Quy định đối với pháp nhân thương mại phạm tội

Tải về

Quy định đối với pháp nhân thương mại phạm tội

Pháp nhân thương mại là pháp nhân có mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận và lợi nhuận đươc chia đều cho các thành viên. Pháp nhân thương mại bao gồm doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác... Như vậy, mọi doanh nghiệp đều là pháp nhân thương mại kể cả các tổ chức kinh tế có mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận. Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 ngày 27 tháng 11 năm 2015 quy định một số trách nhiệm của pháp nhân thương mại khi phạm tội như sau, mời các bạn theo dõi.

Những hình phạt áp dụng với tội phạm theo Bộ luật hình sự 2015

Sơ thẩm, Phúc thẩm, Giám đốc thẩm, Tái thẩm trong tố tụng hình sự là gì?

Nghị quyết số 109/2015/QH13 về việc thi hành Bộ luật hình sự

Quy định đối với pháp nhân thương mại phạm tội

Áp dụng quy định của Bộ luật hình sự đối với pháp nhân thương mại phạm tội

Pháp nhân thương mại phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự theo những quy định của Chương này; theo quy định khác của Phần thứ nhất của Bộ luật hình sự 2015 không trái với quy định của Chương này.

Điều kiện chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại

1. Pháp nhân thương mại chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Hành vi phạm tội được thực hiện nhân danh pháp nhân thương mại;

b) Hành vi phạm tội được thực hiện vì lợi ích của pháp nhân thương mại;

c) Hành vi phạm tội được thực hiện có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của pháp nhân thương mại;

d) Chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 27 của Bộ luật hình sự 2015.

2. Việc pháp nhân thương mại chịu trách nhiệm hình sự không loại trừ trách nhiệm hình sự của cá nhân.

Phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại

Pháp nhân thương mại chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về các tội phạm sau đây:

1. Điều 188 (tội buôn lậu); Điều 189 (tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới); Điều 190 (tội sản xuất, buôn bán hàng cấm); Điều 191 (tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm); Điều 192 (tội sản xuất, buôn bán hàng giả); Điều 193 (tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm); Điều 194 (tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh); Điều 195 (tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, vật nuôi); Điều 196 (tội đầu cơ); Điều 200 (tội trốn thuế); Điều 203 (tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ); Điều 209 (tội cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán); Điều 210 (tội sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán); Điều 211 (tội thao túng thị trường chứng khoán); Điều 213 (tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm); Điều 216 (tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động); Điều 217 (tội vi phạm quy định về cạnh tranh); Điều 225 (tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan); Điều 226 (tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp); Điều 227 (tội vi phạm các quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên); Điều 232 (tội vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng); Điều 234 (Tội vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ động vật hoang dã);

2. Điều 235 (tội gây ô nhiễm môi trường); Điều 237 (tội vi phạm phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường); Điều 238 (tội vi phạm quy định về bảo vệ an toàn công trình thủy lợi, đê điều và phòng, chống thiên tai; vi phạm quy định về bảo vệ bờ, bãi sông); Điều 239 (tội đưa chất thải vào lãnh thổ Việt Nam); Điều 242 (tội huỷ hoại nguồn lợi thuỷ sản); Điều 243 (tội huỷ hoại rừng); Điều 244 (tội vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm); Điều 245 (tội vi phạm các quy định về quản lý khu bảo tồn thiên nhiên); Điều 246 (tội nhập khẩu, phát tán các loài ngoại lai xâm hại).

Phạt tiền

1. Phạt tiền được áp dụng là hình phạt chính hoặc hình phạt bổ sung đối với pháp nhân thương mại phạm tội.

2. Mức tiền phạt được quyết định căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm của tội phạm và có xét đến tình hình tài chính của pháp nhân thương mại phạm tội, sự biến động của giá cả nhưng không được thấp hơn 50.000.000 đồng.

Đình chỉ hoạt động có thời hạn

1. Đình chỉ hoạt động có thời hạn là tạm dừng hoạt động của pháp nhân thương mại trong một hoặc một số lĩnh vực mà pháp nhân thương mại phạm tội gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe con người, môi trường hoặc an ninh, trật tự, an toàn xã hội và hậu quả gây ra có khả năng khắc phục trên thực tế.

2. Thời hạn đình chỉ hoạt động từ 06 tháng đến 03 năm.

Đình chỉ hoạt động vĩnh viễn

1. Đình chỉ hoạt động vĩnh viễn là chấm dứt hoạt động của pháp nhân thương mại trong một hoặc một số lĩnh vực mà pháp nhân thương mại phạm tội gây thiệt hại hoặc có khả năng thực tế gây thiệt hại đến tính mạng của nhiều người, gây sự cố môi trường hoặc gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội và không có khả năng khắc phục hậu quả gây ra.

2. Pháp nhân thương mại được thành lập chỉ để thực hiện tội phạm thì bị đình chỉ vĩnh viễn toàn bộ hoạt động.

Cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định

1. Cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định được áp dụng khi xét thấy nếu để pháp nhân thương mại bị kết án tiếp tục kinh doanh hoặc hoạt động trong lĩnh vực đó, thì có thể gây nguy hại cho tính mạng, sức khỏe của con người hoặc cho xã hội.

2. Tòa án quyết định lĩnh vực cụ thể bị cấm kinh doanh hoặc cấm hoạt động.

3. Thời hạn cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định là từ 01 năm đến 03 năm, kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật.

Cấm huy động vốn

1. Cấm huy động vốn được áp dụng khi xét thấy nếu để pháp nhân thương mại bị kết án huy động vốn thì có nguy cơ tiếp tục phạm tội.

2. Các hình thức cấm huy động vốn bao gồm:

a) Cấm vay vốn ngân hàng, tổ chức tín dụng hoặc các quỹ đầu tư;

b) Cấm phát hành, chào bán chứng khoán;

c) Cấm huy động vốn khách hàng;

d) Cấm liên doanh, liên kết trong và ngoài nước;

đ) Cấm hình thành quỹ tín thác bất động sản.

3. Tòa án quyết định áp dụng một hoặc một số hình thức cấm huy động vốn quy định tại khoản 2 Điều này.

4. Thời hạn cấm huy động vốn là từ 01 năm đến 03 năm, kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật.

Các biện pháp tư pháp áp dụng đối với pháp nhân thương mại phạm tội

1. Tòa án có thể quyết định áp dụng các biện tư pháp sau đây đối với pháp nhân thương mại phạm tội:

a) Các biện pháp tư pháp quy định tại Điều 47 và Điều 48 của Bộ luật hình sự 2015;

b) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu;

c) Buộc thực hiện một số biện pháp nhằm khắc phục, ngăn chặn hậu quả tiếp tục xảy ra.

2. Tòa án có thể quyết định áp dụng biện pháp tư pháp buộc pháp nhân thương mại phạm tội phải khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do hành vi phạm phạm tội của mình gây ra.

3. Căn cứ vào từng trường hợp phạm tội cụ thể, Tòa án có thể quyết định buộc pháp nhân thương mại phạm tội phải thực hiện một hoặc một số biện pháp sau đây nhằm khắc phục, ngăn chặn hậu quả của tội phạm:

a) Buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng không có giấy phép hoặc xây dựng không đúng với giấy phép;

b) Buộc khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh;

c) Buộc đưa ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc tái xuất hàng hóa, vật phẩm, phương tiện được đưa vào lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nhập khẩu trái với quy định của pháp luật hoặc được tạm nhập, tái xuất nhưng không tái xuất theo đúng quy định của pháp luật; hàng hóa nhập khẩu, quá cảnh xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng hóa giả mạo quyền sở hữu trí tuệ, phương tiện, nguyên liệu, vật liệu nhập khẩu được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ sau khi đã loại bỏ yếu tố vi phạm;

d) Buộc tiêu hủy hàng hóa, vật phẩm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường, văn hóa phẩm có nội dung độc hại hoặc tang vật khác thuộc đối tượng bị tiêu hủy theo quy định của pháp luật;

đ) Buộc loại bỏ yếu tố vi phạm trên hàng hóa, bao bì hàng hóa, phương tiện kinh doanh, vật phẩm;

e) Buộc thu hồi sản phẩm, hàng hóa vi phạm đang lưu thông trên thị trường.

Căn cứ quyết định hình phạt đối với pháp nhân thương mại phạm tội

Khi quyết định hình phạt, Tòa án căn cứ vào quy định của Bộ luật hình sự 2015, cân nhắc tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, việc chấp hành pháp luật của pháp nhân thương mại và các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự áp dụng đối với pháp nhân thương mại.

Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự áp dụng đối với pháp nhân thương mại

1. Các tình tiết sau đây là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự:

a) Đã ngăn chặn hoặc làm giảm bớt tác hại của tội phạm;

b) Tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả;

c) Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn;

d) Tích cực hợp tác với các cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án;

đ) Có nhiều đóng góp trong việc thực hiện chính sách xã hội.

2. Khi quyết định hình phạt, Tòa án có thể coi các tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ, nhưng phải ghi rõ lý do giảm nhẹ trong bản án.

3. Các tình tiết giảm nhẹ đã được Bộ luật này quy định là dấu hiệu định tội hoặc định khung thì không được coi là tình tiết giảm nhẹ trong khi quyết định hình phạt.

Các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự áp dụng đối với pháp nhân thương mại

1. Chỉ các tình tiết sau đây mới là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự:

a) Câu kết với pháp nhân thương mại khác để phạm tội;

b) Cố ý thực hiện tội phạm đến cùng;

c) Phạm tội 02 lần trở lên;

d) Tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm;

đ) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp, thiên tai, dịch bệnh hoặc những khó khăn đặc biệt khác của xã hội để phạm tội;

e) Dùng thủ đoạn tinh vi để phạm tội hoặc nhằm trốn tránh, che giấu tội phạm.

2. Các tình tiết đã đượcBộ luật hình sự 2015 quy định là dấu hiệu định tội hoặc định khung hình phạt thì không được coi là tình tiết tăng nặng.

Quyết định hình phạt trong trường hợp pháp nhân thương mại phạm nhiều tội

Khi xét xử cùng 01 lần pháp nhân thương mại phạm nhiều tội, Tòa án quyết định hình phạt đối với từng tội và tổng hợp hình phạt theo quy định sau đây:

1. Đối với hình phạt chính:

a) Nếu các hình phạt đã tuyên cùng là phạt tiền thì các khoản tiền phạt được cộng lại thành hình phạt chung;

b) Hình phạt đã tuyên là đình chỉ hoạt động có thời hạn đối với từng lĩnh vực cụ thể thì không tổng hợp;

c) Hình phạt tiền không tổng hợp với các loại hình phạt khác;

2. Đối với hình phạt bổ sung:

a) Nếu các hình phạt đã tuyên là cùng loại thì hình phạt chung được quyết định trong giới hạn do Bộ luật hình sự 2015 quy định đối với hình phạt đó; riêng đối với hình phạt tiền thì các khoản tiền được cộng lại thành hình phạt chung;

b) Nếu các hình phạt đã tuyên là khác loại thì pháp nhân thương mại bị kết án phải chấp hành tất cả các hình phạt đã tuyên.

Tổng hợp hình phạt của nhiều bản án

1. Trường hợp pháp nhân thương mại đang chấp hành một bản án mà lại bị xét xử về tội đã phạm trước khi có bản án này, thì Tòa án quyết định hình phạt đối với tội đang bị xét xử, sau đó quyết định hình phạt chung theo quy định tại Điều 86 của Bộ luật hình sự 2015.

Thời gian đã chấp hành hình phạt của bản án trước về đình chỉ hoạt động có thời hạn, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt chung.

2. Khi xét xử một pháp nhân thương mại đang phải chấp hành một bản án mà lại thực hiện hành vi phạm tội mới, Tòa án quyết định hình phạt đối với tội mới, sau đó tổng hợp với phần hình phạt chưa chấp hành của bản án trước rồi quyết định hình phạt chung theo quy định tại Điều 86 của Bộ luật hình sự 2015.

3. Trong trường hợp một pháp nhân thương mại phải chấp hành nhiều bản án đã có hiệu lực pháp luật mà các hình phạt của các bản án chưa được tổng hợp, thì Chánh án Tòa án có thẩm quyền ra quyết định tổng hợp hình phạt của các bản án theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.

Miễn hình phạt

Pháp nhân thương mại phạm tội có thể được miễn hình phạt khi đã khắc phục toàn bộ hậu quả và đã bồi thường toàn bộ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra.

Xóa án tích

Pháp nhân thương mại bị kết án đương nhiên được xóa án tích nếu trong thời hạn 02 năm kể từ khi chấp hành xong hình phạt chính, hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án hoặc từ khi hết thời hiệu thi hành bản án mà pháp nhân thương mại không thực hiện hành vi phạm tội mới.

Đánh giá bài viết
1 303
Quy định đối với pháp nhân thương mại phạm tội
Chọn file tải về :
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm