Thông tư 01/2019/TT-BKHCN

Tải về

Thông tư số 01/2019/TT-BKHCN

Thông tư 01/2019/TT-BKHCN quy định về bảo đảm an ninh nguồn phóng xạ do Bộ trưởng Bộ khoa học và công nghệ ban hành.

BỘ KHOA HỌC VÀ
CÔNG NGHỆ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 01/2019/TT-BKHCN

Hà Nội, ngày 30 tháng 5 năm 2019

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH VỀ BẢO ĐẢM AN NINH NGUỒN PHÓNG XẠ

Căn cứ Luật năng lượng nguyên tử ngày 03 tháng 6 năm 2008;

Căn cứ Nghị định số 95/2017/NĐ-CP ngày 16 tháng 8 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Khoa học và Công nghệ;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục An toàn bức xạ và hạt nhân và Vụ trưởng Vụ Pháp chế;

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Thông tư quy định về bảo đảm an ninh nguồn phóng xạ.

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Thông tư này quy định về bảo đảm an ninh đối với nguồn phóng xạ kín và Pu-239 được sử dụng như nguồn phóng xạ có hoạt độ trên mức miễn trừ khai báo, cấp giấy phép (sau đây gọi tắt là nguồn phóng xạ) theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 5:2010/BKHCN về An toàn bức xạ - Miễn trừ khai báo, cấp giấy phép ban hành kèm theo Thông tư số 15/2010/TT-BKHCN ngày 14 tháng 9 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ.

2. Thông tư này áp dụng đối với:

a) Tổ chức, cá nhân sử dụng, lưu giữ và vận chuyển nguồn phóng xạ theo quy định tại khoản 1 Điều này trên lãnh thổ Việt Nam;

b) Cơ quan quản lý nhà nước có liên quan: Cục An toàn bức xạ và hạt nhân, Cơ quan quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ cấp tỉnh và Cơ quan Công an.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Bảo đảm an ninh nguồn phóng xạ là việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn hành động tiếp cận bất hợp pháp, đánh cắp, chiếm đoạt, phá hoại, vận chuyển và chuyển giao trái phép nguồn phóng xạ; và áp dụng các biện pháp bảo mật thông tin liên quan đến an ninh nguồn phóng xạ.

2. Nguồn phóng xạ kín là chất phóng xạ được kết cấu kín bằng lớp vỏ bọc có cấu trúc đặc biệt hoặc được chế tạo dưới dạng một khối rắn bảo đảm không cho chất phóng xạ thoát ra môi trường trong điều kiện làm việc bình thường và trong các trường hợp sự cố có thể xảy ra.

3. Khóa an ninh là loại khóa được thiết; kế với độ tin cậy cao đáp ứng yêu cầu bảo đảm an ninh nguồn phóng xạ.

4. Khu vực kiểm soát an ninh là vùng được kiểm soát ngăn chặn người không có nhiệm vụ đi vào khu vực này nhằm mục tiêu bảo đảm an ninh nguồn phóng xạ bằng việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật như: sử dụng khóa an ninh, thiết bị phát hiện và báo động xâm nhập, thiết bị quan sát bằng hình ảnh và các biện pháp kiểm soát hành chính. Khu vực kiểm soát an ninh bao gồm phòng đặt nguồn phóng xạ và các lối tiếp cận, phòng điều khiển nguồn, phòng điều khiển hệ thống an ninh, bể xử lý nước cho bể chứa nước bảo quản nguồn phóng xạ và các khu vực khác có thể gây ảnh hưởng tới an ninh nguồn phóng xạ.

5. Kiểm đếm là việc kiểm tra xác nhận sự tồn tại và số lượng của nguồn phóng xạ tại nơi đặt nguồn bằng mắt thường hoặc bằng cách sử dụng thiết bị đo bức xạ thích hợp hoặc bằng biện pháp kiểm tra gián tiếp khác.

Điều 3. Nguyên tắc bảo đảm an ninh nguồn phóng xạ

1. Người đứng đầu tổ chức hoặc cá nhân có nguồn phóng xạ phải chịu trách nhiệm cao nhất về việc bảo đảm an ninh nguồn phóng xạ.

2. Yêu cầu bảo đảm an ninh nguồn phóng xạ phải phù hợp với mức độ nguy hiểm của nguồn phóng xạ.

3. Việc bảo đảm an ninh nguồn phóng xạ phải được thực hiện trong suốt vòng đời của nguồn đến khi nguồn phóng xạ đạt mức miễn trừ khai báo, xin cấp giấy phép tiến hành công việc bức xạ theo quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 5:2010/BKHCN về An toàn bức xạ - Miễn trừ khai báo, cấp giấy phép ban hành kèm theo Thông tư số 15/2010/TT-BKHCN ngày 14 tháng 9 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ.

4. Các biện pháp bảo đảm an toàn, an ninh nguồn phóng xạ phải được xem xét từ giai đoạn lập hồ sơ đề nghị xin cấp giấy phép tiến hành công việc bức xạ để bảo đảm các biện pháp đó hỗ trợ cho nhau, không gây ảnh hưởng xấu đến nhau.

Điều 4. Mức an ninh nguồn phóng xạ

1. Căn cứ vào mức độ nguy hiểm của các nguồn phóng xạ và nguy cơ tiềm ẩn có thể xảy ra cho con người, môi trường, yêu cầu bảo đảm an ninh được chia thành 4 mức A, B, C và D, trong đó mức an ninh A tương ứng với nhóm nguồn phóng xạ có mức độ nguy hiểm và nguy cơ tiềm ẩn cao nhất, mức an ninh D tương ứng với nhóm nguồn phóng xạ có mức độ nguy hiểm và nguy cơ tiềm ẩn thấp nhất.

2. Các mức an ninh A, B, C và D tương ứng với các nhóm nguồn phóng xạ được quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 6:2010/BKHCN về An toàn bức xạ - Phân nhóm và phân loại nguồn phóng xạ ban hành kèm theo Thông tư số 24/2010/TT-BKHCN ngày 29 tháng 12 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ:

a) Mức an ninh A áp dụng đối với các nguồn phóng xạ nhóm 1;

b) Mức an ninh B áp dụng đối với các nguồn phóng xạ nhóm 2;

c) Mức an ninh C áp dụng đối với các nguồn phóng xạ nhóm 3;

d) Mức an ninh D áp dụng đối với các nguồn phóng xạ nhóm 4, nhóm 5.

Điều 5. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong sử dụng và lưu giữ nguồn phóng xạ

1. Tổ chức, cá nhân sử dụng và lưu giữ nguồn phóng xạ thuộc mức an ninh A, B và C theo quy định tại các điểm a, b, và c khoản 2 Điều 4 Thông tư này có trách nhiệm:

a) Xây dựng và thực hiện Kế hoạch bảo đảm an ninh theo các mẫu tương ứng với mức an ninh quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Gắn dấu hiệu cảnh báo bức xạ ion hóa và dấu hiệu cảnh báo bức xạ bổ sung theo quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này;

c) Trường hợp nguồn phóng xạ sử dụng di động, phải xây dựng và thực hiện bổ sung Kế hoạch bảo đảm an ninh nguồn phóng xạ trong quá trình vận chuyển (Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này); thông báo cho các Cơ quan quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ cấp tỉnh tại địa phương trên tuyến đường vận chuyển về thời điểm dự kiến vận chuyển nguồn phóng xạ đến và đi, thời gian, địa điểm sử dụng và lưu giữ nguồn phóng xạ tại các địa phương đó.

2. Tổ chức, cá nhân sử dụng và lưu giữ nguồn phóng xạ thuộc mức an ninh D theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 4 Thông tư này có trách nhiệm:

a) Kiểm đếm nguồn phóng xạ định kỳ hàng quý; lập hồ sơ kiểm đếm, ghi rõ người thực hiện kiểm đếm, thời gian kiểm đếm, kết quả kiểm đếm. Trong trường hợp bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa, tạm dừng dây chuyền sản xuất đối với các thiết bị sử dụng nguồn phóng xạ lắp đặt trên dây chuyền sản xuất, việc kiểm đếm phải được thực hiện hàng tuần;

b) Gắn dấu hiệu cảnh báo bức xạ ion hóa theo quy định tại mục 1 và 3 Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này.

3. Tổ chức, cá nhân khi phát hiện có đối tượng tiếp cận trái phép tới nguồn phóng xạ hoặc có ý định thực hiện hành vi chiếm đoạt, phá hoại nguồn phóng xạ phải:

a) Áp dụng các biện pháp ứng phó kịp thời, điều tra nguyên nhân, tìm biện pháp khắc phục;

b) Trong vòng 08 giờ kể từ khi phát hiện sự việc: thông báo cho Cục An toàn bức xạ và hạt nhân, Cơ quan quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ cấp tỉnh nơi xảy ra sự việc và Cơ quan Công an nơi gần nhất bằng văn bản hoặc fax hoặc qua điện thoại;

c) Trong vòng 05 ngày làm việc kể từ khi phát hiện sự việc: gửi báo cáo bằng văn bản cho Cục An toàn bức xạ và hạt nhân, Cơ quan quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ cấp tỉnh nơi xảy ra sự việc và Cơ quan Công an gần nhất. Báo cáo phải trình bày rõ nguyên nhân, diễn biến sự việc, các biện pháp ứng phó đã được áp dụng, hậu quả, các biện pháp khắc phục hậu quả sẽ được áp dụng và kế hoạch thực hiện để tránh xảy ra sự việc tương tự.

Điều 6. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong vận chuyển nguồn phóng xạ

1. Tổ chức, cá nhân vận chuyển nguồn phóng xạ bằng đường bộ, đường sắt, và đường thủy nội địa có trách nhiệm:

a) Tuân theo các quy định về vận chuyển an toàn hàng hóa nguy hiểm theo quy định của pháp luật Việt Nam và các quy định của điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên;

b) Xây dựng và thực hiện Kế hoạch bảo đảm an ninh nguồn phóng xạ trong quá trình vận chuyển theo Mẫu tương ứng quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Tổ chức, cá nhân vận chuyển nguồn phóng xạ bằng đường hàng không có trách nhiệm tuân theo các quy định về vận chuyển an toàn hàng hóa nguy hiểm bằng đường hàng không theo quy định của pháp luật Việt Nam và các quy định của điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

3. Trường hợp xảy ra sự cố trong quá trình vận chuyển nguồn phóng xạ, tổ chức, cá nhân phải:

a) Áp dụng các biện pháp ứng phó kịp thời, điều tra nguyên nhân, tìm biện pháp khắc phục;

b) Trong vòng 08 giờ kể từ khi phát hiện sự cố: thông báo cho Cục An toàn,bức xạ và hạt nhân, Cơ quan quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ cấp tỉnh nơi xảy ra sự cố và Cơ quan Công an nơi gần nhất bằng văn bản hoặc fax hoặc qua điện thoại;

c) Trong vòng 05 ngày làm việc kể từ khi phát hiện sự cố: gửi báo cáo bằng văn bản cho Cục An toàn bức xạ và hạt nhân, Cơ quan quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ cấp tỉnh nơi xảy ra sự cố và Cơ quan Công an gần nhất. Báo cáo phải trình bày rõ nguyên nhân, diễn biến sự việc, các biện pháp ứng phó đã được áp dụng, hậu quả, các biện pháp khắc phục hậu quả sẽ được áp dụng và kế hoạch thực hiện để tránh xảy ra sự việc tương tự.

Điều 7. Tổ chức thực hiện

1. Cục An toàn bức xạ và hạt nhân có trách nhiệm hướng dẫn và tổ chức thực hiện Thông tư này.

2. Cơ quan quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ cấp tỉnh hướng dẫn các tổ chức, cá nhân có nguồn phóng xạ trên địa bàn thực hiện Thông tư này.

Điều 8. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 7 năm 2019.

2. Thông tư số 23/2010/TT-BKHCN ngày 29 tháng 12 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ về hướng dẫn bảo đảm an ninh nguồn phóng xạ; Thông tư số 13/2015/TT-BKHCN ngày 21 tháng 7 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ về sửa đổi, bổ sung Thông tư số 23/2010/TT- BKHCN ngày 29 tháng 12 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ về hướng dẫn bảo đảm an ninh nguồn phóng xạ; Thông tư số 05/2017/TT- BKHCN ngày 25 tháng 5 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định ngưng hiệu lực một phần Thông tư số 13/2015/TT-BKHCN ngày 21 tháng 7 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ sửa đổi, bổ sung Thông tư số 23/2010/TT-BKHCN ngày 29 tháng 12 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ về hướng dẫn bảo đảm an ninh nguồn phóng xạ hết hiệu lực kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực.

3. Trường hợp văn bản quy phạm pháp luật, quy chuẩn kỹ thuật viện dẫn tại Thông tư này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế thì áp dụng theo văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế.

4. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân kịp thời phản ánh về Bộ Khoa học và Công nghệ để xem xét, sửa đổi, bổ sung./.

Nơi nhận:
- Thủ tướng Chính phủ (để b/c);
- Các Phó Thủ tướng Chính phủ (để b/c);
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương;
- Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp);
- Công báo;
- Lưu: VT, ATBXHN, PC.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Phạm Công Tạc

Thông tư có phụ lục biểu mẫu đính kèm, mời các bạn sử dụng file tải về để xem chi tiết.

Văn bản pháp luật này thuộc lĩnh vực Khoa học công nghệ được HoaTieu.vn cập nhật và đăng tải, mời các bạn sử dụng file tải về để lưu làm tài liệu sử dụng.

Đánh giá bài viết
1 107
Thông tư 01/2019/TT-BKHCN
Chọn file tải về :
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm