Nghị định số 36/2007/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán

Nghị định số 36/2007/NĐ-CP của Chính phủ: Về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán.

CHÍNH PHỦ

---------------
Số: 36/2007/NĐ-CP

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

---------------------------------------

Hà Nội, ngày 08 tháng 03 năm 2007

NGHỊ ĐỊNH
Về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán
và thị trường chứng khoán
______________

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật Chứng khoán ngày 29 tháng 6 năm 2006;

Căn cứ Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính ngày 02 tháng 7 năm 2002;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính;

NGHỊ ĐỊNH:

Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Nghị định này quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán, hình thức xử phạt, các biện pháp khắc phục hậu quả, mức phạt, thẩm quyền xử phạt và thủ tục xử phạt.

2. Vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán quy định tại Nghị định này bao gồm:

a) Vi phạm quy định về hoạt động chào bán chứng khoán ra công chúng;

b) Vi phạm quy định về công ty đại chúng;

c) Vi phạm quy định về niêm yết chứng khoán;

d) Vi phạm quy định về tổ chức thị trường giao dịch chứng khoán;

đ) Vi phạm quy định về hoạt động kinh doanh chứng khoán và chứng chỉ hành nghề chứng khoán;

e) Vi phạm quy định về giao dịch chứng khoán;

g) Vi phạm quy định về đăng ký, lưu ký, bù trừ và thanh toán chứng khoán, về ngân hàng giám sát;

h) Vi phạm quy định về công bố thông tin;

i) Vi phạm quy định về báo cáo;

k) Vi phạm quy định làm cản trở việc thanh tra.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Cá nhân, cơ quan, tổ chức trong nước và nước ngoài (sau đây gọi chung là cá nhân, tổ chức) vi phạm quy định của pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định này, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác thì áp dụng theo quy định của điều ước quốc tế đó.

Điều 3. Nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính

1. Nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán được thực hiện theo quy định tại Điều 3 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính.

2. Tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi vi phạm hành chính do mình gây ra, sau khi chấp hành quyết định xử phạt, tổ chức bị xử phạt xác định cá nhân có lỗi gây ra vi phạm hành chính để xác định trách nhiệm pháp lý và nghĩa vụ tài chính của người đó theo quy định của pháp luật.

Điều 4. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính

1. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán là hai năm, kể từ ngày vi phạm hành chính được thực hiện. Nếu quá thời hạn nêu trên thì không bị xử phạt nhưng vẫn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 3 Điều 7 Nghị định này.

2. Đối với cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật chứng khoán và thị trường chứng khoán mà bị khởi tố, truy tố hoặc có quyết định đưa vụ án ra xét xử theo thủ tục tố tụng hình sự, nhưng sau đó có quyết định đình chỉ điều tra hoặc đình chỉ vụ án, nếu có hành vi vi phạm hành chính thì bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định này. Người ra quyết định đình chỉ phải đồng thời gửi quyết định cho người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính. Trong trường hợp này, thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là ba tháng, kể từ ngày người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính nhận được quyết định đình chỉ và hồ sơ vụ vi phạm.

3. Trong thời hạn quy định tại các khoản 1 và khoản 2 Điều này mà cá nhân, tổ chức lại thực hiện hành vi vi phạm mới trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán hoặc cố tình trốn tránh, cản trở việc xử phạt thì không áp dụng thời hiệu quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính được tính kể từ thời điểm thực hiện hành vi vi phạm mới hoặc thời điểm chấm dứt hành vi trốn tránh, cản trở việc xử phạt.

Điều 5. Thời hạn được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính

Cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính, nếu sau một năm, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt hoặc từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định xử phạt mà không tái phạm thì được coi như chưa bị xử phạt vi phạm hành chính.

Điều 6. Tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng

Khi tiến hành xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán, chỉ những tình tiết sau đây được coi là tình tiết giảm nhẹ và tình tiết tăng nặng:

1. Những tình tiết giảm nhẹ

a) Người vi phạm hành chính đã ngăn chặn, làm giảm bớt thiệt hại của hành vi vi phạm gây ra hoặc tự nguyện khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại;

b) Người vi phạm hành chính đã tự nguyện khai báo, nhận lỗi;

c) Vi phạm do bị ép buộc hoặc bị lệ thuộc về vật chất hoặc tinh thần;

d) Vi phạm do thiếu hiểu biết;

đ) Vi phạm do hành vi vi phạm của người khác.

2. Những tình tiết tăng nặng

a) Vi phạm có tổ chức;

b) Vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm trong cùng một lĩnh vực;

c) Ép buộc người bị lệ thuộc vào mình về vật chất hoặc về tinh thần vi phạm;

d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vi phạm;

đ) Vi phạm trong thời gian đang chấp hành quyết định xử lý vi phạm hành chính;

e) Tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm hành chính mặc dù người có thẩm quyền yêu cầu chấm dứt hành vi đó;

g) Sau khi vi phạm có hành vi trốn tránh, che dấu hành vi vi phạm.

Điều 7. Các hình thức xử phạt vi phạm hành chính và biện pháp khắc phục hậu quả

1. Đối với mỗi vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán, cá nhân, tổ chức vi phạm phải chịu một trong hai hình thức xử phạt chính sau:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền.

2. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung sau:

a) Tịch thu toàn bộ các khoản thu từ việc thực hiện các hành vi vi phạm mà có và số chứng khoán được sử dụng để vi phạm hành chính;

b) Đình chỉ có thời hạn hoặc huỷ bỏ đợt phát hành chứng khoán ra công chúng, nếu sau bốn mươi lăm ngày không khắc phục được thiếu sót, vi phạm;

c) Tước có thời hạn hoặc không có thời hạn đối với Giấy chứng nhận chào bán chứng khoán ra công chúng; Giấy phép thành lập và hoạt động của công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, công ty đầu tư chứng khoán; Giấy phép chứng nhận đăng ký hoạt động lưu ký chứng khoán; chứng chỉ hành nghề chứng khoán. Trong thời hạn bị tước quyền sử dụng giấy chứng nhận, giấy phép và chứng chỉ hành nghề chứng khoán, cá nhân, tổ chức không được tiến hành hoạt động nghiệp vụ ghi trong giấy chứng nhận, giấy phép, chứng chỉ hành nghề chứng khoán.

3. Ngoài các hình thức xử phạt quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, cá nhân, tổ chức vi phạm còn có thể bị áp dụng một hoặc các biện pháp khắc phục hậu quả sau đây:

a) Buộc chấp hành đúng các quy định của pháp luật đối với các hành vi vi phạm hành chính;

b) Buộc hủy bỏ, cải chính những thông tin sai lệch, không đúng sự thật;

c) Buộc tổ chức phát hành phải thu hồi các chứng khoán đã chào bán, hoàn trả tiền đặt cọc hoặc tiền mua chứng khoán cho người đầu tư trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày bị tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận chào bán chứng khoán ra công chúng.

Điều 8. Áp dụng quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực có liên quan

Các hành vi vi phạm hành chính về chứng khoán và thị trường chứng khoán trong các lĩnh vực khác mà theo pháp luật hiện hành đã quy định cụ thể hình thức, mức xử phạt thì việc xử phạt vi phạm hành chính được thực hiện theo các quy định đó.

Đánh giá bài viết
1 168
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi