Thông tư 12/2015/TT-BCA quy định quy trình giải quyết tố cáo trong Công an nhân dân

Thông tư 12/2015/TT-BCA - Quy trình giải quyết tố cáo trong Công an nhân dân

Thông tư 12/2015/TT-BCA quy định quy trình giải quyết tố cáo trong Công an nhân dân, giải quyết lại tố cáo trong Công an nhân dân, bao gồm việc thụ lý, xác minh, kết luận nội dung tố cáo; việc xử lý tố cáo của người giải quyết tố cáo và việc công khai kết luận nội dung tố cáo, quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo.

Pháp lệnh về Cảnh sát cơ động số 08/2013/UBTVQH13

Thông tư 06/2013/TT-TTCP quy định quy trình giải quyết tố cáo

BỘ CÔNG AN
--------
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
Số: 12/2015/TT-BCAHà Nội, ngày 02 tháng 3 năm 2015

THÔNG TƯ
QUY ĐỊNH QUY TRÌNH GIẢI QUYẾT TỐ CÁO TRONG CÔNG AN NHÂN DÂN

Căn cứ Luật Tố cáo năm 2011;

Căn cứ Nghị định số 76/2012/NĐ-CP ngày 03/10/2012 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tố cáo năm 2011;

Căn cứ Nghị định số 91/2013/NĐ-CP ngày 12/8/2013 của Chính phủ Quy định về tố cáo và giải quyết tố cáo trong Công an nhân dân;

Căn cứ Nghị định số 106/2014/NĐ-CP ngày 17/11/2014 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an;

Theo đề nghị của Chánh Thanh tra Bộ;

Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Thông tư quy định quy trình giải quyết tố cáo trong Công an nhân dân.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định quy trình giải quyết tố cáo, giải quyết lại tố cáo trong Công an nhân dân, bao gồm việc thụ lý, xác minh, kết luận nội dung tố cáo; việc xử lý tố cáo của người giải quyết tố cáo và việc công khai kết luận nội dung tố cáo, quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Cơ quan, đơn vị Công an các cấp, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị có thẩm quyền giải quyết tố cáo, người được giao nhiệm vụ xác minh nội dung tố cáo trong Công an nhân dân

2. Người tố cáo; cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân bị tố cáo (sau đây gọi chung là người bị tố cáo); cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan đến nội dung tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của Thủ trưởng cơ quan, đơn vị Công an các cấp.

Điều 3. Nguyên tắc giải quyết tố cáo

1. Việc giải quyết tố cáo phải đảm bảo kịp thời, chính xác, khách quan, đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục và thời hạn theo quy định của pháp luật; bảo đảm an toàn cho người tố cáo; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, tập thể, cơ quan, đơn vị, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân.

2. Trong phạm vi trách nhiệm của mình, người giải quyết tố cáo, cơ quan, đơn vị, cá nhân được giao xác minh nội dung tố cáo phải áp dụng các biện pháp theo thẩm quyền hoặc báo ngay cho cơ quan có thẩm quyền để áp dụng các biện pháp bảo vệ người tố cáo khi có yêu cầu, ngăn chặn kịp thời hành vi vi phạm pháp luật.

Điều 4. Áp dụng pháp luật

1. Việc giải quyết tố cáo thông qua hoạt động của Đoàn thanh tra được thực hiện theo quy định của pháp luật về thanh tra và các quy định khác có liên quan.

2. Việc giải quyết tố cáo cán bộ, chiến sỹ Công an nhân dân vi phạm phẩm chất đạo đức, quy tắc ứng xử, tiêu chuẩn cán bộ, chiến sỹ Công an nhân dân và các quy định khác của Bộ Công an thực hiện theo Thông tư này.

3. Biểu mẫu sử dụng trong giải quyết tố cáo quy định tại Thông tư này được sử dụng theo biểu mẫu của Bộ Công an quy định.
Điều 5. Giải quyết tố cáo có nội dung rõ ràng, bằng chứng cụ thể, có cơ sở để xử lý ngay

1. Việc giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong lĩnh vực an ninh, trật tự có nội dung rõ ràng, bằng chứng cụ thể, có cơ sở để xử lý ngay thực hiện theo quy định tại Điều 33 của Luật Tố cáo; không áp dụng trình tự, thủ tục giải quyết theo quy trình tại Thông tư này.

2. Việc công khai kết quả giải quyết tố cáo thực hiện theo quy định tại Điều 12 Nghị định 91/2013/NĐ-CP ngày 12/8/2013 của Chính phủ quy định về tố cáo và giải quyết tố cáo trong Công an nhân dân.

Điều 6. Xử lý tố cáo trong trường hợp người tố cáo rút tố cáo

1. Trong trường hợp người tố cáo xin rút nội dung tố cáo và xét thấy việc rút tố cáo là có căn cứ thì người giải quyết tố cáo ra quyết định đình chỉ không xem xét, giải quyết nội dung tố cáo đó. Việc rút tố cáo trong trường hợp trên chỉ được xem xét ở thời điểm trước khi có quyết định thụ lý giải quyết tố cáo của người có thẩm quyền. Nếu xét thấy hành vi vi phạm pháp luật vẫn chưa được phát hiện và xử lý thì người giải quyết tố cáo vẫn phải xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật.

2. Trong trường hợp có căn cứ cho rằng việc rút tố cáo do người tố cáo bị đe dọa, ép buộc thì người giải quyết tố cáo phải áp dụng các biện pháp bảo vệ để bảo vệ người tố cáo, xử lý nghiêm đối với người đe dọa, ép buộc người tố cáo, đồng thời phải xem xét, giải quyết tố cáo theo quy định của pháp luật.

3. Trường hợp người tố cáo xin rút nội dung tố cáo nhằm che giấu hành vi vi phạm pháp luật, trốn tránh trách nhiệm hoặc vì vụ lợi thì người giải quyết tố cáo vẫn phải tiến hành xem xét, giải quyết tố cáo; đồng thời phải xem xét xử lý hành vi rút tố cáo của người tố cáo tùy theo tính chất, mức độ vi phạm để xử lý theo quy định của pháp luật.

Điều 7. Tiếp nhận, xử lý tố cáo tiếp và giải quyết lại tố cáo

1. Tiếp nhận xử lý tố cáo tiếp

Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được tố cáo tiếp, người đứng đầu cơ quan cấp trên trực tiếp của người có trách nhiệm giải quyết tố cáo xem xét, xử lý như sau:

a) Trong trường hợp đã quá thời hạn giải quyết tố cáo mà vụ việc chưa được giải quyết hoặc có nội dung tố cáo chưa được giải quyết thì yêu cầu người có trách nhiệm giải quyết tố cáo phải giải quyết, đồng thời yêu cầu báo cáo rõ lý do về việc chưa giải quyết tố cáo.

b) Đối với tố cáo đã được giải quyết đúng pháp luật nhưng có tình tiết mới chưa được phát hiện trong quá trình giải quyết tố cáo có thể làm thay đổi kết quả giải quyết tố cáo thì yêu cầu người đã giải quyết tố cáo phải tiếp tục giải quyết tố cáo đó theo thẩm quyền.

c) Trường hợp tố cáo tiếp nhưng không có tình tiết mới, không phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật thì không thụ lý giải quyết, đồng thời thông báo bằng văn bản cho người tố cáo, cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan theo quy định tại khoản 4 Điều 8 Thông tư này.

2. Dấu hiệu vi phạm pháp luật để thụ lý, giải quyết lại tố cáo

Khi phát hiện thấy một trong những dấu hiệu vi phạm pháp luật sau đây thì phải thụ lý giải quyết lại tố cáo:

a) Có vi phạm pháp luật nghiêm trọng về trình tự, thủ tục giải quyết tố cáo có thể làm thay đổi kết quả giải quyết tố cáo;

b) Có sai lầm trong việc áp dụng pháp luật khi kết luận nội dung tố cáo;

c) Kết luận nội dung tố cáo không phù hợp với những tài liệu, chứng cứ đã thu thập được;

d) Việc xử lý cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân bị tố cáo và các tổ chức, cá nhân liên quan không phù hợp với tính chất, mức độ của hành vi vi phạm pháp luật đã được kết luận;

đ) Có bằng chứng về việc người giải quyết tố cáo hoặc người tiếp nhận tố cáo, người xác minh nội dung tố cáo đã làm sai lệch hồ sơ vụ việc;

e) Có dấu hiệu vi phạm pháp luật của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân bị tố cáo nhưng chưa bị phát hiện.

3. Việc tiếp nhận, xử lý tố cáo tiếp và giải quyết lại tố cáo thực hiện theo quy định của pháp luật về tố cáo và quy trình quy định tại Thông tư này.

Đánh giá bài viết
1 1.070
Bạn có thể tải về tập tin thích hợp cho bạn tại các liên kết dưới đây.
0 Bình luận
Sắp xếp theo