Tín chỉ Carbon là gì?

Tín chỉ Carbon là gì? Thế nào là kinh doanh Tín chỉ Carbon? Gần đây có thông tin Việt Nam đang là một trong những nước đứng đầu về tạo tín chỉ Carbon và đã thu được lợi nhuận lớn nhờ bán tín chỉ này, tiến tới Việt Nam sẽ thành lập sàn giao dịch Carbon. Vậy Tín chỉ Carbon là gì? Đây có thể là khái niệm mới với nhiều người. Những nội dung liên quan đến tín chỉ Carbon sẽ được Hoatieu.vn giải đáp chi tiết trong bài viết dưới đây.

Tín chỉ Carbon là gì

Nguồn gốc của tín chỉ Carbon từ đâu? Vì sao có thể thu lợi nhuận từ thị trường Carbon? Thị trường Carbon có tác dụng gì trong giảm thiểu khí thải nhà kính và tình trạng ô nhiễm môi trường? Dưới đây là một số thông tin các bạn nên biết về tín chỉ Carbon và thị trường mua bán tín chỉ Carbon.

Cơ sở pháp lý phát triển thị trường carbon:

  • Luật Bảo vệ Môi trường 2020.
  • Nghị định số 06/2022/NĐ-CP về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozon.
  • Quyết định 01/2022/QĐ-TTg quy định danh mục lĩnh vực, cơ sở phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính.
  • Thông tư số 17/2022/TT-BTNMT quy định kỹ thuật đo đạc, báo cáo, thẩm định giảm nhẹ phát thải KNK và kiểm kê KNK lĩnh vực quản lý chất thải

1. Tín chỉ Carbon là gì?

Căn cứ theo khoản 35 Điều 3 Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định như sau:

Tín chỉ các-bon là chứng nhận có thể giao dịch thương mại và thể hiện quyền phát thải một tấn khí carbon dioxide (CO2) hoặc một tấn khí carbon dioxide (CO2) tương đương.

=> Có thể hiểu, Tín chỉ carbon là thuật ngữ chung cho tín chỉ có thể kinh doanh hoặc giấy phép đại diện cho 1 tấn carbon dioxide (CO2) hoặc khối lượng của một khí nhà kính khác tương đương với 1 tấn CO2 (tCO2e). Việc mua bán sự phát thải khí CO2 hay mua bán carbon trên thị trường được thực hiện thông qua tín chỉ.

Công thức quy đổi: Một tín chỉ carbon tương đương với một tấn phát thải CO2 (carbon dioxide) hoặc khí thải nhà kính khác (CH4, NO2) quy đổi tương đương với 1 tấn CO2 (tCO2tđ)

Mục tiêu của tín chỉ carbon: Giảm thiểu lượng khí thải nhà kính và phát triển kinh tế xanh bền vững, chung tay bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu.

2. Thị trường Tín chỉ Carbon là gì?

Thị trường Tín chỉ Carbon là nơi mua bán sự phát thải khí CO2 hay mua bán carbon được thực hiện thông qua tín chỉ.

Nguồn gốc của Thị trường Tín chỉ Carbon: bắt nguồn từ Nghị định thư Kyoto của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu, được thông qua năm 1997. Theo nghị định này, các quốc gia có dư thừa quyền phát thải được bán cho hoặc mua từ các quốc gia phát thải nhiều hơn hoặc ít hơn mục tiêu cam kết. Từ đó, trên thế giới xuất hiện loại hàng hóa mới là các chứng chỉ giảm/hấp thụ phát thải khí nhà kính. Do CO2 là khí nhà kính quy đổi tương đương của mọi khí nhà kính nên các giao dịch được gọi chung là mua bán, trao đổi carbon, hình thành nên thị trường carbon hay thị trường tín chỉ carbon.

=> Như vậy, thị trường tín chỉ carbon là thị trường có bên bán, bên mua và bên trung gian.

+ Bên bán là các tổ chức, quốc gia có hoạt động phát thải Carbon trong toàn bộ hoạt động (sản xuất, cung ứng, phân phối...) có tổng mức phát thải ròng CO2 âm (thấp hơn cam kết).

+ Bên mua là các tổ chức, quốc gia có lượng phát thải CO2 dương (các nước phát triển, các công ty sản xuất hóa xầu, xi măng, sắt thép, hóa chất...). Họ buộc phải mua tín chỉ carbon để hàng hóa đủ điều kiện xuất khẩu vào các thị trường có quy định về tiêu chuẩn sản xuất xanh.

+ Ở giữa người mua và người bán, có các đối tác trung gian là các đơn vị tư vấn, đơn vị kiểm toán, các nhà môi giới trung gian chia theo nhiều cấp độ.

=> Hiểu đơn giản như sau: mỗi một quốc gia, doanh nghiệp, nhà máy sản xuất đều sẽ thải ra không khí một lượng khí thải CO2 nhất định. Nếu vượt ngưỡng quy định, họ cần mua tín chỉ Carbon để duy trì hoạt động. Ngược lại, những quốc gia, doanh nghiệp phát sinh lượng khí thái thực tế thấp hơn mức giới hạn quy định thì có thể bán phần tín chỉ carbon chưa sử dụng cho quốc gia, tổ chức có phát thải vượt quy định.

Các loại thị trường Carbon chính:

- Có hai loại thị trường chính là:

+ Thị trường carbon bắt buộc/Thị trường bắt buộc (mandatory carbon market): Thị trường này được tạo ra từ sự cam kết của các quốc gia trong Công ước khung Liên Hợp Quốc về Biến đổi Khí hậu (UNFCCC), bắt buộc các quốc gia thành viên phải thực hiện theo quy định, nhằm mục tiêu cắt giảm lượng khí thải nhà kính thải ra môi trường.

+ Thị trường carbon tự nguyện/Thị trường tự nguyện (voluntary carbon market): dựa trên cơ sở hợp tác thỏa thuận song phương hoặc đa phương giữa các tổ chức, công ty hoặc quốc gia. Bên mua tín chỉ tham gia vào các giao dịch trên cơ sở tự nguyện để đáp ứng các chính sách về môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp (ESG) để giảm dấu chân carbon.

3. Cách tính tín chỉ carbon

Để tính số tín chỉ Carbon, bạn cần dựa trên lượng khí thải carbon được sinh ra từ một hoạt động cụ thể của doanh nghiệp (ví dụ như hoạt động sản xuất, hoạt động di chuyển phân phối hàng hóa, hoạt động công nghiệp...)

Công thức như sau:

1 tín chỉ Carbon = 1 tấn CO2 thải ra môi trường (hoặc khí thải nhà kính khác (CH4, NO2))

Ví dụ: Công ty A có giới hạn 15 tấn khí thải CO2 nhưng chỉ phát thải 8 tấn. Công ty B cũng có giới hạn phát thải 15 tấn khí thải CO2 và đã dùng hết giới hạn này.

Như vậy, cả công ty A và B đều có giới hạn 15 tấn khí thải CO2 = 15 tín chỉ Carbon. Công ty A chỉ phát thải 8 tấn CO2 (tương đương 8 tín chỉ carbon) nên A còn thừa 7 tín chỉ. Công ty B có thể mua 7 tín chỉ bổ sung từ công ty A để tiếp tục sản xuất kinh doanh mà vẫn tuân thủ đúng quy định của nhà nước về bảo vệ môi trường.

4. Tổ chức nào ở Việt Nam được tham gia thị trường cacbon?

Căn cứ theo Điều 16 Nghị định 06/2022/NĐ-CP quy định như sau:

Đối tượng tham gia thị trường các-bon trong nước

1. Cơ sở thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị định này.

2. Tổ chức tham gia thực hiện cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon trong nước, quốc tế phù hợp với quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

3. Tổ chức và cá nhân khác có liên quan đến hoạt động đầu tư, kinh doanh hạn ngạch phát thải khí nhà kính, tín chỉ các-bon trên thị trường các-bon.

Theo đó, tổ chức được tham gia thị trường cacbon trong nước gồm:

+ Các cơ sở phát thải khí nhà kính phải kiểm kê khí nhà kính do nhà nước và chính phủ ban hành.

+ Các đơn vị tham gia vào thị trường cần thực hiện theo cơ chế trao đổi, mua bán tín chỉ carbon trong nước và quốc tế, phải tuân thủ theo quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà trong đó Việt Nam là nước thành viên.

+ Các cá nhân và tổ chức có liên quan đến các hoạt động đầu tư, kinh doanh hạn ngạch phát thải khí nhà kính hay tín chỉ carbon trên thị trường.

5. Địa phương nào ở Việt Nam được cấp mua bán tín chỉ carbon

Như đã phân tích ở các phần trước, việc mua bán tín chỉ carbon, mở rộng thị trường carbon không chỉ giúp các quốc gia, tổ chức mở rộng sản xuất, tạo nguồn thu nhập mới mà còn cải thiện chất lượng môi trường, giảm lượng khí thải nhà kính phát sinh. Hiện tại, ở Việt Nam có 6 địa phương được cấp mua bán tín chỉ carbon gồm các tỉnh sau:

- Thanh Hóa

- Nghệ An

- Hà Tĩnh

- Thừa Thiên Huế

- Quảng Bình

- Quảng Trị

Trên đây là giải đáp của Hoatieu.vn về câu hỏi Tín chỉ Carbon là gì? Những điều cần biết về tín chỉ Carbon. Mời các bạn đón xem các bài viết hữu ích khác tại mục Tài liệu: Có thể bạn chưa biết? của Hoatieu nhé.

Đánh giá bài viết
1 40
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm