Đọc hiểu văn bản Người mẹ vườn cau

Người mẹ vườn cau là một tác phẩm truyện ngắn hay và ý nghĩa của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư. Truyện nói về kí ức của tác giả về người bà nội - một người mẹ anh hùng giàu đức hy sinh và đáng thương. Qua đó, gửi gắm đến người đọc thông điệp về sự biết ơn đối với thế hệ đi trước. Sau đây là mẫu đề đọc hiểu văn bản Người mẹ vườn cau có đáp án chi tiết, mời các bạn cùng tham khảo.

Văn bản Người mẹ vườn cau

Đề bài làm văn chỉ hai chữ "Người mẹ". Cô Hương bảo "Bình luận, chứng minh, hay miêu tả cách nào cũng được". Tôi cắn bút, nghĩ mãi bắt đầu như thế nào nhỉ?

Ba tôi có rất nhiều mẹ, tôi cũng có lắm bà Nội ở nhà cùng chú út. Nội ở Phố Đông, Nội ở vườn cau, Nội nào cũng già như nhau. Tôi nhớ khi còn nhỏ, ba dẫn về thăm Nội vườn cau. Hôm đó, mưa nhiều, con đường từ dưới bến lên nhà, đất bùn lẹp nhẹp, tôi ngã oàng oạch. Nhà Nội nhỏ xíu, mái lá đột tong tong. Đón ba, Nội gầy gò, cười phô cả lợi.

- Má tưởng con không về được, mưa gió tối trời vầy khéo cảm.

Bà vuốt đầu tôi.

- Tiên tổ mầy, sao mà giống cha quá vậy?

Hôm ấy bà giỗ chú Sơn. Trên cái bàn thờ con con thấp lè tè kia đến ba chiếc lư đồng, cái nào cũng nghi ngút khói. Bữa giỗ chỉ vài ba bác canh chua cá rô đồng, mắm kho, bông súng. Chưa bao giờ tôi được ăn lại nghe ngon như thế. Ba gắp thức ăn cho bà, bà gắp thức ăn cho tôi, đôn hậu bảo.

- Ăn cho mau lớn, con.

Tạnh mưa, mọi người lục đục đến, họ kéo gàu xối ào ào ngoài hiên nước. Ai cũng gọi nội bằng Má, "Má Tư". "Má Tư" ơi ới. Tôi hỏi:

- Ba ơi, sao nội đông con quá vậy?

Ba cười bảo:

- Tối, ba kể con nghe.

Một chú quần vo tới gối, tay cầm lồng vỗ vai ba cười ha hả.

- Tao biết chú mày về nên đem thịt rắn qua đây, tụi mình lai rai.

Rồi chú quay lại:

- Má ơi, cho tụi con vui một bữa với thằng Sơn nghen.

Bà Nội quấn lại cái khăn sờn lên tóc.

- Rồi vợ mày chạy lại méc má cho mầy coi.

Nội ôm tôi vào lòng, ngồi trên võng bố đưa kèn kẹt. Các chú thỉnh thoảng lại cười vang. Nội cũng cười, trông Nội vui lắm, cái vui như thức dậy sau đêm dài vươn mình ngắm bình minh. Ba tôi cùng các chú nói chuyện huyên thuyên, toàn là chuyện ngày xưa. Chú Biểu quần vo tới gối, uống rượu tòn tọt, cười khà:

- Tưởng đâu lũ mày quên Má, quên hết tụi tao.

Ba tôi lúc lắc đầu, ông rót ba ly rượu cúng trên bàn thờ quay lại hỏi:

- Bát hương em Châu, bên chồng rước về hở má?

- Ừ, bên nhà sui bảo, cho chúng nó có đôi.

Bà nội dẫn tôi ra vườn, cái nắng sau mưa nồng ngả vàng pha sắc đỏ, những giọt nước còn đọng lại trên tán lá non. Ở đây cái gì cũng chín, từ trái mít, trái đu đủ, trái chanh, đến cả buồng cau. Trái chín đỏ lừ bên hông cau trắng muốt, tóc Nội cũng trắng phau phau, bà nắm tay tôi, bàn tay bà nhăn nheo, gân guốc. Đêm hôm ấy bà mắc mùng cho tôi ngủ, giường lạ ngủ không được. Ba kể hồi trước, ba cùng hai chú ở trên bàn thờ là đồng chí của nhau, các chú ấy hiên ngang và anh dũng lắm, ba bảo Nội là một bà mẹ anh hùng. Tôi hơi bất ngờ, lẽ ra anh hùng phải là cao to, đẹp khỏe chứ!

- Vậy Nội có súng không ba?

- Nội bán ve chai.

- Bán ve chai cũng là anh hùng hở ba?

- Ừ Nội gánh giỏ đi đầu làng cuối xóm. Nội đưa thư cho ba, Nội mang thức ăn, tin tức.

Ba vuốt đầu tôi, cái tay nặng chịch.

- Giá mà các chú ấy còn sống, bây giờ Nội đã có cháu, đâu phải sống một mình.

Tôi nghe gai gai người, nhớ cái dáng còm cõi, nụ cười phúc hậu, đôi mắt già nua nheo nheo. Trông ra ngoài, thấy bóng còng còn in trên vách, tôi nhổm dậy, "con ra ngủ với bà nghe ba".

Ba tôi chuyển công tác lên tỉnh, nhà tôi dọn về phố khác. Mẹ nhắc ba:

- Lâu rồi, anh không về thăm má "vườn cau".

- Ôi dào, má ở dưới, mấy anh dưới lo.

Một hôm, chú Biểu đến nhà, chú mang theo xâu ếch dài thiệt dài, bỗ bã:

- Cái này má gởi cho mày, má biểu phải đem đến tận nhà. Mấy giổ mày không về, má nhớ mày lắm. Sáng hôm qua má còn khoe vừa gặp mày trên vô tuyến.

Rồi chú lắc đầu:

- Lũ mày bạc làm sao đâu.

Tối đó mưa xập xoài rả rích, ba tôi chong đèn ngồi rít thuốc, mẹ hỏi, ba bảo - "Uống rượu, ngủ không được"

Món thịt ếch đầu mùa lịm trong lưỡi làm ba đau nhói. Ba rủ tôi.

- Mai về Nội vườn cau, con ha?

Chẳng biết chốn ấy còn chín lừ quả ngọt, hương cau còn nồng nàn trắng xoá một góc trời, tóc Nội chắc bạc nhiều hơn. Lúc tôi về, thế nào bà cũng giúi cho tôi nhiều quả chín mang về biếu mẹ, xâu ếch biếu ba. Thứ thức ăn mà không có hương vị cao lương nào thay thế được, dù bây giờ ba tôi xuống ngựa lên xe.

Bài văn được 4 điểm, lời phê cũng ngắn gọn như đề bài, "nghèo ý" tôi viết "Mẹ là người sinh ra em, nuôi em lớn, ngày thường mẹ nấu cơm em ăn, giặt đồ em mặc". Bọn con Hải, Lam chọc ghẹo mãi, tôi chống chê - "làm sao viết vế mẹ bằng mấy dòng được, phải không?"

Đọc hiểu Người mẹ vườn cau tự luận

Đề 1

Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính và ngôi kể của đoạn trích trên.

Câu 2. Tìm hai từ ghép chỉ màu sắc trong câu: “Trái chín đỏ lừ bên hông cau trắng muốt, tóc nội cũng trắng phau phau". Đặt câu với một trong các từ vừa tìm được (không chép lại câu đã cho).

Câu 3. Chỉ ra và nêu tác dụng của một biện pháp tu từ trong câu “Ở đây cái gì cũng chín, từ trái mít, trái đu đủ, trái chanh, đến cả buồng cau.

Trả lời 

Câu 1.

- Phương thức biểu đạt chính: tự sự.

- Ngôi kể: ngôi thứ nhất (người kể xưng “tôi”)

Câu 2.

- Từ ghép chỉ màu sắc: đỏ lừ, trắng muốt, trắng phau phau

- Đặt câu:

+ Hoa phượng nở đò lừ bên sân trường.

+ Chị mai có hàm răng trắng muốt.

+ Những chiếc bát đã được rửa sạch trắng phau phau.

Câu 3.

- Biện pháp tu từ: liệt kê. Tác giả đã liệt kê những trái chín như: trái mít, trái đu đủ, trái chanh, buồng cau.

- Tác dụng: Làm cho câu văn có nhịp điệu, hấp dẫn người đọc. Đồng thời, nhấn mạnh vẻ dẹp của khu vườn với nhiều trái chín như trái mít, trái đu đủ, trái chanh, buồng cau

Đề 2

Câu 1. Trong đoạn văn, lời thoại “Nội bán ve chai” của người cha đã vi phạm phương châm hội thoại nào?

Câu 2. Từ “chín” trong câu:"Ở đây cái gì cũng chín, từ trái mít, trái đu đủ, trái chanh, đến cả buồng cau” được dùng theo nghĩa gốc hay nghĩa chuyển?

Câu 3. Câu: "Ba kể hồi trước, ba cùng hai chú ở trên bàn thờ là đồng chí của nhau, các chú ấy hiên ngang và anh dũng lắm, ba bảo Nội là một bà mẹ anh hùng” sử dụng cách dẫn trực tiếp hay gián tiếp? Vì sao?

Câu 4. Qua nhân vật người bà, nêu suy nghĩ của em về sự hy sinh của những người phụ nữ trong hoàn cảnh chiến tranh. Viết ngắn gọn trong khoảng 2-3 câu.

Trả lời

Câu 1. Trong đoạn văn, lời thoại “Nội bán ve chai” của người cha đã vi phạm phương châm lịch sự. Có thể nói: “bà nội bán ve chai”.

Câu 2. Từ “chín” trong câu:"Ở đây cái gì cũng chín, từ trái mít, trái đu đủ, trái chanh, đến cả buồng cau” được dùng theo nghĩa gốc.

Câu 3. Câu: “Ba kể hồi trước, ba cùng hai chú ở trên bàn thờ là đồng chí của nhau, các chú ấy hiên ngang và anh dũng lắm, ba bảo Nội là một bà mẹ anh hùng” sử dụng cách dẫn gián tiếp vì: Đây là lời kể của ba cho nhân vật ”tôi" nghe lại câu chuyện của ba cùng 2 chú ở chiến trường.

Câu 4. Người phụ nữ trong chiến tranh rất hiên ngang, bất khuất và chịu nhiều hi sinh. Họ tiễn chồng, con lên đường ra trận và là hậu phương vững chắc cho những người lính trên chiến trường.

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trong nhóm Lớp 7 thuộc chuyên mục Học tập của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
1 16
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm