Viết bài làm văn số 1 nghị luận xã hội lớp 11

Viết bài làm văn số 1 nghị luận xã hội được Hoatieu chia sẻ trong bài viết sau đây là các mẫu bài viết số 1 lớp 11 đề 1, bài viết số 1 lớp 11 đề 2, bài viết số 1 lớp 11 đề 3 về các vấn đề nghị luận như suy nghĩ về cuộc đấu tranh giữa cái thiện và cái ác, bày tỏ ý kiến của mình về vấn đề Hiền tài là nguyên khí quốc gia, nghị luận học đi đôi với hành. Sau đây là dàn ý viết bài làm văn số 1 nghị luận xã hội cùng với các mẫu bài làm chi tiết sẽ là tài liệu tham khảo bổ ích cho các bạn học sinh.

1. Bài viết tập làm văn số 1 lớp 11: Đề 1

Đọc truyện Tấm Cám, anh (chị) suy nghĩ về cuộc đấu tranh giữa cái thiện và cái ác, giữa cái tốt và kẻ xấu trong xã hội xưa và nay?

1. Dàn ý bài viết số 1 lớp 11 đề 1

1. Mở bài

Truyện cổ tích là nơi mà người Việt xưa gửi gắm những ước mơ khát vọng của mình trong cuộc sống.

Một trong rất nhiều ước mơ mà người xưa mong muốn là thiện thắng ác, tốt thắng xấu.

Tấm Cám là truyện cổ tích tiêu biểu cho khát vọng ấy.

Cuộc đấu tranh giữa thiện và ác, tốt và xấu không chỉ nóng bỏng trong cổ tích mà ngày nay vẫn còn nguyên giá trị của nó. Nghĩa là không chỉ xưa, mà ngay cả nay, con người chân chính luôn vươn tới khát vọng ấy.

2. Thân bài

a) Cuộc đấu tranh giữa thiện và ác, tốt và xấu trong tác phẩm "Tấm Cám".

+ Hoàn cảnh của Tấm: Mồ côi mẹ, cha mất sớm, ở mẹ con Cám, bị mẹ con Cám tìm mọi cách hãm hại.

+ Sự độc ác của mẹ con Cám:

Khi Tấm còn ở chung với mẹ con Cám: Tước đoạt mọi quyền lợi cả về vật chất lẫn tinh thần của Tấm.

Sau khi Tấm trở thành hoàng hậu: Lừa giết Tấm, giết cả những kiếp hóa thân của Tấm.

+ Nhận xét:

Mẹ con Cám là đại diện cho tuyến ác, cái ác càng lúc càng lộ liễu, tàn nhẫn, nhiều thủ đoạn.

Tấm là đại diện cho cái thiện. Cái thiện luôn bị cái ác chèn ép, hãm hại. Ban đầu, Tấm nhu nhược, bị động, chỉ biết trông chờ vào Bụt. Về sau, Tấm tự vươn lên, tự đấu tranh để giành hạnh phúc.

b) Suy nghĩ về cuộc đấu tranh giữa thiện và ác, tốt và xấu trong xã hội xưa và nay:

Trong xã hội xưa:

Cái ác thường có thế lực mạnh, bất chấp thủ đoạn để hãm hại cái thiện.

Cái thiện không đơn độc mà luôn được sự giúp đỡ của mọi người.

Cái thiện phải tự trưởng thành, tự đấu tranh để giành hạnh phúc. Trong cuộc đấu tranh đó cái thiện có thể phải trải qua nhiều thử thách, nhưng kết quả cuối cùng cái thiện luôn chiến thắng cái ác, cái ác luôn bị trừng phạt.

Trong xã hội ngày nay:

Cái thiện và cái ác vẫn song song tồn tại và cuộc đấu tranh giữa thiện và ác, tốt và xấu trong xã hội vẫn còn mãi như một quy luật tất yếu.

Cái ác càng nhiều thủ đoạn, càng thâm hiểm hơn.

Cái thiện phải xây dựng được vị trí xã hội vững chắc, lập trường vững vàng, phải đoàn kết để chống cái ác.

3. Kết bài

Liên hệ bản thân rút ra bài học

Cuộc đấu tranh giữa thiện và ác, tốt và xấu không chỉ tồn tại trong xã hội xưa và nay mà còn tồn tại trong bản thân mỗi người.

Cần xây dựng nhân cách tốt đẹp để vững vàng trước những tác động xấu.

Kiên quyết đấu tranh chống cái xấu, cái ác trong xã hội.

2. Suy nghĩ về cuộc đấu tranh giữa cái thiện và cái ác, giữa cái tốt và kẻ xấu trong xã hội xưa và nay - mẫu 1

Tấm Cám là một câu chuyện cổ tích kinh điển của dân tộc Việt Nam. Nó mang đậm tính chất giáo dục con người. Thông qua câu chuyện cuộc đời cô Tấm, câu chuyện đã đánh bật lên mâu thuẫn giữa thiện và ác trong xã hội. Tôi đã nghe bà kể từ lâu nhưng giờ đây khi có cơ hội ngồi suy nghĩ và phân tích tôi mới có thể cảm nhận được bài học đạo lý mà câu chuyện này muốn truyền đạt.

Sớm mồ côi cha mẹ, cô Tấm sống trong sự ghẻ lạnh của gì ghẻ và Cám. Hằng ngày cô phải làm mọi công việc chỉ để đổi lấy đòn roi của gì và những câu mắng chửi của em. Cuộc sống cứ như thế trôi qua để lại cho cô gái hiền lành những vết thương khó có thể lành. Không ai biết về cô, không ai làm bạn cùng cô trong những đêm buồn tủi cô Tấm chỉ biết khóc. Dù nỗi đau nối tiếp nỗi đau, vết thương in thêm nhưng vết thương nhưng cô vẫn giữ trọn chữ hiếu cùng gì và nghĩa với đứa em cay ác. Nếu tôi được nói một câu cùng cô, tôi sẽ nói rằng Cô yếu đuối quá cô Tấm à! Hạnh phúc thật sự chỉ do bản thân mình tự mang lại mà thôi, vậy tại sao cô không thử đừng dậy đấu tranh cho bản thân mình?

Từ xưa đến nay, hình ảnh cô Tấm đã trở thành một khuôn mẫu để đánh giá nét đẹp của người phụ nữ. Cô Tấm xinh đẹp, nhân hậu, chăm chỉ và cô rất hiếu thảo. Nhưng cô không được sống trong hạnh phúc thứ mà đáng lẽ cô phải được nhận để xứng đáng với nhân cách tốt đẹp của mình.

Việc hằng ngày gì ghẻ và Cám luôn ngược đãi cô Tấm đã thể hiện rõ cho chúng ta thấy được mâu thuẫn xã hội đã hình thành từ rất lâu. Từ khi con người hình thành tri thức, cái thiện và cái ác đã cùng song hành trong xã hội. Không nơi nào tồn tại toàn những người tốt, và cũng sẽ chẳng thể có một xã hội với tất cả nhưng công dân xấu cả. Cái tốt cái xấu đã và đang hiện hữu trong mỗi chúng ta, thật sai lầm khi chúng ta sống mà chỉ cố gắng làm điều tốt! Người tốt thật sự là người biết tự nhìn nhận ra những sai lầm của bản thân và tránh lập lại chúng.

Trở lại cùng câu chuyện của cô Tấm, ở đoạn kết chúng ta thấy được một kết thúc đẹp cho nhân vật chính của chúng ta nhưng ít ai nhận ra rằng để đạt được hạnh phúc đó thì cô Tấm đã phải đứng đấu tranh vô cùng vất vả. Cô chết đi và sống lại bao nhiêu lần để có được cái hạnh phúc ấy? Giả sử câu chuyện ấy kết thúc tại thời điểm cô Tấm chết, Cám làm hoàng hậu và hạnh phúc sông cùng vua và người mẹ độc ác của mình đến cuối đời thì sao? Lúc đó bạn sẽ không thể 1 lần nhìn thấy 2 tiếng "hòa bình" trong xã hội này đâu. Khi ấy những gì mà trẻ con đến trường nhận được là lòng thù hận, sự ích kỷ và đố kỵ. Hãy tưởng tượng một buổi sáng bạn bước ra đường, vô tình bạn thấy một bà cụ vấp ngã và tất cả mọi người chung quang bạn vẫn dửng dưng bước đi? Tưởng tượng rằng bạn phải đến viện bảo tàng để đọc được cuốn tiểu thuyết "Những người khốn khổ" của H. Vậy mà lúc này nó bị xem là tư tưởng phát-xit ??? Và thử tưởng tượng rằng một ngày nọ. . . Đèn đỏ, xe cộ đậu chỉnh tề ngay sau vạch trắng. Một va chạm xảy ra và hai thanh niên rồi rít xin lỗi nhau. Anh cảnh sát giao thông nhìn cả hai trìu mến rồi tặng mỗi người một cai nón bảo hiểm.

Sếp đứng ở cổng, dịu dàng bắt tay từng người và hỏi lương có đủ sống không làm chị lao công xúc động nấc lên từng chập. Bản tin trên đài truyền hình cho biết giá cả đang giảm trong khi mỗi người ai cũng được tăng hai bậc lương khiến mấy chị nhà bếp vỗ tay rần rần.

Ở các khu phố, người ta gõ cửa từng nhà để tặng sách giáo khoa cho trẻ. Chỉ cần một tiếng ho là xe cấp cứu chạy đến tức thời. Mưa, người dân mở cửa cho khách bộ hành trú nhờ. Tụi nhỏ thích nghịch nước khóc rấm rứt vì không tìm đâu ra một đoạn đường ngập nước. Ông giám đốc công ty giải trí tức thời lên tivi hứa sẽ xây thật nhiều công viên nước miễn phí cho bọn trẻ. . .
Cái ác có thể mạnh nhưng không thể tồn tại vĩnh viễn, cái thiện có thể yếu nhưng sẽ vẫn luôn tồn tại để đấu tranh chống lại cái ác. Và như thể là một chân lý, người ở hiên thì sẽ gặp lành và kẻ gieo gió ắt cũng có ngày gặp bão.

3. Suy nghĩ về cuộc đấu tranh giữa cái thiện và cái ác, giữa cái tốt và kẻ xấu trong xã hội xưa và nay - mẫu 2

Truyện cổ tích là nơi người Việt xưa gửi gắm những ước mơ, khát vọng của mình trong cuộc sống. Tấm Cám là một câu chuyện hay, tiêu biểu cho cuộc đấu giữa cái thiện với các ác trong xã hội xưa. Vấn đề đặt ra trong truyện vẫn còn nguyên giá trị hiện thực cho đến ngày nay.

Cuộc đấu tranh giữa cái thiện và cái ác trong xã hội xưa được khắc họa qua truyện Tấm Cám. Trong truyện, hoàn cảnh của cô Tấm rất đáng thương, mồ côi mẹ từ nhỏ, phải ở với mẹ con Cám, bị mẹ con Cám bóc lột cả về vật chất lẫn tinh thần. Qua đó, ta phần nào hình dung được sự độc ác, nham hiểm của mẹ con Cám. Khi cô còn ở với họ thì bị tước đoạt mọi quyền lợi mà lẽ ra cô xứng đáng được nhận với một nhân cách tốt đẹp như vậy. Sau khi cô trở thành Hoàng hậu, mẹ con họ vẫn không buông tha cho cô, luôn lừa giết cô và cả những lần hóa thân. Từ đó, ta thấy mẹ con Cám là đại diện cho cái ác, cho những điều xấu xa, thấp hèn, trái với lương tâm. Cái ác đó ngày càng lộ liễu, tàn nhẫn với nhiều thủ đoạn. Còn Tấm đại diện cho cái thiện, cho những điều tượng trung cho chính nghĩa, lẽ phải. Cái thiện luôn bị cái ác chèn ép, bắt nạt, hãm hại. Ban đầu, Tấm nhu nhược, bị động, bị hãm hại chỉ biết khóc và trông chờ vào sự giúp đỡ của Bụt. Thế nhưng con người ta khi bị áp bức quá mức, bị dồn vào thế đường cùng, đi quá giới hạn mà lòng chịu đựng cho phép thì sẽ tự vùng lên, đấu tranh kiên quyết với cái ác để giành lại hạnh phúc cho mình.

Cuộc đấu tranh giữa cái thiện và cái ác trong xã hội xưa đã rất căng go, quyết liệt. Cái ác có thế lực mạnh, bất chấp thủ đoạn để hãm hại cái thiện. Nhưng cái thiện không đơn độc mà luôn có sự giúp đỡ của mọi người xung quanh. Cái thiện phải tự trưởng thành, tự đấu tranh để giành lại hạnh phúc. Trong cuộc đấu tranh đó, cái thiện luôn phải trải qua những gian nan, thử thách nhưng kết quả cuối cùng thì phần thắng vẫn nghiêng về cái thiện và cái ác sẽ bị trừng trị thích đáng giống như quy luật ở đời: ''Ở hiền gặp lanh, ác giả ác báo''.

Trong xã hội hiện đại ngày nay, cuộc đấu tranh ấy vẫn không ngừng nghỉ, vẫn đầy cam go, quyết liệt. Cái thiện và cái ác vẫn song song tồn tại. Cái ác ngày càng nhiều thủ đoạn tinh vi hơn, nham hiểm hơn. Các quan chức nhà nước biến chất dựa vào quyền lực và địa vị để tham ô, ăn hối lộ, vùi dập những người dám đấu tranh. Giới xã hội đen bất chấp luật pháp, dùng bạo lực và đồng tiền để thực hiện các hành vi phạm pháp, khống chế người khác, chà đạp nhằm mục đích buôn bán chất cấm, phụ nữ và trẻ em, . . . Những kẻ tha hóa, biến chất, lười lao động, ăn chơi xa đọa, sẵn sàng làm bất cứ chuyện gì trái với đạo nghĩa làm người để thỏa mãn mục đích cá nhân ích kỉ, xấu xa, bỉ ổi của mình mà không thèm quan tâm đến hậu quả về sau. Cuộc đấu tranh trong bản thân mỗi người để chống lại thói hư tật xấu như tham lam, ích kỉ, gian lận, . . . mới là gay go nhất bởi vì trong mỗi con người luôn tồn tại hai mặt tốt và xấu.

Hậu quả do cái gây ra cho xã hội là làm chậm phát triển kinh tế, xã hội, tạo nên sự bất ổn định về chính trị và đời sống của người dân. Gây ra tâm lí hoang mang, lo sợ, mất niềm tin trong các tầng lớp nhân dân. Ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển chung của con người.

Nguyên nhân do luật pháp còn nhiều kẽ hở, tạo điều kiện cho các loại tội phạm, cơ quan thi hành luật pháp không phải lúc nào cũng nghiêm minh. Lòng tham lam kết hợp với sự ích kỉ, độc ác vẫn còn tồn tại trong một số bộ phận và ngay trong bản thân mỗi người. Ngoài ra, do sự phát triển của xã hội, sống đầy đủ, dư thừa, con người dần suy thoái cũng như xuống cấp về đạo đức và lối sống nên dễ xảy ra các hành vi phạm pháp. Mỗi người cần phải biết sống thiện. Nhưng sống nhu nhược, yếu đuối cũng không phải là sống tốt, trước cái ác con người phải kiên quyết đấu tranh để đòi lại những thứ đáng thuộc về mình.

Vậy trong cuộc sống, dù có thế nào đi chăng nữa thì cái thiện vẫn luôn chiến thắng cái ác. Chừng nào cái ác còn tồn tại, lương tâm đen tối của con người vẫn còn đó, cuộc đấu tranh xung đột giữa cái thiện và cái ác vẫn còn có những người bị chìm trong đau khổ. Thế nên con người cần phải cố gắng hoàn thiện bản thân mình để đến một ngày nào đó cái ác chỉ còn là trong truyện cổ tích mà thôi.

2. Bài viết tập làm văn số 1 lớp 11: Đề 2

1. Dàn ý bày tỏ ý kiến của mình về vấn đề Hiền tài là nguyên khí quốc gia

1. Mở bài

Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: câu nói “Hiền tài là nguyên khí quốc gia”.

Lưu ý: Học sinh tự lựa chọn cách dẫn trực tiếp hoặc gián tiếp tùy thuộc vào khả năng của mình.

2. Thân bài

a. Giải thích

Hiền tài: những con người có học thức, có trí tuệ, giỏi giang hơn người khác và quan trọng là có nhân cách tốt đẹp.

Câu nói mang ý nghĩa: những người vừa có tài, vừa có đức sẽ là phần cốt lõi giúp cho đất nước ngày càng phát triển thịnh vượng và tốt đẹp hơn.

b. Phân tích

Nếu không tài giỏi, chúng ta làm việc gì cũng sẽ khó, cũng sẽ dễ đổ bể, chính vì thế tài năng vô cùng quan trọng trong cuộc sống con người. Nhưng nếu con người thông minh mà không có đạo đức tốt thì sẽ dễ mang tài năng của mình đi làm chuyện xấu hòng tư lợi, như thế sẽ gây ra hậu quả khôn lường cho xã hội.

Tài và đức nên đi liền với nhau, kết hợp với nhau để con người phát triển theo chiều hướng tích cực để xây dựng xã hội đẹp đẽ.

Người có tài và đức sẽ được xã hội trọng dụng, người khác ngưỡng mộ và là tấm gương sáng để mọi người học tập và noi theo.

c. Chứng minh

Học sinh tự lấy dẫn chứng về nhân vật, những con người vừa tài giỏi lại có đạo đức, nhân cách tốt cống hiến hết mình cho nước nhà làm minh chứng cho bài làm văn của mình.

Lưu ý: dẫn chứng phải tiêu biểu, nổi bật, xác thực được nhiều người biết đến.

d. Phản đề

Trong xã hội vẫn có không ít người tài giỏi nhưng đạo đức không tốt, chuyên đi làm những chuyện xấu xa để thu lợi, lại có những người tuy không tài giỏi nhưng lại có đạo đức và phẩm chất tốt đẹp, những người này cũng khó có được thành công trong cuộc sống.

Bên cạnh đó cũng có không ít người không tài giỏi lại không cố gắng học tập, rèn luyện bản thân, tu bổ đạo đức,… những người này đáng bị xã hội thẳng thắn phê phá, chỉ trích.

3. Kết bài

Khái quát lại vấn đề cần nghị luận: ý kiến: “Hiền tài là nguyên khí quốc gia” và rút ra bài học, liên hệ bản thân.

2. Nghị luận xã hội về câu nói Hiền tài là nguyên khí quốc gia - mẫu 1

Người xưa có câu: “Người không học như ngọc không mài” quả thực không sai. Chúng ta không chịu rèn luyện bản thân thật tốt thì sao có thể trở thành người tài giỏi, cống hiến những điều tốt đẹp cho đất nước. Đề cao tài năng và đạo đức của con người, Thân Nhân Trung đã từng nói: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia". Hiền chỉ những người có những phẩm chất đạo đức tốt đẹp; còn tài là những người thông minh, tài giỏi. Hiền tài chỉ những người tài cao, học rộng, có đạo đức tốt được mọi người tín nhiệm suy tôn. Hiền tài có vai trò quyết định sự hưng thịnh của đất nước, góp phần làm nên sự sống còn của quốc gia và xã hội. Hiền tài là một bộ phận cốt cán, quan trọng của đất nước. Đất nước nào, thời đại nào chiêu mộ được càng nhiều hiền tài thì đất nước ấy càng phát triển, vững bền. Mọi thời đại, quốc gia đều rất cần người tài đức vì họ có vai trò quan trọng trong việc xây dựng đất nước phồn vinh. Nhưng hiền tài không phải tự nhiên mà có. Ngoài thiên khiếu bẩm sinh, những người tài phải được phát hiện và giáo dục nghiêm túc để họ nhận thức đúng đắn về mục đích học tập là rèn luyện đạo lí làm người, để bổi dưỡng tinh thần tương thân tương ái và hiểu rõ trách nhiệm của bản thân đối với xã hội. Để làm được điều này, nhà nước cần có những chính sách khích lệ, bồi dưỡng nhân tài bằng cả tinh thần và vật chất để họ yên tâm và có động lực hơn trong việc cống hiến. Bên cạnh đó, ta cũng cần phê phán những người lười biếng, quen thói dựa dẫn, ỷ lại, không chịu nỗ lực trong cuộc sống, hoàn thiện bản thân mình để trở nên tốt đẹp hơn,… Mỗi chúng ta đều có thể trở thành nhân tài trong tương lai, cống hiến những điều tốt đẹp nhất cho đất nước nếu ta nỗ lực hoàn thiện mình, rèn luyện bản thân ngay từ hôm nay, tu dưỡng cả về trí tuệ và đạo đức. Không bao giờ để ta nói lời hay, làm việc tốt, hãy trở thành một công dân có ích, cống hiến những giá trị tốt đẹp nhất cho cuộc đời.

3. Nghị luận xã hội về câu nói Hiền tài là nguyên khí quốc gia - mẫu 2

Từ xưa đến nay, con người được xem là yếu tố hạt nhân để góp phần xây dựng và đưa đất nước phát triển hùng mạnh. Lịch sử 4000 năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta đã ghi dấu tên tuổi của biết bao những người hiền tài có công ơn đối với đất nước. Đề cao vai trò của người hiền tài, trong "Bài kí đề danh tiến sĩ khoa Nhâm Tuất, niên hiệu Đại Bảo thứ ba - 1442" Thân Nhân Trung đã khẳng định: “Hiền tài là nguyên khí quốc gia”.

Trước hết, chúng ta cần hiểu “Hiền tài là nguyên khí quốc gia” có nghĩa là gì và vì sao Thân Nhân Trung lại nói như vậy? Hiền tài là những người không chỉ có đạo đức mà còn có học thức, biết vận dụng đức và tài của mình trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Còn nguyên khí là thứ tạo nên sự sống của người và vạn vật, hiểu rộng ra, nguyên khi chính là cái hồn của một dân tộc, quyết định đến sự sống còn và phát triển của dân tộc ấy. Như vậy, qua câu nói, Thân Nhân Trung đã đề cao và khẳng định vai trò của người hiền tài đối với vận mệnh của quốc gia, dân tộc.

Câu nói của Thân Nhân Trung không chỉ đúng với thời đại của ông mà luôn chính xác trong mọi hoàn cảnh, mọi chế độ. “Hiền tài là nguyên khí quốc gia” đã khái quát lên một chân lí có giá trị muôn đời: Hiền tài là một bộ phận cốt cán, quan trọng của đất nước. Đất nước nào, thời đại nào chiêu mộ được càng nhiều hiền tài thì đất nước ấy càng phát triển, vững bền. Nhắc đến một thời đại hào hùng, chúng ta cũng không thể nào không nhắc đến những con người kiệt xuất đã làm nên lịch sử. Nguyễn Trãi là một nhà quân sự tài ba, là cánh tay đắc lực có công rất lớn trong việc giúp Lê Lợi đánh đuổi giặc Minh, lập ra triều đại nhà Lê. Nguyễn Trãi luôn tâm niệm: đánh giặc không chỉ bằng vũ khí, bằng bạo lực mà còn phải đánh vào lòng người. Những bức thư gửi tướng giặc nhà Minh có sức mạnh như mười vạn quân đã minh chứng rõ nét cho tư tưởng đi trước thời đại của ông. Triều đại nhà Trần với hào khí Đông A vang bóng một thời không thể không kể đến vị tướng tài ba kiệt xuất trong lịch sử dân tộc: Hưng đạo đại vương Trần Quốc Tuấn. Ông là người đã có công lãnh đạo dân tộc ta chiến đấu và chiến thắng trong ba cuộc kháng chiến chống giặc Nguyên Mông xâm lược. Trần Hưng Đạo cũng là một bề tôi hết lòng trung thành với vua, sẵn sàng hi sinh vì lợi ích của đất nước, nhân dân. Một quốc gia có trở nên hùng mạnh hay không phụ thuộc không nhỏ vào yếu tố hiền tài. Nhật Bản trở thành một cường quốc trên thế giới như hiện nay có một phần vì họ biết chiêu mộ người hiền tài, tạo điều kiện tốt nhất để những người đó có thể học tập và dựng xây đất nước.

Hiện nay, trong thời đại hòa nhập, để nước ta có thể sánh ngang với các cường quốc năm châu trên thế giới, chúng ta cần chú ý phát hiện và bồi dưỡng người hiền tài. Đứng trước thực trạng chảy máu chất xám, nhà nước cần quan tâm hơn nữa tới những người vừa có tài vừa có đức, tạo cho họ điều kiện tốt nhất để có thể phát huy được tài năng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trải qua hàng mấy thế kỉ, câu nói của Thân Nhân Trung đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Câu nói ấy như lời nhắc nhở chúng ta phải biết quý trọng người hiền tài- những con người có thể thay đổi số mệnh của cả một quốc gia, dân tộc.

3. Nghị luận về Học đi đôi với hành

1. Dàn ý bài viết số 1 lớp 11 đề 2

1. Mở bài

Giới thiệu và dẫn dắt vào vấn đề cần nghị luận: Học đi đôi với hành.

2. Thân bài

a. Giải thích

Học: quá trình tích lũy, trau dồi những kiến thức trong sách vở thành kiến thức của riêng mình thông qua việc giảng dạy của thầy cô giáo hoặc những người có chuyên môn.

Hành: thực hành, áp dụng lý thuyết đã được học vào thực tiễn để rút ra bài học chân thực nhất cho bản thân và tiến bộ hơn.

Học và hành là hai yếu tố quan trọng cần cùng song hành với nhau để giúp con người hoàn thiện, phát triển bản thân tối ưu nhất.

b. Phân tích

Việc học lí thuyết rất quan trọng. Chính nhờ có học mà con người mới thông tuệ trong mọi lựa chọn và giải quyết vấn đề của cuộc sống. Cùng với đó, chúng ta cần vận dụng lý thuyết vào để rèn luyện, làm thật nhiều bài tập để trở nên nhuần nhuyễn hơn với bài học đó và rút ra kinh nghiệm cho bản thân mình.

Học ở đây không có nghĩa chỉ là học trong phạm vi nhà trường, mà học có nghĩa là học mọi lúc mọi nơi. Bất cứ ở đâu, bất cứ khi nào và bất cứ người nào ta cũng phải học hỏi.

Học hành không những cho ta mở mang kiến thức, mà còn giúp ta trau dồi đạo đức và những phẩm chất tốt đẹp.

c. Chứng minh

Học sinh tự lấy dẫn chứng về những con người học lí thuyết ở sách vở và áp dụng vào thực tiễn đạt thành công để minh họa cho bài làm văn của mình.

Lưu ý: dẫn chứng phải tiêu biểu, xác thực.

d. Liên hệ bản thân

Là người học sinh, chúng ta cần phải chăm chỉ học tập kết hợp đi đôi với hành. Học văn hoá, chữ nghĩa và kinh nghiệm của cuộc sống để nâng cao trình độ văn hoá, tiếp thu công khoa học và công nghệ hiện đại và tích cực lao động cần cù sáng tạo.

3. Kết bài

Khái quát lại vấn đề nghị luận: phương pháp Học đi đôi với hành.

2. Nghị luận về Học đi đôi với hành - mẫu 1

Học tập vốn là một quá trình lâu dài và nhiều gian nan, vất vả. Bên cạnh sự chăm chỉ, cần cù, có một phương pháp học tập đúng đắn cũng là yếu tố giúp chúng ta đi đến thành công. Bàn về phương pháp học, mỗi người lại có một phương pháp khác nhau, phương pháp nào cũng đúc kết những kinh nghiệm quý báu hỗ trợ chúng ta trên con đường chiếm lĩnh tri thức. Trong số đó, học đi đôi với hành là phương pháp đã có từ lâu nhưng lúc nào cũng đem lại kết quả cao.

Trước hết chúng ta cần hiểu: học và hành có nghĩa là gì? Học là hoạt động tiếp thu tri thức đã có từ sớm của con người. Lúc nhỏ ta học đi, học nói. Lớn hơn, ta dần dần tiếp cận với biển tri thức mênh mông của nhân loại. Chúng ta có thể học qua sự chỉ dạy của thầy cô giáo, học từ sách vở, bạn bè, học từ thực tế. Học bao giờ cũng là công việc khó khăn, vất vả để làm giàu tri thức, nâng cao hiểu biết, làm chủ bản thân và làm chủ cuộc sống. Còn hành là việc áp dụng những kiến thức học được vào thực tế, vào công việc cụ thể.

Học và hành có mối quan hệ mật thiết trong cuộc sống, luôn đi đôi với nhau. Chúng ta không thể có học mà không có hành hay ngược lại. Học là quá trình tích lũy tri thức, là nền tảng của mọi công việc, vấn đề trong cuộc sống. Có thể coi việc học như gốc rễ của một cái cây, rễ có vững chắc thì cây mới phát triển tốt, đâm cành đẻ nhánh, mạnh mẽ, cứng cáp trước sóng gió cuộc đời. Học sẽ là ngọn đèn soi sáng cho thực hành. Nhưng chỉ học thôi mà không áp dụng vào thực tế thì những kiến thức ấy sẽ trở thành vô ích, tốn công sức, tiền bạc, thời gian. Có câu nói: “Mọi lí thuyết đều là màu xám, còn cây đời thì mãi mãi xanh tươi”. Thực hành sẽ góp phần bổ sung, hoàn thiện cho kiến thức. Nhất là trong thời đại khoa học công nghệ ngày nay, thực hành tốt là một yêu cầu quan trọng đối với người lao động.

Bác Hồ đã từng khẳng định: Lí luận phải đi đôi thực tiễn, lí luận mà không có thực tiễn chỉ là lí thuyết suông. Bác đã áp dụng sáng tạo và hiệu quả chủ nghĩa lí luận Mác- Lê- nin vào thực tế đấu tranh của dân tộc ta, dẫn dắt nhân dân ta ra khỏi vũng bùn nô lệ, thoát khỏi xiềng xích của áp bức bóc lột, giành lại độc lập tự do cho dân tộc. UNESCO cũng đã đề xướng phương pháp: “Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để tự khẳng định mình”. Vì thế, chúng ta cần phối hợp hiệu quả, nhịp nhàng giữa học và hành để đem lại hiệu quả cao nhất trong công việc, chứng minh được năng lực của bản thân và góp phần xây dựng quê hương, đất nước.

Một thực tế đáng buồn hiện nay là nền giáo dục nước ta còn coi trọng lí thuyết mà kém tính thực hành. Điều này làm cho nền giáo dục chưa phát triển, chưa đáp được nhu cầu của xã hội. Nguyên nhân của hiện trạng này là do học sinh chưa ý thức được cặn kẽ vai trò giữa học và hành. Mặt khác, nước ta còn nghèo nàn, chưa thể đầu tư nhiều dụng cụ, phòng thí nghiệm chất lượng cho các môn học.

Để thực hiện được phương pháp học đi đôi với hành, mỗi người học sinh cần xác định cho mình mục đích học tập đúng đắn. Có một mục đích học tập, học sinh sẽ chăm chỉ học hành, say mê tìm tòi kiến thức mới. Từ cơ sở kiến thức có sẵn, chúng ta cũng cần linh hoạt, khéo léo để áp dụng những kiến thức ấy vào thực tế, trong công việc.

Học và hành là hai phần không thể tách rời trong học tập cũng như trong bất cứ công việc nào của cuộc sống. Là người học sinh, chúng ta nên áp dụng học đi đôi với hành ngay trên ghế nhà trường, bao gồm cả kiến thức, văn hóa lẫn những kinh nghiệm từ thực tế đời sống.

3. Nghị luận về Học đi đôi với hành - mẫu 2

Trong sự nghiệp xây dựng đất nước công nghiệp hoá hiện đại hoá đất nước ngày nay, xã hội ngày một phát triển. Sự hiểu biết, trình độ khả năng chuyên môn là đòi hỏi không thể thiếu của mỗi người. Tuy nhiên nhiều bạn trẻ hiện nay quá chú trọng vào việc học lý thuyết ở trường mà đôi khi quên mất phải thực hành - một điều hết sức quan trọng. Mối quan hệ giữa học và hành một lần nữa được nhấn mạnh qua câu: "Học đi đôi với hành".

Học là sự hiểu biết, là vốn kiến thức của mỗi con người. Con người có học là con người biết suy nghĩ, có nhận thức, có sự hiểu biết. Hành là thực hành, thực hiện, vận dụng những lý thuyết đã học bằng việc làm thực tế. Học kết hợp với hành không phải là vừa học vừa làm. Cho giả dụ, nếu bạn vừa ngồi ăn cơm hay rửa chén, vừa học bài thì thử hỏi bạn có thuộc nổi không? Sự kết hợp ta nói đến ở đây là việc thực hiện những lý thuyết đã học nhằm hiểu rõ, nắm vững những vấn đề mà phần lý thuyết đó đề cặp đến để có thể vận dụng chúng một nhanh chóng, chính xác trong thực tế sau này. Như khi ta học lý thuyết môn toán Lượng giác ở trường, ta thực hành những lý thuyết đó bằng cách làm thật nhiều bài tập để có thể nắm vững những lý thuyết ấy.

Nói chung phương châm "học đi đôi với hành" là hoàn toàn chính xác. Nếu không kết hợp học với hành thì không thể đạt được hiệu suất cao trong công việc được. Bởi trong công việc cái người ta cần, quan tâm hàng đầu là sản phẩm, thành quả lao động chứ không phải là hiểu biết trên lý thuyết, một khi không đạt được chỉ tiêu đó thì dẫu cho có thành tích học tập tốt đến đâu thì ta cũng sẽ nhanh chóng bị xã hội đào thải, trở thành một kẻ thất bại đáng thương hại. Một kiến trúc sư đã tốt nghiệp ở trường đại học danh tiếng với thành tích học tập rất xuất sắc, vậy mà căn nhà do anh ta thiết kế ra lại không có chút thẩm mĩ, chất lượng ngôi nhà thì chỉ thuộc loại soàng soàng mà thôi. Một học sinh học tập rất tốt, điểm môn Công dân luôn cao, vậy mà khi ra đường trong thấy một bà lão ăn xin té ngã trên đường, không những không giúp đỡ mà ngược lại còn tỏ thái độ coi thường ghê tởm bà ấy, thiếu thực hành về mặt học vấn thì còn bù đắp lại chứ thiếu thực hành ở mặt đạo đức thì thật không thể chấp nhận. Một ngôi nhà không hoàn hảo thì còn có thể tạm sử dụng hoặc xây dựng lại, còn một con người có đạo đức suy thoái thì chỉ là đồ vô dụng. Một khi gạo đã nấu thành cơm, dù có chỉnh sửa nữa thì cái ác tâm trong đầu cũng chẳng thể nào mất đi được, chỉ có nước đầu thai kiếp khác mới có thể sống tốt được, nếu không thì chỉ có thể làm hại người, xấu hổ đất nước mà thôi. Những ví dụ trên đã cho ta thấy phần nào tác hại của việc học không đi đôi với hành. Ngược lại, nếu bạn kết hợp tốt học với hành thì bạn sẽ đạt được nhiều thành tựu.

Không phải chỉ trong thời đại ngày nay mới cần phải kết hợp học với hành. Từ ngàn xưa, phương châm học kết hợp với hành đã được áp dụng không ít. Tuy nhiên, kiến thức của nhân loại vô cùng phong phú, khoa học kĩ thuật ngày càng cao, nếu không học tập sẽ bị lạc hậu, không phù hợp với những cái mới lạ của thế giới. Mà muốn đạt kết quả cao nhất trong việc học, sự kết giữa hợp học với hành là điều không thể thiếu. Trong thời đại ngày nay, xã hội ngày một phát triển, đất nước ngày một hội nhập với thế giới, phương châm kết hợp học với hành trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Là người học sinh, trong thời gian học tập ở nhà trường, chúng ta cần phải chăm chỉ học tập kết hợp đi đôi với hành. Học bao gồm cả văn hoá, chữ nghĩa và kinh nghiệm của cuộc sống để nâng cao trình độ văn hoá, tiếp thu công khoa học và công nghệ hiện đại, nâng cao về nhận thức, về chính trị xã hội. Tích cực lao động cần cù sáng tạo. Sẵn sàng tham gia vào sự nghiệp bảo vệ tổ quốc. Và sau này, khi bước vào đời thì phải tiếp tục nâng cao trình độ hiểu biết, nâng cao chuyên môn để làm việc có hiệu quả hơn.

Tóm lại, câu phương châm trên nêu rõ tầm quan trọng của sự kết hợp giữa học và hành. Thực hiện phương châm này đúng cách ta sẽ đạt hiệu quả cao trong học tập, tạo điều kiện thuận lợi cho sự nghiệp sau này, đồng thời góp phần tích cực vào việc xây dựng một đất nước phồn vinh tiến bộ.

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trong nhóm Lớp 11 thuộc chuyên mục Học tập của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
3 430
Bạn có thể tải về tập tin thích hợp cho bạn tại các liên kết dưới đây.
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi