Giáo án Lịch sử và Địa lí 4 Cánh Diều Trọn bộ Cả năm 2024

Tải về

Kế hoạch bài dạy môn Lịch sử - Địa lý lớp 4 năm 2024

Giáo án Lịch sử Địa lí 4 Cánh Diều hay còn gọi là Kế hoạch bài dạy Lịch sử - Địa lý bộ sách Cánh Diều, biên soạn theo hướng dẫn của công văn 2345. Mẫu bản word Giáo án Lịch sử và Địa lí 4 theo chương trình mới mang đến bài soạn mẫu Bài 4: Dân cư, hoạt động sản xuất và một số nét văn hóa ở vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ. Qua đó giúp giáo viên có thêm kinh nghiệm để xây dựng Kế hoạch bài dạy Sử Địa theo bộ sách giáo khoa mới được Bộ GDĐT phê duyệt. Mời quý thầy cô tải giáo án điện tử bản word Lịch sử - Địa lí lớp 4 miễn phí trong bài viết sau của HoaTieu.vn.

Lưu ý: Giáo án Lịch sử Địa lí 4 Cánh Diều trọn bộ cả năm (Học kì 1 + Học kì 2) đã cập nhật đến bài 20. Thầy cô tải file về máy để xem bản đầy đủ nhé.

KHBD Lịch sử - Địa lý lớp 4
KHBD Lịch sử - Địa lý lớp 4

Giáo án Lịch sử - Địa lí 4 Cánh Diều file word

BÀI 4: DÂN CƯ, HOẠT ĐỘNG SẢN XUẤT VÀ MỘT SỐ NÉT VĂN HÓA Ở VÙNG TRUNG DU VÀ MIỀN NÚI BẮC BỘ

(2 tiết)

I. YÊU CẦU CẦN ĐẠT

1. Kiến thức

Sau bài học này, HS sẽ:

  • Kể được tên một số dân tộc sinh sống ở vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ.
  • Hiểu và nhận xét được sự phân bố dân cư ở vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ thông qua lược đồ phân bố dân cư.
  • Nêu được một số cách thức khai thác tự nhiên ở vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ.
  • Mô tả được một số nét văn hóa của các dân tộc ở vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ (chợ phiên vùng cao, lễ hội Tồng Ngồng, múa Xòe Thái).

2. Năng lực

a. Năng lực chung:

  • Năng lực giao tiếp hợp tác: bước đầu sử dụng được ngôn ngữ kết hợp với hình ảnh, cử chỉ để trình bày thông tin về một số nét văn hoá ở vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ; thực hiện nhiệm vụ theo nhóm; trao đổi tích cực, có hiệu quả với thầy cô và bạn bè.
  • Năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo: khả năng giải quyết các nhiệm vụ học tập độc lập và theo nhóm; tư duy logic, sáng tạo khi giải quyết vấn đề.

b. Năng lực riêng:

  • Năng lực đọc hiểu và tự tìm kiếm được những thông tin về dân cư, hoạt động sản xuất, văn hoá đặc trưng của các dân tộc ở vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ.
  • Từ những nguồn tư liệu, nêu được nhận xét về đặc điểm, ý nghĩa của các nét văn hoá của các dân tộc ở vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đối với dân tộc đó nói riêng và đối với đất nước nói chung.
  • Khả năng sử dụng được các nguồn tư liệu lịch sử và địa lí để thảo luận về một nét văn hoá ở vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ.

3. Phẩm chất

  • Yêu nước: tôn trọng văn hóa của các dân tộc của đất nước.
  • Trách nhiệm: giữ gìn, phát huy, nhân rộng những giá trị văn hóa các dân tộc.

I. PHƯƠNG PHÁP VÀ THIẾT BỊ DẠY HỌC

1. Phương pháp dạy học

  • Vấn đáp, động não, trực quan, hoạt động nhóm, giải quyết vấn đề, lắng nghe tích cực.

2. Thiết bị dạy học

a. Đối với giáo viên

  • Giáo án, SHS, SGV, Vở bài tập Lịch sử Địa lí 4, phần Lịch sử.
  • Tranh ảnh, tài liệu sưu tầm về văn hóa ở vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ.
  • Máy tính, máy chiếu (nếu có).

b. Đối với học sinh

  • SHS, Vở bài tập Vở bài tập Lịch sử Địa lí 4, phần Lịch sử.
  • Tranh ảnh sưu tầm và dụng cụ học tập có liên quan đến nội dung bài học.

III. CÁC HOẠT ĐỘNG DẠY HỌC

HOẠT ĐỘNG CỦA GV

HOẠT ĐỘNG CỦA HS

A. HOẠT ĐỘNG KHỞI ĐỘNG

a. Mục tiêu: Tạo tâm thế tích cực, hứng thú học tập cho HS và kết nối với bài học mới.

b. Cách tiến hành

- GV yêu cầu HS xem video về ruộng bậc thang ở vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ và chia sẻ: Nếu được đi du lịch đến vùng này, em mong muốn được chiêm ngưỡng cảnh vật và nét văn hóa nào nơi đây?

https://www.youtube.com/watch?v=t1kDvQfakfU

- GV mời 2 – 3 HS chia sẻ.

- GV dẫn dắt HS vào bài học: Bài 4 Dân cư, hoạt động sản xuất và một số nét văn hóa ở vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ.

B. HOẠT ĐỘNG HÌNH THÀNH KIẾN THỨC

Hoạt động 1: Tìm hiểu về dân

a. Mục tiêu: Thông qua hoạt động, HS:

- Kể được tên một số dân tộc sinh sống ở vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ.

- Hiểu và nhận xét được sự phân bố dân cư thông qua việc quan sát lược đồ phân bố dân cư vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ.

b. Cách tiến hành

- GV tổ chức cho HS cả lớp thảo luận nhóm (4HS/nhóm).

- GV giao nhiệm vụ cho các nhóm: Đọc thông tin, quan sát hình 1 và thực hiện yêu cầu:

+ Kể tên một số dân tộc sinh sống ở vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ.

+ Nêu tên những tỉnh có mật độ dân số dưới 100 người/km2 và từ 100 đến 500 người/km2.

+ Nhận xét về sự phân bố dân cư ở vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ.

- GV mời đại diện một số nhóm trình bày kết quả thảo luận. Các nhóm khác lắng nghe, nhận xét, nêu ý kiến bổ sung (nếu có).

- GV nhận xét, đánh giá và kết luận:

+ Một số dân tộc sinh sống ở vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ: Kinh, Mường, Tày, Nùng, Thái, Mông, Dao…

+ Những tỉnh có mật độ dân số dưới 100 người/km2: Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La.

Những tỉnh có mật độ dân số từ 100 đến 500 người/km2: Lào Cai, Hà Giang, Yên Bái, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Phú Thọ, Hòa Bình, Bắc Giang, Quảng Ninh.

+ Nhận xét về sự phân bố dân cư:

· Dân cư thưa thớt

· Phân bố có sự khác nhau giữa miền núi và trung du. Ở những vùng cao thì dân cư thưa hơn các vùng thấp và đô thị.

Hoạt động 2: Tìm hiểu về hoạt động sản xuất

a. Mục tiêu: Thông qua hoạt động, HS:

- Nêu được một số cách thức sản xuất và khai thác tự nhiên của dân cư vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ.

- Lí giải được vì sao ở vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ lại có những cách thức sản xuất và khai thác tự nhiên đó.

b. Cách tiến hành

- GV chia lớp làm 6 nhóm (2 nhóm cùng thực hiện một nhiệm vụ học tập).

- GV phân chia nhiệm vụ cho từng nhóm:

+ Nhóm 1, 4: Tìm hiểu về hoạt động làm ruộng bậc thang.

· Ruộng bậc thang thường được làm ở đâu? Người dân làm ruộng bậc thang như thế nào?

· Người dân thường trồng cây gì trên ruộng bậc thang?

+ Nhóm 2, 5: Tìm hiểu về hoạt động xây dựng các công trình thủy điện.

· Nêu cách khai thác sức nước để sản xuất điện.

· Tìm và chỉ hai nhà máy thủy điện Hòa Bình và Sơn La trên hình 1 bài 3. Chia sẻ những thông tin em biết về hai nhà máy thủy điện này.

+ Nhóm 3, 6: Tìm hiểu về hoạt động khai thác khoáng sản.

· Tìm và chỉ vị trí các mỏ: than đá, sắt, đồng, thiếc, a-pa-tit trên hình 1 bài 3.

· Khai thác khoáng sản ở mỏ lộ thiên khác với khai thác khoáng sản trong hầm lò như thế nào?

- GV mời đại diện các nhóm trình bày kết quả thảo luận. Các nhóm làm cùng nội dung nhận xét, bổ sung (nếu có).

- GV nhận xét, đánh giá và kết luận:

a. Làm ruộng bậc thang

+ Ruộng bậc thang thường được làm ở sườn núi, sườn đồi có nguồn nước từ khe suối, có khả năng tạo mặt bằng, ít sỏi đá.

+ Người dân làm ruộng bậc thang bằng cách san thành các mặt bằng ruộng nối tiếp nhau như bậc thang và làm bờ để giữ nước, chặn đất khỏi bị xói mòn.

+ Người dân thường trồng lúa nước trên ruộng bậc thang.

b. Xây dựng các công trình thủy điện

+ Cách khai thác sức nước để sản xuất điện: đắp đập, ngăn sông tạo thành hồ lớn và dùng sức nước chảy từ trên cao xuống để chạy tua-bin sản xuất điện.

+ GV mở rộng kiến thức:

· Nhà máy thủy điện Hòa Bình được xây dựng tại tỉnh Hòa Bình, trên dòng sông Đà, được khánh thành vào năm 1994; có công dụng: phòng chống lũ lụt, phát điện, cung cấp nước tưới tiêu, phục vụ giao thông vận tải.

· Nhà máy thủy điện Sơn La được xây dựng tại tỉnh Sơn La, trên dòng sông Đà, được khánh thành vào năm 2012, là nhà máy thủy điện lớn nhất Việt Nam.

c. Khai thác thoáng sản

+ Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ là nơi có nhiều loại khoảng sản nhất nước ta.

+ Các hình thức khai thác:

· Với mỏ lộ thiên: chỉ cần bóc đi lớp đất, đá bên trên là lấy được khoáng sản.

· Với khai thác khoáng sản trong hầm lò: rất vất vả và nguy hiểm, cần có biện pháp để bảo đảm an toàn cho công nhân.

- GV đặt tiếp câu hỏi cho chung cả lớp: Tại sao ở vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ lại phát triển các hoạt động sản xuất như làm ruộng bậc thang, xây dựng các công trình thủy điện và khai thác khoáng sản?

- GV mời 1 – 2 HS trả lời câu hỏi. Các bạn khác nhận xét, bổ sung (nếu có).

- GV nhận xét và kết luận:

Vì vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ có địa hình dốc, sông dốc và nhiều nước và là nơi có nhiều khoáng sản nhất nước ta nên có những điều kiện thuận lợi để hình thành nên các hoạt động sản xuất trên.

Hoạt động 3: Tìm hiểu về một số nét văn hóa

a. Mục tiêu: Thông qua hoạt động, HS

- Kể được tên một số nét văn hóa đặc trưng của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ.

- Hiểu được đặc điểm, ý nghĩa, giá trị của những nét văn hóa đó.

- Mô tả được một nét văn hóa mà ấn tượng nhất với em.

b. Cách tiến hành

- GV tổ chức cho cả lớp thảo luận nhóm:

+ Chia lớp làm 6 nhóm (2 nhóm thực hiện cùng một nội dung)

+ GV phân công nhiệm vụ cho từng nhóm:

· Nhóm 1, 6: Tìm hiểu về chợ phiên vùng cao.

· Nhóm 2, 5: Tìm hiểu về lễ hội Tồng Ngồng.

· Nóm 3, 4: Tìm hiểu về nghệ thuật múa Xòe Thái.

- GV gọi đại diện các nhóm trình bày kết quả thảo luận của nhóm, các nhóm cùng nội dung lắng nghe, nhận xét, bổ sung (nếu có).

- GV nhận xét, đánh giá và kết luận:

a. Chợ phiên vùng cao

+ Thường họp vào những ngày nhất định.

+ Chợ phiên không chỉ là nơi mua bán, trao đổi hàng hóa mà còn là nơi gặp gỡ, vui chơi, giao lưu văn hóa của người dân.

+ Chợ phiên cũng là nơi lưu giữ những nét văn hóa đặc sắc về ẩm thực, trang phục.

GV cho HS xem video về chợ phiên vùng cao ngày Tết (lấy từ 1:22 đến 6:10)

https://www.youtube.com/watch?v=_hTQR1zabbI

b. Lễ hội Lồng Tồng

+ Còn được gọi là lễ hội xuống đồng của các dân tộc Tày, Nùng,… để cầu trời cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, đời sống ấm no.

+ Thường được tổ chức vào đầu mùa xuân.

+ Hoạt động chính của lễ hội là nghi thức xuống đồng.

+ Trong lễ hội có các trò chơi dân gian: kéo co, đẩy gậy, bịt mắt đập trống,…

GV cho HS xem video về lễ hội Lồng Tồng:

https://www.youtube.com/watch?v=35_-naEGsGw

GV cho HS xem thêm video về một số lễ hội khác:

+ Lễ hội Xương Giang (Bắc Giang):

https://www.youtube.com/watch?v=L_s86RUBm9k

+ Lễ hội Hoa Ban (Điện Biên): lấy từ 1:25 đến 7:30

https://www.youtube.com/watch?v=cx1NaRXoOJg

c. Xòe Thái

+ Là loại hình múa truyền thống, đặc sắc, có vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần người Thái.

+ Có nhiều điệu, trong đó xòe vòng là phổ biến nhất.

+ Năm 2021, nghệ thuật Xòe Thái được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

GV cho HS xem video về điệu múa xòe Thái: lấy từ 0:12 đến 1:00.

https://www.youtube.com/watch?v=LHDcW2BBkRs

C. HOẠT ĐỘNG LUYỆN TẬP

a. Mục tiêu: Giúp HS củng cố kiến thức đã học về đặc điểm dân cư, hoạt động sản xuất và một số nét văn hóa ở trung du và miền núi Bắc Bộ.

b. Cách tiến hành

GV tổ chức chơi trò chơi Ai nhanh hơn?

- GV chia HS cả lớp thành 2 đội chơi.

- GV lần lượt đọc các hỏi trắc nghiệm, các đội xung phong giành quyền trả lời. Đội nào có câu trả lời đúng và nhanh nhất, đó là đội chiến thắng.

- GV đọc câu hỏi:

Câu 1: Chợ phiên vùng cao có điểm khác biệt nào so với các chợ ở vùng đồng bằng?

A. Hàng hóa bày bán mộc mạc, không cầu kì.

B. Là nơi giao lưu văn hóa giữa các dân tộc.

C. Được tổ chức mỗi tuần một lần.

D. Tất cả A, B, C đều đúng.

Câu 2: Đâu là lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc ở vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ?

A. Lễ hội Đua bò bảy núi.

B. Lễ hội Lồng Tồng.

C. Lễ hội Bà chúa xứ núi Sam.

D. Lễ hội Tống Ôn.

Câu 3: Ý nào dưới đây đúng khi nói về Múa xòe Thái?

A. Là loại hình múa truyền thống đặc sắc, chiếm vị trí quan trọng trong đời sống của cộng đồng người Thái ở các tỉnh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ.

B. Múa xoè Thái thể hiện tinh thần bình đẳng, không phân biệt giới tính, độ tuổi của người Thái.

C. Nghệ thuật xoè Thái là biểu tượng cho nghệ thuật vũ đạo, âm nhạc, trang phục và ứng xử văn hoá của cộng đồng người Thái.

D. Tất cả A, B, C đều đúng.

Câu 4: Đặc điểm trang phục của con trai các dân tộc vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ là gì?

A. Trang trí công phu, màu sắc sặc sỡ.

B. Trang trí công phu, màu sắc đơn giản.

C. Đơn giản, có màu sẫm.

D. Đơn giản, màu sắc sặc sỡ.

Câu 5: Nhà máy thủy điện nào dưới đây là nhà máy thủy điện lớn nhất Việt Nam hiện nay?

A. Nhà máy thủy điện Sơn La.

B. Nhà máy thủy điện Lai Châu.

C. Nhà máy thủy điện Hòa Bình.

D. Nhà máy thủy điện Na Hang.

- GV mời các đội xung phong trả lời.

- GV nhận xét, đánh giá và tuyên bố đội thắng cuộc.

- GV chốt đáp án:

Câu

1

2

3

4

5

Đáp án

D

B

D

C

A

D. HOẠT ĐỘNG VẬN DỤNG

a. Mục tiêu: Thông qua hoạt động, HS vận dụng được kiến thức đã học vào thực tế cuộc sống.

b. Cách tiến hành

Lựa chọn 1 trong 2 bài tập sau:

+ Bài 1: Bạn Hoa và bạn Minh đang tranh luận về ảnh hưởng của việc xây dựng các công trình thủy điện đối với đời sống và sản xuất. Bạn Hoa nói: “Đắp đập ngăn sông để làm thủy điện đem lại nhiều lợi ích cho đời sống và sản xuất”. Bạn Minh nói: “Tớ lại nghĩ, làm thủy điện không chỉ mang lại lợi ích mà còn ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường và cuộc sống của người dân xung quanh”. Em đồng ý với ý kiến của bạn nào? Hãy nêu ví dụ để bảo vệ ý kiến của mình.

+ Bài 2: Tìm hiểu và giới thiệu về một lễ hội ở vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ.

- GV chia HS thành các nhóm nhỏ (4 – 6 HS/nhóm).

- Các nhóm sẽ bốc thăm lựa chọn bài tập và thực hiện yêu cầu bài tập ở nhà, tiết sau sẽ trình bày sản phẩm trước lớp.

- GV gợi ý cho các nhóm trình bày các thông tin theo gợi ý

+ Bài 1:

· Em đồng ý hay không đồng ý với ý kiến của bạn nào?

· Giải thích cho sự lựa chọn của em: sưu tầm những hình ảnh, sự kiện thể hiện lợi ích hoặc ảnh hưởng tiêu cực của việc xây dựng nhà máy thủy điện tới đời sống và sản xuất.

+ Bài 2: Vẽ sơ đồ tư duy trình bày thông tin về lễ hội mà nhóm HS tìm hiểu.

· Tên lễ hội.

· Thời gian diễn ra lễ hội.

· Hoạt động trong lễ hội.

· Ý nghĩa của lễ hội.

* CỦNG CỐ

- GV nhận xét, tóm tắt lại những nội dung chính của bài học.

- GV nhận xét, đánh giá sự tham gia của HS trong giờ học, khen ngợi những HS tích cực; nhắc nhở, động viên những HS còn chưa tích cực, nhút nhát.

* DẶN DÒ

- GV nhắc nhở HS:

+ Đọc lại bài học Dân cư, hoạt động sản xuất và một số nét văn hóa ở vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ.

+ Hoàn thành bài tập phần Vận dụng.

+ Đọc trước Bài 5 – Đền Hùng và lễ giỗ tổ Hùng Vương (SHS tr.25).

- HS xem video.

- HS chia sẻ, các HS khác lắng nghe.

- HS lắng nghe, chuẩn bị vào bài học.

- HS thảo luận nhóm.

- Đại diện nhóm trình bày kết quả thảo luận.

- HS lắng nghe, tiếp thu.

- HS thảo luận nhóm, thực hiện các nhiệm vụ được giao.

- Đại diện các nhóm trình bày kết quả thảo luận; các nhóm còn lại lắng nghe, nhận xét, bổ sung (nếu có).

- HS lắng nghe, tiếp thu.

- HS suy nghĩ.

- HS đứng dậy trả lời.

- HS lắng nghe, tiếp thu.

- HS thảo luận nhóm và thực hiện nhiệm vụ được giao.

- Đại diện các nhóm trình bày kết quả thảo luận, các nhóm khác lắng nghe, nhận xét, bổ sung (nếu có).

- HS lắng nghe, tiếp thu.

- HS xem video về chợ phiên vùng cao ngày Tết.

- HS xem những video về các lễ hội dân tộc.

- HS xem video về điệu múa xòe Thái.

- HS chia thành các đội chơi.

- HS lắng nghe GV phổ biến luật chơi.

- HS chơi trò chơi.

- HS lắng nghe.

- HS chia thành các nhóm.

- HS làm việc nhóm ở nhà, tiết sau trình bày sản phẩm trước lớp.

- HS lắng nghe.

- HS lắng nghe và thực hiện.

...................

Mời bạn đọc tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác tại mục Dành cho giáo viên thuộc chuyên mục Tài liệu nhé.

Đánh giá bài viết
18 14.343
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm