Thông tư 08/2021/TT-BTTTT Danh mục thiết bị vô tuyến điện được miễn giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện

Ngày 14/10/2021 Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Thông tư số 08/2021/TT-BTTTT về việc quy định Danh mục thiết bị vô tuyến điện được miễn giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện, điều kiện kỹ thuật và khai thác kèm theo.

Theo đó, danh mục thiết bị vô tuyến điện được miễn giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện bao gồm: Thiết bị vô tuyến điện cự ly ngắn dùng cho mục đích chung; Điện thoại không dây; Thiết bị nhận dạng vô tuyến điện (RFID); Thiết bị cảnh báo và phát hiện vô tuyến điện; Thiết bị âm thanh không dây...

Thông tư số 08/2021/TT-BTTTT

BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

_____________

Số: 08/2021/TT-BTTTT

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

_______________________

Hà Nội, ngày 14 tháng 10 năm 2021

THÔNG TƯ

Quy định Danh mục thiết bị vô tuyến điện được miễn giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện, điều kiện kỹ thuật và khai thác kèm theo

___________________

Căn cứ Luật Tần số vô tuyến điện ngày 23 tháng 11 năm 2009;

Căn cứ Nghị định số 17/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Thông tin và Truyền thông;

Căn cứ Quyết định số 71/2013/QĐ-TTg ngày 21 tháng 11 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy hoạch phổ tần số vô tuyến điện quốc gia được sửa đổi, bổ sung theo Quyết định số 02/2017/QĐ-TTg ngày 17 tháng 01 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện,

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Thông tư quy định Danh mục thiết bị vô tuyến điện được miễn giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện, điều kiện kỹ thuật và khai thác kèm theo.

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Thông tư này quy định Danh mục thiết bị vô tuyến điện được miễn giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện, điều kiện kỹ thuật và khai thác kèm theo.

2. Thông tư này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân quản lý, sử dụng, sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh thiết bị vô tuyến điện quy định tại khoản 1 Điều này tại Việt Nam.

3. Thông tư này không áp dụng đối với thiết bị vô tuyến điện được sản xuất, nhập khẩu, sử dụng phục vụ mục đích quốc phòng và an ninh của lực lượng vũ trang. Việc sản xuất, nhập khẩu, sử dụng thiết bị vô tuyến điện này do Bộ Quốc phòng, Bộ Công an quy định bảo đảm phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Thiết bị vô tuyến điện cự ly ngắn (Short Range Device) là thiết bị vô tuyến điện phát hoặc thu-phát tín hiệu, ít khả năng gây nhiễu có hại cho các thiết bị vô tuyến điện khác khi đáp ứng các điều kiện kỹ thuật, khai thác nhất định.

2. Thiết bị vô tuyến điện cự ly ngắn dùng cho mục đích chung (Non-Specific Short Range Device) là các thiết bị vô tuyến điện cự ly ngắn thỏa mãn điều kiện kỹ thuật và khai thác theo quy định, không phân biệt ứng dụng hay mục đích sử dụng.

3. Điện thoại không dây (Cordless Phone) là thiết bị điện thoại đầu cuối được kết nối với mạng điện thoại công cộng qua giao diện tương tự hai dây. Thiết bị này bao gồm khối trung tâm và khối di động được kết nối với nhau qua giao diện vô tuyến:

Khối trung tâm (còn gọi là trạm gốc hoặc máy mẹ): được đặt cố định và đấu nối với hai dây điện thoại cố định của mạng điện thoại công cộng (PSTN- Public Switched Telephone Network), sử dụng ăng-ten tích hợp. Ăng-ten tích hợp là ăng-ten được lắp đặt cố định bên trong hoặc bên ngoài thiết bị và là một phần của thiết bị.

Khối di động (còn gọi là máy con): máy cầm tay sử dụng ăng-ten tích hợp. Khối di động mang số thuê bao điện thoại của khối trung tâm.

4. Hệ thống liên lạc dành cho thiết bị y tế cấy ghép (MICS-Medical Implant Communications Systems) và Hệ thống đo lường dành cho thiết bị y tế cấy ghép (MITS-Medical Implant Telemetry Systems)
Hệ thống liên lạc dành cho thiết bị y tế cấy ghép (sau đây gọi là MICS) và Hệ thống đo lường dành cho thiết bị y tế cấy ghép (sau đây gọi là MITS) là hệ thống bao gồm thiết bị y tế cấy ghép trong cơ thể người và thiết bị liên lạc vô tuyến bên ngoài dùng để trao đổi dữ liệu với thiết bị cấy ghép trong khoảng cách khoảng 02 m, sau đó dữ liệu được truyền tới trung tâm xử lý và đến bác sỹ thông qua mạng viễn thông.

Trong hệ thống MICS, thiết bị cấy ghép và thiết bị liên lạc vô tuyến có trao đổi dữ liệu hai chiều. Trong hệ thống MITS, chỉ có truyền dữ liệu một chiều từ thiết bị cấy ghép tới thiết bị liên lạc vô tuyến tại các thời điểm đã lập trình trước.

5. Thiết bị nhận dạng vô tuyến điện (RFID-Radio Frequency Identification)
Thiết bị nhận dạng vô tuyến điện sử dụng sóng vô tuyến điện để tự động nhận dạng, theo dõi, quản lý hàng hoá, con người, động vật và các ứng dụng khác.
Thiết bị nhận dạng vô tuyến điện bao gồm thẻ vô tuyến điện và thiết bị đọc tần số vô tuyến điện được kết nối thông qua giao diện vô tuyến như sau:

- Thẻ vô tuyến điện (Radio Frequency tag) mang chíp điện tử, có hoặc không có nguồn điện, được gắn trên đối tượng cần nhận dạng. Chíp điện tử chứa thông tin về đối tượng đó.

- Thiết bị đọc tần số vô tuyến điện (Radio Frequency Reader) phát ra tần số nhất định để kích hoạt thẻ vô tuyến điện và thẻ vô tuyến điện sẽ phát ra thông tin của thẻ. Thông tin này được đầu đọc thu lại và chuyển tới hệ thống xử lý số liệu.

Thiết bị RFID được sử dụng trong các hoạt động phân phối, vận chuyển và bán lẻ, chăm sóc sức khỏe, giao thông hay các ứng dụng di động.

6. Thiết bị cảnh báo và phát hiện vô tuyến điện (Radio Detection and Alarm Device)
Thiết bị cảnh báo và phát hiện vô tuyến điện bao gồm bộ phận cảm biến và hệ thống điều khiển được kết nối với nhau qua giao diện vô tuyến.

Một số loại thiết bị cảnh báo và phát hiện vô tuyến điện điển hình: thiết bị chống trộm, thiết bị phát hiện chuyển động, thiết bị dò tìm kim loại.

7. Thiết bị âm thanh không dây (Wireless Audio Device)
Thiết bị âm thanh không dây là thiết bị sử dụng sóng vô tuyến điện để truyền dẫn âm thanh ở cự ly ngắn. Một số loại thiết bị âm thanh không dây điển hình: microphone không dây cài áo, microphone không dây cầm tay, tai nghe không dây, máy phát FM cá nhân, thiết bị trợ thính.

Thiết bị âm thanh không dây cự ly ngắn quy định tại Thông tư này không bao gồm thiết bị truyền dẫn âm thanh không dây sử dụng băng tần 470-694 MHz có công suất phát trên 30 mW ERP phục vụ tác nghiệp trong lĩnh vực phát thanh, truyền hình.

8. Thiết bị điều khiển từ xa vô tuyến điện (Remote Control Device)

Thiết bị điều khiển từ xa vô tuyến điện bao gồm các thiết bị sử dụng sóng vô tuyến điện để điều khiển các mô hình, điều khiển trong công nghiệp và dân dụng.

Một số loại thiết bị điều khiển từ xa vô tuyến điện điển hình: điều khiển mô hình trên không như mô hình máy bay, điều khiển mô hình trên mặt đất, mặt nước như ô tô mô hình và tàu thủy mô hình, điều khiển trong công nghiệp và dân dụng như điều khiển đóng mở cửa ô tô và ga-ra.

9. Thiết bị mạng nội bộ không dây (WLAN: Wireless Local Area Network hoặc RLAN: Radio Local Area Network)

Thiết bị mạng nội bộ không dây được sử dụng để thiết lập mạng nội bộ vô tuyến hoặc để kết nối trực tiếp với nhau thay cho việc sử dụng dây cáp.

Một số loại thiết bị WLAN/RLAN điển hình: điểm truy nhập (access point), bộ định tuyến không dây (wifi router), bộ điều hợp mạng không dây (wifi card), thiết bị có tích hợp mô đun thu-phát vô tuyến điện theo tiêu chuẩn IEEE 802.11 và IEEE 802.15.4 (không bao gồm thiết bị vô tuyến điện dùng để kết nối giữa các mạng WLAN/RLAN – Wireless bridge); thiết bị WLAN/RLAN sử dụng công nghệ LTE (Long Term Evolution).

10. Thiết bị đo từ xa vô tuyến điện (Telemetry Device)

Thiết bị đo từ xa vô tuyến điện là thiết bị sử dụng sóng vô tuyến điện để tự động hiển thị hoặc ghi lại các thông số đo lường từ xa và điều khiển các chức năng của thiết bị khác qua giao diện vô tuyến. Thiết bị đo từ xa vô tuyến điện trong Thông tư này cũng bao gồm các thiết bị ra-đa thu-phát vô tuyến điện cự ly ngắn có chức năng đo mức vật chất (thông thường là chất lỏng, keo, hồ) trong bồn chứa đóng hoặc ở ngoài hiện trường phục vụ hoạt động sản xuất, công nghiệp.

11. Thiết bị truyền hình ảnh không dây (Wireless Video Transmitter)

Thiết bị truyền hình ảnh không dây dùng để truyền dữ liệu hình ảnh (hoặc dữ liệu hình ảnh và âm thanh) về hệ thống xử lý qua giao diện vô tuyến.

Một số loại thiết bị truyền hình ảnh không dây điển hình như: web-cam không dây, ca-me-ra không dây, thiết bị truyền hình ảnh không dây qua giao diện cổng nối tiếp vạn năng (USB).

12. Thiết bị vô tuyến điện đặt trên phương tiện nghề cá

Thiết bị vô tuyến điện đặt trên phương tiện nghề cá là thiết bị dùng để liên lạc giữa các phương tiện nghề cá hoạt động ở các vùng biển của Việt Nam.

13. Thiết bị vô tuyến điện chỉ thu là thiết bị vô tuyến điện chỉ có chức năng thu tín hiệu sóng vô tuyến điện.

14. Thiết bị ra-đa ứng dụng trong giao thông (Automotive Radar, Radar sensor hoặc Road Transport and Traffic Telematics) là thiết bị ra-đa cự ly ngắn dùng cho các ứng dụng trong thông tin giao thông (đường bộ hoặc đường sắt) như điều khiển hành trình, phát hiện, cảnh báo, tránh va chạm giữa các phương tiện giao thông và giữa phương tiện giao thông với vật thể xung quanh.

15. Thiết bị liên lạc dùng bộ đàm công suất thấp là thiết bị vô tuyến điện đầu cuối di động có chức năng thu, phát tín hiệu thoại giữa các thiết bị với nhau trong phạm vi giới hạn (ví dụ: tòa nhà, khuôn viên nhà hàng, khách sạn).

16. Thiết bị vô tuyến điện băng siêu rộng (UWB-Ultra Wide Band Device) là thiết bị vô tuyến điện cự ly ngắn dùng để truyền thông tin, năng lượng tần số vô tuyến điện với đặc tính phát xạ trên băng tần rất rộng (băng thông -10 dB của phát xạ chính, ký hiệu là B-10, tối thiểu 500 MHz hoặc băng thông phân đoạn -10 dB của phát xạ chính, ký hiệu là U-10, từ 0,2 trở lên). Trong đó băng thông B-10 và
U-10 được xác định như sau:

B-10 = fH - fL (fH, fL tương ứng là biên tần trên và biên tần dưới. Tại các tần số này, mật độ phổ công suất của phát xạ UWB thấp hơn 10 dB so với tần số fM của phát xạ lớn nhất);

U-10 = B-10/fc (fc là tần số trung tâm của băng thông -10 dB và bằng
(fH + fL)/2).

17. Thiết bị vòng từ (Inductive Loop) là thiết bị vô tuyến điện cự ly ngắn hoạt động dựa trên nguyên lý trường điện từ (phát xạ trường gần) và dùng tần số thấp.

18. Thiết bị nhận dạng tự động (AIS-Automatic Identification System) là thiết bị vô tuyến điện dùng trong hệ thống an toàn hàng hải được lắp đặt, sử dụng trên tàu, thuyền và các phương tiện khác có động cơ hoặc không có động cơ để nâng cao hiệu quả điều động tránh va chạm và quản lý phương tiện hoạt động trên mặt nước hoặc dưới mặt nước.

19. Thiết bị phao vô tuyến chỉ báo vị trí khẩn cấp (EPIRB-Emergency Position Indicating Radio Beacon) là thiết bị vô tuyến điện chỉ báo vị trí cấp cứu sử dụng dải tần số 406-406,1 MHz, được lắp đặt, sử dụng trên phương tiện hoạt động trên mặt nước hoặc dưới mặt nước bao gồm tàu, thuyền và các phương tiện khác có động cơ hoặc không có động cơ.

20. Thiết bị phát báo tìm kiếm cứu nạn (SART-Search and Rescue Radar Transponder) là thiết bị vô tuyến điện dùng cho mục đích cứu nạn hàng hải, hoạt động ở dải tần 9 GHz.

21. Thiết bị nhận dạng tự động phát báo tìm kiếm cứu nạn (AIS-SART) là thiết bị vô tuyến điện thuộc nhóm thiết bị hỗ trợ hàng hải để các Cơ quan tìm kiếm cứu nạn định vị thiết bị cứu sinh hoặc tàu thuyền bị nạn trong các hoạt động tìm kiếm cứu nạn.

22. Thiết bị phao vô tuyến định vị khẩn cấp (ELT-Emergency Locator Transmitter) là thiết bị phát tín hiệu vị trí khẩn cấp sử dụng sóng vô tuyến điện trên tần số 406 MHz chuyên dùng trên tàu bay.

23. Thiết bị phao vô tuyến chỉ báo vị trí cá nhân (PLB-Personal Locator Beacon) là thiết bị phát tín hiệu vị trí sử dụng sóng vô tuyến điện trên tần số 406 MHz chuyên dùng cho phương tiện, con người hoạt động trên đất liền.

24. Thiết bị vô tuyến điện trong mạng diện rộng công suất thấp (LPWAN-Low Power Wide Area Network) bao gồm các cảm biến và thiết bị truyền nhận
dữ liệu từ cảm biến được kết nối với nhau qua giao diện vô tuyến, sử dụng phổ tần dùng chung với các thiết bị vô tuyến điện cự ly ngắn khác. Thiết bị LPWAN quy định tại Thông tư này không bao gồm thiết bị LPWAN sử dụng các băng tần được cấp giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện theo quy hoạch tần số vô tuyến điện (ví dụ: thiết bị LPWAN dùng công nghệ NB-IoT, LTE-M…).

25. Thiết bị sạc không dây (WPT-Wireless Power Transfer) là thiết bị vô tuyến điện thực hiện truyền năng lượng điện và tín hiệu từ nguồn cấp điện sang thiết bị cần sạc theo nguyên lý cảm ứng điện từ trường.

26. ERP (Effective Radiated Power): Công suất phát xạ hiệu dụng.

27. EIRP (Equivalent Isotropically Radiated Power): Công suất phát xạ đẳng hướng tương đương.

28. ERPEP (Effective Radiated Peak Envelope Power): Công suất phát xạ hiệu dụng đỉnh.

Điều 3. Danh mục thiết bị vô tuyến điện được miễn giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện, điều kiện kỹ thuật và khai thác kèm theo

1. Danh mục thiết bị vô tuyến điện được miễn giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện (sau đây gọi là Danh mục) quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Điều kiện kỹ thuật, khai thác đối với thiết bị vô tuyến điện được miễn giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện quy định tại Phụ lục 2 đến Phụ lục 20 ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 4. Điều kiện miễn giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện

Thiết bị vô tuyến điện được miễn giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện khi có đủ các điều kiện sau:

a) Thuộc Danh mục quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Đáp ứng quy định chung về điều kiện sử dụng quy định tại Điều 6 Thông tư này;

c) Đáp ứng các điều kiện kỹ thuật và khai thác tương ứng quy định tại Phụ lục 2 đến Phụ lục 20 ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 5. Quy định quản lý, sử dụng đối với thiết bị thuộc Danh mục nhưng không đáp ứng điều kiện điều kiện kỹ thuật và khai thác kèm theo

Thiết bị vô tuyến điện thuộc Danh mục quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư này nhưng không đáp ứng điều kiện kỹ thuật, khai thác tương ứng quy định tại Phụ lục 2 đến Phụ lục 20 ban hành kèm theo Thông tư này thì không được sử dụng tại Việt Nam, trừ các trường hợp sau được sử dụng khi có giấy phép sử dụng tần số và thiết bị vô tuyến điện:

1. Thiết bị nhận dạng vô tuyến điện hoạt động trong băng tần 920-923 MHz dùng cho thu phí điện tử không dừng có công suất phát trên 500 mW ERP đến 2000 mW ERP.

2. Thiết bị vô tuyến điện trong mạng diện rộng công suất thấp hoạt động trong băng tần 433,05-434,79 MHz có công suất phát trên 25 mW ERP đến 100 mW ERP và hoạt động trong băng tần 920-923 MHz có công suất phát trên 25 mW ERP đến 306 mW ERP.

3. Thiết bị vô tuyến điện đặt trên phương tiện nghề cá hoạt động trong các băng tần khác ngoài băng tần 26,96-27,41 MHz theo quy định tại quy hoạch tần số vô tuyến điện.

4. Thiết bị đầu cuối vô tuyến dùng cho mục đích trợ giúp an toàn, cứu nạn sử dụng tần số theo quy định của các tổ chức quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc tuân theo quy hoạch, quy định sử dụng tần số nhưng chưa được quy định tại Thông tư này.

Điều 6. Quy định chung về điều kiện sử dụng

1. Thiết bị vô tuyến điện được miễn giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện dùng cho mục đích cấp cứu, an toàn, tìm kiếm, cứu nạn được bảo vệ khỏi nhiễu có hại theo quy định của pháp luật khi sử dụng ở các kênh tần số, băng tần quy định tại Phụ lục 20 ban hành kèm theo Thông tư này. Trong các trường hợp khác, việc sử dụng thiết bị vô tuyến điện được miễn giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện phải chấp nhận có thể bị nhiễu có hại từ thiết bị vô tuyến điện được cấp giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện và thiết bị vô tuyến điện được cơ quan quản lý cho phép hoạt động.

2. Trong trường hợp thiết bị vô tuyến điện được miễn giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện gây nhiễu có hại cho thiết bị vô tuyến điện được cấp giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện, thiết bị vô tuyến điện được cơ quan quản lý cho phép hoạt động thì tổ chức, cá nhân sử dụng thiết bị vô tuyến điện được miễn giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện phải ngừng ngay việc sử dụng và chỉ được hoạt động trở lại khi đã khắc phục được nhiễu có hại.

3. Các thiết bị vô tuyến điện được miễn giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện phải chấp nhận nhiễu do các thiết bị ứng dụng năng lượng tần số vô tuyến điện trong công nghiệp, khoa học và y tế (ISM-Industrial, Scientific and Medical) gây ra khi dùng chung các băng tần sau đây dành cho ISM:

a) Băng tần 13,553 ¸ 13,567 MHz;

b) Băng tần 26,957 ¸ 27,283 MHz;

c) Băng tần 40,66 ¸ 40,70 MHz;

d) Băng tần 2400 ¸ 2483,5 MHz;

đ) Băng tần 5725 ¸ 5875 MHz;

e) Băng tần 24000 ¸ 24250 MHz.

4. Đối với thiết bị vô tuyến điện cự ly ngắn có thể hoạt động ở nhiều mức công suất phát hoặc nhiều băng tần khác nhau hoặc có dải tần số hoạt động rộng, khi sử dụng, sản xuất, nhập khẩu để sử dụng tại Việt Nam tổ chức, cá nhân phải có trách nhiệm cài đặt cố định các thông số về tần số, mức công suất theo quy định tại Thông tư này.

5. Đối với thiết bị vô tuyến điện được miễn giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện có tích hợp tính năng điều khiển từ xa vô tuyến trong các mô hình máy bay khi sử dụng tổ chức, cá nhân phải tuân thủ các quy định của pháp luật về cấp phép hoạt động bay.

6. Đối với thiết bị vô tuyến điện chỉ thu được miễn giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện khi sử dụng tổ chức, cá nhân phải tuân thủ quy định của pháp luật về viễn thông, tần số vô tuyến điện và quy định của pháp luật khác có liên quan.

Điều 7. Điều khoản chuyển tiếp

Các thiết bị vô tuyến điện đang sử dụng đáp ứng các quy định của Thông tư số 46/2016/TT-BTTTT ngày 26 tháng 12 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông quy định danh mục thiết bị vô tuyến điện được miễn giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện, điều kiện kỹ thuật và khai thác kèm theo, được sửa đổi, bổ sung một số Điều theo Thông tư số 18/2018/TT-BTTTT ngày 20 tháng 12 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nhưng không đáp ứng các quy định tại Thông tư này thì được tiếp tục sử dụng nhưng phải ngừng sử dụng khi cơ quan quản lý chuyên ngành tần số vô tuyến điện xác định là nguyên nhân gây nhiễu có hại cho các thiết bị vô tuyến điện được cấp giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện hoặc các thiết bị vô tuyến điện được cơ quan quản lý cho phép hoạt động.

Điều 8. Điều khoản thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 28 tháng 11 năm 2021 và thay thế các Thông tư sau đây:

a) Thông tư số 46/2016/TT-BTTTT ngày 26 tháng 12 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông quy định danh mục thiết bị vô tuyến điện được miễn giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện, điều kiện kỹ thuật và khai thác kèm theo.

b) Thông tư số 18/2018/TT-BTTTT ngày 20 tháng 12 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông sửa đổi, bổ sung một số Điều của Thông tư số 46/2016/TT-BTTTT ngày 26 tháng 12 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông quy định danh mục thiết bị vô tuyến điện được miễn giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện, điều kiện kỹ thuật và khai thác kèm theo.

2. Chánh Văn phòng, Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.

Nơi nhận:

- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ (để b/c);

- Văn phòng Quốc hội;

- Văn phòng Chủ tịch nước;

- Văn phòng Trung ương Đảng và các Ban của Đảng;

- Văn phòng Tổng Bí thư;

- Văn phòng Chính phủ;

- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;

- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;

- Tòa án nhân dân tối cao;

- Kiểm toán Nhà nước;

- Ủy ban Tần số vô tuyến điện;

- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

- Sở TT&TT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

- Công báo, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ;

- Cục Kiểm tra VBQPPL (Bộ Tư pháp);

- Bộ TT&TT: Bộ trưởng và các Thứ trưởng, các cơ quan, đơn vị trực thuộc, Cổng Thông tin điện tử Bộ;

- Lưu: VT, CTS.350.

BỘ TRƯỞNG

Nguyễn Mạnh Hùng

Phụ lục 1

DANH MỤC THIẾT BỊ VÔ TUYẾN ĐIỆN ĐƯỢC MIỄN GIẤY PHÉP SỬ DỤNG TẦN SỐ VÔ TUYẾN ĐIỆN

(Ban hành kèm theo Thông tư số 08/2021/TT-BTTTT ngày 14 tháng 10 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông)

STT

Loại thiết bị vô tuyến điện

Phụ lục quy định điều kiện về tần số, điều kiện kỹ thuật và khai thác

1

Nhóm thiết bị vô tuyến điện cự ly ngắn

1.1

Thiết bị vô tuyến điện cự ly ngắn dùng cho mục đích chung

Phụ lục 2, Phụ lục 3

1.2

Điện thoại không dây

Phụ lục 2, Phụ lục 4

1.3

Hệ thống liên lạc dành cho thiết bị y tế cấy ghép (MICS) và Hệ thống đo lường dành cho thiết bị y tế cấy ghép (MITS)

Phụ lục 2, Phụ lục 5

1.4

Thiết bị nhận dạng vô tuyến điện (RFID)

Phụ lục 2, Phụ lục 6

1.5

Thiết bị cảnh báo và phát hiện vô tuyến điện

Phụ lục 2, Phụ lục 7

1.6

Thiết bị âm thanh không dây

Phụ lục 2, Phụ lục 8

1.7

Thiết bị điều khiển từ xa vô tuyến điện

Phụ lục 2, Phụ lục 9

1.8

Thiết bị mạng nội bộ không dây (WLAN/RLAN)

Phụ lục 2, Phụ lục 10

1.9

Thiết bị đo từ xa vô tuyến điện

Phụ lục 2, Phụ lục 11

1.10

Thiết bị truyền hình ảnh không dây

Phụ lục 2, Phụ lục 12

1.11

Thiết bị vô tuyến điện băng siêu rộng (UWB)

Phụ lục 2, Phụ lục 13

1.12

Thiết bị vô tuyến điện cự ly ngắn ứng dụng trong giao thông

Phụ lục 2, Phụ lục 14

1.13

Thiết bị vòng từ

Phụ lục 2, Phụ lục 15

1.14

Thiết bị sạc không dây

Phụ lục 2, Phụ lục 16

2

Thiết bị vô tuyến điện đặt trên phương tiện nghề cá

Phụ lục 2, Phụ lục 17

3

Thiết bị liên lạc dùng bộ đàm công suất thấp

Phụ lục 2, Phụ lục 18

4

Thiết bị vô tuyến điện trong mạng diện rộng công suất thấp (LPWAN)

Phụ lục 2, Phụ lục 19

5

Nhóm thiết bị đầu cuối vô tuyến dùng cho mục đích trợ giúp an toàn, cứu nạn

Phụ lục 2, Phụ lục 20

Phụ lục 2, Phụ lục 20

5.1

Thiết bị nhận dạng tự động (AIS)

5.2

Thiết bị phao vô tuyến chỉ báo vị trí khẩn cấp (EPIRB)

5.3

Thiết bị phát báo tìm kiếm cứu nạn (SART)

5.4

Thiết bị nhận dạng tự động phát báo tìm kiếm cứu nạn (AIS-SART)

5.5

Thiết bị phao vô tuyến định vị khẩn cấp (ELT)

5.6

Thiết bị phao vô tuyến chỉ báo vị trí cá nhân (PLB)

6

Thiết bị vô tuyến điện chỉ thu (Chú thích 1)

.........................

Văn bản pháp luật này thuộc lĩnh vực Công nghệ thông tin được HoaTieu.vn cập nhật và đăng tải, mời các bạn sử dụng file tải về để lưu làm tài liệu sử dụng.

Thuộc tính văn bản
Cơ quan ban hành:Bộ Thông tin và Truyền thôngNgười ký:Nguyễn Mạnh Hùng
Số hiệu:08/2021/TT-BTTTTLĩnh vực:Công nghệ thông tin
Ngày ban hành:14/10/2021Ngày hiệu lực:28/11/2021
Loại văn bản:Thông tưNgày hết hiệu lực:Đang cập nhật
Tình trạng hiệu lực:Còn hiệu lực
Đánh giá bài viết
1 91
0 Bình luận
Sắp xếp theo