiện trên 02 năm tính đến năm dự toán; đánh giá tiến độ dự kiến của chương trình, dự án năm dự toán.

2. Cơ quan tổng hợp dự toán:

a) Đối với viện trợ thuộc nguồn thu của ngân sách trung ương, cơ quan chủ quản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp đối với khoản chi đầu tư, gửi Bộ Tài chính tổng hợp đối với khoản chi thường xuyên và chi khác (nếu có) để tổng hợp vào dự toán thu, chi ngân sách trung ương theo quy định, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

b) Đối với viện trợ thuộc nguồn thu của ngân sách cấp tỉnh, cơ quan chủ quản gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp đối với khoản chi đầu tư, gửi Sở Tài chính tổng hợp đối với khoản chi còn lại để tổng hợp vào dự toán thu, chi ngân sách cấp tỉnh theo quy định, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

3. Sau khi dự toán chi ngân sách nhà nước hằng năm được cấp có thẩm quyền giao, trước ngày 31 tháng 12 hằng năm, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải hoàn thành việc giao dự toán ngân sách cho từng cơ quan, đơn vị trực thuộc đến từng chương trình, dự án đảm bảo trong phạm vi tổng dự toán chi được cấp có thẩm quyền giao, gửi Bộ Tài chính (vốn chi thường xuyên), Bộ Kế hoạch và Đầu tư (vốn chi đầu tư) đối với khoản viện trợ thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách trung ương; gửi Sở Tài chính (vốn viện trợ chi thường xuyên), Sở Kế hoạch và Đầu tư (vốn viện trợ chi đầu tư) đối với khoản viện trợ thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách cấp tỉnh để theo dõi, quản lý.

4. Đối với các khoản viện trợ phát sinh sau thời điểm trình dự toán, căn cứ khả năng thực hiện chi ngân sách nhà nước, cơ quan chủ quản lập dự toán bổ sung gửi cơ quan tài chính tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước để làm cơ sở hạch toán, quyết toán thu, chi ngân sách nhà nước.

5. Việc đề xuất điều chỉnh, bổ sung dự toán thu, chi ngân sách nhà nước vốn viện trợ phải đảm bảo khả năng thực hiện của chủ chương trình, dự án, phi dự án.

6. Đối với các khoản viện trợ bằng hàng hóa, hiện vật hoặc công trình chìa khóa trao tay do bên cung cấp viện trợ thực hiện tại Việt Nam và bàn giao cho cơ quan tiếp nhận phía Việt Nam, trường hợp tại thời điểm tiếp nhận bàn giao hàng hóa, hiện vật, công trình chưa có dự toán thu, chi ngân sách nhà nước được cấp có thẩm quyền quyết định, cơ quan chủ quản của khoản viện trợ lập đề xuất điều chỉnh, bổ sung dự toán thu, chi ngân sách nhà nước theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước để thực hiện việc hạch toán ghi thu, ghi chi ngân sách nhà nước.

Điều 10. Hủy dự toán hoặc chuyển nguồn dự toán

1. Hủy dự toán đối với số dư dự toán không sử dụng và/hoặc chưa xác định nhiệm vụ chi cụ thể sau khi kết thúc thời gian chỉnh lý quyết toán ngân sách nhà nước.

2. Đối với khoản dự toán vốn viện trợ đã xác định nhiệm vụ chi cụ thể, đã tổ chức thực hiện nhưng chưa hoàn thành trong năm dự toán, đủ điều kiện được chuyển nguồn theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước:

Bộ Tài chính xác nhận số dự toán được chuyển nguồn đối với dự toán chi ngân sách trung ương, Sở Tài chính xác nhận số dự toán được chuyển nguồn đối với dự toán chi của ngân sách cấp tỉnh của các chương trình, dự án để làm cơ sở thực hiện dự toán, thẩm tra và quyết toán chi ngân sách nhà nước.

...............

Thuộc tính văn bản
Cơ quan ban hành:Bộ Tài chínhNgười ký:Trần Xuân Hà
Số hiệu:23/2022/TT-BTCLĩnh vực:Tài chính
Ngày ban hành:06/04/2022Ngày hiệu lực:20/05/2022
Loại văn bản:Thông tưNgày hết hiệu lực:Đang cập nhật
Tình trạng hiệu lực:Còn hiệu lực
Đánh giá bài viết
1 170
0 Bình luận
Sắp xếp theo