Dự thảo Nghị định quy định điều kiện kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị

Nghị định quy định điều kiện kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị

Dự thảo Nghị định quy định điều kiện về an ninh, trật tự, công tác quản lý nhà nước, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan và biện pháp thi hành đối với hoạt động kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị. Nội dung về Nghị định chi tiết mời các bạn tham khảo.

Quy định đối với thiết bị ghi hình vi phạm giao thông

Cảnh sát giao thông chỉ được dừng xe trong trường hợp nào?

CHÍNH PHỦ
--------
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: /2017/NĐ-CP

DỰ THẢO 2

Hà Nội, ngày tháng năm 2017

NGHỊ ĐỊNH
QUY ĐỊNH ĐIỀU KIỆN KINH DOANH THIẾT BỊ, PHẦN MỀM NGỤY TRANG DÙNG ĐỂ GHI ÂM, GHI HÌNH, ĐỊNH VỊ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015;

Căn cứ Luật An ninh quốc gia năm 2004;

Căn cứ Luật Công an nhân dân năm 2014;

Căn cứ Luật Đầu tư năm 2014;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung Điều 6 và Phụ lục 4 về Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công an;

Chính phủ ban hành Nghị định quy định điều kiện kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định điều kiện về an ninh, trật tự, công tác quản lý nhà nước, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan và biện pháp thi hành đối với hoạt động kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Nghị định này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh và thành lập, cấp phép, đăng ký, quản lý hoạt động kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Nghị định này những từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị gồm: sản xuất, lắp ráp, vận chuyển, tồn trữ, mua bán, cho thuê, sửa chữa thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị.

2. Thiết bị ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình là thiết bị ghi âm, ghi hình giấu trong đồ vật thông thường hoặc thiết bị ghi âm, ghi hình được giả dạng thiết bị, đồ vật thông thường.

3. Thiết bị ngụy trang dùng để định vị là thiết bị có tính năng xác định vị trí, mục tiêu được giấu trong thiết bị, đồ vật thông thường hoặc giả dạng thiết bị, đồ vật thông thường.

4. Phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị là bất kỳ chương trình máy tính nào được tạo ra, giả dạng các phần mềm hệ thống, ứng dụng, tiện ích, công cụ khác hoặc được lập trình, viết thêm các mã lệnh vào các phần mềm hệ thống, ứng dụng, tiện ích hoặc phần mềm công cụ khác để bí mật quay phim, chụp ảnh, ghi âm, xác định vị trí của mục tiêu.

5. Mua bán thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị bao gồm hoạt động mua bán hàng hóa trong nước hoặc mua bán hàng hóa quốc tế dưới các hình thức xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập và chuyển khẩu thiết bị, phần mềm nêu trên.

6. Người chịu trách nhiệm về an ninh, trật tự của cơ sở kinh doanh là:

a) Người đại diện theo pháp luật, người quản lý cơ sở kinh doanh, chủ cơ sở kinh doanh có tên trong các văn bản quy định tại điểm d khoản 1 Điều 9 Nghị định này;

b) Người được những người quy định tại điểm a khoản này ủy quyền đứng tên trong Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự.

Điều 4. Nguyên tắc hoạt động và quản lý

1. Tuân thủ Luật Đầu tư, Nghị định này và các quy định khác của pháp luật có liên quan; bảo đảm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân.

2. Công khai, minh bạch trong công tác quản lý; tạo điều kiện thuận lợi và bảo đảm môi trường an ninh, trật tự ổn định để tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh có hiệu quả.

3. Chỉ cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội được sử dụng thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị phục vụ cho hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, phòng, chống tội phạm và nhiệm vụ quốc phòng.

Điều 5. Các hành vi bị nghiêm cấm

1. Hoạt động kinh doanh khi chưa được cấp hoặc bị thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự.

2. Lợi dụng hoạt động kinh doanh để thực hiện hành vi xâm hại đến an ninh, trật tự.

3. Cho mượn, cho thuê, mua bán Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự.

4. Làm giả giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự; làm giả hồ sơ, tài liệu để đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự; sửa chữa, tẩy xóa nội dung ghi trong Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự.

5. Cản trở hoặc không chấp hành công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm của cơ quan Công an hoặc cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.

6. Sử dụng thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị gây phương hại an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội.

7. Sản xuất, lắp ráp, vận chuyển, tồn trữ, mua bán, cho thuê, sửa chữa trái phép thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị.

8. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây khó khăn để không cấp hoặc cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự trái với quy định của Nghị định này; cản trở, gây phiền hà, xâm phạm quyền tự do kinh doanh của tổ chức, cá nhân; bao che các hành vi vi phạm pháp luật của người có liên quan đến hoạt động của cơ sở kinh doanh.

Chương II

ĐIỀU KIỆN VỀ AN NINH, TRẬT TỰ VÀ THỦ TỤC CẤP, ĐỔI, CẤP LẠI, THU HỒI GIẤY CHỨNG NHẬN ĐỦ ĐIỀU KIỆN VỀ AN NINH, TRẬT TỰ

Điều 6. Điều kiện về an ninh, trật tự

1. Được đăng ký, cấp phép hoặc thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam.

2. Người chịu trách nhiệm về an ninh, trật tự của cơ sở kinh doanh phải không thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Đối với người Việt Nam:

Đã bị khởi tố hình sự mà các cơ quan tố tụng của Việt Nam hoặc của nước ngoài đang tiến hành điều tra, truy tố, xét xử.

Có tiền án về các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc các tội khác do lỗi cố ý bị kết án từ trên 03 năm tù trở lên chưa được xóa án tích; đang trong thời gian được tạm hoãn chấp hành hình phạt tù; đang chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ; đang bị quản chế, cấm cư trú, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự theo quyết định của Tòa án.

Đang bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn; có quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính trong thời gian chờ thi hành quyết định; đang nghiện ma túy; đang được tạm hoãn, tạm đình chỉ chấp hành quyết định đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; đã bị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính nhưng chưa đủ thời hạn để được coi là chưa bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính;

b) Đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài mang hộ chiếu nước ngoài và người nước ngoài chưa được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp phép cư trú.

3. Đủ điều kiện về an toàn phòng cháy và chữa cháy theo quy định của pháp luật về phòng cháy và chữa cháy.

4. Chỉ các cơ sở kinh doanh sau đây mới được kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị:

a) Cơ sở kinh doanh thuộc Bộ Công an;

b) Cơ sở kinh doanh thuộc Bộ Quốc phòng phục vụ cho lực lượng Quân đội nhân dân;

c) Cơ sở kinh doanh không thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng được Bộ Công an có văn bản chấp thuận.

Không cấm nhà báo, người dân dùng thiết bị thông thường để
quay phim, chụp ảnh

Nghị định quy định điều kiện kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị không ảnh hưởng đến hoạt động tác nghiệp của nhà báo hay ghi nhận của người dân phản ánh xã hội. Nhà báo hay người dân hoàn toàn có thể sử dụng máy quay phim, chụp ảnh, ghi âm thông thường để tác nghiệp.

Sau khi Bộ Công an đăng tải dự thảo Nghị định quy định điều kiện kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị lên Cổng thông tin điện tử của Bộ Công an để lấy ý kiến rộng rãi ý kiến trong nhân dân từ ngày 7-4, đã xuất hiện các ý kiến băn khoăn về một số quy định tại dự thảo.

Có ý kiến lo ngại rằng, quy định tại khoản 3 Điều 4 dự thảo Nghị định "Chỉ cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội mới được sử dụng thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị phục vụ cho hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, phòng chống tội phạm và nhiệm vụ quốc phòng" sẽ gây ảnh hưởng đến quyền tác nghiệp của phóng viên hoặc quyền của người dân khi muốn tham gia điều tra tội phạm (như tham nhũng, thực phẩm bẩn...). Về vấn đề này, Bộ Công an có ý kiến như sau:

1. Quyền con người, quyền công dân phải được bảo đảm theo quy định của Hiến pháp năm 2013; trong đó Điều 21 Hiến pháp quy định: "Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình. Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn".

Vì vậy, các quy định của pháp luật phải tuân thủ nguyên tắc hiến định này. Việc ghi âm, ghi hình bí mật là xâm phạm đến các quyền nêu trên, do vậy, trong trường hợp cần điều tra tội phạm, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 đã quy định rất chặt chẽ về căn cứ, điều kiện, đối tượng chủ thể, thẩm quyền, thủ tục và sử dụng kết quả của việc ghi âm, ghi hình bí mật.

Khoản 1 Điều 223 Bộ luật này xác định ghi âm, ghi hình bí mật là biện pháp điều tra tố tụng hình sự đặc biệt, chỉ được áp dụng sau khi khởi tố vụ án hình sự về các tội xâm phạm an ninh quốc gia, tham nhũng, khủng bố, tài trợ khủng bố, rửa tiền, ma túy, các tội có tổ chức đặc biệt nghiêm trọng khác, phải do người có thẩm quyền tiến hành tố tụng của Cơ quan điều tra cấp tỉnh, cấp quân khu trở lên quyết định và phải được phê chuẩn của Viện kiểm sát có thẩm quyền.

Việc ghi âm, ghi hình bí mật chỉ được cơ quan chuyên trách trong Công an nhân dân, Quân đội nhân dân theo quy định của pháp luật tiến hành (Khoản 3 Điều 225 Bộ luật). Thông tin, tài liệu thu được từ hoạt động ghi âm, ghi hình bí mật chỉ được dùng để giải quyết vụ án. Bộ luật này còn nghiêm cấm sử dụng thông tin, tài liệu, chứng cứ thu thập được bằng các biện pháp nêu trên vào mục đích khác (khoản 1 Điều 227).

Như vậy, theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 thì chỉ có cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội trong Công an nhân dân, Quân đội nhân dân mới được tiến hành biện pháp ghi âm, ghi hình bí mật với sự kiểm soát chặt chẽ nhằm ngăn ngừa vi phạm quyền con người, quyền công dân.

Dự thảo Nghị định quy định điều kiện kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị quy định nguyên tắc "chỉ cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội mới được sử dụng thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị phục vụ cho hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, phòng chống tội phạm và nhiệm vụ quốc phòng" là phù hợp với quy định nêu trên của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 và bảo đảm thi hành Luật an ninh quốc gia năm 2004, Luật Công an nhân dân năm 2014 và Luật đầu tư năm 2014 (sửa đổi, bổ sung năm 2016) về quản lý ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự đối với tất cả các giai đoạn sản xuất, kinh doanh, vận chuyển, tồn trữ, trao đổi, sử dụng một cách chặt chẽ, có hiệu quả.

Về phạm vi điều chỉnh, Nghị định này quy định điều kiện về an ninh, trật tự, công tác quản lý nhà nước, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan và biện pháp thi hành đối với hoạt động kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị.

Từ phạm vi điều chỉnh cho thấy, Nghị định này không quy định hành vi ghi âm, ghi hình của người dân hay nhà báo mà chỉ quy định điều kiện về an ninh, trật tự, công tác quản lý nhà nước, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan và biện pháp thi hành đối với hoạt động kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị.

Do đó, Nghị định này không ảnh hưởng đến hoạt động tác nghiệp của nhà báo hay ghi nhận của người dân phản ánh xã hội. Nhà báo hay người dân hoàn toàn có thể sử dụng máy quay phim, chụp ảnh, ghi âm thông thường để tác nghiệp.

Đặc biệt, khái niệm về thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị được xác định trong Điều 3 của Nghị định này như sau: Thiết bị ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình là thiết bị ghi âm, ghi hình giấu trong đồ vật thông thường hoặc thiết bị ghi âm, ghi hình được giả dạng thiết bị, đồ vật thông thường.

Từ khái niệm trên cho thấy, thiết bị ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình là một loại thiết bị (không phải là máy quay phim, chụp ảnh, ghi âm thông thường hoặc điện thoại thông minh như Iphone, Samsung...người dân vẫn đang được phép sử dụng) mà chúng được thể hiện dưới hình dạng của các thiết bị, đồ vật thông thường (như cúc áo, bút viết, lọ hoa, kính mắt...).

Đây là các thiết bị thường bị lợi dụng để thu thập bí mật Nhà nước, xâm phạm quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình đã được pháp luật bảo đảm. Đối tượng có thể sử dụng thiết bị này để quay, ghi âm mà không có thể phát hiện trong cuộc họp có nội dung bí mật nhà nước; trong những nơi công cộng như nhà vệ sinh thậm chí cả trong những nơi riêng tư như phòng ngủ để thực hiện hành vi trái đạo đức, vi phạm pháp luật...

Do đó, Nghị định được thông qua sẽ là biện pháp phòng, chống nguy cơ mất an ninh, trật tự trong xã hội do tội phạm gây ra bằng việc sử dụng thiết bị ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị.

2. Các quy định nêu trên nhằm bảo đảm quyền con người, quyền công dân nên rõ ràng là sẽ hạn chế việc sử dụng thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị của tất cả các cơ quan, tổ chức, cá nhân và chỉ được tiến hành trong những điều kiện đặc biệt, phải tuân thủ quy định của pháp luật. Quy định của Hiến pháp năm 2013 phải được mọi người dân tuân thủ triệt để, không ngoại trừ người nào kể cả cán bộ Công an, Quân đội, phóng viên và mọi công dân. Việc soạn thảo Nghị định nêu trên là dựa trên nguyên tắc hiến định.

Hiện nay, dự thảo Nghị định đang trong quá trình lấy ý kiến rộng rãi trước khi trình Chính phủ xem xét, quyết định nên Bộ Công an rất mong muốn nhân dân, các cơ quan, tổ chức, các nhân tiếp tục tham gia ý kiến để hoàn chỉnh văn bản. Bộ Công an sẽ lắng nghe mọi ý kiến, kể cả trái chiều về các quy định trong dự thảo Nghị định để tiếp thu, sửa đổi, bổ sung, chỉnh lý cho phù hợp với Hiến pháp, pháp luật và đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Dự thảo Nghị định đã được xây dựng từ năm 2013 đến nay theo đúng trình tự của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, dự kiến trình Chính phủ thông qua trong thời gian tới và có hiệu lực thi hành từ 1-7-2017.

Đánh giá bài viết
1 72
Bạn có thể tải về tập tin thích hợp cho bạn tại các liên kết dưới đây.
0 Bình luận
Sắp xếp theo