Thông tư 04/2021/TT-BVHTTDL về giám định tư pháp trong lĩnh vực văn hóa

Thông tư số 04/2021/TT-BVHTTDL

Thông tư 04/2021/TT-BVHTTDL được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành về việc quy định một số nội dung về giám định tư pháp trong lĩnh vực văn hóa.

Ngày 08/6/2021, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Thông tư 04/2021/TT-BVHTTDL về việc quy định một số nội dung về giám định tư pháp trong lĩnh vực văn hóa.

Theo đó, giám định viên tư pháp trong lĩnh vực văn hóa phải có bằng đại học một trong các chuyên ngành sau: Mỹ thuật; Mỹ thuật ứng dụng; Nghệ thuật trình diễn; Nghệ thuật nghe nhìn; Ngôn ngữ, văn học và văn hóa Việt Nam; Thư viện; Bảo tàng; Luật; Chuyên ngành khác về nghệ thuật và nhân văn có liên quan. Ngoài ra, giám định viên tư pháp lĩnh vực này còn phải có hoạt động chuyên môn thực tế ở lĩnh vực được đào tạo từ đủ 05 năm trở lên.

Hồ sơ đề nghị bổ nhiệm giám định viên tư pháp gồm có: Văn bản đề nghị bổ nhiệm giám định viên tư pháp của thủ trưởng cơ quan, đơn vị; Bản sao bằng tốt nghiệp đại học trở lên; Sơ yếu lý lịch tư pháp; Giấy xác nhận về thời gian thực tế hoạt động chuyên môn của cơ quan, đơn vị nơi người được đề nghị bổ nhiệm làm việc.

Thông tư có hiệu lực từ ngày 01/8/2021.

Thông tư này làm hết hiệu lực của Thông tư 04/2013/TT-BVHTTDL.

Nội dung Thông tư Thông tư 04/2021/TT-BVHTTDL

BỘ VĂN HÓA, THỂ THAO
VÀ DU LỊCH
________

Số: 04/2021/TT-BVHTTDL

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
_______________________

Hà Nội, ngày 08 tháng 6 năm 2021

THÔNG TƯ
Quy định một số nội dung về giám định tư pháp trong lĩnh vực văn hóa

___________

Căn cứ Luật giám định tư pháp ngày 20 tháng 6 năm 2012 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp ngày 10 tháng 6 năm 2020;

Căn cứ Nghị định số 85/2013/NĐ-CP ngày 29 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Giám định tư pháp và Nghị định số 157/2020/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 85/2013/NĐ-CP ngày 29 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Giám định tư pháp;

Căn cứ Nghị định số 79/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Pháp chế;

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Thông tư quy định một số nội dung về giám định tư pháp trong lĩnh vực văn hóa.

Chương I. QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định về phạm vi giám định tư pháp, tiêu chuẩn, hồ sơ, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm giám định viên tư pháp, cấp, thu hồi thẻ giám định viên tư pháp; công nhận và đăng tải danh sách, hủy bỏ công nhận người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc; thủ tục cử người tham gia giám định tư pháp và thành lập hội đồng giám định trong lĩnh vực văn hóa.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Tổ chức, cá nhân tham gia giám định tư pháp trong lĩnh vực văn hóa và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

Điều 3. Phạm vi giám định tư pháp trong lĩnh vực văn hóa

1. Giám định tư pháp đối với di vật, cổ vật.

2. Giám định tư pháp đối với sản phẩm văn hóa.

3. Giám định tư pháp về quyền tác giả, quyền liên quan.

4. Giám định tư pháp về nội dung khác thuộc phạm vi quản lý về văn hóa theo quy định của pháp luật.

Chương II. TIÊU CHUẨN, HỒ SƠ, THỦ TỤC BỔ NHIỆM, MIỄN NHIỆM GIÁM ĐỊNH VIÊN TƯ PHÁP, CẤP, THU HỒI THẺ GIÁM ĐỊNH VIÊN TƯ PHÁP; CÔNG NHẬN, ĐĂNG TẢI DANH SÁCH, HỦY BỎ CÔNG NHẬN NGƯỜI GIÁM ĐỊNH TƯ PHÁP THEO VỤ VIỆC, TỔ CHỨC GIÁM ĐỊNH TƯ PHÁP THEO VỤ VIỆC

Điều 4. Tiêu chuẩn bổ nhiệm giám định viên tư pháp

1. Có sức khỏe, phẩm chất đạo đức tốt.

2. Có trình độ đại học trở lên thuộc một trong các chuyên ngành đào tạo sau đây:

a) Mỹ thuật;

b) Mỹ thuật ứng dụng;

c) Nghệ thuật trình diễn;

d) Nghệ thuật nghe nhìn;

đ) Ngôn ngữ, văn học và văn hóa Việt Nam;

e) Thư viện;

g) Bảo tàng;

h) Luật;

k) Chuyên ngành khác về nghệ thuật và nhân văn có liên quan.

3. Đã qua thực tế hoạt động chuyên môn ở lĩnh vực được đào tạo từ đủ 05 năm trở lên (trực tiếp làm công tác chuyên môn về chuyên ngành được đào tạo quy định tại khoản 2 Điều này).

Điều 5. Hồ sơ đề nghị bổ nhiệm giám định viên tư pháp

1. Văn bản đề nghị bổ nhiệm giám định viên tư pháp của thủ trưởng cơ quan, đơn vị.

2. Bản sao bằng tốt nghiệp đại học trở lên theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Thông tư này.

3. Sơ yếu lý lịch và phiếu lý lịch tư pháp. Trường hợp người được đề nghị bổ nhiệm giám định viên tư pháp đang là công chức, viên chức thì không cần có phiếu lý lịch tư pháp.

4. Giấy xác nhận về thời gian thực tế hoạt động chuyên môn của cơ quan, đơn vị nơi người được đề nghị bổ nhiệm làm việc.

Điều 6. Thủ tục bổ nhiệm giám định viên tư pháp và cấp thẻ giám định viên tư pháp

1. Thủ tục bổ nhiệm giám định viên tư pháp và cấp thẻ giám định viên tư pháp tại Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (sau đây gọi là Bộ)

a) Cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ lựa chọn người có đủ tiêu chuẩn quy định tại Điều 4 Thông tư này, lập hồ sơ đề nghị bổ nhiệm giám định viên tư pháp quy định tại Điều 5 Thông tư này kèm theo 02 ảnh màu chân dung cỡ 2 cm x 3 cm (chụp trong thời gian 6 tháng gần nhất) gửi về Bộ (qua Vụ Pháp chế);

b) Vụ Pháp chế chủ trì, phối hợp với Vụ Tổ chức cán bộ xem xét hồ sơ, lựa chọn, trình Bộ trưởng quyết định bổ nhiệm và cấp thẻ giám định viên tư pháp;

c) Mẫu thẻ, trình tự, thủ tục cấp mới, cấp lại thẻ giám định viên tư pháp tại Bộ thực hiện theo quy định tại Thông tư số 11/2020/TT-BTP ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định về mẫu thẻ, trình tự, thủ tục cấp mới, cấp lại thẻ giám định viên tư pháp.

2. Thủ tục bổ nhiệm giám định viên tư pháp và cấp thẻ giám định viên tư pháp ở địa phương

a) Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao (sau đây gọi là Sở) chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp lựa chọn người có đủ tiêu chuẩn quy định tại Điều 4 Thông tư này, tiếp nhận hồ sơ của người đề nghị bổ nhiệm giám định viên tư pháp, đề nghị Chủ tịch Uy ban nhân dân cấp tỉnh bổ nhiệm giám định viên tư pháp;

b) Mẫu thẻ, trình tự, thủ tục cấp mới, cấp lại thẻ giám định viên tư pháp ở địa phương thực hiện theo quy định tại Thông tư số 11/2020/TT-BTP ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định về mẫu thẻ, trình tự, thủ tục cấp mới, cấp lại thẻ giám định viên tư pháp.

3. Lập, đăng tải danh sách giám định viên tư pháp

a) Vụ Pháp chế có trách nhiệm lập và gửi danh sách giám định viên tư pháp do Bộ trưởng bổ nhiệm đến Trung tâm Công nghệ thông tin để đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ, đồng thời gửi Bộ Tư pháp để lập danh sách chung;

b) Trung tâm Công nghệ thông tin có trách nhiệm đăng tải danh sách giám định viên tư pháp trên Cổng thông tin điện tử của Bộ trong thời hạn 03 (ba) ngày kể từ ngày nhận được danh sách;

c) Sở có trách nhiệm lập, gủi danh sách giám định viên tư pháp để đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo quy định.

Điều 7. Miễn nhiệm giám định viên tư pháp và thu hồi thẻ giám định viên tư pháp

1. Các trường hợp miễn nhiệm, hồ sơ đề nghị miễn nhiệm giám định viên tư pháp thực hiện theo quy định tại Điều 10 Luật Giám định tư pháp được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 6 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp.

2. Cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ lập hồ sơ đề nghị miễn nhiệm giám định viên tư pháp gửi Vụ Pháp chế.

Vụ Pháp chế chủ trì, phối hợp với Vụ Tổ chức cán bộ kiểm tra hồ sơ, trình Bộ trưởng xem xét, quyết định miễn nhiệm và thu hồi thẻ giám định viên tư pháp tại Bộ.

3. Sở thống nhất ý kiến với Sở Tư pháp, lập hồ sơ đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định miễn nhiệm và thu hồi thẻ giám định viên tư pháp ở địa phương.

4. Điều chỉnh danh sách giám định viên tư pháp

a) Căn cứ quyết định miễn nhiệm giám định viên tư pháp của Bộ trưởng quy định tại khoản 2 Điều này, Vụ Pháp chế có trách nhiệm điều chỉnh danh sách giám định viên tư pháp và gửi đến Trung tâm Công nghệ thông tin để đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ, đồng thời gửi Bộ Tư pháp để điều chỉnh danh sách chung;

b) Trung tâm Công nghệ thông tin có trách nhiệm đăng tải danh sách giám định viên tư pháp trên Cổng thông tin điện tử của Bộ trong thời hạn 03 (ba) ngày kể từ ngày nhận được danh sách;

c) Sở có trách nhiệm điều chỉnh danh sách giám định viên tư pháp đối với trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này để đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo quy định.

Điều 8. Công nhận và đăng tải danh sách, hủy bỏ công nhận người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc

1. Công nhận và đăng tải danh sách người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ

a) Người có đủ tiêu chuẩn quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 18 của Luật Giám định tư pháp; tổ chức có đủ điều kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 19 của Luật Giám định tư pháp được lựa chọn để lập danh sách người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc;

b) Hằng năm, cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ lựa chọn, lập danh sách người giám định tư pháp theo vụ việc gửi Vụ Pháp chế trước ngày 01 tháng 3.

Vụ Pháp chế chủ trì, phối hợp với Vụ Tổ chức cán bộ xem xét danh sách người giám định tư pháp theo vụ việc, lựa chọn tổ chức có đủ điều kiện, trình Lãnh đạo Bộ quyết định công nhận người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc;

c) Vụ Pháp chế gửi danh sách kèm theo thông tin về chuyên ngành giám định, kinh nghiệm, năng lực của người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc đến Trung tâm Công nghệ thông tin để đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ, đồng thời gửi Bộ Tư pháp để lập danh sách chung.

2. Hủy bỏ công nhận người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc

a) Hằng năm, co quan, đơn vị trực thuộc Bộ có trách nhiệm rà soát danh sách người giám định tư pháp theo vụ việc do mình quản lý. Trường hợp phát hiện người giám định tư pháp theo vụ việc không còn đủ tiêu chuẩn quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 18 Luật Giám định tư pháp thì có văn bản gửi Vụ Pháp chế đề nghị hủy bỏ công nhận;

b) Vụ Pháp chế chủ trì, phối hợp với Vụ Tổ chức cán bộ tổng hợp danh sách người giám định tư pháp không còn đủ điều kiện, thống kê tổ chức giám định tư pháp không còn đủ điều kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 19 của Luật Giám định tư pháp trình Lãnh đạo Bộ quyết định hủy bỏ công nhận.

Chương III. THỦ TỤC CỬ NGƯỜI THAM GIA GIÁM ĐỊNH TƯ PHÁP VÀ THÀNH LẬP HỘI ĐỒNG GIÁM ĐỊNH

Điều 9. Cử người tham gia giám định tư pháp

1. Tại Bộ

a) Trường hợp Bộ nhận được trưng cầu giám định tư pháp có nội dung thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ, Vụ Pháp chế chủ trì, phối hợp với cơ quan, đơn vị liên quan lựa chọn giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc phù hợp nội dung trưng cầu giám định, đề xuất hình thức giám định là giám định cá nhân hoặc giám định tập thể trình Lãnh đạo Bộ quyết định cử người thực hiện giám định và hình thức giám định các nội dung trưng cầu.

Trường hợp trưng cầu giám định tư pháp có nội dung không thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ, Vụ Pháp chế chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan với trình Lãnh đạo Bộ từ chối giám định tư pháp và trả lời cơ quan trưng cầu giám định;

b) Trường hợp nhận được trưng cầu, yêu cầu giám định, cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ có trách nhiệm phối hợp với Vụ Pháp chế thực hiện theo quy định tại điểm a khoản này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Tại Sở

a) Trường hợp Sở nhận được trưng cầu giám định tư pháp có nội dung thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Sở, Giám đốc Sở lựa chọn giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc phù hợp nội dung trưng cầu giám định, quyết định hình thức giám định là giám định cá nhân hoặc giám định tập thể; trả lời cơ quan trưng cầu giám định danh sách người được cử thực hiện giám định và hình thức giám định các nội dung trưng cầu;

b) Trường hợp nội dung giám định không thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Sở, Giám đốc Sở có trách nhiệm từ chối giám định tư pháp và trả lời bằng văn bản cho cơ quan trưng cầu giám định.

3. Người được phân công giám định tư pháp có trách nhiệm tiếp nhận nội dung trưng cầu giám định, tổ chức thực hiện giám định, kết luận về các nội dung giám định và trả lời cơ quan trưng cầu giám định tư pháp theo quy định của pháp luật.

Trường hợp nhận thấy không đủ khả năng thực hiện giám định các nội dung được giao, người được phân công giám định tư pháp phải từ chối bằng văn bản. Văn bản từ chối được gửi cho cơ quan trưng cầu giám định và cơ quan cử người giám định.

Điều 10. Thành lập hội đồng giám định

1. Điều kiện thành lập hội đồng giám định

a) Hội đồng giám định trong lĩnh vực văn hóa được thành lập trong các trường hợp quy định tại Điều 30 Luật giám định tư pháp;

b) Hội đồng giám định trong lĩnh vực văn hóa do Bộ trưởng quyết định thành lập.

2. Thành lập hội đồng giám định

a) Vụ Pháp chế chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ có liên quan lựa chọn giám định viên, người giám định tư pháp theo vụ việc phù hợp với nội dung trưng cầu giám định, hoàn thiện hồ sơ trình Bộ trưởng quyết định thành lập hội đồng;

b) Thành phần, số lượng thành viên và cơ chế hoạt động của hội đồng giám định thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Giám định tư pháp.

Chương IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 11. Phân công trách nhiệm

1. Vụ Pháp chế chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện Thông tư này.

2. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ, Giám đốc Sở có trách nhiệm tổ chức thực hiện Thông tư này.

Điều 12. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 8 năm 2021.

2. Thông tư số 04/2013/TT-BVHTTDL ngày 03 tháng 5 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định tiêu chuẩn, hồ sơ, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm giám định viên tư pháp, lập và công bố danh sách giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc; thủ tục cử người giám định tư pháp và thành lập hội đồng giám định trong lĩnh vực văn hóa hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành.

Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị các cơ quan, đơn vị, cá nhân phản ánh kịp thời về Bộ (qua Vụ Pháp chế) để nghiên cứu sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.

Nơi nhận:

- Thủ tướng Chính phủ;

- Các Phó Thủ tướng Chính phủ;

- Văn phòng Trung ương Đảng;

- Văn phòng Quốc hội;

- Văn phòng Chủ tịch nước;

- Văn phòng Chính phủ;

- Toà án nhân dân tối cao;

- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;

- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;

- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

- Ủy ban TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;

- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;

- Cục Kiểm tra văn bản QPPL - Bộ Tư pháp;

- Bộ trưởng, các Thứ trưởng Bộ VHTTDL;

- Các Tổng cục, Cục, Vụ, đơn vị trực thuộc Bộ VHTTDL;

- Sở VHTTDL; Sở VHTT; Sở VHTTTTDL;

- Công báo; Cổng TTĐT Chính phủ; Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật;

- Cổng TTĐT Bộ VHTTDL;

- Lưu: VT, Vụ PC. LTL(300).

BỘ TRƯỞNG

Nguyễn Văn Hùng

Văn bản pháp luật này thuộc lĩnh vực Văn hóa được HoaTieu.vn cập nhật và đăng tải, mời các bạn sử dụng file tải về để lưu làm tài liệu sử dụng.

Đánh giá bài viết
1 20
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi