Nghị định 159/2020/NĐ-CP quản lý người giữ chức vụ và người đại diện phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp

Nghị định 159/2020/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý người giữ chức danh, chức vụ và người đại diện phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Ngày 31/12/2020, Chính phủ ban hành Nghị định 159/2020/NĐ-CP về quản lý người giữ chức danh, chức vụ và người đại diện phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Cụ thể, trên cơ sở kết quả giới thiệu nguồn quy hoạch, đồng thời căn cứ vào tiêu chuẩn, điều kiện, cơ cấu, số lượng theo quy định, cơ quan tham mưu rà soát, tổng hợp, báo cáo tập thể lãnh đạo doanh nghiệp thỏa luận và bỏ phiếu kín quyết định nhân sự được quy hoạch cho từng chức danh và phải đảm bảo yêu cầu như sau: 01 chức danh phải quy hoạch từ 02-04 người, không quy hoạch 01 người cho 01 chức danh; Không quy hoạch 01 người vào quá 03 chức danh; Cơ cấu, độ tuổi phù hợp.

Nội dung Nghị định 159 năm 2020

CHÍNH PHỦ

___________

Số: 159/2020/NĐ-CP

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

_________________________

Hà Nội, ngày 31 tháng 12 năm 2020

NGHỊ ĐỊNH

Về quản lý người giữ chức danh, chức vụ và người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp

________________

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Doanh nghiệp ngày 17 tháng 6 năm 2020;

Căn cứ Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp ngày 26 tháng 11 năm 2014;

Căn cứ Luật Cán bộ, công chức ngày 13 tháng 11 năm 2008;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức ngày 25 tháng 11 năm 2019;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nội vụ;

Chính phủ ban hành Nghị định về quản lý người giữ chức danh, chức vụ và người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Chương I. QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định:

1. Đánh giá, quy hoạch, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, điều động, luân chuyển, từ chức, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật, nghỉ hưu đối với người giữ chức danh, chức vụ và Kiểm soát viên tại doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

2. Đánh giá, cử, cử lại, cho thôi đại diện phần vốn nhà nước, khen thưởng, kỷ luật, nghỉ hưu đối với người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước.

2. Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

3. Doanh nghiệp do Nhà nước nắm trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết; doanh nghiệp do Nhà nước nắm không quá 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết (sau đây gọi là doanh nghiệp có phần vốn nhà nước).

4. Người giữ chức danh, chức vụ tại doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ (sau đây gọi là người quản lý doanh nghiệp nhà nước), bao gồm:

a) Chủ tịch Hội đồng thành viên;

b) Chủ tịch công ty (đối với công ty không có Hội đồng thành viên);

c) Thành viên Hội đồng thành viên;

d) Tổng giám đốc;

đ) Giám đốc;

e) Phó tổng giám đốc;

g) Phó giám đốc;

h) Kế toán trưởng.

5. Kiểm soát viên tại doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ (sau đây gọi là Kiểm soát viên).

6. Người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp do Nhà nước nắm trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết và người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp do Nhà nước nắm không quá 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết (sau đây gọi là người đại diện phần vốn nhà nước).

7. Cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc quản lý, sử dụng người quản lý doanh nghiệp nhà nước, Kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Cấp có thẩm quyền là cấp có quyền quyết định:

a) Đánh giá, quy hoạch, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, điều động, luân chuyển, chấp thuận từ chức, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật, nghỉ hưu đối với người quản lý doanh nghiệp nhà nước, Kiểm soát viên;

b) Đánh giá, cử, cử lại, cho thôi đại diện phần vốn nhà nước, khen thưởng, kỷ luật, nghỉ hưu đối với người đại diện phần vốn nhà nước.

2. Cơ quan tham mưu là cơ quan làm công tác tổ chức cán bộ của cấp có thẩm quyền.

3. Tập thể lãnh đạo doanh nghiệp bao gồm Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty và cấp ủy cùng cấp.

4. Người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp là người do cơ quan đại diện chủ sở hữu cử làm đại diện một phần hoặc toàn bộ phần vốn Nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp để thực hiện toàn bộ hoặc một số quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ của cổ đông nhà nước hoặc thành viên góp vốn tại doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.

5. Kiểm soát viên là người thuộc thẩm quyền quản lý của cơ quan đại diện chủ sở hữu, được cơ quan đại diện chủ sở hữu bổ nhiệm, làm việc theo chế độ chuyên trách hoặc kiêm nhiệm.

Điều 4. Nguyên tắc quản lý người quản lý doanh nghiệp, Kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước

1. Bảo đảm sự lãnh đạo thống nhất của Đảng trong công tác quản lý, sử dụng người quản lý doanh nghiệp nhà nước, Kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

2. Bảo đảm tuân thủ đúng quy định của pháp luật về doanh nghiệp và pháp luật có liên quan.

3. Thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, phân định rõ trách nhiệm của tập thể và trách nhiệm cá nhân, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác cán bộ.

4. Trường hợp người quản lý doanh nghiệp nhà nước, Kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp kiêm nhiệm nhiều chức danh, chức vụ khác nhau phải bảo đảm không được xung đột lợi ích.

5. Trường hợp luật có quy định khác về quản lý, sử dụng người quản lý doanh nghiệp nhà nước, Kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước khác với quy định tại Nghị định này thì thực hiện theo quy định của luật đó.

Chương II. THẨM QUYỀN QUYẾT ĐỊNH VÀ KIÊM NHIỆM ĐỐI VỚI NGƯỜI QUẢN LÝ DOANH NGHIỆP, KIỂM SOÁT VIÊN, NGƯỜI ĐẠI DIỆN PHẦN VỐN NHÀ NƯỚC

Điều 5. Thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ

1. Quyết định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, điều động, luân chuyển, chấp thuận từ chức, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật, nghỉ hưu đối với Chủ tịch Hội đồng thành viên của doanh nghiệp thuộc thẩm quyền thành lập của Thủ tướng Chính phủ.

2. Quyết định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, điều động, luân chuyển, chấp thuận từ chức, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật, nghỉ hưu đối với Chủ tịch công ty mẹ Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội.

3. Quyết định bổ nhiệm Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước.

4. Có ý kiến trước khi bổ nhiệm đối với Tổng giám đốc doanh nghiệp thuộc thẩm quyền thành lập của Thủ tướng Chính phủ, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này.

Điều 6. Thẩm quyền của cơ quan đại diện chủ sở hữu

1. Đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thuộc thẩm quyền thành lập của Thủ tướng Chính phủ:

a) Quyết định đánh giá Chủ tịch Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty;

b) Quyết định quy hoạch Chủ tịch Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty sau khi có ý kiến của Bộ Nội vụ;

c) Quyết định đánh giá, quy hoạch, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, điều động, luân chuyển, chấp thuận từ chức, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật, nghỉ hưu đối với thành viên Hội đồng thành viên, Kiểm soát viên;

d) Có ý kiến trước khi Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty quyết định quy hoạch, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, điều động, luân chuyển, chấp thuận từ chức, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật, nghỉ hưu đối với Tổng giám đốc, Giám đốc, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 5 Nghị định này;

đ) Phê duyệt chủ trương theo đề nghị của Hội đồng thành viên về việc bổ nhiệm Phó Tổng giám đốc, Phó giám đốc.

2. Đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thuộc thẩm quyền thành lập của cơ quan đại diện chủ sở hữu:

a) Quyết định đánh giá, quy hoạch, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, điều động, luân chuyển, chấp thuận từ chức, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật, nghỉ hưu đối với Chủ tịch Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, thành viên Hội đồng thành viên, Kiểm soát viên;

b) Có ý kiến trước khi Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty quyết định quy hoạch, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, điều động, luân chuyển, chấp thuận từ chức, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật, nghỉ hưu đối với Tổng giám đốc, Giám đốc;

c) Phê duyệt chủ trương theo đề nghị của Hội đồng thành viên về việc bổ nhiệm Phó Tổng giám đốc, Phó giám đốc.

3. Đối với doanh nghiệp có phần vốn nhà nước:

Quyết định đánh giá, cử, cử lại, cho thôi đại diện phần vốn nhà nước, khen thưởng, kỷ luật, nghỉ hưu đối với người đại diện phần vốn nhà nước.

Điều 7. Kiêm nhiệm đối với người quản lý doanh nghiệp nhà nước, Kiểm soát viên và người đại diện phần vốn nhà nước

1. Việc kiêm nhiệm các chức danh, chức vụ khác của người quản lý doanh nghiệp nhà nước được quy định như sau:

a) Thành viên Hội đồng thành viên không được kiêm nhiệm các chức danh quản lý của doanh nghiệp mình, trừ trường hợp quy định tại điểm c khoản này;

b) Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc, Giám đốc, Kế toán trưởng không được kiêm nhiệm các chức danh quản lý của doanh nghiệp mình và các doanh nghiệp khác; Chủ tịch công ty có thể kiêm nhiệm Tổng giám đốc, Giám đốc doanh nghiệp mình nhưng không được kiêm nhiệm các chức danh quản lý của doanh nghiệp khác;

c) Trừ Chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên khác của Hội đồng thành viên có thể kiêm Tổng giám đốc, Giám đốc doanh nghiệp mình hoặc doanh nghiệp khác không phải là doanh nghiệp thành viên theo quyết định của cơ quan đại diện chủ sở hữu;

d) Phó Tổng giám đốc, Phó giám đốc được kiêm nhiệm các chức danh: Chủ tịch Hội đồng thành viên, Chủ tịch Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng quản trị, Chủ tịch công ty ở doanh nghiệp thành viên, nhưng không quá 03;

đ) Người quản lý doanh nghiệp nhà nước không là cán bộ, công chức, viên chức.

2. Việc kiêm nhiệm các chức danh, chức vụ khác của Kiểm soát viên được quy định như sau:

a) Trưởng Ban kiểm soát, Kiểm soát viên không được là người quản lý công ty và người quản lý tại doanh nghiệp khác; không được là Kiểm soát viên của doanh nghiệp không phải là doanh nghiệp nhà nước; không phải là người lao động của công ty;

b) Một cá nhân có thể đồng thời được bổ nhiệm làm Trưởng Ban kiểm soát, Kiểm soát viên của không quá 04 doanh nghiệp nhà nước.

3. Việc kiêm nhiệm các chức danh, chức vụ khác của người đại diện phần vốn nhà nước được quy định như sau:

a) Người đại diện phần vốn nhà nước chuyên trách chỉ được tham gia đại diện phần vốn nhà nước tại 01 doanh nghiệp;

b) Người đại diện phần vốn nhà nước không chuyên trách có thể tham gia đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp khác cùng cơ quan đại diện chủ sở hữu, nhưng không quá 03;

c) Người đại diện phần vốn nhà nước không được kiêm nhiệm đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp khác cơ quan đại diện chủ sở hữu;

d) Người đại diện phần vốn nhà nước không là cán bộ, công chức, viên chức.

Chương III. ĐÁNH GIÁ, XẾP LOẠI CHẤT LƯỢNG HÀNG NĂM ĐỐI VỚI NGƯỜI QUẢN LÝ DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC, KIỂM SOÁT VIÊN, NGƯỜI ĐẠI DIỆN PHẦN VỐN NHÀ NƯỚC

Điều 8. Xếp loại chất lượng

Người quản lý doanh nghiệp nhà nước, Kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước được đánh giá, xếp loại chất lượng hàng năm theo 4 mức độ: Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, hoàn thành tốt nhiệm vụ, hoàn thành nhiệm vụ, không hoàn thành nhiệm vụ.

Điều 9. Trách nhiệm đánh giá, xếp loại chất lượng

1. Hàng năm, cấp có thẩm quyền có trách nhiệm giao và xác định cụ thể các chỉ tiêu, nhiệm vụ công tác đối với Hội đồng thành viên, Kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước.

2. Cấp có thẩm quyền đánh giá, xếp loại chất lượng chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình.

Điều 10. Thời điểm đánh giá

1. Việc đánh giá người quản lý doanh nghiệp nhà nước, Kiểm soát viên được thực hiện hàng năm sau khi cơ quan đại diện chủ sở hữu công bố kết quả xếp loại doanh nghiệp theo quy định của pháp luật; việc đánh giá người đại diện phần vốn nhà nước được thực hiện sau khi công bố báo cáo tài chính hàng năm của doanh nghiệp.

2. Đối với người quản lý doanh nghiệp nhà nước, Kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước là đảng viên thì đánh giá, xếp loại chất lượng đảng viên trước; đánh giá, xếp loại chất lượng quản lý sau.

Điều 11. Căn cứ đánh giá, xếp loại chất lượng

1. Đối với người quản lý doanh nghiệp nhà nước căn cứ vào:

a) Điều lệ doanh nghiệp;

b) Quyền, trách nhiệm của người quản lý doanh nghiệp nhà nước theo quy định của pháp luật;

c) Chương trình, kế hoạch, chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao, phê duyệt hàng năm.

2. Đối với Kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước căn cứ vào:

a) Quyền, trách nhiệm của Kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước theo quy định của pháp luật;

b) Chương trình, kế hoạch, chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao, phê duyệt hàng năm;

d) Việc tuân thủ các quy định của điều lệ trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình.

Điều 12. Nội dung đánh giá

Nội dung đánh giá người quản lý doanh nghiệp nhà nước, Kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước bao gồm:

1. Kết quả hoạt động của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật và điều lệ doanh nghiệp;

2. Kết quả công tác của cá nhân:

a) Phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống; ý thức tổ chức kỷ luật; tác phơng, lề lối làm việc;

b) Chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước; pháp luật về phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; nội quy, quy chế của doanh nghiệp;

c) Kết quả thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ công tác được giao trong năm;

d) Kết quả khắc phục hạn chế, yếu kém đã được chỉ ra (nếu có);

đ) Việc chấp hành, tuân thủ chỉ đạo của cơ quan đại diện chủ sở hữu.

Điều 13. Trình tự, thủ tục đánh giá

1. Đối với người quản lý doanh nghiệp nhà nước:

a) Người quản lý doanh nghiệp nhà nước viết bản tự nhận xét, đánh giá theo nội dung, tiêu chí đánh giá và tự nhận mức độ xếp loại chất lượng;

b) Hội đồng thành viên họp nhận xét, đánh giá đối với người quản lý doanh nghiệp. Cuộc họp đánh giá, xếp loại chất lượng được ghi thành biên bản, trong đó nêu rõ thành phần tham dự, các ý kiến tham gia;

c) Lấy ý kiến bằng văn bản về đánh giá, xếp loại chất lượng người quản lý doanh nghiệp của cấp ủy cùng cấp;

d) Trên cơ sở ý kiến của cấp ủy cùng cấp, Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty xem xét, quyết định đánh giá, xếp loại chất lượng đối với người quản lý doanh nghiệp theo thẩm quyền hoặc báo cáo kết quả đánh giá, xếp loại chất lượng Chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty gửi cơ quan đại diện chủ sở hữu xem xét, quyết định.

2. Đối với Kiểm soát viên:

a) Kiểm soát viên viết bản tự nhận xét, đánh giá và tự nhận mức độ xếp loại chất lượng gửi đến cơ quan đại diện chủ sở hữu;

b) Căn cứ vào tiêu chí đánh giá, xếp loại chất lượng quy định tại Nghị định này và nhiệm vụ được giao theo kế hoạch hàng năm, cơ quan đại diện chủ sở hữu xem xét, quyết định mức xếp loại chất lượng đối với Kiểm soát viên.

3. Đối với người đại diện phần vốn nhà nước:

a) Người đại diện phần vốn nhà nước viết bản tự nhận xét, đánh giá theo nội dung, tiêu chí đánh giá và tự nhận mức độ xếp loại chất lượng gửi cơ quan đại diện chủ sở hữu;

b) Cơ quan đại diện chủ sở hữu lấy ý kiến nhận xét, đánh giá của Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Hội đồng quản trị đối với người đại diện phần vốn nhà nước (nếu cần);

c) Căn cứ vào tiêu chí đánh giá, xếp loại chất lượng quy định tại Nghị định này và nhiệm vụ được giao theo kế hoạch hàng năm, cơ quan đại diện chủ sở hữu xem xét, quyết định mức xếp loại chất lượng đối với người đại diện phần vốn nhà nước.

4. Kết quả đánh giá, xếp loại chất lượng được lưu vào hồ sơ và thông báo đến từng người quản lý doanh nghiệp nhà nước, Kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước.

Điều 14. Tiêu chí đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ

Người quản lý doanh nghiệp nhà nước, Kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước được đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ khi đạt được các tiêu chí sau:

1. Kết quả hoạt động của doanh nghiệp:

a) Đối với người quản lý doanh nghiệp nhà nước: Doanh nghiệp được xếp loại A theo quy định;

b) Đối với Kiểm soát viên: Doanh nghiệp được đánh giá chấp hành tốt các quy định của pháp luật, điều lệ doanh nghiệp, ý kiến chỉ đạo của cơ quan đại diện chủ sở hữu và cấp có thẩm quyền;

c) Đối với người đại diện phần vốn nhà nước: Doanh nghiệp chấp hành tốt các quy định của pháp luật, điều lệ doanh nghiệp, ý kiến chỉ đạo của cấp có thẩm quyền; hoàn thành từ 100% trở lên chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế và tỉ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu được giao theo kế hoạch, trừ trường hợp bất khả kháng hoặc do nguyên nhân khách quan được cơ quan đại diện chủ sở hữu chấp thuận.

2. Kết quả công tác của cá nhân:

a) Có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt; có lối sống lành mạnh; lề lối làm việc chuẩn mực;

b) Luôn gương mẫu, chấp hành tốt chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước; pháp luật về phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; điều lệ, nội quy, quy chế của doanh nghiệp;

c) Hoàn thành từ 100% trở lên các chỉ tiêu, nhiệm vụ công tác được giao trong năm, trừ trường hợp bất khả kháng hoặc do nguyên nhân khách quan được cấp có thẩm quyền chấp thuận;

d) Hoàn thành tốt việc khắc phục các hạn chế, yếu kém đã được chỉ ra (nếu có);

đ) Việc chấp hành, tuân thủ chỉ đạo của cơ quan đại diện chủ sở hữu đối với Kiểm soát viên và người đại diện phần vốn nhà nước.

Điều 15. Tiêu chí đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ

Người quản lý doanh nghiệp nhà nước, Kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước được đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ khi đạt được các tiêu chí sau:

1. Kết quả hoạt động của doanh nghiệp:

a) Đối với người quản lý doanh nghiệp nhà nước: Doanh nghiệp được xếp loại A theo quy định;

b) Đối với Kiểm soát viên: Đạt tiêu chí theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 14 Nghị định này;

c) Đối với người đại diện phần vốn nhà nước: Doanh nghiệp chấp hành tốt các quy định của pháp luật, điều lệ doanh nghiệp, ý kiến chỉ đạo của cấp có thẩm quyền; hoàn thành từ 90% trở lên chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế và tỉ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu được giao theo kế hoạch, trừ trường hợp bất khả kháng hoặc do nguyên nhân khách quan được cơ quan đại diện chủ sở hữu chấp thuận.

2. Kết quả hoạt động của cá nhân:

a) Đạt các tiêu chí quy định tại điểm a, điểm b, điểm d và điểm đ khoản 2 Điều 14 Nghị định này;

b) Hoàn thành từ 90% trở lên các chỉ tiêu, nhiệm vụ công tác được giao trong năm, trừ trường hợp bất khả kháng hoặc do nguyên nhân khách quan được cấp có thẩm quyền chấp thuận.

.........................................

Văn bản pháp luật này thuộc lĩnh vực Doanh nghiệp được HoaTieu.vn cập nhật và đăng tải, mời các bạn sử dụng file tải về để lưu làm tài liệu sử dụng.

Bạn có thể tải về tập tin thích hợp cho bạn tại các liên kết dưới đây.
Thuộc tính văn bản
Cơ quan ban hành:Chính phủNgười ký:Nguyễn Xuân Phúc
Số hiệu:159/2020/NĐ-CPLĩnh vực:Doanh nghiệp
Ngày ban hành:31/12/2020Ngày hiệu lực:Đang cập nhật
Loại văn bản:Nghị địnhNgày hết hiệu lực:Đang cập nhật
Tình trạng hiệu lực:
Đánh giá bài viết
1 818
Văn bản liên quan
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi