Quy định về phiếu bầu cử hợp lệ và không hợp lệ

Bầu cử là phương thức lựa chọn người làm đại biểu, thay mặt thực hiện quyền lực nhà nước trong các xã hội dân chủ theo nguyên tắc tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân thông qua hình thức bỏ phiếu. Vậy Quy định về phiếu bầu cử hợp lệ và không hợp lệ như thế nào?

1. Phiếu bầu hợp lệ là gì?

Về nguyên tắc, phiếu bầu cử hợp lệ là phiếu đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

- Phiếu theo mẫu quy định do Tổ bầu cử phát ra.

- Phiếu có đóng dấu của Tổ bầu cử.

- Phiếu bầu đủ hoặc ít hơn số lượng đại biểu đã ấn định cho đơn vị bầu cử.

- Phiếu không ghi thêm tên người khác ngoài danh sách những người ứng cử hoặc ghi thêm nội dung khác.

Tổ bầu cử có trách nhiệm hướng dẫn cụ thể cử tri cách thức bỏ phiếu để bảo đảm phiếu bầu cử hợp lệ. Theo các hướng dẫn tại Thông tư số 01/2021/TT-BNV của Bộ Nội vụ và hướng dẫn của Hội đồng bầu cử quốc gia, nếu cử tri không tín nhiệm người ứng cử nào thì gạch ngang giữa cả họ và tên người ứng cử đó (gạch đè lên hàng họ và tên người ứng cử); không khoanh tròn, gạch chéo, gạch dưới, gạch trên hàng họ và tên người ứng cử; không được đánh dấu trên phiếu bầu; không được viết thêm, không được ghi tên người ngoài danh sách ứng cử vào phiếu bầu; không được bầu quá số đại biểu được ấn định trong phiếu bầu; không được để nguyên phiếu bầu đối với phiếu bầu có số dư người ứng cử (không gạch tên người ứng cử nào) hoặc gạch tất cả người ứng cử trong phiếu bầu. Tuy nhiên, trường hợp trên phiếu gạch chéo, gạch xiên, gạch dọc hoặc gạch ngang nhưng gạch hết họ và tên của người ứng cử thì vẫn được tính là phiếu hợp lệ.

Trường hợp người ứng cử có hai tên (tên khai sinh, tên thường gọi) hoặc có chức vị, pháp danh, pháp hiệu theo tôn giáo, nếu cử tri không tín nhiệm người này, thì cần hướng dẫn cho cử tri gạch tất cả tên khai sinh, tên thường gọi hoặc chức vị, pháp danh, pháp hiệu tôn giáo của ứng cử viên đó. Tuy nhiên, nếu cử tri chỉ gạch một dòng tên khai sinh hoặc tên thường gọi; chỉ gạch một dòng tên khai sinh hoặc một dòng chức vị, pháp danh, pháp hiệu (đối với chức sắc tôn giáo) thì phiếu bầu đó vẫn được tính là hợp lệ.

Tương tự như vậy, trường hợp bên cạnh họ và tên của người ứng cử có cả ngày tháng năm sinh đặt trong ngoặc đơn () do những người ứng cử trong danh sách ghi trên phiếu có cả họ, tên và tên đệm giống nhau, nếu cử tri không tín nhiệm người này, thì cần gạch hết cả họ và tên và ngày tháng năm sinh đặt trong ngoặc đơn. Tuy nhiên, nếu cử tri chỉ gạch họ và tên mà không gạch ngày tháng năm sinh đặt trong ngoặc đơn thì phiếu bầu đó vẫn được tính là hợp lệ.

2. Phiếu bầu không hợp lệ là gì?

Những phiếu bầu cử không hợp lệ là:

- Phiếu không theo mẫu quy định do Tổ bầu cử phát ra.

- Phiếu không có dấu của Tổ bầu cử.

- Phiếu để số người được bầu nhiều hơn số lượng đại biểu được bầu đã ấn định cho đơn vị bầu cử.

- Phiếu gạch xóa họ, tên của tất cả những người ứng cử; phiếu ghi thêm tên người ngoài danh sách những người ứng cử hoặc phiếu có ghi thêm nội dung khác.

Trong quá trình kiểm phiếu, nếu phát hiệu có phiếu bầu cử được cho là không hợp lệ thì Tổ trưởng Tổ bầu cử đưa ra để toàn Tổ xem xét, quyết định. Tổ bầu cử không được gạch xóa hoặc sửa các tên, nội dung ghi trên phiếu bầu.

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên chuyên mục Tài liệu của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
1 139
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm