Quyết định 105/2013/QĐ-UBCK

Quyết định 105/2013/QĐ-UBCK về Quy chế hướng dẫn việc thiết lập và vận hành hệ thống quản trị rủi ro cho công ty chứng khoán do Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ban hành.

BỘ TÀI CHÍNH
ỦY BAN CHỨNG KHOÁN
NHÀ NƯỚC
--------
Số: 105/QĐ-UBCK

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độ lập - Tự do - Hạnh phúc
-------------------------

Hà Nội, ngày 26 tháng 02 năm 2013

QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ HƯỚNG DẪN VIỆC THIẾT LẬP VÀ VẬN HÀNH HỆ THỐNG QUẢN TRỊ RỦI RO CHO CÔNG TY CHỨNG KHOÁN

CHỦ TỊCH ỦY BAN CHỨNG KHOÁN NHÀ NƯỚC

Căn cứ Luật Chứng khoán ngày 29 tháng 6 năm 2006;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán ngày 24 tháng 11 năm 2010;

Căn cứ Nghị định số 58/2012/NĐ-CP ngày 20 tháng 07 năm 2012 của Chính phủ về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chứng khoán và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán;

Căn cứ Quyết định số 112/2009/QĐ-TTg ngày 11 tháng 9 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trực thuộc Bộ Tài chính;

Căn cứ Thông tư số 210/2012/TT-BTC ngày 30 tháng 11 năm 2012 của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn về thành lập và hoạt động công ty chứng khoán;

Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Quản lý kinh doanh chứng khoán,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế hướng dẫn việc thiết lập và vận hành hệ thống quản trị rủi ro cho công ty chứng khoán.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Quản lý kinh doanh chứng khoán, các công ty chứng khoán và các bên liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

Nơi nhận:

- Như Điều 3;
- Lãnh đạo BTC (để báo cáo);
- Lãnh đạo UBCK (để biết);
- Lưu: VT, QLKD, 110b.

CHỦ TỊCH

(Đã ký)


Vũ Bằng

QUY CHẾ
HƯỚNG DẪN VIỆC THIẾT LẬP VÀ VẬN HÀNH HỆ THỐNG QUẢN TRỊ RỦI RO CHO CÔNG TY CHỨNG KHOÁN

(Ban hành kèm theo Quyết định sổ 105/QĐ-UBCK ngày 26 tháng 02 năm 2013 của Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước)

Chương 1.

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi và đối tượng điều chỉnh

1. Phạm vi điều chỉnh: Quy chế này hướng dẫn thiết lập và vận hành hệ thống quản trị rủi ro trong hoạt động của công ty chứng khoán.

2. Đối tượng điều chỉnh: Công ty chứng khoán và tổ chức, cá nhân liên quan đến hệ thống quản trị rủi ro trong hoạt động công ty chứng khoán.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Quy chế này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Rủi ro là các sự kiện không chắc chắn có thể xảy ra trong hoạt động kinh doanh, gây ảnh hưởng bất lợi đến việc thực hiện mục tiêu kinh doanh của công ty chứng khoán.

2. Rủi ro thị trường là rủi ro làm thay đổi các giá trị tài sản đang sở hữu theo chiều hướng bất lợi.

3. Rủi ro thanh toán là rủi ro xảy ra khi đối tác không thể thanh toán đúng hạn hoặc không thể chuyển giao tài sản đúng hạn như cam kết.

4. Rủi ro thanh khoản là rủi ro xảy ra khi công ty chứng khoán không thể thanh toán các nghĩa vụ tài chính đến hạn hoặc không thể chuyển đổi các công cụ tài chính thành tiền mặt với giá trị hợp lý trong ngắn hạn do thiếu hụt thanh khoản trong thị trường.

5. Rủi ro hoạt động là rủi ro xảy ra do lỗi kỹ thuật, lỗi hệ thống và quy trình nghiệp vụ, lỗi con người trong quá trình tác nghiệp, hoặc do thiếu vốn kinh doanh phát sinh từ các khoản chi phí, lỗ từ hoạt động đầu tư, hoặc do các nguyên nhân khách quan khác.

6. Rủi ro pháp lý là rủi ro phát sinh từ việc không tuân thủ các quy định pháp lý liên quan đến hoạt động kinh doanh, và từ việc hủy bỏ hợp đồng do hợp đồng bất hợp pháp, vượt quá quyền hạn, thiếu sót các điều khoản hoặc chưa hoàn thiện các tiêu chuẩn, hoặc do các nguyên nhân khác.

7. Trạng thái tập trung rủi ro là trạng thái tập trung chủ yếu vào một hoặc vài rủi ro trọng yếu mà tổn thất do nó gây ra có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình tài chính và khả năng hoạt động liên tục của công ty chứng khoán.

8. Mức độ rủi ro là mức tổn thất được tính bằng tiền nếu rủi ro xảy ra.

9. Hạn mức rủi ro là khoản vốn phải được phân bổ để đáp ứng nguy cơ rủi ro có thể gây tổn thất tối đa mà toàn bộ công ty, hay từng bộ phận kinh doanh có thể chịu đựng được trong một thời gian và mức độ tin cậy nhất định.

10. Khả năng chấp nhận rủi ro là khả năng dùng vốn chủ sở hữu, lợi nhuận kỳ vọng (dự kiến) và các nguồn lực tài chính sẵn có để bù đắp tại mọi thời điểm tất cả các rủi ro trọng yếu và những tổn thất tiềm ẩn cố hữu mà công ty chứng khoán chấp nhận.

11. Trọng yếu: Mức độ trọng yếu được xác định trong mối tương quan với cấu trúc, quy mô và tính phức tạp của mỗi công ty chứng khoán. Mức độ trọng yếu của một rủi ro hoặc một hoạt động phụ thuộc vào mức độ tác động tại hiện tại hoặc tương lai của nó đối với thu nhập hoặc vốn của công ty chứng khoán.

12. Trạng thái rủi ro là phần giá trị của tài sản hoặc nợ bị tác động bởi một loại rủi ro cụ thể.

13. Tình huống khẩn cấp là các tình huống bất ngờ, bất thường có thể gây tổn thất trọng yếu về tài chính, nhân sự, cơ sở vật chất và đòi hỏi công ty chứng khoán phải ngay lập tức có các hành động ứng phó.

Chương 2.

NGUYÊN TẮC QUẢN TRỊ RỦI RO

Điều 3. Nguyên tắc quản trị rủi ro trong công ty chứng khoán

1. Công ty chứng khoán phải thiết lập và vận hành hệ thống quản trị rủi ro phù hợp với điều kiện hoạt động kinh doanh của công ty, tối thiểu đáp ứng được các quy định tại Quy chế này.

2. Hệ thống quản trị rủi ro của công ty chứng khoán phải bao gồm một cơ cấu tổ chức hoàn chỉnh, một cơ chế vận hành thống nhất và một bộ quy trình quản trị rủi ro ít nhất xử lý năm loại rủi ro trọng yếu sau: rủi ro thị trường, rủi ro thanh toán, rủi ro thanh khoản, rủi ro hoạt động và rủi ro pháp lý. Ngoài ra, công ty chứng khoán phải quản lý trạng thái tập trung rủi ro gắn với các rủi ro trọng yếu. Hệ thống quản trị rủi ro của công ty chứng khoán phải đảm bảo các yếu tố sau:

a) Sự giám sát của Ban kiểm soát, Kiểm toán nội bộ và hệ thống kiểm soát nội bộ;

b) Chiến lược quản trị rủi ro rõ ràng, minh bạch thể hiện qua chính sách rủi ro trong dài hạn và trong từng giai đoạn cụ thể được Hội đồng quản trị hoặc Hội đồng thành viên hoặc Chủ sở hữu công ty thông qua;

c) Kế hoạch triển khai thông qua các chính sách, quy trình đầy đủ;

d) Công tác quản lý, kiểm tra, rà soát thường xuyên của Tổng Giám đốc (Giám đốc);

đ) Ban hành và triển khai đầy đủ các chính sách, quy trình quản trị rủi ro và các hạn mức rủi ro, thiết lập hoạt động thông tin quản trị rủi ro phù hợp.

3. Hệ thống quản trị rủi ro được thiết lập phải đảm bảo công ty chứng khoán có khả năng xác định rủi ro, đo lường rủi ro, theo dõi rủi ro, báo cáo rủi ro và xử lý một cách hiệu quả các rủi ro trọng yếu đồng thời đáp ứng đầy đủ các nghĩa vụ tuân thủ của mình tại mọi thời điểm.

4. Công ty chứng khoán phải đảm bảo công tác quản trị rủi ro được thực hiện độc lập, khách quan, trung thực, thống nhất và phải được thể hiện bằng văn bản.

5. Công ty chứng khoán phải đảm bảo các bộ phận tác nghiệp và bộ phận quản trị rủi ro được tổ chức tách biệt và độc lập với nhau, và người phụ trách bộ phận tác nghiệp không đồng thời phụ trách bộ phận quản trị rủi ro và ngược lại.

Điều 4. Nguyên tắc hướng dẫn nội bộ trong công ty chứng khoán về quản trị rủi ro

1. Hệ thống quản trị rủi ro trong công ty chứng khoán phải được vận hành dựa trên các hướng dẫn nội bộ bằng văn bản (như bộ quy trình, chính sách ...).

2. Các hướng dẫn nội bộ phải được trình bày một cách rõ ràng để tất cả các cá nhân liên quan hiểu được nhiệm vụ và trách nhiệm của mình và có thể mô tả cụ thể, chi tiết về quy trình quản trị rủi ro liên quan. Công ty chứng khoán phải thường xuyên rà soát và cập nhật lại các hướng dẫn nội bộ này.

3. Các hướng dẫn nội bộ phải đảm bảo Cơ quan quản lý nhà nước, Kiểm toán nội bộ, Kiểm soát nội bộ, Ban kiểm soát hiểu được hoạt động quản trị rủi ro của công ty.

4. Các hướng dẫn nội bộ phải có tối thiểu các nội dung sau:

a) Cơ cấu tổ chức và mô tả chức năng nhiệm vụ, cơ chế phân cấp thẩm quyền quyết định và trách nhiệm;

b) Chính sách rủi ro, hạn mức rủi ro, quy trình xác định rủi ro, đo lường rủi ro, theo dõi rủi ro, báo cáo trao đổi thông tin về rủi ro và xử lý rủi ro;

c) Các quy tắc phải đảm bảo nghĩa vụ tuân thủ các quy định của pháp luật.

Điều 5. Nguyên tắc lưu trữ hồ sơ, tài liệu

1. Tất cả hồ sơ, tài liệu, báo cáo, biên bản họp, nghị quyết của Hội đồng quản trị hoặc Hội đồng thành viên hoặc quyết định của Chủ sở hữu công ty, các báo cáo về rủi ro, các quyết định của Tổng Giám đốc (Giám đốc) và các tài liệu khác liên quan đến quản trị rủi ro phải được lưu trữ đầy đủ và sẵn sàng cung cấp cho Cơ quan quản lý nhà nước khi có yêu cầu.

2. Thời gian lưu trữ các tài liệu quy định tại khoản 1 Điều này được thực hiện theo quy định pháp luật.

Điều 6. Kế hoạch dự phòng

1. Công ty chứng khoán phải xây dựng kế hoạch dự phòng cho các tình huống khẩn cấp xảy ra nhằm đảm bảo tính liên tục trong hoạt động kinh doanh của công ty.

2. Tổng Giám đốc (Giám đốc) chịu trách nhiệm xây dựng, rà soát thường xuyên kế hoạch dự phòng. Kế hoạch dự phòng phải được Hội đồng quản trị hoặc Hội đồng thành viên hoặc Chủ sở hữu công ty thông qua.

Chương 3.

HỆ THỐNG QUẢN TRỊ RỦI RO

Điều 7. Trách nhiệm của Hội đồng quản trị hoặc Hội đồng thành viên hoặc Chủ sở hữu công ty

1. Hội đồng quản trị hoặc Hội đồng thành viên hoặc Chủ sở hữu công ty chứng khoán phải thành lập Tiểu ban Quản trị rủi ro hoặc cử thành viên phụ trách để hỗ trợ Hội đồng quản trị hoặc Hội đồng thành viên hoặc Chủ sở hữu công ty chứng khoán thực hiện các vai trò được quy định tại Điều này.

2. Hội đồng quản trị hoặc Hội đồng thành viên hoặc Chủ sở hữu công ty chứng khoán giao quyền cho Tổng Giám đốc (Giám đốc) thực hiện triển khai hoạt động quản trị rủi ro theo chính sách rủi ro và hạn mức rủi ro mà Hội đồng quản trị hoặc Hội đồng thành viên hoặc Chủ sở hữu công ty đã phê duyệt.

3. Hội đồng quản trị hoặc Hội đồng thành viên hoặc Chủ sở hữu công ty chứng khoán phải thực hiện tối thiểu các công việc sau trong hoạt động quản trị rủi ro:

a) Tiến hành rà soát và phê duyệt định kỳ hàng năm các chính sách, hạn mức rủi ro;

b) Chỉ đạo xử lý kịp thời các tồn tại trong công tác quản trị rủi ro trên cơ sở các báo cáo của Tổng Giám đốc (Giám đốc), Bộ phận quản trị rủi ro và các bộ phận khác có liên quan đến hoạt động quản trị rủi ro;

c) Kiểm tra, đánh giá đầy đủ tính hiệu quả và hiệu lực của Bộ phận quản trị rủi ro.

4. Các cuộc họp của Hội đồng quản trị hoặc Hội đồng thành viên hoặc Chủ sở hữu công ty chứng khoán với Tổng Giám đốc (Giám đốc), Bộ phận quản trị rủi ro phải có biên bản.

Điều 8. Trách nhiệm của Tổng Giám đốc (Giám đốc)

1. Tổng Giám đốc (Giám đốc) phải thành lập Bộ phận Quản trị rủi ro hoạt động độc lập với các bộ phận chuyên môn nghiệp vụ khác. Việc bổ nhiệm và miễn nhiệm trưởng bộ phận quản trị rủi ro của Tổng Giám đốc (Giám đốc) phải được sự chấp thuận của Hội đồng quản trị hoặc Hội đồng thành viên hoặc Chủ sở hữu công ty.

2. Tổng Giám đốc (Giám đốc) chịu trách nhiệm trước Hội đồng quản trị hoặc Hội đồng thành viên hoặc Chủ sở hữu công ty chứng khoán trong việc triển khai chính sách rủi ro và hạn mức rủi ro đã được Hội đồng quản trị hoặc Hội đồng thành viên hoặc Chủ sở hữu công ty chứng khoán phê duyệt.

3. Tổng Giám đốc (Giám đốc) thực hiện các nhiệm vụ sau:

a) Xây dựng chính sách rủi ro và hạn mức rủi ro trình Hội đồng quản trị hoặc Hội đồng thành viên hoặc Chủ sở hữu công ty chứng khoán phê duyệt;

b) Xây dựng các tiêu chuẩn quản trị rủi ro;

c) Định kỳ hàng quý phải báo cáo Hội đồng quản trị hoặc Hội đồng thành viên hoặc Chủ sở hữu công ty chứng khoán việc triển khai thực hiện quản trị rủi ro, đánh giá tính phù hợp của chính sách rủi ro, hạn mức rủi ro, quy trình quản trị rủi ro;

d) Đảm bảo hệ thống quản trị rủi ro được hiểu và vận hành thống nhất từ trên xuống dưới trong công ty chứng khoán phù hợp với chính sách rủi ro và hạn mức rủi ro mà Hội đồng quản trị hoặc Hội đồng thành viên hoặc Chủ sở hữu công ty chứng khoán đã phê duyệt;

đ) Xây dựng và triển khai các quy trình xử lý rủi ro phù hợp với chính sách rủi ro và hạn mức rủi ro, sức chịu đựng rủi ro của công ty chứng khoán;

e) Đảm bảo các quy trình quản trị rủi ro và bộ phận quản trị rủi ro được thiết lập và tổ chức đầy đủ, rõ ràng, đủ nhân sự và nguồn lực tài chính;

g) Báo cáo Hội đồng quản trị hoặc Hội đồng thành viên hoặc Chủ sở hữu công ty chứng khoán về trạng thái rủi ro trọng yếu.

Điều 9. Trách nhiệm của Bộ phận quản trị rủi ro

1. Thường xuyên theo dõi, đánh giá và đo lường các rủi ro của công ty chứng khoán.

2. Rà soát, điều chỉnh các mô hình định giá và hệ thống đánh giá các công cụ tài chính được sử dụng bởi các bộ phận nghiệp vụ kinh doanh.

3. Đề xuất các chính sách quản trị rủi ro cho Tổng Giám đốc (Giám đốc).

4. Đề xuất hạn mức rủi ro cho các bộ phận nghiệp vụ.

5. Đánh giá mức độ rủi ro và trạng thái tập trung rủi ro, thiệt hại thực tế phát sinh và thiệt hại được dự báo bởi bộ phận quản trị rủi ro.

6. Theo dõi để đảm bảo việc thực hiện trên thực tế các chính sách quản trị rủi ro, hạn mức rủi ro, quy trình xử lý rủi ro mà Hội đồng quản trị hoặc Hội đồng thành viên hoặc Chủ sở hữu công ty chứng khoán phê duyệt.

7. Lập báo cáo định kỳ hàng tháng về quản trị rủi ro thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ để báo cáo Tổng Giám đốc (Giám đốc).

8. Trưởng bộ phận quản trị rủi ro thực hiện theo dõi, đánh giá hàng ngày trạng thái rủi ro của công ty chứng khoán.

Đánh giá bài viết
1 163
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi