Hợp đồng mua bán điện phục vụ mục đích sinh hoạt năm 2024

Tải về

Mẫu hợp đồng mua bán điện là mẫu hợp đồng mua bán điện sinh hoạt dùng cho các hộ gia đình, cá nhân, mẫu hợp đồng được ban hành theo Thông tư 16/2023/TT-BCT của Bộ công thương quy định về việc thực hiện hợp đồng mua bán giữa công ty cung cấp điện và người sử dụng điện trong mục đích sinh hoạt chung. Mời các bạn cùng xem và tải về tại đây.

1. Mẫu hợp đồng mua bán điện phục vụ mục đích sinh hoạt 2024

Mẫu hợp đồng mua bán điện với EVN

HỢP ĐỒNG MUA BÁN ĐIỆN PHỤC VỤ MỤC ĐÍCH SINH HOẠT THEO MẪU

Ban hành kèm theo Thông tư số 16/2023/TT-BCT ngày 31 tháng 8 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Công Thương)

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

…, ngày … tháng … năm …

HỢP ĐỒNG

MUA BÁN ĐIỆN PHỤC VỤ MỤC ĐÍCH SINH HOẠT

Mã số hợp đồng…………….

Căn cứ Bộ luật Dân sự ngày 24 tháng 11 năm 2015;

Căn cứ Luật Điện lực ngày 03 tháng 12 năm 2004; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực ngày 20 tháng 11 năm 2012;

Căn cứ Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ngày 17 tháng 11 năm 2010;

Căn cứ Nghị định số 137/2013/NĐ-CP ngày 21 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Điện lực và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực; Nghị định số 08/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 01 năm 2018 của Chính phủ sửa đổi một số Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công Thương; Nghị định số 17/2020/NĐ-CP ngày 05 tháng 02 năm 2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương; Nghị định số 104/2022/NĐ-CP ngày 21 tháng 12 năm 2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định liên quan đến việc nộp, xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy khi thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công;1

Căn cứ nhu cầu mua điện của Bên mua điện,

Chúng tôi gồm:

Bên bán điện (Bên A): ....................................................................................

Địa chỉ trụ sở chính: ........................................................................................

Điện thoại: .......................................................................................................

Email: ..............................................................................................................

Mã số thuế: .....................................................................................................

Tài khoản số: ...................................Tại Ngân hàng: ......................................

Đại diện là ông (bà): ........................Chức vụ: ................................................

Theo Văn bản ủy quyền số: .................... ngày............ tháng........ năm ..........

của ông (bà) .............................................chức vụ .................................................2

[Các bên thống nhất tại hợp đồng này, Công ty Điện lực/Điện lực ...................là đơn vị trực thuộc Bên A, được thành lập và hoạt động hợp pháp theo quy định của pháp luật, sẽ đại diện cho Bên A chịu trách nhiệm triển khai, quản lý và thực hiện hợp đồng và có các thông tin cụ thể như sau:

Mã số thuế: ......................................................................................................

Địa chỉ: ............................................................................................................

Email: ..............................................................................................................

Tài khoản số: .................................Tại Ngân hàng: ......................................3

Bên mua điện (Bên B) 4:..................................................................................

Địa chỉ: ............................................................................................................

Điện thoại: .......................................................................................................

Email: ..............................................................................................................

Mã số thuế 5:.....................................................................................................

Tài khoản số: ................................... Tại Ngân hàng: .....................................6

Đại diện là ông (bà) 7: ......................................................................................

Chức vụ (áp dụng cho tổ chức): .......................................................................

Số CMT/CCCD/hộ chiếu: ................ Ngày cấp: .................. Nơi cấp: ..............

(Theo Văn bản ủy quyền số: .............................. ngày ........... tháng ........ năm ........... của ông (bà) ................................8 Chức vụ (áp dụng cho tổ chức): .........................................)

[Số hộ dùng chung: ................. (danh sách cụ thể đính kèm hợp đồng này).]9

Hai bên thỏa thuận ký hợp đồng mua bán điện phục vụ mục đích sinh hoạt với những nội dung sau:

Điều 1. Các nội dung cụ thể

1. Hai bên thống nhất áp dụng CÁC ĐIỀU KHOẢN CHUNG kèm theo hợp đồng này.

2. Địa chỉ sử dụng điện: .................................................................................

3. Vị trí xác định chất lượng điện: .................................................................

4. Vị trí lắp đặt thiết bị đo đếm điện: .............................................................

Trong quá trình thực hiện hợp đồng này, những người sau đây có thể đại diện Bên B để chứng kiến và ký biên bản treo, tháo, lắp đặt thiết bị đo đếm điện tại thời điểm Bên A treo, tháo, lắp đặt thiết bị đo đếm điện:

a) Chủ thể ký hợp đồng □;

b) Người được Bên B ủy quyền, bao gồm: Một thành viên khác có đủ năng lực hành vi dân sự trong hộ gia đình/hộ dùng chung Bên B □; Người được ủy quyền khác:.........................

5. Ngày ghi chỉ số công tơ: .............................................................................

6. Hình thức và thời hạn thanh toán:

a) Áp dụng linh hoạt một hoặc nhiều hình thức thanh toán sau: Trích nợ tự động □; Thanh toán điện tử □; Chuyển khoản □; Qua điểm thu □; Hình thức khác: .....................................

b) Thời hạn thanh toán tiền điện: ................ ngày kể từ ngày Bên A thông báo thanh toán lần đầu của kỳ thanh toán.

7. Hình thức thông báo, trao đổi thông tin:

Áp dụng linh hoạt một hoặc nhiều hình thức gửi/nhận thông báo thanh toán và thông báo, trao đổi thông tin khác (bao gồm cả việc chậm thanh toán, ngừng hoặc giảm mức cung cấp điện, thay đổi ngày ghi chỉ số công tơ, treo, tháo, lắp đặt thiết bị đo đếm điện,…) sau:

Email □; Điện thoại/SMS □; Ứng dụng nhắn tin □; Ứng dụng chăm sóc khách hàng của Bên A □; Hình thức khác: ...........................

Đối với các thông tin đề nghị giữa các bên, nếu không có quy định khác, trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được đề nghị, bên nhận đề nghị phải có sự phản hồi đồng ý hay không đồng ý về đề xuất của bên gửi đề nghị.

[8. Hai bên thống nhất tại hợp đồng này, chứng từ thanh toán đối với mọi khoản thanh toán theo quy định tại hợp đồng sẽ được Công ty Điện lực/Điện lực................................... phát hành cho Bên B và Bên B thực hiện việc thanh toán cho Công ty Điện lực/Điện lực.......................................]10

9. Mức phạt đối với vi phạm nghĩa vụ hợp đồng hoặc tổng mức phạt đối với nhiều vi phạm được hai bên thỏa thuận:11............% phần giá trị nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm.

10. Hai bên thỏa thuận lựa chọn một hoặc nhiều phương thức giải quyết tranh chấp sau đây12: Thương lượng □; Hòa giải □; Trọng tài □; Tòa án □.

Điều 2. Những thỏa thuận khác13

.................................................................................................................................

.................................................................................................................................

Điều 3. Điều khoản thi hành

1. Hợp đồng này có hiệu lực từ ngày ... tháng ... năm ... [hoặc từ ngày ký hợp đồng] đến ngày ... tháng ... năm ... [hoặc đến ngày hợp đồng chấm dứt theo thỏa thuận tại hợp đồng này hoặc theo quy định của pháp luật].14

2. Trong thời gian thực hiện, một trong hai bên có yêu cầu chấm dứt hợp đồng, sửa đổi hoặc bổ sung nội dung đã ký trong hợp đồng phải thông báo cho bên kia trước 15 ngày để cùng nhau giải quyết./.

ĐẠI DIỆN BÊN B

(Ký, ghi rõ họ tên, chức vụ và đóng dấu15)

ĐẠI DIỆN BÊN A

(Ký, ghi rõ họ tên, chức vụ và đóng dấu)

CÁC ĐIỀU KHOẢN CHUNG

(Kèm theo hợp đồng mua bán điện phục vụ mục đích sinh hoạt)

Điều 1. Tiêu chuẩn và chất lượng dịch vụ

1. Chất lượng điện năng

a) Chất lượng điện năng được xác định tại vị trí theo thỏa thuận trong hợp đồng;

b) Điện áp và tần số phải đảm bảo theo quy định tại khoản 1 Điều 15 Nghị định số 137/2013/NĐ-CP ngày 21 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Điện lực và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực (sau đây viết tắt là Nghị định số 137/2013/NĐ-CP).

2. Đo đếm điện năng

a) Điện năng sử dụng được xác định qua thiết bị đo đếm điện và hệ số nhân của thiết bị đo đếm điện. Hệ số nhân được thể hiện trong biên bản treo, tháo thiết bị đo đếm điện;

b) Thiết bị đo đếm điện được kiểm định theo quy định của pháp luật;

c) Khi treo, tháo, lắp đặt thiết bị đo đếm điện phải lập biên bản có xác nhận của Bên B phù hợp với nội dung đã thỏa thuận tại khoản 4 Điều 1 (Các nội dung cụ thể) của hợp đồng này. Biên bản được thể hiện dưới dạng giấy hoặc dữ liệu điện tử.

Điều 2. Giá điện, phương thức và thời hạn thanh toán

1. Ghi chỉ số công tơ

a) Bên A ghi chỉ số công tơ vào ngày ấn định hàng tháng, có thể dịch chuyển thời điểm ghi chỉ số trước hoặc sau một ngày, trừ trường hợp bất khả kháng theo quy định của pháp luật về dân sự. Ngày ghi chỉ số công tơ được thể hiện là ngày cuối của chu kỳ ghi chỉ số trên hóa đơn tiền điện;

b) Trong quá trình thực hiện hợp đồng, Bên A được quyền thỏa thuận thay đổi ngày ghi chỉ số công tơ hàng tháng đã được ấn định trước đó thông qua văn bản thông báo (dưới dạng giấy hoặc dữ liệu điện tử) phù hợp với nội dung đã thỏa thuận tại khoản 7 Điều 1 (Các nội dung cụ thể) của hợp đồng này gửi đến Bên B và phải được Bên B đồng ý. Việc thay đổi ngày ghi chỉ số công tơ chỉ được thực hiện sau khi hai bên đã thống nhất. Thỏa thuận giữa hai bên là một phần không thể tách rời của hợp đồng này.

2. Giá điện

a) Giá bán lẻ điện sinh hoạt thực hiện theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Bên A có trách nhiệm thông báo giá bán lẻ điện sinh hoạt của Bên A cho Bên B trước khi ký hợp đồng và khi có sự thay đổi giá bán lẻ điện sinh hoạt;

b) Khi giá điện thay đổi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt thì giá mới được áp dụng và các bên không phải ký lại hợp đồng.

3. Thanh toán tiền điện: Bên B thanh toán tiền điện cho Bên A mỗi tháng một lần bằng tiền Việt Nam theo hình thức và trong thời hạn hai bên đã thỏa thuận tại khoản 6 Điều 1 (Các nội dung cụ thể) của hợp đồng này và phải thanh toán đủ số tiền ghi trong hóa đơn.

4. Trường hợp Bên B không trả tiền điện và đã được Bên A thông báo 02 (hai) lần thì sau 15 ngày, kể từ ngày thông báo lần đầu tiên, Bên A có quyền ngừng cấp điện. Bên A phải thông báo thời điểm ngừng cấp điện cho Bên B trước 24 giờ và không chịu trách nhiệm về thiệt hại do việc ngừng cấp điện gây ra trong trường hợp đã tuân thủ nghĩa vụ thông báo tại quy định Điều này. Sau khi Bên B thanh toán tiền điện và thực hiện đầy đủ thủ tục đề nghị cấp điện trở lại theo quy định pháp luật về điện lực (bao gồm cả chi phí cấp điện trở lại) thì Bên A phải thực hiện cấp điện trở lại theo quy định của pháp luật về điện lực.

5. Trường hợp không đồng ý về số tiền điện phải thanh toán, hai bên thực hiện như sau:

a) Bên B có quyền yêu cầu Bên A xem xét lại số tiền điện phải thanh toán. Khi nhận được yêu cầu của Bên B, Bên A có trách nhiệm giải quyết trong thời hạn 15 ngày;

b) Trường hợp không đồng ý với cách giải quyết của Bên A, Bên B có thể tiến hành giải quyết bằng các phương thức giải quyết tranh chấp đã được hai bên thỏa thuận tại hợp đồng này;

c) Trong thời gian chờ giải quyết về số tiền điện phải thanh toán, Bên B vẫn phải thanh toán tiền điện theo chứng từ thanh toán do Bên A phát hành và Bên A không được ngừng cấp điện. Trong trường hợp Bên B không trả tiền điện thì Bên A thực hiện ngừng cấp điện và cấp điện trở lại theo quy định tại khoản 4 Điều này;

d) Bên A phải hoàn trả lại tiền điện thực tế đã thu vượt hoặc được truy thu tiền điện còn thiếu của Bên B (nếu có) sau khi có kết quả giải quyết tranh chấp về số tiền điện phải thanh toán.

Điều 3. Quyền và nghĩa vụ của Bên A

1. Được vào khu vực quản lý của Bên B để kiểm tra, ghi chỉ số công tơ, sửa chữa, thay thế thiết bị đo đếm điện đối với thiết bị đo đếm điện đặt trong khu vực quản lý của Bên B và liên hệ với Bên B để giải quyết các vấn đề liên quan đến hợp đồng. Việc cử người vào khu vực quản lý của Bên B phải thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan.

2. Bảo đảm lưới điện và các trang thiết bị điện vận hành an toàn, ổn định, tin cậy. Bảo đảm cung cấp điện cho Bên B đáp ứng các tiêu chuẩn về kỹ thuật, chất lượng dịch vụ, an toàn, trừ trường hợp lưới điện phân phối bị quá tải theo xác nhận của Cục Điều tiết điện lực hoặc cơ quan được ủy quyền.

3. Thực hiện ngừng, giảm mức cung cấp điện, khôi phục kịp thời việc cấp điện cho Bên B theo quy định của pháp luật.

4. Thông báo cho Bên B biết trước thời điểm ngừng hoặc giảm mức cung cấp điện ít nhất 05 ngày bằng cách thông báo trong 03 ngày liên tiếp trên phương tiện thông tin đại chúng hoặc bằng một trong các hình thức thông tin khác được hai bên thỏa thuận tại khoản 7 Điều 1 (Các nội dung cụ thể) của hợp đồng này khi có kế hoạch ngừng, giảm mức cung cấp điện để sửa chữa, bảo dưỡng, đại tu, xây lắp các công trình điện.

5. Trường hợp Bên A đã tạm ngừng cung cấp điện theo yêu cầu của Bên B, trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được thông báo của Bên B về việc tiếp tục sử dụng điện, Bên A phải cấp điện trở lại cho Bên B sau khi Bên B đã thực hiện đầy đủ thủ tục đề nghị cấp điện trở lại theo quy định của pháp luật về điện lực.

6. Bên A được phép thu chi phí ngừng và cấp điện trở lại theo quy định về phương pháp xác định và mức chi phí ngừng, cấp điện trở lại do Bộ Công Thương ban hành.

7. Trong thời hạn 15 ngày kể từ khi nhận được thông báo của Bên B về một trong các nội dung sau đây: mục đích sử dụng điện dẫn đến thay đổi giá điện; thay đổi số hộ dùng chung đã đăng ký trong hợp đồng; thay đổi định mức sinh hoạt; có nhu cầu chấm dứt hợp đồng thì Bên A có trách nhiệm kiểm tra và thực hiện sửa đổi, bổ sung hoặc chấm dứt hợp đồng mua bán điện phục vụ mục đích sinh hoạt theo thỏa thuận tại hợp đồng này hoặc quy định của pháp luật.

8. Thông báo cho Bên B về thời điểm kết thúc hợp đồng theo hình thức đã được thỏa thuận tại khoản 7 Điều 1 (Các nội dung cụ thể) của hợp đồng này tối thiểu 07 ngày làm việc trước ngày hợp đồng kết thúc.

9. Đơn phương chấm dứt hợp đồng khi Bên B không sử dụng điện quá 06 tháng liên tục mà không thông báo trước cho Bên A hoặc Bên B không còn đáp ứng đủ điều kiện ký kết hợp đồng mua bán điện phục vụ mục đích sinh hoạt quy định tại khoản 1 Điều 11 Nghị định số 137/2013/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 1 Điều 8 Nghị định số 104/2022/NĐ-CP). Trình tự, thủ tục đơn phương chấm dứt hợp đồng được thực hiện theo quy định của Bộ luật Dân sự.

10. Bảo vệ thông tin của Bên B, không được phép thu thập, sử dụng, chuyển giao thông tin của Bên B cho Bên thứ ba khác khi chưa được sự đồng ý của Bên B theo quy định của pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và quy định pháp luật khác có liên quan.

11. Cảnh báo về khả năng gây mất an toàn sử dụng điện, ảnh hưởng xấu đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của Bên B hoặc các bên có liên quan và thông báo về các biện pháp bảo đảm an toàn sử dụng điện cho Bên B theo quy định của pháp luật.

12. Quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

Điều 4. Quyền và nghĩa vụ của Bên B

1. Yêu cầu Bên A: bảo đảm chất lượng điện năng tại vị trí đã thỏa thuận trong hợp đồng; kiểm tra chất lượng điện, tính chính xác của thiết bị đo đếm điện, số tiền điện phải thanh toán; kịp thời khôi phục việc cấp điện sau khi mất điện.

2. Tạo điều kiện thuận lợi cho Bên A kiểm tra, ghi chỉ số công tơ, sửa chữa, thay thế thiết bị đo đếm điện đối với thiết bị đo đếm điện đặt trong khu vực quản lý của Bên B.

3. Thông báo ngay cho Bên A khi phát hiện thiết bị đo đếm điện bị hư hỏng hoặc nghi ngờ chạy không chính xác, khi phát hiện những hiện tượng bất thường có thể gây mất điện, mất an toàn cho người và tài sản.

4. Thông báo cho Bên A trước 15 ngày trong trường hợp thay đổi mục đích sử dụng điện dẫn đến thay đổi giá điện; thông báo ngay cho Bên A khi thay đổi số hộ dùng chung đã đăng ký trong hợp đồng, thay đổi định mức sinh hoạt, có nhu cầu chấm dứt hợp đồng.

5. Thông báo cho Bên A biết trước 05 ngày kể từ ngày có nhu cầu tạm ngừng sử dụng điện liên tục trên 06 tháng; thông báo ngay cho Bên A khi Bên B không còn quyền sở hữu, quản lý, sử dụng hợp pháp địa điểm sử dụng điện.

6. Chịu trách nhiệm quản lý tài sản, đảm bảo an toàn đối với đường dây dẫn điện từ sau thiết bị đo đếm điện đến nơi sử dụng điện. Không được tự ý cung cấp điện cho hộ sử dụng điện khác.

7. Thanh toán tiền điện hàng tháng đầy đủ, đúng thời hạn theo hợp đồng.

8. Không được tự ý tháo gỡ, di chuyển thiết bị đo đếm điện. Khi có nhu cầu di chuyển thiết bị đo đếm điện sang vị trí khác phải được sự đồng ý của Bên A và phải chịu toàn bộ chi phí di chuyển.

9. Không trộm cắp điện dưới mọi hình thức. Trường hợp có hành vi trộm cắp điện, Bên B sẽ phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính hoặc pháp luật về hình sự và nếu gây ra thiệt hại khác cho Bên A thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật về dân sự.

10. Quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

Điều 5. Bồi thường thiệt hại và phạt vi phạm hợp đồng

1. Các hành vi vi phạm hợp đồng

a) Các hành vi vi phạm của Bên A

Không bảo đảm chất lượng điện năng quy định tại Điều 1 (Các điều khoản chung) của hợp đồng này, trừ trường hợp bất khả kháng theo quy định của pháp luật về dân sự; ghi sai chỉ số công tơ, tính sai tiền điện trong hóa đơn; khi Bên B có văn bản đề nghị và đáp ứng đủ điều kiện về việc tăng số hộ dùng chung mà Bên A không thực hiện điều chỉnh; các hành vi khác vi phạm các quy định pháp luật về mua bán điện.

b) Các hành vi vi phạm của Bên B

Sử dụng điện sai mục đích có mức giá cao hơn mức giá đã thỏa thuận trong hợp đồng; chậm trả tiền điện theo quy định của pháp luật; khi giảm số hộ dùng chung mà không thông báo cho Bên A; các hành vi khác vi phạm các quy định về mua bán điện.

2. Bồi thường thiệt hại

a) Khi Bên A có các hành vi vi phạm tại điểm a khoản 1 Điều này và gây ra thiệt hại cho Bên B thì phải bồi thường;

b) Khi Bên B có các hành vi vi phạm tại điểm b khoản 1 Điều này và gây ra thiệt hại cho Bên A thì phải bồi thường;

c) Số tiền bồi thường được xác định theo phương pháp tại quy định về kiểm tra hoạt động điện lực và sử dụng điện, giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán điện do Bộ Công Thương ban hành.

3. Phạt vi phạm hợp đồng

Ngoài việc bồi thường thiệt hại quy định tại khoản 2 Điều này các bên bị phạt vi phạm hợp đồng như sau:

a) Khi Bên A có các hành vi vi phạm tại điểm a khoản 1 Điều này và gây ra thiệt hại cho Bên B thì Bên A bị phạt vi phạm nghĩa vụ hợp đồng với mức phạt do hai bên thỏa thuận quy định tại khoản 9 Điều 1 (Các nội dung cụ thể) của hợp đồng này;

b) Khi Bên B có các hành vi vi phạm tại điểm b khoản 1 Điều này và gây ra thiệt hại cho Bên A thì Bên B bị phạt vi phạm nghĩa vụ hợp đồng với mức phạt do hai bên thỏa thuận quy định tại khoản 9 Điều 1 (Các nội dung cụ thể) của hợp đồng này.

Điều 6. Giải quyết tranh chấp

1. Hai bên cam kết thực hiện đúng các thỏa thuận trong hợp đồng, bên nào vi phạm sẽ bị xử lý theo thỏa thuận tại hợp đồng này và quy định của pháp luật.

2. Trường hợp phát sinh tranh chấp, hai bên giải quyết tranh chấp theo phương thức đã được hai bên thỏa thuận tại khoản 10 Điều 1 (Các nội dung cụ thể) của hợp đồng này theo quy định của pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và pháp luật về điện lực./.

Cách ghi hợp đồng mua bán điện mới nhất

1 Trong quá trình thực hiện ký kết hợp đồng, trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật là căn cứ được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế bằng các văn bản mới thì cập nhật theo các văn bản mới.

2 Áp dụng trong trường hợp đại diện theo ủy quyền.

3 Lựa chọn và ghi thông tin cho phù hợp với thực tế của Bên bán điện, trường hợp không phát sinh thì bỏ nội dung này.

4 Lựa chọn và ghi thông tin cho phù hợp với thực tế của Bên mua điện là tổ chức/cá nhân/hộ gia đình.

5 Thông tin dành cho Bên mua điện là tổ chức.

6 Thông tin dành cho Bên mua điện là tổ chức.

7 Lựa chọn và ghi thông tin cho phù hợp với thực tế của Bên mua điện (như hộ dùng chung, tổ chức,...), trường hợp không phát sinh thì bỏ nội dung này.

8 Lựa chọn và ghi thông tin cho phù hợp với thực tế của bên ủy quyền trong trường hợp Bên mua điện là tổ chức hoặc nhiều hộ dùng chung ký 01 hợp đồng; đối với đại diện cho các hộ dùng chung có thể có nhiều văn bản ủy quyền hoặc 01 văn bản ủy quyền của nhiều hộ dùng chung tùy theo tình hình thực tế.

9 Áp dụng cho trường hợp Bên mua điện là nhiều hộ dùng chung ký 01 hợp đồng.

10 Lựa chọn và ghi thông tin cho phù hợp với thực tế của Bên bán điện, trường hợp không phát sinh thì bỏ nội dung này.

11 Hai bên thỏa thuận phù hợp với quy định của pháp luật.

12 Trong trường hợp hai bên thỏa thuận lựa chọn từ hai phương thức giải quyết tranh chấp trở lên thì trình tự giải quyết tranh chấp theo quy định của pháp luật.

13 Hai bên có quyền thỏa thuận các nội dung phù hợp với thực tế mua bán điện giữa hai bên đảm bảo nội dung thỏa thuận khác không trái với quy định pháp luật hiện hành.

14 Lựa chọn một trong hai cách ghi thời hạn phù hợp.

15 Trường hợp Bên B là tổ chức thì phải ký và ghi đầy đủ họ tên, chức vụ và đóng dấu.

=> Hợp đồng mua bán điện là văn bản không thể thiếu khi giao dịch mua bán điện giữa người mua và bên sản xuất điện, thể hiện sự thỏa thuận cung cấp điện dài hạn giữa hai bên.

Thông tư Thông tư 16/2023/TT-BCT của Bộ Công Thương cũng nêu rõ: Hợp đồng mua bán điện phục vụ mục đích sinh hoạt phải được thể hiện bằng văn bản dạng giấy (hợp đồng được lập thành 2 bản có giá trị như nhau, mỗi bên giữ 1 bản) hoặc dữ liệu điện tử được viết bằng tiếng Việt.

Các bên có thể thỏa thuận sử dụng thêm tiếng dân tộc khác của Việt Nam hoặc tiếng nước ngoài. Trong trường hợp có sự khác biệt giữa bản tiếng Việt với bản tiếng dân tộc khác của Việt Nam hoặc bản tiếng nước ngoài, bản có lợi hơn cho người tiêu dùng được ưu tiên áp dụng.

Bên mua điện phục vụ mục đích sinh hoạt thông thường là hộ dân, hộ gia đình. Bên bán điện là Công ty/Chi nhánh công ty Điện lực Việt Nam. Sau khi hợp đồng được ký kết, bên cung cấp điện sẽ cung cấp lượng điện theo thỏa thuận cho bên mua thông qua lưới điện công cộng.

Nội dung hợp đồng mua bán điện về cơ bản sẽ có những nội dung chính gồm:

  • Thông tin cơ bản của bên bán điện và bên khách hàng (bên mua điện): Tên cá nhân/tổ chức/người đại diện, điện thoại liên hệ, địa chỉ thường trú/địa chỉ trụ sở, địa chỉ email, số tài khoản ngân hàng, CCCD/CMND, số hộ dùng chung đường điện...
  • Nội dung thỏa thuận ký hợp đồng mua bán điện phục vụ mục đích sinh hoạt giữa 2 bên.
  • Thời gian hợp đồng bắt đầu có hiệu lực và thời hạn của hợp đồng (theo thỏa thuận giữa 2 bên hoặc theo quy định của pháp luật về thời hạn hợp đồng)
  • Các điều khoản 2 bên cam kết nghiêm túc thực hiện, như: thỏa thuận về chất lượng điện năng; giá điện; phương thức thanh toán; thời hạn thanh toán hóa đơn điện; các quyền và nghĩa vụ của bên mua điện và bên bán điện; cam kết bồi thường thiệt hại nếu vi phạm hợp đồng và cách thức giải quyết tranh chấp (nếu có).

2. Thủ tục mua điện sinh hoạt khi bỏ Sổ hộ khẩu giấy năm 2024

2.1. Thủ tục mua bán điện sinh hoạt theo quy định mới nhất

Căn cứ Khoản 1 Điều 8 Nghị định 104/2022/NĐ-CP sửa đổi các nghị định liên quan đến việc nộp, xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy khi thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công có hiệu lực từ ngày 01/01/2023 nêu rõ:

a) Bên mua điện phải có đủ năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật, có đề nghị mua điện và thông tin về cư trú của hộ gia đình tại địa điểm mua điện hoặc giấy tờ chứng minh quyền sở hữu, quản lý, sử dụng địa điểm mua điện;

=> Như vậy, có thể chắc chắn rằng, từ ngày 1/1/2023, người dân chỉ cần có thông tin về cư trú của hộ gia đình tại địa điểm mua điện hoặc giấy tờ chứng minh quyền sở hữu, quản lý, sử dụng địa điểm mua điện để ký hợp đồng mua bán điện sinh hoạt; không cần phải có bản sao sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú như trước. Bao gồm: CCCD/CMND/hộ chiếu của người nộp hồ sơ, hợp đồng mua bán hoặc biên bản bàn giao nhà/căn hộ hoặc văn bản chuyển nhượng/xác nhận chuyển nhượng (công chứng).

Tóm lại, Hồ sơ đề nghị đăng ký mua điện từ 01/01/2023 bao gồm: (Theo Khoản 2 Điều 8 Nghị định 104/2022/NĐ-CP)

- Giấy đề nghị mua điện.

- Một trong các giấy tờ: (chia thành 2 trường hợp)

+ Trường hợp 1: Có sử dụng thông tin về cư trú của hộ gia đình tại địa điểm mua điện:

  • Thẻ Căn cước công dân/Chứng minh nhân dân;
  • Giấy xác nhận thông tin về cư trú
  • Giấy thông báo số định danh cá nhân và thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư của cá nhân đại diện bên mua điện.

+ Trường hợp 2: Không sử dụng thông tin về cư trú của hộ gia đình tại địa điểm mua điện, bên mua điện phải cung cấp bản sao của một trong các giấy tờ:

  • Giấy chứng nhận về quyền sở hữu nhà ở;
  • Giấy chứng nhận về quyền sử dụng đất;
  • Quyết định phân nhà; hợp đồng mua bán nhà;
  • Hợp đồng thuê nhà có thời hạn từ 01 năm trở lên hoặc các giấy tờ khác chứng minh quyền sở hữu, quản lý, sử dụng địa điểm mua điện có thời hạn từ 01 năm trở lên.

2.2. Thủ tục mua điện sinh hoạt ở chung cư năm 2024

Hướng dẫn làm hồ sơ điện tại các chung cư năm 2024, thủ tục giấy tờ người dân sinh sống tại chung cư cần chuẩn bị gồm:

Các trường hợp của người nộp hồ sơ

Hồ sơ, giấy tờ cần cung cấp

Người nộp hồ sơ là chủ hộ đứng tên trên "Hợp đồng mua bán" hoặc "Biên bản bàn giao căn hộ"

- Căn cước công dân/hộ chiếu (công chứng)

- Hợp đồng mua bán/Biên bản bàn giao căn hộ (công chứng)

- Hợp đồng mua điện (Ban quản lý chung cư hoặc chi nhánh điện lực cung cấp mẫu)

Đối với hồ sơ được ủy quyền

- Căn cước công dân/hộ chiếu chủ hộ và người được ủy quyền (công chứng)

- Hợp đồng mua bán căn hộ (công chứng)

- Giấy ủy quyền ghi rõ nội dung ủy quyền làm hợp đồng mua bán điện (công chứng)

- Hợp đồng mua điện

Đối với căn hộ chuyển nhượng, người nộp hồ sơ là người đứng tên trên "Văn bản chuyển nhượng/Xác nhận chuyển nhượng"

- Căn cước công dân/hộ chiếu của chủ mới (công chứng)

- Hợp đồng mua bán/Biên bản bàn giao căn hộ gốc đứng tên chủ cũ (công chứng)

- Văn bản chuyển nhượng/Xác nhận chuyển nhượng/Hợp đồng chuyển nhượng (công chứng)

- Hợp đồng mua điện

*Yêu cầu: chủ sở hữu mới đến nộp trực tiếp

*Lưu ý: Chủ sở hữu nhà/căn hộ phải trực tiếp nộp hồ sơ điện tại Chi nhánh Điện lực EVN khu vực nơi bản thân đang thường trú/tạm trú.

3. Thủ tục đăng ký cấp điện mới online

Hiện nay, người dân đã có thể thực hiện thủ tục đăng ký mua điện sinh hoạt bằng hình thức trực tuyến. Cụ thể như sau:

- Đăng ký cấp điện ở miền Bắc (trừ Hà Nội): https://cskh.npc.com.vn/DichVuTrucTuyen/DichVuCapDienMoi

- Đăng ký cấp điện ở Hà Nội: https://evnhanoi.com.vn/cskh/dang-ky-mua-dien

- Đăng ký cấp điện ở miền Trung: https://cskh.cpc.vn/frm_DichVuTrucTuyen.aspx

- Đăng ký cấp điện ở miền Nam (trừ TP Hồ Chí Minh): http://cskh.evnspc.vn/CSKHEVN/CapDien/TNhanCDienSH

- Đăng ký cấp điện ở TP Hồ Chí Minh: https://cskh.evnhcmc.vn/

Thủ tục đăng ký điện sinh hoạt online
Thủ tục đăng ký cấp điện mới trực tuyến

Các bước đăng ký cấp điện mới online

Cách 1: Đăng ký qua trang web https://cskh.cpc.vn (Website CSKH).

Bước 1: Truy cập trang web https://cskh.cpc.vn

Bước 2: Bấm vào “Dịch vụ trực tuyến”, chọn “Cấp điện hạ áp” hoặc “Cấp điện trung áp” tùy vào nhu cầu của khách hàng.

Bước 3: Khách hàng điền đầy đủ thông tin vào mẫu đăng ký và thực hiện các bước theo yêu cầu trên chương trình để hoàn tất việc đăng ký dịch vụ. Hệ thống sẽ hiển thị “Bản xem trước giấy đề nghị” để khách hàng kiểm tra thông tin một lần nữa.

Cách 2: Đăng ký qua Ứng dụng EVNCPC CSKH (App EVNCPC CSKH).

Bước 1: Mở App EVNCPC CSKH.

Bước 2: Bấm chọn vào “Đăng ký mua điện”, chọn “Cấp điện hạ áp” hoặc “Cấp điện trung áp”.

Bước 3: Khách hàng điền đầy đủ thông tin vào mẫu đăng ký, sau khi hoàn tất điền thông tin thì bấm “Đăng ký”. Hệ thống sẽ hiển thị “Phiếu đề nghị cấp điện” để khách hàng kiểm tra thông tin một lần nữa trước khi xác nhận vào nút “Đồng ý và gửi yêu cầu”.

Cách 3: Đăng ký qua Cổng Dịch vụ công Quốc gia (Cổng DVCQG).

Bước 1: Truy cập Cổng DVCQG tại địa chỉ https://dichvucong.gov.vn và thực hiện “Đăng nhập”.

Bước 2: Sau khi đăng nhập, tại giao diện chính, sử dụng chức năng tìm kiếm nâng cao với từ khóa “cap dien moi” và chọn dịch vụ cấp điện cần đăng ký là cấp điện mới từ lưới điện hạ áp hoặc trung áp.

Bước 3: Hệ thống sẽ hiển thị chi tiết thủ tục hành chính, khách hàng chọn cơ quan thực hiện là “Tập đoàn Điện lực Việt Nam” và chọn “Đồng ý”. Sau đó, khách hàng chọn dịch vụ cấp điện mới của “Tổng công ty điện lực miền Trung”.

Bước 4: Hệ thống sẽ chuyển đến giao diện đăng ký cấp điện, khách hàng nhập các thông tin cần thiết và tiến hành đăng ký dịch vụ.

4. Cách đăng ký Điện lực trên Zalo

Tham khảo bài viết: Tra cứu thông tin tiền điện trên Zalo

5. Hành vi vi phạm hợp đồng mua bán điện

Căn cứ theo quy định tại Điều 13 Nghị định 137/2013/NĐ-CP quy định như sau:

1. Các hành vi vi phạm của bên bán điện bao gồm:

a) Trì hoãn việc cấp điện theo hợp đồng mua bán điện đã ký, trừ trường hợp công trình của khách hàng chưa đủ điều kiện vận hành;

b) Không bảo đảm chất lượng, số lượng điện năng, tính ổn định trong cấp điện theo hợp đồng đã ký, trừ trường hợp bất khả kháng;

c) Ghi sai chỉ số công tơ; tính sai tiền điện trong hóa đơn;

d) Trì hoãn hoặc không bồi thường cho bên mua điện về những thiệt hại do lỗi của mình gây ra;

đ) Các hành vi khác vi phạm các quy định về mua bán điện.

2. Các hành vi vi phạm của bên mua điện bao gồm:

a) Trì hoãn việc thực hiện hợp đồng đã ký;

b) Sử dụng điện sai mục đích ghi trong hợp đồng;

c) Sử dụng quá công suất đã đăng ký trong biểu đồ phụ tải được ghi trong hợp đồng mua bán điện vào giờ cao điểm;

d) Không thanh lý hợp đồng khi không sử dụng điện;

đ) Chậm trả tiền điện theo quy định mà không có lý do chính đáng;

e) Trì hoãn hoặc không bồi thường cho bên bán điện về những thiệt hại do lỗi của mình gây ra;

g) Các hành vi khác vi phạm các quy định về mua bán điện.

=> Như vậy, các hành vi theo quy định trên được coi là vi phạm hợp đồng mua bán điện.

6. Mức phạt khi vi phạm hợp đồng mua bán điện 2023

- Bên vi phạm bồi thường những tổn thất do hành vi vi phạm gây ra cho bên bị vi phạm đối với các hành vi vi phạm hợp đồng mua bán điện.

Giá trị bồi thường thiệt hại bao gồm giá trị tổn thất thực tế, trực tiếp mà bên bị vi phạm phải chịu do bên vi phạm gây ra và khoản lợi trực tiếp mà bên bị vi phạm đáng lẽ được hưởng nếu không có hành vi vi phạm.

- Bên yêu cầu bồi thường thiệt hại phải chứng minh tổn thất, mức độ tổn thất do hành vi vi phạm gây ra và khoản lợi trực tiếp mà bên bị vi phạm đáng lẽ được hưởng nếu không có hành vi vi pham.

- Mức phạt vi phạm nghĩa vụ hợp đồng căn cứ theo thỏa thuận trong hợp đồng nhưng không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm; nếu không thỏa thuận trong hợp đồng thì thực hiện theo quy định của pháp luật.

Căn cứ pháp lý:

  • Nghị định 137/2013/NĐ-CP
  • Nghị định 104/2022/NĐ-CP

7. Giá bán lẻ điện sinh hoạt mới nhất năm 2024

Tham khảo bài viết: Biểu giá bán lẻ điện mới nhất 2024

Trên đây là Mẫu hợp đồng mua bán điện phục vụ mục đích sinh hoạt mới nhất 2024. Mời các bạn tham khảo các nội dung liên quan tại mục Biểu mẫu và tiểu mục Hợp đồng - Nghiệm thu - Thanh lý nhé.

Đánh giá bài viết
1 7.293
Bạn có thể tải về tập tin thích hợp cho bạn tại các liên kết dưới đây.
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm