Thông tư 140/2020/TT-BCA triển khai chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ của lực lượng CAND

Tải về

Thông tư 140/2020/TT-BCA của Bộ Công an quy định về triển khai các hoạt động chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ của lực lượng Công an nhân dân.

Ngày 23/12/2020, Bộ Công an ban hành Thông tư 140/2020/TT-BCA quy định về triển khai các hoạt động chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ của lực lượng Công an nhân dân.

Cụ thể, sau khi nhận được thông tin báo cháy, sự cố, tai nạn trên địa bàn được phân công thực hiện nhiệm vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, trực chỉ huy đơn vị phải đánh giá nhanh tình huống cháy, sự cố, tai nạn và ra lệnh điều động ngay lực lượng, phương tiện của đơn vị đi chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, bảo đảm xử lý tình huống một cách nhanh chóng, kịp thời nhưng không được điều động ít hơn 02 phương tiện chữa cháy đi làm nhiệm vụ.

Nội dung Thông tư 140 2020 BCA

BỘ CÔNG AN
-------

Số: 140/2020/TT-BCA

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Hà Nội, ngày 23 tháng 12 năm 2020

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH VỀ TRIỂN KHAI CÁC HOẠT ĐỘNG CHỮA CHÁY VÀ CỨU NẠN, CỨU HỘ CỦA LỰC LƯỢNG CÔNG AN NHÂN DÂN

______________________

Căn cứ Luật Công an nhân dân ngày 20 tháng 11 năm 2018;

Căn cứ Luật Phòng cháy và chữa cháy ngày 29 tháng 6 năm 2001; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy ngày 22 tháng 11 năm 2013;

Căn cứ Nghị định số 01/2018/NĐ-CP ngày 06 tháng 8 năm 2018 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an;

Căn cứ Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24 tháng 11 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy;

Căn cứ Nghị định số 83/20177NĐ-CP ngày 18 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy và chữa cháy;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ;

Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Thông tư quy định về triển khai các hoạt động chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ của lực lượng Công an nhân dân.

Chương I. QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định về nguyên tắc, quy trình chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ và bảo đảm phục vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; chỉ huy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ của lực lượng Công an nhân dân.

Điều 2. Nguyên tắc trong hoạt động chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ

1. Tuân thủ quy định của pháp luật về Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Thông tư này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Việc tiếp nhận thông tin báo cháy, sự cố, tai nạn và triển khai hoạt động chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ phải được xử lý nhanh chóng, kịp thời, bảo đảm tính cơ động và thống nhất trong chỉ huy điều hành.

3. Trước hết phải ưu tiên cứu người bị nạn; bảo đảm an toàn cho người, phương tiện tham gia chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.

4. Khi điều động lực lượng, phương tiện đi chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ phải điều động đơn vị gần nơi xảy ra cháy, sự cố, tai nạn trước, sau đó đến các đơn vị ở xa.

5. Nghiêm cấm lợi dụng nhiệm vụ được giao trong hoạt động chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ để sách nhiễu, gây phiền hà, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Điều 3. Phụ lục

Ban hành kèm theo Thông tư này Phụ lục biểu mẫu sử dụng trong công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, bao gồm:

1. Sổ tiếp nhận thông tin báo cháy, sự cố, tai nạn (Mẫu số 01).

2. Lệnh điều động lực lượng, phương tiện đi chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Mẫu số 02).

Công an các đơn vị, địa phương có trách nhiệm sử dụng các biểu mẫu này thống nhất trên khổ A4 dưới dạng bản giấy in sẵn hoặc bản điện tử và không được thay đổi nội dung biểu mẫu.

Chương II. QUY TRÌNH CHỮA CHÁY VÀ CỨU NẠN, CỨU HỘ VÀ BẢO ĐẢM PHỤC VỤ CHỮA CHÁY VÀ CỨU NẠN, CỨU HỘ

Mục 1. QUY TRÌNH CHỮA CHÁY VÀ CỨU NẠN, CỨU HỘ

Điều 4. Tiếp nhận thông tin báo cháy, sự cố, tai nạn

1. Bộ phận tiếp nhận và xử lý thông tin báo cháy, sự cố, tai nạn gồm: Trung tâm thông tin chỉ huy 114; bộ phận tiếp nhận và xử lý thông tin của các đơn vị cấp Đội thuộc Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ và Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây viết gọn là Công an cấp huyện).

2. Thông tin báo cháy, sự cố, tai nạn được tiếp nhận: Qua số điện thoại 114; số điện thoại của các đơn vị Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu về phòng cháy, chữa cháy và truyền tin báo sự cố hoặc do người dân trực tiếp đến báo.

3. Nội dung thông tin báo cháy, sự cố, tai nạn cần tiếp nhận:

a) Họ, tên, số điện thoại hoặc địa chỉ của người báo cháy, sự cố, tai nạn;

b) Địa chỉ, thời gian xảy ra cháy, sự cố, tai nạn;

c) Loại hình xảy ra cháy, sự cố, tai nạn; quy mô đám cháy, sự cố, tai nạn; số lượng, tình trạng người bị mắc kẹt trong đám cháy, sự cố, tai nạn; nguy cơ cháy lan và các thông tin khác liên quan đến đám cháy, sự cố, tai nạn.

Điều 5. Xử lý thông tin báo cháy, sự cố, tai nạn

1. Cán bộ, chiến sĩ trực tại Trung tâm thông tin chỉ huy 114 khi tiếp nhận thông tin báo cháy, sự cố, tai nạn thực hiện theo quy định sau:

a) Xác định rõ địa chỉ nơi xảy ra cháy, sự cố, tai nạn và nhanh chóng phát lệnh báo động đi chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ;

b) Báo cáo trực chỉ huy đơn vị, nhận và truyền đạt lệnh điều động lực lượng, phương tiện đi chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ của chỉ huy đơn vị đến các bộ phận có liên quan;

c) Chuyển phiếu chiến thuật chữa cháy cho đơn vị đi chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (khi đơn vị thực hiện nhiệm vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ được bố trí cùng địa điểm với Trung tâm thông tin chỉ huy 114).

2. Cán bộ, chiến sĩ trực tại bộ phận tiếp nhận và xử lý thông tin của các đơn vị cấp Đội thuộc Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ và Công an cấp huyện khi tiếp nhận thông tin báo cháy, sự cố, tai nạn thực hiện theo quy định sau:

a) Xác định rõ địa chỉ nơi xảy ra cháy, sự cố, tai nạn (nếu tiếp nhận thông tin trực tiếp) và nhanh chóng phát lệnh báo động đi chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ;

b) Báo cáo trực chỉ huy đơn vị, nhận và truyền đạt lệnh điều động lực lượng, phương tiện đi chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ của chỉ huy đơn vị đến các bộ phận có liên quan;

c) Chuyển phiếu chiến thuật chữa cháy cho người được phân công đi chỉ huy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (sau đây gọi chung là chỉ huy đơn vị đi chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ).

3. Nhiệm vụ của cán bộ, chiến sĩ trực tại bộ phận tiếp nhận và xử lý thông tin báo cháy, sự cố, tai nạn sau khi đã điều động lực lượng, phương tiện của đơn vị đi chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ:

a) Kiểm tra, đánh giá tính xác thực của thông tin nhận được và cập nhật những thông tin mới có liên quan đến đám cháy, sự cố, tai nạn để kịp thời thông báo cho lực lượng đang đến đám cháy, sự cố, tai nạn; đồng thời báo cáo và nhận lệnh từ trực chỉ huy đơn vị;

b) Thông báo cho cơ quan, tổ chức, đơn vị sau: Cơ quan y tế để cấp cứu người bị nạn (nếu có); cơ quan điện lực để ngừng cung cấp điện nơi xảy ra cháy, sự cố, tai nạn; đơn vị cấp nước để phục vụ chữa cháy (nếu có); Công an cấp huyện, Công an xã, phường, thị trấn (sau đây viết gọn là Công an cấp xã) nơi xảy ra cháy, sự cố, tai nạn và các đơn vị nghiệp vụ có liên quan để tham gia chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, bảo đảm an ninh, trật tự, điều tiết giao thông, bảo vệ hiện trường và điều tra nguyên nhân vụ cháy, sự cố, tai nạn; cơ quan, đơn vị khác có trách nhiệm tham gia, hỗ trợ công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ theo phương án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt khi có lệnh của người chỉ huy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (sau đây gọi chung là người chỉ huy);

c) Ghi chép đầy đủ nội dung thông tin nhận được vào số tiếp nhận thông tin báo cháy, sự cố, tai nạn theo Mẫu số 01 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này; tổng hợp tình hình và chuyển trực ban đơn vị để báo cáo thông tin vụ việc cho cơ quan cấp trên theo quy định;

d) Báo cáo Trung tâm thông tin chỉ huy 114 trong trường hợp bộ phận tiếp nhận và xử lý thông tin của các đơn vị cấp Đội thuộc Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ và Công an cấp huyện trực tiếp nhận được thông tin báo cháy, sự cố, tai nạn.

4. Trường hợp thông tin về vụ cháy, sự cố, tai nạn không thuộc phạm vi địa bàn được phân công thực hiện nhiệm vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, cán bộ, chiến sĩ trực tại bộ phận tiếp nhận và xử lý thông tin báo cháy, sự cố, tai nạn có trách nhiệm nhanh chóng thông báo thông tin tiếp nhận được cho đơn vị được phân công thực hiện nhiệm vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ để thực hiện nhiệm vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; đồng thời, báo cáo chỉ huy đơn vị để điều động lực lượng, phương tiện đi chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ nếu khoảng cách từ nơi xảy ra cháy, sự cố, tai nạn đến đơn vị ngắn hơn đơn vị được phân công thực hiện nhiệm vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ hoặc sẵn sàng tham gia chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khi có yêu cầu chi viện, hỗ trợ.

Điều 6. Điều động, huy động lực lượng, phương tiện đi chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ

1. Sau khi nhận được thông tin báo cháy, sự cố, tai nạn trên địa bàn được phân công thực hiện nhiệm vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, trực chỉ huy đơn vị phải đánh giá nhanh tình huống cháy, sự cố, tai nạn và ra lệnh điều động ngay lực lượng, phương tiện của đơn vị đi chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, bảo đảm xử lý tình huống một cách nhanh chóng, kịp thời, nhưng không được điều động ít hơn 02 phương tiện chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cơ giới đi làm nhiệm vụ. Lệnh điều động có thể bằng lời nói nhưng ngay sau khi kết thúc nhiệm vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ phải được thể hiện bằng văn bản theo Mẫu số 02 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Trường hợp nhận được thông tin báo cháy, sự cố, tai nạn xảy ra ở ngoài phạm vi địa bàn được phân công thực hiện nhiệm vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, nếu khoảng cách từ nơi xảy ra cháy, sự cố, tai nạn đến đơn vị nhận thông tin ngắn hơn đơn vị được phân công thực hiện nhiệm vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ thì trực chỉ huy đơn vị phải điều động ngay lực lượng, phương tiện của đơn vị đi chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, đồng thời báo cáo chỉ huy cấp trên trực tiếp quản lý.

3. Trường hợp xét thấy cần phải huy động, điều động lực lượng, phương tiện của các cơ quan, tổ chức và đơn vị khác tham gia chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ thì trực chỉ huy đơn vị phải báo cáo ngay cấp có thẩm quyền để thực hiện theo quy định.

4. Khi đang trên đường đến nơi xảy ra cháy, sự cố, tai nạn, chỉ huy đơn vị được huy động, điều động tham gia chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ có trách nhiệm:

a) Thường xuyên giữ liên lạc với bộ phận tiếp nhận và xử lý thông tin của đơn vị mình và Trung tâm thông tin chỉ huy 114 để cập nhật thông tin, tình hình diễn biến của đám cháy, sự cố, tai nạn;

b) Khi gặp khó khăn, trở ngại, chỉ huy đơn vị đi chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ phải kịp thời báo cáo chỉ huy cấp trên trực tiếp biết để chỉ đạo, xử lý; đồng thời, tìm cách khắc phục khó khăn, trở ngại để đưa lực lượng, phương tiện đến nơi xảy ra cháy, sự cố, tai nạn một cách an toàn và nhanh nhất;

c) Khi gặp một đám cháy hoặc sự cố, tai nạn khác thì chỉ huy đơn vị đi chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ căn cứ tính chất, mức độ vụ việc có quyền quyết định để lại một phần lực lượng, phương tiện để thực hiện nhiệm vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ nhưng phải báo cáo chỉ huy cấp trên trực tiếp hoặc thông báo cho bộ phận tiếp nhận và xử lý thông tin của đơn vị biết để điều động bổ sung lực lượng, phương tiện đi làm nhiệm vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ;

d) Khi nhận được thông tin đám cháy đã được dập tắt hoặc sự cố, tai nạn đã được xử lý, khắc phục xong từ cán bộ, chiến sĩ trực tại Trung tâm thông tin chỉ huy 114 hoặc bộ phận tiếp nhận và xử lý thông tin của đơn vị thì chỉ huy đơn vị đi chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ phải báo cáo chỉ huy cấp trên trực tiếp biết và tiếp tục cử một phần lực lượng, phương tiện phù hợp đến hiện trường để nắm thông tin vụ việc theo quy định.

Điều 7. Trinh sát đám cháy và sự cố, tai nạn

1. Khi đến nơi xảy ra cháy, sự cố, tai nạn, nếu diễn biến của đám cháy, sự cố, tai nạn không phức tạp, người chỉ huy có thể trực tiếp quan sát để quyết định các biện pháp, chiến thuật, kỹ thuật chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ phù hợp.

Trường hợp xét thấy đám cháy, sự cố, tai nạn có diễn biến phức tạp thì người chỉ huy phải thành lập tổ trinh sát có tối thiểu từ 03 cán bộ, chiến sĩ trở lên để tổ chức trinh sát đám cháy, sự cố, tai nạn. Khi cần phải tiến hành trinh sát nhiều hướng, nhiều khu vực khác nhau, người chỉ huy cần thành lập nhiều tổ trinh sát để nắm tình hình.

Trường hợp cần thiết, người chỉ huy có thể yêu cầu người am hiểu tình hình khu vực xảy ra cháy, sự cố, tai nạn tham gia giúp tổ trinh sát thực hiện nhiệm vụ.

2. Nhiệm vụ của trinh sát:

a) Trinh sát đám cháy: Xác định có hay không có người bị nạn trong đám cháy; số lượng, vị trí, tình trạng của người bị nạn; biện pháp và khả năng cứu người bị nạn; các yếu tố nguy hiểm từ đám cháy có thể đe dọa đến tính mạng, sức khỏe của người bị nạn cũng như lực lượng tham gia chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; các chất cháy chủ yếu, nguy cơ cháy lan và khả năng phát triển của đám cháy; vị trí, khu vực cần triển khai lực lượng, phương tiện để cứu người, cứu tài sản, ngăn chặn cháy lan; khả năng sử dụng phương tiện chữa cháy hiện có của cơ sở để phục vụ chữa cháy và các nguồn nước có thể sử dụng cho chữa cháy; những dấu vết, vật chứng liên quan đến đám cháy (nếu có) để phục vụ việc xác định nguyên nhân xảy ra cháy;

b) Trinh sát sự cố, tai nạn: Xác định rõ số lượng, vị trí, tình trạng của người bị nạn, phương tiện, tài sản đang bị đe dọa bởi các yếu tố nguy hiểm; đường vào, ra nơi xảy ra sự cố, tai nạn; các yếu tố nguy hiểm có thể đe dọa đến tính mạng, sức khỏe của người bị nạn cũng như của lực lượng cứu nạn, cứu hộ; vị trí thích hợp để bố trí các phương tiện, thiết bị cứu nạn, cứu hộ; các biện pháp cứu nạn, cứu hộ và bảo đảm an toàn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ; những dấu vết, vật chứng liên quan đến sự cố, tai nạn (nếu có) để phục vụ việc xác định nguyên nhân sự cố, tai nạn.

3. Căn cứ vào tình hình, diễn biến của đám cháy, sự cố, tai nạn và lực lượng, phương tiện chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ hiện có, người chỉ huy có thể quyết định đồng thời việc tổ chức trinh sát và triển khai lực lượng, phương tiện để cứu người, cứu tài sản, khống chế và dập tắt đám cháy.

4. Việc tổ chức trinh sát đám cháy, sự cố, tai nạn phải thực hiện thường xuyên, liên tục từ khi đến nơi xảy ra cháy, sự cố, tai nạn cho đến khi kết thúc nhiệm vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

5. Cán bộ, chiến sĩ thực hiện nhiệm vụ trinh sát đám cháy, sự cố, tai nạn có trách nhiệm nắm vững và thực hiện đầy đủ các nội dung trinh sát đám cháy, sự cố, tai nạn quy định tại khoản 2 Điều này; phải mang theo thiết bị bảo hộ cá nhân và các phương tiện, thiết bị chuyên dùng; kịp thời triển khai các biện pháp khẩn cấp cứu người, cứu tài sản, khống chế và dập tắt các điểm cháy nếu điều kiện cho phép; báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ trong suốt quá trình trinh sát cho người chỉ huy.

Điều 8. Triển khai chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ

1. Triển khai chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại đám cháy:

a) Khi đã nắm chắc tình hình, diễn biến của đám cháy, người chỉ huy phải nhanh chóng triển khai lực lượng, phương tiện vào các vị trí đã xác định để cứu người bị nạn (nếu có), khống chế và dập tắt đám cháy;

b) Việc bố trí, triển khai lực lượng, phương tiện chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ phải bảo đảm: Phát huy cao nhất khả năng, tác dụng của các phương tiện; tập trung nhanh chóng vào hướng tấn công chính và những nơi cần thiết khác; có khả năng cơ động cao để không bị ngọn lửa bao vây và không làm ảnh hưởng đến hoạt động của các phương tiện chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ;

c) Căn cứ vào thực tế tình hình, diễn biến của đám cháy, người chỉ huy quyết định áp dụng các biện pháp, chiến thuật, kỹ thuật chữa cháy, cứu người bị nạn, cứu tài sản, phá dỡ cấu kiện công trình cho phù hợp.

2. Triển khai cứu nạn, cứu hộ tại nơi xảy ra sự cố, tai nạn:

a) Trường hợp đồng thời tổ chức trinh sát và triển khai lực lượng, phương tiện để cứu người, cứu tài sản, người chỉ huy phải nhanh chóng triển khai đội hình, bố trí phương tiện, thiết bị cứu nạn, cứu hộ phù hợp vào vị trí đã được xác định; quyết định phương pháp, biện pháp để nhanh chóng đưa người, phương tiện bị nạn ra khỏi nơi nguy hiểm;

b) Căn cứ vào tình hình, diễn biến của sự cố, tai nạn, người chỉ huy quyết định việc áp dụng các phương pháp, biện pháp, chiến thuật, kỹ thuật cứu nạn, cứu hộ cho phù hợp. Trường hợp có nhiều người bị nạn mà không thể đồng thời đưa tất cả ra khỏi nơi nguy hiểm thì người chỉ huy phải căn cứ vào tình trạng sức khỏe, độ tuổi, giới tính của từng người bị nạn, đặc điểm hiện trường sự cố, tai nạn, tình trạng, khả năng hoạt động của các phương tiện, thiết bị cứu nạn, cứu hộ để quyết định thứ tự ưu tiên người được cứu nạn.

3. Cán bộ, chiến sĩ thực hiện nhiệm vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ có trách nhiệm triển khai các phương tiện, dụng cụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ vào vị trí theo mệnh lệnh, ý đồ chiến thuật của người chỉ huy; thực hiện các biện pháp cứu người, cứu tài sản, ngăn cháy lan, khống chế và dập tắt đám cháy; tuyệt đối tuân thủ các biện pháp bảo đảm an toàn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Điều 9. Kết thúc nhiệm vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ

1. Sau khi đám cháy đã được dập tắt hoặc sự cố, tai nạn đã được xử lý, người chỉ huy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ có trách nhiệm:

a) Tổ chức kiểm tra lại hiện trường vụ cháy, sự cố, tai nạn trước khi quyết định kết thúc hoạt động chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ;

b) Báo cáo ngay tình hình, kết quả tổ chức chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho chỉ huy cấp trên trực tiếp quản lý;

c) Tổ chức bàn giao người bị nạn, tài sản cứu được (nếu có);

d) Phân công cán bộ, chiến sĩ tham gia phối hợp bảo vệ, khám nghiệm hiện trường và điều tra nguyên nhân vụ cháy, sự cố, tai nạn theo quy định;

đ) Quyết định kết thúc hoạt động chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, lệnh cho các đơn vị tổ chức kiểm tra quân số, thu hồi phương tiện trở về đơn vị thường trực sẵn sàng chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

2. Khi về đến đơn vị, chỉ huy đơn vị đi chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ có trách nhiệm: Tổ chức kiểm tra tình trạng hoạt động của các phương tiện chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; bổ sung nhiên liệu, chất chữa cháy; bảo dưỡng, sửa chữa phương tiện chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ hư hỏng để đưa vào thường trực sẵn sàng chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

3. Tổ chức họp rút kinh nghiệm vụ cháy, sự cố, tai nạn:

a) Căn cứ tính chất, mức độ phức tạp của vụ cháy, sự cố, tai nạn, chậm nhất sau 12 ngày làm việc phải tổ chức họp rút kinh nghiệm vụ cháy, sự cố, tai nạn và lập biên bản theo quy định;

b) Chậm nhất sau 03 ngày kể từ khi kết thúc cuộc họp rút kinh nghiệm, phải có báo cáo gửi cơ quan cấp trên quản lý theo quy định.

Mục 2. BẢO ĐẢM PHỤC VỤ CHỮA CHÁY VÀ CỨU NẠN, CỨU HỘ

Điều 10. Thông tin liên lạc trong chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ

1. Thông tin liên lạc phục vụ công tác chỉ huy, điều hành các hoạt động chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại hiện trường phải bảo đảm thông suốt đến các đơn vị, bộ phận, khu vực sau:

a) Các đơn vị trực tiếp thực hiện nhiệm vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; các đơn vị tham gia hỗ trợ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ và bảo đảm an ninh, trật tự tại khu vực nơi xảy ra cháy, sự cố, tai nạn;

b) Các khu vực chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ;

c) Trung tâm thông tin chỉ huy 114; bộ phận tiếp nhận và xử lý thông tin báo cháy, sự cố, tai nạn của các đơn vị cấp Đội thuộc Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ và Công an cấp huyện.

2. Cán bộ, chiến sĩ được phân công làm nhiệm vụ thông tin liên lạc có trách nhiệm truyền đạt chính xác, kịp thời mệnh lệnh từ người chỉ huy đến chỉ huy các đơn vị tham gia chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; tổng hợp, theo dõi và báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ của các đơn vị cho người chỉ huy.

Điều 11. Bảo đảm hậu cần, y tế phục vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ

1. Hậu cần phục vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ gồm:

a) Nhiên liệu, vật tư, chất chữa cháy, phương tiện chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ;

b) Trang phục, thiết bị bảo hộ cá nhân, nhu yếu phẩm cần thiết cho cán bộ, chiến sĩ trong suốt quá trình chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

2. Y tế phục vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ gồm:

a) Thuốc và các vật tư y tế cần thiết;

b) Sơ, cấp cứu kịp thời cho người bị nạn;

c) Chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ trong quá trình tham gia chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

Điều 12. Bảo đảm an ninh, trật tự tại nơi xảy ra cháy, sự cố, tai nạn

1. Công an cấp huyện nơi xảy ra cháy, sự cố, tai nạn có trách nhiệm tổ chức bảo đảm an ninh, trật tự, điều tiết giao thông xung quanh khu vực nơi xảy ra cháy, sự cố, tai nạn và tổ chức bảo vệ hiện trường vụ cháy, sự cố, tai nạn ngay sau khi các hoạt động chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ kết thúc.

2. Công an cấp xã nơi xảy ra cháy, sự cố, tai nạn có trách nhiệm tham gia bảo đảm an ninh, trật tự khu vực xảy ra cháy, sự cố, tai nạn; bảo vệ hiện trường vụ cháy, sự cố, tai nạn.

3. Các đơn vị Công an khác có trách nhiệm tham gia bảo đảm an ninh, trật tự, điều tiết giao thông xung quanh khu vực nơi xảy ra cháy, sự cố, tai nạn và tham gia hỗ trợ công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khi có yêu cầu.

Chương III. CHỈ HUY CHỮA CHÁY VÀ CỨU NẠN, CỨU HỘ

Điều 13. Người chỉ huy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trong Công an nhân dân

1. Người chỉ huy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trong Công an nhân dân là những người giữ các chức vụ sau đây:

a) Cục trưởng, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ;

b) Giám đốc, Phó Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây viết gọn là Công an cấp tỉnh);

c) Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ;

d) Trưởng Công an, Phó Trưởng Công an cấp huyện (nơi có Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trực thuộc);

đ) Đội trưởng, Phó Đội trưởng Đội Công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Đội trưởng, Phó Đội trưởng Đội chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khu vực; Đội trưởng, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên sông thuộc Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ;

e) Đội trưởng, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ thuộc Công an cấp huyện.

2. Thẩm quyền chỉ huy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ:

a) Cục trưởng, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ chỉ huy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đám cháy, sự cố, tai nạn điều động, huy động nhiều lực lượng, phương tiện chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ của 02 Công an cấp tỉnh trở lên cùng tham gia chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ;

b) Giám đốc, Phó Giám đốc Công an cấp tỉnh chỉ huy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đám cháy, sự cố, tai nạn điều động lực lượng, phương tiện của Công an cấp huyện và của Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cùng tham gia chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ;

c) Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ chỉ huy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đám cháy, sự cố, tai nạn điều động, huy động lực lượng, phương tiện của các đơn vị trực thuộc và của Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ thuộc Công an cấp huyện cùng tham gia chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ;

d) Trưởng Công an, Phó Trưởng Công an cấp huyện chỉ huy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đám cháy, sự cố, tai nạn xảy ra trên địa bàn được phân công thực hiện nhiệm vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ điều động, huy động thêm 01 Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ thuộc Công an cấp huyện khác hoặc 01 Đội chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khu vực thuộc Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cùng tham gia chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ;

đ) Đội trưởng, Phó Đội trưởng Đội Công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Đội trưởng, Phó Đội trưởng Đội chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khu vực; Đội trưởng, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên sông thuộc Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ chỉ huy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đối với đám cháy, sự cố, tai nạn trong phạm vi địa bàn được phân công thực hiện nhiệm vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ và có Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ thuộc Công an cấp huyện tham gia chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ;

e) Đội trưởng, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ thuộc Công an cấp huyện chỉ huy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đối với đám cháy, sự cố, tai nạn trong phạm vi địa bàn được phân công thực hiện nhiệm vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ và khi có Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ thuộc Công an cấp huyện khác tham gia chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

3. Khi người chỉ huy có thẩm quyền cao hơn được xác định tại khoản 2 Điều này có mặt tại nơi xảy ra cháy, sự cố, tai nạn thì người chỉ huy đang thực hiện nhiệm vụ phải báo cáo tình hình, diễn biến của đám cháy, sự cố, tai nạn, kết quả triển khai và chuyển giao quyền chỉ huy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho người chỉ huy có thẩm quyền cao hơn.

.......................................

Văn bản pháp luật này thuộc lĩnh vực An ninh trật tự được HoaTieu.vn cập nhật và đăng tải, mời các bạn sử dụng file tải về để lưu làm tài liệu sử dụng.

Thông tư 140/2020/TT-BCA triển khai chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ của lực lượng CAND
Chọn file tải về :
Thuộc tính văn bản
Cơ quan ban hành:Bộ Công anNgười ký:Tô Lâm
Số hiệu:140/2020/TT-BCALĩnh vực:An ninh trật tự
Ngày ban hành:23/12/2020Ngày hiệu lực:08/02/2021
Loại văn bản:Thông tưNgày hết hiệu lực:Đang cập nhật
Tình trạng hiệu lực:Còn hiệu lực
Đánh giá bài viết
1 226
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm