Thông tư liên tịch phối hợp xử lý hàng hóa xuất nhập khẩu chứa chất phóng xạ số 112/2015/TTLT-BTC-BKHCN

Xử lý hàng hóa có chứa chất phóng xạ

Thông tư liên tịch số 112/2015/TTLT-BTC-BKHCN hướng dẫn cơ chế phối hợp và xử lý trong việc kiểm tra, phát hiện chất phóng xạ tại các cửa khẩu. Thông tư liên tịch này được Bộ trưởng bộ Tài chính và Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành. Thông tư liên tịch số 112/2015/TTLT-BTC-BKHCN áp dụng đối với người khai hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh, trung chuyển; người điều khiển phương tiện vận tải chuyên chở hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh, trung chuyển; hành khách nhập cảnh, quá cảnh và có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 9 năm 2015.

BỘ TÀI CHÍNH - BỘ KHOA
HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
-------
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
Số: 112/2015/TTLT-BTC-BKHCNHà Nội, ngày 29 tháng 07 năm 2015

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH
HƯỚNG DẪN CƠ CHẾ PHỐI HỢP VÀ XỬ LÝ TRONG VIỆC KIỂM TRA, PHÁT HIỆN CHẤT PHÓNG XẠ TẠI CÁC CỬA KHẨU

Căn cứ Luật Hải quan số 54/2014/QH13 ngày 23 tháng 6 năm 2014;

Căn cứ Luật Năng lượng nguyên tử số 18/2008/QH12 ngày 03 tháng 6 năm 2008;

Căn cứ Nghị định số 215/2013/NĐ-CP ngày 23 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Căn cứ Nghị định số 20/2013/NĐ-CP ngày 26 tháng 02 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Khoa học và Công nghệ;

Căn cứ Nghị định số 07/2010/NĐ-CP ngày 25 tháng 01 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật năng lượng nguyên tử;

Căn cứ Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21 tháng 01 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan;

Bộ trưởng Bộ Tài chính và Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn cơ chế phối hợp và xử lý trong kiểm tra, phát hiện chất phóng xạ tại các cửa khẩu.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư liên tịch này hướng dẫn cơ chế phối hợp và xử lý trong việc kiểm tra, phát hiện chất phóng xạ đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh, trung chuyển vận chuyển bằng container; hành lý và hành khách nhập cảnh, quá cảnh tại các cửa khẩu.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Công chức hải quan, cơ quan hải quan các cấp.

2. Công chức, viên chức, lao động hợp đồng của Cục An toàn bức xạ và hạt nhân.

3. Công chức, viên chức của Sở Khoa học và Công nghệ các tỉnh, thành phố.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư liên tịch này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Trạm báo động trung tâm (CAS) hoặc Trạm cảnh báo tại chỗ (LAS) là phòng có các trang thiết bị phù hợp được đặt gần nơi có hệ thống các cổng phát hiện phóng xạ và trực tiếp thu nhận dữ liệu từ hệ thống này.

2. Trung tâm hỗ trợ cảnh báo (ASC) được đặt tại Trung tâm hỗ trợ kỹ thuật về an toàn bức xạ và ứng phó sự cố của Cục An toàn bức xạ và hạt nhân, có nhiệm vụ thu nhận dữ liệu từ Trung tâm Phân tích dữ liệu quốc gia.

3. Trung tâm Phân tích dữ liệu quốc gia (NDAC) được đặt tại trụ sở Tổng cục Hải quan, có nhiệm vụ thu nhận dữ liệu từ Trạm báo động trung tâm (CAS) hoặc Trạm cảnh báo tại chỗ (LAS) và gửi thông tin này cho Trung tâm hỗ trợ cảnh báo (ASC).

Chương II

CƠ CHẾ PHỐI HỢP GIỮA CÁC CƠ QUAN, ĐƠN VỊ LIÊN QUAN

Điều 4. Trách nhiệm của cơ quan hải quan

1. Tại các cửa khẩu đã được trang bị hệ thống kiểm tra phát hiện phóng xạ, cơ quan hải quan có trách nhiệm sau:

a) Bảo đảm Trạm báo động trung tâm (CAS) hoặc Trạm cảnh báo tại chỗ (LAS) tại cửa khẩu kết nối, thu nhận dữ liệu từ các cổng phát hiện phóng xạ và kết nối, truyền dữ liệu về Trung tâm phân tích dữ liệu quốc gia (NDAC), đảm bảo hoạt động liên tục 24 giờ/7 ngày;

b) Trường hợp hệ thống có sự cố kỹ thuật, hư hỏng xảy ra thì hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh, trung chuyển và hành lý, hành khách nhập cảnh, quá cảnh không phải kiểm tra phóng xạ. Đồng thời Chi cục Hải quan cửa khẩu phải kịp thời báo cáo Cục Hải quan tỉnh, thành phố và Tổng cục Hải quan để được hướng dẫn;

c) Phối hợp với cơ quan kinh doanh cảng để bảo đảm có khu vực kiểm tra thứ cấp và lưu giữ hành khách, hàng hóa khi phát hiện có phóng xạ;

d) Với mỗi ca làm việc, chỉ định ít nhất một công chức hải quan vận hành Trạm báo động trung tâm (CAS) hoặc Trạm cảnh báo tại chỗ (LAS) và khi có kiểm tra thứ cấp thì điều động hai công chức hải quan thực hiện;

đ) Thực hiện việc soi chiếu hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh, trung chuyển và hành lý, hành khách nhập cảnh, quá cảnh theo Quy trình nghiệp vụ kiểm tra, phát hiện phóng xạ đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh, trung chuyển vận chuyển bằng container; hành lý và hành khách nhập cảnh, quá cảnh tại các cửa khẩu do Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan ban hành;

e) Khi phát hiện hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh, trung chuyển; hành lý và hành khách nhập cảnh, quá cảnh chứa chất phóng xạ hoặc nhiễm phóng xạ, cơ quan hải quan:

- Dừng làm thủ tục hải quan hoặc dừng thông quan hàng hóa, hành lý và thông báo cho chủ hàng, người khai hải quan hoặc hành khách;

- Thông báo bằng biện pháp nhanh nhất (qua điện thoại, fax) tới Cục Hải quan tỉnh, thành phố, các đầu mối do Cục An toàn bức xạ và hạt nhân chỉ định; cung cấp đầy đủ thông tin liên quan đến vụ việc theo yêu cầu của Cục An toàn bức xạ và hạt nhân theo Phụ lục Cảnh báo phóng xạ ban hành kèm theo Thông tư này để yêu cầu hỗ trợ; tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động hỗ trợ của Cục An toàn bức xạ và hạt nhân;

- Phối hợp với Cục An toàn bức xạ và hạt nhân để xử lý bằng các biện pháp sau đây:

  • Áp dụng ngay các biện pháp bảo đảm an toàn cần thiết theo hướng dẫn của Cục An toàn bức xạ hạt nhân nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tác hại đối với con người, môi trường;
  • Áp dụng các biện pháp loại bỏ chất phóng xạ, tẩy xạ hàng hóa chứa chất phóng xạ hoặc nhiễm phóng xạ, trừ trường hợp tái xuất ngay;

- Thông báo và phối hợp với doanh nghiệp kinh doanh cảng và các cơ quan quản lý tại cảng biển, cảng hàng không quốc tế, các khu vực cửa khẩu có trang bị hệ thống kiểm tra phát hiện phóng xạ biết để kiểm soát việc thực hiện các biện pháp quy định trên;

- Cục Hải quan tỉnh, thành phố thông báo và đề nghị Sở Khoa học và Công nghệ trên địa bàn có cửa khẩu phối hợp xử lý theo quy định.

Điều 5. Trách nhiệm của Cục An toàn bức xạ và hạt nhân

1. Chỉ định và thông báo cho Tổng cục Hải quan đầu mối liên lạc để cung cấp cho cơ quan hải quan cửa khẩu.
Chỉ đạo các đầu mối để tiếp nhận thông tin trao đổi, xử lý trong trường hợp Chi cục hải quan cửa khẩu phát hiện hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh, trung chuyển; hành lý và hành khách nhập cảnh, quá cảnh chứa chất phóng xạ hoặc nhiễm phóng xạ.

2. Bảo đảm Trung tâm hỗ trợ cảnh báo (ASC) được kết nối với Trung tâm Phân tích dữ liệu quốc gia (NDAC) và hoạt động liên tục 24 giờ/7 ngày.

Điều 6. Trách nhiệm trong việc đào tạo, bảo trì và vận hành thiết bị

1. Tổng cục Hải quan có trách nhiệm:

a) Sử dụng kinh phí đào tạo của ngành Hải quan để xây dựng và thực hiện chương trình kế hoạch đào tạo hàng năm về phát hiện, ứng phó sự cố phóng xạ và kiểm soát xuất nhập khẩu, buôn bán trái phép vật liệu hạt nhân, vật liệu phóng xạ cho cán bộ hải quan vận hành hệ thống phát hiện phóng xạ, cán bộ sử dụng thiết bị phóng xạ cầm tay, thiết bị nhận diện đồng vị phóng xạ;

b) Lập và thực hiện kế hoạch bảo trì, bảo dưỡng định kỳ các hệ thống phát hiện phóng xạ và thiết bị phóng xạ cầm tay, thiết bị nhận diện đồng vị phóng xạ;

c) Lập kế hoạch hàng năm diễn tập xử lý các trường hợp phát hiện phóng xạ trình Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt, tổ chức thực hiện kế hoạch theo quy định;

d) Chủ trì, phối hợp với Cục An toàn bức xạ và hạt nhân:

  • Tổ chức đào tạo, chia sẻ thông tin về phát hiện, ứng phó sự cố phóng xạ và kiểm soát xuất nhập khẩu, buôn bán trái phép vật liệu hạt nhân, vật liệu phóng xạ;
  • Định kỳ hàng năm, tổ chức và tham gia diễn tập xử lý các trường hợp phát hiện phóng xạ.

Điều 7. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, cơ quan, đơn vị liên quan

1. Trách nhiệm của Sở Khoa học và Công nghệ:

Phối hợp với cơ quan hải quan tại cửa khẩu, các đầu mối do Cục An toàn bức xạ hạt nhân chỉ định khi có yêu cầu để đảm bảo kịp thời xử lý khi có sự cố phóng xạ xảy ra, thực hiện quy định tại khoản 3 Điều 10 Nghị định số 07/2010/NĐ-CP ngày 25/1/2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Năng lượng nguyên tử.

2. Trách nhiệm của doanh nghiệp kinh doanh cảng, kho bãi tại cửa khẩu:

a) Bố trí mặt bằng để:

  • Lắp đặt trang bị thiết bị kiểm tra phát hiện phóng xạ;
  • Kho, bãi lưu giữ hàng hóa, hành lý có chất phóng xạ từ khi phát hiện đến khi có quyết định xử lý của Cục An toàn bức xạ và hạt nhân và của cơ quan hải quan nơi làm thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa.

b) Phối hợp chặt chẽ với cơ quan hải quan và các cơ quan có thẩm quyền liên quan khi có yêu cầu để đảm bảo kịp thời xử lý khi có sự cố phóng xạ xảy ra.

Điều 8. Kinh phí phục vụ cho việc xử lý, lưu giữ nguồn phóng xạ, vật liệu hạt nhân nằm ngoài sự kiểm soát

1. Kinh phí để cơ quan hải quan thực hiện xử lý, lưu giữ nguồn phóng xạ, vật liệu hạt nhân được phát hiện mà không có người đến nhận được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 203/2014/TT-BTC ngày 22/12/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn xử lý hàng hóa tồn đọng thuộc địa bàn hoạt động hải quan.

2. Việc lập dự toán, chấp hành và quyết toán kinh phí phục vụ cho việc xử lý, lưu giữ nguồn phóng xạ, vật liệu hạt nhân nằm ngoài sự kiểm soát thực hiện theo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn hiện hành.

Điều 9. Trao đổi thông tin, tài liệu nghiệp vụ

1. Nguyên tắc trao đổi thông tin:

a) Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính), Cục An toàn bức xạ hạt nhân (Bộ Khoa học và Công nghệ) là đầu mối cung cấp thông tin, tài liệu nghiệp vụ mỗi khi phát sinh nội dung thông tin cần trao đổi;

b) Việc trao đổi, cung cấp tài liệu nghiệp vụ, hồ sơ phát hiện báo động phóng xạ và các tài liệu mật phải theo đúng quy định của pháp luật, chế độ công tác hồ sơ của mỗi đơn vị và phải được phê duyệt của lãnh đạo có thẩm quyền.

2. Nội dung thông tin trao đổi:

a) Thông tin của các Tổ chức quốc tế liên quan đến an ninh nguồn phóng xạ, vật liệu hạt nhân, Tổ chức Hải quan thế giới và các tổ chức quốc tế khác có liên quan;

b) Các tài liệu nghiệp vụ, hồ sơ xử lý phát hiện báo động phóng xạ khi có yêu cầu của mỗi bên;

c) Tài liệu, thông tin để phục vụ tuyên truyền về pháp luật, về công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép chất phóng xạ, vật liệu hạt nhân trong nước và quốc tế.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 10. Hiệu lực thi hành

Thông tư liên tịch này có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 9 năm 2015.

Điều 11. Trách nhiệm thi hành

1. Trong quá trình thực hiện, nếu các văn bản liên quan đề cập tại Thông tư liên tịch này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế thì thực hiện theo văn bản mới được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế.

2. Định kỳ hàng năm, Tổng cục Hải quan và Cục An toàn bức xạ và hạt nhân phối hợp tổ chức đánh giá kết quả thực hiện nội dung hướng dẫn tại Thông tư liên tịch này và đề xuất theo thẩm quyền.

3. Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan và Cục trưởng Cục An toàn bức xạ và hạt nhân có trách nhiệm tổ chức quản lý, theo dõi và triển khai thực hiện nội dung quy định tại Thông tư liên tịch này. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc phát sinh, đề nghị phản ánh kịp thời tới Bộ Tài chính (qua Tổng cục Hải quan) và Bộ Khoa học và Công nghệ (qua Cục An toàn bức xạ và hạt nhân) để giải quyết./.

KT. BỘ TRƯỞNG
BỘ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
THỨ TRƯỞNG

Trần Việt Thanh

KT. BỘ TRƯỞNG
BỘ TÀI CHÍNH
THỨ TRƯỞNG

Đỗ Hoàng Anh Tuấn

Đánh giá bài viết
1 61
Bạn có thể tải về tập tin thích hợp cho bạn tại các liên kết dưới đây.
0 Bình luận
Sắp xếp theo