4 Đề thi văn cuối kì 2 lớp 11 2024 có đáp án

Tải về

Đề kiểm tra cuối kì 2 Ngữ văn 11 được Hoatieu chia sẻ đến các bạn đọc trong bài viết sau đây là mẫu đề thi học kì 2 Ngữ văn 11 sách mới 2024 có đáp án vừa mới được các thầy cô giáo biên soạn bám sát với nội dung chương trình môn Ngữ văn 11 sách mới có đầy đủ gợi ý đáp án chi tiết sẽ giúp các em củng cố lại kiến thức thật tốt để đạt kết quả cao khi làm bài thi.

Sau đây là nội dung đề thi cuối kì 2 môn Ngữ văn 11 sách mới, mời các em cùng tham khảo.

Đề thi học kì 2 lớp 11 môn Văn 2024

Đề thi học kì 2 lớp 11 môn Văn 2024 - đề 1

I. PHẦN ĐỌC HIỂU (4,0 điểm)

Đọc văn bản sau:

Lược dẫn: Trong tiết Thanh Minh, Thúy Kiều cùng với Thúy Vân và Vương Quan (là hai em của Kiều) đi chơi xuân. Khi trở về, gặp một nấm mộ vô danh ven đường, không người hương khói. Kiều hỏi thì được Vương Quan cho biết đó là mộ Đạm Tiên, một ca nhi nổi danh tài sắc nhưng bạc mệnh.

Lòng đâu sẵn mối thương tâm,

Thoắt nghe Kiều đã đầm đầm châu sa.

Đau đớn thay phận đàn bà!

Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung.

Phũ phàng chi bấy hoá công,

Ngày xanh mòn mỏi má hồng phôi pha.

Sống làm vợ khắp người ta,

Hại thay thác xuống làm ma không chồng.

Nào người phượng chạ loan chung,

Nào người tích lục tham hồng là ai ?

Đã không kẻ đoái người hoài,

Sẵn đây ta thắp một vài nén nhang.

Gọi là gặp gỡ giữa đàng,

Họa là người dưới suối vàng biết cho.

Lầm rầm khấn vái nhỏ to,

Sụp ngồi đặt cỏ trước mồ bước ra.

Một vùng cỏ áy bóng tà,

Gió hiu hiu thổi một và bông lau.

Rút trâm giắt sẵn mái đầu,

Vạch da cây vịnh bốn câu ba vần.

Lại càng mê mẩn tâm thần

Lại càng đứng lặng tần ngần chẳng ra.

Lại càng ủ dột nét hoa,

Sầu tuôn đứt nối, châu sa vắn dài.

(Trích Truyện Kiều, Nguyễn Du, Nxb Dân Trí, Hà Nội, 2013)

Thực hiện các yêu cầu từ câu 01 đến câu 05:

Câu 1. Xác định thể thơ của văn bản.

Câu 2. Đoạn thơ trên có sử dụng kết hợp các phương thức biểu đạt nào?

Câu 3. Phân tích hiệu quả nghệ thuật của phép điệp trong 4 câu thơ sau:

Lại càng mê mẩn tâm thần

Lại càng đứng lặng tần ngần chẳng ra.

Lại càng ủ dột nét hoa,

Sầu tuôn đứt nối, châu sa vắn dài

Câu 4. Theo Anh/chị, quan niệm Đau đớn thay phận đàn bà; Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung có còn đúng với xã hội hiện nay không? Lí giải?

Câu 5. Anh/chị có suy nghĩ gì về thân phận của người phụ nữ trong xã hội phong kiến sau khi đọc đoạn thơ? (Viết khoảng 5 – 7 dòng)

II. PHẦN VIẾT (6,0 điểm)

Câu 1. (2,0 điểm)

Viết đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) phân tích vẻ đẹp tinh thần sáng lên trong gian khó của những người lính đảo ở đoạn thơ sau:

Đợi mưa trên đảo Sinh Tồn (trích)

…Ôi ước gì được thấy mưa rơi
Mặt chúng tôi ngửa lên như đất
Những màu mây sẽ thôi không héo quắt
Đá san hô sẽ nảy cỏ xanh lên
Đảo xa khơi sẽ hóa đất liền
Chúng tôi không cạo đầu, để tóc lên như cỏ
Rồi kháo nhau
Bữa tiệc linh đình bày toàn nước ngọt
Ôi ước gì được thấy mưa rơi
Cơn mưa lớn vẫn rập rình ngoài biển
Ánh chớp xanh vẫn lấp loáng phía chân trời...

(Trần Đăng Khoa, Bên cửa sổ máy bay, NXB Tác phẩm mới, 1985)

Câu 2. (4,0 điểm)

Viết bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về thông điệp được gợi ra từ câu nói: “Hạnh phúc giữ trong tay chỉ còn là hạt; hạnh phúc mang ra san sẻ mới trổ hoa” (Ernest Hemingway).

---------- HẾT ---------

Đáp án đề thi học kì 2 lớp 11 môn Văn 2024

Phần

Câu

Nội dung

Điểm

I

ĐỌC HIỂU

4,0

1

Thể thơ: lục bát

0,5

2

Phương thức kết hợp: Tự sự và biểu cảm

0,5

3

Hiệu quả của phép điệp:

- Điệp từ “lại”

- Hiệu quả:

+ Nhấn mạnh, làm nổi bật tâm trạng đau đớn, xót xa của Thúy Kiều khi thăm mộ Đạm Tiên.

+ Thể hiện sự đồng cảm, niềm xót thương sâu sắc của nàng Kiều dành cho Đạm Tiên.

+ Nhịp thơ thay đổi, chậm lại; câu thơ sinh động, hấp dẫn.

* Cách cho điểm

- Đáp ứng 01 yêu cầu cho 0,25

- Đáp ứng 02 yêu cầu cho 0,75

- Đáp ứng 03 yêu cầu cho 1,0

1,0

4

- Quan niệm Đau đớn thay phận đàn bà/ Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung không còn đúng với xã hội hiện đại.

- Lí giải: Vì trong xã hội hiện đại, nam nữ đã bình đẳng, bình quyền, người phụ nữ không còn bị ràng buộc hay phụ thuộc vào nam giới, họ đã có quyền tự chủ, tự quyết định cuộc đời và số phận của mình.

* Cách cho điểm

- Đáp ứng 01 yêu cầu cho 0,5

- Đáp ứng 02 yêu cầu cho 0,5

1,0

5

Suy nghĩ gì về thân phận của người phụ nữ trong xã hội phong kiến sau khi đọc đoạn trích:

- Với quan điểm trọng nam khinh nữ, người phụ nữ trong xã hội phong kiến thường không có tiếng nói, không tự quyết định được cuộc đời của mình.

- Là phái đẹp, họ vừa được nâng niu, nhưng đồng thời cũng dễ trở thành món đồ chơi, vật đổi trao trong tay người khác

- Khi còn hương sắc, họ được yêu mến, nhưng khi hương sắc tàn phai, họ lại bị chà đạp, hắt hủi, ruồng rẫy, bỏ rơi..

* Cách cho điểm

- Đáp ứng 01 yêu cầu cho 0,25

- Đáp ứng 02 yêu cầu cho 0,75

- Đáp ứng 03 yêu cầu cho 1,0

1,0

II

VIẾT

6,0

1

Viết đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) phân tích vẻ đẹp tinh thần sáng lên trong gian khó của những người lính đảo ở đoạn thơ trích từ bài thơ Đợi mưa trên đảo Sinh Tồn của Trần Đăng Khoa.

2,0

a. Xác định được yêu cầu về hình thức, dung lượng của đoạn văn: Xác định đúng yêu cầu về hình thức và dung lượng (khoảng 200 chữ) của đoạn văn. Học sinh có thể trình bày đoạn văn theo các cách diễn dịch, quy nạp, tổng- phân- hợp, móc xích hoặc song hành

0,25

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận

Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: phân tích vẻ đẹp tinh thần sáng lên trong gian khó của những người lính đảo ở đoạn thơ được trích.

0,25

c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận

Gợi ý:

- Đoạn thơ có sử dụng các biện pháp tu từ như phép điệp, phép liệt kê, phép so sánh kết hợp với những từ ngữ giản dị, đời thường, đậm chất lính (kháo nhau) có tác dụng diễn tả niềm mơ ước cháy bỏng của người lính đảo: trời có mưa, có nước ngọt, để cả thiên nhiên và con người trên đảo thỏa khát khao được hồi sinh từ nguồn nước ngọt.

- Từ ước mơ có mưa giữa bốn bề nước biển mặn cho thấy cuộc sống khó khăn vô vàn của người lính giữa đảo xa. Thấy được vẻ đẹp tinh thần của người lính đảo trong sự lạc quan, trẻ trung.

- Đoạn thơ sinh động, giàu hình ảnh, giàu cảm xúc...

0,5

d.Viết đoạn văn đảm bảo các yêu cầu sau:

- Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận

- Trình bày rõ quan điểm và hệ thống các ý

- Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: lí lẽ xác đáng, dẫn chứng tiêu biểu, phù hợp

0,5

e. Diễn đạt

Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp, liên kết các câu trong đoạn văn

0,25

g. Sáng tạo

Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận, có cách diễn đạt hiệu quả, mới mẻ

0,25

2

Viết bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) trình bày suy nghĩ về thông điệp được gợi ra từ câu nói: “Hạnh phúc giữ trong tay chỉ còn là hạt; hạnh phúc mang ra san sẻ mới trổ hoa” (Ernest Hemingway).

4,0

a. Đảm bảo hình thức bài văn nghị luận (Mở bài: giới thiệu vấn đề nghị luận; Thân bài: bàn luận về vấn đề; Kết bài: khẳng định lại vấn đề và rút ra bài học)

0,5

b. Xác định đúng vấn đề nghị luận: Hạnh phúc đích thực và có ý nghĩa khi ta biết trao đi; hạnh phúc nhỏ bé, hẹp hòi, vị kỉ nếu ta chỉ giữ nó cho riêng mình.

0,5

c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm (2,25 đ): HS có thể triển khai theo nhiều cách nhưng cần vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng; bảo đảm các yêu cầu, sau đây là một hướng triển khai:

* Giới thiệu và nêu khái quát tư tưởng: quan niệm về hạnh phúc và sự cần thiết phải san sẻ, trao đi hạnh phúc. Trích dẫn câu cách ngôn.

* Giải thích câu nói

- Hạnh phúc là trạng thái cảm xúc vui mừng và thỏa mãn khi con người đạt được những điều mong ước trong cuộc sống: tiền tài, danh vị, sự nghiệp, học vấn, gia đình, tình yêu…

- Hạt: nhỏ bé, là yếu tố ban đầu, là khởi nguồn, đáng quý nhưng chỉ mãi ở tiềm năng…; hoa: là sự ngọt ngào, đẹp đẽ, đáng trân trọng, nâng niu, làm đẹp cho đời…; giữ trong tay: giữ cho riêng mình; mang ra san sẻ: chia sẻ cho người khác, biết trao đi…

Câu nói có nghĩa là: Hạnh phúc chưa thực sự có ý nghĩa, có giá trị khi ta chỉ giữ nó cho riêng mình. Hạnh phúc chỉ thực sự có ý nghĩa, có giá trị và làm đẹp cho đời khi ta biết trao đi, biết chia sẻ với mọi người.

* Bày tỏ quan điểm và bàn luận

- Hạnh phúc giữ trong tay chỉ còn là hạt:

+ Biểu hiện của hạnh phúc “giữ trong tay”: người có nhiều may mắn, thành công nhưng sống cá nhân, vị kỉ, vô tình với người kém may mắn hơn mình.

+ Hậu quả: Đó là hạnh phúc nhỏ nhoi, hạn hẹp, chỉ thỏa mãn cá nhân, chưa mạng lại ý nghĩa lớn lao cho cuộc đời; cuộc sống chưa thực sự có ý nghĩa (Dẫn chứng)

- Hạnh phúc mang ra san sẻ mới trổ hoa:

+ Biểu hiện của hạnh phúc “san sẻ” “trổ hoa”: luôn quan tâm và sẵn sàng chia sẻ những giá trị vật chất, tinh thần mà mình có với những người bất hạnh quanh mình.

+ Ý nghĩa của hạnh phúc “trổ hoa”: Hạnh phúc được chia sẻ sẽ đem đến niềm vui và những giá trị cho mọi người; làm vơi bớt những bất hạnh trong cuộc sống; người biết chia sẻ hạnh phúc sẽ có được niềm vui, tình yêu thương, sự biết ơn, quý mến….; cuộc sống mới thực sự ý nghĩa; xã hội trở nên tốt đẹp, nhân ái, đầy tính nhân văn… (Dẫn chứng)

* Mở rộng, phản đề

- Phê phán những người chỉ giữ hạnh phúc cho riêng mình…

- Hạnh phúc cần trao cho người xứng đáng…

* Bài học: biết quan tâm, chia sẻ, đem đến niềm vui và những điều tốt đẹp cho nọi người, cuộc sống của ta sẽ có hạnh phúc đích thực...

* Cách cho điểm

- Lí lẽ thuyết phục, dẫn chứng cụ thể, lập luận chặt chẽ: cho 2-2,5 điểm

- Chỉ nêu lí lẽ, dẫn chứng rời rạc, lập luận chưa thật chặt chẽ: cho 1,0-1,75 điểm

- Lí lẽ sơ sài, không có dẫn chứng: 0,25-0,75 điểm

- Lạc đề: 0 điểm

0,25

0,5

1,0

0,25

0,5

d. Chính tả, dùng từ, đặt câu: đảm bảo đúng chính tả, ngữ pháp và ngữ nghĩa tiếng Việt.

* Cách cho điểm

- Sai từ trên 3 lỗi chính tả, dùng từ, diễn đạt không cho điểm

0,25

e. Sáng tạo: có cách diễn đạt mới mẻ; thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận bằng lí lẽ sắc bén; dẫn chứng mới mẻ, thuyết phục.

* Cách cho điểm

- Đáp ứng 01 yêu cầu cho 0,25

- Đáp ứng 2-3 yêu cầu cho 0,5

0,25

Tổng điểm

10,0

Đề thi học kì 2 lớp 11 môn Văn 2024 - đề 2

I. PHẦN ĐỌC HIỂU (4,0 điểm)

Đọc văn bản sau:

LÊN HÀ GIANG DỰ PHIÊN CHỢ NỔI TIẾNG - CHỢ TÌNH KHÂU VAI

Có một phiên chợ mà việc bán mua chẳng quan trọng, nhưng lại là nơi bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc ở Hà Giang. Đó là chợ tình Khâu Vai, hay còn gọi là chợ Phong Lưu, tồn tại hơn 100 năm qua, diễn ra ngày 27/3 âm lịch hằng năm.

Từ “Khau Vai” trong tiếng Tày - Nùng nghĩa là “đèo gai”. Nhưng nhiều tư liệu dùng chệch thành “Khâu Vai”. Khách đi du lịch Hà Giang còn gọi đùa đây là chợ Phong Tình.

Nguồn gốc của chợ phiên này bắt đầu từ truyền thuyết về chàng Ba người dân tộc Nùng và nàng Út người dân tộc Giáy. Họ yêu nhau say đắm nhưng do không cùng dân tộc, không cùng tổ tiên hay phong tục tập quán. Hơn nữa chàng lại là con nhà nghèo còn nàng là con gái tộc trưởng người Giáy. Bởi vậy mối tình của 2 người bị ngăn cấm.

[...] Đến khi già, ngày cuối đời họ lại đến đây (núi Khâu Vai), ôm chặt lấy nhau, cùng đi vào cõi vĩnh hằng. Ngày họ ra đi cũng là 27/3. Dân làng thương tiếc về mối lương duyên trắc trở này nên đã dựng lên 2 miếu thờ Ông, thờ Bà và lấy ngày này làm ngày họp chợ cho các đôi trai gái lỡ duyên.

Cũng từ đấy chợ tình Khâu Vai hay còn gọi là “chợ Phong lưu” được diễn ra vào ngày 27/3 âm lịch hàng năm. Trước đây người đến chợ không nhiều, chủ yếu là những người có mối tình trắc trở, họ yêu nhau nhưng không lấy được nhau vì những ràng buộc của lễ giáo phong kiến, những tập tục lạc hậu. Bởi vậy ngày này là để họ có thể tâm sự hàn huyên sau một hoặc nhiều năm xa cách, thông báo tình hình hiện tại của nhau. Có thể hai vợ chồng cùng đến chợ, khi đến chợ chồng đi gặp người yêu cũ của chồng, vợ đi tìm người tình cũ của vợ, không có sự ghen tuông. Họ tôn trọng nhau, tôn trọng quá khứ của nhau, coi đấy là trách nhiệm đối với đời sống tinh thần của nhau. Hết phiên chợ, họ lại quay về cuộc sống thường ngày, hẹn đến chợ năm sau lại tới. Đây chính là nét đẹp văn hóa mộc mạc, giản dị của chợ tình Khâu Vai.

Trước đây chợ tình Khâu Vai là chợ của những mối tình trắc trở. Từ năm 1991 trở lại đây đến chợ có nhiều thanh niên nam, nữ các dân tộc trong vùng đến chợ để vui xuân và cũng để tìm bạn tình, nhiều đôi đã nên vợ nên chồng trong dịp đi chợ tình Khâu Vai. Cũng do bản sắc ca ngợi tình yêu lứa đôi trong sáng này mà chợ tình Khâu Vai giờ được tổ chức như một lễ hội, một sản phẩm du lịch cho du khách đến tham quan tìm hiểu văn hóa. Mà mỗi lễ hội đều sẽ có phần lễ và phần hội.

Cứ vào ngày 27/3 âm lịch hàng năm, những chàng trai cô gái dân tộc nơi đây khoác trên mình những bộ trang phục đẹp nhất để cùng đến với chợ Phong lưu Khâu Vai.

Phần lễ của chợ tình, người dân Khâu Vai sẽ dâng lễ lên miếu Ông, miếu Bà như để nhớ về nguồn cội, những người khai đất khai hoang ra bản làng Khâu Vai và để tôn vinh tình yêu lứa đôi. Già làng làm chủ lễ sẽ dâng hương xin phép bắt đầu lễ hội.

Đến phần hội, du khách được chìm đắm trong không khí tưng bừng náo nhiệt của lễ hội, ngây ngất trước khung cảnh núi non hùng vĩ, rạo rực trong tiếng đàn môi tâm tình gọi bạn du dương, trầm bổng với tiếng khèn Mông, lời hát đối đáp tỏ tình của các chàng trai, cô gái Mông, Nùng, Giáy... Ngoài ra còn có những gian hàng trưng bày sản phẩm thủ công mỹ nghệ, đặc sản Hà Giang để du khách có thể mua về làm quà sau chuyến đi.

[…]

Chợ Phong lưu Khâu Vai không chỉ là nơi bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, giá trị nhân văn cao đẹp mà còn là nơi ca ngợi mối tình trong sáng, tạo sức lan tỏa trong cộng đồng về những giá trị tốt đẹp, góp phần xây dựng và phát triển chuẩn mực đạo đức xã hội, gia đình, tình yêu đôi lứa. Đây cũng là nơi giao lưu, gặp gỡ để bảo tồn những nét đẹp văn hóa dân gian đặc sắc riêng có của đồng bào các dân tộc thiểu số và quảng bá thu hút du khách đến với Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn.

( Theo Phương Linh, https://dangcongsan.vn/van-hoa-vung-sau-vung-xa-bien-gioi-hai-dao-vung-dan-toc-thieu-so/tu-truyen-thong-toi-hien-dai/len-ha-giang-du-phien-cho-noi-tieng-cho-tinh-khau-vai-635230.html)

Thực hiện các yêu cầu từ câu 1 đến câu 5 (trình bày ngắn gọn):

Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản.

Câu 2. Người dân Khâu Vai dâng lễ lên miếu Ông, miếu Bà để nhằm mục đích gì?

Câu 3. Chỉ ra tác dụng của biện pháp nghệ thuật liệt kê trong câu văn: “Đến phần hội, du khách được chìm đắm trong không khí tưng bừng náo nhiệt của lễ hội, ngây ngất trước khung cảnh núi non hùng vĩ, rạo rực trong tiếng đàn môi tâm tình gọi bạn du dương,...”.

Câu 4. Nhận xét về tình cảm, thái độ của tác giả thể hiện trong văn bản.

Câu 5. Qua văn bản, hãy nêu một ước mơ của cộng đồng các dân tộc sinh sống trên vùng cao nguyên đá mà anh/chị thấy có ý nghĩa nhất đối với cuộc sống hiện đại hôm nay và giải thích lí do.

II. PHẦN VIẾT (6,0 điểm)

Câu 1. (2,0 điểm)

Viết đoạn văn nghị luận (khoảng 150 chữ) bày tỏ ý kiến của anh/chị về sự cần thiết phải giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Câu 2. (4,0 điểm)

Viết bài văn nghị luận (khoảng 500 chữ) bày tỏ ý kiến của anh/chị về tinh thần lạc quan của con người trong cuộc sống.

Đáp án

I. Phần đọc hiểu: (4,0đ)

Câu 1. (0,5 điểm)

Phương thức biểu đạt chính của văn bản: Thuyết minh

Câu 2. (0,5 điểm)

Người dân Khâu Vai dâng lễ lên miếu Ông, miếu Bà nhằm mục đích: để nhớ về nguồn cội và để tôn vinh tình yêu lứa đôi.

Câu 3. (1,0 điểm)

- Biểu hiện của biện pháp liệt kê: chìm đắm trong không khí tưng bừng náo nhiệt của lễ hội, ngây ngất trước khung cảnh núi non hùng vĩ, rạo rực trong tiếng đàn môi tâm tình gọi bạn du dương,

Hoặc: lời hát đối đáp tỏ tình của các chàng trai, cô gái Mông, Nùng, Giáy....

- Hiệu quả:

+Tăng tính sinh động, biểu cảm, hấp dẫn cho câu văn

+Nhằm nhấn mạnh tâm trạng vui mừng, phấn khởi của du khách khi tham gia lễ hội Khâu Vai.

Câu 4. (1,0 điểm)

- Tình cảm, thái độ: Yêu thích; tự hào về sự độc đáo của một lễ hội văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc tỉnh Hà Giang…

- Nhận xét: Đây là tình cảm chân thành, sâu sắc, cao đẹp; từ đó, đánh thức trách nhiệm và hành động của mỗi người trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Câu 5. (1,0 điểm)

- Nêu được một ước mơ của cộng đồng các dân tộc sinh sống trên vùng cao nguyên đá mà HS thấy có ý nghĩa nhất đối với cuộc sống hôm nay.

- Gợi ý: Được trao gửi yêu thương; được đồng cảm, chia sẻ hoặc giữ gìn, phát huy, quảng bá bản sắc văn hóa dân tộc…

- Lí giải một cách hợp lí và thuyết phục.

II. Viết :

Câu 1: (2,0đ)

- Giải thích: Bản sắc văn hóa dân tộc là những nét văn hóa từ lâu đời của dân tộc được truyền từ đời này sang đời khác đã trở thành những phong tục tập quán, những đặc trưng vùng miền về lối sống, sinh hoạt tập thể của con người, của đất nước tạo nên sự đa dạng màu sắc cho cuộc sống.

- Bàn luận về sự cần thiết phải giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc :

+ Bản sắc văn hóa của dân tộc giúp chúng ta hiểu rõ hơn về dân tộc mình, là nguồn động viên mạnh mẽ cho ý thức về quyền độc lập tự do và tình yêu đối với quê hương đất nước.

+ Giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc được thể hiện bằng những việc làm tích cực, từ học tập, nghiên cứu, quảng bá văn hóa dân tộc đến việc tham gia các hoạt động cộng đồng thúc đẩy sự phát triển của văn hóa dân tộc

+ Tuy nhiên, vẫn có một bộ phận không nhỏ còn chưa ý thức được hết tầm qua trọng của việc gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc, không quan tâm đến những giá trị truyền thống.

+ Rút ra được bài học nhận thức hành động.

Câu 2: (4,0đ)

Viết bài văn nghị luận bày tỏ ý kiến của anh/chị về tinh thần lạc quan của con người trong cuộc sống.

- Giải thích: Lạc quan là luôn hướng về những điều tốt đẹp, thấy được những tia hy vọng trong khổ đau, nhìn nhận mọi việc theo hướng tích cực

- Bày tỏ quan điểm của người viết, có thể theo một số gợi ý sau:

+ Tinh thần lạc quan sẽ giúp chúng ta có được niềm vui, sự phấn chấn, động lực để cố gắng hơn.

+ Người có tinh thần lạc quan sẽ nhận được niềm tin yêu, tôn trọng từ những người xung quanh.

+ Sống lạc quan giúp ta tìm thấy những cơ hội tốt đẹp trong cuộc sống, từ đó khẳng định được giá trị của bản thân.

+ Tinh thần sống lạc quan góp phần lớn vào xây dựng đời sống văn minh, tốt đẹp hơn.

...

- Lấy được dẫn chứng và phân tích dẫn chứng.

- Mở rộng, bày tỏ quan điểm trái chiều, hoặc ý kiến khác để có cái nhìn toàn diện hơn: Không ít người sống bi quan, có cái nhìn tiêu cực về cuộc sống.

* Khẳng định lại quan điểm cá nhân và rút ra bài học cho bản thân.

....................

Nội dung chi tiết 4 đề thi học kì 2 lớp 11 môn Văn 2024 mời các bạn xem trong file tải về.

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trong nhóm Lớp 11 thuộc chuyên mục Học tập của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
2 1.194
4 Đề thi văn cuối kì 2 lớp 11 2024 có đáp án
Chọn file tải về :
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm