Cơ quan nào có thẩm quyền hủy kết hôn trái pháp luật?

Cơ quan nào có thẩm quyền hủy kết hôn trái pháp luật? Kết hôn là một lĩnh vực trong luật dân sự mà ở đó những người mong muốn chung sống với nhau sẽ thực hiện theo quy định pháp luật ràng buộc về mặt pháp lý bao gồm cả nhân thân và tài sản với nhau để cùng nhau xây đắp gia đình. Vậy kết hôn trái pháp luật là gì? Cơ quan có thẩm quyền huỷ kết hôn trái pháp luật? Cùng hoatieu.vn tìm hiểu cụ thể nhé.

1. Kết hôn trái pháp luật là gì?

Theo quy định tại khoản 6 điều 3 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định như sau:

6. Kết hôn trái pháp luật là việc nam, nữ đã đăng ký kết hôn tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhưng một bên hoặc cả hai bên vi phạm điều kiện kết hôn theo quy định tại Điều 8 của Luật này.

Những trường hợp quy định tại điều 8 như sau:

Điều 8. Điều kiện kết hôn

1. Nam, nữ kết hôn với nhau phải tuân theo các điều kiện sau đây:

a) Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên;

b) Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định;

c) Không bị mất năng lực hành vi dân sự;

d) Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn theo quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 5 của Luật này.

2. Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính.

Như vậy việc kết hôn trái pháp luật nghĩa là việc nam và nữ đã thực hiện đăng ký kết hôn nhưng vi phạm với một số điều kiện kết hôn mà pháp luật quy định tại điều 8 về những điều kiện khi nam, nữ kết hôn với nhau.

Có thể thấy từ những điều kiện trên thì có một số trường hợp bị coi là kết hôn trái pháp luật như sau:

  • Việc nam nữ kết hôn có sự ép buộc nhưng sau khi đăng ký kết hôn thì mới báo cơ quan;
  • Việc nam nữ khi kết hôn đã mất năng lực hành vi dân sự nhưng bị che đậy;
  • Khi đã đăng ký kết hôn nhưng chứng minh được là hôn nhân giả tạo;
  • Khi đã đăng ký kết hôn mà chứng minh được việc lừa dối kết hôn;
  • Khi đã đăng ký kết hôn mà phát hiện việc kết hôn với người có cùng dòng máu trực hệ;
  • Khi đã đăng ký kết hôn mà phát hiện người vợ hoặc chồng đã thực hiện đăng ký kết hôn với người khác sau mình, thì việc đăng ký kết hôn sau trái pháp luật.

2. Cơ quan nào có thẩm quyền hủy kết hôn trái pháp luật?

Theo quy định điều 11 của Luật hôn nhân và gia đình; điểm g khoản 2 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định như sau:

g) Tòa án nơi việc đăng ký kết hôn trái pháp luật được thực hiện có thẩm quyền giải quyết yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật;

Như vậy có thể hiểu là nơi hôn nhân trái pháp luật diễn ra thì Toà án cấp huyện sẽ có thẩm quyền giải quyết yêu cầu huỷ kết hôn trái pháp luật. Ví dụ việc đăng ký kết hôn diễn ra tại xã H huyện T thì khi có yêu cầu huỷ kết hôn trái pháp luật, Toà án nhân dân huyện T có thẩm quyền giải quyết.

3. Người có quyền yêu cầu huỷ kết hôn trái pháp luật

Cơ quan nào có thẩm quyền hủy kết hôn trái pháp luật?
Cơ quan nào có thẩm quyền hủy kết hôn trái pháp luật?

Người có quyền yêu cầu huỷ kết hôn trái pháp luật được quy định tại điều 10 Luật hôn nhân và gia đình:

Điều 10. Người có quyền yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật

1. Người bị cưỡng ép kết hôn, bị lừa dối kết hôn, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, có quyền tự mình yêu cầu hoặc đề nghị cá nhân, tổ chức quy định tại khoản 2 Điều này yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật do việc kết hôn vi phạm quy định tại điểm b khoản 1 Điều 8 của Luật này.

2. Cá nhân, cơ quan, tổ chức sau đây, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, có quyền yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật do việc kết hôn vi phạm quy định tại các điểm a, c và d khoản 1 Điều 8 của Luật này:

a) Vợ, chồng của người đang có vợ, có chồng mà kết hôn với người khác; cha, mẹ, con, người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật khác của người kết hôn trái pháp luật;

b) Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình;

c) Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em;

d) Hội liên hiệp phụ nữ.

3. Cá nhân, cơ quan, tổ chức khác khi phát hiện việc kết hôn trái pháp luật thì có quyền đề nghị cơ quan, tổ chức quy định tại các điểm b, c và d khoản 2 Điều này yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật.

Tóm lại thì người có quyền yêu cầu huỷ kết hôn trái pháp luật là người trong cuộc hôn nhân trái pháp luật, vợ chồng hợp pháp phát hiện vợ (chồng) của mình đăng ký kết hôn với một người khác sau mình; cơ quan quản lý nhà nước về gia đình; cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em; Hội liên hiệp phụ nữ.

Còn một số cá nhân, cơ quan, tổ chức khác phát hiện cần đề nghị lên cơ quan tổ chức về gia đình, trẻ em, hội liên hiệp phụ nữ để huỷ kết hôn trái pháp luật.

4. Quy định về xử lý việc kết hôn trái pháp luật

Về quy định xử lý việc kết hôn trái pháp luật được quy định với hai trường hợp như sau:

4.1. Trường hợp hai bên kết hôn trái pháp luật vẫn không có đủ các điều kiện kết hôn tại thời điểm Tòa án giải quyết

Căn cứ vào khoản 3 điều 4 Thông tư liên tịch 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP như sau:

3. Trường hợp hai bên đã đăng ký kết hôn nhưng tại thời điểm Tòa án giải quyết hai bên kết hôn vẫn không có đủ các điều kiện kết hôn quy định tại Điều 8 của Luật hôn nhân và gia đình thì thực hiện như sau:

a) Nếu có yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật thì Tòa án quyết định hủy việc kết hôn trái pháp luật;

b) Nếu một hoặc cả hai bên yêu cầu ly hôn hoặc yêu cầu công nhận quan hệ hôn nhân thì Tòa án bác yêu cầu của họ và quyết định hủy việc kết hôn trái pháp luật.

Trường hợp quyết định theo hướng dẫn tại điểm a và điểm b khoản này thì Tòa án áp dụng quy định tại Điều 12 của Luật hôn nhân và gia đình để giải quyết hậu quả pháp lý của việc hủy kết hôn trái pháp luật.

4.2. Trường hợp cả hai bên kết hôn đã có đủ điều kiện kết hôn tại thời điểm Tòa án giải quyết

Căn cứ theo khoản 2 điều 11 Luật hôn nhân gia đình và khoản 2 điều 4 Thông tư liên tịch 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP quy định như sau:

2. Trường hợp tại thời điểm kết hôn, hai bên kết hôn không có đủ điều kiện kết hôn nhưng sau đó có đủ điều kiện kết hôn quy định tại Điều 8 của Luật hôn nhân và gia đình thì Tòa án xử lý như sau:

a) Nếu hai bên kết hôn cùng yêu cầu Tòa án công nhận quan hệ hôn nhân thì Tòa án quyết định công nhận quan hệ hôn nhân đó kể từ thời điểm các bên kết hôn có đủ điều kiện kết hôn.

b) Nếu một hoặc hai bên yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật hoặc có một bên yêu cầu công nhận quan hệ hôn nhân hoặc có một bên yêu cầu ly hôn còn bên kia không có yêu cầu thì Tòa án quyết định hủy việc kết hôn trái pháp luật. Trường hợp có đơn khởi kiện, đơn yêu cầu Tòa án giải quyết thì quyền, nghĩa vụ của cha, mẹ, con; quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng giữa các bên từ thời điểm kết hôn đến thời điểm hủy việc kết hôn trái pháp luật được giải quyết theo quy định tại Điều 12 của Luật hôn nhân và gia đình.

c) Trường hợp hai bên cùng yêu cầu Tòa án cho ly hôn hoặc có một bên yêu cầu ly hôn còn bên kia yêu cầu công nhận quan hệ hôn nhân thì Tòa án giải quyết cho ly hôn. Trường hợp này, quyền, nghĩa vụ của cha, mẹ, con từ thời điểm kết hôn đến thời điểm ly hôn được giải quyết theo quy định về quyền, nghĩa vụ của cha, mẹ, con khi ly hôn; quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng giữa các bên từ thời điểm kết hôn đến trước thời điểm đủ điều kiện kết hôn được giải quyết theo quy định tại Điều 16 của Luật hôn nhân và gia đình; quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng giữa các bên từ thời điểm đủ điều kiện kết hôn đến thời điểm ly hôn được giải quyết theo quy định tại Điều 59 của Luật hôn nhân và gia đình.

Trên đây là những tìm hiểu của Hoa Tiêu về vấn đề Cơ quan nào có thẩm quyền hủy kết hôn trái pháp luật? Mời bạn đọc tham khảo thêm những thông tin hữu ích trong mục Hỏi đáp pháp luật chuyên mục Dân sự liên quan.

Đánh giá bài viết
1 118
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm