Thông tư 02/2020/TT-BLĐTBXH quản lý đối tượng được cung cấp dịch vụ công tác xã hội
Thông tư số 02/2020/TT-BLĐTBXH
Thông tư 02/2020/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội về việc hướng dẫn quản lý đối tượng được cơ sở trợ giúp xã hội cung cấp dịch vụ công tác xã hội.
Ngày 14/02/2020, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư 02/2020/TT-BLĐTBXH về việc hướng dẫn quản lý đối tượng được cơ sở trợ giúp xã hội cung cấp dịch vụ công tác xã hội.
Theo đó, cơ sở cử người quản lý theo dõi, hỗ trợ đối tượng hòa nhập cộng đồng trong vòng ít nhất 06 tháng, kể từ thời điểm đối tượng về gia đình, cộng đồng. Nếu sức khỏe của đối tượng tái phát cấp tình thì người quản lý đối tượng cần phối hợp với gia đình hoặc người giám hộ và Ủy ban nhân dân xã đưa đối tượng vào cơ sở để kịp thời chăm sóc. Khi đưa đối tượng về gia đình, người quản lý cần lập biên bản bàn giao và có xác nhận của người đứng đầu cơ sở trợ giúp xã hội và đại diện gia đình.
BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI Số: 02/2020/TT-BLĐTBXH | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Hà Nội, ngày 14 tháng 02 năm 2020 |
THÔNG TƯ
Hướng dẫn quản lý đối tượng được cơ sở trợ giúp xã hội cung cấp dịch vụ công tác xã hội
-------------
Căn cứ Nghị định số 14/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;
Căn cứ Nghị định số 103/2017/NĐ-CP ngày 12 tháng 9 năm 2017 của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức, hoạt động, giải thể và quản lý các cơ sở trợ giúp xã hội;
Căn cứ Quyết định số 32/2010/QĐ-TTg ngày 25 tháng 3 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển nghề công tác xã hội giai đoạn 2010-2020;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội;
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư hướng dẫn quản lý đối tượng được cơ sở trợ giúp xã hội cung cấp dịch vụ công tác xã hội.
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này hướng dẫn quản lý đối tượng được cơ sở trợ giúp xã hội cung cấp dịch vụ công tác xã hội tại cơ sở và tại xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là đối tượng).
2. Đối tượng áp dụng
Thông tư này áp dụng đối với công chức, viên chức, người lao động, cộng tác viên công tác xã hội thực hiện quản lý đối tượng tại các cơ sở trợ giúp xã hội và tổ chức, cá nhân có liên quan.
Điều 2. Giải thích từ ngữ
Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Quản lý đối tượng là biện pháp nghiệp vụ của công tác xã hội, bao gồm các hoạt động thu thập thông tin về đánh giá nhu cầu chăm sóc, trợ giúp của đối tượng; xây dựng, thực hiện, điều chỉnh kế hoạch chăm sóc, trợ giúp đối tượng; đánh giá và kết thúc quản lý đối tượng nhằm hỗ trợ đối tượng được ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng.
2. Người quản lý đối tượng là công chức, viên chức, người lao động, cộng tác viên công tác xã hội được người đứng đầu cơ sở trợ giúp xã hội hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã giao nhiệm vụ quản lý đối tượng.
3. Cơ sở trợ giúp xã hội bao gồm: Cơ sở bảo trợ xã hội chăm sóc người cao tuổi; cơ sở bảo trợ xã hội chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; Cơ sở bảo trợ xã hội chăm sóc người khuyết tật; Cơ sở bảo trợ xã hội tổng hợp thực hiện việc chăm sóc nhiều đối tượng bảo trợ xã hội hoặc đối tượng cần trợ giúp xã hội; Cơ sở bảo trợ xã hội chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí; Trung tâm công tác xã hội thực hiện việc tư vấn, chăm sóc khẩn cấp hoặc hỗ trợ những điều kiện cần thiết khác cho đối tượng cần trợ giúp xã hội và Cơ sở trợ giúp xã hội khác theo quy định của pháp luật (sau đây gọi chung là cơ sở).
4. Đối tượng được cơ sở trợ giúp xã hội cung cấp dịch vụ công tác xã hội gồm:
a) Đối tượng bảo trợ xã hội quy định tại khoản 1 Điều 25 Nghị định số 136/2013/NĐ-CP ngày 21 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội;
b) Đối tượng cần bảo vệ khẩn cấp bao gồm: Nạn nhân của bạo lực gia đình; nạn nhân bị xâm hại tình dục; nạn nhân bị buôn bán; nạn nhân bị cưỡng bức lao động; trẻ em, người lang thang xin ăn trong thời gian chờ đưa về nơi cư trú;
c) Người chưa thành niên không có nơi cư trú ổn định bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn theo quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính ngày 20 tháng 6 năm 2012, Nghị định số 111/2013/NĐ-CP ngày 30 tháng 9 năm 2013 của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn và Nghị định số 56/2016/NĐ-CP ngày 29 tháng 6 năm 2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 111/2013/NĐ-CP ngày 30 tháng 9 năm 2013 của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn;
d) Những người không thuộc diện đối tượng bảo trợ xã hội quy định tại điểm a, điểm b, điểm c Khoản 4 Điều này nhưng có nhu cầu được trợ giúp xã hội, tự nguyện đóng góp kinh phí hoặc có người thân, người nhận bảo trợ đóng góp kinh phí (sau đây gọi chung là đối tượng tự nguyện);
đ) Các đối tượng khác theo chương trình, đề án hỗ trợ hoặc do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định.
Chương II
QUY TRÌNH VÀ NHIỆM VỤ QUẢN LÝ ĐỐI TƯỢNG
Điều 3. Quy trình quản lý đối tượng
Quy trình quản lý đối tượng gồm các bước sau:
1. Thu thập thông tin và đánh giá nhu cầu chăm sóc, trợ giúp của đối tượng.
2. Xây dựng kế hoạch chăm sóc, trợ giúp đối tượng.
3. Thực hiện kế hoạch chăm sóc, trợ giúp đối tượng.
4. Theo dõi, rà soát và điều chỉnh kế hoạch chăm sóc, trợ giúp đối tượng.
5. Đánh giá và kết thúc quản lý đối tượng .
Điều 4. Thu thập thông tin
1. Người quản lý đối tượng có nhiệm vụ thu thập thông tin liên quan đến đối tượng bao gồm:
a) Thông tin của đối tượng
- Thông tin cơ bản, gồm: Họ và tên, ngày, tháng, năm sinh, giới tính, tình trạng hôn nhân, địa chỉ nơi ở, thông tin liên lạc, mã số định danh cá nhân, số chứng minh thư nhân dân hoặc số thẻ căn cước công dân (nếu có);
- Trình độ học vấn và trình độ chuyên môn;
- Trường học;
- Nghề nghiệp;
- Thu nhập của đối tượng;
- Các dịch vụ và chính sách trợ giúp xã hội mà đối tượng sử dụng dịch vụ đang thụ hưởng;
- Nhu cầu hỗ trợ theo thứ tự ưu tiên của đối tượng;
b) Thông tin về sức khỏe của đối tượng
- Bệnh/ bệnh tật và nguyên nhân hoặc dạng tật/mức độ khuyết tật;
- Đặc điểm về bệnh tật/khuyết tật;
- Khả năng lao động;
- Khả năng tự phục vụ trong sinh hoạt của đối tượng;
- Quá trình và kết quả điều trị, chăm sóc phục hồi sức khỏe của đối tượng trước khi vào cơ sở trợ giúp xã hội (nếu có);
- Hiện trạng về thể chất, tinh thần, tâm lý.
c) Thông tin về gia đình của đối tượng
- Họ và tên chủ hộ, ngày, tháng, năm sinh, địa chỉ nơi ở, thông tin liên lạc, mã số định danh cá nhân, số chứng minh thư nhân dân hoặc số thẻ căn cước công dân (nếu có);
- Quan hệ với đối tượng;
- Công việc chính của gia đình;
- Số thành viên trong gia đình;
- Vị trí của đối tượng trong gia đình;
- Hoàn cảnh kinh tế;
- Nguồn thu nhập chính của gia đình, bao gồm các khoản thu nhập từ việc làm, chính sách trợ giúp xã hội hàng tháng và các chương trình trợ giúp xã hội khác;
- Các khoản chi phí mua lương thực, thức ăn, quần áo, học phí, tiền khám bệnh, chữa bệnh, mua thuốc và các khoản chi phí khác;
- Điều kiện chỗ ở và sinh hoạt;
- Khả năng chăm sóc đối tượng của gia đình;
- Trợ cấp xã hội hàng tháng và các dịch vụ xã hội cơ bản;
- Nhu cầu cần hỗ trợ theo thứ tự ưu tiên;
- Thông tin khác (nếu có).
d) Thông tin của người giám hộ hoặc người chăm sóc (nếu có): Họ và tên, ngày, tháng, năm sinh, giới tính, tình trạng hôn nhân, địa chỉ nơi ở, thông tin liên lạc, mã số định danh cá nhân, số chứng minh thư nhân dân hoặc số thẻ căn cước công dân (nếu có).
2. Việc thu thập thông tin của đối tượng thực hiện theo Mẫu số 01 ban hành kèm theo Thông tư này.
Điều 5. Đánh giá nhu cầu chăm sóc, trợ giúp
1. Trên cơ sở kết quả thu thập thông tin, người quản lý đối tượng có nhiệm vụ phối hợp với các tổ chức, cá nhân có liên quan đánh giá nhu cầu chăm sóc, trợ giúp của đối tượng.
2. Người quản lý đối tượng chủ trì, đánh giá nhu cầu chăm sóc, trợ giúp của đối tượng, gồm:
a) Chăm sóc sức khỏe, y tế;
b) Giáo dục, học nghề, việc làm;
c) Hỗ trợ sinh kế;
d) Mối quan hệ gia đình và xã hội;
đ) Các kỹ năng sống;
e) Tham gia, hòa nhập cộng đồng;
g) Tâm lý, tình cảm;
h) Nhu cầu khác.
3. Trường hợp đối tượng không cung cấp được đầy đủ thông tin, người quản lý đối tượng có trách nhiệm phối hợp với đại diện gia đình, người chăm sóc hoặc người giám hộ đánh giá nhu cầu của đối tượng.
4. Việc đánh giá nhu cầu chăm sóc, trợ giúp của đối tượng thực hiện theo Mẫu số 02 ban hành kèm theo Thông tư này.
Điều 6. Xây dựng kế hoạch chăm sóc, trợ giúp
1. Căn cứ kết quả đánh giá nhu cầu của đối tượng, người quản lý đối tượng xác định đối tượng được cơ sở trợ giúp xã hội cung cấp dịch vụ công tác xã hội theo các tiêu chí sau:
a) Có nhu cầu chăm sóc, trợ giúp khẩn cấp;
b) Có nhu cầu được chăm sóc, trợ giúp lâu dài;
c) Có nhu cầu được chăm sóc, trợ giúp liên tục;
d) Có nhu cầu chăm sóc, trợ giúp luân phiên;
đ) Có nhu cầu chăm sóc bán trú;
e) Tự nguyện tham gia;
g) Đối tượng đủ điều kiện để nhận dịch vụ tại cơ sở hoặc địa phương.
Tiêu chí xác định đối tượng thực hiện theo Mẫu số 03 ban hành kèm theo Thông tư này.
2. Xây dựng kế hoạch chăm sóc, trợ giúp
Người quản lý đối tượng chủ trì, phối hợp với đối tượng, gia đình hoặc người giám hộ, người chăm sóc và các tổ chức, cá nhân liên quan để xây dựng kế hoạch chăm sóc, trợ giúp đối tượng. Nội dung kế hoạch chăm sóc, trợ giúp, gồm:
a) Mục tiêu cụ thể cần đạt được;
b) Các hoạt động chăm sóc, trợ giúp khẩn cấp;
c) Các hoạt động cụ thể cần thực hiện theo thứ tự ưu tiên để đạt được mục tiêu;
d) Khung thời gian thực hiện cho từng hoạt động;
đ) Nguồn lực cần thiết để thực hiện các hoạt động chăm sóc, trợ giúp được đề ra;
e) Trách nhiệm của các tổ chức, gia đình, cá nhân và đối tượng tham gia, chịu trách nhiệm cho từng nhiệm vụ;
g) Các đơn vị cung cấp dịch vụ tham gia thực hiện kế hoạch;
h) Các rủi ro và phương thức giải quyết.
Kế hoạch chăm sóc, trợ giúp đối tượng thực hiện theo Mẫu số 04 ban hành kèm theo Thông tư này.
Điều 7. Thực hiện kế hoạch chăm sóc, trợ giúp
1. Người quản lý đối tượng trình người đứng đầu cơ sở trợ giúp xã hội hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã phê duyệt kế hoạch chăm sóc, trợ giúp đối tượng.
2. Người quản lý đối tượng phối hợp với các cơ quan, đoàn thể cấp xã và các cơ sở trợ giúp xã hội hỗ trợ đối tượng thực hiện kế hoạch. Các nội dung hỗ trợ gồm:
a) Tư vấn, giới thiệu đối tượng tiếp cận các cơ quan, đơn vị chức năng hoặc cơ sở cung cấp dịch vụ y tế, việc làm, giáo dục, xã hội và cơ sở khác;
b) Chuyển tuyến, kết nối với các cơ quan, đơn vị chức năng, cơ sở cung cấp dịch vụ y tế, việc làm, giáo dục, xã hội hoặc cơ sở khác đáp ứng nhu cầu của đối tượng;
c) Hỗ trợ đối tượng tiếp cận, thụ hưởng các chính sách và chương trình trợ giúp xã hội;
d) Vận động và công khai nguồn lực thực hiện kế hoạch chăm sóc, trợ giúp đối tượng.
3. Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch chăm sóc, trợ giúp
Người quản lý đối tượng có trách nhiệm:
a) Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch chăm sóc, trợ giúp cho đối tượng định kỳ hàng tháng, hàng quý, 6 tháng và hàng năm;
b) Rà soát, đề xuất người đứng đầu cơ sở trợ giúp xã hội hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã điều chỉnh, bổ sung kế hoạch cho phù hợp với nhu cầu của đối tượng (nếu cần thiết);
c) Ghi chép tiến độ và theo dõi, đánh giá quá trình thực hiện kế hoạch chăm sóc, trợ giúp đối tượng theo Mẫu số 05 ban hành kèm theo Thông tư này.
Điều 8. Theo dõi, đánh giá và kết thúc quản lý đối tượng
1. Người quản lý đối tượng theo dõi và đánh giá quá trình thực hiện kế hoạch trợ giúp đối tượng theo các nội dung sau đây:
a) Kết quả thực hiện kế hoạch chăm sóc, trợ giúp đối tượng;
b) Mức độ đáp ứng nhu cầu của đối tượng;
c) Khả năng sống độc lập và năng lực hòa nhập cộng đồng của đối tượng;
d) Mức độ phù hợp của các dịch vụ được cung cấp cho đối tượng;
đ) Khả năng kết nối dịch vụ;
e) Các nội dung khác có liên quan.
2. Căn cứ vào kết quả đánh giá quá trình thực hiện kế hoạch chăm sóc, trợ giúp đối tượng, người quản lý đối tượng trình người đứng đầu cơ sở trợ giúp xã hội hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã kết thúc về quản lý đối tượng.
3. Kết thúc quản lý đối tượng
a) Kết thúc quản lý đối tượng đối với các đối tượng thuộc một trong các trường hợp sau:
- Mục tiêu đã đạt được;
- Kết thúc quản lý đối tượng theo quyết định của người đứng đầu cơ sở hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã;
- Đối tượng được nhận làm con nuôi theo quy định của pháp luật con nuôi;
- Đối tượng đủ 18 tuổi. Trường hợp từ 18 tuổi trở lên đang học các cấp học phổ thông, học nghề, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học thì tiếp tục được chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở cho đến khi tốt nghiệp văn bằng thứ nhất nhưng không quá 22 tuổi;
- Cơ sở không có khả năng cung cấp dịch vụ chăm sóc, trợ giúp xã hội phù hợp cho đối tượng;
- Đối tượng không liên hệ trong vòng 1 tháng;
- Đối tượng đề nghị dừng hoạt động chăm sóc, trợ giúp xã hội;
- Đối tượng chết hoặc mất tích theo quy định của pháp luật;
- Kết thúc hợp đồng cung cấp dịch vụ chăm sóc, trợ giúp xã hội;
- Cùng đồng ý kết thúc dịch vụ;
- Đối tượng chuyển khỏi địa bàn cung cấp dịch vụ;
- Trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
Kết thúc quản lý đối tượng thực hiện theo Mẫu số 06 ban hành kèm theo Thông tư này.
b) Người quản lý đối tượng báo cáo cấp có thẩm quyền tổ chức họp với các cơ quan, đoàn thể, tổ chức, đối tượng, gia đình hoặc người giám hộ của đối tượng để thống nhất kết thúc quản lý đối tượng;
c) Người quản lý đối tượng, đối tượng, gia đình, người chăm sóc hoặc người giám hộ của đối tượng và Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc người đứng đầu cơ sở trợ giúp xã hội ký vào biên bản kết thúc quản lý đối tượng.
Điều 9. Ghi chép và lưu trữ hồ sơ
1. Hồ sơ quản lý đối tượng phải ghi chép đầy đủ, ngắn gọn, trung thực mô tả rõ ràng, khách quan về các thông tin trong quá trình chăm sóc, trợ giúp và hòa nhập cộng đồng của đối tượng.
2. Hồ sơ quản lý đối tượng được lưu trữ và bảo mật tại cơ sở hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã theo quy định của pháp luật về lưu trữ. Việc chia sẻ thông tin cá nhân phải có sự đồng ý của đối tượng (nếu có) hoặc gia đình, người giám hộ và người đứng đầu cơ sở trợ giúp xã hội hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã.
Điều 10. Hỗ trợ hòa nhập cộng đồng
1. Người quản lý đối tượng lập biên bản bàn giao đối tượng quản lý về gia đình, cộng đồng có xác nhận của người đứng đầu cơ sở trợ giúp xã hội và đại diện gia đình hoặc người giám hộ.
2. Cơ sở cử người quản lý theo dõi, hỗ trợ đối tượng hòa nhập cộng đồng (nếu cần thiết) trong thời gian tối thiểu 06 tháng kể từ thời điểm đối tượng về gia đình, cộng đồng. Trường hợp sức khỏe của đối tượng tái phát cấp tính thì người quản lý đối tượng phối hợp với gia đình hoặc người giám hộ và Ủy ban nhân cấp xã kịp thời đưa đối tượng vào cơ sở để can thiệp, phục hồi và chăm sóc.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 11. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp
1. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với sở, ban, ngành liên quan:
a) Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện quản lý đối tượng trên địa bàn;
b) Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ về quản lý đối tượng cho đội ngũ công chức, viên chức, người lao động và cộng tác viên công tác xã hội;
c) Ứng dụng công nghệ thông tin trong việc thực hiện quản lý đối tượng trên địa bàn;
d) Tổng hợp, báo cáo định kỳ 6 tháng (trước ngày 25 tháng 6), hàng năm (trước ngày 25 tháng 12) và đột xuất về tình hình, kết quả thực hiện quản lý đối tượng trên địa bàn tỉnh, thành phố.
2. Ủy ban nhân dân cấp huyện
a) Hướng dẫn việc thực hiện quản lý đối tượng tại các cơ sở trợ giúp xã hội cấp huyện;
b) Tổng hợp, báo cáo định kỳ 6 tháng (trước ngày 20 tháng 6), hàng năm (trước ngày 20 tháng 12) và đột xuất về tình hình, kết quả thực hiện quản lý đối tượng trên địa bàn.
3. Ủy ban nhân dân cấp xã
a) Phối hợp với cơ sở trợ giúp xã hội xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch chăm sóc, trợ giúp đối tượng; thực hiện quản lý đối với đối tượng sống tại địa phương; hỗ trợ đối tượng hòa nhập cộng đồng;
b) Tổng hợp, báo cáo định kỳ 6 tháng (trước ngày 15 tháng 6), hàng năm (trước ngày 15 tháng 12) và đột xuất về tình hình, kết quả thực hiện quản lý đối tượng trên địa bàn.
Điều 12. Trách nhiệm của các cơ sở trợ giúp xã hội
1. Xây dựng và niêm yết công khai quy trình quản lý đối tượng tại cơ sở trợ giúp xã hội.
2. Tổ chức thực hiện và lập hồ sơ quản lý đối tượng theo quy định.
3. Bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ công chức, viên chức, người lao động làm việc tại cơ sở và làm việc tại xã, phường, thị trấn, cộng tác viên công tác xã hội về nghiệp vụ quản lý đối tượng.
4. Tập huấn hướng dẫn gia đình hoặc người giám hộ, người chăm sóc về kiến thức, kỹ năng, phương pháp chăm sóc, trợ giúp cho đối tượng.
5. Ứng dụng công nghệ thông tin để thực hiện nghiệp vụ và lập, quản lý hồ sơ quản lý đối tượng.
6. Hàng năm, lập kế hoạch và dự toán kinh phí quản lý đối tượng theo quy định hiện hành.
7. Thực hiện báo cáo định kỳ 6 tháng (trước ngày 15 tháng 6), hàng năm (trước ngày 15 tháng 12) và đột xuất với cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội cùng cấp về quản lý đối tượng.
Điều 13. Trách nhiệm của gia đình, người giám hộ, người chăm sóc
1. Phối hợp với người quản lý đối tượng, cơ sở trợ giúp xã hội và Ủy ban nhân dân cấp xã để xây dựng và thực hiện kế hoạch chăm sóc, trợ giúp đối tượng.
2. Tiếp nhận đối tượng từ cơ sở về gia đình, cộng đồng để chăm sóc và phục hồi chức năng.
3. Tham gia các khóa tập huấn về kiến thức, kỹ năng, phương pháp chăm sóc, trợ giúp cho đối tượng.
Điều 14. Hiệu lực thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 30 tháng 3 năm 2020 và thay thế Thông tư số 01/2015/TT-BLĐTBXH ngày 06 tháng 01 năm 2015 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn về quản lý trường hợp với người khuyết tật; bãi bỏ Điều 6 Thông tư số 33/2017/TT-BLĐTBXH ngày 29 tháng 12 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn về cơ cấu tổ chức, định mức nhân viên và quy trình, tiêu chuẩn trợ giúp xã hội tại cơ sở trợ giúp xã hội.
2. Trường hợp trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt thực hiện theo quy định tại Nghị định số 56/2017/NĐ-CP ngày 09 tháng 5 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em và các văn bản hướng dẫn.
3. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc đề nghị phản ánh về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để được hướng dẫn kịp thời./.
Nơi nhận: - Ban Bí thư Trung ương Đảng; - Thủ tướng và các Phó Thủ tướng Chính phủ; - Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng; - Văn phòng Tổng Bí thư; - Văn phòng Chủ tịch nước; - Văn phòng Quốc hội, Hội đồng dân tộc và các của Quốc hội; - Văn phòng Chính phủ; - Toà án nhân dân tối cao; - Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; - Kiểm toán Nhà nước; - Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; - Cơ quan Trung ương của các đoàn thể; - HĐND, UBND, sở LĐTBXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; - Ủy ban TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; - Cục Kiểm tra văn bản QPPL (Bộ Tư pháp); - Công báo; - Cổng TTĐT Chính phủ; - TTTT (để đăng cổng TTĐT Bộ LĐTBXH); - Lưu: VT, Cục BTXH. | BỘ TRƯỞNG Đào Ngọc Dung |
Van bản có phụ lục biểu mẫu đính kèm, mời các bạn sử dụng file tải về để xem chi tiết.
Văn bản pháp luật này thuộc lĩnh vực Lao động tiền lương được HoaTieu.vn cập nhật và đăng tải, mời các bạn sử dụng file tải về để lưu làm tài liệu sử dụng.
Tham khảo thêm
Thông tư 02/2020/TT-BTTTT danh mục, đối tượng thụ hưởng dịch vụ viễn thông công ích
Quy định về cách xếp lương giáo viên tiểu học 2022
Văn bản hợp nhất 27/VBHN-BGTVT 2019 Thông tư kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật xe mô tô
Quyết định 468/QĐ-BYT Hướng dẫn phòng và kiểm soát lây nhiễm bệnh viêm đường hô hấp cấp
Bảng giá đất Quảng Bình 2024 (mới nhất)
Bảng giá đất An Giang 2024 (mới nhất)
Nghị định 21/2020/NĐ-CP sửa đổi Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong đầu tư xây dựng
Bảng giá đất Kiên Giang 2024 (mới nhất)
- Chia sẻ:Trần Thu Trang
- Ngày:
Thông tư 02/2020/TT-BLĐTBXH quản lý đối tượng được cung cấp dịch vụ công tác xã hội
334,7 KB 22/02/2020 8:49:00 SATải file định dạng .doc
1,4 MB 22/02/2020 8:57:17 SA
Gợi ý cho bạn
-
Thông tư 11/2024/TT-BLĐTBXH về xếp hạng đơn vị sự nghiệp công lập lĩnh vực lao động, người có công
-
Đối tượng nào được tăng lương nhiều nhất 2023
-
Tải Thông tư 04/2024/TT-BNV hướng dẫn xác định cơ cấu ngạch công chức file Doc, Pdf
-
Thông tư 08/2018/TT-BNV Điều chỉnh mức trợ cấp hàng tháng cho cán bộ xã đã nghỉ việc
-
Thông tư 23/2015/TT-BLĐTBXH hướng dẫn cách tính tiền lương làm thêm giờ
-
Nghị định 29/2012/NĐ-CP về tuyển dụng và quản lý viên chức
-
Tải Thông tư 06/2023/TT-BNNPTNT file doc, pdf về hướng dẫn vị trí việc làm công chức chuyên ngành NN&PTNT
-
Nghị định 42/2023/NĐ-CP điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng
-
Thông tư 113/2016/TT-BQP về chế độ nghỉ của quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng
-
Cách tính lương hưu mới nhất cho viên chức là giáo viên
Có thể bạn cần
Top 8 mẫu phân tích khổ cuối bài Tràng giang hay chọn lọc
Hướng dẫn khai Phiếu đảng viên (mẫu 2-HSĐV)
Mẫu Bài thu hoạch nghị quyết trung ương 4 khóa 12 cho Đảng viên
Biên bản họp chi bộ đề nghị kết nạp Đảng viên
Top 4 mẫu Cảm nhận bài thơ Sóng hay chọn lọc
Thực hành theo hướng dẫn để tạo ra 02 sản phẩm hỗ trợ việc giảng dạy môn Toán cấp tiểu học
Bài thu hoạch bồi dưỡng thường xuyên module GVMN 3 năm 2024 mới cập nhật
Bộ tranh thiếu nhi về chào mừng Đại hội Đoàn 2024
Công văn xin hủy tờ khai Thuế GTGT do kê khai sai 2024
Suy nghĩ về số phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến
Tờ khai thuế thu nhập cá nhân Mẫu 05/KK-TNCN, 05-DK-TCT 2024
Mẫu nhận xét các môn học theo Thông tư 22, Thông tư 27
Bài viết hay Lao động - Tiền lương
Thông tư 09/2020/TT-BLĐTBXH hướng dẫn BLLĐ về lao động chưa thành niên
Giáo viên mới đi dạy: Lương bao nhiêu?
Thông tư 20/2018/TT-BLĐTBXH
Thông tư 162/2017/TT-BQP về thực hiện Nghị định 151/2016/NĐ-CP hướng dẫn chế độ, chính sách của Luật Quân nhân chuyên nghiệp
Thông tư 54/2015/TT-BLĐTBXH về thời gian làm việc tiêu chuẩn cho người lao động làm việc thời vụ
Thông tư 07/2016/TT-BLĐTBXH về việc thực hiện công tác an toàn, vệ sinh lao động đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh
Thuế - Lệ phí - Kinh phí
Giáo dục - Đào tạo
Y tế - Sức khỏe
Thể thao
Bảo hiểm
Chính sách
Hành chính
Cơ cấu tổ chức
Quyền Dân sự
Tố tụng - Kiện cáo
Dịch vụ Pháp lý
An ninh trật tự
Trách nhiệm hình sự
Văn bản Nông - Lâm - Ngư nghiệp
Tài nguyên - Môi trường
Công nghệ - Thông tin
Khoa học công nghệ
Văn bản Giao thông vận tải
Hàng hải
Văn hóa Xã hội
Du lịch
Doanh nghiệp
Xuất - Nhập khẩu
Tài chính - Ngân hàng
Lao động - Tiền lương
Đầu tư - Chứng khoán - Thương mại
Xây dựng - Đô thị - Đất đai - Nhà ở
Lĩnh vực khác