Phân tích bài thơ Con yêu mẹ của Xuân Quỳnh

Phân tích bài thơ Con yêu mẹ

Nhắc đến nữ sĩ Xuân Quỳnh, độc giả sẽ nhớ ngay đến một hồn thơ dịu dàng, nữ tính, luôn khát khao tình yêu và hạnh phúc gia đình. Với góc độ là người mẹ nên bà thấu hiểu tâm lý của em thơ. Viết cho các em cũng là viết cho mình những mong ước của mình, trong số đó có bài “Con yêu mẹ” - một bài thơ trong trẻo, ngộ nghĩnh, đáng yêu thấm đẫm tình con dành cho mẹ. Sau đây là bài văn mẫu phân tích bài thơ Con yêu mẹ hay và chi tiết, mời các bạn cùng tham khảo.

Phân tích một tác phẩm văn học thơ Con yêu mẹ

Nhà thơ Xuân Quỳnh từng thổ lộ: “Thơ tôi đó là món quà của một bạn nhỏ ngày xưa tặng các bạn nhỏ bây giờ”. Quả đúng như thế, thơ viết về tình cảm của mẹ dành cho con thì nhiều nhưng thơ viết về tỉnh yêu của con với mẹ có lẽ chỉ có Xuân Quỳnh mới diễn tả thật ngộ nghĩnh, trong trẻo và dễ thương. Đặc biệt cái tình mẫu tử ẩm áp tốt lành ấy đã gieo vào lòng con trẻ sự vị tha và tình yêu thương cao thượng. Làm sao không nhớ không yêu một bài thơ như bài thơ “Con yêu mẹ” của nữ sĩ Xuân Quỳnh!

Nhắc đến nữ sĩ Xuân Quỳnh, độc giả sẽ nhớ ngay đến một hồn thơ dịu dàng, nữ tính, luôn khát khao tình yêu và hạnh phúc gia đình. Thơ Xuân Quỳnh là tiếng lòng thành thực của một tâm hồn phụ nữ với cách cảm, cách nghĩ đặc trưng của giới mình, là “tiếng nói tâm tình về những ngọt bùi, đắng cay ở đời, tiếng nói của tình yêu và tình mẫu tử”. Có thể nói bên cạnh màng đề tài về tình yêu, những bài thơ Xuân Quỳnh viết cho những đứa con thân yêu của mình, cho thiếu nhi cũng là những vần thơ đẹp, bao nhiêu năm qua vẫn luôn tỏa nguồn sáng ấm áp trong lòng độc giả yêu thơ. Với góc độ là người mẹ nên chị thấu hiểu tâm lý của em thơ. Viết cho các em cũng là viết cho mình những mong ước của mình, trong số đó có bài “Con yêu mẹ”- một bài thơ trong trẻo, ngộ nghĩnh, đáng yêu thấm đẫm tình con dành cho mẹ.

Bài thơ “Con yêu mẹ” của nữ thi sĩ Xuân Quỳnh là lời thỏ thẻ của con và lời thủ thỉ của mẹ đang trò chuyện cùng nhau. Ở đây, nữ sĩ dùng cách hỏi đối thoại và trả lời để tạo ra tình huống như một trò chơi “trốn tìm” trẻ em thường thích được khám phá với sự tò mò như thể. Người đọc có thể hình dung ra cảnh người mẹ đang ôm đứa con vào lòng và hỏi: “Con có yêu mẹ không?”. Và sau khi đứa con trả lời xong, hằn người mẹ nào cũng hỏi tiếp: “Con yêu mẹ như thế nào?”. Và như thế câu chuyện của hai mẹ con cứ được tiếp tục bằng những câu hỏi đáp mà nhiều khi chỉ có trái tim người mẹ và sự hồn nhiên vô tư của con mới có thể cảm nhận được. Với câu hỏi “Con yêu mẹ thế nào?”, so sánh với những hoàn cảnh riêng đã tạo ra sự phấp phòng, đợi chờ như một màn kịch nhỏ mà sân khấu ở đây chỉ có hai nhân vật là mẹ và con.

Bài thơ được mở đầu bằng câu trả lời của con trẻ:

“Con yêu mẹ bằng ông trời

Rộng lắm không bao giờ hết”

Đối với con mắt trẻ thơ cái rộng lớn nhất chính là ông trời, không có cái gì to tát, lớn lao hơn thế. Trẻ con thường lấy hình ảnh đó để chứng tỏ mức độ tột cùng của so sánh. Trước hết đó là “Con yêu mẹ bằng ông trời” - mở ra một khoảng không gian bao la rộng lớn, có gì đó hơi viễn tưởng bởi như mẹ nói thật có lý: “Trời rất rộng lại rất cao – Mẹ mong bao giờ con tới”. Một quãng đường xa dằng dặc làm sao con đến với mẹ được? Hiểu điều đó, con đã thu hẹp không gian, gần gũi hơn “Con yêu mẹ bằng Hà Nội” để “Từ phố này đến phố kia – Con sẽ gặp ngay được mẹ”. Rõ ràng trong tư duy của con trẻ cũng có cái lý riêng. Mẹ nhất định ở dưới ông trời và ở trong thành phố Hà Nội. Con yêu mẹ bằng Hà Nội chính là để được chạy tung tăng đi tìm mẹ qua những ngõ phố gắn bó với tuổi thơ. Nhưng “Con đường như nhện giăng tơ” làm sao mà dễ dàng “Gặp mẹ làm sao cho hết”. Từ không gian lớn đến không gian hẹp hơn, đây cũng là phép tỉnh khoanh vùng lại để tìm ra đáp số. Với tư duy của trẻ thơ, đứa con muốn lấy muôn vật từ lớn đến nhỏ, từ những gì cao rộng nhất đến những cái gần gũi và thân thiết nhất để diễn tả tình cảm của con với mẹ. Hà Nội - thành phố có ngôi nhà nhỏ của con, có những con đường đã trở nên quen thuộc, con sẽ gắn với lòng yêu mẹ... Tuy nhiên, Hà Nội vẫn còn rộng lắm. Thế thì có trường học là nơi con đến hàng ngày, vậy nên: “Con yêu mẹ bằng trường học/ Suốt ngày con ở đấy thôi”, như vậy hai mẹ con sẽ suốt ngày được ở bên nhau: “Lúc con học lúc con chơi/ Là con cũng đều có mẹ”. Nhưng đó chỉ là ban ngày “Nhưng tối con về nhà ngủ - Thế là con lại xa trường” mà mẹ thì muốn ở bên con mãi mãi, kể cả trong khi chơi, khi ngủ. Và thật bất ngờ - Vâng, yếu tố bất ngờ luôn là sự hấp dẫn khi viết cho trẻ thơ. Và cuối cùng tình yêu của con với mẹ được diễn tả bằng một hình ảnh vô cùng “trẻ thơ”:

“À mẹ ơi có con dế

Luôn trong bao diêm con đây

Mở ra là con thấy ngay

Con yêu mẹ bằng con dế”

“Con yêu mẹ bằng con dế” vì con dế: “Còn trong bao diêm con đó – Mở ra là con thấy ngay”. Ví yêu mẹ bằng con dế thì chỉ có các bạn nhỏ mới có liên tưởng ngộ nghĩnh và thân thiết này. Bởi tất cả những sự ví von trên đều là đồ vật không gian to lớn, xa vời. Chỉ có con dễ là con vật bạn chơi với con, gắn bó với con hằng ngày thật sinh động. Con dế có tiếng gáy rì rì mờ tỏ trong ngôi nhà là chiếc vỏ bao diêm xinh xắn mà con luôn mang bên mình. “Yêu mẹ bằng con dế”, người lớn có thể bật cười nhưng sau đó lại ngân ngấn nước mắt bởi tình cảm của trẻ nhỏ thật vô tư và cũng hồn nhiên đằm thắm. Hình ảnh “con dế” xem ra ngộ nghĩnh đáng yêu và tạo hiệu quả về mặt tình cảm với người mẹ. “Con yêu mẹ bằng con dế” mới chính là tình cảm thực của con trong cách hình dung của trẻ nhỏ. Tình cảm đó đâu phải là cái gì quả trừu tượng mà rất cụ thể gần gũi thân thiết như vật bên con hàng ngày. Con dế là kết quả bài học tình cảm mà đứa con nhận được thông qua quá trình vận động tư duy theo lời dẫn dắt khéo léo tự nhiên của người mẹ. “Giá có cái gì gần hơn/ Con yêu mẹ bằng cái đó”. Và liên tưởng của đứa con khiến cho người mẹ và người đọc bật cười thú vị bởi tư duy vừa quen vừa lạ. Tình cảm của con dành cho mẹ được chọn những điều to lớn nhất để so sánh vì những thứ nhỏ bé, không thể nào chứa hết tình cảm cho mẹ. Và người con có những sự so sánh dễ thương, ngộ nghĩnh khiến cho câu thơ thêm sinh động. Đó là một thứ tình cảm trong sáng, hồn nhiên nhất trên đời.

Tình mẫu tử luôn là thứ tình cảm thiêng liêng, đó là thứ tình cảm đầu tiên con người được tiếp xúc, đi cùng đến hết cuộc đời, giúp cho con người ta vượt qua những trở ngại của cuộc sống. Và đặc biệt cái tình mẫu tử ấm áp tốt lành ấy đã gieo vào lòng con trẻ sự vị tha và tình yêu thương cao thượng. Làm sao không nhớ không yêu một bài thơ như bài thơ “Con yêu mẹ” của nữ sĩ! Xuân Quỳnh viết cho trẻ thơ mà trước hết là cho những đứa con của mình bằng tất cả tình yêu thương. Nhà thơ thấu cảm đến tận đáy lòng những tâm tư, suy cảm của con trẻ, nhìn thế giới bằng con mắt trong veo của trẻ thơ. Vậy nên những vần thơ viết về tình mẫu tử của chị toát lên vẻ đẹp của một trái tim nhân hậu, đằm thắm và bao dung. Bài thơ “Con yêu mẹ” là bài thơ nói lên tất cả điều đó.

Đã từ rất lâu tình cảm gia đình luôn là đề tài mà các thi sĩ tìm đến. Trong đó có nhà thơ Xuân Quỳnh. Bài thơ “Con yêu Mẹ” của Xuân Quỳnh được đông đảo bạn đọc yêu thích. Bài thơ thể hiện tình cảm mẫu từ đầy ngọt ngào dưới đôi mắt hồn nhiên của trẻ thơ. Chỉ khi bạn đọc và suy ngẫm thì mới có thể cảm nhận hết được những vần thơ đầy cảm xúc và sâu sắc này.

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên chuyên mục Học tập - Lớp 9 của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
1 228
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm