Thực hành phân tích việc thực hiện quy tắc ứng xử và an toàn học đường trong lớp học trường học tại đơn vị công tác của thầy/cô

Thực hành phân tích việc thực hiện quy tắc ứng xử và an toàn học đường trong lớp học trường học tại đơn vị công tác của thầy/cô là đề bài tập tự luận Module 7. Sau đây HoaTieu.vn xin chia sẻ gợi ý trả lời câu hỏi trên nhằm giúp thầy cô có thêm tư liệu tham khảo khi hoàn thành bài tập cuối khóa module 7 và đạt kết quả cao.

Nội dung Module 7: Xây dựng trường học an toàn, chống bạo lực học đường trong trường tiểu học/THCS/THPT năm 2024. 

Nội dung bài viết được thực hiện bởi HoaTieu.vn. Các trang khác lấy bài xin ghi nguồn.

Gợi ý đáp án module 7
Gợi ý đáp án module 7

Để phân tích thực trạng thực hiện quy tắc ứng xử an toàn học đường tại lớp học, trường học, đơn vị công tác của giáo viên thì cần nắm bắt được thực tế việc thực hiện quy tắc ứng xử, an toàn học đường. Trong quá trình phân tích đưa ra những minh chứng về việc thực hiện tích cực và tiêu cực trong an toàn học đường tại trường học, lớp học mà mình làm việc.

1. Thực trạng việc thực hiện quy tắc ứng xử và an toàn học đường trong lớp học trường học tại đơn vị công tác của thầy/cô

Để phân tích việc thực hiện quy tắc ứng xử và an toàn học đường trong lớp học trường học tại đơn vị công tác của thầy/cô, có thể xem xét các phân tích và chỉ tiêu số liệu sau: Tỷ lệ học sinh tuân thủ / vi phạm quy tắc ứng xử và an toàn học đường; Đánh giá ý thức và hiểu biết về quy tắc ứng xử; Đánh giá việc kiểm tra và bảo dưỡng thiết bị và môi trường học tập; Đánh giá kiến thức và kỹ năng an toàn học đường của học sinh; Thu thập ý kiến phản hồi từ học sinh và phụ huynh..

Thầy cô có thể kẻ bảng để cập nhật số liệu khảo sát về thực trạng thực hiện Quy tắc ứng xử và an toàn học đường trong lớp học, trường học tại đơn vị công tác của thầy/cô như sau:

STTQuy tắc ứng xử và an toàn học đườngGiáo viên Học sinh
Điểm trung bìnhĐộ lệch chuẩnĐiểm trung bìnhĐộ lệch chuẩn

Chú thích: 1 ≤ ĐTB ≤ 5; ĐTB: Điểm trung bình; ĐLC: Độ lệch chuẩn;
(1: Hoàn toàn không đồng ý; 2: Không đồng ý; 3: Tương đối đồng ý; 4: Đồng ý; 5: Rất đồng ý)

Sau khi có số liệu thống kê thì rút ra kết luận về thực trạng thực hiện quy tắc ứng xử và an toàn học đường trong lớp học trường học theo gợi ý dưới đây:

Qua thời gian thực trạng việc triển khai và thực hiện, học sinh toàn nhà trường đã thực hiện rất tốt quy tắc ứng xử và an toàn học đường trong lớp học. cụ thể:

1.1. Tích cực

- Trong giao tiếp: các em học sinh đã từng bước ý thức được truyền thống ứng xử của dân tộc. Cách ứng xử ngày càng mạnh dạn, tự tin, đúng mực trong quan hệ học tập, quan hệ với bạn bè, thầy cô… (biểu hiện số liệu chiếm bao nhiêu %).

- Các em luôn cố gắng thực hiện lối sống lành mạnh, tích cực, quan tâm chia sẻ và giúp đỡ người khác. (biểu hiện số liệu chiếm bao nhiêu %)

- Các em có ý thức bảo vệ, giữ gìn cảnh quan lớp học; xây dựng môi trường giáo dục an toàn, thân thiện, xanh, sạch, đẹp.

- Đa số các em học sinh đều:

  • Không hút thuốc, sử dụng đồ uống có cồn, chất cấm trong giờ học; không tham gia tệ nạn xã hội.
  • Không gian lận, dối trá, vu khống, gây hiềm khích, quấy rối, ép buộc, đe dọa, bạo lực với người khác.
  • Không nói tục, chửi bậy, miệt thị, xúc phạm, gây mất đoàn kết; không bịa đặt, lôi kéo.
  • Không làm tổn hại đến sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của bản thân, người khác và uy tín của tập thể.

- Tôn trọng, lễ phép thầy cô, nhân viên nhà trường.

- Chan hòa, giúp đỡ bạn bè.

- Tự giác chấp hành nội quy, quy định nhà trường.

- Tuân thủ pháp luật, luật ATGT.

Như vậy quá trình thực hiện quy tắc ứng xử và an toàn học đường tại trường học, lớp học mà tôi công tác đã có những điểm tích cực nhất định giúp thúc đẩy an toàn học đường ngày được nâng cao, nâng cao ý thức của học sinh về bảo vệ an toàn học đường. Các em chủ động tuyên truyền và ngăn chặn tình trạng vi phạm quy tắc ứng và an toàn học đường trong chính trường, lớp học.

1.2. Tiêu cực

Tuy nhiên bên cạnh mặt tích cực, vẫn còn có một số biểu hiện tiêu cực:

- Nhiều em chưa tuân thủ các nội quy, quy định nhà trường (trích dẫn số liệu vi phạm nội quy nhà trường trong năm qua).

- Một số học sinh có hành vi lôi kéo để đánh nhau, một số khác lại thản nhiên theo dõi việc đánh nhau và quay video đăng lên mạng.

- Nhiều học sinh khi tham gia giao thông còn vi phạm Luật giao thông đường bộ như: đi hàng hai, hàng ba,... lạng lách, đánh võng, vượt đèn đỏ... (số liệu vi phạm ATGT của học sinh nhà trường trong năm qua).

- Một số trường hợp cá biệt chơi đùa, nghịch quá đà nên xảy ra những tình huống mất an toàn học đường chưa được nội qui nhà trường qui định. Vì thế những tình huống bất ngờ cần có sự ứng xử và ngăn chặn linh hoạt.

1.3. Kết luận

Đưa ra kết luận việc thực hiện quy tắc ứng xử và an toàn học đường trong lớp học trường học tại đơn vị công tác của thầy/cô đã tốt chưa, có hiệu quả không.

  • Hiệu quả là số vụ bạo lực, tai nạn học đường giảm...
  • Học sinh chăm ngoan, đạt thành tích tốt hơn...
Quy tắc ứng xử
Quy tắc ứng xử trong lớp học, trường học

2. Đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao ý thức thực hiện quy tắc ứng xử và an toàn học đường trong lớp học, trường học

Sau khi tiến hành phân tích thực trạng thực hiện quy tắc ứng xử và an toàn học đường trong lớp học trường học tại đơn vị công tác của mình, thầy/cô tiến hành đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao ý thức thực hiện qua kế hoạch hành động, Kế hoạch xây dựng lớp học an toàn và phòng chống bạo lực học đường.

Gợi ý một số giải pháp nhằm nâng cao ý thức thực hiện quy tắc ứng xử và an toàn học đường, khắc phục tình trạng bạo lực học đường hiện nay:

- Xây dựng nội quy lớp học; lớp học “Đoàn kết- Đôi bạn cùng tiến”, góc “Thư viện xanh”.

- Xây dựng quy tắc an toàn lớp học và phòng ngừa bạo lực học đường.

- Lồng ghép các hoạt động phòng, chống bạo lực và an toàn trường học trong các nội dung dạy học, hoạt động trải nghiệm theo chủ đề…

- Tổ chức các hoạt động ngoại khóa, buổi thảo luận, diễn đàn hoặc cuộc thi liên quan đến quy tắc ứng xử và an toàn học đường. Những hoạt động như vậy không chỉ giúp học sinh hiểu thêm về quy tắc mà còn tạo ra cơ hội để họ áp dụng và rèn luyện kỹ năng xã hội.

- Thường xuyên nhắc nhở các em đi học đều và đúng giờ, nghỉ học phải xin phép.

- Thường xuyên theo dõi, quan tâm, khích lệ, động viên học sinh trong từng tiết dạy, đặc biệt là học sinh còn khó khăn trong học tập.

- Kịp thời tuyên dương những em học tốt để các em phát huy tính tích cực trong học tập.

- Phối hợp giữa các đoàn thể để nâng cao sức mạnh về tinh thần, vật chất cho các em, động viên và tuyên truyền cho gia đình các em học sinh biết được tầm quan trọng trong việc học tập.

- Thiết lập kênh thông tin trao đổi với phụ huynh học sinh qua zalo.

Lưu ý rằng các giải pháp trên có thể phải được điều chỉnh phù hợp với hoàn cảnh và yêu cầu cụ thể của trường học. Đồng thời, sự tham gia và hỗ trợ của cả giáo viên, phụ huynh và cộng đồng là yếu tố quan trọng trong việc nâng cao ý thức và thực hiện quy tắc ứng xử và an toàn học đường.

3. Thầy/cô thực hành xây dựng quy tắc ứng xử và an toàn học đường cho lớp học mình đang phụ trách

3.1. Thực trạng vấn đề an toàn, phòng chống bạo lực học đường hiện nay

Tình trạng bạo lực trong trường học đã và đang diễn ra nóng bỏng trên khắp thế giới ở tất cả những cấp học, lớp học khác nhau. Bạo lực học đường không chỉ sảy ra ở học sinh nam mà còn cả ở học sinh nữ; không chỉ giữa học sinh với học sinh mà còn có bạo lực giữa học sinh với giáo viên và giáo viên với học sinh.

Theo số liệu được Bộ Giáo dục và đào tạo (GD- ĐT) đưa ra gần đây nhất, trong một năm học, toàn quốc xảy ra gần 1.600 vụ việc học sinh đánh nhau ở trong và ngoài trường học (khoảng 5 vụ/ngày). Cứ khoảng trên 5.200 học sinh (HS) thì có một vụ đánh nhau; cứ hơn 11.000 HS thì có một em bị buộc thôi học vì đánh nhau; cứ 9 trường thì có một trường có học sinh đánh nhau. Đáng lo ngại hơn, theo thống kê của Bộ Công An mỗi tháng có hơn 1.000 thanh thiếu niên phạm tội. Trước kia: tội phạm giết người trong độ tuổi từ 30 đến dưới 45 chiếm số lượng cao nhất. Bây giờ giảm còn 34% so với 41% của độ tuổi 18 đến dưới 30 (độ tuổi từ 14 đến dưới 18 chiếm đến 17%).

Những số liệu đó thực sự trở thành hồi chuông cảnh báo cho các gia đình, nhà trường và xã hội, cần quan tâm và có biện pháp thích hợp để đẩy lùi vấn nạn này.

Do đó việc tuyên truyền về thực trạng đáng báo động của bạo lực học đường, là hết sức cần thiết và thiết thực.

3.2. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo lực học đường hiện nay

Có 3 nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo lực học đường:

- Thứ nhất, đó là nguyên nhân từ chính các em học sinh. Theo một báo cáo của Viện khoa học giáo dục Việt Nam, đối tượng tham gia đánh nhau hầu hết là học sinh ở cuối cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông (từ 12-17 tuổi), đây là lứa tuổi mà tâm, sinh lý các em có nhiều biến đổi, suy nghĩ bồng bột, thích tự chứng tỏ bản thân, dễ bị bạn bè rủ rê, lôi kéo, tâm lý có những nét bất ổn, đôi lúc bốc đồng, không kiểm soát được hành vi bản thân. Trong giai đoạn này, chỉ cần sự tác động, kích thích xấu từ bên ngoài cũng khiến các em học theo, do sự phát triển thiếu toàn diện, thiếu hụt về nhân cách, thiếu khả năng ứng xử, sự non nớt trong kỹ năng sống, sự sai lệch trong quan điểm, chuẩn mực sống... sẽ dẫn đến nhận thức và hành động sai.

- Thứ hai, nguyên nhân từ môi trường gia đình và xã hội: môi trường đầu tiên mà mỗi đứa trẻ được sinh ra tiếp xúc là gia đình, bố, mẹ là những người có ảnh hưởng đầu tiên và quan trọng nhất đến việc hình thành tính cách, nhân cách và định hướng sống của con cái. Trong tình hình hiện nay, có không ít ông bố, bà mẹ dạy con bằng cách la mắng, đánh đập thô bạo con khi con mắc sai lầm, dần dần đã hình thành trong con cái tính hung hăng hơn. Việc con cái tiếp xúc với văn hóa như phim ảnh, sách báo, game, đồ chơi (kiếm, súng) mang tính bạo lực... cũng gây ra những tác động tiêu cực, thúc đẩy sự gia tăng tính hung hăng ở trẻ.

Môi trường xã hội cũng là nguyên nhân quan trọng gây ra tình trạng bạo lực học đường. Đa số những vụ việc bạo lực học đường thường xảy ra với những thanh thiếu niên sống trong cộng đồng dân cư có môi trường sống thiếu thốn, trình độ dân trí thấp, nghèo khổ, nhiều đối tượng nghỉ học sớm, chơi bời lêu lổng, nơi có nhiều tệ nạn xã hội... khi tiếp xúc với nhiều đối tượng xấu đó đã tác động xấu tới các em, dần dần đưa vào môi trường học đường và tác động, ảnh hưởng đến những học sinh khác trong nhà trường.

- Thứ ba, nguyên nhân từ nhà trường: các trường học còn nặng về việc truyền thụ kiến thức cho học sinh, đôi khi lãng quên nhiệm vụ giáo dục con người. Mặt khác, cuộc sống thực dụng, chạy theo đồng tiền của một phần xã hội đã làm cho giá trị quan trọng của nhà trường, đạo đức của một bộ phận thầy cô giáo bị xuống cấp. Một số vụ việc học sinh đánh nhau ngay tại lớp học nhưng nhà trường không hay biết, chỉ đến khi trên mạng xuất hiện clip mới quay lại xác minh, xử lý.

3.3. Giải pháp khắc phục tình trạng bạo lực học đường hiện nay

Một là, nhà trường cần có biện pháp giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức của các em học sinh về hành động, hậu quả của hành động bạo lực. Với những học sinh cá biệt, có biểu hiện “đầu gấu” thì phải khoanh vùng, phối hợp cùng gia đình uốn nắn, giúp đỡ các em, lôi kéo các em vào các phong trào của lớp, tạo sân chơi lành mạnh làm cho các em đỡ nhàm chán.

Hai là, các gia đình cần nhìn nhận lại cách giáo dục con trẻ, cần quan tâm tìm hiểu xem trẻ nghĩ gì, cần gì, xử sự như thế nào với bạn bè; cha mẹ hãy là bạn đồng hành với con cái, không nên tạo cho con cái một vỏ bọc quá cứng nhắc sẽ gây tâm lý ỷ lại, dựa dẫm, chơi bời, hưởng thụ; cần có thái độ phê phán, lên án những hành vi thô bạo và có những biện pháp xử lý có tính chất răn đe để làm gương cho người khác.

Ba là, nhà trường cần chủ động trao đổi thông tin với gia đình các em học sinh và chính quyền địa phương để nắm tình hình, quản lý và giáo dục học sinh. Giáo viên chủ nhiệm cần nắm chắc diễn biến tư tưởng của học sinh, không để các hành vi tiêu cực, bạo lực xảy ra. Cần chú trọng việc dạy các môn học giáo dục công dân, giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho học sinh, xây dựng môi trường sư phạm thân thiện, trang bị cho học sinh nhận thức đúng đắn để các em có hành động đẹp, biết yêu thương, tôn trọng bạn bè.

Bốn là, cả hệ thống chính trị cần nhận thức đúng đắn vai trò trách nhiệm của mình trong giải quyết vấn nạn bạo lực học đường, phát huy hết vai trò của mình trong công tác phòng ngừa tình hình bạo lực học đường, chủ động sử dụng tốt biện pháp vận động quần chúng, tăng cường tuyên truyền, vận động tại các khu dân cư, khi phát hiện mâu thuẫn cần kịp thời ngăn chặn, không để gây hậu quả xấu.

3.4. Quy tắc ứng xử và an toàn học đường

Quy tắc chung của trường học

(1) Thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về quyền và nghĩa vụ của công dân, của công chức, viên chức, nhà giáo, người lao động, người học.

(2) Thực hiện lối sống lành mạnh, tích cực, quan tâm chia sẻ và giúp đỡ người khác.

(3) Bảo vệ, giữ gìn cảnh quan cơ sở giáo dục; xây dựng môi trường giáo dục an toàn, thân thiện, xanh, sạch, đẹp.

(4) Cán bộ quản lý, giáo viên phải sử dụng trang phục lịch sự, phù hợp với môi trường và hoạt động giáo dục; nhân viên phải sử dụng trang phục phù hợp với môi trường giáo dục và tính chất công việc; người học phải sử dụng trang phục sạch sẽ, gọn gàng phù hợp với lứa tuổi và hoạt động giáo dục; cha mẹ người học và khách đến trường phải sử dụng trang phục phù hợp với môi trường giáo dục.

(5) Không sử dụng trang phục gây phản cảm.

(6) Không hút thuốc, sử dụng đồ uống có cồn, chất cấm trong cơ sở giáo dục theo quy định của pháp luật; không tham gia tệ nạn xã hội.

(7) Không sử dụng mạng xã hội để phát tán, tuyên truyền, bình luận những thông tin hoặc hình ảnh trái thuần phong mỹ tục, trái đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước hoặc làm ảnh hưởng xấu đến môi trường giáo dục.

(8) Không gian lận, dối trá, vu khống, gây hiềm khích, quấy rối, ép buộc, đe dọa, bạo lực với người khác.

(9) Không làm tổn hại đến sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của bản thân, người khác và uy tín của tập thể.

Ứng xử của giáo viên

- Ứng xử với người học: Ngôn ngữ chuẩn mực, dễ hiểu, khen hoặc phê bình phù hợp với đối tượng và hoàn cảnh; mẫu mực, bao dung, trách nhiệm, yêu thương; tôn trọng sự khác biệt, đối xử công bằng, tư vấn, lắng nghe và động viên, khích lệ người học; tích cực phòng, chống bạo lực học đường, xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện. Không xúc phạm, gây tổn thương, vụ lợi; không trù dập, định kiến, bạo hành, xâm hại; không thờ ơ, né tránh hoặc che giấu các hành vi vi phạm của người học.

- Ứng xử với cán bộ quản lý: Ngôn ngữ tôn trọng, trung thực, cầu thị, tham mưu tích cực và thể hiện rõ chính kiến; phục tùng sự chỉ đạo, điều hành và phân công của lãnh đạo theo quy định. Không xúc phạm, gây mất đoàn kết; không thờ ơ, né tránh hoặc che giấu các hành vi sai phạm của cán bộ quản lý.

- Ứng xử với cha mẹ người học: Ngôn ngữ đúng mực, trung thực, tôn trọng, thân thiện, hợp tác, chia sẻ. Không xúc phạm, áp đặt, vụ lợi.

Ứng xử của học sinh trong lớp học

  • Không nói tục, chửi bậy, miệt thị, xúc phạm, gây mất đoàn kết; không bịa đặt, lôi kéo;
  • Không phát tán thông tin để nói xấu, làm ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm học sinh khác.
  • Mọi vướng mắc với nhau phức tạp phải nhờ giáo viên quản nhiệm hay chủ nhiệm giải quyết.
  • Khi giải quyết những bất đồng hay mâu thuẫn cần phải bình tĩnh, không to tiếng, manh động, lời nói phải có lý có tình; biết lắng nghe tích cực, giữ gìn sự đoàn kết và luôn tỏ thiện chí hòa giải.
  • Không kiêu căng, thách thức, hiếu thắng, phải hết sức kiềm chế không để phải đánh nhau.
  • Đánh nhau là phải ra hội đồng kỷ luật, hạnh kiểm yếu và bị phạt kỷ luật nặng nhất.
  • Tuyệt đối không được rủ các bạn ngoài trường hay các bạn lớp khác giải quyết mâu thuẫn bằng hung khí sẽ rất nguy hiểm dễ gây thương tích và trở thành tội phạm trước pháp luật.
  • Tránh xa các tệ nạn học đường như hút thuốc lá, nói tục, chửi thề, vi phạm luật giao thông… Riêng dính với chất cấm là tội phạm pháp luật sẽ bị dừng học và chuyển Công an xử lý.

3.5.  Đánh giá và điều chỉnh

- Thu thập thông tin phản hồi: Tổ chức các cuộc họp và lấy ý kiến, thu thập thông tin phản hồi từ học sinh, đồng nghiệp và phụ huynh để đánh giá hiệu quả của các biện pháp đã thực hiện.

- Điều chỉnh kế hoạch nếu cần: Dựa vào phản hồi, điều chỉnh, cải tiến kế hoạch xây dựng quy tắc ứng xử và an toàn học đường cho lớp học mình.

4. Kế hoạch xây dựng, thực hiện quy tắc ứng xử và an toàn học đường năm 2024 

Mẫu do đồng nghiệp tỉnh Kon Tum chia sẻ:

UBND THÀNH PHỐ .................

TRƯỜNG TH- THCS ......................

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

Số: …./KH-NB

......................, ngày 20 tháng 9 năm 2024

KẾ HOẠCH
Xây dựng, thực hiện quy tắc ứng xử và an toàn học đường trong trường học Năm học 2023-2024

I. Căn cứ xây dựng kế hoạch.

1. Căn cứ pháp lý

Căn cứ quy định về đạo đức nhà giáo (Ban hành kèm theo Quyết định số 16/2008/QĐ-BGDĐT ngày 16 tháng 4 năm2008 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo).

Căn cứ vào điều lệ trường phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học quy định về đạo đức nhà giáo(Ban hành kèm theo Thông tư số: 12/2011/TT-BGDĐT ngày 28/3 /2011 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo).

Căn cứ Nghị định số 80/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống BLHĐ;

Căn cứ Quyết định số 1299/QĐ-TTg ngày 03 tháng 10 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018-2025”;

Thông tư 06/2019/TT-BGDĐT quy định Quy tắc ứng xử trong cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên.

Thông tư số 32 2020/TT-BGDĐT ngày 15/9/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo Ban hành Điều lệ trường THCS, trường THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học.

Thông tư số 28/2020/TT-BGDĐT ngày 04 tháng 9 năm 2020 Ban hành điều lệ trường Tiểu học;

Quyết định 758/QĐ-BNV ngày 23 tháng 6 năm 2021 của Bộ nội vụ Quyết định ban hành Quy tắc ứng xử của CB,CC,VC, Người lao động của Bộ Nội vụ;

Quyết định số 21/2018/QĐ-UBND Ban hành Quy chế văn hóa công sở tại các cơ quan hành chính đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn Tỉnh .................;

Căn cứ Công văn 315/PGD&ĐT-CM ngày 22 tháng 5 năm 2019 của Phòng Giáo dục và Đào tạo về việc triển khai thực hiện Thông tư số 06/2019/TT-BGD&ĐT ngày 12 tháng 4 năm 2019;

2. Căn cứ thực tiễn

Thực trạng nhà trường

a) Đội ngũ: Tổng số: … người.Trong đó, cán bộ quản lý: … người, giáo viên: … người (cấp Tiểu học: … người, cấp THCS: … người), nhân viên: … người (… kế toán, … văn thư, … bảo vệ); trong đó có … /… giáo viên đạt chuẩn về trình độ đào tạo, đạt tỷ lệ …%, có … /… giáo viên chưa đạt chuẩn theo luật giáo dục 2019, chiếm tỷ lệ …% (trong đó cấp TH: … /… giáo viên chưa đạt chuẩn, cấp THCS: … /… giáo viên chưa đạt chuẩn theo luật giáo dục 2019).

Nam: … , nữ: …

Đảng viên: … .

Năm học 20… -20… nhà trường đề nghị … CBGVNV tặng danh hiệu Lao động tiên tiến, … CSTĐCS, … UBND tỉnh tặng Bằng khen, 01 tập thể hoàn thành tốt nhiệm vụ đề nghị UBND Thành phố tặng Giấy khen.

b) Học sinh: Toàn trường có … lớp (… lớp tiểu học;… lớp THCS), với … học sinh, trong đó khối tiểu học … lớp … học sinh (nữ … , DTTS … , Nữ DTTS … ), khốiTHCS … lớp … học sinh (nữ … , DTTS … , nữ DTTS … )

c) Cơ sở vật chất: Nhà trường còn thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu hiện nay như: chưa có nhà đa năng. Tại điểm cổng và tường rào cấp THCS được xây dựng năm 2005 đã xuống cấp, không an toàn cho GV và HS.

Nhà trường có … phòng máy tính (… phòng … máy) phục vụ cho dạy và học

II. Đánh giá thực trạng ứng xử và an toàn học đường tại nhà trường

1. Thực trạng ứng xử của cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh, phụ huynh và khách

1.1. Điểm mạnh

…% CBGVNV nhà trường luôn gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa ứng xử truyền thống, trong suốt những năm qua, phấn đấu nhà trường trở thành “Nhà trường ứng xử có Văn hoá tiêu biểu”, “ Xây dựng Trường hạnh an toàn hạnh phúc”.

…% cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường là một tấm gương cho học sinh nọi theo.

…% cán bộ, giáo viên, nhân viên luôn ý thức tốt về công tác tự học tập và phát triển chuyên môn, thầy cô giáo của trường không chỉ dạy học sinh tri thức mà còn là tấm gương cho học sinh học tập suốt đời;

…% học sinh nhà trường có ý thức thường xuyên tự học và trau dồi tri thức để tiếp cận kho tàng tri thức của nhân loại và phát triển bản thân trở thành phấn đấu trở thành công dân có ích.

1.2. Điểm yếu

Còn một số giáo viên, nhân viên chưa nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò của công tác giáo dục học sinh thông qua việc tổ chức các hoạt động ứng xử có văn hóa lành mạnh; nội dung, hình thức tổ chức hoạt động chưa phù hợp, một số hoạt động ứng xử còn mang tính hình thức, thiếu sáng tạo và ít đem lại hiệu quả giáo dục.

.......................................

Do mẫu kế hoạch rất dài, HoaTieu.vn chỉ trình bày một phần một phần nội dung trong bài. Mời các bạn đọc xem bản đầy đủ tại file tải về. Trong quá trình tải file nếu có bất cứ thắc mắc gì, hãy liên hệ với đội ngũ của HoaTieu.vn để được tư vấn giải đáp kịp thời.

Trên đây là gợi ý Thực hành phân tích việc thực hiện quy tắc ứng xử và an toàn học đường trong lớp học trường học tại đơn vị công tác của thầy/cô. Mời các bạn tham khảo các bài viết liên quan khác trong mục Tài liệu: Dành cho giáo viên nhé.

Đánh giá bài viết
47 109.544
0 Bình luận
Sắp xếp theo