Kháng thể đơn dòng là gì?

Trong điều trị COVID-19 có đề cập tới liệu pháp kháng thể đơn dòng. Vậy kháng thể đơn dòng là gì? Ứng dụng liệu pháp kháng thể đơn dòng trong điều trị Covid19 như thế nào? Mời các bạn cùng tìm hiểu thêm về kháng thể đơn dòng trong nội dung sau đây của Hoatieu.

Mới đây FDA đã mở rộng cấp phép 2 kháng thể đơn dòng trị COVID-19 cho trẻ nhỏ. Tuy nhiên nhiều người vẫn chưa hiểu rõ về cơ chế hoạt động cũng như các tác dụng phụ của kháng thể đơn dòng.

Tin vui: Thuốc kháng thể dự phòng Covid-19 sắp về Việt Nam

Evusheld - thuốc kháng thể đơn dòng của AstraZeneca được Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế, cho phép nhập khẩu, tác dụng dự phòng trước phơi nhiễm Covid-19.

Đại diện Cục Quản lý Dược sáng 10/3 xác nhận thông tin cấp phép nhập khẩu Evusheld. Như vậy, đây là lần đầu tiên thuốc kháng thể đơn dòng dự phòng Covid được cấp phép nhập khẩu tại Việt Nam, dành cho người không mắc bệnh và có tác dụng phòng bệnh.

Thuốc kháng thể được phát triển từ kháng thể đơn dòng lấy ở những bệnh nhân đã hồi phục sau Covid-19. Hiện có hai loại thuốc kháng thể đã được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) phê duyệt. Một loại là thuốc kháng thể đơn dòng điều trị Covid. Tháng 9/2021, Bộ Y tế cho phép sử dụng thuốc kháng thể đơn dòng điều trị bệnh nhân Covid-19 từ 12 tuổi trở lên triệu chứng nhẹ đến vừa và có nguy cơ tiến triển nặng. Thuốc được chỉ định cho nhóm người cao tuổi, béo phì, bệnh tim mạch, tăng huyết áp, bệnh phổi mạn tính, đái tháo đường type 1 và type 2, bệnh thận mạn tính, gan mạn tính, suy giảm miễn dịch...

Loại thứ hai là thuốc kháng thể đơn dòng AZD7442 dự phòng Covid, tên gọi Evusheld, của AstraZeneca. Thuốc dự phòng này khá khan hiếm trên thế giới, hiện chưa có nhiều nghiên cứu về hiệu quả trên lâm sàng, ngoài công bố của nhà sản xuất.

Hiện chưa rõ số lượng lô hàng Evusheld đầu tiên về Việt Nam, cũng như thời điểm nhập khẩu, song dự kiến vào cuối tháng 3. Số thuốc này nằm trong hợp đồng Công ty Cổ phần vaccine Việt Nam (VNVC) mua 20.000 liều, ký kết với AstraZeneca ngày 2/11/2021. Thuốc sẽ được sử dụng tại hai bệnh viện Tâm Anh Hà Nội và Tâm Anh TP HCM, dùng bằng đường tiêm bắp sâu, một liều hai mũi tiêm cùng lúc, hiệu quả phòng bệnh trong 6 tháng.

Đại diện bệnh viện cho biết chi phí cho gói tiêm là hơn 19 triệu đồng, bao gồm: Thuốc, khám trước tiêm, tiêm, chăm sóc sau tiêm và các dịch vụ đi kèm. Hiện liệu pháp kháng thể đơn dòng dự phòng Covid-19 chưa có trong danh mục bảo hiểm y tế chi trả. Theo phó giáo sư Trần Quang Bính, Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, Evusheld "bảo vệ nhóm không thể tiêm chủng hoặc không sinh đủ miễn dịch sau tiêm vaccine Covid 19".

Thuốc kháng thể đơn dòng bảo quản ở nhiệt độ 2-8 độ C như vaccine thông thường. Theo nhà sản xuất AstraZeneca, Evusheld chứa hai kháng thể đơn dòng tác dụng kéo dài là tixagevimab và cilgavimab, lấy từ các bệnh nhân đã hồi phục sau nhiễm nCoV.

1. Kháng thể đơn dòng là gì?

Hiểu thêm về liệu pháp kháng thể đơn dòng trong điều trị COVID-19 - Ảnh 1.

Điểm yếu của kháng thể đơn dòng là mỗi loại chỉ tác dụng lên một phần kháng nguyên (epitope) duy nhất

Hệ thống miễn dịch của cơ thể tạo ra kháng thể như một cơ chế bảo vệ chống lại các "chất lạ" như vi khuẩn, virus… (hay còn gọi là kháng nguyên). Khi kháng thể liên kết với một kháng nguyên, chúng sẽ kích hoạt các bộ phận khác của hệ miễn dịch nhằm tiêu diệt những tế bào có chứa kháng nguyên (mầm bệnh xâm nhập).

TS. BS Trần Bá Thoại, Hội Nội tiết Việt Nam cho biết, kháng thể đơn dòng (mAbs hoặc moAbs) là những kháng thể được tạo ra bằng cách nhân dòng một tế bào bạch cầu duy nhất.

Như vậy, kháng thể đơn dòng là các bản sao giống hệt kháng thể nhắm vào một kháng nguyên cụ thể. Các nhà khoa học có thể tạo ra các kháng thể đơn dòng bằng cách cho các tế bào bạch cầu tiếp xúc với một loại kháng nguyên cụ thể. Sau đó, họ có thể chọn một tế bào bạch cầu đơn lẻ hoặc dòng nhân bản để tạo ra nhiều tế bào giống hệt nhau, tạo ra nhiều bản sao giống hệt nhau của kháng thể đơn dòng.

Khác với các kháng thể đa dòng, được tạo ra bởi một số dòng tế bào máu, có thể liên kết với nhiều phần kháng nguyên (epitope) khác nhau, các kháng thể đơn dòng chỉ có ái lực đơn dòng, liên kết với cùng một epitope được nó nhận diện mà thôi.

Hiện nay, các nhà khoa học có thể tạo ra các kháng thể đơn dòng liên kết đặc hiệu với hầu như bất kỳ chất, kháng nguyên nào đó. Vì thế, kháng thể đơn dòng đã trở thành một công cụ quan trọng trong hóa sinh, sinh học phân tử và y học…

2. Ứng dụng trong điều trị của liệu pháp kháng thể đơn dòng

Bản thân các phương pháp điều trị bằng kháng thể không phải là mới. TS. BS Trần Bá Thoại cho biết, các kháng thể đơn dòng đã được sử dụng trong điều trị:

-Ung thư: Dùng các kháng thể đơn dòng liên kết đặc hiệu với các kháng nguyên của tế bào ung thư và tạo phản ứn miễn dịch chống lại tế bào ung thư đích. Nhiều mAbs đã được FDA phê chuẩn gồm alemtuzumab, bevacizumab, cetuximab…

-Bệnh tự miễn: Các kháng thể đơn dòng sử dụng cho các bệnh tự miễn gồm: Infliximab và adalimumab trong bệnh viêm khớp dạng thấp, bệnh Crohn, viêm loét đại tràng và viêm cột sống dính khớp nhờ khả năng liên kết và ức chế TNF-α.

Basiliximab và daclizumab ức chế IL-2 trên các tế bào T được hoạt hóa và do đó giúp ngăn ngừa thải ghép cấp tính trong ghép thận. Omalizumab ức chế immunoglobulin E (IgE) ở người và rất hữu ích trong điều trị hen suyễn dị ứng từ trung bình đến nặng.

-Nhiễm virus: Một số kháng thể đơn dòng như bavituximab, palivizumab, casivimab, imdevimab….

3. Ứng dụng trong điều trị COVID-19

Cơ thể của phần lớn những người hồi phục sau COVID-19 tạo ra kháng thể chống lại virus SARS-CoV-2. Các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng những kháng thể này tồn tại ít nhất 5-7 tháng sau khi nhiễm bệnh.

Tuy nhiên, các nhà khoa học cũng có thể tạo ra các kháng thể này trong môi trường phòng thí nghiệm để truyền vào máu.

TS Trần Bá Thoại cho biết, bộ gen của SARS-CoV-2 mã hóa bốn protein cấu trúc chính là protein gai (S), protein vỏ (E), protein màng (M), nucleocapsid (N) và các protein phụ, protein phi cấu trúc.

Hiểu thêm về liệu pháp kháng thể đơn dòng trong điều trị COVID-19 - Ảnh 4.

Protein gai S lại có hai tiểu đơn vị là S1 và S2, là trung gian giúp virus gắn kết vào màng và xâm nhập vào tế bào vật chủ qua thụ thể ACE2.

Các kháng thể đơn dòng gắn vào protein S được dùng để điều trị COVID-19. Dữ liệu khoa học cho thấy, các kháng thể đơn dòng đóng vai trò ngăn ngừa lây nhiễm SARS-CoV-2.

Ở Mỹ, FDA đã cấp Giấy phép Sử dụng Khẩn cấp (EUA) cho ba kháng thể đơn dòng để điều trị các ca COVID-19 nhẹ đến trung bình và để giảm bệnh chuyển nặng, đó là: Bamlanivimab và etesevimab (là những kháng thể đơn dòng trung hòa liên kết với các phần kháng nguyên khác nhau chồng chéo trong protein gai S); casirivimab + imdevimab (là những kháng thể đơn dòng tái tổ hợp của người liên kết với các phần kháng nguyên của protein S) và sotrovimab (kháng thể đơn dòng này ban đầu được xác định vào năm 2003 từ một người sống sót sau SARS-CoV. Sotrovimab tác dụng lên phần kháng nguyên của protein S của cả SARS-CoV và SARS-CoV-2).

4. Tác dụng phụ tiềm ẩn

Liệu pháp kháng thể kết hợp có thể gây ra phản ứng quá mẫn, với các tác dụng phụ phổ biến nhất bao gồm các phản ứng liên quan đến truyền dịch và phản ứng dị ứng.

Các phản ứng liên quan đến truyền dịch bao gồm: Sốt, buồn nôn, ớn lạnh, mệt mỏi, đau ngực, đau đầu, huyết áp cao hoặc thấp, phát ban, chóng mặt.

Phản ứng dị ứng bao gồm phản vệ.

Khi gặp bất kỳ tác dụng phụ nào trong số này, bác sĩ cần cân nhắc việc giảm liều hoặc ngừng điều trị và chăm sóc thích hợp.

Điểm yếu của kháng thể đơn dòng là mỗi loại chỉ tác dụng lên một phần kháng nguyên (epitope) duy nhất của SARS-CoV-2 mà thôi. Do đó, tác dụng của các kháng thể đơn dòng nói chung là hạn hẹp. Các biến thể mới xuất hiện của SARS-CoV-2, có thể kháng lại một số kháng thể hiện có. Khi một đột biến làm thay đổi protein của virus, có thể dẫn đến một sự thay đổi đáng kể trong các kháng nguyên của virus, làm cho các kháng thể hiện có giảm hoặc không còn tác dụng.

Cách hiệu quả nhất để ngăn ngừa COVID-19 là tiêm vaccine và tiếp tục tuân thủ các biện pháp phòng ngừa như: Đeo khẩu trang, hạn chế tiếp xúc, giữ khoảng cách…

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên chuyên mục Phổ biến pháp luật của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
3 606
0 Bình luận
Sắp xếp theo