Phân tích Chợ tết cực hay

Chợ Tết của nhà thơ Đoàn Văn Cừ là một bài thơ hay ghi lại một cách sống động cảnh sinh hoạt tiêu biểu của làng quê trong phiên chợ tết khi xưa. Trong bài viết này Hoatieu xin chia sẻ một số bài văn mẫu phân tích bài thơ Chợ tết, cảm nhận bài thơ Chợ tết để cùng cảm nhận bức tranh về phiên chợ Tết xưa đầy màu sắc và sống động của bút pháp của tác Đoàn Văn Cừ.

1. Dàn ý phân tích Chợ tết

Dàn ý phân tích Chợ tết

2. Phân tích bài thơ Chợ tết

Cứ mỗi dịp Tết đến xuân sang, trăm hoa đua nở, vạn vật đâm chồi như được tiếp thêm sức sống mới. Người người, nhà nhà nô nức sắm sửa cây đào, cây mai, gói những chiếc bánh chưng xanh mướt bên bếp than hồng. Trẻ nhỏ vui ca, nô đùa háo hức chờ đợi những bao lì xì đỏ thắm. Những hình ảnh đó chính là nét văn hóa đẹp đẽ đáng được lưu giữ từ bao đời nay. Nét đẹp đó cũng đã được gửi gắm vào thơ ca của các nhà thơ nổi tiếng. Không thể không kể đến bài thơ “Chợ Tết” của Đoàn Văn Cừ.

“Chợ Tết” là bài thơ lột tả được toàn cảnh không khí ngày xuân đón Tết của làng quê Việt Nam bình dị nhưng chất chứa bao yêu thương chan hòa. Không khí Tết Xuân trong bài thơ vừa mang nét cổ kính xa xưa, vừa mang nét hiện đại với nhiều hình ảnh, ca từ sắc nét được thổi hồn sống động bởi tâm hồn thơ ca dạt dào sức sống.

Mở đầu bài thơ ta đã thấy được khung cảnh Tết nhộn nhịp vào buổi sáng tinh mơ khi bình minh vừa ló dạng

Dải mây trắng đỏ dần trên đỉnh núi,

Sương hồng lam ôm ấp nóc nhà tranh,

Trên con đường viền trắng mép đồi xanh,

Người các ấp tưng bừng ra chợ Tết.

Một ngày mới bắt đầu với dải mây trắng đỏ, làn sương hồng rực bởi ánh mặt trời chiếu rọi như những viên pha lê lấp lánh ôm lấy nóc nhà tranh. Con đường thôn quê uốn lượn bên mép đồi như những dải lụa xanh đưa bước người cáp ấp nô nức, tưng bừng ra chợ Tết. Tất cả những hình ảnh đó hiện lên bừng sáng, rực rỡ ánh mặt trời bởi nghệ thuật kết hợp từ ngữ hài hòa, không kém phần đặc sắc.

Qua bức tranh thiên nhiên choáng ngợp, hình ảnh con người nổi bật với tinh thần tươi mới, niềm vui, niềm hạnh phúc chào đón Xuân sang:

Họ vui vẻ kéo hàng trên cỏ biếc

Những thằng cu áo đỏ chạy lon xon

Vài cụ già chống gậy bước lom khom

Cô yếm thăm che môi cười lặng lẽ

Thằng em bé nép đầu bên yếm mẹ

Hai người thôn gánh lợn chạy đi đầu

Con bò vàng ngộ nghĩnh đuổi theo sau.

Chợ Xuân náo nhiệt, mỗi người một vẻ nhưng lại hòa quyện đến lạ thường. Những dòng người nối hàng dài trên đồng cỏ xanh biếc, những bước chân “lon xon” của cậu bé áo đỏ là tâm trạng háo hức, vui mừng tíu tít chảy hội Xuân. Cụ già chống gậy “lom khom” hay sự e thẹn của cô yếm thắm với nụ cười duyên dáng, em bé nép đầu bên yếm mẹ vì bỡ ngỡ, e ngại lần đầu được đi chợ Xuân. Tất cả điều đó góp phần cho bức trnah màu Xuân thêm sinh động. Tăng thêm phần dí dỏm, ngộ nghĩnh là hai hình ảnh người gánh lợn chạy đi đầu và chú bò vàng đuổi theo sau. Ta cảm nhận được nhà thơ dường như cũng đang nở nụ cười trước khung cảnh ngày Xuân tưng bừng, nhộn nhịp. Cảnh vật đen sen con người khiến không khí chợ Tết quê hương vô cùng rực rỡ.

Dưới ánh nắng bình minh buổi sớm, mọi cảnh vật và con người hiện lên thật tráng lệ với dấu ấn thời gian:

Sương trắng rỏ đầu cành như giọt sữa

Tia nắng tía nháy hoài trong ruộng lúa

Núi uốn mình trong chiếc áo the xanh

Đồi thoa son nằm dưới ánh bình minh

...

Những mẹt cam đỏ chót tựa son pha

Thúng gạo nếp đong đầy như núi tuyết

Con gà trống màu thâm như cục tiết

Một người mua cầm cẳng dốc lên xem

Từ giọt sương trắng “rỏ” đầu cành đến tia nắng tía “nháy” hoài, núi “uốn” mình bởi màu xanh biếc của rừng cây, dải đồi đỏ rực nhưu “thoa” son bởi ánh bình minh. Cảnh vật đó được tác giả khéo léo nhân hóa mang đậm nét tình người. Thiên nhiên tươi đẹp chiếu rọi lên những hoạt động của con người, đồ vật. Người mua bán tấp nập ra vào chợ, chú trâu vờ ngủ nghe lỏm những câu chuyện bô bô, anh hàng tranh hăng hái quẩy đôi bồ để đem đi bán, thầy khóa chăm chú gò lưng viết thơ Xuân, cụ đồ nho thể hiện tài viết câu đối đỏ. Hình ảnh bà cụ tóc bạc trắng nhuốm màu thời gian trôi chính là minh chứng cho thời gian, dù dòng chảy của thời gian vẫn không ngừng chảy trôi nhưng con người chỉ sống được một đời. Từ đó nói lên tâm tư đầy sâu lắng về con người hiền từ, nhân hậu. Đoàn Văn Cừ sử dụng những câu từ giản dị để miêu tả phiên chợ sống động với các sản phẩm đặc trưng, mang đậm bản sắc dân tộc Việt: trẻ con mải miết ngắm tranh gà, những cô gái trẻ say mê anh chàng bán pháo, những mẹt cam chín tựa son pha, thúng gạo đầy ắp, trắng nõn nà như núi tuyết. Tác giả còn tô điểm thêm nét đáng yêu bằng món hàng không thể thiếu vào dịp Tết là “ con gà trống màu thâm như cụ tiết được người mua dốc ngược lên xem”. Hình ảnh con gà trống mang nét trang nghiêm vì là vật tế được dâng lên cúng gia tiên vào đêm giao thừa cầu cho một năm mới sung túc, no đủ, đó là phong tục tốt đẹp được lưu truyền bao đời nay.

Bức tranh chợ Tết nhộn nhịp không chỉ vào ban ngày mà tưng bừng đến tối mịt:

Chợ tưng bừng như thế đến gần đên

Khi chuông tối bên chùa văng vẳng đánhTrên con đường đi các làng hẻo lánh

Những người quê lũ lượt ra về

Ánh dương vàng trên cỏ kéo lê thê

Lá đa rụng to bời quanh quán chợ.

Chợ Tết nhộn nhịp đến tận lúc chuông chùa vẳng đánh. Con đường lụa xanh biếc nay ủ rũ dưới ánh chiều tà, dòng người lũ lượt kéo về sau ngày hội vui tươi.

Bài thơ “Chợ Tết” của Đoàn Văn Cừ khắc họa thành công bức tranh dân gian đầy thơ mộng, bình dị của chợ Xuân làng quê. Qua đó cũng thể hiện cuộc sống bình yên, tâm hồn tươi mới của con người giữa bộn bề tấp nập. Đồng thời, tô đậm bản sắc văn hóa đẹp đẽ của dân tộc, khát khao được hòa mình vào nét đẹp truyền thống mà đã bị phai nhạt dần bởi nhịp sống hiện đại.

3. Cảm nhận bài thơ Chợ tết

Thời gian chảy trôi, nhưng những hương sắc của dân tộc một thời vẫn còn vẹn nguyên trong những vần thơ bình dị, tươi vui ấy; để đến hôm nay, mỗi khi nhắc đến thơ Tết không thể không nhắc đến “Chợ Tết”.

Bài thơ là bức tranh rực rỡ màu sắc, đầy rẫy sự sống và rộn rịp những hình sắc tươi vui. Ta cảm nhận rõ trong đó một hồn quê, một không khí dân tộc đậm đà, lắng đọng. Nó thể hiện trước hết ở khung cảnh thiên nhiên chan hoà, từ khi sương còn giăng mắc không gian:

Dải mây trắng đỏ dần trên đỉnh núi

Sương hồng lam ôm ấp nóc nhà gianh

đến lúc bình minh đã thức dậy mang theo những tia nắng chan hoà:

Sương trắng rỏ đầu cành như giọt sữa

Tia nắng tía nháy hoài trong ruộng lúa,

Núi uốn mình trong chiếc áo the xanh

Đồi thoa son nằm dưới ánh bình minh.

Một thiên nhiên sống động với “mây”, sương”, “nắng”, “núi”; lung linh với đủ các sắc màu: trắng, đỏ, hồng xanh; ...Tất cả hoà quyện đan chéo nhau tạo nên một bức tranh ngồn ngộn nhựa sống. Đoàn Văn Cừ đã thổi hồn vào thiên nhiên, biến chúng thành những sinh thể sống.

Ta như cảm nhận được biết bao tình cảm chan chứa trong cái “ôm ấp” của dải sương hồng, thích thú với cái nháy mắt tinh nghịch, nhí nhảnh của tia nắng tía; say đắm trước sự thướt tha, điệu đà trong dáng “uốn mình” của núi; và bao yên bình, ấm áp trong khung cảnh “đồi thoa son nằm dưới ánh bình minh”. Cả một thiên nhiên đang cựa mình trong buổi sớm mùa xuân.

Là một nhà thơ trong thời kì cực thịnh của thơ ca lãng mạn, Đoàn Văn Cừ không đi theo bước chân của những lãng tử tìm đến với mạch nguồn cảm hứng ở thế giới phiêu linh, mà tự tách ra, đưa hồn thơ về nương náu nơi làng quê Việt, lưu giữ lại những nét văn hoá cổ truyền trong đời sống dân tộc.

Chính sự tha thiết với những bản sắc quê hài hoà với một hồn thơ phong phú, tinh nhậy đã giúp Đoàn Văn Cừ mới nắm bắt được những khoảnh khắc diệu kì của thiên nhiên như thế.

Thiên nhiên sống động ấy là nền cho bức tranh về cuộc sống sinh hoạt náo nhiệt trong buổi chợ Tết nơi vùng núi.

Đó thực sự là những nét vẽ khoẻ khoắn, chân thực về đời sống phong tục của dân tộc, về một nét văn hoá cổ truyền trong ngày Tết.

Đoàn Văn Cừ đã theo sát bước chân của những cư dân miền núi, từ lúc “Người các ấp tưng bừng ra chợ Tết”, cho đến lúc kết thúc một ngày, khi “những người quê lũ lượt kéo nhau về”. Tất cả đã tạo nên một không khí sinh hoạt nhộn nhịp, tấp nập trong ngày cuối năm. Trước tỉên là không khí náo nhiệt trên con đường của buổi sớm mai khi người quê “lũ lượt” đi chợ Tết:

“Người các ấp tưng bừng ra chợ Tết

Họ vui vẻ kéo hàng trên cỏ biếc

Những thằng cu áo đỏ chạy lon xon

Vài cụ già chống gậy bước lom khom,

Cô yếm thắm che môi cười lặng lẽ,

Thằng em bé nép đầu bên yếm mẹ,

Hai người thôn gánh lợn chạy đi đầu

Con bò vàng ngộ nghĩnh chạy theo sau.”....

Một khung cảnh hết sức chân thực, một bức tranh sống động, không chỉ có màu săc, hoạt động mà người dọc như còn cảm nhận được cả không khí, cả tâm trạng của những con người trong tranh.

Phải là một tâm hồn nhạy cảm, tinh tế, thấu hiểu sâu sắc con người nông thôn thì Đoàn Văn Cừ mới có được những nét vẽ chân xác như vậy. Chỉ là những sự vật, con người đặt cạnh nhau, tưởng chừng sẽ gây nhàm chán, như một đoạn văn tả chân. Nhưng ta lại có thể dễ dàng nhận ra tài năng của Đoàn Văn Cừ chính là qua những hình ảnh tưởng chừng khô cứng ấy – đó chình là cái hồn của con người quê được ông nắm bắt.

Trong những bước chạy “lon xon” của các cậu bé là cả một tâm trạng háo hức, một niềm vui bồng bột và ngây thơ của trẻ nhỏ trong ngày chợ Tết, được mặc áo mới, được chơi thoả thích. Cái “che môi cười lặng lẽ” của những “cô yếm thắm” là cái cười e lệ, duyên dáng, ý tứ của các cô gái quê.

Hành động “nép đầu bên yếm mẹ”là sự lột tả chính xác nhất sự rụt rè, ngơ ngác, bỡ ngỡ, e dè của các em nhỏ thôn quê lần đầu được đến với một phiên chợ Tết với bao điều mới mẻ và lạ lẫm.

Trong bức tranh ấy còn có cả sự thâm trầm trong những bước chống gậy “lom khom” cảu các cụ già, có cái tất bật, vội vã của những người buôn bán.... Chỉ ở một ngòi bút tinh tế, một tâm hồn nhạy cảm, một tấm lòng gắn bó tha thiết với cuộc sống nơi thôn dã mới có được cái nhìn ấy, có được những nét vẽ có hồn dường vậy.

Và tâm trạng ấy theo họ vào chợ Tết, tạo nên một buổi chợ phiên tấp nập, rộn ràng. Cả một phiên chợ quê nơi vùng núi cao trong ngày giáp tết được Đoàn Văn Cừ đưa vào bài thơ một cách rất tự nhiên, dung dị mà vẫn đong đầy chất thơ.

Chất thơ được tạo nên không phải ở những hình ảnh thiên nhiên tráng lệ, mà chính từ hồn quê lẩn quất, giăng mắc khắp phiên chợ, một không khí rộn ràng bao trùm, từ con người đến các loài vật và trong chính nhữngsản vật đặc trưng cho một miền quê trong ngày Tết. Người - vật - cảnh hoà hợp tạo nên một không khí Tết đong đầy: vui vẻ, tấp nập, rộn rịp. Không khí ấy được khái quát bằng một câu thơ:

“Người mua bán ra vào đầy cổng chợ”

Câu thơ 7 chữ, không có những từ ngữ chau chuốt; thuần tuý, giản dị như một lời nói thường của người dân quê mà toát lên được vẻ sôi động của phiên chợ. Đó chẳng phải là bản lĩnh của một cây bút tài năng sao?

Bản lĩnh ấy giúp Đoàn Văn Cừ không ngần ngại đưa vào thơ mình những cái phồn tạp của cuộc đời, bằng một giọng thơ hết sức khoẻ khoắn giúp cho phiên chợ hiện lên hết sức chân thực:

“Con trâu đứng vờ dim hai mắt ngủ

Để lắng nghe người khách nói bô bô

..........................................................

Con gà sống mào thâm như cục tiết

Một người mua cẩm cẳng dốc lên xem”

Hình ảnh đầu tiên và cuối cùng trong đoạn hai đều là những nét vẽ về loài vật: con trâu và con gà. Tưởng chừng sẽ không là khiên cưỡng khi nhận ra ở đây một dụng ý của Đoàn Văn Cừ: đó là những loài vật gắn bó thân thiết với đời sống người dân quê, là những người bạn, trong công việc đồng áng, trong các tục lệ của họ.

Vì vậy để đi tìm một nét đặc trưng cho cuộc sống làng quê, cho một phiên chợ quê còn gì gần gũi hơn con trâu, con gà. Nhưng nổi bật hơn cả trong bức tranh của phiên chợ Têt vẫn là sự tấp nập của con người:

Anh hàng tranh kĩu kịt quảy đôi bồ

Tìm đến chỗ đông người ngồi dở bán

Một thầy khoá gò lưng trên cành phản

Tay mài nghiên hí hoáy viết thơ xuân.

Cụ đồ nho dừng lại vuốt râu cằm

Miệng nhẩm đọc vài hàng câu đối đỏ

Bà cụ lão bán hàng bên miếu cổ

Nước thời gian gội tóc trắng phau phau.

Chú hoa man đầu chít chiếc khăn nâu

Ngồi xếp lại đống vàng trên mặt chiếu

Áo cụ lí bị người chen sấn kéo

Khăn trên đầu đương chít cũng bung ra

Lũ trẻ con mài ngắm bức tranh gà

Quên cả chị bên đường đang đứng gọi

Mấy cô gái ôm nhau cười rũ rượi

Cạnh anh chàng bán pháo dưới cây đa.

Một đoạn thơ ngắn mà dựng nên cả một bức tranh chân thực sinh động của một phiên chợ quê trong ngày Tết. Phiên chợ ấy tập hợptất cả con người quê: từ già đến trẻ, từ gái đến trai, từ dân thường đến quan lại, từ người buôn bán đến cụ đồ nho. Tất cả đều có chung một tâm trạng: háo hức, vui vẻ.

Tài năng độc đáo của Đoàn Văn Cừ là ở chỗ đã biết khắc hoạ những nét riêng biệt trong cái chung đó, phù hợp với đặc điểm của từng đối tượng trong phiên chợ. Ta có thể cảm nhận trong tiếng “kĩu kịt” của gánh hàng trên vai anh hàng tranh là cả một sự khẩn trương, một niềm mong mỏi vào phiên chợ đông người.

Trong dáng “gò lưng” của thầy khoá để “hí hoáy viết thơ xuân” là cả một sự ngưng tụ tinh hoa của đất trời, được dồn vào những nét bút tài hoa, như một sự khởi đầu may mắn cho năm mới.

Cái dáng trầm ngâm “vuốt râu cằm”, “miệng nhẩm đọc vài hàng câu đối" của cụ đồ Nho là dáng dấp của sự chiêm nghiệm.

Cái không khí xuân đang đến gần và cái vui vẻ của buổi chợ khiến cho cụ Lí – vốn được biết đến qua những hình ảnh nghiêm nghị, vậy mà trong buổi chợ, lại hiện lên hết sức dân dã, đời thường, hoà chung với không khí xô bồ của buổi chợ cuối năm:

Áo cụ Lí bị người chen sẫn kéo

Khăn trên đầu đương chít cũng bung ra.

Rồi tâm trạng của những cậu bé, những cô gái đi chơi chợ Tết đều được Đoàn Văn Cừ vẽ nên qua những nét vẽ khoẻ khoắn, tinh xác.

Nhưng điểm nhấn lắng đọng nhất trong đoạn thơ chính là hình ảnh về bà cụ lão:

Bà cụ lão bán hàng bên miếu cổ

Nước thời gian gội tóc trắng phau phau.

Giữa những câu thơ tả chân chặt chẽ, hai câu thơ trên chen vào đầy bất ngờ, vụt ngời lên như một luồng sáng giữa bức tranh.

Con người hiện lên như một nhân chứng lịch sử, chứng kiến bước chảy trôi của thời gian. Hai hình ảnh: “bà cụ lão”và “miếu cổ” được đặt nằm cạnh nhau, như một sự soi chiếu, một sự đối ứng, gợi lên bao ý nghĩa sâu sắc.

Có ai đó đã nói, chỉ cần một câu thơ cũng đủ để làm nên sức sống cho một bài thơ, đủ để chứng tỏ tài năng của người cầm bút.

Điều đó hoàn toàn đúng trong trường hợp này, với Đoàn Văn Cừ. Bài thơ tươi vui nhưng không hời hợt, có độ sâu lắng chính một phần là nhờ ở câu thơ đó.

Nhưng phiên chợ không kéo dài mãi, sự nhộn nhịp cũng theo thời gian bị lắng dần xuống. “Khi chuông tối bên chùa văng vẳng đánh” cũng là lúc “Những người quê lũ lượt trở ra về”. Bức tranh được khép lại bằng một hình ảnh buồn:

“Ánh dương vàng trên cỏ kéo lê thê

Lá đa rụng tơi bời quanh quán chợ”

Những câu thơ như khép lại một thế giới và mở ra một thế giới: khép lại thế giới thực, mở ra thế giới mộng. Khi khung cảnh thực trước mắt vừa tan biến đi, thì cũng là lúc tình trong lòng vừa nhóm lên.

Ta có thể nhận ra ở đây cả một tâm trạng bâng khuâng, một nỗi niềm nao nao. Nó tạo nên một âm hưởng sâu lắng, một tiếng ngân dài trong lòng độc giả. Nhiều người cho rằng đây là hạn chế của Đoàn Văn Cừ, khimột bài thơ vui, một không khí rộn ràng như thế lại được kết thúc bằng một câu thơ buồn.

Nhưng ta nên hiểu đây là tâm trạng chung của cả một thế hệ đương thời, nỗi niềm chung của những con người đang sống trong cảnh đất nước tù đầy, nô lệ.

Thơ xưa luôn đề cao “thi trung hữu hoạ”. Trong thơ Đoàn Văn Cừ có họa. Nhưng đó không phải chỉ đơn sơ vài nét như các bức tranh xưa của Á Đông. Bức tranh nào của ông cũng ngồn ngộn nhựa sống, là một thế giới linh hoạt.

“Người xem tranh hoa mắt vì những nét, những màu hình như rối rít cả lại; nhưng nhìn kĩ thì màu nào, nét nào cũng ngộ nghĩnh vui vui”. Có thể nói, Đoàn Văn Cừ là nhà thơ đặc biệt nhạy cảm với màu sắc. “Chợ Tết” là một bức tranh như thế.

Trong dòng thơ về làng quê phải kể đến: Nguyễn Bính, Đoàn Văn Cừ, Anh Thơ, Bàng Bá Lân. Nếu như Anh Thơ là nhà thơ của bức tranh cảnh quê, Bàng Bá Lân thích viết về nhưng cảnh lao động làng quê, còn Nguyễn Bính có biệt tài đi vào thế giới tâm tình của những con người nhà quê thì Đoàn Văn Cừ lại đặc biệt thành công ở những cảnh sinh hoạt làng quê, nhất là những sinh hoạt văn hoá mang màu sắc dân gian, mang tính cộng đồng.

Và bao giờ Đoàn Văn Cừ cũng tìm được cái hồn quê sâu lắng từ chính những khung cảnh đời thường ít chất thơ ấy. Thơ ông là bảo tàng lưu giữ màu sắc dân tộc.

Vì vậy mà Hoài Thanh từng nói “trong các nhà thơ đồng quê, không ai có ngòi bút dồi dào mà rực rỡ như Đoàn Văn Cừ.”

“Chợ Tết” đã là một minh chứng cho nhận định đó. Cái tài độc đáo của Đoàn Văn Cừ ở đây là sự thể hiện được cái hồn vía của dân tộc, của con người làng quê, của một phong tục Việt.

Bất kì ai đã từng sống ở nông thôn đều có thể nhận ra dược hình bóng quê mình trong “Chợ Tết”. Cứ ngỡ như thi sĩ đã bê nguyên vẹn một phiên chợ quê trong ngày Tết đặt vào thi phẩm của mình. Nhưng quen thuộc mà vẫn thấy thú vị, thấy mới mẻ, lạ lẫm. Bởi nó là một phiên chợ diển hình.

Để làm nên được cái điển hình đó, Đoàn Văn Cừ đã thực sự thấu hiểu sâu sắc phong tục làng quê và điều đó chỉ có được ở một tâm hồn biết sống trọn vẹn với quê hương đất nước mình.

Qua gần trăm năm, khi những dâu bể của cuộc đời làm cho nhiều nét văn hoá biến thiên thì “chợ Tết” của Đoàn Văn Cừ chính là một tư liệu sống về một phiên chợ quê một thời của dân tộc.

Mỗi lần đọc “Chợ Tết” là một lần được sống lại với không khí Tết của ông cha ngày nào, thêm yêu những nét văn hoá cổ truyền của dân tộc.

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên chuyên mục Lớp 8 của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
1 87
0 Bình luận
Sắp xếp theo