Nghị quyết 126/NQ-CP về sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 1/7/2021

Nghị quyết số 126 2021

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái vừa ký ban hành Nghị quyết 126/NQ-CP của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.

Theo đó Nghị quyết 126/NQ-CP 2021 sẽ mở rộng đối tượng, nới lỏng điều kiện hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do COVID-19.

Sau đây là một số nội mới đáng chú ý được ban hành tại Nghị quyết 126/NQ-CP, mời các bạn cùng theo dõi.

Chính sách tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất

Khoản 2, Mục II về chính sách tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất được sửa đổi, bổ sung như sau: Người sử dụng lao động đã đóng đủ bảo hiểm xã hội (BHXH) hoặc đang tạm dừng đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất đến hết tháng 1/2021 mà bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 dẫn đến phải giảm từ 10% lao động tham gia BHXH trở lên so với thời điểm tháng 1/2021 (kể cả lao động ngừng việc, tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, thỏa thuận nghỉ không hưởng lương) thì người lao động và người sử dụng lao động được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất 6 tháng kể từ thời điểm nộp hồ sơ đề nghị.

Như vậy, điều kiện hưởng chính sách tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất đã được nới lỏng hơn so với Nghị quyết 68. (Nghị quyết 68 quy định điều kiện mức giảm lao động tham gia BHXH là 15% trở lên so với thời điểm tháng 4/2021).

Chính sách hỗ trợ người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương

Chính sách hỗ trợ người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương tại khoản 4 Mục II được sửa đổi, bổ sung như sau: Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động, đang tham gia BHXH bắt buộc tính đến thời điểm ngay trước khi tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; có thời gian tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương trong thời hạn của hợp đồng lao động từ 15 ngày liên tục trở lên, tính từ ngày 1/5/2021 đến hết ngày 31/12/2021 và thời điểm bắt đầu tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương tính từ ngày 1/5/2021 đến hết ngày 31/12/2021 và thuộc một trong các trường hợp sau: phải điều trị COVID-19, cách ly y tế, trong các khu vực bị phong tỏa, không thể đến địa điểm làm việc do yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch COVID-19; do người sử dụng lao động tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch COVID-19 hoặc có trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo nguyên tắc của Chỉ thị số 16/CT-TTg hoặc bố trí lại sản xuất, lao động để phòng, chống dịch COVID-19 được hỗ trợ một lần như sau: từ 15 ngày liên tục trở lên đến dưới 01 tháng mức 1.855.000 đồng/người; từ 01 tháng trở lên mức 3.710.000 đồng/người.

Như vậy, chính sách hỗ trợ tiền mặt cho lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương được sửa đổi, bổ sung theo hướng mở rộng đối tượng hưởng chính sách là “người lao động làm việc theo hợp đồng lao động, đang tham gia BHXH bắt buộc” chứ không quy định cụ thể làm việc tại các đơn vị sự nghiệp công lập, cơ sở giáo dục... như Nghị quyết số 68 quy định.

Chính sách hỗ trợ người lao động bị ngừng việc

Về chính sách hỗ trợ người lao động bị ngừng việc tại khoản 5 Mục II sửa đổi, bổ sung như sau: Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động bị ngừng việc vì lý do theo khoản 3 Điều 99 Bộ luật Lao động; đang tham gia BHXH bắt buộc tính đến thời điểm ngay trước khi ngừng việc và thuộc một trong các trường hợp sau: phải điều trị COVID-19, cách ly y tế, trong các khu vực bị phong tỏa hoặc không thể đến địa điểm làm việc do yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo nguyên tắc của Chỉ thị số 16/CT-TTg; do người sử dụng lao động phải tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc có trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo nguyên tắc của Chỉ thị số 16/CT-TTg hoặc bố trí lại sản xuất, lao động để phòng, chống dịch COVID-19 từ 14 ngày liên tục trở lên trong thời gian từ ngày 1/5/2021 đến hết ngày 31/12/2021 được hỗ trợ một lần 1.000.000 đồng/người.

Chính sách hỗ trợ người lao động chấm dứt hợp đồng lao động

Điểm 6 Mục II về chính sách hỗ trợ người lao động chấm dứt hợp đồng lao động được sửa đổi, bổ sung như sau: Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động, đang tham gia BHXH bắt buộc, phải chấm dứt hợp đồng lao động trong thời gian từ ngày 1/5/2021 đến hết ngày 31/12/2021 và thuộc một trong các trường hợp sau: phải cách ly y tế, trong các khu vực bị phong tỏa hoặc không thể đến địa điểm làm việc do yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch bệnh COVID-19; do người sử dụng lao động bị tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch bệnh COVID-19 hoặc người sử dụng lao động có trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo nguyên tắc của Chỉ thị số 16/CT-TTg hoặc bố trí lại sản xuất, lao động để phòng, chống dịch COVID-19 nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp được hỗ trợ một lần 3.710.000 đồng/người.

Bổ sung chính sách hỗ trợ với người cao tuổi và người khuyết tật

Tại khoản 7 Mục II bổ sung chính sách hỗ trợ tiền mặt đối với người cao tuổi và người khuyết tật như sau: Người cao tuổi và người khuyết tật nặng, người khuyết tật đặc biệt nặng theo quy định tại khoản 5 và khoản 6 Điều 5 của Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ, phải điều trị nhiễm COVID-19 (F0) hoặc cách ly y tế theo quy định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền (F1) thì được ngân sách Nhà nước hỗ trợ thêm 1 triệu đồng/người trong thời gian điều trị, cách ly từ ngày 27/4/2021 đến hết ngày 31/12/2021.

Chính sách hỗ trợ hộ kinh doanh

Chính sách hỗ trợ hộ kinh doanh tại khoản 10 Mục II được sửa đổi, bổ sung như sau: Hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh và có trong danh bạ của cơ quan thuế; hộ kinh doanh sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, làm muối và những người bán hàng rong, quà vặt, buôn chuyến, kinh doanh lưu động, kinh doanh thời vụ, làm dịch vụ có thu nhập thấp không phải đăng ký hộ kinh doanh phải dừng hoạt động từ 15 ngày liên tục trở lên do yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch COVID-19 hoặc do có địa điểm kinh doanh trên địa bàn thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo nguyên tắc của Chỉ thị số 16/CT-TTg trong thời gian từ ngày 1/5/2021 đến hết ngày 31/12/2021 được ngân sách Nhà nước hỗ trợ một lần 3.000.000 đồng/hộ.

Chính sách cho vay trả lương ngừng việc, phục hồi sản xuất

Chính sách cho vay trả lương ngừng việc tại điểm a khoản 11 Mục II được sửa đổi, bổ sung như sau: Người sử dụng lao động được vay vốn tại Ngân hàng chính sách xã hội với lãi suất 0% và không phải thực hiện biện pháp bảo đảm tiền vay để trả lương ngừng việc đối với người lao động đang tham gia BHXH bắt buộc phải ngừng việc từ 15 ngày liên tục trở lên theo quy định tại khoản 3 Điều 99 Bộ luật Lao động, trong thời gian từ ngày 1/5/2021 đến hết ngày 31/3/2022. Mức cho vay tối đa bằng mức lương tối thiểu vùng đối với số người lao động theo thời gian trả lương ngừng việc thực tế tối đa 3 tháng. Thời hạn vay vốn dưới 12 tháng.

Đối với cho vay trả lương phục hồi sản xuất tại điểm b khoản 11 Mục II sửa đổi, bổ sung như sau: Người sử dụng lao động phải tạm dừng hoạt động do yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch COVID-19; người sử dụng lao động có trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo nguyên tắc của Chỉ thị số 16/CT-TTg và người sử dụng lao động hoạt động trong lĩnh vực vận tải, hàng không, du lịch, dịch vụ lưu trú và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trong thời gian từ ngày 1 tháng 5 năm 2021 đến hết ngày 31 tháng 3 năm 2022 được vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội với lãi suất 0% và không phải thực hiện biện pháp bảo đảm tiền vay để trả lương cho người lao động. Mức cho vay tối đa bằng mức lương tối thiểu vùng đối với số người lao động làm việc theo hợp đồng lao động và đang tham gia BHXH bắt buộc theo thời gian trả lương thực tế tối đa 3 tháng. Thời hạn vay vốn dưới 12 tháng.

Quy định số thực chi của các địa phương

Tại điểm b khoản 2 Mục III sửa đổi, bổ sung như sau: Căn cứ quy định tại điểm đ khoản 2 Mục I Nghị quyết này, quy định của pháp luật có liên quan và số thực chi ngân sách của các địa phương (có xác nhận của Kho bạc Nhà nước) để xem xét, bổ sung từ ngân sách Trung ương cho ngân sách địa phương. Trường hợp dịch bệnh xảy ra trên phạm vi lớn, ngân sách địa phương không đủ nguồn lực để thực hiện, căn cứ đề nghị của UBND cấp tỉnh, Bộ Tài chính bổ sung ngân sách cho địa phương tối đa bằng 70% mức dự kiến đề xuất ngân sách Trung ương hỗ trợ để kịp thời thực hiện chính sách. Sau khi địa phương có báo cáo kết quả chi ngân sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động (địa phương chịu trách nhiệm về tính xác thực của số liệu báo cáo), Bộ Tài chính bổ sung hoặc thu hồi dự toán ngân sách Trung ương trên cơ sở thực tế hỗ trợ đối tượng theo quy định; tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình, kết quả thực hiện.

Nghị quyết 126/NQ-CP của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 8/10/2021.

Nội dung Nghị quyết 126/NQ-CP

CHÍNH PHỦ

________

Số: 126/NQ-CP

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

_________________________

Hà Nội, ngày 08 tháng 10 năm 2021

NGHỊ QUYẾT
Sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19

___________

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Nghị định số 138/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 10 năm 2016 của Chính phủ ban hành Quy chế làm việc của Chính phủ;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và ý kiến của các Thành viên Chính phủ.

QUYẾT NGHỊ:

1. Sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 như sau:

a) Tại khoản 2 Mục II sửa đổi, bổ sung như sau:

“2. Chính sách tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất

Người sử dụng lao động đã đóng đủ bảo hiểm xã hội hoặc đang tạm dừng đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất đến hết tháng 01 năm 2021 bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 dẫn đến phải giảm từ 10% lao động tham gia bảo hiểm xã hội trở lên so với thời điểm tháng 01 năm 2021 (kể cả lao động ngừng việc, tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, thỏa thuận nghỉ không hưởng lương) thì người lao động và người sử dụng lao động được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất 06 tháng kể từ thời điểm nộp hồ sơ đề nghị. Đối với trường hợp đã được giải quyết tạm dừng đóng theo Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09 tháng 4 năm 2020 và Nghị quyết số 154/NQ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ, nếu đủ điều kiện thì vẫn được giải quyết nhưng tổng thời gian tạm dừng đóng không quá 12 tháng”.

b) Tại khoản 4 Mục II sửa đổi, bổ sung như sau:

“Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động, đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc tính đến thời điểm ngay trước khi tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; có thời gian tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương trong thời hạn của hợp đồng lao động từ 15 ngày liên tục trở lên tính từ ngày 01 tháng 5 năm 2021 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2021 và thời điểm bắt đầu tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương tính từ ngày 01 tháng 5 năm 2021 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2021 và thuộc một trong các trường hợp sau: phải điều trị COVID-19, cách ly y tế, trong các khu vực bị phong tỏa, không thể đến địa điểm làm việc do yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch COVID-19; do người sử dụng lao động bị tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch COVID-19 hoặc có trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo nguyên tắc của Chỉ thị số 16/CT-TTg hoặc bố trí lại sản xuất, lao động để phòng, chống dịch COVID-19 được hỗ trợ một lần như sau: Từ 15 ngày liên tục trở lên đến dưới 01 tháng mức 1.855.000 đồng/người; từ 01 tháng trở lên mức 3.710.000 đồng/người.”

c) Tại khoản 5 Mục II sửa đổi, bổ sung như sau:

“Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động bị ngừng việc vì lý do theo khoản 3 Điều 99 Bộ luật Lao động; đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc tính đến thời điểm ngay trước khi ngừng việc và thuộc một trong các trường hợp sau: phải điều trị COVID-19, cách ly y tế, trong các khu vực bị phong tỏa hoặc không thể đến địa điểm làm việc do yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo nguyên tắc của Chỉ thị số 16/CT-TTg; do người sử dụng lao động phải tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc có trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo nguyên tắc của Chỉ thị số 16/CT-TTg hoặc bố trí lại sản xuất, lao động để phòng, chống dịch COVID-19 từ 14 ngày liên tục trở lên trong thời gian từ ngày 01 tháng 5 năm 2021 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2021 được hỗ trợ một lần 1.000.000 đồng/người.”

d) Tại khoản 6 Mục II sửa đổi, bổ sung như sau:

“Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động, đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, phải chấm dứt hợp đồng lao động trong thời gian từ ngày 01 tháng 5 năm 2021 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2021 và thuộc một trong các trường hợp sau: phải cách ly y tế, trong các khu vực bị phong tỏa hoặc không thể đến địa điểm làm việc do yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch COVID-19; do người sử dụng lao động bị tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch COVID-19 hoặc người sử dụng lao động có trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo nguyên tắc của Chỉ thị số 16/CT-TTg hoặc bố trí lại sản xuất, lao động để phòng, chống dịch COVID-19 nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp được hỗ trợ một lần 3.710.000 đồng/người.”

đ) Tại khoản 7 Mục II bổ sung như sau:

“c) Người cao tuổi và người khuyết tật nặng, người khuyết tật đặc biệt nặng theo quy định tại khoản 5 và khoản 6 Điều 5 của Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ, phải điều trị nhiễm COVID-19 (F0) hoặc cách ly y tế theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (F1) thì được ngân sách nhà nước hỗ trợ thêm 1.000.000 đồng/người trong thời gian điều trị, cách ly từ ngày 27 tháng 4 năm 2021 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2021.”

e) Tại khoản 10 Mục II sửa đổi, bổ sung như sau:

“Hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh và có trong danh bạ của cơ quan thuế; hộ kinh doanh sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, làm muối và những người bán hàng rong, quà vặt, buôn chuyến, kinh doanh lưu động, kinh doanh thời vụ, làm dịch vụ có thu nhập thấp không phải đăng ký hộ kinh doanh phải dừng hoạt động từ 15 ngày liên tục trở lên do yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch COVID-19 hoặc do có địa điểm kinh doanh trên địa bàn thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo nguyên tắc của Chỉ thị số 16/CT-TTg trong thời gian từ ngày 01 tháng 5 năm 2021 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2021 được ngân sách nhà nước hỗ trợ một lần 3.000.000 đồng/hộ.”

g) Tại điểm a khoản 11 Mục II sửa đổi, bổ sung như sau:

“Cho vay trả lương ngừng việc: Người sử dụng lao động được vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội với lãi suất 0% và không phải thực hiện biện pháp bảo đảm tiền vay để trả lương ngừng việc đối với người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc phải ngừng việc từ 15 ngày liên tục trở lên theo quy định khoản 3 Điều 99 Bộ luật Lao động, trong thời gian từ ngày 01 tháng 5 năm 2021 đến hết ngày 31 tháng 3 năm 2022. Mức cho vay tối đa bằng mức lương tối thiểu vùng đối với số người lao động theo thời gian trả lương ngừng việc thực tế tối đa 3 tháng. Thời hạn vay vốn dưới 12 tháng.”

h) Tại điểm b khoản 11 Mục II sửa đổi, bổ sung như sau:

“b) Cho vay trả lương phục hồi sản xuất: Người sử dụng lao động phải tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch COVID-19; người sử dụng lao động có trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo nguyên tắc của Chỉ thị số 16/CT-TTg và người sử dụng lao động hoạt động trong lĩnh vực vận tải, hàng không, du lịch, dịch vụ lưu trú và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trong thời gian từ ngày 01 tháng 5 năm 2021 đến hết ngày 31 tháng 3 năm 2022 được vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội với lãi suất 0% và không phải thực hiện biện pháp bảo đảm tiền vay để trả lương cho người lao động. Mức cho vay tối đa bằng mức lương tối thiểu vùng đối với số người lao động làm việc theo hợp đồng lao động và đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo thời gian trả lương thực tế tối đa 3 tháng. Thời hạn vay vốn dưới 12 tháng.”

i) Tại điểm b khoản 2 Mục III sửa đổi, bổ sung như sau:

“b) Căn cứ quy định tại điểm đ khoản 2 Mục I Nghị quyết này, quy định của pháp luật có liên quan và số thực chi từ ngân sách nhà nước của các địa phương (có xác nhận của Kho bạc Nhà nước) để xem xét, bổ sung từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương. Trường hợp dịch bệnh xảy ra trên phạm vi lớn, ngân sách địa phương không đủ nguồn lực để thực hiện, căn cứ đề nghị của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Bộ Tài chính bổ sung cho ngân sách địa phương tối đa bằng 70% mức dự kiến đề xuất ngân sách trung ương hỗ trợ để kịp thời thực hiện chính sách. Sau khi địa phương có báo cáo kết quả chi ngân sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động (địa phương chịu trách nhiệm về tính chính xác của số liệu báo cáo), Bộ Tài chính bổ sung hoặc thu hồi dự toán ngân sách trung ương trên cơ sở thực tế hỗ trợ đối tượng theo quy định; tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình, kết quả thực hiện.”

2. Nghị quyết này có hiệu lực từ ngày ký ban hành.

3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị quyết này./.

Nơi nhận:

- Tổng Bí thư (để báo cáo);

- Chủ tịch nước (để báo cáo);

- Thường trực Ban Bí thư;

- Ban Bí thư Trung ương Đảng;

- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch Quốc hội;

- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;

- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;

- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;

- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;

- Văn phòng Tổng Bí thư;

- Văn phòng Chủ tịch nước;

- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;

- Văn phòng Quốc hội;

- Tòa án nhân dân tối cao;

- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;

- Kiểm toán nhà nước;

- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;

- Ngân hàng Chính sách xã hội;

- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;

- Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;

- Cơ quan trung ương của các đoàn thể;

- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc;

- Lưu: VT, KGVX (2).

TM. CHÍNH PHỦ

KT. THỦ TƯỚNG

PHÓ THỦ TƯỚNG

Lê Minh Khái

Văn bản pháp luật này thuộc lĩnh vực Chính sách được HoaTieu.vn cập nhật và đăng tải, mời các bạn sử dụng file tải về để lưu làm tài liệu sử dụng.

Thuộc tính văn bản
Cơ quan ban hành:Chính phủNgười ký:Lê Minh Khái
Số hiệu:126/NQ-CPLĩnh vực:Chính sách
Ngày ban hành:08/10/2021Ngày hiệu lực:Đang cập nhật
Loại văn bản:Nghị quyếtNgày hết hiệu lực:Đang cập nhật
Tình trạng hiệu lực:
Đánh giá bài viết
4 2.680
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi