9/11 là ngày gì?

Trong quá trình xây dựng Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), theo đề xuất của Chính phủ, Quốc hội đã quyết định đưa vào Luật PBGDPL và chọn ngày 9-11 hàng năm là Ngày Pháp luật.

1. 9/11 là ngày gì?

Từ năm 2013, ngày 9/11 được lấy là ngày Pháp luật Việt Nam. Đây cũng là ngày diễn ra nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật nhằm nâng cao ý thức của người dân về việc tuân thủ, chấp hành pháp luật.

2. Lý do ngày 9/11 là ngày Pháp luật Việt Nam

Nếu như ngày 10/10 được lấy là ngày Luật sư Việt Nam do Sắc lệnh 46/SL về tổ chức đoàn thể luật sư được Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ban hành ngày 10/10/1945 thì ngày 09/11 được lấy là ngày Pháp luật Việt Nam bởi đây là ngày Hiến pháp đầu tiên của nước Cộng hòa xã hội Việt Nam được thông qua (ngày 09/11/1946).

Đến nay, Việt Nam đã có 05 bản Hiến pháp, bản Hiến pháp đang có hiệu lực là Hiến pháp năm 2013. Tuy vậy, ý nghĩa của ngày “khai sinh” ra bản Hiến pháp đầu tiên vẫn rất được trân trọng. Đó cũng chính là lý do Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012 quy định ngày 09/11 hàng năm là ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Điều 8 của Luật này cũng nêu rõ, ngày Pháp luật được tổ chức nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người và trong xã hội.

3. Ngày Pháp luật Việt Nam được tổ chức như thế nào?

Chính phủ đã ban hành riêng một Nghị định quy định về vấn đề này. Cụ thể, tại Nghị định 28/2013/NĐ-CP, Chính phủ quy định ngày Pháp luật có thể được tổ chức dưới các hình thức như: Mít tinh; Hội thảo; Tọa đàm; Thi tìm hiểu pháp luật; Tuyên truyền, phổ biến pháp luật lưu động, triển lãm và các hình thức khác theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp.

Như thông lệ, năm nay, ngày Pháp luật tiếp tục được tổ chức. Theo yêu cầu của Chính phủ, các hoạt động hưởng ứng ngày Pháp luật Việt Nam bao gồm: Vận động nhân dân nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật; Tuyên truyền, phổ biến các quy định của Hiến pháp, pháp luật thiết thực với đời sống của nhân dân; Giáo dục cán bộ, công chức, viên chức và người dân ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật…

4. Vai trò, ý nghĩa của “Ngày Pháp luật” đối với hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật

Có thể khẳng định “Ngày Pháp luật” sẽ là một hình thức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật rất hiệu quả, bởi pháp luật quy định cho “Ngày Pháp luật” được triển khai dưới nhiều hình thức khác nhau. Với các hình thức đa dạng “Ngày Pháp luật” sẽ giúp cho những chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước đến gần với người dân hơn và dễ dàng đi vào cuộc sống.

“Ngày Pháp luật” sẽ góp phần nâng cao nhận thức của người dân về vai trò của luật pháp trong đời sống xã hội và mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền của Đảng và Nhà nước ta.

Thông qua sinh hoạt “Ngày Pháp luật” sẽ phổ biến, tuyên truyền đến người dân những văn bản pháp luật mới ban hành. Bên cạnh đó, các cán bộ làm công tác tuyên truyền pháp luật còn giải đáp những thắc mắc của người dân liên quan đến các lĩnh vực pháp luật, từ đó giúp người dân hiểu được các quy định luật pháp và tuân thủ thực hiện. Bên cạnh đó, “Ngày Pháp luật” còn là cơ hội để người dân tham gia thể hiện sự hiểu biết của mình về pháp luật và có những góp ý tham gia vào công tác xây dựng luật,…Có thể khẳng định “Ngày Pháp luật” thực sự có ý nghĩa đối với hoạt động xây dựng chính sách, pháp luật.

“Ngày Pháp luật” được triển khai tại tất cả các tỉnh thành trong cả nước, từ các cơ quan Nhà nước cấp trung ương đến địa phương với nhiều hình thức phong phú, đa dạng: Mít tinh, hội thảo, tọa đàm, thi tìm hiểu pháp luật, tuyên truyền, phổ biến pháp luật lưu động, triển lãm,… thực sự sẽ trở nên gần gũi, thiết thực với các cán bộ, công chức, viên chức và toàn thể nhân dân, từ đó, giúp các cán bộ, công chức, viên chức và người dân dễ dàng tiếp cận, nắm bắt các quy định của pháp luật, tuân thủ và thực hiện pháp luật một cách nghiêm minh. Với ý nghĩa đó “Ngày Pháp luật” thực sự sẽ trở thành ngày thượng tôn pháp luật.

-Thượng tôn Hiến pháp và pháp luật:

Ngày Pháp luật được tổ chức hằng năm nhằm tôn vinh Hiến pháp và pháp luật, đề cao giá trị của Hiến pháp và pháp luật trong nhà nước pháp quyền, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội. Với ý nghĩa đó, trong ngày này, mọi tổ chức, cá nhân tập trung nghiên cứu, tìm hiểu pháp luật, góp phần đưa các quy định của pháp luật đi vào cuộc sống, từ đó lan tỏa sâu rộng để từ một ngày này góp phần để tất cả các ngày còn lại trong năm đều là Ngày pháp luật.

- Xây dựng niềm tin, tình cảm, thái độ, hành vi ứng xử phù hợp với qui định của Hiến pháp và pháp luật:

Pháp luật của nước ta đảm bảo nguyên tắc công bằng, minh bạch, ghi nhận, bảo vệ, bảo đảm quyền, lợi ích cho mỗi cá nhân và sự hài hòa các loại lợi ích trong xã hội. Ngày pháp luật được tổ chức nhằm tôn vinh Hiến pháp và pháp luật; xây dựng niềm tin,tình cảm, thái độ, hành vi ứng xử phù hợp với qui định của hệ thống pháp luật, ý thức bảo vệ pháp luật của toàn dân.

- Đề cao giá trị con người nhân cách tạo nên sự bền vững của ý thức pháp luật của kỷ cương, phép nước

Ngày pháp luật được tổ chức nhằm đề cao giá trị con người, xây dựng nhân cách; đề cao ý thức làm chủ, tôn trọng kỷ luật, tự do trong khuôn khổ pháp luật; coi trọng các giá trị đạo đức tốt đẹp; ý thức trách nhiệm, nghĩa vụ công dân, lòng yêu nước, xây dựng lối sống, nếp sống văn hóa; bồi dưỡng ý thức và năng lực phát huy giá trị văn hóa dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại là những điều kiện quan trọng góp phần hình thành con người về mặt tâm hồn, nhân cách, để mỗi con người tự ý thức về mình, về cộng đồng, về dân tộc, về đất nước. Đây chính là yếu tố tạo nên sự bền vững của ý thức pháp luật, kỷ cương, phép nước, cùng tích cực hành động vì một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

- Nâng cao hiệu quả xây dựng, phổ biến giáo dục pháp luật và thi hành pháp luật, đáp ứng yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân:

Bản chất của nhà nước pháp quyền chính là tính thượng tôn pháp luật trong tổ chức đời sống kinh tế xã hội của mỗi quốc gia. Nhà nước pháp quyền đòi hỏi một hệ thống pháp luật hoàn thiện, bao gồm tính thống nhất, ổn định, minh bạch, dân chủ và công bằng. Tổ chức Ngày pháp luật Việt Nam góp phần đáp ứng các yêu cầu trên và hình thành một trong những điều kiện quan trọng, thúc đẩy tiến trình xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.

Xây dựng nhà nước pháp quyền đòi hỏi việc nâng cao mạnh mẽ nhận thức pháp luật của cán bộ, nhân dân, thể hiện thái độ của các thành viên trong xã hội đối với kỷ cương pháp luật, là sự đánh giá và ghi nhận tính công bằng của pháp luật. Pháp luật chỉ có thể trở thành công cụ điều chỉnh tốt nhất hành vi khi được chấp nhận; chấp hành một cách tự nguyện, thực sự trở thành nhu cầu tự thân, có ý thức của mỗi người. Bởi thế, phổ biến giáo dục pháp luật được coi là khâu đầu tiên của việc thi hành pháp luật, là cầu nối để đưa pháp luật vào đời sống. Ngày pháp luật được tổ chức nhằm động viên toàn dân đoàn kết, nâng cao nhận thức, ý thức pháp luật, tự giác chấp hành Hiến pháp và pháp luật, tích cực tham gia bảo vệ pháp luật.

Đối với việc thi hành pháp luật, tổ chức Ngày pháp luật nhằm động viên toàn xã hội thi hành pháp luật nghiêm minh, công bằng, thống nhất, kiên quyết đấu tranh phòng chống tội phạm, tham nhũng, quan tâm giải quyết khiếu nại, tố cáo; xây dựng nền hành chính trong sạch; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động hành chính, từ đó nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật, khả năng thực thi pháp luật trong mọi hoạt động quản lý nhà nước, hoạt động kinh tế xã hội và sinh hoạt hằng ngày của nhân dân.

- Hướng tới xây dựng nền văn hóa pháp lý:

Văn hóa pháp luật rất hiện hữu, được thể hiện hàng ngày ở tất cả các lĩnh vực hoạt động của nhà nước, cá nhân và xã hội, trong nội dung, thực hành, áp dụng Hiến pháp, pháp luật, trong tất cả những vấn đề liên quan đến con người, quyền , tự do, trách nhiệm của con người. Để hình thành nền văn hóa pháp luật, nâng cao trình độ văn hóa cần phải xây dựng lối sống theo pháp luật. Lối sống pháp luật thể hiện một trạng thái thường xuyên, thường ngày, được tạo lập từ thói quen ứng xử theo pháp luật của con người ở mọi nơi, mọi lúc, mọi hoàn cảnh, không đơn thuần chỉ là một hành động nhất thời khi có áp lực từ bên ngoài. Lối sống theo pháp luật đòi hỏi trình độ nhận thức pháp luật, nhận thức vì sự cần thiết và giá trị xã hội của pháp luật từ phía các cá nhân; ý thức tự nguyện từ những lợi ích, từ mức độ hài lòng của dân chúng vào hệ thống pháp luật mà họ được thụ hưởng, từ thái độ, tình cảm của con người đối với pháp luật. Ngày pháp luật được tổ chức với ý nghĩa đó.

Để “Ngày Pháp luật” được triển khai thống nhất, hiệu quả trong cả nước, ngày 25/9/2013, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Công văn số 6902/BTP-PBGDPL về việc tổ chức thực hiện “Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” năm 2013. Theo đó, Bộ Tư pháp hướng dẫn thực hiện “Ngày Pháp luật” năm 2013 với chủ đề “Toàn dân xây dựng, thi hành và bảo vệ Hiến pháp vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” và các khẩu hiệu bao gồm: “Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”; “Hưởng ứng Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ”; “Nghiêm chỉnh chấp hành Hiến pháp, pháp luật là bảo vệ chính bạn, gia đình bạn và xây dựng xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”; “Thực hiện pháp luật là quyền và nghĩa vụ của mọi công dân”; “Tôn trọng và chấp hành pháp luật là nét đẹp văn hóa của mỗi người dân”; “Cán bộ, công chức, viên chức gương mẫu chấp hành và bảo vệ pháp luật”.

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên chuyên mục Tài liệu của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
1 625
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi