Quyết định 1191/QĐ-TTg về Lộ trình phát triển thị trường trái phiếu giai đoạn 2017 - 2020

Quyết định 1191/QĐ-TTg - Lộ trình phát triển thị trường trái phiếu giai đoạn 2017 - 2020

Quyết định 1191/QĐ-TTg về Lộ trình phát triển thị trường trái phiếu giai đoạn 2017 - 2020 nhằm xây dựng và phát triển thị trường trái phiếu phù hợp với mức độ phát triển của nền kinh tế và tăng cường tính công khai, minh bạch, bảo vệ lợi ích hợp pháp của các chủ thể tham gia thị trường.

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1191/QĐ-TTg

Nội, ngày 14 tháng 08 năm 2017

QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT LỘ TRÌNH PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG TRÁI PHIẾU GIAI ĐOẠN 2017 - 2020, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Chứng khoán ngày 12 tháng 7 năm 2006 và Luật Chứng khoán sửa đổi ngày 24 tháng 11 năm 2010;

Căn cứ Luật Doanh nghiệp ngày 26 tháng 11 năm 2014;

Căn cứ Nghị quyết số 51/NQ-CP ngày 19 tháng 6 năm 2017 của Chính phủ ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 18 tháng 11 năm 2016 của Bộ Chính trị về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công để bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững;

Căn cứ Quyết định số 128/2007/QĐ-TTg ngày 02 tháng 8 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Lộ trình phát triển thị trường vốn đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Lộ trình phát triển thị trường trái phiếu Việt Nam giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030 với những nội dung chủ yếu sau:

1. Quan điểm phát triển:

a) Xây dựng và phát triển thị trường trái phiếu phù hợp với mức độ phát triển của nền kinh tế, đồng bộ với các cấu phần khác của thị trường tài chính, trong đó có thị trường cổ phiếu và thị trường tiền tệ - tín dụng ngân hàng.

b) Phát triển thị trường trái phiếu cả về chiều rộng và chiều sâu, đảm bảo an toàn hệ thống, từng bước tiếp cận với các thông lệ, chuẩn mực quốc tế và hiện đại hóa hạ tầng thị trường, đưa thị trường trở thành một kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng cho nền kinh tế với chi phí vốn hợp lý.

c) Tiếp tục tập trung phát triển thị trường trái phiếu Chính phủ làm nền tảng cho sự phát triển của thị trường trái phiếu; đẩy mạnh phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp huy động vốn, đặc biệt là vốn trung và dài hạn, góp phần tăng cường quản trị và công khai thông tin doanh nghiệp.

d) Tăng cường tính công khai, minh bạch, bảo vệ lợi ích hợp pháp của các chủ thể tham gia thị trường.

2. Mục tiêu:

a) Mục tiêu tổng quát

- Phát triển thị trường trái phiếu ổn định, cấu trúc hoàn chỉnh, đồng bộ về các yếu tố cung - cầu; mở rộng cơ sở nhà đầu tư, tăng quy mô và chất lượng hoạt động, đa dạng hóa các sản phẩm, nghiệp vụ, đảm bảo thị trường hoạt động công khai, minh bạch và hiệu quả.

- Chủ động hội nhập thị trường quốc tế, từng bước tiếp cận với các chuẩn mực và thông lệ quốc tế.

b) Mục tiêu cụ thể

- Phấn đấu đưa dư nợ thị trường trái phiếu đạt khoảng 45% GDP vào năm 2020 và khoảng 65% GDP vào năm 2030, trong đó dư nợ thị trường trái phiếu Chính phủ, trái phiếu Chính phủ bảo lãnh và trái phiếu chính quyền địa phương đạt khoảng 38% GDP vào năm 2020 và khoảng 45% GDP vào năm 2030, dư nợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp đạt khoảng 7% GDP vào năm 2020 và khoảng 20% GDP vào năm 2030.

- Phấn đấu kỳ hạn bình quân danh mục phát hành trái phiếu Chính phủ trong nước giai đoạn 2017 - 2020 đạt 6 - 7 năm; giai đoạn 2021 - 2030 đạt 7 - 8 năm.

- Tăng khối lượng giao dịch trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh và trái phiếu chính quyền địa phương bình quân phiên lên mức 1% dư nợ trái phiếu niêm yết vào năm 2020 và 2% dư nợ trái phiếu niêm yết vào năm 2030.

- Tăng tỷ trọng trái phiếu Chính phủ do các công ty bảo hiểm, bảo hiểm xã hội, quỹ hưu trí, quỹ đầu tư và các tổ chức tài chính phi ngân hàng nắm giữ lên mức 50% năm 2020 và mức 60% vào năm 2030.

3. Các giải pháp thực hiện

a) Hoàn thiện khung khổ chính sách về thị trường trái phiếu

- Đối với các Luật và Nghị quyết của Quốc hội:

+ Nghiên cứu, quy định rõ về công cụ phòng ngừa, xử lý rủi ro nợ công (bao gồm nợ Chính phủ), nguồn xử lý rủi ro và thẩm quyền quyết định khi sửa đổi Luật quản lý nợ công, đảm bảo sự chủ động của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài chính khi thực hiện các nhiệm vụ hoán đổi, mua lại trái phiếu Chính phủ để vừa quản lý rủi ro nợ Chính phủ, vừa phát triển thị trường trái phiếu.

+ Nghiên cứu đề xuất Quốc hội cho phép phát hành trái phiếu Chính phủ theo hướng đảm bảo kỳ hạn phát hành bình quân tối thiểu hàng năm để vừa huy động được vốn cho ngân sách nhà nước với chi phí hợp lý, vừa quản lý rủi ro danh mục nợ Chính phủ đồng thời phát triển thị trường trái phiếu.

+ Nghiên cứu, đề xuất về việc cho phép các tổ chức tín dụng sử dụng trái phiếu Chính phủ là một phần trong dự trữ bắt buộc khi sửa đổi Luật Ngân - hàng Nhà nước và Luật các tổ chức tín dụng.

+ Nghiên cứu, đề xuất về việc cho phép Bảo hiểm xã hội Việt Nam được đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp có kết quả xếp hạng tín nhiệm cao theo tỷ lệ nhất định, ngoài tỷ lệ gửi tiền, mua chứng chỉ, trái phiếu của các tổ chức tín dụng khi sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội. Hoàn thiện cơ chế chính sách cho phép Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam được bán trái phiếu Chính phủ khi cần thiết.

+ Nghiên cứu, quy định tách biệt về điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ và phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng theo hướng gắn với công bố công khai thông tin đầy đủ; toàn bộ trái phiếu doanh nghiệp phải được đăng ký, lưu ký tập trung; đối tượng mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ là nhà đầu tư chuyên nghiệp để bảo vệ nhà đầu tư khi sửa đổi Luật Chứng khoán.

- Đối với các văn bản quy định chi tiết hướng dẫn, thi hành.

+ Ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 01/2011/NĐ-CP về phát hành trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh và trái phiếu chính quyền địa phương và các văn bản hướng dẫn nhằm tạo khuôn khổ pháp lý cho việc thiết lập các nhà tạo lập trên thị trường thứ cấp, hỗ trợ thanh khoản cho các nhà tạo lập thị trường, thực hiện các nghiệp vụ tái cơ cấu danh mục nợ, ổn định và phát triển thị trường, phát triển các sản phẩm mới.

+ Ban hành các Nghị định thay thế Nghị định số 58/2012/NĐ-CP ngày 20 tháng 7 năm 2012, Nghị định số 60/2015/NĐ-CP ngày 26 tháng 6 năm 2015 và Nghị định số 90/2011/NĐ-CP ngày 14 tháng 10 năm 2011 về phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng và phát hành riêng lẻ để phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp theo các giải pháp quy định tại Quyết định này.

+ Ban hành các cơ chế, chính sách về phát triển thị trường trái phiếu xanh để tạo điều kiện cho các chủ thể phát hành huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu để thực hiện các dự án xanh.

+ Căn cứ vào thực tế, yêu cầu phát triển của thị trường trong từng giai đoạn để xây dựng, sửa đổi các văn bản, quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành pháp luật về thuế.

+ Nghiên cứu đề xuất việc xây dựng Nghị định quy định về giao dịch kỳ hạn (repo) đối với trái phiếu Chính phủ và trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh để thúc đẩy thanh khoản của thị trường thứ cấp.

+ Ban hành các thông tư hướng dẫn để phát triển thị trường thứ cấp gồm: hệ thống giao dịch và thanh toán trái phiếu, nhà tạo lập thị trường trái phiếu trên thị trường thứ cấp, hỗ trợ thanh khoản cho nhà tạo lập thị trường, phát triển thị trường giao dịch kỳ hạn (repos).

+ Ban hành các thông tư hướng dẫn về giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn của các tổ chức tín dụng và mua bán trái phiếu của các tổ chức tín dụng theo các giải pháp quy định tại Quyết định này.

+ Ban hành các sổ tay nghiệp vụ hướng dẫn về phát hành trái phiếu cho các chủ thể phát hành nhằm đào tạo kiến thức cho các chủ thể phát hành khi tham gia huy động vốn trên thị trường trái phiếu.

b) Phát triển thị trường sơ cấp

- Đối với trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh và trái phiếu chính quyền địa phương:

+ Xây dựng và công bố công khai lịch biểu phát hành trái phiếu Chính phủ để tạo điều kiện cho các thành viên chủ động tham gia thị trường, tăng khả năng huy động vốn cho ngân sách nhà nước và thúc đẩy phát triển thị trường thứ cấp. Khi có nhu cầu phát hành tín phiếu để thực hiện chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp với Bộ Tài chính trong việc xây dựng lịch biểu phát hành và tổ chức phát hành để đảm bảo ổn định thị trường trái phiếu, thị trường tiền tệ.

+ Đa dạng hóa các sản phẩm trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh và trái phiếu chính quyền địa phương để đáp ứng nhu cầu đầu tư của nhà đầu tư, thiết lập các sản phẩm tài chính và đường cong lãi suất chuẩn trên thị trường tài chính, cụ thể:

. Phát hành đa dạng trái phiếu Chính phủ gồm cả tín phiếu kho bạc nhằm thiết lập đường cong lãi suất chuẩn cho các sản phẩm tài chính từ ngắn hạn đến dài hạn để phát triển thị trường trái phiếu và thị trường tài chính.

. Phát hành định kỳ trái phiếu Chính phủ với kỳ hạn dài để thu hút các nhà đầu tư là các công ty bảo hiểm, các quỹ đầu tư, quỹ hưu trí và các định chế tài chính phi ngân hàng khác, đồng thời góp phần kéo dài kỳ hạn của danh mục nợ trái phiếu Chính phủ.

. Nghiên cứu khả năng phát hành các sản phẩm mới theo lộ trình phù hợp với sự phát triển của thị trường và nhu cầu của nhà đầu tư như: trái phiếu có lãi suất thả nổi, trái phiếu có gốc, lãi được giao dịch tách biệt (strip bond) trái phiếu gắn với chỉ số lạm phát,...

. Phát triển theo lộ trình các sản phẩm phái sinh trái phiếu phù hợp với sự phát triển của thị trường và nhu cầu của nhà đầu tư như: hợp đồng tương lai/kỳ hạn, hợp đồng quyền chọn.

+ Tiếp tục tập trung phát hành trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh theo phương thức đấu thầu (bao gồm cả phát hành cho Bảo hiểm xã hội Việt Nam) nhằm tăng quy mô và tính thanh khoản của thị trường; áp dụng phương thức đấu thầu đơn giá và đa giá tùy thuộc vào điều kiện thị trường và đặc tính của từng sản phẩm nhằm huy động vốn với chi phí hợp lý, thúc đẩy tăng cạnh tranh và tăng thanh khoản của thị trường.

+ Hoàn thiện và phát triển hệ thống các nhà tạo lập thị trường với đầy đủ quyền lợi và nghĩa vụ để thực hiện chức năng tạo lập thị trường trên cả thị trường sơ cấp và thị trường thứ cấp nhằm tăng tính thanh khoản của thị trường.

+ Thực hiện các nghiệp vụ về phát hành bổ sung trái phiếu hoặc hoán đổi trái phiếu, mua lại trái phiếu để hình thành các mã trái phiếu chuẩn nhằm tăng thanh khoản, ổn định thị trường và quản lý phòng ngừa rủi ro danh mục nợ trái phiếu Chính phủ, danh mục nợ trái phiếu Chính phủ bảo lãnh và danh mục nợ trái phiếu chính quyền địa phương.

Thuộc tính văn bản: Quyết định 1191/QĐ-TTg

Số hiệu: 1191/QĐ-TTg

Loại văn bản: Quyết định

Lĩnh vực, ngành: Chứng khoán

Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ

Người ký: Nguyễn Xuân Phúc

Ngày ban hành: 14/08/2017

Ngày hiệu lực: 14/08/2017

Đánh giá bài viết
1 46
Bạn có thể tải về tập tin thích hợp cho bạn tại các liên kết dưới đây.
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi